Tiễn chân Kỷ Ca xong, Lâm Xuân Tư về phòng trọ thu dọn đồ đạc còn sót lại.
Cậu nhìn căn phòng đã gắn bó gần bốn năm, bỗng có một cảm giác bãi bể hóa nương dâu.
Giấy dán tường bạc phếch thấm nước, trần nhà nứt nẻ, giường bên bừa bộn giờ chỉ còn bộ khung chỏng chơ.
Cậu kéo Phó Yến ngồi xuống giường mình, bồi hồi nhìn gian bếp nhỏ.
“Em và hắn cùng nhau lên đây để ôn thi đại học.
Kỷ Ca thi rớt hai lần nhưng không nản chí.
Hắn luôn rất nỗ lực để xứng với Tần Mộ.
Khoảng thời gian đó chúng em có đủ loại kỷ niệm.
Hắn thức khuya làm đề, em đặt báo thức liên tục để kịp giục nếu hắn ngủ quên.
Có những hôm Kỷ Ca học nhọc quá, em thay hắn đi làm thêm, về nhà lại bưng cơm rót nước cứ như thành mẹ hai của hắn rồi.
Có khi cả hai đứa đều bị bệnh, lảo đảo dắt díu nhau đi bệnh viện.
Mệt lắm, đôi lúc rất cáu nhưng vui lắm.
Lúc biết hắn đỗ đại học, em vui sướng chẳng khác gì mình thi đỗ.
“Tuy em chưa được tốt nghiệp, cũng bỏ lỡ cơ hội thi đại học, nhưng lúc Kỷ Ca ôn thi, em cảm nhận được san sẻ phần nào thời thanh xuân muộn màng ấy.
Hắn trông nóng nảy vậy thôi chứ lúc em có chỗ kiến thức thắc mắc, hắn cũng kiên nhẫn giải thích cho em.
Chúng em đã sống với nhau, học với nhau, vui buồn cùng nhau…”
Lâm Xuân Tư thấy sống mũi cay cay, ôm bả vai Phó Yến: “Em và hắn như thể tay chân…!Phó Yến à, Kỷ Ca cũng ra đi vì ước mơ của hắn rồi.
Ở nơi này, em chỉ còn có anh.”
Tiếng nói thổn thức.
Cậu hôn tay anh, năm ngón tay luồn vào kẽ tay đến kín kẽ không rơi một hạt cát: “Phó Yến…!nếu ngày nào đó anh muốn rời xa em, nhớ phải nói trước với em một tiếng.”
Phó Yến có chút giận dữ vô cớ siết chặt tay cậu, nghiến từng chữ: “Lâm Tinh Tinh, mặc kệ em tin hay không, tôi sẽ không buông tay em.”
Lâm Xuân Tư khẽ hôn anh, không đáp lại là có tin hay không.
Cậu mang đồ ra cất vào cốp xe thì thấy hai đứa trẻ nhà thợ may đang nhìn theo.
Cô bé Phương Hòa đi ra, ủ rũ hỏi: “Anh Tinh Tinh sẽ đi ạ?”
Cậu em Phương Kỳ cầm con quay bằng gỗ ngồi ở thềm, mặt mày mếu xệch.
Lâm Xuân Tư dắt tay bé gái đi đến trước bé trai, xoa đầu hai đứa: “Đúng vậy, anh phải đi rồi.”
Cậu bé liền khóc òa lên: “Không! Không cho anh đi! Anh Kỷ Ca đi mất rồi! Không còn ai chơi với em nữa!”
Chị Phương hớt hải chạy ra, vừa trách móc vừa dỗ con.
Ông bác Trần bụng bia hay đập tường ồm ồm nói: “Bay đi rồi thì ai tưới tiêu giàn thiên lý? Tao thấy chỉ có mày tưới thì hoa mới ưng hay sao đấy, người khác tưới thì nó chê.
Thôi, về sau hết hoa để ngắm rồi.”
Tiếng thở dài thôi… ấy vờn qua đáy lòng Lâm Xuân Tư.
Cậu ngẩng đầu nhìn tán dương sum sê, nắng vàng xuyên qua kẽ lá, lỗ chỗ rơi xuống tấm chiếu rách của bà cụ Phạm đang giã thuốc.
Lá tươi hắt ánh xanh ngọc lên bức tường xám bám rêu.
Giàn thiên lý đung đưa trong gió, hương lan tỏa.
Cậu vẫy tay gửi lời giã biệt: “Lâm Xuân Tư phải đi đây nhưng mùa xuân vẫn sẽ còn trở lại với mọi người!”
Buồn vui gửi lại chốn này.
Tôi mang tình yêu tiến về phía trước.
Phó Yến đứng trên vỉa hè của cửa hàng rượu, nơi văng vẳng bài thánh ca da diết, dùng thanh âm nhẹ như sương rơi trên lá, dịu dàng gọi tên cậu.
Nơi khoảng trời rộng chưa đến ba mét mà người ta khó thấy được một vì sao ấy, một ngôi sao sáng của bọn họ đã rời xa.
Và gốc cây dương vẫn tiếp tục lặng lẽ rợp bóng che chở các phận đời nghèo khó ấy, chứng kiến người tới người đi, người thinh lặng già cỗi…
Hôm nay là cuối tuần, Phó Yến nghỉ lớp học làm gốm để đưa chàng trai của mình đi chọn thảm trải sàn theo lời hứa, đồng thời xem qua một số nội thất trang trí nhà cửa.
Lâm Xuân Tư thích màu xám và xanh sẫm, đặc biệt hứng thú với dụng cụ làm bếp.
Hai người đàn ông thảo luận ở góc bếp núc rồi đi lựa rèm cửa có vẻ hơi kỳ cục.
Song, cùng nhau sắm sửa cho ngôi nhà làm họ rất có hương vị tân hôn.
Phó Yến ôm đồ đạc vào căn hộ trước, đặt xuống, rồi quay lại dang tay với chàng trai của mình: “Lâm Xuân Tư, mừng em về nhà!”
Nụ cười của anh tươi đẹp đến rộn rã lòng Lâm Xuân Tư.
Cậu cũng đặt đồ xuống rồi thả mình vào vòng tay anh: “Vâng!”
Hai người say đắm nhìn nhau rồi trao nụ hôn triền miên.
Cậu gác cằm lên vai anh, cười: “Nói lại em nghe câu vừa rồi.”
“Lâm Xuân Tư, mừng em về nhà.” Giọng anh mềm hơn cả lúc nãy.
“Lại lần nữa.”
“Lâm Xuân Tư, mừng em về nhà.”
“Lần nữa.” Cậu riết lấy anh như muốn khảm vào xương cốt.
Ngón tay cố tình mân mê nốt ruồi trên vành tai cậu, Phó Yến bông lơn: “Chồng ơi, mừng em về nhà.”
Vành tai Lâm Xuân Tư lập tức đỏ bừng, anh có thể cảm nhận được nhịp tim từ lồng ngực đối diện tăng tốc.
“Chồng ơi.” Anh ngân dài giọng.
“Ừm.” Lâm Xuân Tư đáp lại, trong mắt ánh nước.
Từ bây giờ, nơi này chính là nhà của cậu.
Lâm Xuân Tư đổi rèm cho ban công, rồi lắp một giàn dây leo để trồng dây thiên lý.
Cậu vun xới đất rồi gieo hạt.
Phó Yến rất thích thảm mới, vừa mềm vừa ấm khiến người ta muốn dẫm lên cả ngày, lấy quần áo mới mua cho cậu, ngồi xếp bằng trên thảm gấp đồ.
Lâm Xuân Tư tháo găng tay dính đất, vuốt mồ hôi đi vào rửa, thấy Phó Yến đang gấp quần áo.
Anh hơi cúi đầu, phần thân trên hứng nắng ẩn hiện dưới lớp áo mỏng, tóc tơ hôn lên cái gáy yêu kiều.
Cậu nuốt nước bọt, giật cả mình, vội quay đi che giấu ý nghĩ đáng thẹn.
Đúng là gặp sắc liền nổi lòng tham.
Lúc Lâm Xuân Tư hất đủ nước lạnh cho nguội đầu đi ra, chợt thấy Phó Yến cầm cello và ghế đặt trước cửa sổ sát đất.
Anh ngồi xuống, thanh lịch kẹp đàn vào giữa đầu gối.
Cây vĩ và ngón tay xinh đẹp đặt lên vị trí.
Lâm Xuân Tư đứng yên tại chỗ, thưởng thức màn độc tấu.
Tiếng của cello như lời thầm thì trong cơn yêu say đắm suốt năm canh.
Quyện với dư âm vờn qua cõi lòng.
Âm thanh thật động lòng người.
Vĩ hạ xuống.
Khi đôi tay anh run lên, chúng vẫn thấm đẫm mỹ cảm.
Cái đẹp đó như một loại trái cấm, dù có độc nhưng đầy mê hoặc.
Phó Yến đan đôi tay run rẩy vào nhau, mỉm cười nhìn cậu tiến lại: “Tặng em.
Về sau tôi sẽ luyện tập ở chỗ này.”
Lâm Xuân Tư quỳ một gối hôn lên mu bàn tay anh: “Trước khi chính thức sống chung, Công chúa còn tật xấu gì chưa tiết lộ không? Nên thành thật khai ra để được khoan hồng.
Nếu đợi em phát hiện thì anh xong rồi.”
“Em cứ như một bà vợ khó tính vậy.”
“Em là gì cơ?” Cậu nâng giọng.
Phó Yến vòng tay ôm gáy chàng trai, vò vò tóc mai mềm mại, gọi yêu: “Chồng ơi…”
Có một câu chuyện cổ tích.
Công chúa say đắm Kỵ sĩ đến nỗi một nốt ruồi nhỏ bé cũng làm nàng đau đáu nhớ nhung.
Chu sa trên vành tai là lửa cháy trong lòng, người ở trước mắt là vết khắc trong tim.
Nguyện làm bề tôi dưới thân em…
Lâm Xuân Tư tắm gội sạch sẽ rồi đặt mông ngồi xuống thảm lông, gác khuỷu tay lên sofa khều ai kia nằm cuộn tròn: “Anh buồn ngủ thì vào phòng đi, hay muốn em bế vào phòng?”
Phó Yến lười biếng đáp: “Muốn ở đây.”
“Phó Yến, nằm đây không thoải mái, còn dễ bị cảm.
Nghe lời em.”
“Vậy thì…!em ôm tôi đi.”
Cậu đành ngồi lên ghế ôm anh vào lòng, thấy khóe môi anh khẽ cong, thật muốn cắn một cái.
Nhắm đã tới giờ Kỷ Ca hạ cánh, Lâm Xuân Tư liền gửi một tin nhắn: Hoan nghênh Kỷ Đại Ca đến với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ!
– Chúc mày tiền đồ như gấm, một đường nở hoa!
Kỷ Ca rồi gửi trả cậu nguyên câu đó, thêm được ba chữ phía sau: Mày cũng vậy.
– Chúc chúng ta có ngày trùng phùng, mặt mày vẻ vang!
– Dù là bắc bán cầu hay nam bán cầu, chúng ta đều phấn đấu quên mình!
Lâm Xuân Tư bật cười, dường như thực sự nghe thấy giọng điệu của Kỷ Ca khi nói ra hai câu này.
Phó Yến dựa vào vai cậu thiếp đi, bờ mi cụp xuống, đuôi mắt phiếm hồng.
Cậu vuốt ve gò má anh, thầm thì: “Chúc anh và em viên mãn tròn đầy, tươi đẹp như xuân.”
Tháng tư chóng vội trôi qua, tiết trời chớm vào hạ.
Chứng dị ứng của Phó Yến lại bắt đầu tác quái.
Lúc anh đi tái khám thì tình cờ gặp ngài Phùng đang ngồi đợi kết quả kiểm tra.
Phùng Kính thấy anh, hỏi: “Khám dị ứng?”
Phó Yến gật đầu: “Còn ông bị sao?”
“Gần đây buổi tối hay ho khan, bị mẹ cậu bắt đi kiểm tra.”
Nói xong, ông che miệng ho khùng khục.
“Tôi đã nói ông bớt hút thuốc lại.”
Phùng Kính nhún vai: “Còn cậu thì bớt than phiền giúp tôi.”
Sau khi nhận kết quả, mặc dù các loại kiểm tra đều không có vấn đề nhưng bác sĩ khuyên Phùng Kính nên cai thuốc lá.
Tuy nhiên ông vừa đặt chân ra bãi xe liền mồi lên một điếu, hoàn toàn ném lời bác sĩ dặn ra sau đầu.
“Vẫn còn qua lại với cậu kia hửm?”
Phó Yến bông lơn đáp: “Ừ, ông sắp có cháu rồi đấy.”
Phùng Kính sặc khói thuốc, nhướn mày: “Cháu? Cậu sinh hay cậu kia sinh?”
Phó Yến cong cong khóe mắt đáp lại.
Ông có thể nhìn ra đó là một nụ cười rạng rỡ dù bị khẩu trang che chắn.
Có vẻ mối quan hệ lần này của anh con riêng tiến triển thuận lợi.
Nghe như tính toán chuyện hôn nhân luôn rồi vậy.
Phùng Kính búng tàn thuốc: “Thế, dự chừng nào thì ra mắt mẹ cậu? Để tôi còn chuẩn bị tinh thần.”
Ý cười trong mắt Phó Yến phai nhạt.
Ngài Phùng tiếp: “Nếu cậu thực sự làm cho cậu kia sinh được thì tôi nghĩ ông nội cũng sẽ vui vẻ chuẩn bị sính lễ cưới hỏi.”
Phó Yến mở cửa xe, cụp mắt nói: “Ông nội biết rồi.”
“Khụ, khụ!” Phùng Kính sặc khói lần nữa, chau mày dứt khoát vứt điếu thuốc đi, chưa kịp hỏi tiếp thì anh con riêng đã đóng cửa xe.
Lâm Xuân Tư nhận được tin nhắn của anh: Tôi đã uống thuốc nhưng mũi vẫn khó chịu.
Nhớ em quá đi.
Cậu reply: Phó Yến, hai tiếng trước chúng ta vừa hôn nhau.
– Tôi thích nhớ em.
– Khó chịu, không muốn làm việc..
Lâm Xuân Tư: Anh mà hết tiền thì em bỏ theo người ta đấy.
Chờ một lúc không thấy hồi âm, cậu đang nghĩ mình làm anh dỗi rồi thì thấy tin nhắn mới:
– Tiền của tôi đều đã gửi em giữ.
Hiện tại tôi đang rất nghèo.
Lâm Xuân Tư: “…” Em thua anh.
– Phó Yến, em yêu anh.
Em sẽ càng yêu anh hơn nữa khi anh chăm chỉ làm việc.
Phó Yến mãn nguyện đặt điện thoại xuống, tâm trạng xám xịt vì chứng dị ứng được cải thiện đáng kể, gọi cấp dưới phạm lỗi đi vào.
Bạn cấp dưới kia sẽ không bao giờ biết là mình vừa được vợ sếp gỡ gạc một bàn thua trông thấy.
Mỗi lần chụp hình tạp chí, Lâm Xuân Tư đều thấy buồn ngủ, ngồi tẩy trang mà hai mắt cứ díu vào nhau.
Lên xe là cậu ngả đầu ngủ luôn.
Lúc tỉnh dậy, cậu vẫn đang ngồi trong xe, trên người đắp áo khoác của Phó Yến.
Cậu dụi mắt, thấy anh đứng dựa vào xe nghe điện thoại, trên tay kẹp một điếu thuốc.
Phó Yến nghe tiếng gõ cửa kính, nhìn xuống, thấy chàng trai của mình chỉ vào điếu thuốc.
Anh mỉm cười ngắt máy, dụi tắt thuốc rồi về xe nhéo mũi cậu: “Chồng nhỏ khó tính.”
“Công việc à anh?” Lâm Xuân Tư vươn vai.
“Ừ.” Anh sờ đầu cậu: “Kiểu tóc này hợp với em lắm.
Siêu đẹp trai.”
Cậu đắc chí: “Cho phép anh chụp một bô làm của riêng.”
Thời gian này Lâm Xuân Tư đang tập lái xe bốn bánh, đến lúc sắp thi lấy bằng, Phó Yến hỏi cậu: “Có bằng rồi thì em muốn lái Ferrari hay Bentley?”
“…!Em không dám lái cả hai.”
“Vậy mua chiếc mới.”
“Em tưởng anh đang nghèo?” Cậu chợt sáp lại, thì thầm: “Em chưa cần xe đâu.
Em lái anh là được rồi.”
Phó Yến nhéo cằm cậu: “Nhóc hư hỏng.”
Động lực khiến Lâm Xuân Tư muốn học lái xe hơi là vì tửu lượng của anh kém quá, mà công việc thì khó tránh khỏi tiệc rượu xã giao nên cậu muốn có bằng để tự mình đón anh.
Đến trước thang máy, có một người đàn ông đứng hút thuốc.
Ông ta đi về phía hai người, quét mắt từ đầu xuống chân Lâm Xuân Tư.
Phó Yến kéo cậu tránh khỏi khói thuốc, hỏi: “Ông tới đây làm gì?”
Phùng Kính dụi thuốc: “Nếu tôi không đến, mẹ cậu sẽ đến.”
Rồi ông đưa tay với Lâm Xuân Tư: “Tôi là dượng của anh kia.
Phùng Kính.
Cậu Lâm phải không?”
“Vâng ạ.” Lâm Xuân Tư vội bắt tay ông.
Cậu nhớ chị Ninh nói ba kế của Phó Yến là thanh tra, vô thức cảm thấy áp lực.
Tuy nhiên, ông ấy không tỏ thái độ bất ngờ khi thấy họ đi với nhau, cũng không đề cập đến quan hệ giữa cả hai, hỏi anh: “Muốn tôi về nói với mẹ cậu như thế nào?”
Phó Yến trả lời: “Đã ngừng hẳn thuốc.”
“Vậy thôi?”
“Vậy thôi.”
Đoạn đối đáp này lạ quá, Lâm Xuân Tư không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Phùng Kính lại nhìn chàng trai đang đứng đực một bên.
Lâm Xuân Tư có thể cảm thấy ông ấy xét nét mỗi một chi tiết trên khuôn mặt mình, ánh mắt thâm thúy dời xuống vai, đến cánh tay nhẵn nhụi của cậu.
Cuối cùng, ông ấy hỏi: “Cậu năm nay bao nhiêu?”
“Hai mươi ba ạ.”
“Nhỏ hơn cậu ta hơi nhiều.” Phùng Kính bỏ lại một lời không rõ ý rồi đi về.
Sau khi vào nhà, Lâm Xuân Tư vẫn rất bối rối.
Nhân vật trong ngành cảnh sát thường làm người ta cảm thấy áp lực, Phùng Kính lại là thân nhân của Phó Yến nên cậu không gạt được những suy nghĩ xoay quanh lời ông ấy nói.
Có phải ý của bác ấy là cậu chưa đủ trưởng thành không? So với Phó Yến thì cậu còn non quá sao? Với lại bác ấy không có ý kiến gì với việc cậu và anh bên nhau chăng?
Phó Yến đang luyện đàn, thấy Lâm Xuân Tư chống cằm trừng laptop, đoán ra tâm sự trong lòng cậu, nói: “Em đừng lo nghĩ nữa.
Dượng lúc nào cũng nói chuyện vu vơ.”
“Anh với bác…!không thân lắm ạ?”
“Ừm.”
Lâm Xuân Tư không nói gì nữa.
Nắng hạ càng chói chang thì kỳ hạn hợp đồng của thầy Trịnh cũng càng gần, không khí ở phòng làm việc yên ắng hơn rất nhiều, các nhân viên len lén bàn tán xem sau này mình sẽ bị phân đi đâu.
Cậu đi trên hành lang thì gặp một anh thanh niên, trên vành tai có đeo máy trợ thính.
Cậu và anh ta cùng lúc đưa tay mở cửa.
Va nhau, anh ta liền rụt tay, ngại ngùng làm cử chỉ mời.
Bước vào phòng, anh ta cười gọi: “Thầy ơi.
Em đến rồi.
Đúng giờ luôn nhé.”
Trịnh Minh Sư xoay người quẳng cho Hàn Ký Thanh một xấp nhạc phổ: “Trả hết đống nợ cậu vứt lại chỗ này đi.”
Hàn Ký Thanh ngó rồi cười gượng: “Thầy, vầy thì khó cho em quá.
Ba năm rồi, sao em còn nhớ hồi đó mình viết gì? Với lại, tai em…”
Trịnh Minh Sư chỉ vào Lâm Xuân Tư: “Cậu học trò của tôi đó, cần giúp cứ dùng.”
Lâm Xuân Tư thân thiện đưa tay: “Chào anh ạ.”
Hàn Ký Thanh cười tươi bắt tay cậu: “Cậu là vị cứu tinh của tôi đấy.
Với đám này mà làm một mình thì tôi sụn lưng mất.”
Cậu vẫn cười, ánh mắt dời lên thiết bị trợ thính của anh ấy.
Thầy Trịnh đột ngột nói thêm: “Ký Thanh, tiện thể thì cho cậu học trò ngây ngô của tôi biết lý do tại sao tai cậu suýt điếc.”
Câu nói đó làm Lâm Xuân Tư hơi mất tập trung trong khi làm việc.
Ký Thanh nhận ra, duỗi vai dựa vào ghế nói: “Nhóc Lâm, cậu là bạn với anh Yến à?”
“Dạ…” Cậu bứt rứt bồi thêm: “Cực kỳ thân ạ.”
Ký Thanh phì cười: “Đừng nói với tôi cậu là người yêu của anh ấy đấy?”
Lâm Xuân Tư ngượng ngùng, mím môi gật mạnh đầu.
“Thật luôn?” Người đối diện sửng sốt, ngồi thẳng dậy săm soi quan sát cậu: “Cậu có bí quyết gì để cưa được anh ấy vậy?”
“Ừm…!anh ấy là người theo đuổi em.”
Hàn Ký Thanh cảm khái: “Cậu tốt số thật đấy.
Hồi tôi qua lại với anh Yến, nam thanh nữ tú theo đuổi anh ấy phải xếp hàng dài xuống tận tầng trệt công ty.
Mà đó là trước khi anh ấy đổi họ.”
Lâm Xuân Tư phát hiện vấn đề: “Việc anh ấy được bao nhiêu người theo đuổi thì liên quan gì đến chuyện họ tên?”
“Cậu không biết à? Sở dĩ anh Yến đổi họ là vì mâu thuẫn với ông nội – ông chủ của tập đoàn cậu đang phục vụ đấy.
Mọi người đồn rằng Chủ tịch Phùng đã tước quyền thừa kế tài sản của anh Yến.
Có thể nói từ lúc đổi họ, anh Yến chỉ còn là vị thiếu gia trên danh nghĩa của nhà họ Phùng.
Hòn than nóng bỏng tay này ai dám dính vào chứ, khéo đắc tội với Chủ tịch Phùng thì làm sao ngóc đầu lên nổi trong giới showbiz?
“Đó là lý do cậu thấy anh Tiểu Cố – cậu có biết anh thư ký Cố không? À, bây giờ anh ấy là trợ lý à? Do đó nên anh Tiểu Cố và nhân viên lâu năm của công ty ai cũng gọi thẳng tên anh Yến.
Vì không biết phải gọi anh ấy là họ Phùng hay họ Phó.”
Hàn Ký Thanh sờ máy trợ thính: “Còn duyên cớ dẫn tới vụ tai nạn của tôi.
Đúng là anh Yến đã uống say lái xe.
Nhưng thực ra anh ấy uống rượu là để giúp đỡ tôi.
Tôi cũng là ca sĩ nên không thể uống rượu mạnh, giọng hát sẽ bị ảnh hưởng – cậu biết đấy.
Vì thế trong bữa tiệc, anh Yến đã thay tôi đỡ vài ly.
Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đó.
Vấn đề là: trong ly rượu anh Yến uống thay tôi…!bị bỏ thuốc.”
Lâm Xuân Tư sững sờ: “Cái gì cơ?”
“Thuốc gì thì chắc chúng ta không cần nói kỹ.
Tóm lại, tại nó nên vụ tai nạn xảy ra.
Tôi mất thính giác một tai, anh ấy may mắn chỉ bị thương nhẹ.
Mọi việc sau đó là của cảnh sát.”
Cậu đột ngột hỏi: “Tại sao người khác lại cố ý mời anh uống rượu mạnh nếu biết anh là ca sĩ?”
Ký Thanh lảng tránh ánh mắt cậu, ngượng ngập: “Được rồi, bạn trai của anh Yến à, tôi thừa nhận mình từng có ý đồ với anh Yến.
Chuyện này vô tình bị Chủ tịch Phùng biết được, việc mời rượu trong bữa tiệc là do Chủ tịch muốn răn đe tôi.
Vụ bỏ thuốc là ngoài ý muốn, thủ phạm đã bị Chủ tịch Phùng trừng trị.”
Thế ra đây là lý do thầy Trịnh muốn cậu tránh xa Phó Yến.
Các câu hỏi cậu từng thắc mắc giống như nhiều bấc đèn nối liền lần lượt sáng lên, xua màn sương trong tâm trí.
Hàn Ký Thanh lẩm bẩm: “Nếu cậu là bạn trai anh Yến thì phải biết mấy chuyện đó rồi chứ, sao phải để tôi nói cho?”
Lâm Xuân Tư cảm thấy lời này rất chướng tai, lạnh lùng đáp: “Liên quan gì đến anh? Có nói hay không thì Phó Yến cũng là của tôi.
Ngưng tám chuyện, tiếp tục làm việc.”.