Xin các bạn thứ lỗi vì sự chậm trễ chương của Sơn Ca.
Đầu óc mình quay cuồng trong rất nhiều thứ khi đến chặng cuối của câu chuyện; rốt cuộc mình quyết định sẽ không tiêu cực hóa tình tiết đi.
Tinh Tinh và Phó Yến đã chịu đựng đủ rồi.
Mình không muốn cả hai chia lìa nữa.
Với lại, mình viết để làm mọi người vui vẻ.
Nếu có ai không vui, vậy thì mình xin lỗi.
Đài Thiên văn thưa thớt ánh đèn.
Những dãy ghế cuộn mình say ngủ.
Lâm Xuân Tư đi vào phòng chiếu, cái bóng đổ xuống đất dài ngoằng.
Cậu dựa vào ghế nhìn màn hình mô phỏng căng về hai phía thành cánh cung.
Vũ trụ tối tăm, các đám tinh vân trôi nổi.
Những ngôi sao xa xôi tồn tại trong bóng tối.
Cậu móc điện thoại ra, quầng sáng mỏng trải bóng bên dưới mí mắt, gửi hai tin nhắn.
Lúc đó là tám giờ tối.
Luồng sáng rọi vào từ ngoài cửa vắt ngang không gian tôi tối của ngôi nhà, làm nổi lên những hạt bụi li ti.
“Tôi xin lỗi.” Lâm Xuân Tư chợt nói.
Lý Hảo nghi vấn nhìn cậu.
“Tôi xin lỗi vì thái độ và hành động thô lỗ của mình với anh ở bệnh viện.
Dù lời nói của anh hơi động chạm nhưng đó chỉ là vấn đề của riêng tôi.
Về phần anh, tôi không cảm thấy anh làm gì sai.
Vậy nên xin lỗi.”
Cậu thật tâm thật dạ nói: “Và cảm ơn anh vì đã băng bó cho tôi.”
Lý Hảo mím môi cười: “Tôi rất vui khi nghe được điều đó.
Tôi chỉ ngại cậu không còn giữ được vẻ ôn hòa sau những lời tôi sắp nói…”
Tôi khẳng định bản thân không thêu dệt nên câu chuyện dưới đây, hoặc mỹ miều hóa nó nhằm bào chữa cho Thời Thác hay bào chữa cho chính mình.
Bào chữa là công việc của luật sư, còn tôi là một bác sĩ.
Một số người nói bác sĩ chúng tôi phải chứng kiến quá nhiều tình trạng bi thảm hay cái chết của bệnh nhân mỗi ngày nên đều là một đám chai sạn cảm xúc, là những cỗ máy lãnh cảm.
Tôi có đôi lời biện hộ.
Đặc thù nghề nghiệp với áp lực cao về mặt đạo đức và cảm xúc buộc chúng tôi phải hình thành các cơ chế phòng vệ* một cách mãnh liệt và dày đặc hơn người bình thường.
Cậu không muốn gặp gỡ một bác sĩ khó chịu? Nhưng cậu biết chăng bệnh nhân của ông ấy vừa không qua khỏi? Nếu ông ấy vui vẻ đón tiếp cậu sau khi bệnh nhân vừa qua đời thì cậu có chắc bản thân sẽ không phán xét ông ấy? Công việc của chúng tôi bao hàm quá nhiều áp lực và chúng tôi không thừa sức lực để giải quyết.
Ít nhất với tôi là vậy.
* Cơ chế phòng vệ (Defense mechanism): Là khái niệm được nhà phân tâm học Sigmund Freud đưa ra, gồm các phản ứng tâm lý diễn ra trong vô thức để con người đối phó với căng thẳng.
Các cơ chế phòng vệ biểu hiện rất đa dạng, ví dụ Phủ nhận: thân chủ không chấp nhận sự tồn tại của sự việc gây ra căng thẳng, hoặc Phản ứng ngược: thân chủ đang rất buồn nhưng lại cười.
Ngoài Phủ nhận và Phản ứng ngược thì còn rất nhiều cơ chế như Chuyển di: trút cảm xúc về đối tượng mạnh thế hơn lên đối tượng yếu thế hơn, Dồn nén: nỗ lực quên đi, tảng lờ một chuyện buồn…
Sở dĩ trình bày dông dài vậy chỉ để giải thích về điểm tương đồng giữa Thời Thác và tôi.
Năm nhất đại học, tôi lần đầu tiên gặp y.
Giảng viên yêu cầu chúng tôi giới thiệu bản thân và mục đích chọn ngành này.
Tôi nhớ hôm đó trời nóng như đổ lửa mà y lại trùm áo khoác kín mít.
Y viết hai chữ to rõ trên bảng, khuôn mặt không một vệt mồ hôi: “Tôi là Thời Thác, Thác của sai lầm, lỗi lầm.
Tôi là một sai lầm vốn không nên tồn tại trên cõi đời này.
Hân hạnh được gặp mọi người.”
Thật khó để quên tên ai đó với một lời giới thiệu như vậy.
Bỏ qua quá trình chúng tôi làm quen như thế nào.
Thực tình, tôi thấy quý mến anh bạn Thời trầm tĩnh, hiếu học này.
Đây là xu hướng tự nhiên của con người, không liên quan đến cảm xúc của tôi với y.
Tôi thích học nên tôi có thiện cảm với những ai học giỏi, đơn giản thế thôi.
Do đó, tôi cũng vô thức đứng về phía Thời Thác khi có người nói xấu y.
Tôi biết khá rõ về gia cảnh của y.
Cho đến lúc đó, tôi vẫn luôn đồng cảm và ủng hộ Thời Thác dù y có phần kỳ lạ trong mắt người ta: luôn đeo hai lớp bao tay khi cầm dao giải phẫu (dù không cần thực hành), lúc nào cũng trùm áo khoác, hay ghê tởm thịt bò đến mức cực đoan…!Cá nhân tôi cảm thấy chúng ta đều không có quyền để phán xét thói quen và nguyên tắc của người khác.
Trừ phi cậu là nạn nhân của một tội ác, là vị thẩm phán dựa trên pháp luật, hoặc là một người mười phân vẹn mười không gì đáng chê trách thì tôi sẽ không có ý kiến.
Dưới đây là phiên bản thứ nhất của câu chuyện.
Học kỳ hai năm thứ nhất, tôi và y được phân vào chung nhóm trong một môn học.
Thời Thác mở lời với tôi trước, nói chỗ ở của y không tiện nên cả hai có thể đến nhà tôi để làm bài tập không? Dĩ nhiên tôi đồng ý tắp lự.
Tôi cho rằng tất cả những ai lần đầu tiên sang nhà tôi đều sẽ bị giật mình với trang viên của nhà họ Lâm.
Tôi khá là hưởng thụ sự ngỡ ngàng và ngưỡng mộ của bọn họ, rồi sau đó đập tan niềm vui ấy một cách không thương tiếc.
Nhưng Thời Thác chẳng hề phản ứng như lẽ thường.
Y không nhìn ngang ngó dọc hay hỏi tôi đó là cơ ngơi của ai.
Tôi thực tình lấy làm lạ vì sự bình tĩnh đó.
Sau này tôi mới nghĩ ra đáp án lý giải cho thái độ của y – quá đơn giản: trước khi gặp tôi, y đã từng đến đây rồi.
Tôi phát hiện ra mối quan hệ giữa ông Cả với Thời Thác một cách rất tình cờ khi nghe thấy đoạn đối thoại giữa bọn họ về học phí.
Chuyện đó làm tôi bàng hoàng tới nỗi không thể nhìn thẳng vào mặt y.
Tôi khủng hoảng vì bí mật bản thân vừa phát hiện.
Nếu có thể ngược dòng thời gian, tôi thà tự đâm đầu vào đá để xóa đi mọi trí nhớ.
Tôi không phải đang làm quá lên.
Cậu chủ cũng biết rõ cách làm việc của ông Cả luôn rất trực tiếp và mạnh bạo.
Ông ta lấy việc học tập ở trường và gia đình để đe dọa tôi.
Hẳn cậu còn nhớ tôi từng làm không ít công việc để trang trải cuộc sống.
Thời điểm đó, họ đưa tôi vào làm nhân viên phục vụ trong một hộp đêm mà không hề cho tôi cơ hội lên tiếng.
Lần đầu tiên tôi biết đến một thế giới mới lạ, về chuỗi câu lạc bộ đêm thác loạn, những sàn đấu giá khép kín, giá trị bị thổi phồng của các món đồ mà người ta tranh giành…
Ở đó, cậu có thể bắt gặp nhiều loại người.
Từ nhân viên, công chức bình thường đến người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên và các cậu ấm cô chiêu tụ họp nhau trong những phòng bao sang trọng.
Và chúng tôi sẽ phục vụ mọi thứ, mọi dịch vụ từ rượu bia, gái gọi, trai bao, và cả…!chất cấm.
Nếu trường Đại học biết tôi làm việc ở một nơi như vậy, công sức học tập của tôi sẽ đi tong.
Và cả tương lai của tôi cũng sẽ chấm – hết.
Khoảng thời gian đầu, tôi chìm trong căng thẳng trầm trọng.
Nhiều đêm mất ngủ khiến điểm số của tôi tuột dốc.
Tôi gần như đánh mất khả năng giao tiếp với người khác.
Tôi không thể tiếp tục dạy học cho cậu.
Tôi rất sợ mình bị phát hiện.
Tình hình chỉ bắt đầu khởi sắc khi Thời Thác chủ động đi tìm tôi.
Bởi vì quá sợ hãi nên tôi đã trốn tránh y.
Y vừa rơi nước mắt vừa thành khẩn xin lỗi tôi.
Rồi y kể cho tôi nghe về quá khứ của mình.
Cậu chủ đã biết chuyện đó rồi, tôi sẽ không nhắc lại.
Và sau đó, công việc ở hộp đêm của tôi thay đổi, từ phục vụ phòng trở thành bác sĩ trực bệnh xá.
Tôi chữa trị và chăm sóc cho những nhân viên đặc biệt khi họ đổ bệnh hoặc vì chiều lòng khách hàng mà bị thương.
Thời Thác cũng có mặt ở đó, làm chung công việc.
Y an ủi tôi và nói rằng: “Cậu sẽ không tìm được chỗ nào để thực tập tốt hơn nơi này.
Thay vì tìm lối thoát trong vô vọng, hãy xem như đây là một công việc để rèn luyện bản thân.
Cậu là bác sĩ, tôi cũng là bác sĩ, chúng ta đều đang giúp đỡ người khác.”
Cậu chủ có lẽ đã nghe anh ta nói.
Thời Thác luôn làm chủ, và thao túng đối phương trong một mối quan hệ.
Dù là tình yêu hay tình bạn, miễn là một mối liên kết có cảm tình khăng khít thì y là một bậc thầy.
Y biết cách để khiến bản thân trông như yếu thế, khơi gợi sự thông cảm và ủng hộ từ người khác.
Tại thời điểm tôi hoang mang, suy sụp nhất, y tiếp cận tôi, xin lỗi tôi, giúp đỡ tôi.
Dần dần, tôi đã bị thuyết phục…
Cho đến khi đó, tôi vẫn không thể tin nổi cuộc đời của mình có thể bị bẻ ngoặt một cách không báo trước như vậy.
Cậu chủ hiểu cảm giác này của tôi phải không?
Lúc ấy, tôi đủ mười tám tuổi.
Về mặt pháp lý, tôi là một công dân trưởng thành có đầy đủ trách nhiệm pháp lý.
Về mặt nội tâm, tôi chỉ là một sinh viên bình thường đang nỗ lực học tập với cuộc sống củi gạo dầu muối.
Tôi không có kinh nghiệm, không có bản lĩnh gì với những chuyện ập đến.
Từ khuất phục tới thỏa hiệp, tôi chầm chậm lún sâu vào bóng tối.
Đêm hôm đó…!Đêm tháng tám vào mười lăm năm trước.
Cái đêm mà tôi không bao giờ có thể quên được.
Tôi biết người đó còn sống.
Tôi nghe thấy tiếng anh ta rên rỉ và hấp hối trên sàn nhà.
Đầu của anh ta bị một vật nặng đập vào.
Tôi thấy Thời Thác gục đầu ngồi dưới mặt đất.
Run rẩy và kiệt sức.
Tôi chưa bao giờ thấy y thảng thốt đến như vậy.
Phải rồi, Thời Thác cũng chỉ mới mười tám tuổi.
Y vẫn còn biết sợ hãi trước hành vi phạm tội của bản thân.
Phản xạ tự nhiên, tôi muốn cứu chữa người kia.
Nhưng y cản tôi.
Tôi hỏi người đó là ai?
Thời Thác lắc đầu.
Y ngậm chặt miệng.
Chúng tôi đứng như trời trồng.
Hãi hùng và chết lặng.
Không ai phát ra tiếng động ngoài nạn nhân đang đau đớn…!Tôi rất muốn xem người đó nhưng Thời Thác cản tôi.
Cơ thể tôi tuân lệnh y như một thói quen.
Cậu chủ.
Cậu đoán xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Chúng tôi nghe thấy tiếng đế giày nện trên hành lang.
Vang vọng rõ rệt.
Ổ khóa xoay nửa vòng, cánh cửa mở ra.
Đó là chú Tư.
Chú Tư hỏi chúng tôi có chuyện gì xảy ra?
Tôi phát lạnh cả người vì sự bình tĩnh của chú ấy khi nhìn thấy người bị thương.
Tôi thuật lại nguyên văn, không thêm – bớt nửa chữ trong câu nói của chú Tư: “À, đây là tên phóng viên đã bám đuôi tôi ở sân bay.
Tôi chưa kịp xử lý hắn thì các cậu ra tay trước rồi.
Đỡ phiền cho tôi, cảm ơn.
Bây giờ thì mau giúp tôi quét dọn chỗ này.”
Chú ấy kiểm tra dương cầm, hỏi Thời Thác: “Cậu có làm máu bắn lên cây đàn của tôi không đấy? Ngày kia tôi có một buổi hòa nhạc quan trọng dành cho vợ con tôi.”
Cậu chủ…!Cậu có hiểu điều tôi đang nói không?
Thực sự xin lỗi.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng bản thân sẽ kể lại câu chuyện này cho cậu.
Trong cả hai vụ án mạng, không một ai là vô tội.
Kể cả bố của cậu – Lâm Úc Nghị…
Kim giờ nhích qua số mười.
Bạn có biết không?
Mọi ký ức bạn đã trải qua sẽ không mất đi, dù bạn không thể nhớ ra nó.
Những kinh nghiệm của bạn sẽ được não bộ lưu trữ đến hết đời, và thậm chí có thể truyền qua thế hệ sau.
Tên gọi của loại ký ức này là Trí nhớ tự truyện.
Màn hình mô phỏng trôi qua dải thiên hà như chiếc đuôi bạc.
Lâm Xuân Tư thấy trước ngực bị đè nặng, đôi mắt mở to song tay chân không thể cử động được.
Cậu nhắm mắt, xuôi theo cơn ác mộng.
Hành lang tối tăm, ánh trăng đổ tràn.
Cậu tò mò đi theo tiếng dương cầm.
Clair de Lune.
Là khúc thứ ba trong “Tổ khúc Bergamasque” gồm bốn khúc, được Debussy xuất bản vào năm 1903, miêu tả những luồng sáng huyền ảo, quyến luyến đêm đen của mặt trăng, tuy xinh đẹp nhưng rồi cũng phải nhường thiên không cho mặt trời.
Cậu với tay mở cửa phòng dương cầm, kiễng chân nhìn vào.
Có một người đang chơi đàn.
Khuôn mặt của ông ấy hiển lộ dưới ánh trăng.
Cậu theo thói quen gọi lên: “Bố ơi!”
Hồi chín tuổi, có một lần cậu giận dỗi bố, bướng bỉnh không chịu học dương cầm.
Cậu vừa khóc vừa nói: “Bố giấu con ăn vụng sô cô la trên đàn! Vậy mà lúc con chưa rửa tay mà chạm vào đàn thì bố mắng con! Bố làm vậy là không công bằng!”
Úc Diễm úi chà bảo: “Xem con cái nhà ai mới tí tuổi đầu mà lý sự chưa kìa.
Bình thường trông nhóc cũng tài lanh phết mà sao điểm số cứ lè tè vậy nhỉ?”
“Mẹ lại chê bai con! Mẹ cũng hết thương con rồi! Con không học đàn nữa đâu! Tập luyện nhiều mỏi tay lắm!” Cậu ăn vạ.
“Được rồi.” Lâm Úc Nghị bỗng nghe theo cậu: “Nếu con thật sự không thích dương cầm thì bố không bắt con học nữa.
“Lâm Tinh Tinh, về sau con tránh xa phòng để đàn của bố ra.”
Hoàng hôn loang lổ nhuộm bầu trời đỏ quạch như rỉ máu.
“Anh Hảo…” Chàng trai gục xuống nhìn mũi giày, hai bàn tay ôm đầu: “Thực ra tôi chưa từng quên.”
Giữa những phím đàn là dao, trên mười ngón tay là máu.
Mọi người tươi cười, cậu khóc.
“Tôi chưa từng quên điều mình đã chứng kiến…!Tôi chỉ…!lựa chọn quên đi.
Khi ngón tay bị những lưỡi dao Văn Nhất Niệm dán vào phím đàn cứa, tôi đã nhớ ra tất cả.
Đó là lý do dù biết trước sự việc sẽ xảy ra, tôi vẫn tiến lên sân khấu chơi đàn.
“Tôi bỏ chơi dương cầm không phải vì ám ảnh với chuyện ở cấp ba.
Sự thật là tôi muốn ép buộc mình quên đi.
Tôi muốn sống như một người bình thường.
Tôi muốn mọi người chấp nhận tôi.
Mặc dù, thực chất tôi luôn là người có vấn đề trầm trọng nhất ở đây.
“Tôi sống với nhiều lớp mặt nạ, với muôn vàn sự tỉnh táo.
Cơ chế phòng vệ của tôi rất mạnh.
Tôi sẽ quên đi khi tôi muốn quên đi, sẽ lờ đi khi tôi muốn lờ đi.
Tôi làm tổn thương người khác vì tôi không muốn ai đó phát hiện ra sự bất thường của tôi.
Tôi đã cố gắng thỏa hiệp với quá khứ, nhưng càng lúc tôi càng yếu đuối…
“Lâm Xuân Tư ở hiện tại không mạnh mẽ bằng Lâm Xuân Tư trước kia.
Tôi cần anh nói ra cho tôi biết để có thể thừa nhận ký ức của mình.
Tôi nghĩ là anh sẽ hiểu một điều: nếu ngay từ đầu tôi không biết gì hết – không biết tại sao bố tôi bị bắt, không biết tại sao mẹ tôi tuyệt vọng – thì làm cách nào tôi có thể dễ dàng để cho những người thân kia lấy đi mọi thứ của mình? Tôi làm sao có thể sống bình thường trong nỗi hoang mang, mờ mịt về bố mẹ mình?
“Thực ra tôi biết.
Tôi biết tất cả.
Thế nên dù anh ấy đang điều tra về vụ án của bố tôi, tôi vẫn làm như ngơ ngác.
Bởi vì…!tôi không muốn anh ấy cảm thấy tôi bất thường.”
Cậu kéo căng da đầu, ngón tay co quắp, thở hổn hển: “Tôi đã không khóc khi bố mẹ mình mất, điều đó có bình thường hay không? Trong tang lễ, tôi đã không quá đau buồn mà lại cảm thấy thanh thản, điều đó có bình thường hay không?
“Tôi có bình thường hay không?”
Lâm Xuân Tư không rõ mình ngủ quên khi nào.
Tỉnh dậy, cậu nhận ra bên cạnh có người.
Phó Yến nghiêng đầu nhắm mắt, hàng mi rợp bóng nhuốm màu u tịch.
Bóng tối gom lại xung quanh khiến anh có vẻ gầy đi.
Cậu rờ rẫm ngón tay anh, chà xát chúng cho ấm rồi cởi áo khoác.
Mí mắt động đậy, Phó Yến mông lung nhìn chàng trai đắp áo lên chân mình.
Lâm Xuân Tư hỏi: “Mệt lắm à anh?”
Tròng đen phản chiếu ánh mắt cậu ở giữa biển sao lung linh, anh uể oải gật đầu: “Nóng quá.”
“Đừng lừa em, tay anh lạnh toát như đá vậy.”
Phó Yến tự nhiên hờn mát: “Em lầm đấy chứ.
Tháng tư rồi, tôi nực nội gần chết.”
Lâm Xuân Tư chống lên tay ghế: “Lại giận em?”
“Ai mà dám giận em? Tôi không biết gì hết.”
Phó Yến toan đẩy cậu.
Nhưng chàng trai nhanh hơn tóm chặt lấy tay anh, áp vào ngực, thì thầm: “Phó Yến, em đau.”
Bàn tay đang giãy giụa rút ra chậm rãi dịu xuống, anh thở dài như hết hơi, sờ chạm cậu: “Em biết rõ tôi bất lực với em…!Tôi không thể từ chối em được.
Đau ở đâu?”
“Chỗ nào bên trong cũng đau.
Em rất cần Phó Yến đến vá lại trái tim cho em.”
Lông mi anh rung động, dang rộng tay, “Lại đây.”
Lâm Xuân Tư không chút chần chờ ngã vào vòng tay đó.
Phó Yến ngồi, cậu quỳ ghé vào hai chân, áp tai lên ngực anh.
Tinh vân thu hẹp, sao trời đổi ngôi.
Trong thoáng chốc, tất cả xiềng xích đang bó buộc cậu đồng loạt tháo bung ra.
Luồng gió thanh thản tràn lan trong tâm hồn cậu.
Đây là Phó Yến.
Phó Yến của cậu.
Là lòng biển khoan dung, là suối nguồn thương nhớ.
Là tình yêu của đời cậu.
“Phải tới khi em xa anh rồi, em mới nhận ra anh chính là giấc mộng hằng đêm, là nỗi mộng tưởng em luôn muốn nắm bắt.
Em yêu anh hơn mọi thứ trên đời.
Em không xấu hổ khi thừa nhận điều đó.”
“Tôi cũng yêu em.” Anh khe khẽ tỉ tê: “Tôi sẽ luôn ở bên em cho tới khi em chín mươi tuổi, tôi một trăm tuổi.
Cho dù ngày mai cả thế giới xoay lưng với em, tôi vẫn ở đây.
Mọi người có thể cười khi em khóc nhưng vẫn có tôi lau nước mắt cho em.
“Lâm Tinh Tinh, kỵ sĩ của tôi, chàng sơn ca của tôi, giọng hát tiến vào giấc mộng ban ngày của tôi…!Những vì sao luôn tỏa sáng trong bóng tối, tôi sẽ làm màn đêm của em.
Và tại giây phút em đau khổ nhất này, tôi vẫn chân thành muốn hỏi em một câu…
“Lâm Xuân Tư, em sẽ lấy tôi chứ?”.