Hồi thứ ba: Con đường u linh bị lãng quên
Có lẽ vận đen đúng là một loại vận không bao giờ tránh được. Đúng lúc tiểu đội quyết định trốn vào núi Dã Nhân thì Tuyệt nghe được tin tức sau cùng phát ra từ bộ đàm: cơn bão nhiệt đới “Buddha”[17] sắp tràn vào Ấn Độ Dương và dần dần di chuyển về hướng bắc, cơn đầu tiên đang tiếp cận núi Dã Nhân với quy mô cực lớn và cấp độ cực mạnh. Cơn bão hung bạo như thế này rất hiếm xảy ra trong gần ba mươi năm trở lại đây.
Hội Tư Mã Khôi đã tham gia chiến đấu nhiều năm ở Miến Điện, không chỉ một lần chứng kiến hậu quả thiên tai ghê gớm do bão nhiệt đới mang lại, nên họ hiểu rất rõ tin tức này có nghĩa là gì.
Trong rừng rậm nguyên sinh, hiểm nguy bủa vây tứ bề, hiểm họa thực sự không phải đến từ cá sấu và mãng xà khổng lồ mà đến từ rắn độc, côn trùng độc. Hơn nữa, hành quân trong rừng rậm núi sâu là một việc vô cùng gian nan, mỗi bước di chuyển đều phải dùng dao “phạt núi mở đường” mới đi qua được. Vì những nguyên nhân này, nên đường thủy vẫn là con đường tắt nhanh chóng và an toàn nhất.
Nhưng giờ đây, sự xâm nhập và tấn công của cơn bão nhiệt đới chắc chắn sẽ kéo theo lũ lớn tràn về. Nó không chỉ khiến hội Tư Mã Khôi không thể lợi dụng mạng lưới sông ngòi chằng chịt ngang dọc, mà còn khiến những khe rãnh trũng sâu trong lòng núi cũng chịu sự công kích bất ngờ của nước lũ, mà trở nên vô cùng nguy hiểm.
Núi Dã Nhân không chỉ là một ngọn núi mà là tên gọi chung của cả dải núi. Hàng trăm triệu năm trước, đây từng là nơi tập trung giải phóng nguồn năng lượng của lớp vỏ trái đất, tạo thành khu vực nguy hiểm với tần số hoạt động cực kỳ mạnh mẽ. Nó chính là sản vật từ quá trình vận động tạo sơn cổ đại của dãy Himalaya, phía tây dải núi cuốn quanh con sông Irrawaddy[18], phía bắc tiếp giáp với vùng núi Gao Li Gong, phía nam là bình nguyên Bago rộng lớn, tạo hình rất giống với người khổng lồ đang ngủ say giấc. Nó vắt mình qua ba nước Miến Điện, Lào và Trung Quốc.
Đội du kích cộng sản Miến Điện bị nhốt vào vành đai dài hẹp nằm kẹp giữa đầm lầy và rừng rậm nguyên sinh, nên chỉ đi về hướng bắc rồi xuyên qua núi Dã Nhân mới có thể tiếp cận biên giới Trung Quốc. Trong tay Tư Mã Khôi lại không có bản đồ, để tránh đi lạc đường, vốn dĩ anh lên kế hoạch men theo con sông lần ngược lên thượng nguồn, nhưng giờ đây cơn bão nhiệt đới đã mang theo mưa to gió lớn, chắc chắn sẽ khiến cơn lũ bất ngờ tràn về với tốc độ và cấp độ kinh hoàng. Nếu đi ngược dòng, chắc chắn sẽ lãnh hậu quả khủng khiếp bị lũ cuốn trôi và nuốt chửng, mà cho dù tránh đường thủy để chuyển sang đi trên mỏm núi thì cũng phải chịu sự uy hiếp không kém từ nguy cơ sụt lở và dòng chảy bùn đá.
Thế là ngay cả tia hy vọng cuối cùng cũng bị dập tắt, có điều Tư Mã Khôi cũng hiểu rất rõ, bất luận tình thế xoay chuyển ra sao thì cuối cùng họ vẫn đâm ra con đường chết, chỉ là xem đích đến kết thúc ở đâu mà thôi. Sau khi cân nhắc một lúc, anh cảm thấy được chết càng gần tổ quốc bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nghĩ vậy, Tư Mã Khôi bèn quay lại giục mọi người nhanh chóng nai nịt hành lý chuẩn bị lên đường, đồng thời bảo La Đại Hải cho nổ luôn chiếc máy bộ đàm quân dụng không dây, sau đó cả đoàn không hề do dự một phút, lập tức đứng dậy khởi hành.
Miến Điện là một quốc gia cổ xưa có truyền thống lịch sử rất lâu đời. Thời cận đại, nước này từng bị thực dân Anh thống trị gần một trăm năm, trong đại chiến thế giới lần thứ hai, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản lần lượt chạy qua chạy lại nơi đây như đèn kéo quân, đánh nhau loạn xì ngầu, khó khăn lắm mới thoát khối chủ nghĩa thực dân và giành được độc lập. Ngờ đâu những ngày thái bình chưa hưởng thụ được bao lâu thì đất nước lại rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu, kéo dài suốt nhiều năm.
Thời gian đầu, khi uy danh của quân cộng sản Miến Điện còn vững chắc, vật chất dự trữ và vũ khí quân đội luôn vô cùng đầy đủ, ngay cả súng cối, ống hỏa tiễn, xe tăng thiết giáp cũng được trang bị, các loại súng ống đạn dược nhiều không kể xiết. Từng thùng, từng thùng bom mìn và lựu đạn cầm tay chất đống cao như núi, các loại vũ khí quân dụng của Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật, Liên Xô, Đức muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, thậm chí còn có cả xưởng sản xuất vũ khí chiến tranh bản địa “nhãn hiệu Miến Điện”, xưởng này có thể làm nhái súng ngắn và súng trường của Anh. Nơi đây quả không hổ danh với biệt hiệu: “bảo tàng trang thiết bị vũ khí đa quốc gia”. Thế nhưng quân cộng sản Miến Điện lại rất ít vũ khí đời mới, mà đại bộ phận đều là đồ lưu cữu từ những thời kỳ chiến tranh trước.
Rồi kể từ khi chiến dịch Kunlong thảm bại, quân đội cộng sản Miến Điện đã bị gục hẳn không thể đứng dậy nổi nữa, vũ khí đạn dược của bộ đội cũng bắt đầu phải giật gấu vá vai. Và giờ đây, hội bốn người Tư Mã Khôi ngoại trừ khẩu súng ngắn phòng thân ra thì chỉ còn lại hai khẩu súng trường kiểu cũ do Anh chế tạo, với số lượng đạn dược ít ỏi, còn bên mình hầu như không còn lương thực và thuốc men gì nữa. Cả đoàn tiến vào rừng rậm nguyên sinh trong núi Dã Nhân, tứ bề cây cối mênh mông ngút tầm mắt, mà không hề có bản đồ và người dẫn đường.
Ngày hôm đó, sau khi vượt qua được hai mỏm núi, địa hình dần dần thấp xuống, hệ thực vật trong rừng sâu cũng um tùm rậm rạp hơn, gần như không tìm được chỗ đặt chân xuống. Người đi vào trong đó, ngẩng đầu lên chẳng nhìn thấy bầu trời, nếu không nhờ vào kim chỉ nam và chiếc la bàn, thì chắc chắn không thể phân biệt được phường hướng.
Ng.uồ.n .từ. s.it.e .Tr.uy.en.Gi.Cu.ng.Co..c.om. Cả hội có cảm giác đang lạc vào một mê cung tự nhiên âm u và kín mít, bốn người đành phải liên tục dùng dao phát quang cây cỏ xung quanh để mở lối, tốc độ di chuyển vì thế mà chậm đi rất nhiều.
Cánh rừng rậm nguyên sinh rộng lớn này có lịch sử tồn tại hơn một trăm hai mươi mấy triệu năm. Nó nằm ở giữa khe cốc trũng, xung quanh có nhiều dãy núi cao vây kín, nơi này lúc nào cũng tĩnh mịch, yên ắng lạ thường. Hàng trăm khe suối chằng chịt tạo thành một mạng lưới che phủ tứ bề, khiến khí hậu luôn luôn ẩm ướt, oi bức, không có mưa, cũng chẳng có nắng. Trong cánh rừng bí ẩn này có rất nhiều thực vật nhiệt đới sinh trưởng. Chúng muôn màu muôn vẻ, một số loài có thể tưởng tượng ra nhưng đa số chúng thì không thể tưởng tượng nổi. Chủng loại của chúng cũng dễ lên đến con số hàng chục triệu, trong phạm vi tầm nhìn của hai con mắt, nên dường như bạn không thể tìm thấy hai loài thực vật nào hoàn toàn giống nhau.
Cành lá của các cây cổ thụ đan cài vào nhau che kín vòm trời, có những thân cây cao đến tám chín mét, tán lá dày và rộng khiến bầu không khí trong khu rừng trở nên âm u khác thường. Từng lớp sương mù nhàn nhạt mịt mùng giăng mắc khắp nơi, thỉnh thoảng lại nhìn thấy những con mãng xà khổng lồ ẩn mình trong cây cổ thụ chờ săn mồi. Những loại rắn độc, côn trùng độc, chẳng rõ tên gọi quanh quất suốt cả dải rừng. Cá sấu cũng luôn bất thình lình xuất hiện trong bụi rậm um tùm hoặc bên bờ sông. Ở dưới nước, từng đàn nòng nọc thân hình to lớn dị thường bơi lội nhung nhúc thành từng bầy từng đàn, chẳng rõ sau khi biến thành ếch, bọn chúng phải lớn đến cỡ nào. Hội Tư Mã Khôi từng lăn lộn nhiều năm ở chốn sa trường, tinh thần cũng chẳng phải hạng vừa, vậy mà khi ngụp lặn giữa không gian tự nhiên xanh thẫm này, thì trong lòng ai nấy đều không tránh khỏi cảm giác rợn tóc gáy.
Bốn người luôn đề cao tinh thần cảnh giác, chẳng phút nào dám lơ là. Họ vừa đi vừa cố gắng né tránh mọi hiểm nguy có khả năng gặp phải. Có điều, mọi vật trước mắt dường như đều được nhuộm kín bởi một màu xanh quái dị, làm đầu óc họ cũng bị nhiễu loạn, mơ hồ theo. Nhìn rừng cây cổ thụ kềnh càng đan cài xoắn xuýt vào nhau, người ta rất dễ nảy sinh cảm giác bàng hoàng như vừa choàng tỉnh khỏi cơn u mê, rồi bất chợt cảm nhận một cách rõ ràng và sâu sắc, về sự khác biệt to lớn giữa cái vĩnh hằng vô biên của tự nhiên bao la và cái ngắn ngủi mờ mịt của sinh mệnh con người. Sự cảm khái bất ngờ đến từ nơi sâu thẳm trong linh hồn này đã át chế cả chủ thể, nó khiến người ta cảm thấy ngộp thở, đầu óc cũng mụ mị đi ít nhiều. Cả hội đành phải liên tục dừng bước, cẩn thận xác định lại vị trí.
Theo kinh nghiệm từ trước đến nay của Tư Mã Khôi, nếu tiếp tục đi trong tình trạng này sẽ rất dễ bị lạc đường, có lẽ tìm một con suối hoặc một dòng chảy nhỏ nào đó làm vật tham chiếu thì sẽ tốt hơn. Khi bọn họ tiến sâu thêm một đoạn nữa thì chợt nhìn thấy một con suối rộng rãi khoáng đạt nằm sâu trong rừng rậm, bề ngang lên tới mấy mét, dòng nước chảy lững lờ, có vẻ rất êm ả, hiền hòa.
Dòng nước suối trong suốt đến tận đáy, có thể nhìn rõ những viên đá ngũ sắc tròn tròn nằm dưới đáy sâu. Cả con suối ánh lên vẻ mềm mại thướt tha như một dải lụa đào; lòng suối thoai thoải, từng vòng sóng nước lấp la lấp lánh như những vẩy lân tinh.
Tư Mã Khôi quan sát địa hình cạnh đó rồi nói: “Nơi nước nông sẽ tương đối an toàn, chúng ta cứ đi men theo con suối mà lên thượng nguồn, đợi khi cơn bão đến thì sẽ trèo lên chỗ cao hơn.”
Đi trong rừng rậm, không khí ẩm ướt nóng bức suốt cả thời gian dài, đã khiến vết thương trên vai anh cứ ngâm ngẩm đau, nhìn lại thì thấy nó đã tấy mủ và bốc mùi hôi, nhưng giờ đây lại chẳng có thuốc men gì, nên cho dù nó có nát mủn ra thì cũng đành mặc kệ. Nhìn thấy dòng nước suối trong lành, mát lạnh, anh bèn đi đến đó, định bụng sẽ tháo vết thương ra rửa cho sạch sẽ.
Nhưng anh chưa kịp đến gần con suối thì Karaweik đột nhiên nhào tới, ôm cứng lấy thắt lưng anh, rồi xông ra trước mặt, cố sức lắc đầu, trên mặt còn đọng nguyên vẹn thần sắc sợ hãi kinh hoàng, miệng không ngừng “líu ríu” điều gì nghe không rõ.
La Đại Hải tóm lấy Karaweik như tóm một chú khỉ rồi giằng cậu ta ra khỏi người Tư Mã Khôi. Anh lớn giọng quát mắng: “Chủ Nhật! Làm gì mà la hét nhặng xị lên thế hử? Anh thấy chú mày đi theo chỉ tổ làm vướng chân vướng cẳng bọn anh mà thôi. Nhân lúc còn chưa muộn, hãy mau quay đầu mà trở về. Nói không chừng, bọn lính nhìn thấy chú mày còn ít tuổi, ngay cả lông trên người còn chưa mọc hết, chúng sẽ coi chú mày như quả rắm, đánh một cái là xong đấy.”
Tuyệt đứng bên cạnh nhìn thấy phản ứng của Karaweik, trong lòng thầm nghi chắc có chuyện gì đó không lành, cô vội vàng ngăn Hải ngọng lại rồi dùng tiếng thổ ngữ hỏi Karaweik sự tình, hai người trao đổi một hồi. Tuyệt nghe xong, dường như cảm thấy rất khó lý giải, nhưng cô vẫn nói lại với Tư Mã Khôi và La Đại Hải: “Chủ Nhật nói, trong núi Dã Nhân có ma nước, người nào uống phải nước ở đây đều không sống nổi.”
La Đại Hải cho rằng chắc ý của Karaweik là trong nước có độc, nghe xong bèn chẳng buồn để tâm, quay ra nói: “Toàn nói linh tinh, không nhìn thấy cá đang bơi dưới nước mà vẫn sống ngoe nguẩy kia sao?”
Trái với La Đại Hải, Tư Mã Khôi cũng có vài phần tin lời Karaweik, bởi anh từng học được rất nhiều bản lĩnh từ “Văn Võ tiên sinh”, ngoại trừ các bí kíp lục lâm ra, còn có bộ “Kim điển mật truyền”, tục gọi là “Kim bất hoán”, mà từ đầu chí cuối đều học bằng khẩu quyết, do sư phụ truyền miệng lại cho học trò, còn học trò phải nhập tâm ghi nhớ, tuyệt đối không được chép ra giấy dù chỉ một chữ. “Kim bất hoán” chia ra làm ba chương, lần lượt là “Thiên, địa, nhân”. Thiên, tức chỉ bát quái trong Tiên thiên tốc chưởng, địa là địa lý sông núi, nhân là mọi sự tương tác giữa vật và vật.
Những điều này đều là gốc rễ khởi nghiệp của tổ tiên họ Trương để lại, nội dung vô cùng thâm thúy ảo diệu, có phạm vi bao hàm rất rộng lớn, còn được người đời ca tụng là thiên hạ độc môn. Vì chịu ảnh hưởng từ di huấn của dòng họ: “Thà mất mạng cũng không để lộ nửa chữ vàng” nên từ trước đến nay bí kíp này chỉ truyền thụ cho con trai chứ không truyền thụ cho con gái, chỉ truyền cho người trong gia tộc chứ không truyền cho người ngoài. Câu cuối cùng trong bộ khẩu quyết đã khái quát tất cả tinh hoa chủ yếu của toàn tập: “Phải nhìn điểm đầu mà suy đoán điểm cuối, gặp một việc mà hiểu ba việc, lấy nhất biến ứng vạn biến, biết giới hạn chừng mực mà dừng lại, am hiểu thông tỏ mọi trò trên đời, như vậy có thể mặc sức tung hoành, thần quỷ khó lường, lừng danh bốn bể”. Do vậy, người ta có thể từ một chi tiết nhỏ mà suy đoán toàn bộ chân tướng sự việc.
Năm đó, khi Tư Mã Khôi được truyền thụ bí pháp “Kim điển mật truyền” thì tuổi hãy còn nhỏ, khó lòng lĩnh hội hết cái ảo diệu ẩn chứa bên trong, mà chỉ gắng học vẹt để cố khắc vào não. Mãi cho đến khi anh gặp được Triệu Lão Biệt nơi Hắc Ốc hoang phế, thì mới biết bí thuật cổ xưa có cội nguồn từ rất lâu đời này quả thực là rất hữu dụng, từ đó mới dần dần bắt đầu mày mò nghiên cứu. Hơn nữa, mấy năm trở lại đây, Tư Mã Khôi cũng chứng kiến rất nhiều chuyện vượt ngoài sức tưởng tượng ở Miến Điện. Mảnh đất hoang vu, vắng vẻ này bị yểm rất nhiều loại tà pháp như phù chú, bùa ngải hại người, bởi thế thường xảy ra những hiện tượng thần bí khó có thể dùng lý lẽ thông thường để giải thích.
Có câu: “Cây có gốc, suối có nguồn”, ở nơi đầm rộng núi sâu này, tất phải tồn tại rất nhiều quái thú, Tư Mã Khôi nghe Karaweik – một người bản địa nói, nước ở trong núi Dã Nhân không được uống, liền lập tức liên tưởng đến thời khắc tan rã của đội quân du kích. Khi đó, hầu hết mọi người thà tự chĩa họng súng vào đầu cũng không dám đến gần khu rừng rậm nguyên sinh nửa bước, thì bên trong chắc hẳn phải có nguyên nhân của nó, chỉ sợ nguyên nhân đó không chỉ đơn thuần dừng lại ở vấn đề “nguồn nước”, nhưng rốt cục cội nguồn gốc rễ của nó là gì thì chẳng ai được rõ. Tư Mã Khôi không hiểu nhiều lắm về núi Dã Nhân bèn nhờ Tuyệt hỏi kỹ Karaweik, bảo cậu ta kể lại thật cụ thể chi tiết.
Nhưng hỏi ra mới hay, ngay cả Karaweik cũng ù ù cạc cạc, chỉ nghe người Bắc Miến tương truyền từ xưa rằng cánh rừng bí ẩn trong lòng núi sâu có sương mù bủa vây, đó là vùng đất vô cùng nguy hiểm, có đi mà không có về, nó khiến những người bỏ mạng ở đây đã không thể đầu thai luân hồi, lại không được trở thành Phật, thậm chí còn chẳng thể xuống nổi âm tào địa phủ, cái đợi chờ họ chỉ có hư vô vĩnh hằng.
Hàng trăm dòng nước chảy qua hoặc khởi nguồn từ núi Dã Nhân, cuối cùng đều đổ về vùng đầm lầy rộng lớn, cho dù nước ở đầm trong xanh đến đâu đi nữa, thì từ trước đến nay cũng chẳng có người nào dám uống. Bởi vì những con suối chảy ra từ khe núi từ hàng ngàn năm trước đã sớm bị thổ dân yểm bùa, nên ai chạm vào chắc chắn sẽ bỏ mạng bất thình lình, hơn nữa sau khi chết đi, hồn phách cũng không được siêu thoát. Chỉ có nước sương đêm còn đọng lại vào buổi sáng sớm, hoặc nước tù trong hồ nước mới được phép uống.
Tư Mã Khôi cảm thấy thà tin là chuyện đó có thật mà tránh đi cho lành còn hơn không tin, vì giờ đây chỉ còn cách thật cẩn trọng họ mới mong sống lâu thêm vài giờ. Nghĩ vậy, anh bèn vỗ vỗ vào vai Karaweik tỏ ý đã hiểu ý cậu ta. Xem ra núi Dã Nhân quả đúng là chốn hung hiểm, ngoài khí hậu khắc nghiệt sắp sửa giáng xuống đầu ra thì ngay cả khe suối bờ sông cũng không thể đến gần được nữa.
Kế sách duy nhất lúc này là phải đi ở nơi cao, không thể đi ở chỗ thấp, bởi vậy cả đoàn đành tìm đường lên trên các mỏm núi. Tư Mã Khôi vác súng trường, đang chuẩn bị đứng dậy khởi hành thì lại bị Karaweik níu lại, cậu chỉ tay vào một khe núi ở bên cạnh, miệng nói liên thanh như súng bắn, dường như muốn bảo Tư Mã Khôi nên đi theo hướng ấy.
Miền bắc Miến Điện có một câu truyền miệng đại ý là “Trong quân đội nhân dân không có nhân dân”. Sự thực quả đúng như vậy, đội ngũ tác chiến quân đội nhân dân Miến Điện thực ra chẳng có mấy người gốc Miến Điện mà phần đông đều là người Trung Quốc. Điều này nói ra cũng khá kỳ lạ, tuy nhiên vẫn có một số người bản địa gốc. Tư Mã Khôi sống cùng những chiến hữu Miến Điện trong đội du kích lâu ngày, ít nhiều cũng hiểu được một vài câu thổ ngữ và tiếng Anh thông dụng nhất.
Lúc nãy dường như nghe thấy Karaweik nhắc đến “con đường” gì đó, đầu óc anh tự nhiên quay mòng khó hiểu: “Này Chủ Nhật! Chú mày nói trong khe núi có đường hả? Không phải đang nói nhăng cuội đấy chứ? Nơi rừng già núi sâu hiếm dấu chân người qua lại đào đâu ra đường mà đi?”
Tuyệt dịch lại cho Tư Mã Khôi: “Ý của Chủ Nhật muốn nói… trong khe núi đằng kia có một con đường tên là: đường U Linh.”
Thông tin này khiến ba người đều cảm thấy rất đỗi mơ hồ, đường U Linh nghĩa là gì? Nó là con đường cho người đi hay a đi?
Khả năng biểu đạt của Karaweik rất kém, không thể giải thích rõ ý nghĩ của mình. Cậu vò đầu bứt tai liên tục, rồi dường như chợt nhớ ra điều gì, cậu bèn dốc ngược túi xách, lật tìm một hồi lâu, cuối cùng cũng lôi được một cuốn nhật ký rách nát, đưa cho hội Tư Mã Khôi xem.
Tư Mã Khôi đón lấy cuốn sách, cảm thấy hình như trong cuốn nhật ký có kẹp một vật gì đó, anh liền lật ra xem thì thấy một chiếc cầu vai của bộ quân phục, trên đó thêu hình một chiếc đầu hổ, nền màu xanh thẫm, như để tượng trưng cho rừng rậm nhiệt đới, bên dưới có mấy hàng chữ cái tiếng Anh, nhưng đã bị sờn rách từ lâu, khó có thể phân biệt đó là chữ gì. Dưới chiếc huy hiệu còn kẹp một bức ảnh đen trắng đã ngả vàng, hình ảnh không rõ nét, có lẽ là bức ảnh chụp tập thể của cả doanh trại bộ đội hơn mấy trăm người. Do số người quá đông nên trông toàn cảnh chi chít, không nhìn rõ được từng chi tiết cụ thể.
Giở mấy trang tiếp, đọc nội dung được ghi chép bên trong cuốn nhật ký, không ngờ văn tự toàn bộ lại là chữ Hán, Tư Mã Khôi chỉ giở vài trang, càng đọc trong lòng càng cảm thấy kinh ngạc. Cùng lúc đó, anh cũng suy đoán được câu chuyện mà Karaweik muốn nói: Ở góc ngọn núi hoang vu hiểm yếu nhất của núi Dã Nhân, quả thực tồn tại một con đường vừa ẩn khuất vừa thần bí, tên là U Linh. Con đường đó vốn có tên là Stilwell, được bộ đội công binh hai nước Trung – Mỹ liên kết xây dựng nên trong thời kỳ thế chiến thứ hai. Cuốn nhật ký cũng nhắc đến dải khu vực có liên quan đến đường U Linh, với rất nhiều sự kiện đặc biệt thần bí khác.