Mê Tông Chi Quốc

Chương 155: Hồi 7: nỗi tuyệt vọng sâu hơn biển cả



Tư Mã Khôi hiểu cảm giác của Nhị Học Sinh, đó hoàn toàn không phải là ảo giác tâm lý, do bầu không khí quánh đặc trên tàu và bóng đổ quanh ánh đèn chiếu tạo thành, mà sau khi mọi người lạc vào vòng tròn ma quái dưới lòng đất, rồi không biết bao nhiêu ngày đêm ngồi trên bè gỗ nổi lênh đênh giữa biển cả, nên ai nấy đều khó tránh khỏi cảm giác đầu nặng chân nhẹ, thậm chí còn quên cả cảm giác giẫm chân xuống đất là như thế nào.

Trong khi đó, cỗ tàu ngầm Z-615 có thể tích khá lớn, nó nổi trên biển thì sẽ đằm hơn bè gỗ rất nhiều, nên khi mới bước chân vào, mọi người sẽ nhất thời khó thích ứng. Thế nhưng đến tận giờ cả hội cũng lên tàu nhiều giờ rồi, mà cảm giác bất an đó vẫn còn nguyên, muốn xua cũng không xua được.

Tư Mã Khôi phát hiện, sau khi bị hư hỏng, cỗ tàu ngầm không hề bị chìm, bất kể sóng xô dữ dội thể nào lòng tàu vẫn nhất nhất chúi về phía trước, góc độ không hề thay đổi, điều đó khiến mọi người phải bám vào vách tàu để giữ vững trọng tâm khi muốn di chuyển trong hành lang, hoặc trong khoang tàu.

Điều đó cũng chứng tỏ, con tàu nổi trên mặt nước theo một trạng thái cố định và rất bất thường. Thủy thể dưới lòng đất sâu không thể lường, vậy mà con tàu Z-615 tại sao vẫn có thể đứng yên và nổi nghiêng trên mặt biển? Tư Mã Khôi không nghĩ ra đáp án nào, chỉ cảm thấy con tàu mất tích hơn 20 năm này nhất định phải ẩn giấu rất nhiều ẩn số, và vị trí mà mọi người đang đứng bây giờ có lẽ chỉ là một góc của tảng băng trôi chứa đầy bí ẩn.

Nghĩ vậy, anh lại cùng Nhị Học Sinh tiếp tục lục soát, phát hiện trong khoang tàu có vài hộp sắt hình dẹt, bên trong đựng đèn pin và một số dụng cụ khác, ngoài ra còn có hai hộp nến dưỡng khí, chỉ cần châm nó lên là sẽ được cung cấp dưỡng khí trong một thời gian ngắn, có lẽ nó được dùng cho khi phải sửa chữa trong môi trường bóng tối, khép kín và bị mất điện.

Tư Mã Khôi nhét đèn pin và nến dưỡng khí vào ba lô của Nhị Học Sinh, còn những thứ phát hiện khác gần như đều vô dụng. Lúc này, hội ba người Hải ngọng lục soát ở khu vực gần đó cũng quay trở về địa điểm hẹn ban đầu. Họ không tìm thấy pin đèn, dược phẩm, hay vũ khí như lúc trước mong đợi, nên đành tiếp tục do thám khu vực sâu hơn.

Cả hội đi xuyên qua hành lang âm u, bên trong chính là khoang chính và phòng thông tin SONAR(1), trong đó chất đầy các loại bản đồ biển và bản đồ máy móc trong thuyền, ngoài ra còn có một cuốn sổ mật mã thiết lập liên lạc giữa con tàu và máy sóng dài ở trụ sở, Tư Mã Khôi tiện tay nhặt mấy tấm bản đồ, nhìn hồi lâu vẫn không phát hiện ra điều gì.

[1] SONAR: là từ viết tắt của sound navigation and ranging, là một kỹ thuật sử dụng sóng âm hoặc sóng siêu âm (thường ở dưới nước) để di chuyển, liên lạc hoặc phát hiện tàu bè khác. Sau khi lục soát tổng thể kiểu cuốn chiếu, ngoài chiếc máy phát sóng ngắn, công suất thấp, vẫn đang không ngừng phát ra tín hiệu liên lạc “không được đến gần” ra, thì manh mối duy nhất mang ý nghĩa thực tế trên cả con tàu chính là cuốn nhật ký hành trình của tàu Z-615, trong đó ghi chép rất chi tiết quá trình ra khơi của con tàu.

Tuy Thắng Hương Lân đọc được tiếng Nga, nhưng phần lớn nội dung của cuốn nhật trình đều sử dụng thuật ngữ quân sự, nên cô phải rất vất vả mới dịch ra được. Mọi người đều sốt ruột muốn biết rõ chân tướng vì sao tàu Z-615 mất tích, và tung tích của các thủy thủ bao gồm cả thuyền trưởng hiện giờ ra sao, bởi vì họ cùng gặp cảnh ngộ giống như đội thám hiểm lúc này.

Tư Mã Khôi bảo Thắng Hương Lân đừng cuống, cứ cẩn thận đọc từng chữ, từng đoạn cho chính xác, dù sao bên ngoài vẫn đang mưa lớn, rời khỏi đây cũng không có chỗ nào khác dung thân. Mọi người thấy tình hình trước mắt, liền cậy nắp lon đồ hộp cuối cùng, rồi cùng nhau ăn lót dạ.

Bụng có tí lương thực, lòng cũng đỡ hoang mang hơn. Hải ngọng chớp cơ hội liền tự khen trước mặt mọi người: “Tôi bình sinh coi vật chất như cỏ rác, coi trọng tinh thần như ngàn vàng, cho dù chỉ còn một miếng cuối cùng, thà mình chết đói, tôi cũng sẵn sàng nhường nhịn miếng ăn cho bạn bè.

Tôi thấy lần này chúng ta tìm thấy tàu ngầm Z-615 dưới lòng đất, chắc chắn là một phát hiện vô cùng trọng đại, đợi sau khi trở về viết báo cáo cho quân ủy trung ương và Mao chủ tịch, các cậu nhớ phải nói thêm cho tôi vài câu tốt tốt tí nhé. Thế thì Hải ngọng tôi ấy à, chắc chắn quan cao không thể không làm, ngựa tốt không thể không cưỡi, một bước ra ngoài sẽ có xe ô tô đưa đón, sau đít còn có hai cảnh vệ tò tò bám theo; khi đó Nhân dân nhật báo, Quang Minh nhật báo, sẽ thay nhau đăng hình lên trang bìa, còn phải làm báo cáo trong hội nghị hàng chục ngàn người nữa chứ.

Các cậu thử nghĩ xem, cảnh tượng đó khiến mình phấn khích biết mấy?” Cao Tư Dương lườm anh chàng một cái, nói: “Bây giờ rơi vào hoàn cảnh nào rồi mà còn vịt giời nhập tràng vẫn mơ tưởng đến chuyện lập công lĩnh thưởng hả?” Hải ngọng đang định chu mồm phản bác, thì thấy Tư Mã Khôi xua tay ra hiệu im lặng, để Thắng Hương Lân dịch nội dung ghi chép trong cuốn nhật trình của con tàu Z-615.

Thắng Hương Lân xem qua nội dung ghi chép trong cuốn sổ lịch trình hàng hải, cô phát hiện, trong đó có phần nội dung mà thuyền trưởng đã ghi lại vào những thời khắc cuối cùng, thuyền trưởng hình dung con tàu Z-615 là cỗ tàu ngẫm chưa ra khơi mà đã chịu nhiều lời nguyền tà ác. Tư Mã Khôi và Hải ngọng từng có kinh nghiệm tác chiến trong quân ngũ.

Hai người cho rằng, lẽ ra thuyền trường phải đối xử với con tàu của mình giống như người đồng chí cùng vào sinh ra tử, và phải nảy sinh tình cảm sâu đậm không thể nào chia lìa mới phải. Nghe nói, nhiều thuyền trưởng khi phải đối mặt với tình huống hiểm nguy bất ngờ xảy ra, và không còn cách cứu vãn, họ đã ra lệnh cho toàn bộ thuyền viên bỏ tàu để thoát thân, còn một mình thì họ chọn cách chìm cùng con tàu, mang theo niềm hãnh diện và vinh quang xuống ngủ mãi mãi dưới lòng đại dương u tối.

Thế nhưng vị thuyền trưởng của con tàu Z-615 thì dường như rất có thành kiến với con tàu của mình, thậm chí cả ngay khi bắt đầu chấp hành nhiệm vu đưa nó ra biển khơi, ông đã linh cảm thấy con tàu này cực kì không may mắn. Nói như vậy dường như hơi quá lời, bởi rốt cuộc kết quả sau này Z-615 bị rơi vào hắc động dưới vành đai 30° vĩ Bắc, là sự việc không ai có thể tiên đoán được trước khi nó thực sự xảy ra.

Thắng Hương Lân nói, căn cứ theo mô tả của thuyền trưởng trong cuốn nhật trình hàng hải, thì quả thực có hàng loạt sự kiện quái lạ xảy ra với tàu ngầm Z-615, hết bất hạnh này nối tiếp bất hạnh khác bám đuổi theo nó. Kỹ thuật tàu ngầm của Liên Xô thời kì chiến tranh lạnh đã vô cùng tiên tiến, bất luận kết cấu thiết kế, hay tính năng bảo vệ đều dẫn đầu, đã nhiều lần lập kỷ lục về tốc độ lặn và độ lặn sâu lặn.

Đặc biệt là động cơ diesel cấp Z rất quy chuẩn, nó sử dụng kết cấu lòng tàu hai vỏ, nên khả năng chịu công phá và tính năng sinh tồn rất mạnh mẽ, trọng lượng nước rẽ dưới ngầm là 2475 tấn và trên mặt là 1952 tấn. Nó có chiều dài 91 mét, rộng 7,5 mét, trong trạng thái tự cung tự cấp hoàn toàn, nó có thể duy trì liên tiếp trong 53 ngày, bởi vậy nó được mệnh danh là con quái vật khổng lồ trên biển.

Trong khi đó, con tàu Z-615 này lại có số hiệu chiến thuật là 107, số hiệu đó đồng thời còn là số hiệu của đá huyền vũ, và vì loại hình tàu ngầm này không được sản xuất rộng rãi, nên chỉ có một chiếc Z-615 độc nhất vô nhị mà thôi, các thuyền viên quen gọi nó là “615”. Thuyền trưởng nói, 615 dường như bị nguyền rủa, ngay trong quá trình chế tạo ban đầu, nó đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu điềm gở, lúc mà công nhân phải lắp một thanh dầm lớn, thì bỗng một thanh dầm thép bất ngờ rơi xuống, nghiền nát hai công nhân xưởng tàu đứng dưới thành tương thịt; còn lần đầu điều chỉnh động cơ diesel cấu hình P37-D, con tàu lại phun ra một lượng lớn khói đặc do động cơ gặp sự cố, khiến một nhân viên bị chết ngạt; rồi đến lúc hạ thủy chấp hành nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu bắn thử ngư lôi thì nó lại đột nhiên phát nổ, khiến mấy người thiệt mạng và nhiều người bị thương nặng trong vụ này.

Dường như 615 đã bị chiếc bóng của tử thần che phủ, nên nó luôn luôn gặp phải những sự cố chí mạng khiến lòng người khiếp sợ. Mọi người nghe những ghi chép trong cuốn nhật trình hàng hải xong thì ai nấy đều bất giác cảm thấy rờn rợn, vì sao Z-615 lại thường xuyên xảy ra sự cố như vậy? Hải ngọng nói: “Xem ra con tàu này rất giống với ngôi nhà ma, ai đến gần nó, người đó sẽ đoản mệnh”.

Tư Mã Khôi thở dài: “Thực ra trên đời này, không chỉ con người mà vạn vật đều có số mệnh riêng của nó, con tàu này có vẻ giống chúng ta, toàn gặp chuyện xui, có điều không ai có thể trả lời được câu hỏi ‘vì sao lại thế’, mà chỉ có thể đổ tại đó là do ông trời sắp đặt, tạo hóa an bài mà thôi.

Chúng ta chỉ có thể trải nghiệm số mệnh chứ không thể nào lý giải số mệnh”. Cao Tư Dương nói với Thắng Hương Lân: “Cô đừng nghe bọn họ huyên thuyên vớ vẩn nữa, mau đọc tiếp đi, sau đó điều gì đã xảy ra với 615?” Thắng Hương Lân nói: “Tuy những sự cố của 615 liên tục xảy ra, nhưng ủy ban điều tra nguyên nhân sự cố đã tiến hành kiểm nghiệm kỹ càng, mà kết quả vẫn không phát hiện bất kì vấn đề gì tồn tại trong tàu ngầm, bởi vậy tầng lớp lãnh đạo cho rằng, chính sự vô kỷ luật và thiếu ý thức đã dẫn đến những sự cố trên, đồng thời nghiêm cấm các thuyền viên bàn tán đưa tin về những chuyện này nữa.

Cuối cùng, lãnh đạo quyết định thay mới toàn bộ thành viên trên tàu, chi đội tàu ngầm độc lập thứ 40 của lực lượng vũ trang hải quân Liên Xô đã nhận lệnh tiếp quản. Đó là đơn vị bộ đội anh hùng, có lịch sử rất oanh liệt, tiền thân của nó chính là hạm đội khu vực sông Vonga, từng tham gia cuộc chiến tàn khốc bảo vệ trận Stalingrad và được nhận danh hiệu cận vệ.

Thuyền trưởng mới nhậm chức của con tàu là một vị chỉ huy có kinh nghiệm tác chiến rất phong phú và vô cùng có uy tín trong quân đội, mọi người đều nhất nhất phục tùng mệnh lệnh của ông, ngay cả quân địch cũng cúi đầu nể phục. Nhân viên cấp dưới của ông được huấn luyện để có phẩm chất ngoan cường, tác phong quân đội, cũng từng nhiều lần nhận được huân chương ‘Sao đỏ’ do đoàn chủ tịch tối cao Xô Viết trao tặng.

Trước khi tiếp quản 615, thuyền trưởng đã nghe rất nhiều lời đồn hư thực về nó, nhưng dưới sự răn đe của chính ủy, không ai dám bàn luận về chuyện trước đây, mà họ thậm chí còn chưa kịp quen thuộc với con tàu, thì đã đột nhiên nhận được mật lệnh chấp hành nhiệm vụ chuẩn bị trực ban.

Các thuyền viên tranh thủ thời gian ngắn ngủi để nói lời tạm biệt với gia đình, rồi hối hả tập hợp, đội mưa lớn lái Z-615 rẽ sóng vào trùng dương. Chẳng ngờ, con tàu đến gần khu vực 30° vĩ Bắc, thì đột nhiên địa chấn dưới đáy biển gây ra sóng thần, rồi tàu chìm nhanh như viên đá rơi xuống nước, lao thẳng xuống đáy biển, sa lầy trong bùn cát, không thể nổi lên được.

Các thuyền viên trên tàu bị nhốt mười mấy tiếng trong nỗi tuyệt vọng, mọi người vắt óc nghĩ mọi cách, nhưng đều không thể cứu vãn được tình hình, khoảnh khắc đó như thể đã chạm một tay vào cánh cửa địa ngục. Đúng lúc mọi người đang trong tận cùng tuyệt vọng, thì con tàu lại đột nhiên khôi phục, như chưa hề xảy ra hỏng hóc, nó lại nổi lên mặt nước.

Nhưng khi những khuôn mặt với đủ nỗi kinh hoàng còn chưa kịp hoàn hồn thì 615 lại bị một chiếc cầu nước hình thành từ dòng nước ngầm dưới đáy biển xoáy tít đưa vào hắc động, rồi mặt biển sau sóng gió lại trở về trạng thái tĩnh lặng như lúc đầu. Vì lòng chảo biển bị cơn địa chấn rạch đứt vẫn chưa kịp khép miệng, nên trong khi 615 tuy lành lặn, nhưng đã hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài, nó chìm lún vào nỗi tuyệt vọng còn sâu hơn biển cả.

Đối mặt với hiện thực còn đáng sợ hơn cả ác mộng này, thuyền trưởng đã mô tả cảm giác đó như sau: ‘Vì tổ quốc, tôi nguyện phản bội thượng đế, nhưng giờ phút này có lẽ chỉ mình thượng đế mới biết, rốt cuộc 615 đã rơi xuống nơi nào.’ Những cảnh ngộ mà tàu ngầm Z-615 gặp sau đó, đại khái cũng tương tự như hội Tư Mã Khôi, do kim la bàn bị hỏng, nên chỉ biết cỗ tàu ngầm trôi theo vành đai 30° vĩ Bắc về hướng tây, bất kể ngày đêm.

Tuy công năng vượt trội của tàu ngầm và hệ thống SONAR có khả năng giúp Z-615 có thể định vị được lối ra, nhưng hiềm nỗi, đại dương dưới lòng đất lúc nào cũng ầm ầm dậy sóng, lại sâu vô tận, còn không gian trên đầu thì hoàn toàn bị mây từ che phủ dày đặc, nên để tiết kiệm nguyên liệu cho đến khi chờ được đội cứu viện đến, họ bắt buộc phải dừng cung cấp điện cho động cơ diesel, để mặc cho nó trôi nổi trong hắc động.

Sau hơn sáu mươi ngày đêm ngoan cường chống chọi giành giật sự sống, từng người trên tàu bắt đầu chết dần, thậm chí có người không chịu được áp lực đã phát điên. Thuyền trưởng nhận thấy vùng biển tử thần trong hắc động căn bản không có điểm tận cùng, bởi vì nó chính là một vòng tròn ma quái quấn quanh vành đai 30° vĩ Bắc, chỉ có lối vào mà không có lối ra.

Tuy lúc tác chiến, để ẩn giấu tung tích, tàu ngầm thường để chế độ hoàn toàn tĩnh lặng, nên việc cắt đứt liên lạc với trung tâm chỉ huy là chuyện bình thường, nhưng mất liên lạc trong suốt thời gian dài, lại chứng tỏ con tàu đã gặp sự cố, thế mà đã hơn 60 ngày trôi qua, vẫn không thấy bóng dáng của đội cứu hộ, xem ra không thể hi vọng gì vào viện binh được nữa.

Giờ này, có lẽ tên tuổi của tất cả các thuyền viên trên con tàu 615 đã được khắc trên bia đá nghĩa trang liệt sĩ Matxcơva rồi cũng nên, và chắc họ khắc thế này ‘Tưởng niệm các anh hùng Z-615 đã hi sinh bất khuất vì nghĩa lớn. Tổ quốc ghi công những đứa con trung thành bất diệt của người.

Các anh sẽ sống mãi trong trái tim mỗi người dân Xô Viết’. Nhưng bất kể bia mộ có khắc những dòng chữ vinh quang đến mấy, thì những thành viên trên con tàu ấy không bao giờ còn có cơ hội được đọc, thậm chí họ đã hoàn toàn từ bỏ hi vọng được cứu viện, giờ chỉ có thể cố gắng tự mình cứu lấy mình mà thôi.

Lúc này, thuyền phó đề nghị cho 615 lặn xuống sâu như vậy có lẽ sẽ tìm thấy huyệt động mà dòng nước ngầm chảy qua và thoát khỏi vòng tròn ma quái. Thuyền trường chấp nhận đề nghị mạo hiểm đó, quyết định phải liều chết một phen. Độ sâu cực hạn mà Z-615 có thể lặn xuống là 200 mét, nhưng nhờ thiết bị tiên tiến và kinh nghiệm điều khiển tàu lặn nhiều năm, nên thuyền trưởng đã cho con tàu lặn xuống tới độ sâu 260 mét, khi áp lực của nước khiến khoang tàu gần như bị ép vỡ, vậy mà vẫn chưa thể chạm tới đáy, cũng như chưa tìm thấy huyệt động nước ngầm.

Thuyền trưởng biết kế hoạch này không khả thi, nếu không nổi lên thì chắc con tàu sẽ tiêu đời, nên ông lập tức ra lệnh cho Z-615 nổi trở lại mặt nước. Nhưng tất cả đã quá muộn, con tàu đã lặn xuống quá sâu, buồng điều áp bị đè bẹp biến dạng, miễn cưỡng duy trì trạng thái tiến về phía trước ở độ sâu 260 mét, các thuyền viên đều tự biết khó thoát khỏi kiếp nạn này, và ai nấy đều cho rằng tất cả mọi chuyện là do lỗi con tàu Z-615 đáng chết này gây ra.

Ai ngờ, đúng lúc này, con tàu đột nhiên được một sức mạnh vô hình nào đó từ từ nhấc bổng, và nổi trở lên mặt nước như cũ, nhưng hình như nó va chạm phải đá, nên lòng tàu bị vỡ và hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều người mắc phải chứng tăng áp, rồi bình tích điện của vách ngăn đột nhiên chạm mạch bốc cháy, cũng may mà các thuyên viên kịp thời dập tắt được ngọn lửa, sau đó họ cầm ống nhòm ban đêm đặc chế cho tàu lặn quan sát kỹ xung quanh, và phát hiện thấy con tàu bị một hòn đảo hút chặt, dường như đó là một hòn đảo từ trường, nó cũng nổi bập bềnh giữa biển khơi dưới lòng đất, con tàu đã đâm phải đá ngầm cách hòn đảo một đoạn khá gần.

Sau khi tiến hành thám trắc, thuyền trưởng suy đoán, rất có thể hòn đảo đó là một núi sắt từ khổng lồ, nó hút tất cả tàu thuyền hoặc máy bay gặp nạn và mất tích gần vành đai 30° vĩ Bắc. Có lẽ tiền thân của hòn đảo này là tảng đá khổng lồ từ trong lớp vỏ Trái đất rơi xuống, có điều nó sở hữu một loại từ trường đặc biệt mà các thiết bị thám trắc thông thường không thể nào dò nổi, lực hút của nó đối trọng với thể tích của của tàu thuyền, thể tích càng lớn thì càng chịu lực hút lớn, ví dụ: những vật thể có thể tích nhỏ bé như cây súng, sẽ không bị nó hút.

Năm đó, vào thời kì chiến tranh trên biển giữa Nga và Nhật, chiến hạm sắt của quân Nga cũng từng gặp một tai nạn tương tự, hai chiếc tàu hải quân bị hút chặt xuống đáy biển. Tuy nhiên lúc đó loài người còn chưa nhận thức được hiện tượng nên không ai có thể ngờ rằng dưới lòng đất sâu lại tồn tại một con quái vật như vậy, trách gì khi máy bay và tàu thuyền đi qua vành đai 30° vĩ Bắc, thì hết chiếc này đến chiếc khác bị rơi xuống biển.

Còn chiếc Z-615, sau khi lặn xuống và mất kiểm soát, cũng may nhờ nó chỉ cách hòn đảo này một đoạn rất gần, nên mới không bị nó kéo tít xuống tận cùng của dòng thủy thể. Sau khi thảo luận với chính ủy, thuyền trưởng quyết định cử đồng chí thuyền phó lão luyện và chín chắn dẫn theo mười thuyền viên bơi ra đảo do thám địa hình, nhưng sau khi rời khỏi tàu, chẳng bao lâu sau cả đội liền mất liên lạc, những người được cử đi thi hành nhiệm vụ cũng không thấy ai trở về.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.