Mê Tông Chi Quốc

Chương 169: Hồi 3: số mệnh là dòng sông thần bí



Mọi người nghe Triệu Lão Biệt nói thì đều cảm thấy rất mông lung: “Số mệnh của con người đúng là trăm người trăm vẻ, nhưng hòn đá thì làm sao có số mệnh được?”

Thắng Hương Lân suy đoán: “Có lẽ Triệu lão sư phụ muốn nói – mọi sự vật trên đời đều có cơ duyên riêng của nó… ”

Tư Mã Khôi nói: “Cho dù hòn đá có số mệnh, thì nó vẫn chỉ là một hòn đá, tấm bia Vũ Vương chìm xuống vực sâu sao có thể chỉ là một hòn đá bình thường được?”

Triệu Lão Biệt thấy mọi người vẫn chưa hiểu chuyện, liền bảo: “Thế thì nói thế này vậy, chư vị đều là những người đi nhiều biết rộng, chắc hẳn biết Đường Thái Tông Lý Thế Dân chứ hả? Sau khi chết, Thái Tông hoàng đế được an táng ở Chiêu Lăng, trên mặt đá của điện thờ chạm khắc hình sáu con chiến mã. Đó đều là những con chiến mã ngài từng cưỡi lúc sinh thời, chỉ vỉ sơn lăng của Thái Tông được gọi là Chiêu Lăng, nên bức phù điêu sáu con tuấn mã được đặt tên là ‘Chiêu lăng lục tuấn’, sáu con tuấn mã đó lần lượt là Táp Lộ Tử có công cửu giá, Bạch Đề Ô ngày đi ngàn dặm, Quyền Mao Oa thiên mã hạ phàm, Thanh Truy động tác uyển chuyển như dải lụa trắng, Thập Phạt Xích tuấn mã huyết thống Ba Tư, Đặc Lặc Phiêu phi nhanh như gió.

Thực ra, phiến đá có khắc ‘Chiêu lăng lục tuấn’ chỉ là một phiến đá bình thường, trong núi có biết bao phiến đá như thế, nhưng vì trên bề mặt nó chạm khắc kiệt tác, nên nó mới trở thành báu vật, người nào nhìn cũng thèm muốn, kết cục nó bị một bọn trộm mộ để mắt tới, chúng đập nát điện, cất nó trong hòm, rồi cho lên tàu vượt biển sang hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Triệu Lão Biệt còn nói thêm. Lúc bọn trộm mộ hủy hoại ‘Chiêu Lăng lục tuấn’, chính mắt lão cũng trông thấy, các cậu nói xem trên đời này có biết bao tảng đá, sao có những tảng đá đứng trơ gan cùng tuế nguyệt hàng ngàn vạn năm, rồi bị phong hóa mủn nát trên núi mà mãi mãi không có ai ngó ngàng tới, trong khi đó có những tảng đá lại được người ta lựa chọn làm tấm bia khắc ‘Chiêu Lăng lục tuấn’? Nói đến cùng chẳng phải đều tại chữ ‘mệnh’ thôi sao? ‘Mệnh’ nói một cách đơn giản thì chỉ mỏng như lớp giấy dán cửa sổ, còn nói sâu hơn thì nó là vực sâu như biển cả không nhìn thấy đáy.

Hải ngọng bừng bừng lửa giận, ngoạc mồm ra mắng: “Bọn khọm Tây quả là đáng ghét, nẫng hết hàng tốt mà tổ tông chúng ta để lại, trách gì năm đó nổi dậy loạn Nghĩa Hòa Đoàn, thử hỏi không nổi dậy liệu có thành công không? Lúc đó mà ông đuổi kịp thì ông đã đẩy đường sắt, nhổ cột điện hất tung mẹ tàu chúng nó xuống biển cho rồi”.

Triệu Lão Biệt vội chối bay chối biến: “Nói gì thì nói mỗ đây ít nhiều vẫn là người có thực lực, người ta có câu ‘thà chết cũng không khai, thà đói cũng không làm giặc’, nghề vớ vẩn gì mà chẳng kiểm nổi hai bữa cơm nhạt qua ngày, sao phải đi làm cái việc hạ tiện sớm tối hầu hạ bọn chó đó?”

Tuy Tư Mã Khôi cũng phản cảm với lối nói chuyện mập mờ của Triệu Lão Biệt nhưng trong lòng anh cũng đôi chút cảm nhận được hàm ý giấu phía sau – số mệnh giống như một dòng sông thần bí, không ai biết nó sẽ đưa ta đến đâu, con đường phía trước của hội anh cũng đầy rẫy những điều chưa biết. Nhưng cuối cùng anh cũng hiểu Triệu Lão Biệt muốn nói gì, bia Vũ Vương chẳng qua chỉ là một phiến đá lớn, bản thân nó không hề có điểm gì đặc biệt, dòng chữ khắc trên tấm bia cổ đó mới là điều then chốt, nhưng trên phiến đá cùng lắm cũng chỉ khắc mấy hàng chữ “long ấn triều Hạ” đã thất truyền từ lâu chứ mấy, thực sự không thể tưởng tượng được mấy ký tự cổ đại đó có thể phát huy được tác dụng gì.

Tư Mã Khôi đành tiếp tục truy vấn Triệu Lão Biệt: “Lão có biết trên tấm bia Vũ Vương ghi chép bí mật gì không?”

Triệu Lão Biệt gật đầu đáp: “Vị thủ lĩnh đây nói rất chính xác, trước đây mỗ không biết, nhưng bây giờ thì đã hiểu rồi”.

Trong khoảnh khắc, tim mọi người như thắt lại, họ đều đợi để nghe Triệu Lão Biệt nói ra bí mật trên tấm bia Vũ Vương.

Triệu Lão Biệt ra vẻ thần bí nói: “Chúng ta bèo nước tương phùng, duyên phận cũng khá sâu đậm, các vị đã muốn hỏi bí mật khắc trên tấm bia đá kia rốt cuộc là gì, thì mỗ cũng xin nói thật vậy, các vị nghe đây…”

Cả hội không thể tưởng tượng nổi một phiến đá khổng lồ bị chìm dưới vực sâu từ mấy ngàn năm trước có thể ghi chép lại bí mật kinh thiên động địa gì, giờ phút này, lòng hiếu kỳ của mọi người đã dãn ra đến cực điểm, ai nấy đều nín thở lắng nghe như thể chỉ sợ lọt mất chữ nào.

Triệu Lão Biệt vốn không muốn tiết lộ bí mật với đối phương, nhưng bị đẩy vào thế bí, lão lên gân lên cốt nói: “Bí mật này đúng là chuyện động trời, các vị nói nó là thế nào thì nó chính là thế ấy… nghĩ nó là thế nào thì nó chính là thế ấy!”

Hải ngọng ngứa ruột, phăm phăm lao vào lão, rút dao săn ra, định đẽo Triệu Lão Biệt thành “cây gậy người” luôn một thể.

Tư Mã Khôi thấy tuy xung quanh lai lịch của Triệu Lão Biệt có nhiều điều ly kỳ, nhưng lão ta chẳng qua chỉ là hạng ít học, mở miệng ra là thở toàn khẩu ngữ giang hồ, lời lẽ thô kệch, muốn lão giải thích rõ ràng mọi bí mật cổ xưa ẩn chứa trong tấm bia Vũ Vương còn khó hơn lên trời, dẫu sao mọi người đã xuống tận đáy vực sâu, kiểu gì cũng nghĩ được cách tìm thấy tấm bia cổ, trước mắt phải xác định chính xác lai lịch của lão đã. Nghĩ vậy, anh bảo đối phương trình bày cặn kẽ từ đầu chí cuối xem lão “đã gặp những ai, học những công phu nào, biệt bảo được những báu vật gì, trải qua những sự kiện nào, từng đi đến đâu, vì sao lại xuất hiện ở dưới lòng đất này – nơi mà con người không thể đặt chân tới và biết bí mật của tấm bia Vũ Vương qua nguồn thông tin nào?”

Triệu Lão Biệt cũng biết tiếc mạng sống, mắt thấy không thể tiếp tục che đậy được nữa, lão đành khai ra thân thế của mình: Triệu Lão Biệt có cuốn bí thuật biệt bảo gia truyền, ngoài cặp mắt tinh như cú vọ phân biệt được mọi báu vật trên đời, lão còn biết chút ít về mấy món công phu “miêu thoán cẩu thiểm”(1). Ngoài ra, lão luyện cả khí công, từ trước đến giờ chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi sự nóng lạnh của thời tiết. Trời nóng bức bao nhiêu, lão vẫn mặc áo da như thường, có điều lão ta quanh năm chỉ quanh quẩn khai hoang trồng cấy ở vùng nông thôn, chưa bao giờ được ra ngoài mở mang tầm mắt, cũng chưa đi đâu xa quá cổng làng.

1 Miêu thoán cẩu thiểm: nghĩa là “chó chui mèo lủi”.

Triệu Lão Biệt là hạng người ếch ngồi đáy giếng điển hình, cùng lắm cũng chỉ thấy bầu trời rộng bằng lòng bàn tay, lúc nào cũng nghĩ ta đây tài giỏi lắm. Đến những năm Dân quốc, cả nước lâm vào nạn đói, người dân ở nông thôn chết đói như ngả rạ, lão đành bươn trải ra ngoài tìm kế mưu sinh, nhưng lúc đó thế thời đang loạn lạc, lão không thể tìm thấy báu vật trong thành, trong khi ngoài thành thì nhan nhản bọn ngựa vang(2), giặc đất, chỉ bất cẩn một chút là mất mạng như chơi. Có câu “Hổ đói chặn đường vồ người, người đói ra đường mãi võ”, lão cũng bày đại mấy gánh hàng, diễn thử mấy chiêu, nhưng chuyện đời ăn cần tiền, ở cũng cần tiền, trên có mái nhà, dưới có nền nhà, chi phí cống cho quan viên và giang hồ đều phải nộp đủ, lão lại chỉ biết mấy chiêu nhà quê, chẳng có mấy người cam tâm móc túi bỏ tiền xem lão diễn. Cuối cùng hết cách, lão đành hạ quyết tâm làm giặc đất.

Những năm đó, tuy cả gầm trời đều loạn thành mớ bòng bong, nhưng giới giang hồ vẫn duy trì giới luật nghiêm ngặt. Người ta vẫn bảo “đất có thổ công sông có hà bá”, thổ công hà bá đã không gật đầu thì đố dám chen chân nhập bọn, mà nếu đánh lẻ thì ngặt nỗi thổ không thông, người không quen. Xưa có câu rất chí lý “ làm ăn không đắc địa, chỉ tổ rước cục tức vào thân”, Triệu Lão Biệt đương nhiên cũng thấu hiểu đạo lý này, lão cảm thấy tốt nhất nên tìm một “bóng tùng” để nương tựa, bởi rốt cuộc lưng có dựa gốc cây thì thân mới mong mát mẻ. Cái gốc cây to nhất lúc ấy tất nhiên là Thường Thắng Sơn. Nghĩ vậy, Triệu Lão Biệt liền đến bái kiến thủ lĩnh, thắp hương xin nhập hội, nào ngờ tên thủ lĩnh đó lại trông mặt mà bắt hình dong, thấy Triệu Lão Biệt quê mùa một cục nên không mấy coi trọng.

2 Ngựa vang: chỉ dân cướp đường.

Triệu Lão Biệt thấy mình bị người ta coi thường thì tức nổ ruột, nghĩ thầm: “Bàng Thống thời Tam quốc tuy hình dáng xấu xí bé nhỏ, không đạo mạo cốt cách như Gia Cát Lượng, nhưng tài năng thì chẳng kém cạnh gì, thế mà lúc đầu gặp mặt, Lưu Bị cũng có ý xem thường ông ta. Con người trên cõi đời này đa phần đều là hạng mắt thịt dung tục, chỉ biết coi bì tướng chứ đâu biết coi cốt tướng, sao hiểu được khí chất anh hùng?”

Triệu Lão Biệt tự ái, lão liền quyết định bỏ đi xa một mạch đến tận Tân Cương. Chặng đường này bám đầy phong trần bụi bặm, lão càng lúc càng đi xa dần về phía tây, càng đi xa bóng người càng thưa thớt. Lão không biết đường đi lối lại, cũng không biết mình đang đến huyện nào, tỉnh nào. Một ngày nọ, lão hành hương đến một nơi, nơi ấy vô cùng hoang vắng lạc hậu. Không biết bao năm rồi chưa có người lạ bước chân vào trong thôn, dân chúng trong vùng không hề biết thế giới bên ngoài đã thay vua đổi chúa từ lâu, họ cứ ngỡ người đang an tọa trên ngai vàng giữa đất kinh thành vẫn là vua Càn Long.

Triệu Lão Biệt không ngờ ở đây lại có nơi vắng vẻ dường vậy, lão định đi nhanh để kịp tìm nơi tá túc trước khi trời tối, nhưng suốt chặng đường chỉ thấy bãi hoang nối tiếp sa mạc, phía trước không thấy làng bản, phía sau không thấy quán trọ, mây đen che khuất ánh trăng, đêm khuya vô cùng tĩnh mịch, lão thu hết can đảm bước về phía trước, bỗng lão nghe thấy phía sau văng vẳng “sột soạt”.

Triệu Lão Biệt dừng bước, chiếu cặp mắt mèo quan sát xung quanh thì phát hiện có một con chó rất lớn đang bám theo mình. Con chó mặt xanh nanh vàng, nó trừng cặp mắt xanh lục, sáng quắc như đèn pha, thè cái lưỡi đỏ au như máu, ngoác mồm nhe răng hướng thẳng về phía Triệu Lão Biệt. Triệu Lão Biệt cuống quýt xua tay, miệng suỵt suỵt, hòng đuổi con chó hoang đi chỗ khác. Nào ngờ, con chó hung dữ lao đến cắn xé điên loạn chiếc áo da của lão. Triệu Lão Biệt cậy mình có tí võ, thò tay rút ra cái tẩu thuốc lớn vẫn giắt ở thắt lưng, gõ mạnh vào đầu con chó dữ. Phía đầu tẩu thuốc của lão bịt nắp đồng rất nặng, gõ vào đầu đảm bảo phải nổi một cục to bằng quả ổi. Con chó đau quá, kêu “ăng ẳng” rồi co mình lại, nhưng vẫn dai dẳng bám theo lão không chịu buông tha. Tiếng kêu của nó như thể tiếng gọi đồng loại. Lát sau, Triệu Lão Biệt thấy càng lúc càng nhiều chó đến hơn.

Triệu Lão Biệt cuồng loạn chân tay, vừa ra sức gõ loạn xạ đầu tẩu thuốc, vừa co cẳng chạy nhanh về phía trước, nhưng bầy chó hoang quá dữ tợn, chúng xé nát cả chiếc áo da khoác bên ngoài, vai và bắp chân của lão đều bị thương. Đang lúc nghĩ bụng chắc phen này không thể trụ thêm được nữa, bỗng lão thấy phía xa có mấy đống lửa, thế là lão vừa lăn vừa bò đến đó. Mấy con ác cẩu thấy ánh lửa thì không dám đuổi theo nữa.

Đám lửa đó là điểm hạ trại của một đoàn ngựa, đứng đầu là mấy người Pháp, họ dẫn theo nhóm thổ tặc vào sa mạc khai quật xác khô để vận chuyển ra nước ngoài triển lãm. Lúc ấy, trời đang lúc canh khuya, mấy người Pháp thấy toàn thân Triệu Lão Biệt bê bết máu, chạy gấp đến nỗi thở chẳng ra hơi, họ rất đỗi ngạc nhiên, vội vàng gọi phiên dịch đến hỏi xem đã xảy ra chuyện gì.

Triệu Lão Biệt thở hồng hộc nói: “Đừng hỏi nữa, đây rốt cuộc là đâu? Sao nhiều chó thế? Mà toàn là chó hoang, chưa bao giờ tôi thấy loài chó dại nào lại hung dữ thế này, lỡ bị nó cắn thì thực không phải chuyện chơi, gõ vỡ đầu mà nó vẫn không chịu nhả mõm ra…”

Mấy người Pháp và bọn thổ tặc đi cùng, nghe lão nói mà trố mắt nhìn nhau. Ở hoang mạc này lấy đâu ra chó hoang, chắc chắn người này vừa bị một đàn sói bao vây rồi! Lão ta ăn gan hùm mật gấu hay sao mà dám một mình chạy lung tung giữa hoang mạc trong khi thân không găm súng, tay không mang đuốc như vậy?

Ở rừng già núi sâu vùng Quan Đông cũng có sói, nhưng phần lớn chúng chỉ xuất hiện đơn độc, đặc điểm hình dáng cũng hơi khác với sói sa mạc. Nghe mọi người nói vậy, Triệu Lão Biệt mới hãi hùng nhận ra, không ngờ khi nãy mình gặp phải sói, nghĩ lại vẫn thấy dựng hết tóc gáy.

Tay cầm đầu đội thám hiểm Pháp thấy Triệu Lão Biệt một mình mở đường máu phá được vòng vây của bầy sói, thì nghĩ thầm người này chắc chắn phải có bản lĩnh xuất chúng. Sau này, cuốn cổ tịch biệt bảo lấy trộm được trong lăng tẩm vua Chăm Pa cũng là của tay đội trưởng người Pháp đó tặng cho lão.

Năm Dân quốc 15, đội thám hiểm người Pháp nghe nói phía dưới di chỉ Hắc Môn ở thành cổ Lâu Lan có chôn giấu bảo vật. Khi ấy, Triệu Lão Biệt đã lăn lộn khắp vùng sa mạc Gobi ở Tân Cương khá lâu, lão rất rành địa phận vùng này, bởi thế lão dẫn đội thám hiểm Pháp tiến vào Lopnor tìm kiếm di tích cổ Lâu Lan. Giữa đường, bọn họ gặp bão cát, Triệu Lão Biệt bị lạc khỏi đội thám hiểm, bão cát tung bay mịt mù, tối tăm trời đất, giơ tay ra không nhìn thấy ngón. Lão mò mẫm tìm được một cửa động, liền vội vàng ba chân bốn cẳng chui xuống đó lánh nạn.

Tư Mã Khôi và Thắng Hương Lân ngồi cạnh nghe Triệu Lão Biệt kể, mới biết thì ra đó chính là thời điểm Triệu Lão Biệt chui vào “chiếc hộp thời gian”. Lúc ấy, Triệu Lão Biệt lại ngộ nhận rằng, đội khảo cổ muốn giết lão diệt khẩu, nên tìm mọi cách chạy trốn, cuối cùng bị luồng không khí nhiễu động cuốn đi mất. Lúc tỉnh lại, lão thấy mình đã rơi xuống đất, gần như bị cát vàng chôn sống, may mà trước khi bị cái nóng sa mạc hun thành thịt khô, lão lại được hội người Pháp kịp thời đào lên. Lão cứ ngỡ mình vừa trải qua một cơn ác mộng. Triệu Lão Biệt ngầm ghi nhớ trong đầu mấy bức hình mà đội khảo cổ nhắc đến khi trước. Lão cứ một mực đinh

ninh đó chính là những gợi ý ngầm về biệt bảo Lâu Lan. Thế là, mấy người bọn họ lại chỉnh đốn đội ngũ, bắt đầu xuất phát, họ chui xuống lòng đất từ cửa Hắc Môn.

Tư Mã Khôi nghĩ thầm: “Nói như vậy thì sau đó Triệu Lão Biệt và tất cả hội người Pháp đều chết hết trong di chỉ dưới lòng đất Lâu Lan cổ, vậy sao một mình lão lại có thể xuất hiện ở đây để kể lại về cái chết được nhi?”. Nghĩ đến đây, đột nhiên anh nhớ ra, trong truyền thuyết Chăm Pa cổ đại nhuốm đậm màu sắc tôn giáo, người ta gọi vực sâu bị biển ngầm dưới đất ngăn cách với thế giới bên ngoài là “vương quốc của người chết”.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.