Rung động đầu đời nó thực dịu nhẹ và ngọt ngào, một cơn mưa bụi thổi qua tâm hồn ta, chỉ lất phất thôi nhưng cái lạnh tê tái lại cứ ngấm mãi, khiến ta nhớ đến suốt cuộc đời.
Buổi tối trú mưa đó, lần đầu tiên tôi biết thế nào là cảm giác khi ôm một đứa con gái vào lòng, mùi hương con gái nhẹ phảng phất, cảm nhận từng nhịp thở ngượng ngập cố kìm nén của thân hình bé nhỏ kia. Tiếc là giữa tôi và con An chỉ có thể là bạn bè. Mối quan hệ giữa nam và nữ được ràng buộc bởi một trong hai thứ : Tình hoặc nghĩa. Ranh giới giữa hai thứ đó thực mong manh, tựa hồ như không tồn tại. Có chăng chỉ là những cái rụt tay ngại ngùng, những lúc phải thêm vào vài câu bông đùa xuồng xã khi cả hai chợt nhận ra có chút gì đó hơn cả yêu thương đang bộc lộ trong mắt nhau. Khoảng cách mãi là khoảng cách, có người sẽ chọn xóa đi khoảng cách đó và đi theo tiếng gọi trái tim, nhưng tôi lại không đủ can đảm đến thế, tôi rất sợ một ngày nào đó mình mất đi con An bỗ bã, nghịch phá, không còn ai dám cả gan chọc tai tôi mỗi khi tôi ngủ gật, không còn ai thản nhiên ngồi chờ tôi thay áo trong phòng…
***
Cơn mưa dai dẳng mãi rồi cũng tạnh. Tôi rũ cái áo phông, mặc tạm vào rồi chở con An về. Ngồi sau xe tôi, hai tay nó tung tăng hai túi đựng toàn thú phát sáng với kẹo bánh, hát líu lo. Tôi ngoái ra sau, lập cập:
– Reeee rét chết raaa đây! Vuii vui vui… lắm…ý ý ý… mà hát!
Nó ấn vào mạng sườn tôi một cái, tôi buồn cười run run tay lái, tí thì ngã. Nó bảo:
– Lạnh cơ, sĩ cơ. Có cần tao ột vé ôm không nào!
Nói xong, nó choàng tay ôm sát lên lưng tôi, vươn tay ra trước túm vào cổ tay tôi, lắc lắc liên tục. Tôi hoảng, quát:
– Não mày ngấm nước mưa nên điên rồi hả? Lắc lắc là chết cả lũ giờ.
Nó mặc kệ, cứ chốc chốc lại lắc tay tôi cái, hành tội suốt từ chỗ trú mưa đến nhà nó. Hộ tống nó về an toàn, tôi đang định về thì nó níu lại bảo chờ một tý nó ra ngay, xong biến luôn vào trong. Tôi đứng ngẩn tò te ra, chờ mà rét run cầm cập. Lúc sau thấy nó ton ton chạy ra, rồi quẳng vào người tôi mấy cái áo nam, bảo:
– Áo bố tao đấy! Mặc vào rồi đi về, từ đây đến nhà mày xa thế mà cứ mặc độc cái áo ướt kia thì hóa đá đây. Không khéo chưa về đến nhà đã vật ra ở xó xỉnh nào rồi bó chiếu luôn, tao lại mất công đi viếng!
Xong nó bắt tôi cởi cái áo phông ra rồi trùm vào người tôi một đống áo to sụ, lại quấn cả khăn len nữa. Con An chỉnh chỉnh cái mũ len trên đầu tôi, cười hì hì:
– Đúng là qua tay nhà tạo mẫu thiên tài có khác, ăn mặc đẹp hơn hẳn.
Tôi cười cười cảm ơn nó rồi đi về, vẫy vẫy tay:
– Thôi đại ca về nhá. Ở lại tối ngủ mơ thấy ma quỷ nhá, bóng đè vui vẻ!
– Cút, phắn, lượn, biến nhanh không tao cho cái alo vào mặt giờ!
Tôi cắm đầu đạp xe về, trú mưa lâu nên giờ hơn 22h rồi mà mình vẫn chưa về nhà, không khéo bị bố mẹ cho ngủ vỉa hè mất. Chạy tắt vào một đường ngõ, tôi gồng lưng phóng như bay. Con An nó mặc ình một đống áo to như con gấu, nóng thế không biết, thà cứ mặc cái áo ướt kia còn hơn. Bỗng nhiên, khi đi qua khúc quanh, tôi thấy có bóng người thoáng nhìn mình rồi nấp luôn vào, nghi là bọn xin đểu nào đó, tôi càng phóng nhanh hơn, thoáng chốc đã về đến nhà. Bố mẹ tôi đã ngồi chờ sẵn dưới phòng khách, thấy tôi về muộn, bố hằm hằm:
– Đi đâu giờ này mới về? Bố mẹ gọi cho nhà từng đứa bạn một, chúng nó về hết rồi còn mỗi mình mày.
Tôi lắp bắp:
– Dạ, dạ… Con với con An trú mưa nên về chậm ạ!
Bố tôi gật gù, quay sang nhấm nháy với mẹ:
– À…à…ra là AN… Thế mà mày không nói sớm, thôi lên tắm rửa đi.
Mẹ tôi gạt đi:
– Cái ông này. Thằng này bé tí, biết cái gì mà. Toàn dạy hư nó! Có đói không con, bố mẹ để phần cơm rồi đấy?
Tôi đáp rằng ăn cùng lớp, xong chạy thẳng lên phòng. Đi lên cầu thang, vẫn còn nghe tiếng bố tối vỗ đùi đen đét, hào hứng:
– Thằng này được. Càng ngày tôi thấy nó càng giống tôi, hay, hay quá bà nhể!
Sau đó là tiếng mẹ tôi xua đi, nói là còn bé, đang tuổi học hành, yêu đương nhăng nhít làm gì. Đối với mẹ, dường như tôi luôn là thằng con bé bỏng cần mẹ bao bọc, dẫu cho bây giờ tôi đã lớn, có công ăn việc làm ổn định thì mẹ vẫn lo lắng cho tôi từng bữa ăn giấc ngủ, thỉnh thoảng lại gọi điện nhắc có ăn thì về nhà ăn cơm đừng ăn hàng mất vệ sinh, tối đi ngủ sớm, công việc để sau, đừng có tham công tiếc việc mà thức khuya.
Vừa lên phòng, tôi cởi luôn bộ áo của bố con An ra xong xuống tắm. Lên phòng, giờ tôi mới ngồi nhìn kĩ lại bộ quần áo nó đưa tôi. Bố nó U40 rồi mà trẻ trung thật, mặc toàn đồ thanh niên, lại cùng tạng người với tôi nữa chứ. Mà quần áo gì lại toàn mùi con gái thế nhỉ? Ngộ thật đấy. Hình như mùi này giông giống mùi trên tóc con An mà tôi vô tình ngửi được khi trú mưa. Hay là con ngẫn này nó quý bố quá nên ôm luôn cả bộ quần áo của bố đi ngủ? Trông mạnh mẽ thế mà lập dị hơn cả mình. Gấp gọn lại bộ quần áo, tôi để vào giỏ cạnh máy giặt, định mấy hôm nữa đưa trả nó.
Sáng ngày kia, vừa vào nhà xe thì tôi thấy Trang đi ngay đằng trước. Hí hửng đi bên cạnh, ló đầu ra chào:
– Trang! Hôm nay đi học sớm thế!
Nàng ậm ờ đáp rồi dắt xe đi tiếp. Quái lạ, sao tự nhiên bơ mình thế nhỉ? Lên lớp học, tôi đi bên cạnh Trang, kể về chuyến đi chơi vừa rồi, nhưng Trang nghe chỉ ậm ừ lấy lệ rồi đi thẳng vào lớp học. Ngồi vào bàn, tối vắt chân, rung đùi học lại bài Anh, học xong có năm phút là thuộc, cơ mà hình như hôm nay thiếu thiếu cái gì thì phải? À đúng rồi, từ sáng tới giờ chưa thấy con đẻ nhầm kia nó ra phá phách mình. Tôi quay người lại, nhìn ra phía chỗ ngồi con An, không thấy nó đâu cả, hôm nay trời có bão hay sao mà An mẫn cán lại đi học muộn nhỉ? Thây kệ, ta cứ phóng xuống cantin ngồi với bọn thằng Hoàng đã.
Dưới cantin, hội ăn chơi đã tụ tập đông đủ. Chúng nó đang chúc tụng thằng Sơn cái gì đấy, tôi chen vào giữa hỏi:
– Cái gì náo nhiệt mà lại không có mặt anh thế?
Thằng Quý vỗ vai thằng Sơn, cười nắc nẻ:
– Hôm qua đi Bát Tràng, thằng lỏi này đã tỏ tình với “chị trùm” Thy bóng rổ. Lại còn được nắm tay nữa chứ! Cung hỉ cung hỉ!
Tôi chột dạ, nghĩ thầm:
– Nắm tay thôi mà chúng nó đã thế này. Nếu biết tối qua mình trú mưa ôm con An chắc bọn này nó xé xác mình mất. May mà chưa lộ ra câu nào!
Cười giả lả, tôi vỗ tay tán thưởng, bồi vài câu chọc ngoáy cặp đôi Hoàng- Minh xong ôm luôn gói quẩy lỉnh lên lớp. Ở lâu nữa chắc mình nói hố ra thì ngu người, gì chứ con An có tới hơn chục cái vệ tình cả lớp 10,11,12 tăm tia rồi, một trong mấy đứa đấy mà hay chuyện thì tôi chạy đâu cho thoát.
Lên lớp thì thấy ngay An mẫn cán đã đến, đang nằm bò ra bàn ngủ. Tôi cầm túi quẩy, chạy ra chọc chọc vào tay nó cho dậy, nó lăn người vào sát cửa sổ, ngủ tiếp, bực mình, tôi túm cái mái ngắn cũn của nó, giật cho phát. Con An hét oai oái rồi bật dậy, mắt căm thù nhìn về phía tôi. Tôi chìa túi quẩy ra, đung đưa trước mặt nó, nhử:
– Đói chưa? Ăn không, quẩy này giòn này, ngọt này, thèm không con?
Nó chẳng buồn đoái hoài, úp mặt xuống ngủ tiếp, tôi gọi lớn vào tai nó:
– Trời nổi bão à? Hôm nay sao lợn chê đồ ăn thế? Mày không ăn là tao ăn hết đấy!
Vừa nói, tôi vửa lủm luôn miếng quẩy vào miệng, nhai rồm rộm cho ra tiếng thật to. Nó trùm cái mũ lên đầu, lại ngủ. Hôm nay con này cũng bơ mình hả? Từ sáng đến giờ là hai lượt rồi, ngày gì mà đen thế không biết?
Chán nản ôm bọc quẩy về chỗ, nhưng chẳng ăn được miếng nào thì bọn con gái đã bu vào, mỗi đứa miếng, hết sạch sành sanh. Tôi ngán ngẩm ngồi giở quyển sách ra đọc chờ trống. Tiết đầu tiên là tiết Anh, cô nhìn qua lớp một lượt, gọi:
– An lên bảng làm task 2 task 3!
Con An uể oải đứng dậy, lê lên bảng. Phía trên, cô Hải bật đài bài Listen, nó lắng tai nghe, cứ gõ lạch cạch viên phấn, viết xong lại xóa. Phía dưới, tôi nhắc liên tục đến mức cô phải nhắc, ở trên bục giảng thì con An thì vẫn chẳng làm ra đâu vào đâu, cuối cùng nó lủi thủi ôm con 0 tròn trĩnh về chỗ. Cô Hải nghiêm giọng nhắc:
– Em An, hôm nay em làm cô rất thất vọng, một cán sự môn Anh như em, đáng ra phải là đầu tàu gương mẫu cùng các bạn cán bộ khác, nhưng em nhìn bài làm của em mà xem, quá tệ so với trình độ của em. Lần này cô bắt buộc phải cho em điểm 0 để em ghi nhơ lấy bài học ngày hôm nay, tự nhắc nhở bản thân không được sao lãng việc học tập. Thôi, cô cho em ngồi xuống.
Cả lớp xì xào bàn tán, đứa nào cũng ngạc nhiên khi thấy bỗng dưng con An lại không làm được bài đại trà. Tôi nhìn xuống chỗ nó, thấy nó cứ buồn buồn như chực khóc, cặm cụi chép bài, bọn con gái xung quanh hỏi han thì chỉ gật đầu hoặc trả lời vài câu. Tội nghiệp con bé, môn Anh là môn nó yêu thích và tự hào nhất, vậy mà hôm nay lại tụt thảm hại thế này, là tôi với môn Văn thì chẳng biết tôi sẽ cảm thấy ra sao nữa! Đến tiết Văn cuối, thầy định gọi con An lên bảng, nhưng thấy nó ỉu xìu như bún thiu thì không gọi nữa mà chuyển sang gọi thằng giơ tay xung phong là tôi, may mà bài trước ngắn nên mình lên đỡ đạn cũng ổn, cầm 8 điểm về chỗ an toàn. Đang giữa tiết 5, bỗng dưng thầy ngừng giảng, phía cuối lớp có tiếng con gái ré lên. Tất cả đồng loạt quay ra sau, con An chẳng biết làm sao mà đổ gục ra đấy, mấy đứa ngồi quanh lay mãi mà nó cứ lịm đi. Tôi hoảng hồn rẽ chúng nó ra, cúi xuống bế thốc nó lên, chạy hồng hộc tới phòng y tế. Thầy cử lớp trưởng ở lại quản lớp, còn mấy đứa khác thì chia ra đi thông báo với thầy chủ nhiệm và bố mẹ con An.
Ở phòng y tế, con An nằm im thin thít trên giường, cô y tế xem mạch, đo huyết áp với kẹp nhiệt độ cho nó, lại kêu tôi ngồi cạnh trông để cô pha trà gừng. Tôi ngồi bên cạnh, lo lắng nhìn nó, mọi khi nó tung tăng chạy nhảy, nghịch phá tôi như con tăng động không biết mệt, thế mà hôm nay nó lại ngất ra vậy. Khuôn mặt trắng ngần giờ tái nhợt, lấm tấm mồ hôi, cặp mắt long lanh hay nhìn tôi châm chọc giờ nhắm nghiền mệt mỏi. Chợt tay nó động đậy, giơ lên chới với, tôi vội chìa tay ra thì nó nắm luôn lấy, cố nắm cho thật chặt mà như không còn sức, giờ tay nó lạnh ngắt, run run. Cô ý tế pha xong trà gừng, bón từng thìa cho nó. Cô nhìn lại đồng hồ đo huyết áp và nhiệt kế, quay sang hỏi tôi:
– Em có biết bạn dạo này có gì thay đổi không?
Tôi ngạc nhiên lắc đầu không hiểu. Cô giải thích:
– Theo kinh nghiệm của cô thì bạn em chịu áp lực lớn nên mất ngủ thường xuyên, lại bỏ bữa nên người ngày một yếu đi. Gần đây lại bị cảm lạnh nên đến lớp học không chịu được nữa mới ngất thế này.
Cảm lạnh chắc là do hôm kia dính mưa rồi, nhưng nó bị áp lực gì mà suy nhược mới được chứ, mấy lần đi chơi nó vẫn vui lắm cơ mà, bày bao trò trêu tôi. Tôi là bạn nó mà sao nó lại không nói năng gì? Ẩn trong nụ cười hồn nhiên ngộ nghĩnh kia lại là đứa con gái nhỏ bé chứa bao tâm sự. Phải chằng tôi đã quá vô tâm ư?
Uống hết cốc trà thì con An từ từ mở mắt, nó nhìn xung quanh rồi hỏi:
– Sao tao lại ở đây?
Tôi cười mà muốn khóc:
– Mày ăn uống làm sao mà tự nhiên ngất thể? Nhỡ chết là tao phải đi viếng à? Nói trước là cỗ đám ma có tôm chiên tao mới đến nhá!
Môi nó tím tái, gượng cười:
– Tao không chết được đâu. Mà tay tao cầm cái gì thế?
Nó nhìn xuống tay mình, thấy đang nằm gọn trong tay tôi thì vội vàng rụt lại, lè lưỡi:
– Thằng dê cụ biến thái, lợi dụng lúc tao ngất mà nắm tay, đếch chơi với mày nữa.
– Ờ ờ! Lần sau tao có đưa cho cái gì ăn uống thì đừng ăn đấy, tao bỏ thuốc rồi, ai biết đấy là đâu.
Nói đoạn tôi xoa cằm ra vẻ ranh mãnh. Nó với tay cố đấm vào người tôi, nắm tay nhẹ hều, chẳng có chút lực nào. Lúc cú đánh chạm phải người, tôi suýt khóc vì thương nó, sao nó lại hành tội bản thân ra đến mức này cơ chứ!
Ngồi nói chuyện một lúc thì tan trường, bọn lớp ùa xuống đứng lố nhố ngoài cửa phòng y tế. Nhận thấy giờ mình mà còn ngồi đây đùa giỡn với con An thì không hay chút nào, tôi đứng dậy đi về, nhờ mấy đứa con gái nhà xa ở lại thì trông con An, đi về tôi sẽ qua nhà báo bố mẹ nó. Lúc về, tôi tạt qua nhà nó, bấm chuông chờ lúc là thấy mẹ nó ra mở cổng ngay, nghe tôi kể lại sự việc, mẹ nó rối cả lên, hốt hoảng gọi điện cho bác trai đến trường, còn mẹ nó thì vào dắt xe ra là đến trường ngay. Hôm đó, tôi về nhà mà lòng cứ thấy có lỗi với con An. Nó lúc nào cũng như cái thùng rác của riêng tôi, có chuyện gì buồn vui tôi đều ném hết vào, nó lúc nào cũng lắng nghe bất kể những gì tôi nói. Còn tôi thì chưa hề biết thế nào là lắng nghe tâm sự của nó, chỉ nhìn nó qua bóng dáng ton ton chạy loăng quăng khắp hành lang, tiếng cười hí há vui nhộn.