Chap 43:
Mấy tuần sau, hội thằng Vĩ không đả động gì đến tôi nữa. Tôi thở phào nhẹ nhõm, nghĩ:
– Vậy là xong! Không có quấy phá, không chặn đường đánh nữa. Giờ mình yên tâm mà tận hưởng nốt mấy ngày sát nghỉ hè rồi.
Ván cờ quyết định với Vĩ, mãi tới 4 năm sau mới diễn ra. Tới giờ tôi vẫn còn hối hận vì ngày đó đã chơi đòn quá nhẫn tâm, không sớm thì muộn quả báo cũng sẽ đến tìm tôi. Nhưng bất kể dù còn sống được bao ngày, tôi vẫn sẽ sống hết mình, sống sao cho không uổng những năm tháng trên cõi đời này.
*
* *
Trước hôm bế giảng, tôi đang ngồi chơi bài với hội thằng Quang trong lớp thì bỗng nhiên có mảnh giấy ở đâu ném vào từ cửa sổ. Con Yến nhặt lên, thấy ngoài có ghi: “L.T Hưng”, thấy vậy nó liền đưa cho tôi. Tôi mở tờ giấy ra, bên trong có dòng chữ: Xin lỗi! Ở lại tốt nhé. Dưới kí tên Vĩ. Thì ra Vĩ đã lên tiếng xin lỗi trước với tôi, tránh gây ra những chuyện xích mích không đáng có. Cuộc đời vốn chẳng thể lường trước được, bao nhiêu toan tính, vụ lợi ta ngầm sắp đặt sẵn cho đối thủ, ta làm mọi thứ phức tạp hóa, quan tâm đến những chuyện không đâu. Rốt cục, mọi thứ lại có thể hóa giải bằng một lời xin lỗi. Có những thứ tưởng như phức tạp kì thực lại đơn giản vô cùng, có lẽ bởi người ta nghĩ nó phức tạp thì nó sẽ phức tạp vậy.
Dạo này, trời vào hè nóng như đổ lửa. Đứng từ trên lớp nhìn xuống sân trường chói một góc màu nắng, khắp sân lác đác vài đứa đuổi nhau đùa nghịch, còn lại tất cả đều trốn vào trong lớp, tránh đi cái hơi lửa của trời. Nhìn lên cao, bầu trời xanh ngắt một màu, không gợn mây, không một cơn gió, từng nhành phượng hồng in lên nền trời chói chang, màu phượng đỏ rực như nhắc ai đang qua vô tư tuổi học trò, rồi cứ vô tâm quên mất ai khác vẫn lặng thầm dõi theo mình. Buổi trưa, lúc đi học về, con An ngồi sau lưng tôi, giơ balo lên che đầu, loay hoay cố đội cái mũ bé tý của nó cho tôi. Tôi bảo:
– Ngồi yên cái nào! Có vừa đâu mà cứ cố trùm vào làm gì!
– Nhưng mà nắng! Mày đi đầu trần là ốm đấy!
– Ốm thế quái nào được! Ngồi yên vào, tao tăng tốc đấy!
– Ơ…ấy ấy…để tao ngồi lại đã!
Nó hét toáng lên, nhích nhích người ngồi gọn vào, tay ôm nhẹ lấy cạnh sườn tôi. Tôi cứ phóng đi vù vù, cố đi cho nhanh qua chỗ nắng, con An sợ đen lắm, dãi nắng với tôi thế này mà làm nó đen đi chắc nó ủ dột hàng tuần mất. Ngồi sau lưng tôi, nó lại hát líu lo cái gì đấy. Về đến nhà rồi còn há, dạo này tự dưng lại hát lắm thế, í a suốt ngày. Nhìn nó lon ton chạy vào nhà, tự nhiên tôi lại cười mà chẳng hiểu tại sao.
Buổi chiều, trời hơi dịu dịu đi tý, có vài áng mây nặng trịch đang kéo dần về. Kiểu này chắc đêm nay hoặc sáng mai sẽ mưa, cơn mưa đầu tiên của mùa hè. Ngồi nhà mãi, tôi thấy chán chán, bèn sang nhà con An rủ nó đi chơi. Nó hí hửng:
– Hì hì! Ăn cái gì thế? Có ngon không?
– Ăn, ăn, ăn! Suốt ngày chỉ nghĩ đến ăn. Đi câu cá với tao.
Nó vỗ tay reo ầm lên, kêu:
– Đi câu cá à? Ở đâu thế?
– Cứ đi theo tao rồi khắc biết!
– Ừ ! Ừ! Chờ tao tý!
Nói đoạn, nó chạy biến vào trong nhà, để tôi lơ ngơ đứng đó. Lúc sau nó chạy xuống, mặc bộ áo câu cá nhiều túi, đội mũ phớt đính mồi giả, vác hai cái cần câu dài lêu nghêu. Tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn nó, nó chớp chớp mặt, xoay vòng vỏng hỏi:
– Có đẹp không! Quần áo đi câu cá của tao đấy!
Vốn biết nó có lắm loại quần áo trong tủ, nhưng đến mức có cả bộ câu cá thế này thì đáng ngạc nhiên thật. Đúng là cầu kì mà, đi câu cũng bày vẽ lắm chuyện. Chẳng bù ình, chỉ cần cây tre, sợi cước, lưỡi câu với mấy con giun, buộc thêm mẩu gỗ nữa là đi câu rồi. Nhìn con An lầm chẫm như đứa trẻ con, lại vác cái cần câu dài ngoằng nhìn ngố không tả nổi. Nó ì ạch leo lên xe, cười khúc khích bảo:
– Nhìn kĩ đi! Đẹp chưa này! Xinh nhé, đáng yêu nhé!
Tôi bụm miệng cười, đạp xe tiếp, lát sau mới hỏi:
– Mày thó đâu hai cái cần câu thế?
– Thó gì mà thó! Một cái của bố tao, một cái của lão Bủn đấy!
– Thế túm lại là mày đi câu bao giờ chưa?
– Ơ…hơ hơ! Chưa!
– Thế mà cũng áo quần, mũ nón đầy đủ
– Nhưng mà nó đẹp, mày nhìn xem, cái áo với cái mũ nó rất hợp với tao còn gì!
– Đúng là….!
– Là cái gì…mày nói tiếp xem nào! Con lợn Hưng, ti toe! Tao mà học câu xong á! Tao câu giỏi hơn mày luôn.
– Ghê nhỉ? Rồi xem, đồ…đồ!
– Đồ gì?
– Đồ con gái!
– Thế mày nghĩ tao là con gì?
– Con quỷ thì có!
Nó hét lên, thọc cán cần câu vào lưng tôi túi bụi:
– Á á á á! Ý mày là tao xấu như quỷ chứ gì? Thằng chập mạch này!
Suốt từ đó cho tới lúc ra ao, nó đánh tôi không biết mỏi. Nhìn thấy cái ao , nó hỏi:
– Chỗ này có biển đề câu cá đâu! Ai cho câu mà câu!
Tôi cười, đáp:
– Chỗ đất này của nhà cậu tao. Nhưng đang để đó chuẩn bị năm sau xây khu nhà cho thuê. Có cái hồ này, cậu tao thả cá vào để thỉnh thoảng chán chán thì ra câu cho vui.
– Thế lấp luôn cái ao à?
– Ừ! Lấp sạch, không lấy chỗ đâu mà xây
Nó tiu nghỉu:
– Tiếc nhỉ? Thế hết chỗ để tao với mày câu cá à?
Tôi cười, bảo:
– Khối chỗ chơi! Rồi tao dẫn mày đi chơi chán thì thôi!
Tôi đẩy cổng dắt xe vào, dựng tạm cạnh dãy bạch đàn. Đi sâu vào trong thấy cậu tôi đang ngủ trưa trên cái võng mắc giữa hai cây mít. Thằng Quân cháu tôi đang ngồi chơi trên cái chõng bên cạnh, thấy tôi vào, nó reo ầm lên:
– Ông ơi! Ông! Bác Hưng sang kìa ông! Bác Hưng dẫn theo cả người yêu nữa!
Ôi thằng lỏi con này! Mày giết bác rồi! May mà lường trước được chuyện gặp thằng lỏi này nên tôi thủ sẵn gói kẹo, đứa cho nó ngồi ăn, thế là hết cả hỏi han phá rối. Nhưng không ngờ nó mở mồm nhanh thế. Con An líu ríu đi sau tôi, mặt đỏ bừng lên, giật giật áo tôi hỏi:
– Nó là đứa nào thế?
– Cháu tao! Kệ nó, có bánh kẹo rồi thì nó ngoan lắm!
Cậu tôi đang ngủ, nghe động thì ngồi dậy, tôi chào rõ to:
– Cháu chào cậu ạ!
Cậu dụi mắt nhìn tôi, cười khà khà:
– A! Thằng Bi…à nhầm…thằng Hưng! Sang câu cá hả? Thuyền cậu vẫn buộc chỗ cây trứng gà đấy! Mái chèo cũng trong đó nốt!
– Dạ vâng ạ!
Nói rồi tôi dẫn con An ra chỗ để thuyền. Chợt cậu kéo tôi lại, hỏi nhỏ:
– Ố ồ! Thằng này được, mới 16- 17 đã có người yêu xinh thế! Chẳng bù cho cậu mày mãi năm 20 mới biết thế nào là cầm tay con gái.
– Ơ kìa cậu! Nó bạn cháu mà!
– Bạn bè gì mày! Thế định bao giờ cho chúng tao ăn bánh kẹo đây?
– Cậu cứ trêu cháu!
– Trêu cái gì mà trêu! Nhìn con bé ngoan ngoãn, xinh xắn thế cũng biết là con nhà gia giáo rồi.
– Thì đúng ạ!
– Thế mày còn cự nự gì nữa! Yêu thì nói mẹ là yêu đi, còn bạn với chẳng bè. Điếc đít!
Nghe hai cậu cháu tôi xì xầm to nhỏ, con An đứng ngoài ngơ ngác không hiểu gì, định nghe mà không dám lại gần. Nhận thấy nó đang chờ, cậu thả tôi ra, vỗ vai nói:
– Con bé nó đang đứng chờ đấy! Đi mau đi kìa, lù đù như con gà rù! Bí quyết là không bao giờ để gái nó chờ lâu quá, chỉ làm cho nó sốt ruột là ngon rồi!
– Thôi cậu ơi! Cậu tha cho cháu!
– Rồi! Thả mày về với…với…với cái gì ấy nhỉ? À đúng rồi…với cục cưng! Hề hề hề!
Tôi vội vàng chạy nhanh, kéo con An đi ra lấy thuyền. Nhìn thấy cái thuyền, nó lo lắng, thụt lùi lại sát bở. Tôi ngồi ở dưới hỏi:
– Sao thế?
Nó lí nhí đáp:
– Tao…tao không biết bơi! Tao sợ nước lắm!
– Xì! Cứ xuống đi! Ngã tao vớt lên cho!
Nó chun mũi lại, nghi ngờ:
– Thật không đấy! Tao sợ lắm!
– Thế mày xuống không?
– Ngồi trên bờ đi!
– Trên bờ có rắn đấy!
– Á! Khiếp, sao mày không nói sớm! Cho tao xuống với!
Nói rồi, nó rụt người lại, thò chân ra với với cố nhích xuống thuyền, hai tay dang ra chờ tôi đỡ. Bỗng nhiên, nó bước hụt cái, ngã nhào vào người tôi. Tôi vội ôm chặt lấy nó giữ lại, nó sợ quá hét toáng lên, cái thuyền tròng trành như sắp lật. Chờ thuyền yên, tôi bảo:
– Hết rồi đấy!
Con An vẫn chưa hết sợ, nó ôm cứng lây cánh tay tôi, co rúm người vào trong thuyền, mắt mở to nhìn xung quanh sợ hãi. Tôi khó khăn lắm mới trèo ra góc ao được, chỗ này hôm nọ đi qua tôi thấy con trắm ốc to lắm, câu về nướng xem có ngon không . Nhưng hình như đi câu với con An thì vận đen nó kéo đến thì phải. Câu mãi chẳng được cái cóc khô gì, mà thôi, dù sao cái tôi thích là cảm giác lơ lửng trên thuyền, buông cần ngồi nghĩ vẩn vơ. Chỉ tội con An, nãy giờ ngồi mãi, cứ nhúng lưỡi câu xuống lúc xong chốc chốc lại kéo lên xem có cá cắn câu không, mỗi lần nhìn thấy lưỡi câu trơ mồi, nó lại xụ mặt ra, những vẫn kiên nhẫn “câu” tiếp. Tôi ngán ngẩm hỏi:
– Cần câu nó có cái chuông với cái phao, theo mày thì nó dung để làm gì?
– Nhưng mà lâu lắm!
Nó chun mũi cau có, hết vung lên lại đập xuống cái cần câu. Tôi miết vào mũi nó cái, nói:
– Nghịch thế! Ngồi yên xem nào!
Bỗng nhiên, cái chuông kêu ting một tiếng, phao đột ngột dìm hẳn xuống. Con An cười vang, hí hửng giật mạnh lên, được mỗi con rô phi. Cơ mà nó vui lắm, trông cứ như Anhxtanh khám phá ra thuyết tương đối vậy. Nó chỉ chỉ con cá, bảo:
– Hưng ơi! Thả nó đi.
– Thả làm gì?
– Nhưng nó bị bắt tội lắm!
– Dở hơi!
– Đi mà! Thả nó đi!
Nói rồi nó làm mặt cún con, mắt to tròn nhìn tôi, lay lay vai năn nỉ. Tôi mỉm cười, thỏ tay gỡ con cá thả lại ao. Con An vỗ tay thích thú, rồi xoay lưng lại, ngồi dựa vào lưng tôi, lại hát. Tôi lim dim mắt, thả cho thuyền trôi lơ lửng, lắng nghe giọng hát của nó. Nó có một tâm hồn trong sáng, thuần khiết quá chửng, là người lớn nhưng lại có trái tim của một đứa trẻ con. Nhất định tôi sẽ bảo vệ
“đứa trẻ” này bằng mọi giá, chứ nó vừa ngố, tồ tẹt, lại tốt bụng thế này thì dễ bị bắt nạt lắm. Mà ngoài tôi ra, không ai được phép bắt nạt nó hết.