Ở Kiến Khang một thời gian, Cảnh Tịch thấy được là tri phủ không những độc tài muối ăn, mà vải vóc hay các thứ cơ bản như gạo đều bị trong tầm kiểm soát của ông. Nhưng ngoài ra, Cảnh Tịch không thấy thêm sai trái ở thành này. Những khi rảnh rỗi Cảnh Tịch thường suy nghĩ, bốn thành này nghèo đến mức tột cùng là lỗi do ai, lỗi do quan, hay lỗi do chính nàng cai trị không tốt.
Chỉ có thành Kỷ Trung là nghèo do bất khả kháng, nơi đấy đất đai cằn cỗi, người già đông. Cảnh Tịch thư thư tìm cách giải quyết, nhẩm tính ngày, sắp xếp ngày trở về kinh.
– Trúc Nhi, nàng muốn đi chèo thuyền với ta không?
Tối nay Cảnh Tịch lưu lại chỗ của nàng ấy, nàng cởi đôi hài hoa để dưới giường rồi leo vào bên trong chăn, đợi nữ nhân của mình cũng vào theo. An Trúc tháo trâm cài tóc, để suối tóc tùy ý thả dài dưới sau lưng, nghe tới đó liền hưng phấn quay đầu lại nhìn Cảnh Tịch, hỏi:
– Thật không?
– Thật.
Cảnh Tịch khẽ cười, tại sao An Trúc lại có thể giống trẻ con thế chứ.
Nhưng Cảnh Tịch không biết rằng chỉ có đối duy nhất một mình Cảnh Tịch, An Trúc mới là một tiểu nữ nhân. Chỉ vì người mà yêu, vì người mà hận.
Thổi tắt cây nến lập lòe, An Trúc dò dẫm trong đêm tìm lại giường, Cảnh Tịch chào đón nàng vào giường bằng một cái ôm nhẹ. An Trúc cười hì một tiếng, vòng tay ôm lấy eo của Cảnh Tịch, âu yếm dựa đầu vào lồng ngực vững trãi của nàng.
– Tịch, ngày mai đi chèo thuyền thật sao?
– Thật mà, Trúc Nhi, trẫm có lừa nàng bao giờ.
Giọng nói ấm nóng của Cảnh Tịch truyền xuống, chỉ thấy ấm áp lan rộng trong lồng ngực, nhẹ nhàng, như ánh nắng mùa xuân trêu đùa những phiến lá mới nhú ra khỏi vỏ bọc mùa đông. Tối đó An Trúc thật sự ngủ rất ngon, trong mơ chỉ mơ thấy sáng sớm dậy chuẩn bị đi chèo thuyền với Cảnh Tịch, vui biết bao.
Sáng sớm, Cảnh Tịch trèo qua người An Trúc rồi bước xuống giường, nàng đi lại bàn trang điểm lấy nước rửa mặt, sau đó chải tóc lên. Hôm nay nàng không muốn vận y phục nữ nhân, cũng không mặc y phục đế vương trang nhã của nàng, chỉ mặc một bộ đồ nam trang như Lộ Kiều nha hoàn của An Trúc.
Sau khi chuẩn bị xong cả rồi, Cảnh Tịch mới mò mẫm lại giường kêu nữ nhân của mình dậy. An Trúc trong lòng cũng háo hức muốn đi, chỉ kêu hai tiếng nàng đã lồm cồm bò dậy. Lúc này đây làm sao giống Hiền phi nương nương, nàng chỉ là một nha đầu khi yêu, không hơn không kém. Vị Hiền phi nương nương lúc này đây đang bò xuống giường, mắt díp lại thành một đường, theo cảm tính mà tới chậu nước rửa mặt.
– Tịch, sao dậy mà không gọi thiếp- An Trúc lầm bầm trong miệng, vừa nói vừa lau mặt xong quay sang chải tóc. Vì mới sáng sớm nên nàng không gọi Lộ Kiều vào giúp mình chải, chỉ tự tiện buộc tóc lại sau đuôi, cài thêm trâm, Cảnh Tịch lấy trên bàn một cây trâm hoa mai, điểm lên búi tóc sau lưng nàng một cánh mai.
– Đi thôi, thiếp xong rồi.
An Trúc vui vẻ ôm cánh tay của Cảnh Tịch, cùng đi ra ngoài, hộ vệ thấy hai người đi bèn lẳng lặng theo sau. Hôm qua Cảnh Tịch phát hiện trên sông có một ông lão chèo thuyền, chiếc thuyền tuy nhỏ nhưng có rèm che, có thể ngồi ở ngoài nhãn nhã uống trà, nắng hay mưa có thể vào bên trong tránh nắng.
Hôm nay nàng bao chiếc thuyền của ông cả ngày, khi ông nhận một lượng bạc trên tay, Cảnh Tịch thấy ông thoáng run rẩy một cái, rồi tạ ơn nàng rối rít. Chiếc thuyền nhẹ nhàng lướt trên mặt sông, An Trúc ngồi dựa vào vai Cảnh Tịch ngắm nhìn phong cảnh ven sông, lúc này đây chỉ thấy được nửa gương mặt nghiêng của Cảnh Tịch, vẫn thấy nàng ấy đẹp, đẹp đến hút luôn cả hồn phách của nàng.
– Tịch, thiếp thấy thật may mắn được biết nàng.
Vòng tay ôm lấy eo Cảnh Tịch, cảm nhận nhịp tim của chính mình càng ngày càng tăng dần. Nụ cười của An Trúc càng lúc càng đậm, lòng Cảnh Tịch cũng thấy vui vẻ không kém, vuốt vuốt lưng nàng ấy, nhỏ nhẹ nói:
– Ta cũng rất may mắn gặp được nàng, nàng không chê ta nhỏ, chịu ở bên cạnh ta.
Ngước mặt lên, An Trúc thấy Cảnh Tịch đang nhìn mình âu yếm, nàng cũng nhìn lại, chỉ thấy một nụ hôn phớt che đi đôi mắt ngây ngô của nàng. Nụ hôn phớt lại di chuyển xuống bên môi nàng, chuyển thành một nụ hôn sâu dài, sâu nặng như tấm lòng nàng dành cho Tịch Nhi. Bàn tay nàng ôm sau lưng Cảnh Tịch, hơi siết lấy áo bào của nàng, đôi môi của Cảnh Tịch không gắt gao kiếm lấy nàng như lúc nàng ấy truy hoan, chỉ nhẹ nhàng, trầm bổng như một khúc đàn mà mẫu thân hay đàn mỗi khi phụ thân đi lấy hàng xa, nhớ nhung, yêu thương chất chồng, say đắm.
Chẳng biết hai người hôn đến khi nào, chỉ muốn hôn đến bạc đầu, chẳng sợ quân đi xa mình, rời bỏ mình. Ước gì có thể trong nháy mắt biến thành bạc đầu, già cả cùng nhau có phải là quá xa vời không?
Đến khi Cảnh Tịch cảm thấy tâm ý mình đã truyền đi đủ, nàng buông đôi môi của An Trúc ra, nhìn nàng đỏ mặt trong lòng mình. Chỉ thấy muốn cười, Cảnh Tịch sợ mình cười nàng sẽ ngại nên ôm nàng vào lòng, sau đó mới khe khẽ cười. Cười vì mình rất hạnh phúc, có được bảo vật trong vòng tay.
Bên hông truyền đến một trận đau đớn, là An Trúc không chịu nổi nàng cười một cách đê tiện nên nhéo hông nàng. Ngay cả hoàng thượng còn dám nhéo, An Trúc, khi về nàng phải xử lí nàng ấy triệt để!
– Trẫm sẽ xử lí nàng sau, dám cấu trẫm.
Lời nói theo suy nghĩ buông ra, ý cười trong câu, người ngốc cũng nghe ra được.
Ánh nắng đầu tiên buông lên mạn thuyền, Cảnh Tịch thôi không đi thuyền nữa, kêu ông lão quay thuyền chở nàng vào bờ. Lão nhân gia thấy phu thê nhà nàng ân ái thân mật, cứ nghĩ là phu thê mới kết, chọc vài câu rồi quay thuyền về. Chiếc thuyền lướt theo dòng nước trở về bến cũ, đến nơi Cảnh Tịch cho ông lão một tờ ngân phiếu, bảo rằng:
– Tương lai do lão quyết định, giàu có hay nghèo khổ, đó là do lão. Ta hi vọng một ngày quay lại Kiến Khang, lão không còn là người nghèo nữa. Cũng không ở cái túp lều mỏng manh này.
– Đây, sao ta dám nhận.
Ông lão run rẩy cầm tờ ngân phiếu trong tay nhìn Cảnh Tịch, Cảnh Tịch mỉm cười:
– Phu nhân của ta nói ta phải thưởng cho lão. Nếu lão cầm số ngân lượng này mà vẫn nghèo, đó là do kiếp số, ta thật sự, thật sự muốn lần sau quay lại lão không còn nghèo khổ nữa.
Nàng cũng chẳng nói qua nàng với phu nhân của nàng cá cược xem nếu có một số ngân lượng như vậy, lão nhân gia sẽ trở nên nghèo khổ hay giàu có. Nàng cá là có, phu nhân cá là không, cứ cược xem thế nào.
Đuôi mắt già nua của lão ứa ra một giọt nước mắt đầu tiên, sau đó nước mắt theo đà ứa ra như nước lũ phá đê. Ông quỳ xuống, dập đầu với Cảnh Tịch, bảo rằng:
– Ta nhất định cố gắng, không phụ lòng công tử. Lại, Cẩu tử, mau quỳ lạy công tử đi!
Ông lão gọi một nam hài chừng ba tuổi từ trong lều ra, nam hài trông như thiếu ăn rất nghiêm trọng, làn da vì nắng cũng rám đen hẳn đi. Nghe lời nội tổ phụ của mình, cậu bé quy củ lạy Cảnh Tịch một cái.
– Ngươi tên gì?
– Đồng Phi Vũ.
Cảnh Tịch bỗng ngớ người ra, sau đó khóe miệng bỗng nhiên tạo thành một nụ cười, nói rằng:
– Ta là Cảnh Tịch, hãy nhớ, ta là vương của ngươi. Học hành cho giỏi, năm mười lăm tuổi cùng nội tổ phụ ngươi tới kinh thành tìm ta.