Về đến Tô gia, An Trúc chỉ thấy vải trắng treo từ ngoài cửa đến tận trong nhà, nén nước mắt sắp tuôn trào, nàng nhấc váy bước vội vào bên trong tìm kiếm phụ thân của mình. Ngũ nương Bính Đình thấy nàng, bất chợt nàng ấy lại khóc ôm lấy nàng vào lòng.
– Cuối cùng con đã về, phụ thân con mấy tháng nay đều ở trong từ đường, con vào khuyên nhủ người đi.
– Ngũ nương…- Tiếng khóc của An Trúc nấc nghẹn trong cổ họng, nàng cắn môi mình mặc cho nước mắt rơi xuống. Bao nhiêu tủi nhục từ lúc phát hiện Cảnh Tịch lừa dối nàng cho đến việc đại nương mất, nàng ngay tại đây bỏ mặc chúng tuôn trào, bao nhiêu ấm ức, bao nhiêu đau đớn, nàng không muốn giữ cho riêng mình nữa.
Còn nhớ lúc nàng gối đầu trên đùi đại nương, nói với người rằng: – Nếu con nói con yêu một nữ nhân, muốn gả cho nàng ấy. Nương, người nghĩ thế nào.
– Con gả cho nữ nhi nhà người khác, hay nữ nhi nhà người khác gả cho con có khác gì. Đừng đặt nặng trên người mình những thứ vô ích, con chân chính ái thượng ai, thì gả cho người đó.
Người vuốt mái tóc của nàng, âu yếm nhìn nàng. Trước giờ đại nương vẫn luôn nhu hòa như thế, nhớ lại chỉ thấy cay mắt. Nước mắt của An Trúc rơi xuống bờ vai mềm yếu của ngũ nương, nàng sai rồi, đáng lẽ ra không nên gả cho Cảnh Tịch.
– Ngoan, con vào khuyên phụ thân đi. Nàng nếu như vậy cũng sẽ đổ bệnh mất.
Tô lão gia đã hơn nửa năm nay chỉ ăn, ngủ trong từ đường, bất di bất dịch. Bính Đình chỉ sợ nếu tiếp tục như vậy sẽ không chịu nỗi, cũng may An Trúc đã về, hi vọng An Trúc sẽ lay động được tâm hồn của Tô An, đem nàng trở lại cuộc sống bình thường.
Cảnh quân cũng rút quân về, tuy chẳng là khải hoàn nhưng không khí hân hoan khi hoàn thành trận chiến vẫn lan ra trong quân đội. Cảnh Tịch ngồi trên kiệu, rèm thưa nên chỉ nhìn được một chút phong cảnh bên ngoài, nàng muốn ghi lại biên giới Cảnh – Nam, nơi nàng đã tự tay đem tình yêu của mình bỏ đi.
Liệu nàng ấy có hận nàng không? Cảnh Tịch đau đớn chua xót nghĩ, ắt hẳn nàng ấy sẽ hận nàng, không bao giờ muốn thấy mặt nàng lần nào nữa. Cái tát mạnh mẽ giáng xuống mặt nàng đã là nhân chứng cho sự kết thúc của hai người, không còn một cơ hội cứu vãn. Mà nếu nàng muốn cứu vãn, chẳng lẽ lại mang nàng ấy về chứng kiến bản thân mình chết đi?
Nhược Vân thúc ngựa ở bên cạnh chở theo Khả Thanh, mỗi khi nghe tiếng ho bên trong kiệu liền trào nước mắt, một lần Cảnh Tịch ho là tim nàng một lần đau đớn quặn thắt. Thì ra tư vị của sự rời xa là như thế này.
Có một lần chứng kiến Cảnh Tịch ho đến độ không thể đứng thẳng được, nàng mới hung hăng lôi Khả Thanh xềnh xệch trên đường, mặc kệ tà áo bào màu xanh lá bị rách theo đất đá bên dưới. Nàng ném Khả Thanh xuống dưới đất, gương mặt hung tợn như sắp sửa giết người nhìn Khả Thanh đang nằm yên.
– Ngươi là thái y để làm gì, bệnh vặt như vậy cũng không chữa được?
Khả Thanh không lau đi vết máu dưới bàn chân mình, nàng không cười bỡn cợt như mọi ngày, chỉ có đôi mắt là thấm đẫm ưu thương:
– Là ta vô năng
– Ngươi!
Một quyền đánh xuống giữa ngực Khả Thanh, Nhược Vân không tin được khi thấy máu Khả Thanh ướt tay áo nàng. Nàng đã làm gì thế này? Nhược Vân vội vàng sờ bờ vai Khả Thanh, lay nàng, hấp tấp gọi:
– Khả Thanh, ta không cố ý, ta không cố ý.
Không thấy Khả Thanh động đậy gì, chỉ thấy nàng ấy nằm yên lặng trên mặt đất mà rơi nước mắt. Lúc đó tâm tình của Nhược Vân cũng xuống cực điểm, nàng quay mặt đi, giấu đi nội tâm đang gào thét của mình. Từng bước của Nhược Vân nặng như đeo chì, nàng cho dù có cố gắng giả vờ như tự nhiên thế nào cũng không khiến bản thân thôi gượng gạo. Thôi thì nàng mặc bản thân mình rơi nước mắt, nếu như vậy có thể khiến nàng đỡ đau hơn.
Những ngày trên sa trường, quân lính đã quen với hình tượng cứng rắn của Nhược Vân, thấy quen nàng chém chém giết giết, vung tay lấy mạng kẻ khác không ghê tay. Không ngờ lúc này lại thấy nàng vừa đi vừa khóc như trẻ con, có một binh lính định đến hỏi nàng có chuyện gì nhưng nàng gạt ra, không muốn ai đến gần mình lúc này.
Đi đến gần lều của Cảnh Tịch, nàng ngồi xuống lặng nghe tiếng ho của Cảnh Tịch vang lên bên trong, nàng nghe đến thương tâm, nghe đến đau đớn lan ra trong lòng, tâm nàng, giây phút đó dường như đã chết.
– Vào trong đi, bên ngoài gió lớn.
Tiếng Cảnh Tịch nhu tình vang lên, Nhược Vân vội vàng đứng dậy, nàng phủi đi bụi trên váy mình, lau đi nước mắt rồi bỏ đi một mạch. Nàng không thể làm Cảnh Tịch buồn được, nàng phải vui vẻ, không được bi thương. Nàng phải đốc thúc Khả Thanh chữa bệnh cho Cảnh Tịch, Cảnh Tịch còn trẻ như vậy không thể xảy ra chuyện được.
Khả Thanh cứ nằm ở dưới sàn đất như một người chết, binh lính muốn giúp nàng đứng dậy nàng cũng không cho, chỉ nằm đấy nhìn mặt đất phủ đầy bụi vàng. Nàng làm thái y làm gì, ngay cả ái nhân cũng không lưu lại được, nàng thề, kiếp sau không lại làm một thái y, nàng làm trâu, làm ngựa cũng được, chỉ muốn như điểu song phi bên cạnh người mình yêu.
Nhớ lại Cảnh Tịch từng làm bạn với nàng, nhớ lại đêm gió tuyết cùng nhau uống trà, cùng nhau đón những cơn mưa. Tại sao nàng không sớm nhận ra cơ thể của Cảnh Tịch không tốt, cả đời làm thái y của nàng, chỉ một lần duy nhất bắt mạch cho Cảnh Tịch. Lúc đó nàng phát hiện ra Cảnh Tịch bị bệnh nhưng nàng chỉ nghĩ nhẹ thôi, dùng thuốc sẽ khỏi, không ngờ càng ngày càng trở nặng, lại vì nàng mà chịu một kiếm. Sớm đã không chịu được bao nhiêu lâu.
Lúc này đây cả đoàn khởi giá hồi kinh, Khả Thanh không nói không rằng chỉ yên lặng tự vấn mình, còn Nhược Vân thì cứ mãi rơi nước mắt, đôi khi sợ nàng ấy nấc lên, Khả Thanh đành phải ngồi dưới đằng sau vỗ vai dỗ dành nàng. Cảnh Tịch xuyên qua rèm thưa thấy gương mặt như đưa đám của Khả Thanh, thấy những giọt nước mắt long lanh của Nhược Vân, nàng vội vàng khép rèm lại. Có lẽ, nàng cũng nên đẩy các nàng rời xa nàng. Nhìn các nàng như thế, nàng cảm thấy không yên tâm.
Hồi cung, Cảnh Tịch đầu tiên đi thăm viếng phụ hoàng của mình, sau đó ngồi kiệu về điện Bàng Thế. Xuân Phúc công công mài mực hầu hạ nàng viết, chỉ thấy bút lông mềm mại di chuyển trên mặt vải vàng, Xuân Phúc công công biết Cảnh Tịch đang có chuyện muốn làm. Cảnh Tịch viết gì ông cũng không nhìn, chỉ thấy Cảnh Tịch hạ ấn kí xuống, sau đó sai Xuân Phúc công công đem đi thông báo cho các nương nương của mình.
Trong đó đề rằng phong Lã Khuê Thư lên làm hậu, đồng thời đem tất cả phi tử cho vào lãnh cung, ngay cả Khả Thanh cũng cùng một cảnh ngộ như các nàng. Trong một đêm, Cảnh Tịch nạp một trăm thê tử mới, tất cả là nữ nhi có tư sắc của quan lớn nàng đều thu vào, hậu cung phút chốc trở nên đông đúc.