Cuộc gặp gỡ tình cờ này thật sự rất có ý nghĩa.
Chuyện xảy ra vào mười hai năm trước, khi đó tôi còn là một thanh niên chưa đầy 30 tuổi, làm công việc bình thường, đi công tác chưa có tiêu chuẩn đi máy bay. Nhưng có một lần, sếp của tôi lên Bắc Kinh báo cáo công việc với cấp trên, nội dung báo cáo đã được viết trên giấy trắng mực đen, chỉ cần sếp dọc đường đọc đi đọc lại cho nhớ, khỏi cần tôi đi theo. Nhưng sau đấy cấp trên thay đổi ý kiến, muốn nghe báo cáo trực tiếp, sếp tôi lúng túng, vội vã triệu tôi “bay” tới, để tôi chuẩn bị tài liệu tại chỗ cho ông. Vậy là lần đầu tiên tôi được bước lên máy bay. Giống như các nhà thơ vẫn nói, nhờ vào sức mạnh của bầu trời, chỉ hai tiếng đồng hồ sau tôi đã đến Bắc Kinh. Sếp cuối cùng vẫn là sếp, ông ra tận sân bay đón tôi, tất nhiên không phải vì yêu quý gì nhau mà, chủ yếu là để tôi “nhanh chóng nắm bắt tình hình”. Nhưng vừa ra khỏi sân bay, một đồng chí công an rất ngang nhiên đứng chắn giữa chúng tôi, không cần hỏi lôi thôi, yêu cầu tôi đi theo anh ta. Tôi hỏi có chuyện gì, anh ta bảo cứ đi rồi sẽ biết. Nói xong, anh ta đẩy tôi đi, khiến vị sếp còn bối rối hơn cả tôi. Dọc đường, ông hỏi tôi có chuyện gì xảy ra, tôi đâu biết. Có thể khẳng định đây là cuộc “đưa đi” đầy bí mật, nếu không chỉ là chuyện nhầm lẫn. Tôi phải nhắc đi nhắc lại với “hai vị” công an tên tôi là Mạch Gia – Mạch là lúa mạch, Gia trong chữ gia đình, chứ không phải gia giảm. Thật ra, bố tôi đặt tên cho tôi trước tiên là do kém hiểu biết, không biết trên đời này có Thánh địa Mecca[1], thứ nữa để tỏ ra khiêm tốn, ông yêu cầu tôi phải khiêm tốn, vì ý nghĩa của hai chữ Mạch Gia, nói thẳng ra là đồng ruộng, là cày cấy, là nông dân, rất chất phác.
Cũng phải nói lại, “hai vị” ấy không buồn để tâm về sự đúng sai của tên tôi, họ bảo dù là gia đình hay gia giảm thì, đúng là anh rồi, không thể sai được. Nghe chừng họ không muốn nói lí, thật ra tất cả đều là lí, bởi có người đủ cả mắt mũi chỉ vào tôi và bảo họ đưa tôi đi, đâu có sai? Gọi họ đến bắt tôi đi là hai người, cùng dãy ghế trên máy bay với tôi, họ thì thầm trao đổi, giọng nhà quê nghe rất quen, tưởng như về đến quê tôi. Sau khi nghe cái giọng quê quen thuộc của hai vị, tôi chủ động bắt chuyện với họ. Thật bất ngờ, câu chuyện lại là mồi lửa tự thiêu, khiến hai vị công an coi tôi là kẻ xấu, tóm cổ tôi đi.
Họ là công an sân bay, có quyền bắt tôi hay không lại là chuyện khác. Vấn đề này cũng không quan trọng, quan trọng là tôi phải thoát ra bằng cách nào. Công an đưa tôi và sếp đến trụ sở của họ, trụ sở chia ra phòng trong và phòng ngoài, phòng ngoài không lớn, khi bốn người chúng tôi bước vào, căn phòng càng trở nên nhỏ hơn. Sau khi ngồi xuống, hai vị công an bắt đầu thẩm vấn tôi, hỏi tên, nơi làm việc, gia đình, chính trị, quan hệ xã hội… chừng như tôi trở thành kẻ khả nghi cần phải xem xét. Cũng may, sếp của tôi, rất kiên quyết và đầy quyền uy chứng minh tôi không phải phần tử phức tạp trong xã hội, mà là người tôn trọng kỉ luật cơ quan, luật pháp Nhà nước. Cho nên sau khi thẩm vấn những điều liên quan, mọi chuyện đều thuận lợi, nhanh chóng giải quyết.
Tiếp theo, hai người chuyển sang chuyện khác, tập trung hỏi tôi đã nghe và thấy gì trên máy bay, tôi bất ngờ, không biết phải nói thế nào. Bởi đây là lần đầu tiên tôi được vinh dự đi máy bay, “nghe thấy” bao nhiêu chuyện, toàn chuyện vụn vặt, linh tinh, chẳng đâu vào đâu, biết nói gì bây giờ? Họ bắt đầu hỏi tôi theo một hướng, thật ra, nói đi nói lại cũng chỉ một vấn đề, tức là, tôi đã nghe thấy hai người “đồng hương” trao đổi gì đó với nhau trên máy bay. Lúc ấy tôi mới hiểu, hai người đồng hương tình cờ gặp trên máy bay không phải là nhân vật bình thường, từ sự gặp gỡ không bình thường ấy tôi nghe được – vấn đề là nghe hiểu – những điều có liên quan đến câu chuyện riêng của họ. Họ cho rằng thứ tiếng địa phương của họ người khác nghe mà không hiểu nên họ có thể mạnh dạn nói chuyện bí mật riêng tư ngay chỗ đông người, nhưng không ngờ ngay bên cạnh lại có người nghe rõ, hiểu rõ.
Vậy là họ không yên tâm.
Vậy là “mất bò mới lo làm chuồng”.
Nhưng nói thật, tôi cũng chẳng nghe thấy từ miệng họ nói ra chuyện gì li kì. Ban đầu họ không nói tiếng địa phương, mà tôi cũng không thấy người là nhận quen biết ngay, với lại lần đầu đi máy bay, có lắm chuyện li kì, nhưng lại không thấy li kì. Máy bay cất cánh, tôi cảm thấy rỗi rãi khi ngồi một chỗ, tôi đeo tai nghe lên để nghe đài. Lúc bỏ tai nghe xuống mới nghe thấy họ nói tiếng quê mình, vừa nghe tôi cảm thấy như được gặp cha mẹ nên lập tức làm quen chứ đâu biết họ nói chuyện gì. Tôi nói tưởng như cố tình nói dối, nhưng có trời biết, đất biết, tôi biết, tôi tuyệt đối không nói dối.
Cứ thử nghĩ mà xem, nếu tôi có điều gì gian dối, liệu có thể chủ động nhận đồng hương với họ? Với lại, cho dù có nhận, liệu có thể họ nói chuyện rất lâu rồi tôi mới nhận không? Cũng cần nói lại, tôi vừa nghe họ nói, liền nhận ngay là đồng hương, vậy làm thế nào có thể nghe được toàn bộ câu chuyện của họ? Tuy rằng khẩu thiệt vô bằng, nhưng cứ bình tâm suy xét thì cách giải thích của tôi – không nghe thấy họ nói gì – không thể không đáng được xem xét. Tôi cứ kiên trì giải thích, thêm vào đấy nhờ có những lời tốt đẹp của sếp, cuối cùng hai vị công an cũng thả tôi ra. Nhưng tôi phải hứa: nếu nghe thấy gì có liên quan đến bí mật quốc gia, không được nói lại với bất cứ ai, bất cứ ở đâu, nếu không, sẽ gánh chịu mọi hậu quả. Tất nhiên tôi vâng vâng dạ dạ cam kết, sau đấy coi như xong chuyện.