Chuyện của tôi bắt đầu từ Matxcơva. Tôi là đứa trẻ cô đơn, lớn lên ở Matxcơva. Năm 1931, mới 4 tuổi tôi đã sang Matxcơva, lúc về đã 20, đó là năm 1947. Ở Matxcơva tôi học vô tuyến điện, lúc về, tổ chức bố trí tôi vào làm việc ở 701. Công việc ban đầu của tôi là làm nhiệm vụ thám thính, về sau vì tôi biết tiếng Nga, nên có một thời gian chuyên thu thập và chỉnh lí tin tức tình báo. Năm 1957, tổ chức điều tôi và vợ là Tiểu Vũ sang Matxcơva, vợ tôi làm việc ở Đại sứ quán của ta tại Liên Xô, tôi học kĩ thuật giải mã ở Trung tâm nghiên cứu mật mã thuộc khoa toán Đại học Matxcơva. Đấy là sự việc đầu tiên thay đổi số phận của tôi, mọi công và tội, vinh và nhục, hạnh phúc và bất hạnh trong đời tôi đều có liên quan đến giải mã, kể cả ngày nay, việc tôi trốn khỏi ánh mắt mọi người, cư trú tại đây cũng là di chứng của nó. Thầy Androv dạy tôi có lần nói, đấy không phải là một nghề, mà là một âm mưu, một âm mưu trong âm mưu. Một con người suốt đời làm việc trong bóng tối, bí mật, cường độ trí tuệ cao, thể xác và tâm hồn không tránh khỏi tổn thương. Hết ngày nọ tháng kia cứ phải lặng lẽ âm thầm, cuối cùng không còn cách nào để sống như một người bình thường.
Đúng ra, tháng Bảy năm 1960 tôi tốt nghiệp, nhưng một ngày đầu tháng Ba năm ấy tôi bỗng nhận được chỉ thị của tổ chức, bảo tôi phải về nước gấp. Một đồng chí có biệt danh Phi Cơ đến chỉ thị cho tôi, người này là nữ, dân Trường Xuân, cao to, nước da đỏ au giống như vận động viên bơi lội, trông rất khỏe mạnh. Chị là sếp của tôi trong thời gian ở Matxcơva, hồi đó trên danh nghĩa tôi là một lưu học sinh nhưng có thân phận bí mật, nói thẳng ra là làm gián điệp, chủ yếu thu thập những tin tức tình báo bí mật quân sự của Mĩ do Liên Xô hồi đó giải mã. Thầy giáo của tôi tên là L. Androv, là nhà toán học nổi tiếng thế giới, mà cũng là một chuyên gia giải mã khiến người Mĩ phải đau đầu, tổ chức bố trí tôi ở bên cạnh ông mục đích là lợi dụng địa vị của ông để thu thập tin tức tình báo của phương Tây. Suốt trong ba năm, sáng chiều chúng tôi đều gặp nhau, tình cảm thầy trò mỗi ngày một sâu nặng. Ông là thầy dạy, là người chỉ dẫn công việc, còn là người cha trong sự nghiệp suốt đời tôi, về sau tôi đổi tên là An Tại Thiên cũng xuất phát từ lòng kính trọng và kỉ niệm đối với ông. Biết mình sắp phải về nước, tôi lưu luyến không muốn xa ông, nhất là chương trình học của tôi chưa kết thúc mà bỗng nhiên phải rời bỏ tấm bằng tốt nghiệp sắp đến tay, trong lòng cảm thấy tiếc nuối vô cùng.
Chuyện xảy ra sau đấy không chỉ là đáng tiếc. Sau khi làm xong mọi thủ tục rời trường, một ngày trước khi lấy vé tàu về nước, tôi bỗng – lại bỗng – nhận được hung tin, Tiểu Vũ vợ tôi bị tai nạn giao thông! Chiếc xe con chở cô ngồi bị một chiếc xe tải tông trên đường núi, rơi xuống vực, xe bị nát, người trên xe đều chết hết. Người chết không nói làm gì, ngay cả thi thể cũng không toàn vẹn. Nghe nói xe rơi xuống vực bốc cháy, người trên xe bị thiêu thành than, không còn nhận ra ai với ai, cuối cùng bệnh viện phải xét nghiệm để xác nhận người chết. Lúc trông thấy Vũ, cô ấy chỉ còn là một cái hộp màu đen.
Đó là hộp tro hài cốt!
Tôi đem theo hộp tro hài cốt của Vũ rời Matxcơva. Tôi vẫn nhớ, hôm ấy Matxcơva tuyết rơi dày, vun thành từng đống cao ngất ở ga tàu hỏa, lòng tôi giá lạnh như tuyết. Một đoàn tàu chở táo, lợn sống và các thứ hàng khác đậu ở sân ga, có rất nhiều người Trung Quốc, người Liên Xô đang giao hàng và nhận hàng. Đấy là những sản phẩm phía Trung Quốc “trả nợ” cho Liên Xô. Đúng như mọi người nghe thấy, thủ tục kiểm tra hàng hóa bên phía Liên Xô rất nghiêm ngặt, trên sân ga có sẵn mấy máy kiểm tra táo, táo dỡ xuống đều qua máy kiểm tra, quả bé quá không nhận, quả lớn quá cũng không nhận, lớn bé đều có “quy định khoa học”. Lợn cũng vậy, phía Liên Xô kiểm tra từng con, con nào có vết thương nhỏ hay vết bầm cũng không nhận.
Lúc ấy, quan hệ Trung – Xô đang ở vào thời kì nhạy cảm, hành lí của tôi cũng bị kiểm tra, thầy giáo Androv thấy vậy cứ khuyên tôi không nên về nước. Mấy hôm ấy ông khuyên tôi ở lại. Trong đêm đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau thật lâu, ông phân tích tình hình quan hệ Trung – Xô và tiền đồ của tôi, cho rằng về nước là lựa chọn hạ sách. Chừng như ông dự cảm được quan hệ hai nước sẽ đi đến chỗ căng thẳng gay gắt, nghi ngờ tôi về nước sẽ làm việc giải mã mật mã của Liên Xô, nhuốm bẩn tình bạn giữa chúng tôi. Ông mong tôi ở lại học hết chương trình cơ bản rồi học tiếp chương trình thạc sĩ, thậm chí là tiến sĩ, chuyên tâm vào học vấn, đừng tham gia vào lĩnh vực giải mã. Ông nói, đấy là sự việc thuộc về hình thái ý thức, nói cho cùng không liên quan gì đến học vấn, những gì tôi đã trải qua nên là bài học cho anh. Anh không thể quay lại từ đầu, nhưng anh đừng nên theo vết chân của tôi, hãy chỉ làm một học giả đơn thuần. Nhưng tôi biết điều ấy là không thể. Có thể nói, tôi sinh ra đã là “một con người của hình thái ý thức”. Tôi đã từng nói, tôi là đứa trẻ cô đơn, Đảng dạy dỗ tôi nên người, lúc Đảng và nhà nước cần, tôi không thể có nguyện vọng và lựa chọn riêng.
Kiểm tra hành lí xong, ông hỏi tôi, có biết người kiểm tra hành lí vừa rồi là ai không.
Tôi nói không biết, ông bảo nhân viên KGB. Tôi đoán, có thể ông đã biết thân phận bí mật của tôi, tôi làm ra vẻ ngạc nhiên: “Có thể thế được à?”. Ông cười: “Anh bạn của tôi ơi, tôi nghĩ anh nên nói thật với tôi, ngoài chức trách chuyên viên Phòng Mật mã thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ra, anh còn có nhiệm vụ gì khác không?”.
Tôi nói: “Thưa thầy, tại sao thầy hỏi em điều ấy?”..
Ông nói: “Vì thời gian gần đây, anh đã để lại cho tôi rất nhiều bí mật và nghi ngờ”.
Tôi nói: “Thưa thầy, em không có bất cứ bí mật nào đối với thầy”.
Ông nói: “Anh bạn, anh chưa nói thật”.
Ông chỉ vào hộp tro hài cốt tôi đang xách trên tay, hỏi vợ tôi tại sao lại chết, ông bảo ông không tin đấy là vụ tai nạn ngẫu nhiên. Tôi thề sự thật là thế. Nhưng cuối cùng là gì, tôi cũng không thể biết. Tôi chỉ có thể nói, dù sao thì tôi rất tin ông. Cuối cùng, ông bảo tôi hãy nhớ câu này của ông: Sau ngày về nước, nếu tổ chức yêu cầu tôi làm nhiệm vụ giải mã mật mã của nước ông, bất luận thế nào tôi cũng không được nhận.
Ông nói: “Tôi nói như vậy thứ nhất vì về mặt tôi không thể chấp nhận; thứ hai, kĩ thuật hiện tại của anh cũng chưa thể làm gì về mặt này”.
Tôi nói: “Đúng vậy, cho nên em về sẽ quay lại học tiếp”.
Ông lắc đầu: “Không có cơ hội, giống như quan hệ hai nước chúng ta không có cơ hội trở về ban đầu, tôi với anh không còn là thầy và trò, chúng ta làm bạn với nhau nhé!”. Vẻ mặt ông thoáng buồn, ông ôm tôi, nói: “Anh lên tàu đi, chúc anh thượng lộ bình an!”.
Chúng tôi chia tay nhau.
Tôi vào trong toa được một lúc thì có người gõ cửa. Người vào là đồng chí Phi Cơ, tay chị xách một chiếc cặp đen. Tôi cũng có một chiếc cặp giống như vậy, đang để trên mặt bàn. Chị để cái cặp của mình lên cặp của tôi, nói cho tôi mật mã cặp của chị. Lúc đi, chị xách theo cặp của tôi. Tôi không biết trong cặp của chị có thứ gì, nhưng biết đấy là thứ quý hơn sinh mạng tôi, nếu dọc đường có gặp chuyện bất trắc, đầu tiên tôi không bảo vệ sinh mạng mình mà bảo vệ thứ cất trong cặp kia.
Cảm ơn lời chúc của thầy Androv, dọc đường tôi được bình an vô sự.