Lắng Nghe Trong Gió

Quyển 3 - Chương 2: Vài trang nhật kí



Ngày 25 tháng 3, năm 1987.

Tại nhà. Đêm mưa.

Hôm nay tôi nhận được một cú điện thoại, điện thoại của con trai sư phụ tôi. Lúc đầu tôi nghe trong máy có tiếng rè rè, cứ ngỡ đấy là giọng phụ nữ, hỏi ai gọi đấy, người đầu dây đằng kia trả lời là Trần Tư Binh. Tôi suy nghĩ hồi lâu nhưng cũng không biết Trần Tư Binh là ai, sau đấy người ấy mới nói là con ông Trần Nhị Hồ.

Ông Trần Nhị Hồ là sư phụ của tôi.

Điện thoại của con trai sư phụ, ít nhiều cũng khiến tôi phải giật mình, thứ nhất cú điện thoại rất đột ngột, Binh chỉ nói đã gửi cho tôi một lá thư, hỏi đã nhận được chưa. Tôi bảo chưa, Binh định cúp máy. Tôi cho rằng Binh gọi điện thoại đường dài, nên không tiện nói lâu, tôi liền hỏi số điện của Binh, rồi bảo tôi sẽ gọi lại cho anh. Binh bảo khỏi cần, mai sẽ liên hệ lại, vậy là Binh cúp máy; thứ hai, nghe giọng Binh trong điện thoại, tôi cảm giác tâm trạng Binh hình như có vấn đề, thêm vào đấy, Binh bảo đã gửi tôi một lá thư, lại càng làm tôi suy nghĩ, không biết nông sâu thế nào. Nói thật, tuy một thời tôi và bố Binh cũng như cả gia đình rất thân thiết, nhưng với Binh thì không quen lắm, vì Binh ở nhà bà ngoại trên phố, rất ít khi về khu tập thể thung lũng số Một, chỉ đến khi vào đại học, mỗi lần nghỉ hè, nghỉ đông, thỉnh thoảng tôi gặp Binh trên sân bóng chuyền. Người Binh cao, sức bật rất tốt, chơi bóng được nhiều người chú ý. Được bố quan tâm, nên lúc gặp Binh chúng tôi tỏ ra khá giữ ý, cũng có lúc đứng nói chuyện với nhau. Binh rất thích chuyện trò, khi nói chuyện thường kèm động tác tay chân, lúc nhún vai, lúc dang tay, giống như người nước ngoài, cậu hay đứng nghiêng người, trọng tâm dồn lên một chân, trông rất tự nhiên, không để ý đến xung quanh. Qua lời ăn tiếng nói và động tác của Binh, tôi thấy cậu không giống bố. Binh lạc quan, nhiệt tình, có nhiều nét là một thanh niên hiện đại, còn bố cậu lại là con người trầm mặc, một ông già có tính cách lạnh lùng, khô cứng. Biểu hiện khác nhau của hai cha con khiến tôi ngạc nhiên, nhưng nghĩ kĩ thì không có gì kì lạ, vì cha con không giống nhau hay giống nhau cũng là điều bình thường. Tóm lại, ngay cả tên Binh tôi cũng không biết, chỉ nhớ lúc ấy vẫn gọi là cu Binh. Tất nhiên đấy là tên thường gọi, đến nay tôi mới biết cậu tên là Trần Tư Binh. Thư của cậu ta nói gì? Tôi tự nhủ ngày mai sẽ rõ.

Ngày 26 tháng 3.

Văn phòng. Đêm. Trời vẫn mưa.

Lẽ nào vì trời mưa nên ảnh hưởng đến việc vận chuyển thư từ? Hôm nay tôi vẫn chưa nhận được thư, Binh lại gọi điện một lần nữa. Cậu ta sốt ruột hỏi tôi, nhưng tôi vẫn chưa nhận được, nên không hỏi gì thêm. Nghe giọng nói, hình như hôm nay cậu ta có vẻ sốt ruột hơn hôm qua, cũng nói nhiều hơn, cậu ta còn cho tôi biết cả đơn vị công tác và số điện thoại của cậu. Tôi biết cậu ta đã học xong chương trình nghiên cứu sinh, về công tác tại một nhà xuất bản ở miền Nam, hình như làm biên tập viên. Tôi không rõ lắm, nhưng qua điện thoại cậu ta không nói. Nhưng căn cứ vào nhà xuất bản nơi cậu làm việc và chuyên ngành học, rất có thể cậu ta làm biên tập. Cậu ta nghiên cứu văn học châu Âu đương đại, không làm biên tập ở nhà xuất bản thì làm gì? Tôi không nghĩ ra.

Tôi đã một lần đến thành phố ấy, một thành phố rất đẹp, đường phố trồng nhiều hoa, rất lãng mạn. Hoa anh đào trắng tao nhã, có anh đào Tây và cả anh đào ta, lớn nhỏ trồng dọc hai bên phố. Lúc này đang là mùa xuân, đúng mùa anh đào nở hoa, tôi có thể hình dung cảnh tượng phố xá của thành phố ấy, đường phố rực rỡ một màu hoa, giống như hoa tuyết, giống như mây cuộn, không khí đẫm hương hoa, say đắm lòng người, lúc này tôi như ngửi thấy cả mùi thơm của hoa.

Tôi cũng biết đôi chút về thành phố ấy qua sách lịch sử. Nghe nói, một thế kỉ trước, thành phố ấy đã từng xảy ra một trận động đất, số người chết lên đến mấy trăm ngàn. Năm mươi năm trước lại có một chiến dịch nổi tiếng diễn ra ở đấy, theo sách, số người chết “không thể tính hết”. Bởi vậy, tôi thường nghĩ, xác người chết dưới lòng đất ở thành phố ấy có đến hàng chục tấn. Điều ấy không liên quan gì đến hoa anh đào, nhưng không hiểu tại sao tôi cứ nghĩ giữa chúng có mối liên hệ nào đó. Nghĩ như vậy, trong ý thức không có gì quá sai trái, chỉ là một chứng bệnh về ý thức, nhưng không sai trái. Cho dù không sai, nghĩ xa một chút cũng không sao. Sự thật thì, tôi biết, tôi nghĩ như vậy là muốn thoát khỏi một điều nào đó, vì tôi thấy trong lòng rối bời, lộn xộn.

Ngày 27 tháng 3.

Tại nhà. Đêm. Không mưa.

Cuối cùng thì hôm nay tôi đã nhận được thư của Binh. Cho dù hai hôm nay tôi cứ nghĩ những điều trong thư của Binh, nhưng không ngờ cậu ta lại báo tin sư phụ của tôi đã qua đời. Ông qua đời hôm mồng 2 tháng 3, đến nay đã gần một tháng. Trong thư Binh nói, trước lúc ông qua đời rất mong được gặp tôi, ông Vương Cục trưởng có gọi điện thoại báo cho đơn vị biết, nhưng lúc ấy tôi về thăm nhà, không sao liên lạc được. Không còn cách nào khác, sư phụ của tôi để lại di chúc, dặn Binh phải nói lại. Lần này cậu ta chuyển lời di chúc của bố đến cho tôi.

Di chúc do ông viết trên giấy, chữ xấu hơn chữ trẻ nhỏ, chữ lớn chữ bé, nghiêng ngả, không ngay hàng thẳng lối. Tôi rất quen mặt chữ của ông, từ những con chữ không ngay ngắn này có thể hình dung lúc ấy ông đã yếu, tay cầm bút mà miệng thở phều phào. Nhìn những nét chữ nghiêng ngả, tôi có thể biết cái vẻ mệt mỏi, tâm trạng nặng nề, chân tay run rẩy của ông. Đây là lần đầu tiên tôi nhận được di chúc của người quá cố, không ngờ nó lại chấn động lòng tôi đến vậy. Đọc di chúc, tôi cảm thấy sợ hãi, từng chữ rõ ràng, sát khí đằng đằng, giống như những ngọn dao chĩa thẳng vào tim tôi. Tôi khóc, nước mắt rơi lên di chúc.

Di chúc viết như sau:

Cháu Quang, xem ra tôi sắp đi, trước khi đi tôi phải nói với cháu: chuyện ấy – cháu phải tin vào lời tôi, dù thế nào cũng phải giữ bí mật cho tôi, không được để lộ cho ai biết. Trần Nhị Hồ. Viết ngày mùng 1, tháng 3 năm 1987.

Trong di chúc nói “chuyện ấy” là chuyện gì?

Đấy là điều khiến tôi phải suy nghĩ, mà chắc chắn cũng làm cho Binh phải suy nghĩ. Hôm nay Binh lại gọi điện tới, biết tôi đã nhận được thư, cậu ta hỏi tôi đấy là việc gì. Cậu ta liên tục gọi điện cho tôi, cũng chỉ để hỏi “chuyện ấy”. Cậu ta nói, chuyện đó bố cậu rất quan tâm, cậu ta là con nên cũng muốn biết, mong tôi giúp đỡ. Tôi hoàn toàn hiểu được tâm trạng của cậu ta, nhưng cậu ta cũng phải hiểu cho tôi, vì chúc thư giấy trắng mực đen đã viết rõ ràng, tôi phải giữ bí mật, không được nói cho ai biết. Trong đó không nói rõ là con hay bất cứ ai có thể có ngoại lệ. Không có ngoại lệ, thì tôi phải bảo mật, phải kín miệng với tất cả mọi người. Đấy là nguyện vọng của người quá cố, cũng là điều cam kết của tôi.

Thật ra, nếu không có lời dặn của người quá cố, tôi cũng không thể nói với cậu ta, bởi điều ấy có liên quan đến bí mật quốc gia. Là một đơn vị công tác đặc biệt, có thể nói bí mật của 701 chúng tôi là hình ảnh, là nhiệm vụ, là sinh mệnh, là quá khứ, là hiện tại, là tương lại, là tất cả. Mà sư phụ của tôi – cha của Trần Tư Binh – ông Trần Nhị Hồ, công việc của ông là trái tim của 701, là bí mật của bí mật, tôi làm sao có thể nói cho người khác biết? Không thể. Dù là con cũng không thể. Dù là ông trời cũng không thể. Sự thật thì, tôi biết chuyện không được nói với “ai” trong di chúc không phải chỉ chuyện Bỉnh, mà còn là người trong Cục Giải mã. Đúng vậy, người nội bộ, là người trong đơn vị cũ của tôi. Không ai biết, chỉ tôi biết “chuyện ấy”. Không phải là bí mật của Cục Giải mã, mà là bí mật của cá nhân sư phụ tôi, là bí mật của ông đối với tổ chức, đối với Cục Giải mã, đối với 701. Chuyện là vậy.

Trong đơn vị 701, sư phụ tôi không phải là người bình thường, mà là người nổi tiếng, vinh quang cả cuộc đời ông mọi người trong đơn vị 701 cộng lại cũng không bằng. Những vinh dự ấy khiến ông tỏa sáng, dù ông đã qua đời nhưng 701 vẫn không quên ông, vẫn nhớ đến ông, tôn kính ông. Tôi tin rằng, lễ truy điệu ông rất long trọng, nước mắt của người 701 chắc chắn sẽ vì ông chảy mãi, mà ít nhất có một nửa những điều đó được xây dựng trên cơ sở “chuyện ấy” – chuyện mọi người không biết. Bây giờ tôi là người duy nhất biết “chuyện ấy”, tại sao trước lúc qua đời ông lại cẩn thận di chúc lại cho tôi, điều này cũng dễ hiểu. Thật ra, trước đây qua nhiều hình thức ông đã nhiều lần dặn tôi rồi. Tức là, nếu không có di chúc, tôi cũng sẽ không nói với ai, kể cả con trai ông. Nói thật, Binh không đủ tư cách để biết chuyện. Ấy là tôi nói về tư cách.

Tất nhiên tôi cũng đã nghĩ, tôi từ chối sẽ làm Binh khó chịu, khó chịu như có một vật lạ nổi cộm trong người. Có thể từ nay về sau, Binh và cả những người thân khác của ông Hồ sẽ bị tờ di chúc trên tay tôi làm cho tâm tư rối bời, lo lắng, canh cánh bên lòng. Bản di chúc trùm lên họ một bầu không khí mờ mịt, một bóng đen, họ không hiểu và không cho phép người quá cố là chỗ dựa suốt đời của họ, cuối cùng để lại cho mọi người những lời di chúc không thể hiểu nổi nhưng lại rất quan trọng. Trong di chúc ẩn chứa bí mật nào, sinh thời ông có điều gì không nên không phải, liệu có để lại cho họ hiểm họa nào không, phiền hà nào không? v.v. Có nghi vấn, có lo lắng, có sợ hãi, tôi tin chắc họ sẽ như vậy. Tôi nghĩ, di chúc chỉ mấy chữ sơ sài, nhưng nhất định họ phải nghiền ngẫm rất kỹ những điều trong đó, phỏng đoán những khả năng có thể xảy ra. Chắc chắn họ suy nghĩ rất nhiều, suy nghĩ sâu xa. Họ hận một nỗi không thể cắn xé bản di chúc bao trùm không khí thần bí, cắn xé cho lòi bí mật ẩn chứa trong đó. Khi tất cả trở nên công cốc, họ không khỏi nghĩ về tôi, đề phòng tôi, suy đoán, nghi ngờ tôi, thậm chí nhìn tôi bằng con mắt thù địch. Bỗng tôi cảm thấy mình không nên làm chuyện đáng tiếc đối với sư phụ. Vạn lần không nên. Tôi nghĩ, nếu tôi có thể gặp được sư phụ trước lúc lâm chung, bản di chúc này sẽ là của riêng tôi, lúc này nó qua tay người này người khác, cuối cũng mới đến tay tôi. Tuy là di chúc cho tôi, nhưng họ rất không bằng lòng, yêu cầu của Binh đã nói rõ điều đó, rõ ràng bố có điều gì đó không thể nói với ai, cậu ta biết là sai nhưng vẫn làm, những mong được may mắn, đấy không phải là chuyện hồ đồ mà là chuyện đáng xấu hổ. Tôi có dự cảm, những hôm sau tôi sẽ còn nhận được thư hay điện thoại tiếp tục yêu cầu những việc hồ đồ hoặc đáng xấu hổ. Đối với Binh, tôi không có gì phải từ chối, nhưng với ba bức thư và điện thoại, có thể sẽ không đơn giản. Thư hoặc điện thoại, những bức thư và điện thoại chưa biết, tôi dám nói đấy là ý của chị gái Bình.

Nói thật, tôi thích nhận được thư hơn là điện thoại.

Ngày 28 tháng 3.

Tại nhà. Đêm. Trời có gió.

Thư và điện thoại tôi mong đã đến. Điều này chứng tỏ có chuyện, tôi biết, không thể nào thoát khỏi chuyện này. Qua những cú điện thoại liên tục và khẩu khí trong điện thoại tối hôm qua, tôi biết Binh quyết theo sự việc đến cùng, cậu ta đưa chị gái ra, chị cậu ta tên là Trần Tư Tư…

Tư Tư cao lớn, cằm có một nốt ruồi khiến da cô càng thêm trắng. Ở quê tôi, người có nốt ruồi thường được coi là “nam phô ra, nữ đậy lại”, ý nói nốt ruồi của con trai mọc rõ ràng, càng rõ càng có phúc, nhưng nữ thì ngược lại. Như vậy, nốt ruồi của Tư Tư đã mọc nhầm chỗ, hoặc cái nốt ruồi ấy nói lên cô là người kém may mắn, kém hạnh phúc. Phúc là cái thần bí, khó nói ai có phúc, ai không có phúc. Tôi không thể nói không hiểu, tóm lại, Tư Tư giống bố, là người sống nội tâm, không thích nói chuyện, trầm mặc, trên khuôn mặt luôn có nụ cười khiêm tốn, bẽn lẽn. Thật ra, cái vẻ trầm mặc, bẽn lẽn khiến tôi rung động, thậm chí bố của Tư Tư còn nhận ra tôi thích cô. Là một người thầy, ông tốt với tôi hơn mức bình thường, theo một ý nghĩa nào đó, tôi cũng là con ông. Tuổi quân của ông còn lớn hơn tuổi đời của tôi, đối với tôi thân tình còn hơn con cái. Một hôm, ông hỏi tôi đã có bạn gái hay chưa, tôi nói chưa, ông bảo sẽ giới thiệu cho tôi một người. Ông giới thiệu Tư Tư, chúng tôi yêu nhau được nửa năm, nhưng thực ra chỉ là hai buổi đi xem phim, một lần đi chơi công viên. Lần đi chơi công viên, Tư Tư bày tỏ quan hệ hai người nên trở lại thuở ban đầu. Chúng tôi đã làm như vậy. Tôi nói, không phải vì chúng tôi yêu nhau không thành mà có chuyện gì, không có chuyện gì, chúng tôi vẫn như cũ, vẫn quanh quẩn bên bố của cô cho đến ngày tôi đi nơi khác.

Mùa hè năm 1983 tôi rời 701 để đến nơi này. Đây là phân cục của Cục Giải mã thuộc 701, vì nó rất quan trọng, càng ngày càng quan trọng, có người nói đấy là Cục Giải mã thứ hai của 701. Tại sao tôi đến đây, một phần do yêu cầu của công việc, mặt khác cũng do yêu cầu của bản thân. Hồi ấy tôi mới lấy vợ, nơi này gần thành phố vợ tôi làm việc, gần được nửa chặng đường. Cho nên dù nhiều người không muốn về đây, nhưng tôi là một trong số rất ít người yêu cầu được về, lí do là để gần nhà. Tôi còn nhớ, đêm trước khi rời thung lũng, ông Hồ tặng tôi một cuốn sổ tay, trang đầu có ghi lời tặng của ông như sau:

Anh và tôi cùng sống trong bí mật, có những bí mật cần chúng ta giải mã, có những bí mật cần chúng ta giữ kín, sự nghiệp của chúng ta cần vận may. Chân thành chúc anh thành đạt trong sự nghiệp.

Từ đấy về sau, sư phụ luôn ở bên tôi thông qua cuốn sổ tay. Tôi tin ông cho tôi cuốn sổ tay và bút tích của ông mục đích là nhắc nhở tôi phải giữ kín “chuyện ấy”. Nói một cách khác, đấy là lời nhắc nhở đặc biệt của ông đối với tôi khi đến một nơi khác, so với lời di chúc tất nhiên uyển chuyển, khéo léo hơn. Nhưng dù thẳng thắn hay uyển chuyển, tôi cũng đều cảm thấy “chuyện ấy” là sức ép đối với ông. “Chuyện ấy” đã đem lại vinh quang to lớn cho ông. Mà cũng để lại cho ông nỗi lo lắng nặng nề, sợ tôi vô tình hay hữu ý để lộ chuyện. Trong tình huống đó, với những cơ hội khác nhau, ông nhắc nhở tôi. Nhưng nhắc nhở trong di chúc tôi cho rằng ông tỏ ra thất sách. Trước hết, ông nhắc nhở tôi đã đủ lắm rồi, khỏi cần nhấn mạnh thêm; thứ nữa, cái cách nhấn mạnh này – di chúc – rất không thích hợp, có gì đó giống như “lạy ông tôi ở bụi này”.

Nói thật, đây là chuyện giữa hai chúng tôi, không ai biết, không ai hỏi, như vậy là đủ, sau này sẽ có thêm bao nhiêu Binh nữa? Di chúc đã bóc vỏ ngoài của cái bí mật vốn được gói kín, rõ ràng là gây bất lợi đối với cái bí mật mà tôi đang giữ. Tôi không biết đã có bao nhiêu người đọc bản di chúc này rồi? Nhưng tôi biết phải có người đọc, có bao nhiêu người đọc sẽ có gấp bội số người như Binh đến tìm hiểu bí mật ở tôi, nhằm thử thách lòng trung thành của tôi đối với sư phụ. Trước mắt tôi lo nhất là Tư Tư, tôi tin cô sẽ là Binh thứ hai nêu những yêu cầu vô lí đối với tôi. Tôi chờ thư và điện thoại của Tư Tư giống như chờ một tai họa khó bề thoát khỏi.

Ngày 2 tháng 4.

Tại nhà. Đêm. Tạnh ráo.

Thư của Tư Tư không đến nhanh như tôi tưởng, nhưng đã đến, phong thư nặng trình trịch, cầm trên tay cũng đủ biết đây không phải là một bức thư thông thường, có thể trong đó đầy những cuốc thuổng nhằm đào xới bí mật của tôi. Tôi cầm thư trên tay hồi lâu mà vẫn chưa dám bóc. Tất nhiên, thư không thể không đọc, chẳng qua tôi cần chuẩn bị tâm lí. Để gia tăng lòng tin vào thử thách và sức phòng vệ, tôi để di ảnh sư phụ và bản di chúc lên bàn, để tôi vừa đọc thư vừa có thể trông thấy lời dặn dò của ông trước lúc qua đời.

Tôi bắt đầu đọc thư của người tôi đã từng yêu. Đọc xong tôi mới biết mọi lo lắng của tôi đều thừa, từ đầu đến cuối thư không nói gì đến bản di chúc, hình như biết tôi sợ cho nên cố tình không nói gì. Tôi nghi ngờ, sự việc mà ông Hồ di chúc lại có thể Tư Tư không biết, gọi điện hỏi Binh, quả nhiên là vậy. Binh nói, bố yêu cầu cậu ta không được nói với ai, kể cả chị gái, về việc bố để lại di chúc cho tôi. Như vậy càng là lí do để tôi từ chối nói “chuyện ấy” với Binh. Tôi nói với Binh, bố cậu làm như vậy là xét đến quan hệ của tôi với chị cậu trước đây, lo tôi không qua nổi sự truy hỏi của Tư Tư, cho nên mới giấu Tư Tư. Binh nghe tôi nói, liền buông một câu: “Thì ra thế!”. Sau đấy cúp máy. Tôi tin từ nay về sau Binh sẽ không hỏi gì tôi nữa. Như vậy càng tốt, rất tốt.

Điều tôi không ngờ là, Tư Tư viết thư cho tôi dài như thế, lá thư mười tám trang giấy, trang nào cũng chi chít chữ, không giống một lá thư, từ những nét chữ không giống nhau và viết chắp chắp nối nối, ít nhất lá thư cũng phải viết trong mấy hôm mới xong, viết xong ngày Hai mươi ba tháng Ba. Đấy cũng là thời gian tôi nhận được điện thoại của Binh. Theo nội dung bức thư, đây là một phần của bản thảo truyện đúng hơn là một bức thư, trong đó có tình cảm, có cốt chuyện, đọc rất xúc động đã đọc rồi là chỉ muốn đọc cho hết.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.