Lắng Nghe Trong Gió

Quyển 3 - Chương 3: Thư của tư tư



Ngày thứ nhất.

Tường rào màu đỏ rất cao, trên tường còn có dây thép gai, hai cánh cửa sắt màu đen chẳng mở bao giờ, chỉ trổ một ô cửa nhỏ, lính gác đeo súng đạn thật đi đi lại lại trước cửa, thấy người đến là đòi xem giấy tờ. Hồi nhỏ, em với lũ trẻ trong khu tập thể vẫn lén băng qua núi, đứng bên ngoài cửa sắt, nhìn từng người của ta bước qua cánh cửa sắt rồi biến mất. Chúng em muốn lẻn vào trong để xem, nhưng không ai cho vào, cũng không biết tại sao không cho chúng em vào. Lớn lên em mới biết, bố làm công việc bí mật, cho nên bên trong bức tường đỏ cũng là bí mật, nên không có giấy tờ không được vào.

Vì là bí mật, cho đến nay chúng em vẫn không biết tính chất và nội dung cụ thể của công việc bí mật là gì, nhưng cứ theo mức độ kính nể của tổ chức, chúng em tin rằng sự nghiệp của bố rất thiêng liêng, cao cả, đồng thời cũng rất nhiều gian khổ, yêu cầu bố phải toàn tâm toàn lực làm việc. Lúc mẹ còn sống vẫn thường phàn nàn, mong cho bố chóng về hưu, vì mẹ thấy bố ở mãi trong bức tường đỏ, sức khỏe mỗi ngày một kém, người mỗi ngày một già. Cho nên trước đây em thường nghĩ, bao giờ bố không còn làm việc thì được giải thoát khỏi bức tường đỏ, làm một người bình thường, sống cuộc đời bình thường. Năm thứ hai sau ngày anh đi nơi khác, cuối cùng bố đã có ngày như thế. Năm ấy bố 65 tuổi, lẽ ra đã được về hưu từ lâu rồi.

Thấy bố được thanh thản sống cuộc sống của người bình thường, được hưởng hạnh phúc, chúng em vui sướng biết chừng nào. Có thể anh không biết, bố bận công việc, rất ít khi ngó ngàng đến gia đình, rất ít quan tâm bọn em, nhưng tình cảm của bọn em đối với bố vẫn rất sâu đậm, chân tình, chúng em không bao giờ oán trách bố dành cho chúng em quá ít, ngược lại rất thông cảm với bố, giúp đỡ bố, kính trọng bố. Chúng em tin rằng, những năm cuối đời bố sẽ được sống hạnh phúc, vì chúng em cảm thấy cuộc sống của bố cần được bù đắp, bố rất nên và rất cần được sống như ý. Để bố có việc làm sau ngày về hưu, chúng em trồng hoa, nuôi gà, hễ đến ngày nghỉ, ngày lễ là đưa bố đi thăm họ hàng, đi chơi công viên. Hồi ấy Binh vẫn chưa làm nghiên cứu sinh, cũng chưa có bạn gái, em bảo Binh nếu không bận gì thì nên gần gũi bố, Binh đã làm như thế, những lúc rỗi rãi Binh đều về bên bố, nói chuyện với bố, đưa bố đi dạo. Hồi nhỏ, Binh sống với bà ngoại, về sau đi lính, đi học, có phần xa cách bố. Thoạt đầu, em lo bố và Binh không thể thân nhau, về sau biết lo lắng của mình là thừa, hai bố con rất thân thiết với nhau, thân hơn em nghĩ. Có thể vì trước đây hai bố con không chuyện trò giao lưu, bây giờ lại nói chuyện không nói hết, hai người như bạn lâu ngày gặp lại, ngồi với nhau là có biết bao nhiêu chuyện để nói. Vậy là, thời gian đầu bố về hưu rất vui vẻ, khiến chúng em cũng phấn khởi.

Nhưng anh không thể ngờ, chẳng bao lâu sau, khoảng một tháng, bố bắt đau buồn chán với những gì mới bắt đầu, ngắm hoa không vừa ý, nhìn chim không thuận mắt, những gì cần nói với Binh thì đã nói hết, tính tình hình như cũng thay đổi, trở nên thô bạo, nổi cáu vô cớ, oán trách chuyện này chuyện khác, tưởng như gia đình có gì đó gò bó, trói buộc, làm ông nôn nóng, không yên. Lúc này chúng em dù có nói gì thì bố cũng không vui, thậm chí thấy chúng em đến gần bố cũng không vui, xua tay đuổi đi. Có một thời gian bố sống rất cô độc, ngày nào cũng giam mình trong nhà, giống như cái bóng loanh quanh, khiến chúng em lo lắng chẳng biết phải làm thế nào. Cũng nên nói, bố không phải là người hỉ nộ bất thường, thay đổi khôn lường, bố không bao giờ gây chuyện với con cái, trong cuộc sống cũng không có đòi hỏi gì quá đáng, nhưng lúc này bố thay đổi hoàn toàn, hay gây sự, nghiệt ngã, ngang ngược, thô bạo, vô tình. Một hôm, không nhớ em đã nói gì, bố tức giận chạy ra ban công thả hết lũ chim đang nuôi, đập vỡ hết các chậu hoa, tất cả những thứ vừa một tháng trước đây bố còn rất thích thú, bây giờ không thích là không thích. Bố rất chóng chán với những thú chơi ấy, giống như một đứa trẻ, nhưng bố đâu phải là một đứa trẻ? Hàng ngày bố dậy thật sớm, không đi đâu, không làm gì, không nói năng chuyện trò, từ sáng đến tối buồn rầu, cáu kỉnh, ngồi im lặng, giống như bị ngược đãi.

Một hôm, em thấy bố đứng trên ban công gần nửa ngày, em rủ bố đi dạo nhưng ông cáu kỉnh từ chối. Em hỏi ông đang nghĩ gì, có chuyện gì không vui, cần chúng em làm gì, bố không nói, chỉ đứng buồn bã, bất động như một pho tượng, ánh nắng mùa đông lặng lẽ chiếu lên người khiến những sợi tóc bạc trên đầu bố loang loáng phát sáng. Em nhìn bố qua lớp kính cửa sổ dễ dàng nhận ra thần sắc ông, thần sắc mà em rất quen: Vẻ mặt căng thẳng với những nếp nhăn, cặp mắt đờ đẫn ngây dại không chớp ẩn sâu trong hốc mắt tưởng chừng bất cứ lúc nào cũng có thể bật ra, lặng lẽ rơi xuống đất. Nhưng chăm chú nhìn khuôn mặt như mặt nạ, đầy tử khí, có thể phát hiện trong đó ẩn chứa sự mê loạn, không yên, sự kì vọng, và cả tuyệt vọng. Cái vẻ bề ngoài ấy của bố vừa như xa la lại như quen thuộc, khiến em khốn đốn. Thoạt đầu, chúng em nghĩ bố không đến câu lạc bộ người già là bởi ở đấy không vui, vậy là chúng em mời những người bạn chiến đấu cũ của bố đến nhà chơi, nhưng bố vẫn tỏ ra hờ hững, không nồng nhiệt chào đón họ, chỉ nói vài câu, chỉ nhìn nhau vài cái rồi lạnh nhạt với bạn cũ. Đúng vậy, bố không có bạn bè, trước lúc ông qua đời, em chú ý những người đến thăm chỉ có vài vị thủ trưởng bên trong bức tường đỏ và, họ hàng thân thích, ngoài ra không có ai khác, anh là người mà bố trước khi qua đời muốn gặp, cũng có thể là bạn duy nhất của bố. Thật không ngờ, trong đơn vị bố lại là người kém nhân duyên đến vậy! Tại sao? Vinh quang hay tính cách? Hay vì công tác? Anh có thể nói cho em biết, tại sao bố em lại cô đơn, bạc tình bạc nghĩa, thiếu bạn bè đến vậy không? Thôi, anh đừng nói, để em nói với anh, tại sao về những năm cuối đời bố em lại là một ông già sống không yên ổn, không vui vẻ như vậy.

Một hôm, trời đã tối, bố em vẫn chưa về ăn cơm, chúng em chia nhau đi tìm, cuối cùng tìm thấy ông bên bức tường đỏ, ông lặng lẽ ngồi trước cánh cửa sắt, bên cạnh đầy tàn thuốc và mẩu thuốc. Nghe lính gác nói, bố ngồi đấy suốt một buổi chiều, xuất trình giấy tờ, lính gác không cho bố vào, cho nên bố ngồi ở cổng, chừng như chỉ cần ngồi và nghe ngóng cũng làm lòng ông yên ổn hơn. Bố không rời nổi bức tường đỏ, không rời nổi công việc bên trong bức tường ấy. Em nghĩ, đây là câu trả lời tại sao bố không thể yên tâm để nghỉ ngơi. Anh biết đấy, bố em suốt đời ở trong bức tường đỏ, chuyên tâm với công việc vừa bí mật vừa thần bí, không nghĩ gì khác, không giữ lại gì cho mình, nghiêm túc đến độ si mê. Bố say sưa với công việc bên trong bức tường đỏ, lòng dạ hoàn toàn cách biệt với bên ngoài, thêm vào đấy, công việc yêu cầu bố phải xa đàn xa tổ, phong kín cấm kị hết năm này đến năm khác, thế giới bên ngoài, những người bên ngoài chừng như trở nên mờ nhạt, mất hẳn trong tâm trí bố. Khi bố từ biệt cái thế giới ấy, từ trong bức tường đỏ đi ra, bỗng trông thấy, nghe thấy và cảm nhận tất cả, khiến bố thấy mình không có liên quan đến tất cả, tưởng như mình cách biệt với thế gian, cho nên thấy vô vị, khô cằn, không thể dung nạp, không thể gần gũi. Đấy là thái độ của một người cuồng vì công việc đối với cuộc sống, trong con mắt họ, cuộc sống đời thường là vụn vặt, dư thừa, nặng nề âm khí. Em còn nhớ, tướng Patton[7] nói một câu thế này: Một quân nhân chân chính nên chết vì viên đạn cuối cùng trong trận chiến cuối cùng. Nỗi bi ai của bố em hình như chưa bị gục ngã trong bức tường đỏ bởi viên đạn cuối cùng.

Bố ơi, bố đâu còn những năm cuối đời hạnh phúc, hôm nay con quyết định nói lại cho người bạn duy nhất của bố về cuộc sống những năm cuối đời của bố, con bỗng cảm thấy đấy là việc làm vô cùng đau khổ. Con chỉ mới nói đoạn đầu mà đã buồn ghê gớm, đau lòng muốn khóc. Con muốn quên đi tất cả, tình cảm của con không thể chịu dựng nổi khi phải nhớ lại về bố, nhưng là con gái của bố, con mong bạn của bố hiểu bố, nhận thức về bố, hiểu và nhận thức thật rõ ràng. Chỉ có hiểu cuộc sống những năm cuối đời của bố mới thật sự nhận ra cái khổ của bố vào trong thời gian đó…

Ngày thứ hai.

Chừng hai tháng sau ngày bố em chăm sóc hoa và cây cảnh, hầu như ông không có việc gì để làm, lúc nào cũng in lặng, thỉnh thoảng ngồi buồn bã trên sofa, vừa hút thuốc, vừa ho sù sụ. Không biết vì sao, trong thời gian ấy sức khỏe của bố rất kém, huyết áp lên cao, có lúc lên đến 200, bình thường cũng trên dưới 160, rất đáng lo ngại. Bố bị viêm phế quản, lúc nào cũng ho, điều này cũng bởi bố hút thuốc quá nhiều. Bố nghiện thuốc nặng, mỗi ngày hai bao thuốc không đủ. Hồi ấy vì không có việc gì làm, nên bố hút thuốc càng nhiều, chỉ một loáng là hết điếu thuốc. Chúng em khuyên bố hút ít thôi, bố bảo bố hút thuốc bằng tiền của bố, không phải tiền của chúng em, chúng em cũng không còn biết nói gì. Nghe nói, mấy lần bố tìm gặp các thủ trưởng trong quân đội, yêu cầu được quay lại trong bức tường đỏ để làm việc, nhưng không được chấp nhận. Em nghĩ, bố yêu cầu như vậy, chắc các vị ấy cũng cảm thấy phiền. Một hôm, ông Vương, Cục trưởng gặp em, bàn với em tìm cách để cuộc sống của bố được yên ổn. Chúng em biết nghĩ thế nào? Chúng em đã suy nghĩ, đã cố gắng, nhưng không sao làm nổi.

Sang đông, vào một buổi tối, ăn cơm tối xong, theo lệ thường bố ngồi ở sofa hút thuốc, khói thuốc từ miệng từ mũi bố bay lên, tưởng như khói từ trong tim bốc lên lan tỏa khắp căn phòng, tạo nên bầu không khí nặng nề bao trùm quanh chúng em. Chúng em cảm thấy căng thẳng, sợ có điều gì không phải làm bố nổi giận. Binh bật ti vi, mở kênh mà bố thích xem, kênh chơi cờ vây, những quân cờ đen trắng giống như vỏ hến rối rắm phủ kín một khoảng tường trắng, một nam một nữ, một bên giảng giải một bên trình diễn, người không biết chơi cờ chắc chắn không hiểu gì. Binh thích chơi cờ vây, thấy đánh cờ liền ngồi xem chăm chú, em tuy cũng thích xem (bị Binh lôi cuốn), nhưng nghĩ bố không thích, nên bảo Binh chuyển sang kênh khác. Binh nhìn bố, bố đang lim dim mắt, uể oải nhìn, hỏi bố có xem không. Bố không trả lời. Cho đến lúc Binh chuyển kênh, bố mới bảo để xem kênh vừa rồi, hình như vừa rồi bố không nghe Binh hỏi. Binh chuyển kênh, bố xem một lúc rồi hỏi đây là cờ gì. Binh giới thiệu sơ qua với bố về cờ vây. Bố nghe nhưng không có biểu hiện gì, chỉ xem cách chơi cờ vây, xem cho đến hết.

Hôm sau bố lại nghe giảng giải cách chơi cờ vây, hình như phát hiện được điều gì lí thú, rất chăm chú, lại như đang suy tư. Em hỏi bố có hiểu không, bố bảo em đánh với bố một ván, một lúc sau em mới có phản ứng. Trình độ cờ của em rất bình thường, nhưng còn hơn bố hiểu mật mà mập mờ. Lúc em và bố đánh cờ, Binh ngồi bên cạnh, nhắc bố cách đi. Lúc đầu bố còn thích để Binh nhắc đi quân nào, nhưng nhắc chừng chục nước cờ, bố không nghe theo lời Binh nữa, bảo để bố tự đi, bố đánh tuy chậm, mỗi nước đi đều suy nghĩ kĩ, nhưng nước cờ giống như không đúng quy luật, thiếu tính liên tục, cảm giác như phá được thế bí. Đến khi kết thúc em và Binh đều ngớ ra, ván cờ vừa trong thế bí, vậy mà trở nên linh hoạt, tạo thế chủ động, dồn ép, quấy rối, khiến em không thể không chơi chậm lại, phải tính từng nước đi. Em phát hiện ra, muốn giành lại thế chủ động thì đã muộn. Ông thắng từng nước, không một sơ hở, khiến chúng em không biết phải đi thế nào. Bố vừa dồn chúng em vào đường cùng, vừa áp sát, chia cắt, bao vây, tuy vất vả, bị động, nhưng kiên định bất di bất dịch, ngoan cường, mặt khác ông tự mình triển khai kế hoạch đã vạch sẵn, rất thiết thực, ý đồ kín đáo, thiết chế khéo léo, khiến chúng em bị bao vây khốn đốn. Thế cờ luôn thay đổi, quân đen quân trắng giao nhau, bàn cờ mỗi lúc một trở thành trận đồ đặc biệt, em vất vả giành lại ưu thế, mỗi nước đi đều khó khăn. Thế cờ của ông rất rành mạch, nhưng nóng vội giành thắng lợi, ông định ăn quân của em, kết quả bị mất quân. Về sau, tuy ông tính toán cẩn thận, dương Đông kích Tây, định lật ngược thế cờ, cứu vãn tình thế, nhưng cuối cùng không còn sức vãn hồi. Ván đầu tiên kết thúc, ông thua.

Nhưng ván thứ hai thì ông được.

Em và bố chơi tiếp ván thứ ba. Bố liên tiếp thắng, càng thắng càng nhẹ nhàng, đến ván cuối cùng mới đánh được nửa ván thì em thua. Sau đấy đến lượt Binh, hai người đánh bảy ván, kết quả giống như em, Binh chỉ thắng ván đầu tiên, thua sáu ván tiếp theo. Cứ thử nghĩ xem, mới mấy hôm trước bố em còn chưa biết cờ vây tròn hay vuông, vậy mà bây giờ ông khiến chúng em phải khốn đốn, những nước đi trên bàn cờ của ông khiến em và Binh phải kinh ngạc.

Hôm sau, Binh đến cơ quan mời về một kì thủ, anh này cao cờ hơn Binh, bình thường đánh với anh, anh ấy thường nhường nước đi cho Binh. Đấy là một ngày nắng ấm sau trận tuyết rơi, trận tuyết đầu tiên trong mùa đông đến và đi vội vã, thế giới chỉ còn lại một màu trắng xóa dịu dàng. Phải nói rằng đấy là một ngày tuyệt vời để ở nhà đánh cờ. Ván đầu thế cờ của bố không hay lắm, đi chưa đầy hai chục nước bố đã xin thua. Em không biết anh có hiểu cờ vây hay không, nếu biết thì chắc anh hiểu rằng khai cuộc mà xin thua thì không phải là tác phong của người chơi cờ. Thời xưa có câu “chín ván mới phân thắng bại”, kể lại một vị thánh cờ tên là Triệu Kiều chu du khắp thiên hạ tìm đối thủ so tài cao thấp, cuối cùng đến bên bờ sông Vị, dưới chân núi Phượng Hoàng, gặp một nữ kì thủ, chồng tòng quân xa nhà, trong nhà hết gạo thổi cơm, ngày ngày bày cờ thế để mưu sinh. Hai người tựa núi ngồi bên sông đánh cờ. Triệu đi được chín nước thì nữ kì thủ kia nhận thua. Triệu không tin, nữ kì thủ thuật lại, giải thích từ đầu ván, nói thao thao bất tuyệt, tại sao chỉ vài nước cờ đã biết thắng thua. Triệu nghe, xin bái nhận chiếu dưới, nhận nữ kì thủ kia làm sư phụ. Mới hơn chục nước cờ đã thấy thắng thua, chứng tỏ bố có tầm nhìn sâu rộng, suy xét toàn cục. Thế nên em nghi ngờ vị khách ấy hôm nay nhất định sẽ thua bố, vì thuật chơi cờ cao thấp nói cho cùng ấy là năng lực nhìn xa, quả nhiên năm ván sau đấy, ván nào bố cũng thắng, kì thủ của bố không tin lời chúng em: Bố mới biết chơi cờ từ tối hôm qua.

Em có thể nói, bố có sự nhạy cảm kì lạ với cờ vây, có thể ngay khi thấy cờ vây bố đã thích nó rồi, hình như giữa bố và cờ đã ngầm hiểu nhau. Cờ vây xuất hiện đã cứu bố, mà cũng giúp chúng em rất nhiều, một thời gian dài sau đấy, bố rất say mê cờ vây, đọc sách cờ, tìm người chơi cờ, cuộc sống trở nên phong phú, tinh thần phấn chấn hơn. Thật không thể hiểu nổi, chúng em tốn bao tâm sức không giải quyết được, nhưng chỉ qua một đêm mọi chuyện lại giải quyết xong xuôi.

Lúc đầu bố chủ động đánh cờ với người trong khu tập thể, thường xuyên đến câu lạc bộ của đơn vị, là nơi tụ tập những tay cờ giỏi. Trình độ chơi cờ có người cao, người thấp. Ông chơi với họ, gặp ai cũng chơi, đánh với ai cũng thắng, đánh đến cùng. Chừng hơn một tháng sau, những người đã chơi cờ với ông, không ai không nhận mình thua. Tất nhiên câu lạc bộ không phải là nơi có những cao thủ, những người chơi cờ thật sự không chơi ở câu lạc bộ. Họ đến câu lạc bộ làm gì? Họ đến chơi câu lạc bộ, là vì yêu thích nơi kín đáo. Chừng một tháng sau, ông trở thành một kì thủ – một kì thủ không thích đến chơi cờ ở câu lạc bộ. Câu lạc bộ rèn luyện ông, khiến nước cờ của ông thêm mở rộng, hay hơn, nhưng trình độ chơi cờ của những người ở đây rất bình thường, ông không tìm đâu ra người ngang tầm ngang cỡ. Chơi cờ không có đối thủ còn ý nghĩa gì? Ông cảm thấy thắng cũng không hứng thú, vậy là ông bỏ ý thích đến câu lạc bộ. Lúc ấy, ông bắt đầu đi chơi, tiếp xúc với những tay cờ trên thị trấn, đánh thử với họ. Nhưng chưa đến mùa hè những cao thủ ở thị trấn đều trở thành bại tướng dưới tay ông. Vậy là, chỉ trong vòng nửa năm, bố em từ chỗ chưa biết chơi cờ nhanh chóng trở thành cao thủ cờ vây được mọi người công nhận, độc chiếm đầu bảng.

Từ đấy về sau, em, Binh cùng chồng em (Anh cứ gọi anh ấy là Lữ) thường xuyên lên tỉnh liên hệ giúp bố tìm kì thủ, tìm được ai cũng mời về nhằm giải cơn nghiện cờ của bố. Cho dù việc đi tìm kì thủ rất vất vả, phiền phức, nhưng thấy bố say cờ chúng em cũng vui mừng. Thoạt đầu, việc tìm kì thủ rất phiền toái, chủ yếu là qua người quen giới thiệu, những kì thủ trình độ cao thấp không đều, có người khá nổi danh, nhưng chỉ là ếch ngồi đáy giếng, tài cán không bao nhiêu, lại rất khó mời, kết quả khiến bố bực mình vì trình độ chơi cờ của họ rất bình thường, không thể giao chiến với bố. Sau đấy, Binh qua bạn bè biết một người, cha người này vốn là Chủ nhiệm ủy ban Thể dục thể thao, thông qua chỉ dẫn của ông Chủ nhiệm, chúng em liên hệ với Hội cờ của thành phố. Từ đấy, chúng em dựa vào danh sách kì thủ do Hội cờ cung cấp, căn cứ vào trình độ của họ, từ thấp đến cao để lần lượt liên hệ và mời về.

Hiệp hội cờ vây có được danh sách ba mươi tư kì thủ, về cơ bản họ đại diện cho những người chơi cờ giỏi, trong đó có một nữ quán quân môn cờ vây của thành phố. Những người này đã trải qua trăm trận, chơi cờ có chiêu thức, bài bản tuyệt kĩ, ông chỉ là tay chơi cờ mới đủ thông minh. Có thể thấy, lúc đầu bố không phải là đối thủ của họ, lúc chơi thử, ông như trứng chọi đá. Nhưng thật kì lạ, không thể tưởng tượng nổi! Một kì thủ giỏi nhất chỉ cần chơi với bố và lần là cái ưu thế vượt trội của anh kia rất nhanh chóng bị bố đuổi kịp, bắt gọn, rồi vượt qua, bỏ xa. Tức là, trước một cao thủ, lúc đầu tưởng bố thua, nhưng không bao lâu bố chuyển bại thành thắng, trở thành đối thủ bất khả chiến bại. Nghệ thuật chơi cờ của bố tưởng chừng chỉ một đêm bỗng đột ngột tiến vọt, cùng một kì thủ ngang tầm hôm qua còn thắng bố, nhưng hôm sau rất có thể bại trận. Đúng vậy, rất nhiều danh thủ, tưởng chừng đánh cờ với bố chỉ cần trong một tuần lễ, bách chiến bách thắng, xưng hùng xưng bá, nhưng kết quả không ai không trở thành bại tướng của bố. Bố chính thức trở thành là một sát thủ thần bí, bất cứ đối thủ nào cũng thất bại dưới tay bố. Điều này đối với bố giống như một định luật không có ngoại lệ. Về sau bố thường nói, mỗi lần chơi cờ với một kì thủ mới, bố không lo thua đối phương mà chỉ sợ đối phương thua một cách nhanh chóng. Bố cũng biết chúng em tìm được kì thủ không dễ dàng, khó khăn lắm mới tìm được một người, nếu họ bại trận ngay, không những chúng em buồn, mà bản thân bố cũng buồn. Bố rất, rất thích có một địch thủ mạnh để bố lao vào chinh phục. Bố không thích những ván cờ không cọ xát, không suy nghĩ, chẳng khác gì cuộc sống phẳng lặng.

Còn nhớ vào một buổi chiều trước hoặc sau Tết Trung thu, em ngồi đọc sách ở ban công, trong phòng khách bố em đánh cờ với kì thủ quán quân của thành phố, đánh hết ván nọ đến ván kia, đánh từ trưa cho đến tận chiều tối. Thỉnh thoảng lại nghe họ nói chuyện vài câu rồi kết thúc, kết thúc rồi bắt đầu. Từ những trao đổi ít ỏi ấy em biết bố lại thắng. Thỉnh thoảng em vào rót nước cho hai người, thấy vẻ mặt của bố rất thản nhiên, nhấp trà, hút thuốc, vô cùng tự đắc, còn vị quán quân cờ vây kia không hút thuốc, không uống trà, đôi mắt dán chặt vào bàn cờ, hiện rõ vẻ bất khuất, giành giật, như đang nghiến răng nghiến lợi, thỉnh thoảng đưa tay di chuyển các quân cờ, đưa tay lên không trung giống như trong tay không cầm quân cờ mà là một viên đạn, cứ do dự đắn đo không biết nên đi vào đâu. Sự trầm tư của anh ta hiện rõ, những thớ thịt trên mặt căng lên, giống như lên gân suy nghĩ. Còn bố đúng là một sự nhẹ nhàng thanh thản, bình tĩnh, tự nhiên, nhàn tản, suy nghĩ như đang bay lượn trên bàn cờ, bay ra ngoài. Về sau em lại nghe thấy họ nói kết thúc ván cờ, sau đấy là tiếng của nhà vô địch: “Chúng ta đánh ván nữa chứ?”. Tiếng trả lời của bố rất dứt khoát: “Thế này nhé, đánh nữa tôi phải nhường quân, tôi không thích đánh cờ nhường quân”.

Bố không khách khí từ chối bại tướng, khiến khách có phần không bằng lòng, hơn nữa đấy là một nhà vô địch. Kì thủ vô địch trước khi ra về nói với em, bố là thiên tài cờ vây, bố có thể đánh bại mọi đối thủ.

Nghe thấy chưa, anh ta nói bố em sẽ thắng mọi đối thủ!

Nhưng anh thử nghĩ, trong thành phố này ai là đối thủ của bố nữa?

Không có ai.

Không một ai.

Vâng, nói đến chuyện ấy em cảm thấy bố thật xa lạ, thần bí, sâu sắc. Có thể anh sẽ hỏi, đúng thế không? Đúng, Đúng vậy. Tất cả đúng như vậy. Nhưng em vẫn nghi ngờ là bởi bố rất kì lạ.

Ngày thứ ba.

Đã quá nửa buổi chiều nhưng hai đồng nghiệp của em vẫn chưa đến làm việc, có thể họ không đến. Trời đang mưa, đấy là lí do họ không đến. Lí do ấy cũng thật hợp lí, ít ra là ở chỗ chúng em. Nhưng em nghĩ đến bố, lí do nào khiến ông không đi làm? Trong trí nhớ, em không thể tìm ra một hôm nào bố không vào bên trong bức tường đỏ để làm việc, một ngày cũng không. Nếu hôm nào chúng em nói: Bố, hôm nay bố xin nghỉ một hôm, mẹ cần bố ở nhà, hoặc nhà có việc, cần bố ở nhà một hôm hoặc nửa ngày. Lúc ấy bố đứng lại, lặng lẽ suy nghĩ. Mọi người nhìn bố, mong dùng ánh mắt để giữ chân ông. Nhưng ông không nhìn lại, cố tình tránh ánh mắt mọi người, nhìn đồng hồ hoặc nhìn bầu trời, do dự, không quyết, không biết nên đi hay nên ở nhà. Mỗi lần tưởng rằng bố ở nhà, có ai đó tiến đến cầm thẻ ra vào của bố, chuẩn bị treo lên mắc áo, lúc ấy bố bỗng thay đổi quyết định, lấy lại thẻ ra vào nói rất kiên quyết:

“Không, tôi phải đi!”.

Bố là như vậy đấy.

Lí do ông từ chối thật đơn giản nhưng rất có tác dụng, còn lí do để chúng em giữ bố lại rất nhiều, nhưng hầu như không có tác dụng. Mẹ ốm nặng, chỉ mấy hôm nữa sẽ vĩnh viễn xa bố, bố cũng không ở lại với mẹ trọn một ngày.

Mẹ em ốm và qua đời, có thể anh không biết. Đấy là việc một năm trước ngày anh đến đây. Mẹ ốm, bây giờ nghĩ lại, bà đã có triệu chứng từ lâu. Em còn nhớ mùa xuân năm ấy, mẹ hay kêu đau bụng. Lúc bấy giờ em không lo lắng gì, mẹ cũng không nghĩ có chuyện gì, cho rằng đau bụng bình thường, uống một bát nước đường nóng, thêm vài viên giảm đau là xong. Hết đau lại đi làm bình thường. Nghe nói, hồi đầu mẹ làm ở cơ quan trên tỉnh, lấy bố rồi mới chuyển về đây, nhưng không ở đơn vị 701 mà ở chỗ khác, cách nhà hơn chục cây số, hàng ngày đạp xe đạp đi về, đưa đón chúng em đi học, nấu cơm, giặt đồ, suốt mười mấy năm ngày nào cũng như ngày nào. Trong ấn tượng của em, cái gia đình này do một tay mẹ em cáng đáng, bố rất ít hỏi han đến việc nhà. Anh biết đấy, khu tập thể gia đình cách tường đỏ bốn, năm cây số, đi bộ mất nửa tiếng đồng hồ, nhưng bố rất ít khi về nhà, mỗi tháng nhiều lắm chỉ về một lần, tối về sáng hôm sau lại đi ngay. Em nhớ có một buổi tối, một buổi tối đã lâu bố không về, lúc ấy chúng em đang ăn cơm, tai mẹ như có mắt, bố đang đi cách nhà hơn chục mét, chúng em còn chưa biết thì mẹ đã nghe thấy tiếng bố, nói với chúng em: Bố các con về đấy. Nói xong, mẹ đặt bát đũa xuống, đi vào bếp, chuẩn bị đón bố. Chúng em cho rằng mẹ nghĩ đến bố quá nhiều, xuất hiện ảo giác, nhưng khi mẹ bưng chậu nước rửa mặt lên, quả nhiên có tiếng chân nặng nề của bố…

Ở nhà, bố chỉ lặng lẽ không nói chuyện, vẻ mặt lạnh lùng, không giống một người chồng, cũng không giống một người cha. Chưa bao giờ bố ngồi lại nói chuyện với chúng em, nói gì với chúng em bố đều như ra lệnh, lời lẽ ngắn gọn, chính xác, cho nên trong nhà nếu có bố không khí chỉ thêm nặng nề, chúng em phải nhẹ chân nhẹ tay, nói năng khẽ khàng, sợ đụng vào bố. Chỉ cần chúng em làm điều gì trái ý khiến bố nổi nóng, mẹ liền mắng chúng em. Mẹ luôn luôn đứng về phía bố, thế có lạ không? Em có thể nói, làm một người chồng, bố hạnh phúc hơn bất cứ người đàn ông nào, bởi ông được rất nhiều. Cả cuộc đời mẹ sống vì bố, còn cả cuộc đời bố đều dâng hiến cho công việc bên trong bức tường đỏ, cuộc đời mẹ dâng hiến cho bố, dâng hiến cho ông chồng một đời say sưa giam mình trong bức tường đỏ.

Em không thể lí giải được lôgic cuộc sống và mọi chuyện chung quanh. Ví dụ như mẹ, mẹ hình như thuộc về bố, nhưng mẹ lấy bố không phải vì tình yêu, cũng không phải vì được yêu mà chỉ vì “yêu cầu của cách mạng”. Mẹ nói, người của đơn vị bố nói tổ chức giúp tìm đối tượng cho bố, người đó phải trải qua thẩm tra về chính trị, quan hệ xã hội, gia đình, hiện tại, lý lịch… Mẹ lấy bố là do tổ chức sắp xếp, lúc ấy mẹ mới 22 tuổi, bố đã hơn 30. Mẹ còn nói, trước ngày cưới chỉ gặp mặt bố đúng một lần, chưa nói với nhau quá hai câu. Em có thể tưởng tượng lúc ấy bố bối rối đến mức nào, có lẽ bố cũng không dám ngước lên nhìn mẹ. Đó là người đàn ông bối rối khi ra khỏi bức tường đỏ, người đó không đến từ cuộc sống, đến từ nhân gian, mà đến từ một lò chưng cất, đến từ ngoài thế giới này, đến từ một góc bí mật, người ấy bị đẩy ra khỏi bức tường đỏ vào cuộc sống đời thường, đẩy vào ánh nắng, giống như cá nhảy lên bờ sẽ lúng túng khó xử đến mức nào. Điều không ngờ là, chỉ một tháng sau mẹ lấy bố. Mẹ tin ở tổ chức còn hơn cha mẹ đẻ. Nghe nói bà ngoại em không đồng ý mẹ lấy bố, nhưng ông ngoại lại đồng ý. Ông ngoại em là một chiến sĩ Hồng quân cũ, mồ côi từ nhỏ, 14 tuổi tham gia công tác cách mạng. Đảng dạy dỗ ông nên người, được giáo dục, có gia đình, có cuộc sống hạnh phúc. Không những ông cảm ơn Đảng từ đáy sâu của lòng mình, còn yêu cầu con cái coi Đảng, coi tổ chức hơn cả cha mẹ. Cho nên mẹ từ nhỏ rất tin ở tổ chức, tổ chức bảo bố tốt thế nào mẹ cũng tin, tổ chức nói bố tài giỏi thế nào mẹ cũng tin. Tóm lại, hôn nhân của bố mẹ thật ra là yêu cầu của công tác cách mạng đúng hơn là do tình yêu. Có thể nói, lấy bố, mẹ đã hoàn thành một nhiệm vụ chính trị. Chúng em nói như vậy chắc chắn mẹ sẽ giận, thôi, em không nói nữa.

Mẹ đau bụng, đến tháng Năm (năm 1972) tình trạng đã rất nghiêm trọng, đau đến mê man bất tỉnh, mồ hôi vã ra như tắm. Hồi ấy, Binh đang đi bộ đội, còn em về nông thôn làm một thanh niên trí thức, tuy không xa, ở huyện bên, đi về chỉ mất trăm cây số, nhưng rất ít khi về, mỗi tháng chỉ về một lần, về hôm trước hôm sau phải đi ngay, nên không hiểu bệnh tình của mẹ. Bố lại càng không biết, đừng nói đến chuyện mẹ ốm bố không biết, ngay cả bản thân bố ốm bố còn không biết, huống chi mẹ giấu bệnh. Mẹ một đời quan tâm đến chúng em, nhưng khi mẹ cần chúng em quan tâm, tất cả đều đi vắng. Bản thân mẹ chỉ nghĩ đến gia đình, nghĩ đến ba người trong nhà, bận bịu việc này việc khác, đâu còn thời gian quan tâm đến bản thân? Lòng mẹ chỉ có chúng em, không còn chỗ cho chính mẹ. Một người từ nhỏ lớn lên bên những người lính Hồng quân, từ nhỏ coi Đảng và tổ chức thân thiết hơn cha mẹ đẻ, đó là mẹ em, bà khiến chúng em cảm nhận được tình yêu thương của người cha, tình yêu thương của con người, nhưng chưa bao giờ yêu bản thân. Mẹ, mẹ đã vất vả như thế nào với cái gia đình không bình thường này? Mẹ ốm nặng nhưng cố tình giấu bệnh, nói dối chúng em; mẹ ốm mà trong lòng mẹ thấy như đã làm một việc sai trái, có lỗi với chúng em. Mẹ, bây giờ con biết mẹ và bố chỉ là một, đều là người không cần bản thân, bố và mẹ đều đắm chìm trong tín điều và lí tưởng của riêng mình, để máu từng giọt chảy xuống, chảy hết, bố và mẹ đều thỏa mãn. Nhưng bố mẹ đều không biết, cũng không ai biết, trong lòng chúng em vô cùng hối hận và xấu hổ.

Cuối cùng thì em cũng phát hiện ra bệnh của mẹ. Tối hôm ấy em từ nông thôn về đến nhà, đêm đã khuya. Trong nhà không đỏ đèn, tối om. Em bật đèn, thấy cửa phòng mẹ đang mở, mẹ không đón em như mọi ngày. Em gọi, không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng động trong phòng. Em vào phòng, bật đèn, thấy mẹ đang quỳ dưới đất, đầu gục vào thành giường, mặt méo xệch vì đau đớn, hai dòng nước mắt chảy dài, đầu tóc rũ rượi. Em chạy tới, mẹ nắm lấy tay em, khóc như một đứa trẻ. Em hỏi mẹ có chuyện gì, mẹ nghẹn ngào nói mẹ không thể sống được nữa, giục em đưa mẹ đi bệnh viện, nước mắt và mồ hôi của mẹ lấp lánh dưới ánh đèn. Chưa bao giờ em thấy mẹ khóc đau khổ và nước mắt chảy nhiều như thế, toàn thân mẹ co rúm, mềm nhũn như lá rau héo, trong ánh đèn lờ mờ, mẹ như một đống áo quần nhàu nát. Hôm sau, bệnh viện nói với em mẹ bị ung thư gan giai đoạn cuối, không thể cứu chữa nổi.

Viết đến đây lòng em vô cùng buồn, rất buồn! Em không định nói, nhưng nói ra được lòng cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Em nghĩ, dù sao thì mẹ cũng là một phần của bố, giống như khu tập thể gia đình phía bên ngoài bức tường đỏ là một phần của khuôn viên này. Mẹ là vợ của bố, cũng là chiến hữu, chiến hữu dựa vào nhau, cho em thắp một nén hương tưởng nhớ linh hồn mẹ bên bàn thờ của bố và xin được khóc mẹ…

Ngày thứ tư.

Bóng tối bao trùm toàn bộ khuôn viên, nhưng không khí và âm thanh của nó vẫn tràn vào nhà qua các ô cửa sổ có song sắt. Ánh đèn dịu dàng tỏa sáng trên trang giấy, chiếu sáng suy nghĩ của em. Nhìn lên trang giấy, bất giác em thấy trang giấy biến thành bàn cờ vây, bàn tay bố chập chờn, lúc ẩn lúc hiện… Em đang thấy bố đánh cờ.

Ai đang đánh cờ với bố?

Sang mùa thu năm sau, cờ vây của bố lên đến tuyệt đỉnh, chúng em không tìm đâu ra kì thủ để thỏa mãn nguyện vọng của ông. Vì danh tiếng, thỉnh thoảng lại có khách không mời mà đến, nhưng như chúng em dự đoán, họ đến không những không làm bố vui, mà còn làm bố nổi cáu. Nổi cáu vì không chịu nổi một đòn. Bố không muốn chơi cờ với những kì thủ trình độ bình thường, càng ghét chơi nhường quân. Nhưng xung quanh bây giờ còn ai để bố xem là những kì thủ trình độ không bình thường! Không còn ai. Một năm trước, bố dành thời gian nghiên cứu nghệ thuật chơi cờ vây, bố đã đào sâu vào bí mật kĩ thuật cờ vây, thêm vào đấy, bố thường xuyên so tài với các kì thủ gần xa, kinh nghiệm trận mạc, khiến nghệ thuật chơi cờ của bố lên đến tuyệt đỉnh, ít nhất là ở thành phố này.

Không tìm được đối thủ, không còn đánh cờ, cuộc sống của bố một lần nữa rơi vào vòng bế tắc. Chúng em cũng đã nghĩ đến các mặt khác, ví dụ đưa bố đi du lịch, viết thư pháp, hội hoạ, tập khí công, thái cực quyền… để tạo hứng thú cho bố, nhưng với những thứ đó, bố tỏ ra lạnh nhạt, chán ghét, khiến chúng em cũng nản chí. Có một lần, một huấn luyện viên khí công đến tổ chức để mọi người học thái cực quyền, em kéo bố đi, ngày nào cũng đưa đi, ngày nào cũng giục bố, coi như kiên trì được một tuần lễ, kết quả ba mươi mấy cụ già đều học thành công, em đến đấy vài lần, thấy ai cũng tập rất khéo, còn bố ngày nào cũng đi, ngày nào cũng học, nhưng ngay cả động tác cơ bản cũng không thuộc, lúc đi quyền trông thật ngượng nghịu, nhớ trước quên sau, thật bực mình. Về mặt này bố tỏ ra kém cỏi, thật khác hẳn với sự thông minh, tài trí thể hiện trước bàn cờ. Bố như một người quái đản, một mặt như siêu nhân, thiên bẩm siêu thường, mặt khác lại tối tăm kém cỏi hơn người thường. Theo một ý nghĩa nào đấy, những ai giới hạn tư tưởng đơn nhất là người khó thoát ra ngoài, bởi nó giới hạn bản thân trong một vùng nhỏ hẹp, ở một ý nghĩa nhất định rất khó có thể tiếp cận cái vô hạn. Điều em nghi ngờ là, bố dựa vào đâu để có những biểu hiện xuất sắc trong đánh cờ như vậy? Có phải bố là một kì thủ giỏi trời sinh? Hoặc còn có nguyên nhân nào khác?

Theo kinh nghiệm cá nhân, em hiểu cờ vây là một thử thách, là môn vận động đào xới trí năng của con người, nó khác xa với cờ tướng, cờ vua và các thứ cờ khác. Lấy cờ tướng của Trung Quốc ra so sánh với cờ vây, cờ tướng giống như một trò chơi, một phần của trò chơi, còn cờ vây phức tạp, sâu sắc hơn nhiều. Sức sát thương của mỗi quân cờ vây không phân biệt lớn bé cao thấp, cùng một quân cờ, có thể làm tướng, cũng có thể làm tốt, xem anh đi thế nào, đặt thế nào, tất cả đều ở tài khéo léo của người chơi. Cờ tướng không như thế, xe, pháo, mã mỗi quân có một định thức: Xe đi thẳng, pháo phải có ngòi, mã nhảy chéo, tượng đi chữ điền, tốt qua sông như một con trâu. Cái khác biệt, cái hạn chế đó khiến cờ tướng trở nên đơn giản, không sâu sắc. Cờ vây lại khác hẳn, nếu nói cờ tướng hạn chế trí lực của kì thủ, thì cờ vây có tính thách thức trí tuệ vô hạn của người chơi, mỗi nước đi của cờ vây đều vô năng, sức mạnh của nó ở vị trí trên bàn cờ, ở những vị trí nhất định, có sức mạnh nhất định. Cho nên, cờ vây càng cần năng lực tổ chức, kết cấu, anh phải tạo cho nó một vị trí thích hợp, cố gắng kết nối chúng lại, xâu chuỗi chúng, quá trình kết nối cũng là quá trình lớn mạnh, chỉ có lớn mạnh mới có thể tồn tại và phát triển. Phương thức tổ hợp của cờ vây là vô hạn, không có công thức, hoặc có thể nói công thức là vô hạn. Đấy là cái vô hạn bí ẩn, tức là sự hấp dẫn, tưởng tượng, tức là trí năng. Cờ vây thắng thua không phụ thuộc vào ngẫu nhiên may rủi, nó là trò chơi đối địch nhau về tâm trí sắc sảo, là sự thử sức nhân cách hai người, vô địch cờ vây chỉ thuộc về những thiên tài thông tuệ, tính tình khô cứng, lạnh lùng. Trên con người họ, sức tưởng tượng, năng lực phân tích, lí giải, kiên nhẫn, thậm chí kĩ xảo phải giống như một nhà toán học, nhà thơ, nhạc sĩ, chẳng qua chỉ khác nhau ở hình thức biểu hiện, phương thức tổ hợp. Bố thể hiện tài năng quái dị trong nghệ thuật chơi cờ vây, có bản lĩnh chiến thắng xuất kì khó hiểu, thậm chí bố tỏ ra chấp nhặt, không muốn chơi cờ với những bại tướng kiêu ngạo và kì quái, không những khiến chúng tôi khó hiểu, ngay cả những kì thủ đến chơi cờ với ông cũng thấy kì lạ và khó hiểu.

Thật hiển nhiên, nếu dùng “ngẫu nhiên” để giải thích hiện tượng cờ vây của ông cũng thật khó thuyết phục. Vậy thì điều gì thúc đẩy bố có được tài trí phi thường ấy? Tự nhiên em nghĩ đến cái bí ẩn của thế giới bên trong bức tường đỏ. Em muốn nói, đấy là nơi thần bí nhất mà em được biết trong đời. Bao nhiêu năm nay, ngày đêm nó hiện dưới tầm mắt em nhưng nó không thấy em, mà cũng không cho phép em được thấy nó. Bên ngoài của nó là tường cao hào sâu, thâm nghiêm đáng sợ, bên trong bí ẩn, sâu không biết đâu là đáy. Em không biết, mà cũng không thể biết, bố làm công việc bí mật gì trong đó, nhưng em có cảm giác công việc đó có mối liên hệ nào đó với cờ vây. Nói một cách khác, cờ vây là một bộ phận công việc bí mật mà bố làm, là số mệnh của cuộc đời bố, bố không tiếp xúc thì thôi, nhưng đã tiếp xúc rồi thì sẽ say sưa, giống như say sưa với nghề nghiệp trước kia, không muốn say sưa cũng không được. Vì đấy là bệnh nghề nghiệp, không thể tùy theo ý mình…

Ngày thứ năm.

Bố là một kì thủ thần bí, tài nghệ cờ của bố tiến nhanh hơn nguyện vọng. Đến mùa thu năm sau, bố không tìm đâu ra đối thủ, nhưng ông vẫn ngồi trước bàn cờ chờ một đối thủ nào đấy đến thách đấu. Bố em cho rằng, trong một khu vực, thậm chí một thành phố với mấy trăm ngàn người, chắc chắn có những kì thủ tuyệt kĩ, họ ẩn náu ở một nơi nào đó, có thể một hôm nào đấy “đánh hơi” thấy ở góc này có một kì thủ thần bí, sẽ đến giao chiến với bố. Thời gian cứ thế trôi qua, những kì thủ nổi danh đến rồi đi, nhưng không có một kì thủ nào có thể địch nổi, thậm chí họ đến không nhằm mục đích cọ xát, mà đến để thỉnh giáo, gặp bố không ai không tỏ ra khiêm tốn, thận trọng.

Nói chung, những người đến trước đây chưa quen biết, bố đều vui mừng, nhưng chơi vài ván cờ rồi, sắc mặt của bố mỗi lúc một khó coi, bố tỏ ra trầm lắng, bày tỏ sự không vừa ý. Có lúc, trình độ đối phương quá thấp, bố còn chỉ dẫn, thở hổn hà hổn hển, trông thật mệt mỏi. Khách đến ra về không vui, em biết khách sẽ ít dần, khả năng kì thủ đến thử tài ngày một. Trong thành phố này không còn khả năng ấy. Vậy là em bàn với Binh, đề nghị Binh thi nghiên cứu sinh. Em nghĩ là chờ cho Binh thi nghiên cứu sinh xong, chúng em sẽ dọn nhà lên tỉnh, như vậy Lữ cũng bằng lòng, bố anh ấy ở trên tỉnh. Nhưng nói thật, không phải em nghĩ cho Lữ, chủ yếu là để bố tìm được người chơi cờ, trên tỉnh người chơi cờ vây giỏi cũng nhiều. Sự thật thì Binh đã bắt tay vào chuẩn bị dự tuyển nghiên cứu sinh, nhưng đến mùa xuân năm sau, khi Binh đã thi đỗ nghiên cứu sinh, bố lại không muốn lên tỉnh.

Sự việc là thế này, vào một buổi chiều, có người đến tìm bố đánh cờ, chơi liền năm ván, bố không thắng ván nào. Đấy là việc chưa từng có kể từ khi bố biết đánh cờ. Thoạt đầu chúng em nghĩ người này chơi cờ rất giỏi, không chú ý lắm, thậm chí còn vui mừng, nghĩ chuyến này bố sẽ được đã cơn nghiện. Nhưng sau đấy một thời gian, bố thua liền mấy người khác, hơn nữa thua liên tục, chơi ván nào thua ván ấy, họ bại này đến thất bại khác, không còn triển vọng. Những người này ra về đều nói đã thắng bố, những người thua cờ trước đây đều không tin, họ gọi điện đến hỏi xem có đúng vậy không. Chúng em nói đúng, họ tỏ ra kì lạ bởi họ biết trình độ cờ của mấy người kia cũng chỉ bình thường. Vậy là có thời gian người đến tìm bố đánh cờ đông hơn, những người đến không ai không là bại tướng trong tay bố trước kia, nhưng bây giờ bố thua họ, thua cả em và Binh. Giống như không thể chơi cờ được nữa, tài nghệ chơi cờ trước đây của bố tưởng chừng sau một đêm cũng bí ẩn biến mất, bây giờ hễ chơi là thua.

Rốt cuộc là chuyện gì đã xảy ra.

Dần dần chúng em phát hiện, hễ chơi cờ là bố có tật không còn tin ở mắt mình, nước cờ hay không đi mà đánh nước cờ khó hiểu, dở khóc dở cười, thậm chí có lúc chúng em cố tình để bố được một ván. Một điều kì lạ khác là, bây giờ bố được hay thua đều không quan tâm, không như trước hễ thua là nổi cáu, bây giờ thua vẫn vui vẻ như thắng. Chúng em cảm thấy có điều không bình thường, nhưng trông bố vẫn bình thường, thậm chí còn vui vẻ hơn trước, cởi mở hơn trước, cho nên chúng em không nghĩ có chuyện gì xấu. Cho đến một buổi tối, Binh về, bố tưởng cậu ta là anh, bố vừa gọi tên vừa ôm chặt như người điên. Chúng em giải thích Binh không phải là anh, nhưng bố vẫn không tin, bố giống như người điên. Chúng em bỗng nghi ngờ, quyết định đưa bố vào bệnh viện. Thật lạ, đến lúc Binh về nhà thay đồ đến đưa bố đi, thì bố hình như tỉnh lại, không còn nhầm Binh là anh nữa. Đấy là lần đầu tiên chúng em thấy bố phát bệnh, bệnh thật kì lạ, anh không thể tưởng tượng nổi.

Bệnh viện cho rằng đấy là chứng mất trí thông thường của người già, bảo chúng em chú ý để bố nghỉ ngơi, đừng để bố phải vận dụng trí óc quá nhiều. Như vậy, chúng em phải ngăn cản những người đến chơi cờ với bố, đồng thời cho uống những thứ thuốc giảm bớt mệt mỏi của trí óc. Không chơi cờ, chúng em lo bố ở nhà buồn, nghĩ đến chuyện Binh học nghiên cứu sinh đã ổn, cơ quan cũ cũng cho Binh nghỉ một thời gian để giúp đỡ bố. Hết giờ em về, thấy hai bố con đánh cờ. Em hỏi Binh bố thắng hay thua, lần nào Binh cũng lắc đầu, nói, bây giờ bố đánh cờ mỗi lúc một kém, để thua bố là không thể, giống như trước đây muốn thắng bố khó.

Chơi cờ không tốt, em nghi chứng mất trí của bố sẽ nặng thêm. Quả nhiên, vào một buổi sáng, trời vừa rạng sáng, em và Binh đang ngủ, bỗng nghe thấy tiếng kêu của bố. Em dậy xem, bố tưởng em là mẹ, hỏi đây là đâu. Em bảo đây là nhà mình, bố không tin, đòi đi. Binh từ trong nhà ra, bố sợ hãi run rẩy, cứ luôn mồm xin lỗi Binh, hình như bố nghĩ bố và mẹ em vào nhầm nhà, muốn Binh tha thứ. Chúng em lại đưa ông vào bệnh viện, đề nghị cho bố điều trị nội trú. Nhưng ngay tối hôm ấy bố từ bệnh viện về, khuyên bảo thế nào cũng không được, ép bố đi cũng không được. Bố cho rằng mình không có bệnh gì, bệnh viện kiểm tra cũng nhận xét bố không có bệnh gì, thần kinh tỉnh táo, không có rối loạn tâm thần.

Nhưng chúng em biết, chắc chắn tinh thần của bố có, chẳng qua vấn đề thể hiện có phần quái dị, giống như có bệnh mà như không có bệnh, sự việc xung quanh đang chơi trò trốn tìm với bố. Một tối, em đưa bố đi dạo, ra đến cổng khu nhà, trông thấy một quả bóng đỏ của trẻ con, lúc quay về quả bóng vẫn còn đó, bố nhìn chăm chú quả bóng một lúc rồi bỏ đi. Em hỏi bố đi đâu, bố bảo về nhà. Em bảo nhà chúng ta ở đây, bố chỉ vào trái bóng nói với em rất nhiều lí lẽ, ý bảo: Trái bóng này không phải là vật cố hữu ở cửa nhà ta, cho dù không cố hữu, nó xuất hiện ở đây rất có thể là để mê hoặc người khác, mà là thứ để mê hoặc người thì không thể bất biến… Bố nói lảm nhảm làm em không hiểu gì. Em thấy bố chú ý quả bóng, nhân lúc bố nhìn đi nơi khác, em đá quả bóng vào chỗ tối. Bố không thấy trái bóng đâu rồi mới lẩm bẩm về nhà. Thời gian ấy bố vẫn thường lẩm bẩm, không biết lẩm bẩm chuyện gì, em và Binh nghe không hiểu, hình như bố đang đọc một bài thơ, lại như đang dạy bảo ai. Nhưng hôm đó em nghe hiểu lời bố lẩm bẩm:

Anh không phải là anh

Tôi không phải là tôi

Bàn không phải là bàn

Bảng đen không phải là bảng đen

Hôm nay không phải là hôm nay

Ánh nắng không phải là ánh nắng…

Thế là gì? Không giống bài thơ, không giống bài hát, ca dao cũng không phải, tại sao bố cứ đọc hoài? Em lấy làm lạ, hỏi bố có ý nghĩa gì. Bố tỏ ra bối rối, hỏi em nói gì, em nhắc lại mấy câu vừa rồi ông lẩm bẩm, bất ngờ bố trừng mắt hỏi em nghe được ở đâu, chừng như đấy là chuyện không thể nói đến. Em nhắc lại đúng như vừa rồi, bố càng tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, bảo em quên chuyện đó đi, đồng thời giải thích bố không nói những câu ấy, tưởng như đấy là bí mật ghê gớm bố đã tiết lộ. Nhìn cái vẻ kinh hoàng sợ hãi của bố, em nghĩ, nhất định đây là những thứ bên trong bức tường đỏ…

Ngày thứ sáu.

Bức tường đỏ!

Bức tường đỏ!

Bên trong đó ẩn chứa bí mật gì?

Làm thế nào để người nuôi dưỡng được một con người luôn căng thẳng, kì dị như vậy?

Em cứ nghĩ, về cuối đời bố trở nên kì lạ, bệnh tật cũng kì lạ, chắc chắn có liên quan đến công việc bí mật bên trong bức tường đỏ. Nói một cách khác, có thể đấy là bệnh nghề nghiệp, là di chứng nghề nghiệp của bố. Bởi vì cái bí ẩn nghề nghiệp nên thậm chí bệnh cũng hết sức bí ẩn, không ai hiểu, không ai nghĩ ra chuyện gì.

Nút thắt phải do người thắt nút mới mở được. Em nghĩ, có thể bệnh của bố bắt nguồn từ công việc ông làm, vậy những người làm việc trong bức tường đỏ kia sẽ biết phải đối phó thế nào. Vậy là một hôm, em gặp ông Vương, Cục trưởng, ông đã đến nhà mấy lần, em có ấn tượng ông rất quan tâm đến bố em. Ông Vương nghe em kể bệnh tình của bố, ông im lặng hồi lâu, không tỏ ra kì lạ cũng không đồng tình, chỉ tỏ vẻ bối rối. Ông hỏi, bố bây giờ ở đâu, em nói ở nhà. Ông bảo thư kí đưa cho ông hai cây thuốc, đi với em về nhà. Về đến nhà, em thấy cửa mở nhưng không thấy bố, hỏi ông già trông bảo vệ, ông già nói bố chắc chắn không đi khỏi khu tập thể này, là bởi nửa tiếng đồng hồ trước đó ông còn trông thấy, chỉ ở quanh quẩn đâu đây. Nhưng em tìm khắp nơi vẫn không thấy, cứ như bố bay lên không trung vậy. Kết quả anh biết bố đi đâu không? Ở trên hành lang dãy nhà phía trước nhà em. Lúc tìm thấy, tay bố đang cầm chìa khóa cửa nhà em, loay hoay mở cửa nhà người ta. Anh thấy có buồn cười không? Ngay cả nhà mình cũng không nhận ra. Em đưa bố về, nhưng vừa vào đến cửa bố bỏ ra ngoài ngay, khăng khăng bảo đây không phải là nhà mình! Thật sự em không biết phải làm thế nào. Nhưng ông Vương nghĩ ngay ra một cách, ông bảo em đưa bố ra ngoài, một lúc sau, ông Vương ra gọi bố và em về. Vào nhà, em phát hiện trong nhà có đôi chút thay đổi, ví dụ vỏ bọc sofa không còn, lọ hoa để ở bàn ăn được đưa ra bàn nước, còn một vài thứ khác bị dịch chuyển khỏi vị trí cũ. Bố trông thấy những thứ đó mới tin rằng đây là nhà mình. Anh thấy có kì lạ không? Hết sức kì lạ!

Hôm ấy, trước lúc ra về, ông Vương bảo em cách đối phó với bệnh mất trí của bố, bảo sau này nếu bố có dấu hiệu mất trí, chúng em phải xê dịch, thay đổi một vài thứ trước mắt bố, giống như vừa rồi ông ấy dịch chuyển các thứ trong nhà. Thoạt đầu em không tin, nhưng thử mấy lần, phát hiện cách ấy rất có hiệu quả. Ví dụ, có lúc bố đột ngột coi em và Binh là người ngoài, chúng em chỉ cần thay đồ hoặc chải lại tóc, bố như tỉnh cơn mê lại nhận ra chúng em. Những tình huống khác cũng như vậy, chỉ cần chúng em tùy cơ ứng biến, bố sẽ tỉnh táo ngay. Về sau, chúng em vô tình phát hiện một tuyệt chiêu khác: Chỉ cần mở ti vi hoặc mở đài bố sẽ không coi rằng “đây không phải là nhà mình” nữa. Có thể vì hình ảnh và âm thanh luôn luôn thay đổi chăng? Phát hiện ra điều ấy đã giảm bớt phiền hà cho chúng em, ít nhất để bố về nhà không còn là vấn đề. Nhưng phiền phức mới lại nảy sinh, ví dụ hôm nay ông nhận nhầm người, ngày mai nghe nhầm câu nói nào đó, lúc thế này, lúc thế khác, mọi chuyện kì quặc cứ diễn ra liên tiếp. Anh thử nghĩ, bố như vậy, người bên trong bức tường đỏ có thể hiểu, không hiểu người trong đó nghĩ ông thế nào? Về sau, nhiều người trong khu tập thể bảo bố bị bệnh thần kinh, họ đều tránh xa. Anh có thể thấy, một con người như thế, một người lúc nào cũng có thể phát bệnh, liệu ai còn dám để ra ngoài một mình? Ra ngoài một mình sẽ xảy ra chuyện gì? Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Cho nên mỗi lần bố đi đâu chúng em phải đi theo, giống như một đứa trẻ, hễ lơ là một chút là phải đi tìm khắp nơi khắp chốn! Tất nhiên, những lúc Binh ở nhà sẽ không thành vấn đề, nhưng cuối năm, Binh lên tỉnh đi học, học nghiên cứu sinh. Như đã nói, chúng em định mượn cớ ấy để đưa cả nhà lên tỉnh, thứ nhất là để bố có đối thủ đánh cờ, bây giờ xem ra không cần thiết, mà cũng không thể chơi cờ nữa rồi! Bố như thế này liệu còn đi đâu được? Chỉ có thể ở trong khu tập thể này thôi. Những người ở đây đều biết bố có ưu điểm, nhược điểm gì, bà con thông cảm, mà cũng an toàn. Nếu lên tỉnh, không quen ai, không xảy ra chuyện mới là lạ. Binh đi rồi, nhà chỉ còn một mình em, em đi làm không ai chăm sóc bố, chăm sóc bố thì không đi làm được, biết làm sao? Em đành đi tìm ông Vương. Ông Vương cũng không có cách nào, nghĩ đi nghĩ lại chỉ còn một cách, đưa bố vào bệnh viện.

Em biết bố không muốn vào bệnh viện, nhưng ông Vương bảo đấy là quyết định của tổ chức, không muốn cũng phải chấp hành. Đối với quyết định của tổ chức, không bao giờ bố nói đến điều kiện. Với sự cố gắng của ông Vương, bố vào bệnh viện mà không tỏ ra sợ hãi, hơn nữa được vào Viện điều dưỡng Linh Sơn. Em rất tán thành kết quả ấy, đưa bố vào Viện điều dưỡng Linh Sơn, em thấy môi trường sống, điều kiện, không khí, kể cả đường từ nhà đến Viện… đều rất vừa ý. Không ngờ, chỉ ba ngày sau, em rất ân hận, vô cùng ân hận…

Hôm ấy, Viện điều dưỡng gọi điện cho em, thông báo bố có chuyện. Em và ông Vương đến giải quyết. Đến nơi, đứng dưới toà nhà mà bố ở, em đã nghe thấy tiếng bố kêu gào, lên đến nơi, thấy cửa phòng của bố bị khóa ngoài bằng một sợi xích sắt, trong phòng bố, như một người tù bị oan, ra sức kêu gào. Em hỏi có chuyện gì, bố nói không biết, họ đã giam bố mấy tiếng đồng hồ rồi, sắp đến 4 giờ chiều, cơm trưa cũng không được ăn. Ông Vương đưa em đi tìm lãnh đạo Viện định tố cáo, nhưng lãnh đạo Viện nói lại đầu đuôi sự việc, em không còn biết nói gì hơn. Thì ra Viện có một cô y tá tên là Thi, rất trẻ, ai cũng gọi cô là Tiểu Thi. Anh cũng biết đấy, ở nhà một người cũng gọi em là Tiểu Tư[8], có thể vì lí do ấy đã dẫn đến sự hồ đồ của bố, ông tưởng Tiểu Thi là em, buổi sáng cô ta đến phòng bố thu dọn, bỗng bố tỏ ra quá mức tình cảm với cô, cô ta bực mình, bỏ đi, bố đuổi theo, vừa gọi vừa đuổi, khiến Thi sợ hãi kêu lên.

Vậy là người ở đây nghĩ bố có hành động sàm sỡ, nhốt bố lại. Em giải thích sự việc, người trong Viện trách chúng em bố như thế, không nên đưa vào Viện điều dưỡng mà phải đưa đến bệnh viện tâm thần. Câu nói ấy không sai, đúng là chúng em không đúng, nhưng điều làm em bực mình là có người đòi em phải xin lỗi cô Thi và bồi thường thiệt hại về tinh thần. Em nghĩ, tinh thần của bố bị tổn thương đến mức này, chúng em đòi ai bồi thường?

Chuyện ở Viện điều dưỡng kết thúc, tính ra bố chỉ ở đấy ba ngày, sau đấy muốn ở lại cũng không được, em phải đưa bố về. Người đã về, nhưng lòng em vẫn hoang mang, không biết phải làm thế nào để bố sống yên ổn nốt quãng đời còn lại, đừng nói gì đến sống hạnh phúc, chỉ cần bố sống yên ổn là đủ cho chúng em lắm rồi. Có người đề nghị em đưa bố vào bệnh viện tâm thần, điều này thì em không đồng ý. Như thế chẳng hóa ra bố em mất hẳn rồi sao? Em nghĩ, dù em không đi làm cũng không thể đưa bố vào bệnh viện tâm thần. Đấy không phải là vấn đề đạo lí, mà tình cảm không cho phép em lựa chọn.

Sau đấy, có một hôm, khi bố ở Viện điều dưỡng về chưa lâu, em đi làm về, thấy bố cười hì hì, không chờ em hỏi, bố phấn khởi nói, tổ chức giao việc cho bố, bố sắp đi làm rồi!

Suốt cả ngày hôm ấy ông rất vui.

Nói thật, trước đây chúng em cứ mong bố ra khỏi bức tường đỏ thật sớm, không ngờ lúc này ông lại sắp trở về trong đó, em rất buồn. Quả thật chúng em không muốn. Ông Vương, Cục trưởng, lúc hỏi ý kiến, em nói không, không đành lòng. Em nói, em có thể xin nghỉ công tác ở nhà chăm sóc bố, bố mắng em như tát nước. Sau đấy em nghĩ, chuyện này em không có quyền phản đối, phản đối cũng chẳng ăn thua gì, kì thật em đã xin nghỉ việc, từng giờ từng phút ở bên bố, như vậy thì sao? Bệnh vẫn là bệnh, buồn vẫn là buồn, em không thể đem lại niềm vui cho bố. Chúng em không thể đem niềm vui đến cho bố, liệu ai có thể? Sự thật hiện lên nét mặt bố hôm đó. Anh không thể tưởng tượng nổi, hôm ấy bố vui vẻ thế nào đâu. Ông gọi điện thoại cho Binh suốt hai tiếng đồng hồ, chỉ nói đi nói lại một câu: Bố đã được giao việc, sắp đi làm rồi!

Hôm sau, bố thật sự “đi làm” giống như đã nói qua điện thoại với Binh. Em nhớ rất rõ, đấy là một buổi sáng mùa đông năm 1986, trời rét buốt, qua một đêm mặt đường tuyết tan chảy, em đưa bố đến trước khu tập thể, đưa bố lên chuyến xe chở mọi người vào trong bức tường đỏ. Xe chuyển bánh, nhìn theo bóng bố mỗi lúc một xa, trong đầu em hiện lên hình ảnh bố tiến đến cái cửa sắt nơi bức tường đỏ.

Ôi, bố!

Ôi, bức tường đỏ!

Vậy là, sau tám trăm hai mươi bảy ngày ra khỏi bức tường đỏ, bố lại trở về trong đó!

Lúc đầu, em lo ở trong đó chứng lẩm cẩm của bố lại nổi lên, không có ai chăm sóc, chưa biết chừng lại xảy ra chuyện gì. Với lại, em lo ông ốm yếu, nghỉ một thời gian dài, trở lại công tác liệu có thể chịu đựng nổi không? Không chịu đựng nổi thì sao? Tóm lại, lần này bố quay về bên trong bức tường đỏ, bố đem theo cả linh hồn em, đêm ngày em lo lắng, không sao ngủ nổi, không thể yên tâm, luôn lo lắng, cảm giác có việc gì đó sắp xảy ra với bố. Nhưng một tuần lễ qua đi, lại một tuần lễ nữa, rồi một tháng, không xảy ra việc gì. Không những không xảy ra việc gì, hơn nữa còn tốt hơn nhiều, mỗi lần về em thấy tinh thần bố phấn chấn, khỏe khoắn, vừa lòng, hợp ý, khiến em cảm thấy rất vui. Ôi, anh không thể tin nổi, bố từ sau ngày trở về trong bức tường đỏ tinh thần càng ngày càng tốt hơn, cơ thể mỗi ngày một khỏe ra, cái bệnh kì quặc kia cũng không tái phát, khỏe như chưa bao giờ khỏe thế. Bức tường đỏ giống như bức bình phong có ma lực, loại bỏ hẳn những ngày oan nghiệt, giống như cá về với nước.

Đúng vậy, bố lại sống vui vẻ.

Bây giờ em vẫn nghĩ, vũ trụ sẽ biến đổi, nhưng bố thì không. Số phận của bố không thoát khỏi bức tường đỏ, tâm tư bố từ lâu chìm sâu trong đó, muốn rút ra không nổi, rút ra bố sẽ khô héo, sẽ chết. Bức tường đỏ bí ẩn là mảnh đất sống của bố, cũng là nơi chôn vùi bố, cuối cùng bố sẽ chết trong đó… Ôi, cái chết của bố, tay em bắt đầu run rẩy, em không tin bố đã chết, em không muốn bố chết! Không, em không muốn bố chết!

Bố ơi!

Bố ơi!

Bố ơi!

Ngày thứ bảy.

Em không còn sức để viết tiếp, chỉ còn đôi lời.

Hôm ấy đúng ngày chủ nhật là ngày bố về. Sau khi bố quay lại trong bức tường đỏ, nói chung chủ nhật nào bố cũng về thăm nhà, ngủ một đêm, sáng hôm sau lại đi. Nếu không về, bố sẽ gọi điện thoại báo cho em biết. Chủ nhật hôm ấy, bố không gọi điện cho em, em chuẩn bị đón bố về. 3 giờ chiều, em đi chợ như mọi khi, mua bốn con cá. Bố nói ăn gà bổ chân, ăn cá bổ não, bố ăn cá cả đời không biết chán. Về đến nhà đã hơn 4 giờ, 4 giờ 30 phút, em đang chuẩn bị xào rau,thì có điện thoại, bố lên cơn đau tim, đang cấp cứu trong bệnh viện, yêu cầu em phải đến ngay. Đấy là bệnh viện của đơn vị, em đến nơi thì bác sĩ bảo đã chuyển lên bệnh viện tỉnh. Điều này chứng tỏ bệnh tình của bố rất trầm trọng, vừa nghe nói nước mắt em đã chảy tràn. Những giọt nước mắt sợ hãi. Em vội vàng lên bệnh viện tỉnh, bác sĩ bảo bố đã hôn mê, không thể cứu chữa. Em đau đớn đứng trước bố, bố cười với em, không nói gì. Năm ngày sau, vào lúc 9 giờ 30 phút, bố lại cười với em và vĩnh viễn xa em…


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.