Tôi tên là Kim Thâm Thủy.
Tôi từ Mĩ về.
Tôi là bạn chiến đấu cùng mẹ cô.
Đấy là tôi nói mẹ đẻ của cô, không phải là người mẹ ở quê của cô. Cô có thấy chuyện của tôi lạ lắm không? Đúng vậy, đấy cũng là điều tôi đã nghĩ, hôm nay tôi vừa từ quê cô ra, tôi biết họ không nói gì với cô. Họ không nói với cô có thể vì họ rất yêu quý cô, nên chờ để tôi nói. Nhưng đến bây giờ tôi mới xuất hiện, họ lại không cho tôi nói. Tôi về quê của cô lần này có gặp cha mẹ bây giờ của cô, lúc chia tay họ dặn tôi đừng đi tìm cô. Tôi hiểu lòng họ. Đúng là đến lúc này mới nhắc lại chuyện cũ quả là quá muộn, chỉ sợ cô sẽ không chịu nổi, họ cũng không chấp nhận nổi. Nếu hai, ba chục năm trước tôi đến tìm, họ sẽ không như thế này. Nhưng tôi đến muộn, nhất định họ nghĩ tôi đã chết, nên không chuẩn bị tư tưởng cho cô. Nhưng tôi vẫn đến tìm, tại sao cho đến nay tôi mới đến, bản thân việc đấy cũng là một câu chuyện. Tôi sẽ nói sau, bây giờ tôi chưa muốn nói.
Vừa rồi tôi nói họ, tức là cha mẹ cô hiện tại, bảo với tôi đừng đến tìm cô, tôi đồng ý. Nhưng tôi vẫn đến tìm. Tôi không tôn trọng ý muốn của họ không phải cố tình làm tổn thương họ, mà vì tôi đã quyết định nói với cô, nói rõ sự việc với cô là nguyện vọng từ lâu của tôi và cũng là của mẹ cô. Tôi phải nhắc lại, đấy là nguyện vọng của mẹ đẻ cô. Tôi biết cô nay đã ở cái tuổi làm mẹ, còn tôi chỉ là người cô chưa bao giờ nghe nói đến, bỗng nói đến chuyện cha mẹ cô, nhất định cô không tin. Cô tin vào kí ức và tình cảm bản thân, tình cảm và kí ức của cô rất trung thực nói với cô, chúng nói cha mẹ hiện tại của cô là cha mẹ đẻ, cô tin họ như tin cái nốt ruồi trên tay mình.
Nhưng tôi nói với cô, một người không có kí ức gì với người đã sinh ra mình, xin cô hãy tin ở sự trung thực của tôi. Cô thấy tôi đã già, đã ở cái tuổi tám mươi, tám mốt, cận kề miệng lỗ, tôi trong chớp mắt. Cô cũng thấy đấy, khuôn mặt tôi đầy nếp nhăn, lại cả cái ba-toong này nữa, một lão già cô độc trong cuộc sống trống trải, bấm ngón tay tính ngày cuối đời, cũng tự hỏi lòng mình còn việc gì phải hoàn thành trong đời, bằng không lúc chết không nhắm mắt nổi. Đúng, đúng vậy, tôi nghĩ đến cô, nghĩ đến mẹ cô, cũng nghĩ rằng để cô biết sự thật là việc cuối cùng của đời tôi. Việc ấy tôi phải làm, vì ở đời này chỉ một mình tôi làm được việc ấy. Tôi là người duy nhất nắm được bí mật của cô, kể cả cha mẹ cô hiện tại cũng không biết gì về cô. Ví dụ, ai là cha đẻ của cô, điều ấy họ sẽ không thể trả lời nổi. Họ chỉ có thể nói với cô rất nhiều năm về trước, tôi, một Thượng tá quân đội Quốc Dân Đảng, trong đêm tối đã gửi cô cho họ thế nào, họ đã làm thế nào để đưa cô về cái thị trấn nhỏ bé kia, làm thế nào để nuôi nấng cô… Nhưng đằng sau đấy có rất nhiều sự việc mà họ không thể biết.
Đúng vậy, tôi là người hoạt động bí mật, hơn nữa còn là người thâm nhập sâu vào Cục Bảo mật của Quốc Dân Đảng. Tôi tên là Kim Thâm Thủy, như vừa nói, cái tên này chừng như đã chìm hẳn ở Đại lục, có thể ở trong cuốn lịch sử Đảng có ghi chép, chỉ vậy thôi. Nhưng ở Đài Bắc – thủ phủ Đài Loan, trong quân đội Quốc Dân Đảng, cái tên này một thời đã vang dội giống như tiếng đinh tai của tấm kính trong Phủ Tổng thống bị đập vỡ, khiến ai ai cũng phải chú ý. Không nhìn thấy ư? Ôi, một đặc vụ lúc nào cũng ở trước mắt mà không thấy sao? Đừng nói đến ai, ngay cả mẹ cô bây giờ, tôi làm việc nhiều năm d ư ới tầm mắt bà, vậy mà bà cũng không hề hay biết thân phận bí mật của tôi, đến bây gi ờ tôi nói mà bà ấy vẫn không tin.
Đúng vậy, tôi biết bà ấy – mẹ hiện tại của cô – từ rất lâu, bà là con gái bà dì họ xa của tôi, vì không chịu ép duyên nên bỏ nhà ra đi và gặp tôi. Lúc bấy giờ tôi đang dạy ở trường sĩ quan cảnh sát Hàng Châu, hơn nữa vừa được làm cha, nhà đang thiếu người trông trẻ, tôi giữ bà ấy lại, sau đấy bà giúp chúng tôi trông cháu, cho đến tối mùng 9 tháng 3 năm 1949. Cô thấy, tôi nhớ rõ thế đấy, tối hôm ấy tôi đưa cô từ nhà tù ra, gửi cho bà ấy, tức cô em họ tôi, mẹ cô hiện tại. Cũng tối hôm ấy, bà ra đi, một tay bế cô, một tay bế thằng con đẻ của bà khi ấy mới được một tuổi. Lúc bấy giờ cô mới được bốn tháng, không thể nhớ được điều gì…
Tối hôm ấy trời cũng mưa như lúc này, tôi cho cô vào cái túi du lịch đưa về nhà, dọc đường tôi cứ lén lút như xách túi đồ ăn cắp, chỉ sợ tiếng khóc của cô sẽ bán rẻ tôi. Cũng may, dọc đường cô không khóc, tôi vô cùng cảm ơn sự im lặng của cô. Nhưng về đến nhà mới giật mình kinh hãi, cô biết tại sao không? Thì ra tôi kéo cái khóa kéo kín quá, không để không khí lọt vào, suýt nữa thì cô chết ngạt. Rất may trời mưa, nước mưa ướt cái túi du lịch, hơi nước lọt vào trong, nếu không tôi sẽ phải ân hận suốt đời với mẹ cô. Cô không biết, mẹ cô vì sinh cô mà phải đánh đổi tất cả. Tối hôm ấy, tên đao phủ Mao Nhân Phượng hạ lệnh giết mẹ cô, mẹ đẻ của cô. Ngày mùng Chín tháng Ba năm 1949, nhất định cô phải nhớ cái ngày ấy, đấy là ngày mẹ cô gặp nạn, suốt mấy chục năm qua, hễ đến ngày ấy tôi đều tưởng niệm tới bà, từ bây giờ cô phải nhớ đến nó. Có thể tôi không sống nổi bao lâu nữa, cô phải nhớ cái ngày ấy…