Sở dĩ La Tinh Tinh và Long Tiểu Vũ quen nhau là vì một lần va xe.
Hồi ấy, La Tinh Tinh vừa lấy được tấm bằng lái xe. Nói “lấy”, bởi chiếc
bằng không phải do nàng thi đỗ mà có, mà do chánh văn phòng Vương nhờ vả người quen chạy giúp. Chuyện này, bố nàng không hề hay biết. La Bảo
Xuân rất cưng chiều cô con gái rượu. Nàng muốn gì, được nấy. Thế nhưng,
ông một mực từ chối việc nàng học lái xe. Đây thực ra cũng là một kiểu
cưng chiều. Với cô con gái rượu, La Bảo Xuân nâng như nâng trứng, hứng
như hứng hoa. Nên đương nhiên, ông không yên tâm để nàng một mình lái xe quăng quật bên ngoài.
Thế nên, La Tinh Tinh phải học lái xe
trộm. Mà đã là học trộm thì khó thành tài. Tranh thủ lúc bố đi Thượng
Hải công tác, La Tinh Tinh chạy chiếc xe Honda ra đường luyện tay lái.
Vừa ra khỏi khu trung tâm thành phố, đến một khúc cua, ô tô va vào một
thanh niên đi xe đạp đang đèo một cô gái. Trình độ đi xe đạp của anh
thanh niên chắc cũng non như trình độ tay lái của La Tinh Tinh. Vừa
trông thấy chiếc xe ô tô đến gần, anh thanh niên đã loạng choạng tay
lái. Thấy người đi đằng trước loạng choạng, La Tinh Tinh cũng phát
hoảng. Nàng cuống quýt tạt đầu xe để cua. Nhưng đuôi xe không hiểu sao
lại va vào chiếc xe đạp vốn đã cũ kỹ, tồi tàn đến độ vứt đi chẳng ai
buồn nhặt. Anh thanh niên đi xe đạp và cô gái ngồi sau xe bị văng xuống
vệ đường. Qua kính chiếu hậu, La Tinh Tinh trông thấy chiếc xe đạp bị đổ kềnh ở phía sau. Còn chưa rõ xảy ra chuyện gì, nàng đã nghe thấy tiếng
người hô lớn, cả đằng trước lẫn đằng sau:
– Đâm vào người ta rồi! Dừng xe lại!
Âm thanh gần nhất phát ra từ phía trước. Cạnh đường phía trước có một quán ăn nhỏ. Mấy người đàn ông đang ăn ngoài cửa vội chạy tới, chặn xe ô tô
lại. La Tinh Tinh hoảng hốt. Nàng xuống xe, mặt tái mét. Lóng ngóng nhìn đôi trai gái bị ngã xuống vệ đường. Nàng sợ hãi đến độ quên cả hỏi thăm thương tích của nạn nhân.
Đám người vừa bỏ dở bữa ăn chạy tới,
người thì sốt sắng hỏi han tình hình nạn nhân, người thì lo gọi điện
thoại báo cảnh sát. Có người còn sợ La Tinh Tinh bỏ trốn, mở luôn cửa
xe, rút chìa khóa. Người thanh niên bị tông xe được mọi người đỡ dậy.
Anh ta tập tễnh thử đi vài bước. Còn cô gái vẫn nằm bất động. Có người
chặn một chiếc xe quân đội ngang qua đường, rồi khiêng cô gái lên xe đưa đi bệnh viện. Còn người khác thì dìu người thanh niên bảo La Tinh Tinh
cùng đi tới đội cảnh sát giao thông nói chuyện. La Tinh Tinh không biết
đội cảnh sát giao thông ở đâu. Thiếu chút nữa thì nàng bật khóc. Mắt
nàng đỏ hoe, hỏi: “Chìa khóa xe tôi đâu rồi?” Người đàn ông rút chìa
khóa xe của nàng khi nãy độ ngoài ba mươi tuổi. Lúc này, gã trả lại chìa khóa cho La Tinh Tinh, đồng thời đóng vai trò của người hòa giải:
– Thế này đi. Các vị muốn đến đội cảnh sát giao thông thì cứ đến. Còn nếu muốn giải quyết nội bộ, các vị thương lượng luôn với nhau ở đây đi. Nếu thương lượng được, đỡ rách việc cho cả đôi bên.
Gã hỏi người thanh niên bị đâm:
– Cô gái đi với cậu có quan hệ thế nào với cậu?
– Cô ấy là bạn gái em.
– Cậu có thể đại diện cho cô ấy được không?
– Được ạ.
– Thế thì cậu ra giá đi. Kể cả tới đội cảnh sát giao thông chăng nữa, họ
cũng chỉ bảo cô ta đền cho cậu ít tiền. Cậu ra giá đi. Nếu cô ta đồng ý, thì hai bên đỡ phải tới đội cảnh sát giao thông. Cậu cũng còn phải
tranh thủ thời gian đến bệnh viện thăm bạn gái mình nữa chứ.
Người thanh niên do dự dây lát, rồi ra giá:
– Tôi chẳng biết bạn gái tôi thương tích thế nào, cũng chẳng biết vào
viện phải tốn bao nhiêu tiền. Thôi thì, cô cứ đưa hai vạn tệ.
La Tinh Tinh giật bắn mình:
– Những hai vạn cơ à?
Nhưng nàng không dám từ chối. Nàng chưa trải qua chuyện này bao giờ. Cũng
không biết phải bồi thường bao nhiêu tiền là hợp lý. Cuối cùng, vẫn nhân vật hòa giải tuổi ngoài ba mươi kia trả giá giúp nàng:
– Hai vạn. Không phải là nhiều. Nhưng cô này cũng không phải cố tình đâm cậu. Cậu xem có thể bớt được không?
Người thanh niên không nói gì.
Người hòa giải bảo:
– Một vạn. Thế nào?
– Đúng một vạn rưỡi, không kém một xu. Còn không, thì tới gặp cảnh sát.
Người hòa giải đưa mắt sang La Tinh Tinh, chờ xem thái độ của nàng. La Tinh Tinh bảo:
– Để tôi gọi điện thoại tới cơ quan bố tôi cái đã.
Lúc ấy, La Tinh Tinh định gọi điện cho chánh văn phòng Vương, bởi thật sự,
nàng không biết phải đối phó với tình huống này như thế nào.
Người hòa giải nói:
– Người ta còn phải đi bệnh viện, chờ đợi thế nào được. Nếu cô đồng ý thì gật đầu luôn cho xong chuyện. Còn không, thì đi gặp cảnh sát. Tôi mặc
kệ thôi.
Ngừng một lát, người hòa giải lại lựa lời khuyên:
– Cô mà tới gặp cảnh sát, ít nhất cũng phải bồi thường số tiền nhiều hơn
thế. Này nhé, tiền điều trị cho nạn nhân, cô phải chịu. Tiền bồi bổ sức
khỏe cho nạn nhân, cô phải chịu. Tiền lương của nạn nhân trong mấy ngày
nghỉ dưỡng thương, cô cũng phải chịu. Còn nếu như cô gái ấy bị thương
nặng, phải điều trị lâu dài trong bệnh viện, số tiền cô bỏ ra phải tính
bằng tấn. Vả lại, một khi đã gặp cảnh sát giao thông, chưa biết chừng cô còn bị treo bằng lái xe. Để có tấm bằng mới, cô phải tốn thêm ít nhất
hàng nghìn tệ… Thế nên, nếu đưa nhau đến gặp cảnh sát, chắc chắn là cô sẽ bị lõm nặng. Cô cứ tính cho kỹ. Còn nếu vẫn muốn đi gặp cảnh sát,
thì tùy…
Giọng điệu người hòa giải không mấy thân thiện, thậm
chí, còn có phần lưu manh, nhưng nghe có vẻ rất hợp lý. La Tinh Tinh
thấy xuôi tai, bèn nói:
– Tôi không mang theo nhiều tiền. Để tôi về nhà lấy.
Người hòa giải nói:
– Được. Để cậu kia đi cùng với cô.
Anh ta quay sang hỏi người thanh niên:
– Cậu đi một mình, hay muốn tôi đi cùng?
Người thanh niên đáp ngay:
– Phiền anh đi với em một chuyến. Em sẽ hậu tạ.
Hai người cùng lên xe của La Tinh Tinh. Nàng chở họ đến nơi ở của mình.
Nàng lấy ra hai nghìn tệ đưa cho người thanh niên bị xe đâm, rồi viết
một tờ giấy nợ một vạn ba nghìn tệ. Nội dung giấy ghi nợ do gã hòa giải
đọc từng chữ một để nàng viết: “Người gây nên sự cố là La Tinh Tinh lái
xe ô tô đâm bị thương Long Tiểu Vũ (hai người). Nay tự nguyện bồi thường số tiền là một vạn năm nghìn tệ chẵn. Đã đưa trước hai nghìn tệ. Số
tiền một vạn ba nghìn tệ còn nợ, hẹn trong ba ngày trả hết. Nếu không
trả, sẽ bị xử phạt gấp đôi.” La Tinh Tinh nhất thời quên mất chữ “gây”
trong “gây nên sự cố” viết là “ghây” hay “gêi”. Nàng hỏi gã hòa giải. Gã hòa giải cầm bút viết, vẫn không đúng. “Người bị xe đâm” bèn cầm bút,
viết vào sau mặt tờ giấy ghi nợ chữ “gây”. Nét viết thành thạo, ngay
ngắn, rất đẹp mắt.
Viết giấy ghi nợ xong, La Tinh Tinh đưa cho gã hòa giải bằng lái xe, chứng minh thư của nàng, coi như vật thế chấp. Gã hòa giải đưa chúng cho người thanh niên bị xe đâm.
Hai người đàn ông bỏ đi. Lúc này, La Tinh Tinh mới gọi điện thoại cho chánh văn phòng Vương, vừa khóc vừa kể về tình cảnh của mình. Nàng cầu cứu Vương. Thứ
nhất là tìm cách mang đến cho nàng một vạn ba nghìn tệ. Thứ hai, chuyện
này không được để cho bố nàng biết.
La Tinh Tinh không muốn để bố nàng biết, vì sợ khi ông biết nàng lái xe, sẽ nổi nóng, cấm tiệt nàng
lái xe. Thực ra, sau sự cố khiếp đảm này, kể cả bố nàng có đồng ý để
nàng lái xe chăng nữa, nàng cũng không dám lái. Về sau, thực sự là nàng
rất ít khi động đến xe pháo. Hàn Đinh sống chung với nàng hơn nửa năm,
nhưng cũng chưa bao giờ biết chuyện nàng trước đây từng lái xe.
Không để cho bố La Tinh Tinh biết vụ việc này thì dễ, nhưng với điều kiện như thế, để có được một vạn ba nghìn tệ trong vòng ba ngày, đối với Vương,
điều này quả thực rất khó. Số tiền này, nếu không lấy từ bố La Tinh
Tinh, thì biết lấy ở đâu? Vương và La Tinh Tinh bàn đi bàn lại mãi, cuối cùng đi đến quyết định: Vương sẽ phịa ra một chuyện giúp La Tinh Tinh,
đích thân ông ta gọi điện thoại cho La Bảo Xuân, bảo công ty người mẫu
nơi La Tinh Tinh làm việc cần may thêm trang phục cho các người mẫu.
Công ty yêu cầu mỗi người mẫu phải nộp một vạn ba nghìn tệ tiền đặt cọc. La Bảo Xuân quả nhiên mắc lừa, đồng ý để Vương lĩnh trước từ phòng tài
vụ của công ty một vạn ba nghìn tệ tiền mặt. Ngay buổi sáng hôm sau, số
tiền này được giao tận tay La Tinh Tinh. Có tiền trong tay, La Tinh Tinh thấy nhẹ nhõm hẳn. Nàng điềm nhiên đợi người bị nàng tông xe đến lấy
tiền, để giải quyết êm thấm vụ việc xúi quẩy này.
Thời hạn thanh
toán tiền bồi thường cho người thanh niên bị tông xe là ba ngày. La Tinh Tinh những tưởng bọn họ sẽ mò đến nhà nàng vào sớm ngày thứ ba. Nhưng
không ngờ, ngay trong buổi tối nhận được tiền, nàng đã chạm trán bọn họ.
Trái đất tròn, còn Bình Lĩnh lại quá chật hẹp. Tối hôm ấy, La Tinh Tinh đến
siêu thị lớn nhất Bình Lĩnh là siêu thị Gia Giai mua đồ uống. Lúc thanh
toán, nghe thấy tiếng cãi cọ ở quầy thu ngân bên cạnh. Nàng ngoảnh đầu
nhìn sang. Thì ra, một cô gái cầm một chai dầu gội đầu nhưng không trả
tiền, lúc đi ra cửa bị máy kiểm tra phát hiện. Mấy nhân viên bảo vệ của
siêu thị chạy đến, giữ cô gái lại và lớn tiếng nạt nộ. Nghe giọng cô gái không phải người bản địa. Cô ta khăng khăng rằng, mình vô tình quên trả tiền. Nhân viên bảo vệ đề nghị cô ta trả tiền, nhưng cô ta lại không có tiền. Lúc đầu, La Tinh Tinh chỉ cảm thấy hiếu kỳ, nhưng sau, thấy mặt
cô gái có vẻ quen. Cuối cùng, nàng nhìn thấy một thanh niên chạy từ
trong siêu thị ra, nói đỡ cho cô gái, rồi lục lọi từng túi áo quần trên
người, định trả tiền hộ cô ta. Lúc này, La Tinh Tinh mới nhận ra, họ
chính là đôi trai gái vừa bị nàng tông xe ngày hôm qua.
Người con trai tìm khắp người, cũng chỉ lấy ra được hai mươi mấy tệ. Trong khi,
chai dầu gội đầu giá ba mươi tám tệ. Không những thế, nhân viên bảo vệ
còn đòi phạt tiền, bằng gấp đôi giá bán của chai dầu gội đầu. Nếu không
có tiền sẽ tạm giữ người. Một là mang đến đồn công an xử lý như một tên
trộm. Hai là phải gọi người thân, bạn bè, hay lãnh đạo cơ quan đến nộp
tiền, thì họ mới thả người. Đúng lúc đám bảo vệ đang giằng co định đưa
đôi trai gái đi, thì La Tinh Tinh đứng ra can thiệp.
Nàng hỏi nhân viên bảo vệ:
– Xin lỗi, có chuyện gì vậy? Anh chị này là bạn tôi. Các anh phạt bao nhiêu tiền, tôi xin nộp hộ.
Nàng nộp tiền hộ hai người. Không chỉ nộp khoản tiền phạt gấp đôi, mà còn
mua luôn cả chai dầu gội đầu. Tất cả mất hơn một trăm tệ. Với La Tinh
Tinh, số tiền này chẳng có gì đáng kể.
Nhân viên bảo vệ buông
tay. Rồi liếc mắt nhìn La Tinh Tinh và hai “tên trộm” đi ra cửa siêu
thị. Ở cửa siêu thị, La Tinh Tinh ấn chai dầu gội đầu vào tay cô gái,
nói: – Tạm biệt.
Cô gái ngây người, rồi rất nhanh, đẩy trả lại chai dầu gội đầu: – Tôi không cần.
Cô gái mặt mũi thanh tú, nhưng trông có vẻ nhà quê, rõ là đến từ vùng sâu
vùng xa. Cô ta từ chối món quà của La Tinh Tinh vì ngượng. Nhưng động
tác và khẩu khí của cô ta rất bất lịch sự, làm La Tinh Tinh tự dưng thấy ngại. Nàng bối rối đưa lại chai dầu gội đầu cho người con trai: – Vậy
thì anh cầm lấy. Tôi không dùng dầu gội đầu của hãng này.
Người
con trai tỏ ra rất lịch sự. Anh ta đỏ mặt cầm chai dầu gội đầu, rồi nói
cảm ơn, cả những câu khách sáo khác nữa: – Coi như chúng tôi nợ cô. Sau
này, chúng tôi sẽ báo đáp.
La Tinh Tinh mỉm cười: – Tôi vẫn còn
đang nợ anh chị kia mà. Rồi tiếp: – Anh chị không sao chứ ạ? Tôi chỉ lo
anh chị bị thương. Anh chị không sao là tốt rồi.
Người con trai
không nói gì. Người con gái buột miệng: – À, không sao… Nhưng ngay lập tức, cô ta vội vàng cải chính: – Ấy, sao lại có chuyện không sao? Bệnh
viện bảo đầu tôi có thể bị chấn thương do ngã, cần phải kiểm tra toàn
diện. Đùi tôi cũng sưng vù cả lên đây này. Không tin, cô nhìn mà xem. –
Cô ta lấy tay vẽ minh họa lên chiếc quần đang mặc: – Đùi tôi vốn không
to như thế này đâu. Nếu kiểm tra mà phát hiện thấy xương cốt có vấn đề
gì, là chúng tôi sẽ lại tìm cô đấy.
Tâm trạng vốn đã nhẹ nhõm của La Tinh Tinh giờ lại nặng nề bởi câu nói của cô gái nhà quê. Nàng quay
mặt sang người con trai: – Tiền tôi đã chuẩn bị xong. Hôm nay muộn rồi.
Ngày mai, anh có thể đến nhà tôi lấy.
Người con trai tỏ ra biết
điều hơn cô gái nhiều. Anh ta nói năng rất lịch sự và khách sáo: – Thế
ạ? Cảm ơn cô nhé. Cảm ơn cô nhé!
Nói xong, anh ta kéo tay cô gái: – Mình đi thôi. Anh ta chào La Tinh Tinh, rồi lôi cô gái đi thật nhanh. Lúc đầu, cô gái đi rất nhanh, nhưng sau đấy, lại làm ra vẻ khập khiễng. La Tinh Tinh biết, cô ta cố tình làm thế để nàng thấy. Nàng nghĩ thầm,
dù thế nào đi nữa, vết thương của cô ta không nặng, thế là tốt rồi.
Ngày hôm sau, La Tinh Tinh không ra khỏi nhà. Vì nàng đã hẹn hôm nay giao
nốt tiền cho người thanh niên bị nàng tông xe. Nàng gọi cả Vương đến, vì sợ lỡ đối phương lại nêu ra yêu cầu gì, thì không biết phải xử trí làm
sao. Đúng chín giờ sáng, người thanh niên quả nhiên xuất hiện, bấm
chuông cửa. Vương ra mở cửa cho anh ta vào. Điều khiến La Tinh Tinh và
Vương ngạc nhiên là anh ta đến một mình, không mang theo cô gái và cả
người hòa giải. Dù là oan gia đối đầu, nhưng chẳng hiểu sao, La Tinh
Tinh lại thấy có vẻ thiện cảm với người con trai này. Anh ta không chỉ
đẹp trai, mà còn xử sự rất có học. La Tinh Tinh mời anh ta ngồi ở phòng
khách. Còn lấy cho anh ta một chai nước trà hoa quả để lạnh. Xong, nàng
đứng cạnh chiếc lò sưởi gắn chìm vào tường. Việc còn lại để Vương lo
liệu hộ.
Vương tuổi ngoài bốn mươi, nhiều trải nghiệm xã hội. Đối mặt với một chàng thanh niên mới lớn chừng hai mươi tuổi, Vương tỏ ra
rất điềm đạm, tự tin. Ông ta ngồi trên ghế sofa, đối diện với người
thanh niên, chậm rãi hỏi:
– Cậu đến lấy tiền phải không. Cậu tên gì?
Người thanh niên:
– Tôi tên là Long Tiểu Vũ.
– Cậu không phải người ở đây thì phải? Quê cậu ở đâu? Có việc làm ở Bình Lĩnh không?
Người thanh niên không đáp lời, mà nhìn vội La Tinh Tinh, rồi nói:
– Tôi muốn nói chuyện riêng với cô ấy, có được không ạ?
– Cậu muốn nói chuyện tiền nong chứ gì? Tôi là đại diện của cô ấy. Tôi sẽ nói chuyện với cậu.
– Tôi muốn nói chuyện với cô ấy trước. Nếu cần, sẽ nói với ông sau.
Vương còn định chặn lại, nhưng người thanh niên đã đưa ánh mắt chiếu thẳng vào La Tinh Tinh đang đứng cạnh lò sưởi, hỏi:
– Tôi muốn nói với cô dăm ba câu, có được không?
La Tinh Tinh bị bất ngờ, không biết trả lời sao. Vương cao giọng, lôi ánh mắt của người thanh niên trở lại phía mình:
– Có chuyện gì, cậu cứ nói với tôi. Nào, cậu nói đi!
Người thanh niên lại hướng ánh mắt về phía La Tinh Tinh:
– Tôi muốn nói chuyện riêng với cô, được không?
Ánh mắt ấy làm La Tinh Tinh do dự giây lát, rồi nàng gật đầu:
– Được ạ.
Vương cũng nhìn La Tinh Tinh:
– Thế là sao, cháu muốn nói chuyện với cậu ta trước à?
La Tinh Tinh:
– Vâng ạ.
Ánh mắt Vương dừng lại giây lát trên khuôn mặt người thanh niên. Ông ta
đứng dậy với vẻ bất an, rồi nói như để cổ vũ tinh thần La Tinh Tinh: Chú ở ngay phòng bên cạnh. Rồi ra khỏi phòng khách.
Trong phòng khách chỉ còn lại hai người. La Tinh Tinh vẫn đứng nguyên chỗ cũ, tựa vào chiếc lò sưởi. Nàng nói:
– Anh nói đi.
Người thanh niên:
– Tôi không muốn một vạn ba nghìn tệ ấy nữa.
Ngừng giây lát, anh ta nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của La Tinh Tinh, rồi nói thêm cho rõ ràng:
– Tôi không cần số tiền ấy nữa.
La Tinh Tinh hỏi:
– Vì sao?
– Tôi chỉ bị ngã nhẹ, không hề hấn gì. Tứ Bình cũng không bị thương. Hôm kia, cô đã đưa cho chúng tôi hai nghìn tệ. Thế là đủ.
La Tinh Tinh ngây người, hỏi lại:
– Liệu… có đủ không?
– Đủ.
Tâm trạng La Tinh Tinh khi ấy không rõ là vui sướng hay hoài nghi. Với
nàng, câu chuyện xảy ra có phần đột ngột. Lần này, nàng thật sự cảm thấy đã mắc một món nợ với họ. Nàng biết, họ là dân ngoại tỉnh, cuộc sống
khó khăn. Với họ, một vạn ba nghìn tệ là một số tiền lớn. Vậy mà họ
không nhận. Thời buổi bây giờ, lại có người tốt đến thế sao? La Tinh
Tinh không dám tin, hỏi lại:
– Vậy, việc này xử lý thế nào? Anh xem, anh có… cần thứ gì khác không?
Người con trai quả quyết:
– Không cần gì cả. Lần trước, cô đưa hai nghìn tệ, chúng tôi đã cảm ơn lắm rồi.
Người con trai lấy ra bằng lái xe, chứng minh thư của La Tinh Tinh, và cả tờ
giấy ghi nợ, đặt chúng lên bàn trà. Sau một hồi ngỡ ngàng, La Tinh Tinh
lại hỏi:
– Vậy, còn bạn gái của anh. Chị ấy, chị ấy thật sự không bị làm sao chứ? Đầu và chân chị ấy đều không việc gì sao?
Người con trai:
– Không sao cả. Cảm ơn cô đã quan tâm. Cô tốt bụng quá.
Cách hành xử của người con trai làm La Tinh Tinh xúc động. Nàng không biết nên nói gì vào lúc ấy, liền bảo:
– Vậy sau này, chúng ta làm bạn với nhau nhé. Lần trước, anh nói tên anh
là Long Tiểu Vũ, đúng không? Tôi là La Tinh Tinh, anh cũng đã biết rồi
đấy. Còn bạn gái anh tên là gì?
– Cô ấy tên là Chúc Tứ Bình.
– Nghe giọng chị ấy, hình như là người miền Nam?
– Cô ấy quê ở Thiệu Hưng, Chiết Giang. Chúng tôi là đồng hương.
– Nhưng hình như, giọng của anh khác với chị ấy.
– Tôi nói tiếng phổ thông khá, còn cô ấy thì không.
– Anh chị đến Bình Lĩnh để làm việc, hay đi chơi ạ?
– Chúng tôi đến làm thuê.
– Anh chị làm ở đâu? Có phải anh chị vừa chân ướt chân ráo đến đây không?
– Được độ một tháng. Tôi vẫn chưa tìm được việc. Tứ Bình làm việc trong
một đội xây dựng. Đội xây dựng của anh Hùng, người đi cùng tôi đến đây
lấy tiền hôm trước ấy. Anh ấy cũng là người Thiệu Hưng, làm cai thầu xây dựng ở Bình Lĩnh được mấy năm rồi. Anh ấy rất thông thạo ở đây, thường
kiếm được công trình. Tứ Bình làm việc chỗ anh ấy. Tôi muốn nghe ngóng
thời gian nữa. Nếu vẫn không tìm được việc, tôi cũng muốn làm việc cho
anh Hùng.
– Anh đã học chuyên ngành gì chưa? Anh muốn tìm công việc như thế nào?
– Tốt nghiệp cấp ba xong, tôi học ở Học viện kinh tế Thiệu Hưng, chuyên
ngành quản trị kinh doanh. Năm ngoái, bố tôi không may qua đời. Không có tiền ăn học, tôi đành bỏ học đi làm. Học hành dở dang như tôi, muốn tìm một công việc liên quan đến chuyên ngành mình học cũng khó. Ai người ta cần tôi.
– Nếu anh đã học ngành quản trị kinh doanh, để tôi hỏi
bố tôi xem. Bố tôi làm doanh nghiệp. Tôi sẽ hỏi xem chỗ ông có cần người không.
Nghe xong, chàng trai có vẻ không tin lắm, nhưng khuôn mặt vẫn nở nụ cười. Nụ cười bẽn lẽn, đầy cảm kích:
– Thật sao? Vậy thì nhờ cô hỏi giúp tôi với nhé. Tôi làm việc gì cũng được. Lao động chân tay cũng được. Tôi làm được mà.
Lần gặp ấy là sự khởi đầu cho quan hệ giữa La Tinh Tinh và Long Tiểu Vũ, và cũng là sự tiếp nối mối thiện cảm hai bên dành cho nhau. Sau khi Long
Tiểu Vũ ra về, La Tinh Tinh đã thầm nhủ, nhất định phải giúp anh tìm
được một công việc tốt. Vương rất đỗi sửng sốt khi thấy La Tinh Tinh
giải quyết vụ bồi thường êm thấm như thế. Vương bán tín bán nghi, bởi
qua lời kể của La Tinh Tinh, ông ta không tìm thấy bất kỳ lý do gì
thuyết phục, để đến nỗi cậu thanh niên nhà quê ấy từ bỏ món hời trời cho một cách bình thản đến thế. Vương có ý thăm dò, khuyên La Tinh Tinh trả lại số tiền một vạn ba nghìn tệ cho phòng tài vụ công ty, đề phòng bố
nàng sau này hỏi công ty mẫu về số tiền đặt cọc sẽ lộ tẩy mọi chuyện. Dù sao, sau này nàng cần tiêu tiền, vẫn có thể xin bố. La Tinh Tinh, về cơ bản, là một cô gái hiền lành, ngoan ngoãn. Tiền tiêu tuy nhiều, nhưng
chỉ dùng vào việc mua sắm váy áo, đồ mỹ phẩm, ăn nhà hàng, chứ không
hoang phí vào những việc khác. Bố nàng cũng luôn rộng rãi, phóng khoáng
với nàng.
La Tinh Tinh quả nhiên nghe lời Vương, trả lại tiền cho ông ta. Ngay hôm ấy, Vương trả lại tiền cho phòng tài vụ công ty, để
tránh sự việc do ông ta đích thân đạo diễn sau này bại lộ, gây phiền
phức. Ngày thứ ba, La Bảo Xuân từ Thượng Hải về đến Bình Lĩnh. Thấy
chuyện công ty và gia đình vẫn bình thường, không xảy ra chuyện gì. La
Bảo Xuân đã đi vài chuyến xuống phía nam, rất tin tưởng vào triển vọng
tiêu thụ của sản phẩm công ty. Sau khi về, ông triệu tập cuộc họp với
các giám đốc trong công ty và nhà máy, bàn bạc mở rộng quy mô sản xuất,
để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. La Bảo Xuân quyết định vay tiền
ngân hàng mở mang khu nhà xưởng, xây dựng phân xưởng và dây chuyền sản
xuất mới, đồng thời, tuyển thêm nhân viên có năng lực, cải tiến trình độ quản lý và công nghệ, đưa sản lượng thuốc nước Bảo Xuân tăng gấp vài
lần so với hiện nay, phấn đấu trở thành một trong những công ty dược
hàng đầu Trung Quốc.
Chính vào lúc La Bảo Xuân đang hừng hực khí
thế, chuẩn bị triển khai kế hoạch vĩ mô của mình, thì Vương – được La
Tinh Tinh nhờ cậy – dẫn Long Tiểu Vũ đến gặp. Nhà máy chế dược Bảo Xuân
đang cần người. Long Tiểu Vũ lại đã học qua ngành quản trị kinh doanh,
ngoại hình cao ráo, điển trai. Sau vài ba câu nói chuyện, La Bảo Xuân
thấy Long Tiểu Vũ là người thật thà. Không đầy nửa tiếng, La Bảo Xuân đã đồng ý tiếp nhận Long Tiểu Vũ vào làm việc ở công ty chế dược. Trước
mắt là làm thư ký văn phòng.
Với Long Tiểu Vũ, kết quả này vượt
ngoài mong đợi. Anh không ngờ, chỉ qua vài câu nói chuyện đơn giản, anh
đã có thể đặt chân vào một doanh nghiệp tư nhân khá tiếng tăm tại Bình
Lĩnh. Không những thế, còn được làm nhân viên văn phòng. Công ty chế
dược Bảo Xuân, kỳ thực, chỉ có một đơn vị chức năng là Văn phòng công
ty. Nhà máy chế dược giống như một ngôi tháp, còn Văn phòng công ty chỉ
là một chiếc chóp rất nhỏ trên đỉnh tháp. Chiếc chóp ấy tuy nhỏ, nhưng
lại là đầu não chỉ huy. Long Tiểu Vũ, một anh nhà quê, tuy có học một
chút về quản trị kinh doanh, nhưng lại không có kinh nghiệm, thậm chí,
đến ngay cả một tấm bằng chính quy cũng chẳng có. Vậy mà chỉ một bước đã leo lên được đỉnh chóp tháp – bộ phận tưởng chừng rất nhỏ, nhưng cực kỳ quan trọng của cả ngôi tháp. Liệu đây có phải là giấc mơ? Đương nhiên
rồi!
Đấy là giấc mơ do một cô gái mang đến cho anh. Một giấc mơ
đầy màu sắc và tiếng nhạc hành khúc. Giấc mơ ấy bắt đầu trong khúc nhạc
rộn rã, hùng tráng. Và, theo giấc mơ ấy, Long Tiểu Vũ nhanh chóng đi vào một chương mới của cuộc đời. Từ chỗ là một anh văn thư lương tháng tám
trăm tệ, chủ yếu làm việc vặt ở văn phòng, Long Tiểu Vũ nhanh chóng được lòng chánh văn phòng Vương, được các nhân viên khác trong văn phòng quý mến. Cuối cùng, đến ngay cả La Bảo Xuân, cũng để ý và thấy ưng cậu nhân viên mới đến. Ông ta bắt đầu giao cho anh xử lý một số công việc quan
trọng. Chẳng hạn, đưa những khách hàng quan trọng của công ty đi tham
quan, mua sắm; giúp La Bảo Xuân xử lý một số việc nhà, như mang thứ này
thứ kia cho La Tinh Tinh; khi La Bảo Xuân sửa nhà, Long Tiểu Vũ được ông ta tín nhiệm giao làm đốc công… Mọi công việc được giao, cho dù là
việc công hay việc tư, Long Tiểu Vũ đều hoàn thành rất xuất sắc, vừa
nhanh gọn, vừa chu toàn, chưa bao giờ để xảy ra bất kỳ sơ suất gì. Gặp
phải khó khăn, anh đều giải quyết ổn thỏa, không chê vào đâu được.
Có được thành tích tốt như vậy, phải chăng vì Long Tiểu Vũ rất có năng
lực? Kinh nghiệm xã hội đặc biệt phong phú? Đều không phải. Thực ra, so
với người khác, anh chẳng qua chỉ cần mẫn hơn một chút, khiêm tốn hơn
một chút, chịu khó hơn một chút, tự giác hơn một chút và để ý hơn một
chút mà thôi. Chẳng hạn, hàng ngày đi làm sớm hơn một chút, ra về muộn
hơn một chút. Những việc vặt chốn văn phòng như quét nhà, lau bàn, pha
nước, làm nhiều hơn một chút. Khi ai đó nhờ vả điều gì thì nhiệt tình
hơn một chút. Khi công ty phát tiền hay bất cứ một khoản phúc lợi nào
đều không hề so đo, dù chỉ một chút. Nhưng chính những cái “một chút”
ấy, nhiều thanh niên bây giờ khó mà làm được, thậm chí, có người không
thể làm được. Nhưng Long Tiểu Vũ làm được. Bởi vậy, anh có được chỗ đứng vững trong công ty.
Long Tiểu Vũ đứng vững được, cũng có thể vì
tính cách của anh. Anh kiệm lời nhưng không sống nép mình, lại khiêm
tốn, lễ độ, nhiệt tình với mọi người. Hình thức cũng rất được. Với tính
cách ấy, hình thức ấy, ai chẳng thích. Đánh giá của lịch sử với một
người thường nặng về công tội, đúng sai của người ấy. Nhưng đánh giá của hiện thực với một người lại thường nặng về cách đối nhân xử thế. Sự yêu hay ghét của cấp trên với cấp dưới thường phụ thuộc vào năng lực và
cống hiến của cấp dưới. Cách nhìn nhận về nhau của những người cùng cấp
thường phụ thuộc vào phẩm chất và tính cách của bạn đồng nghiệp. Long
Tiểu Vũ là một thanh niên mới vào nghề. Có thể, anh hiểu được rằng, lúc
chân ướt chân ráo không phải là lúc sốt sắng thể hiện khả năng và lập
công. Thứ giúp anh đứng vững được trong công ty, kỳ thực, là phẩm chất,
tính cách tốt đẹp mà anh đã gắng sức thể hiện.
Long Tiểu Vũ đứng
vững được, cũng có thể vì bản năng sinh tồn của anh. Từ trước đến giờ,
anh luôn sống phiêu bạt, không người thân thích. Chẳng lẽ, lại không
trân trọng một công việc như vậy? Công việc ấy không những có thể mang
lại một cuộc sống vật chất tạm ổn cho anh, mà còn hoàn toàn có thể trở
thành khởi điểm cho sự nghiệp của anh sau này.
Đây quả thực là
một giấc mơ. Hành khúc hùng tráng xen lẫn bản dạ khúc êm ái. Màu sáng
chói chang tựa mặt trời biến hóa thành sắc hoa hồng lãng mạn. Người
thanh niên bất ngờ gặp thời ấy chợt dần trở thành nhân vật chính trong
câu chuyện “Chàng trai lọ lem” thời hiện đại. Long Tiểu Vũ và La Tinh
Tinh đã yêu nhau vào lúc nào, bằng cách nào và với những trải nghiệm thế nào. Sau đấy, họ đã lại cùng nhau đi trên con đường tình ái mặn nồng ra sao. Và rồi, họ đã chia tay, gặp lại nhau như thế nào. Trước khi Hàn
Đinh được tìm hiểu sâu xa với tư cách là người bào chữa cho Long Tiểu
Vũ, những điều này gần như là bí mật!