Giống như thời gian để lại vết sơn đỏ loang lổ trên cổng lớn của đơn vị 701, thời gian cũng xâm thực cái thần bí, uy nghiêm và yên tĩnh của đơn vị 701. Tôi vẫn nghĩ vào đơn vị 701 là chuyện phức tạp lắm, nhưng người lính gác xem xong thẻ nhà báo và chứng minh thư của tôi, rồi bảo tôi đăng kí vào một cuốn sổ đã quăn mép, thế rồi cho tôi vào. Thật đơn giản, tôi vô cùng ngạc nhiên, tưởng rằng người lính gác xem thường nhiệm vụ. Nhưng đi sâu vào trong, tôi hết nghi ngờ khi trông thấy có những người bán rau và những người dân đi chơi, trông họ rất thoải mái như vào chỗ không người, lại giống như về một làng quê nào đó.
Tôi không thích đơn vị 701 như trong tin đồn, cũng không thích đơn vị 701 như hiện tại, điều này khiến tôi có cảm giác hẫng hụt ghê gớm. Về sau tôi hỏi thăm, nơi tôi đến là khu tập thể mới xây dựng, đấy là khu vực trong khu vực, giống như hang động trong hang động, không những không dễ phát hiện, mà có phát hiện được thì cũng đừng hòng vào nổi. Lính gác ở đấy giống như hồn ma, bất ngờ xuất hiện trước mặt khách, toàn thân lính gác như toả khí lạnh giống như người được làm bằng băng. Họ không cho anh đến gần, sợ đến gần nhiệt độ cơ thể anh làm tan chảy họ.
Tôi ở đơn vị 701 mười hôm, có thể hình dung, tôi gặp Vasili, tên thật của anh là Triệu Kì Vinh. Tôi cũng được gặp chị Cù Lợi, vợ Kim Trân, chị không còn trẻ nữa, vẫn làm công việc cũ. Người chị cao lớn, thời gian cũng làm chị nhỏ bớt, nhưng so với người bình thường vẫn cao lớn. Chị không có con, cũng không có bố mẹ, chị bảo Kim Trân là con, mà cũng là bố mẹ của chị. Chị nói với tôi, điều buồn nhất đối với chị hiện nay là không được về hưu sớm, là bởi tính chất công việc của chị. Chị nói, sau này về hưu chị sẽ đến viện điều dưỡng Linh Sơn sống với chồng, nhưng bây giờ chị chỉ có thể đến với chồng vào kì nghỉ hàng năm, mỗi năm chỉ có hai tháng. Không hiểu có phải do làm công tác bí mật lâu ngày, ấn tượng về chị còn lạnh lùng, trầm mặc ít nói hơn cả Kim Trân như người ta vẫn thường nói. Nói thẳng ra, dù là Vasili hay vợ Kim Trân không giúp gì cho tôi, họ giống như những người khác trong đơn vị 701, không muốn nhắc lại những chuyện buồn của Kim Trân. Trước đây, dù có nhắc lại cũng rất mâu thuẫn, tưởng chừng những chuyện buồn khiến họ mất hẳn kí ức, họ không muốn nói, cũng không có cách nào nói ra. Dùng cách nói không có cách nói ra để đạt mục đích không muốn nói, có thể đấy là phương thức hữu hiệu nhất, được lòng nhất.
Tôi đến thăm vợ Kim Trân vào buổi tối, vì không nói được gì nhiều nên tôi về nhà khách sớm. về đến nhà khách được một lúc, tôi đang ghi chép những điều nghe và thấy ở vợ Kim Trân, bỗng có một anh chừng ba mươi tuổi đến tìm, anh ta tự giới thiệu là cán bộ của phòng bảo vệ đơn vị 701, gọi là Lâm, kiểm tra tôi một lần nữa. Nói thật, cậu ta không hữu hảo với tôi, thậm chí còn kiểm tra hành lí và căn phòng tôi ở. Tôi biết, sau khi kiểm tra, cậu ta càng tin lời tôi nói, tôi muốn viết về tấm gương người anh hùng Dung Kim Trân của họ, cho nên tôi không quan tâm đến việc kiểm tra vô lí của anh ta. Vấn đề là như thế, nhưng anh không tin tôi, cứ vặn hỏi, làm khó đối với tôi, cuối cùng anh bảo thu mọi giấy tờ của tôi gồm thẻ nhà báo, chứng minh thư, giấy giới thiệu công tác và thẻ hội viên Hội nhà văn cùng cuốn sổ tay tôi đang ghi chép, bảo là để kiểm tra kĩ tôi một lần nữa. Tôi hỏi, bao giờ trả lại, anh ta bảo còn phải xem kết quả kiểm tra.
Cả đêm hôm ấy tôi không sao ngủ được.
Sáng hôm sau, vẫn là anh ta đến tìm tôi, nhưng thái độ khác hẳn, vừa thấy tôi anh tỏ ra khiêm tốn, không mạo muội như hôm qua, rồi rất khách khí trả lại giấy tờ và sổ tay cho tôi. Rõ ràng, anh rất thoả mãn với kết quả kiểm tra, tôi đồ là vậy. Nhưng thật bất ngờ, anh đưa đến cho tôi một tin tốt lành: ông Cục trưởng muốn gặp tôi.
Được sự hộ tống của anh, tôi đàng hoàng đi qua ba vọng gác, bước vào chốn thâm nghiêm.
Đi qua ba vọng gác, vọng gác thứ nhất là cảnh sát vũ trang có hai người, người gác bên hông đeo súng lục và dùi cui; vọng gác thứ hai của bộ đội, cũng hai người, trên người khoác tiểu liên bóng loáng, chung quanh tường chăng dây thép gai, ngay trước cổng vào là một lô cốt tròn xoay xây bằng đá, bên trong có máy điện thoại, hình như còn có một khẩu súng máy; vọng gác thứ ba người gác mặc thường phục, chỉ có một người, anh ta đi đi lại lại, tay không vũ khí, chỉ cầm bộ đàm.
Thật ra, cho đến nay tôi vẫn chưa biết đơn vị 701 là thế nào, thuộc quân đội hay công an, hoặc của địa phương? Theo tôi quan sát, những người làm việc ở đây phần lớn mặc thường phục, một số ít mặc quân phục, xe cộ đậu trong sân có biển số địa phương, có biển số quân đội, biển số quân đội ít hơn xe biển số địa phương. Tôi hỏi thăm, mọi người cùng trả lời giống nhau, đầu tiên họ nhắc nhở tôi không nên hỏi, sau đây nói không biết, chỉ biết đây là một đơn vị cơ mật của nhà nước, dù là quân đội hay địa phương cũng đều là của nhà nước.
Tất nhiên đều là nhà nước, nói như thế còn có gì để hỏi nữa? Không nói hay nói đều như không, dù sao thì cũng là một cơ quan trọng yếu của nhà nước. Mỗi quốc gia đều có một cơ quan trọng yếu như thế, giống như mỗi gia đình đều có những biện pháp an toàn nhất định. Đấy là sự cần thiết. Không có gì kì lạ. Không có những cơ cấu như thế mói là lạ.
Sau khi qua vọng gác thứ ba, trước mặt chúng tôi là hai con đường nhỏ âm u thẳng tắp, cây trồng hai bên đường cao to, cành lá um tùm, chim chóc nhảy nhót trên cành, ríu ra ríu rít, có rất nhiều tổ chim, cảm giác như đi vào nơi hoang vắng, tưởng chừng đi nữa cũng khó trông thấy bóng người.
Nhưng rất nhanh chóng, tôi thấy trước mặt là một toà nhà sáu tầng, rất đẹp, tường ngoài ốp gạch men màu nâu, trông rất trang nghiêm, vững chắc, phía trước là khoảng đất trống rộng chừng nửa sân bóng đá, hai bên là hai thảm cỏ chạy dài, ở giữa là một bồn hoa hình vuông, trồng rất nhiều hoa, giữa những khóm hoa là bức tượng đá, tạo hình giống như tượng “Nhà tư tưởng” của Rodin[4]. Lúc đầu tôi nghĩ đây là tượng “Nhà tư tưởng” được phục chế, nhưng đến gần thì thấy tượng có đeo kính, dưới chân tượng khắc chữ, nét khắc mạnh mẽ, mới nghĩ là không phải.
Nhìn kỹ lại, tôi giật mình, thấy khuôn mặt bức tượng quen quen, nhưng không nghĩ ra đấy là ai, hỏi Lâm đi bên cạnh, mới biết đấy là tượng.
Dung Kim Trân.
Tôi đứng ngắm bức tượng hồi lâu. Dưới nắng, bức tượng Kim Trân một tay nâng cằm, nhìn thẳng vào tôi, cặp mắt rất có thần, giống mà cũng không giống với Kim Trân trong viện điều dưỡng, giống người thời tráng niên và đã về già.
Tạm biệt Kim Trân, không như tôi tưởng, Lâm không đưa tôi vào bên trong toà nhà, mà đi vòng ra phía sau, vào toà nhà hai tầng nhỏ hơn, tường ốp gạch men xanh có mạch vữa trắng, cụ thể là vào phòng tiếp khách rộng rãi ngay dưới tầng một. Lâm mời tôi ngồi rồi đi ra, lát sau, tôi nghe thấy ngoài hành lang có những âm thanh thật vang, sau đấy một ông già chống gậy tập tễnh bước vào, thấy tôi liền hồ hởi chào:
“Chào, chào đồng chí nhà báo, nào, chúng ta bắt tay…”
Tôi vội đi tới bắt tay ông, mời ông ngồi xuống sofa.
Ông vừa ngồi xuống, vừa nói: “Lẽ ra tôi phải đến gặp anh, vì tôi chủ động muốn gặp, nhưng anh thấy đấy, tôi đi lại không tiện một chút nào, đành phải mời anh vào đây.”
Tôi nói: “Nếu tôi không nhầm, hồi xưa ông đến Đại học N đón Kim Trân, ông họ Trịnh.”
Ông cười hà hà, cầm cái gậy chỉ vào chân mình: “Nó bảo với anh phải không? Các anh là nhà báo thì không thế. Ôi, đúng, đúng, chính tôi, xin hỏi anh là ai nhi?”
Tôi nghĩ, bốn thứ giấy tờ của tôi ông đã rõ, hà tất phải hỏi.
Nhưng để tôn trọng ông, tôi giới thiệu ngắn gọn về mình.
Nghe xong tôi giới thiệu, ông phẩy phẩy tập giấy photocopy cầm trên tay, hỏi: “Những tư liêu này anh lấy ở đâu?”
Tập tài liêu trong tay ông rõ ràng là bản photocopy sổ tay của tôi.
Tôi nói: “Chưa được tôi đồng ý, tại sao ông lại photocopy sổ tay của tôi?”
Ông nói: “Anh đừng lấy đấy làm lạ, chúng tôi buộc phải làm thế này là bởi chúng tôi có năm người cùng chịu trách nhiệm về những gì anh ghi chép, nếu mỗi người chuyền tay nhau xem, sợ mất dăm ba ngày không thể trả lại sổ tay của anh. Bây giờ thì được rồi, năm người chúng tôi đã xem, cho nên sổ tay vẫn là của anh, nếu không nó sẽ là của tôi.”
Ông cười, lại nói: “Điều tôi cần hỏi là, từ tối hôm qua giờ tôi vẫn nghĩ, tại sao anh lại biết những chuyện này, xin hỏi đồng chí nhà báo, đồng chí có thể nói với tôi được không?”
Tôi nói tóm tắt với ông những gì tôi được nghe và thấy ở viện điều dưỡng Linh Sơn.
Ông như hiểu ra, cười nói: “Thế này nhé, anh cũng là con em của hệ thống chúng tôi.”
Tôi nói: “Không, cha tôi làm thiết kế công trình.”
Ông nói: “Tại sao không, cha anh là ai nhỉ? Chưa biết chừng tôi cũng quen.”
Tôi nói với ông, rồi hỏi: “Ông có quen không?”
Ông nói: “Không quen.”
Tôi nói: “Vậy đấy, không thể, cha tôi không thuộc hệ thống của ông.”
Ông nói: “Những người được vào viện điều dưỡng Linh Sơn đều là thuộc hệ thống công tác của chúng tôi.”
Đấy là một tin quan trọng đối với tôi, cha tôi sắp chết, rõ ràng tôi chưa biết cha tôi là ai. Khỏi phải nói, nếu không phải là ngẫu nhiên, tôi sẽ không bao giờ biết được sự thật về cha tôi, giống như thầy Dung đến nay vẫn không biết Kim Trân là ai. Bây giờ tôi đủ lí do để tin rằng, cha tôi tại sao hồi ấy không dành đủ yêu thương cho tôi và mẹ, nhưng vấn đề không ở đấy, vấn đề là cha tôi dù phải chịu đựng oan ức nhưng vẫn không giải thích. Như thế gọi là gì? Là tín ngưỡng hay là cổ hủ? Là đáng kính hay là đáng buồn? Bỗng tôi cảm thấy khó hiểu, mãi đến sáu tháng sau, thầy Dung nói với tôi về nhận thức của mình đối với chuyện này, tôi mới hiểu, đồng thời tin rằng đây là chuyện rất đáng kính trọng hơn là buồn.
Thầy Dung nói, vì một chuyện bí mật mà phải giấu người thân mấy chục năm hoặc cả đời là không công bằng, nhưng nếu không như thế đất nước chúng ta có thể không tồn tại, ít nhất có nguy cơ không tồn tại, không công bằng đành phải không công bằng.
Thầy Dung đã làm tôi yêu quý cha tôi.
Trở lại câu chuyện. Đánh giá đầu tiên của ông Cục trưởng đối với sổ tay của tôi là, không lộ bí mật, tất nhiên tôi vui mừng như trút được gánh nặng, nếu không sổ tay của tôi không còn là của tôi nữa. Lời đánh giá tiếp theo của ông đã đưa tôi vào lãnh cung, ông nói:
“Tôi nghĩ rằng, những tư liệu anh lấy được đều nghe hơi nồi chõ, cho nên có nhiều chuyện đáng tiếc.”
“Thưa Cục trưởng, lẽ nào những gì tôi ghi đều không thật?” Tôi vội hỏi.
“Không!” Ông lắc đầu: “Đều thật cả… nhưng, biết nói thế nào nhỉ, tôi cho rằng, anh hiểu Kim Trân quá ít, đúng, quá ít.”
Nói đến đây ông châm thuốc, rít một hơi, suy nghĩ, rồi ngước lên, rất nghiêm túc nói với tôi: “Đọc những ghi chép trong sổ tay của anh, tuy vụn vặt, thậm chí phần nhiều là những chuyện nghe kể lại, nhưng làm tôi nhớ những chuyện cũ. Tôi rất hiểu Kim Trân, ít nhất là người hiểu cậu ta nhất. Anh có muốn nghe tôi nói những chuyện của cậu ta không?”
Trời đất ơi, thật may mắn, không cầu mà được!
Vậy là, mấy nghìn chữ ngẫu nhiên trong chốc lát nẩy mầm lớn mạnh. Trong thời gian tôi ở đơn vị 701 được gặp ông Cục trưởng vài lần, được hiểu sâu về lịch sử của Kim Trân, “Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh” bắt đầu từ đây. Tất nhiên ý nghĩa của chúng không phải chỉ có thế, ở một ý nghĩa nhất định, trước khi quen biết ông Cục trưởng, đối với tôi những chuyện về Kim Trân chỉ là truyền thuyết không đầu không cuối, bây giờ những chuyện ấy đã trở thành một đoạn lịch sử không còn gì nghi ngờ, mà ông Cục trưởng là người thúc đẩy chúng đổi thay và liên kết chúng lại với nhau. Ông không ngần ngại nhớ lại và kể với tôi những gì về Kim Trân, hơn nữa còn cho tôi một danh sách dài những người chí tình đối với Kim Trân trong một thời điểm nào đó, chỉ một số ít đã qua đời.
Điều đáng tiếc nhất đối với tôi là, trước khi rời khỏi đơn vị 701, tôi cứ luôn mồm Cục trưởng, Cục trưởng nhưng lại quên hỏi tên ông, thậm chí cho đến lúc này tôi vẫn chưa biết tên ông. Là quan chức của một cơ quan bí mật, tên là cái vô dụng nhất, thông thường tên bị che lấp bởi mã hiệu và chức vụ, thêm vào đấy là quá trình vinh quang của ông khiến ông bị thọt chân nên cái tên đã bị che khuất. Che khuất nhưng không phải không có, chẳng qua chỉ vùi xuống dưới. Tôi tin, nếu hỏi, ông sẽ nói với tôi, chẳng qua vì tôi rối trí, quên hỏi. Đến lúc này cái tên gọi của ông bỗng loạn cả lên, Tập Tễnh, Trịnh Thọt, Trưởng phòng Trịnh, Cục trưởng chống gậy, Cục trưởng Trịnh, Thủ trưởng… Ở Trường Đại học N vẫn gọi ông là ông Thọt, ông trưởng phòng Trịnh, ông tự gọi mình là Cục trưởng Chống gậy, tôi thường gọi ông là Thủ trưởng hoặc Cục trưởng Trịnh.