Càng đi xa về hướng tây, người ta càng phản ứng nhanh hơn trước tấm thẻ FBI. Cái của Clarice chỉ có được cái nhướng mày chán chường của một nhân viên ở Washington. Tại Belvedere, Ohio, ông chủ công ty bảo hiểm Franklin đích thân tiếp cô. Chính ông thế chỗ của Stacy tại quầy tiếp tân và trả lời điên thoại và đề nghị Clarice vào ngồi trong cái ngăn được ông ta dùng làm phòng làm việc.
Stacy Hubka có khuôn mặt tròn được phủ một lớp lông tơ thật mịn, cao một thước sáu mươi với giày cao gót. Thỉnh thoảng cô ta kéo mấy lọn tóc bóng mượt với một cử chỉ kiểu cách và ngắm Clarice từ đầu đến chân khi cô không nhìn mình.
– Stacy… tôi có thể gọi cô là Stacy chứ?
– Dĩ nhiên rồi.
– Tôi muốn nghe cô nói tại sao một chuyện như thế có thể xảy ra với Fredrica Bimmel và làm sao tên đó có thể chú ý đến cô ta?
– Chuyện này hoàn toàn điên rồ. Để bị lột da như thế, quả là một cuộc dạo chơi không hay lắm, có phải không? Cô có thấy cô ta không? Hình như cô ta như miếng giẻ thì phải, giống như thể người ta…
– Này Stacy, có khi nào Fredrica nói với cô về một người nào đó ở Chicago hay Calumet City không?
Calumet City. Đôi mắt của Clarice cứ liếc nhìn cái đồng hồ, ở trên đầu của Stacy Hubka. Nếu Đội Chống khủng bố đến nơi trong bốn mươi phút thì họ sẽ đáp xuống phi trường trong mười phút nữa. Không biết cái địa chỉ của họ có chính xác không. Mày nên lo chuyện mày đang làm đi!
– Chicago à? Không, chúng tôi chỉ đi có một lần đến Chicago vào dịp Lễ Tạ ơn.
– Vào lúc nào?
– Lúc chúng tôi học lớp tám, như vậy là… cách đây chín năm. Ban nhạc chỉ đi đến đó và về ngay bằng xe ca.
– Cô đã nghĩ gì khi Fredrica bị mất tích hồi mùa xuân vừa rồi?
– Tôi chưa hay tin.
– Thế cô đang ở đâu khi hay tin đó? Và cô đã nghĩ gì?
– Buổi tối đó, Skip và tôi đi xem phim, sau đó đến tiệm Toad để uống rượu, đến lúc đó Pam Malavesi và những người khác, đến cho biết Fredrica đã mất tích. Skip có nói: chính Houdin cũng không thể nào làm cho Fredrica biến mất được. Và sau đó anh ta mới cắt nghĩa cho mọi người biết Houdin là ai và đang bô bô phô trương những hiểu biết của anh ta. Tôi nghĩ chắc cô ta đã chán ở nhà với người cha. Cô có thấy nhà của cô ta không? Quá chán có phải không? Ý tôi muốn nói là dù bây giờ cô ta có ở đâu đi nữa, tôi biết cô ta cũng sẽ bực mình vì cô đã thấy ngôi nhà rồi. Nó làm cho cô muốn cút ra khỏi đó, đúng không?
– Cô không bao giờ nghĩ rằng cô ta có thể bỏ trốn với một người nào đó à, cho dù việc đó có sai đi nữa?
– Skip nói đùa là chắc cô ta đã tìm được một người thích thịt dồi. Nhưng không, cô ta không hề quen biết ai như thế. Ý chị muốn nói. là vì chuyện đó à? Vì cái trò trẻ con của thời học sinh đó à? – Stacy đỏ mặt. – Không đâu, tụi tôi đâu có ác ý với cô ta. Cô ta không… mọi người đều rất tốt với cô ta khi anh chàng đó chết.
– Cô có làm việc chung với Fredrica không?
– Vào mùa hè, cô ta và tôi cùng Pam Malavesi và Jaronda Askew, chúng tôi làm việc tại Trung tâm thương mại khi còn học ở trường. Sau đó tôi và Pam đến tiệm Richard để xem người ta có mướn chúng tôi không, đó là tiệm bán quần áo thời trang và họ đã nhận tôi, sau đó đến Pam. Pam có nói với Fredrica là họ cần thêm một cô gái nữa, và thế là cô ta đến trình diện nhưng bà quản lý Bourdine có bảo “Cô hiểu cho Fredrica, chúng tôi cần một cô bán hàng mà các người khách có thể đồng hóa với chính mình, họ bước vào và nói tôi muốn mua một cái gì đó giống như thứ cô đang mặc đây và cô sẽ chỉ dẫn cho họ thấy hiệu quả của quần áo trên người họ. Nhưng nếu cô muốn có việc này và giảm bớt cân, cô hãy đến gặp tôi. Ngay lúc này đây, nếu cô biết chỉnh sửa quần áo, tôi có thể nhận cô vào làm thử. Tôi sẽ trình lại cho bà Lippman. – Bà Bourdine nói nhỏ nhẹ nhưng thật rạ mụ ta rất độc ác, mà – lúc đầu tôi không biết.
– Như thế Fredrica chỉnh sửa quần áo cho Richard, tiệm mà cô đã làm việc phải không?
– Khi nghe nói như thế, cô ta buồn lắm, nhưng vẫn chấp nhận. Bà Lippman vẫn làm công việc chỉnh sửa, bà là chủ và công việc thì nhiều hơn sức bà có thể làm, và như thế Fredrica làm cho bà. Bà Lippman may quần áo cho rất nhiều người, bà tạo mẫu váy nữa. Khi đến tuổi về hưu, cô con gái của bà ta không muốn bà tiếp tục công việc đó và chính Fredrica tiếp nhận hết các khách hàng. Cô ta chỉ làm công việc đó thôi và cô ta vẫn tiếp tục gặp tôi và Pam nữa. Chúng tôi đến nhà Pam ăn trưa, xem tivi, và chị thử nghĩ xem, cô ta mang theo việc để làm, không biết ngừng tay là gì.
– Thế cô ta có dịp làm tại cửa hàng để đo cho khách phải không? Cô ta gặp rất nhiều khách hàng, kể cả những người mua sỉ?
– Có vài lần, nhưng không thường xuyên. Không phải ngày nào tôi cũng làm hết.
– Còn bà Bourdine, bà ta làm mỗi ngày, bà ta có biết gì không?
– Có thể lắm.
– Fredrica không bao giờ nói với cô là cô ta làm việc cho một cửa hàng ở Chicago hay Calumet City tên là “Ông Da”, làm công việc lót các quần áo da chẳng hạn?
– Tôi không biết nữa, chính bà Lippman nhận các đơn đặt hàng.
– Cô chưa bao giờ thấy quần áo với nhãn hiệu đó à? Tại tiệm Richard hoặc ở một nơi khác?
– Không.
– Cô biết địa chỉ của bà Lippman không? Tôi muốn nói chuyện với bà ta.
– Bà ta chết rồi. Bà ta lui về ẩn cư tại Florida và chết tại đó, chính Fredrica cho tôi biết. Tôi không quen biết bà ta. Skip và tôi chỉ đến đón cô bạn của chúng tôi thôi khi cô ta có quá nhiều quần áo phải mang về. Cô có thể hỏi gia đình của bà ta. Tôi ghi địa chỉ cho cô đây.
Chết thật! Tất cả những gì Clarice muốn là các tin tức về Calumet City. Bốn mươi phút đó đã trôi qua. Đội chống khủng bố đã đến nơi. Cô đổi qua chỗ khác để không nhìn thấy cái đồng hồ và tiếp tục.
– Này Stacy, khi Fredrica mua quần chạy bộ hay áo len đan dài tay, cô ta lựa hiệu Juno ở đâu vậy?
– Cô ta may lấy tất cả quần áo của mình. Còn về áo len đan dài tay, tôi nghĩ cô ta mua tại cửa hàng Richard khi đến thời điểm người ta thích mặc loại áo thật rộng, xuống đến giữa đùi. Người ta có thể tìm mua ở bất cứ đâu. Vì cô ta may cho tiệm Richard nên được bớt tiền.
– Cô ta không bao giờ mua quần áo tại các cửa hàng dành cho phụ nữ to con sao?
– Chúng tôi đi đủ mọi loại cửa hàng để xem, cô biết tại sao mà. Cô ta đến những nơi đó để tìm ý tưởng mới, những kiểu thích hợp cho người to con.
– Và trong các tiệm đó, không có tên nào đến chọc ghẹo các người à? Fredrica không bao giờ có cảm tưởng rằng có một ai đó chăm chú theo dõi cô ta hay sao?
Stacy ngước mắt lên trần rồi lắc đầu phủ nhận.
– Không. Một hôm Skip và tôi có thấy trong một quán bar tại Colombus.
– Fredrica có đi chung với các người không?
– Dĩ nhiên là không. Chúng tôi đến đó… trong một dịp cuối tuần.
– Cô có thể ghi cho tôi tất cả địa chỉ của các cửa hàng dành cho người to con mà cô đi cùng Fredrica được không? Cô có thể nào nhớ hết không?
– Chỉ ở đây thôi hay luôn cả ở Colombus nữa?
– Ở đây và Colombus. Và luôn cả địa chỉ tiệm Richard nữa, tôi muốn nói chuyện với bà Bourdine.
– Tốt thôi. Thế làm một nhân viên FBI có thích không?
– Theo cá nhân tôi, thì rất thích.
– Chắc cô đi nhiều nơi lắm đúng không? Ý tôi muốn nói là những nơi hấp dẫn hơn ở đây?
– Có đôi khi.
– Chắc ngày nào cô cũng phải ăn mặc chỉnh tề, đúng không?
– Ừ, phải vậy. Phải ra vẻ đứng đắn mới được.
– Làm thế nào để trở thành nhân viên FBI?
– Trước hết là phải tốt nghiệp đại học, Stacy à.
– Chắc phải tốn tiền nhiều lắm.
– Đúng vậy. Nhưng người ta cũng có thể cố gắng đạt được một học bổng. Cô có muốn tôi gửi các tài liệu cho cô không?
– Có đấy. Tôi đang nghĩ đến việc này: Fredrica rất sung sướng khi tôi có được công việc này. Cô ta mừng đến phát điên lên được, cô ta không hề có được một công việc làm văn phòng, cô ta nghĩ đó là một cái gì ghê gớm lắm. Những tập hồ sơ này và Barry Manilow trên loa suốt cả ngày, cô ta cho đó là phi phàm. Không biết cô ta nhận thức được nó ra sao, con khờ đó! – Mắt của Stacy ửng lệ. Cô mở mắt thật to và ngước đầu ra sau để trang điểm lại.
– Còn danh sách của tôi?
– Tôi phải vào bàn làm việc của tôi mới được chứ. Tôi cần đến máy đánh chữ và cuốn niên giám điện thoại. – Cô bước ra ngoài, đầu vẫn ngửa lên, mắt nhìn lên trần nhà.
Khi Stacy vừa bước ra ngoài, Clarice liền chụp điện thoại, gọi Washington để hỏi tin tức.