Nạn Nhân Thứ Tư

Chương 6



Catherine đi rất nhanh trong phòng cấp cứu, mặt tái xanh, căng thẳng. Mái tóc đỏ như đồng của cô xõa rối trên vai. Cô nhìn Moore khi anh bước vào phòng.

– Tôi nói đúng không? – Cô hỏi.

Anh gật đầu.

– Posey 5 là tên của mạng Internet. Chúng tôi đã kiểm tra máy tính của cô ấy. Giờ hãy cho tôi biết tại sao cô biết chuyện này?

Cô nhìn quanh phòng cấp cứu nói.

– Hãy đến phòng họp nào đó!

Căn phòng cô đưa anh đến như một cái hang nhỏ tối tăm, không có cửa sổ, chỉ có một chiếc giường, một cái ghế và một cái bàn có ngăn. Với một bác sỹ mệt mỏi và chỉ muốn chợp mắt thì căn phòng đã đầy đủ và dễ chịu rồi. Moore nhận thấy không gian đó nhỏ hẹp mức nào. Anh tự hỏi sự gần gũi bắt buộc đó có khiến cô cảm thấy bất tiện như anh không. Họ đều nhìn quanh, tìm một chỗ ngồi xuống. Cuối cùng, cô ngồi trên giường, còn anh ngồi trên ghế.

– Tôi thực sự chưa từng gặp Elena – Catherine nói – Tôi còn không biết tên cô ấy. Chúng tôi chỉ cùng một phòng chat trên mạng. Anh biết phòng chat là gì chứ?

– Đó là cách nói chuyện trực tiếp trên máy tính.

– Đúng vậy! Một nhóm người lên mạng cùng lúc để có thể gặp gỡ trên đó. Đây là phòng nói chuyện riêng tư, chỉ dành cho phụ nữ. Anh phải biết từ khóa chính xác để vào được đó. Tất cả những gì anh thấy trên máy tính là những cái tên ảo. Không có tên hay mặt thật, vì vậy chúng tôi đều vô danh. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy an toàn và có thể chia sẻ những bí mật – Cô dừng lại – Anh chưa bao giờ dùng phòng chat sao?

– Tôi e là tôi không có hứng thú nói chuyện với những người lạ mà không biết mặt.

– Đôi khi – Cô khẽ nói – Một người lạ không rõ mặt là người duy nhất anh có thể nói chuyện.

Anh nhận thấy nỗi đau đớn trong câu nói đó và không nghĩ ra điều gì để nói.

Một lúc sau, cô hít sâu, không nhìn anh mà nhìn hai bàn tay mình đan vào nhau, đặt trên đùi.

– Chúng tôi gặp gỡ một lần một tuần, vào đêm thứ tư, lúc chín giờ tối. Tôi vào mạng, nhấp biểu tượng phòng chat rồi đánh các chữ cái viết tắt là PTSD, sau đó là phụ nữ giúp nhau. Và tôi vào được. Tôi nói chuyện với các phụ nữ khác bằng cách gõ lời thoại, rồi gửi qua mạng. Lời nói của chúng tôi hiện trên màn hình, chúng tôi có thể thấy nó ở trên đó.

– PTSD là gì? Tôi nghĩ nó là viết tắt của…

– Rối loạn thần kinh sau chấn thương. Đó là một thuật ngữ y khoa khá hay dùng để miêu tả những gì phụ nữ ở đó đang mắc phải.

– Chúng ta đang nói về những chấn thương gì vậy?

Cô ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt anh.

– Bị cưỡng bức.

Từ đó lơ lửng giữa họ một lúc. m thanh của nó làm xao động không khí. Đó là hai âm độc ác, nó tác động như một cú đấm thực sự.

– Và cô tham gia vì Andrew Capra – Anh nói khẽ – Vì chuyện hắn gây ra cho cô.

Cô hấp háy mắt, nhìn xuống.

– Đúng vậy – Cô thì thầm. Cô lại nhìn hai bàn tay của mình. Moore nhìn cô. Anh cảm thấy phẫn nộ vì những chuyện đã xảy ra với Catherine và vì những gì tên Capra đã cướp mất từ tâm hồn cô. Anh tự hỏi cô là người thế nào trước khi bị tấn công. Ấm áp và cởi mở hơn chăng? Hay cô vẫn luôn trốn tránh tiếp xúc với người khác? Liệu cô có như một bông hoa bị bọc trong sương giá?

Cô ưỡn thẳng người lên, cố nhìn về phía trước.

– Đó chính là nơi tôi đã gặp Elena Ortiz. Tôi không biết tên thật của cô ấy, tất nhiên rồi! Tôi chỉ thấy biệt hiệu của cô ấy là Posey 5.

– Có bao nhiêu phụ nữ trong phòng chat đó?

– Tùy theo tuần. Vài người trong số đó bỏ cuộc. Rồi vài cái tên mới xuất hiện. Vào bất cứ đêm nào, ở bất cứ đâu, chúng tôi có thể có từ ba đến hơn mười người.

– Sao cô biết nó?

– Từ một tờ rơi dành cho nạn nhân bị cưỡng bức. Nó được phát cho các phòng khám và bệnh viện nữ khắp thành phố.

– Vậy những phụ nữ trong phòng chat này đều sống ở Boston?

– Đúng vậy!

– Và Posey 5 là một vị khách thường xuyên chứ?

– Cô ấy đã có ở đó, lúc có lúc không trong vòng hơn hai tháng. Cô ấy không nói nhiều nhưng tôi thấy tên cô ấy trên màn hình và tôi biết cô ấy có ở đó.

– Cô ấy có nói về vụ cưỡng bức của mình không?

– Không. Cô ấy chỉ lắng nghe. Chúng tôi gõ chữ chào cô ấy. Nhưng cô ấy không nói về bản thân, như thể cô ấy sợ làm vậy. Hoặc cô ấy quá xấu hổ nên không nói gì.

– Vậy cô không chắc là cô ấy có bị cưỡng bức hay không?

– Tôi biết cô ấy đã bị.

– Sao cô biết?

– Vì Elena Ortiz đã được điều trị trong phòng cấp cứu này.

Anh nhìn cô chằm chằm.

– Cô thấy hồ sơ của cô ấy chứ?

Cô gật đầu.

– Tôi chợt nhớ ra là có thể cô ấy đã được chăm sóc sức khỏe sau lần tấn công. Đây là bệnh viện gần chỗ ở của cô ấy nhất. Tôi đã kiểm tra máy tính bệnh viện. Nó có tên của từng bệnh nhân đã được chăm sóc trong phòng cấp cứu này. Tên cô ấy có trên đó – Cô đứng lên – Tôi sẽ cho anh xem những ghi chép về cô ấy.

Anh đi theo cô ra khỏi phòng nghỉ, trở lại phòng cấp cứu. Hôm đó là tối thứ sáu, những người bị thương đang được đưa vào cửa. Nạn nhân trong tình trạng say túy lúy, lóng ngóng giữ chặt túi khí, áp vào khuôn mặt đã bị dập nát. Đây là một tay đua còn trẻ đã thua cuộc vì đèn vàng. Vào đêm thứ sáu nào cảnh sát cũng phải làm việc vất vả và chứng kiến máu đổ. Trung tâm y tế Hành Hương là một trong các trung tâm cấp cứu đông bệnh nhân nhất ở Boston. Moore có cảm giác anh đang đi vào trung tâm một cuộc hỗn loạn khi anh đâm sầm vào mấy cô y tá và xe đẩy hay dẫm lên một vũng máu.

Catherine dẫn anh đến phòng lưu trữ hồ sơ của phòng cấp cứu. Nó rộng bằng một nhà vệ sinh, bốn bức tường xung quanh là các giá chứa tập hồ sơ được đóng gáy cẩn thận.

– Đây là nơi họ lưu trữ tạm thời các ca họ đã xử lý – Catherine nói. Cô lấy ra một tập có chữ: ngày mùng 7 đến ngày 14 tháng 5 – Mỗi khi có bệnh nhân được đưa đến phòng cấp cứu, chúng tôi đều ghi lại vào một tờ đơn. Nó thường dài cả một trang, có ghi chú của bác sỹ và hướng dẫn điều trị.

– Không có hồ sơ bệnh án cho mỗi bệnh nhân sao?

– Nếu bệnh nhân chỉ đến một lần thì sẽ không cần đến hồ sơ bệnh án của bệnh viện. Ghi chép duy nhất chỉ là một tờ giấy ghi chú. Những tờ giấy này cuối cùng sẽ được chuyển tới phòng ghi chép của bệnh viện. Ở đó chúng tôi sẽ quét và lưu lại trên ổ đĩa – Cô mở tập hồ sơ của ngày mùng 7 đến ngày 14 tháng 5 – Đây rồi!

Anh đứng bên cạnh, nhìn qua vai cô. Mùi thơm trên tóc cô lập tức khiến anh phân tâm. Anh phải cố tập trung vào trang giấy. Lần nhập viện đó xảy ra ngày mùng 9 tháng 5, lúc 1 giờ sáng. Tên, địa chỉ và thông tin về các hóa đơn của bệnh nhân được ghi trên đầu, phần còn lại là các ghi chép bằng tay. Chữ viết tắt của y khoa, anh nghĩ, vì anh cố giải mã từng từ, cố hiểu nội dung của đoạn đầu do một cô y tá viết:

Một cô gái gốc Tây Ban Nha 22 tuổi, bị cưỡng bức cách đây hai giờ. Không bị dị ứng, không bị chảy máu. Huyết áp 105/70, nhịp tim 100, mạch đập 99.

Phần còn lại trên tờ giấy anh không hiểu nổi.

– Cô sẽ phải dịch cho tôi thôi – Anh nói.

Cô quay lại nhìn anh. Đột nhiên mặt họ gần nhau đến nỗi cô cảm thấy hơi ấm từ hơi thở của anh.

– Anh không đọc được à?

– Tôi đọc được các ghi chép về sức khỏe và huyết áp. Phần này tôi không đọc được.

– Đó là chữ viết của Ken Kimball. Tôi nhận ra chữ ký của anh ấy.

– Tôi không nhận ra đây là tiếng Anh.

– Với các bác sỹ khác thì chữ viết này hoàn toàn dễ đọc. Anh phải biết các ký hiệu.

– Họ dạy cô khi cô học trường y à?

– Họ dạy cả những cách bắt tay bí mật và hướng dẫn giải mã từ chiếc nhẫn.

Dù là người lạ mặt đi chăng nữa thì họ cũng sẽ cảm thấy bất ngờ khi nghe những lời châm biếm hài hước về công việc nghiêm túc nhất thốt ra từ miệng bác sỹ Cordell. Đây là lần đầu tiên anh thoáng thấy bóng dáng người phụ nữ ẩn sau lớp vỏ. Anh thấy hình ảnh của cô trước khi tên Andrew Capra hủy hoại cô.

– Đoạn đầu tiên viết về các khám nghiệm bên ngoài – Cô giải thích – Anh ấy dùng chữ viết tắt của ngành y. HEENT nghĩa là đầu, tai, mắt, mũi, và cổ. Cô ấy có một vết bầm tím ở má bên trái. Phổi sạch, tim không có âm thanh như ngựa phi nước đại.

– Điều đó nghĩa là?

– Hoàn toàn bình thường.

– Một bác sỹ không thể viết: “Tim bình thường” sao?

– Tại sao cảnh sát lại dùng từ ‘xe cộ’ thay cho từ ‘ô tô’?

Anh gật đầu.

– Lời giải thích được chấp nhận.

– Bụng phẳng, mềm, không có chất gì bất thường. Nói cách khác thì…

– Vẫn bình thường.

– Anh đang hiểu vấn đề đấy. Tiếp đó, anh ấy miêu tả… khám nghiệm khung xương chậu, ở đó các bộ phận không bình thường – Cô dừng lại. Khi nói tiếp, giọng cô nhỏ hơn và không còn âm điệu hài hước nữa. Cô hít sâu, như thể thu hết can đảm để tiếp tục – Có máu trong âm hộ. Các vết cào xước và thâm tím hai bên đùi. Có một vết rách âm đ*o theo hướng bốn giờ trên đồng hồ. Điều đó chứng tỏ đây không phải là hoạt động tình dục tự nguyện. Lúc này, bác sỹ Kimball nói anh ấy dừng kiểm tra.

Moore chú ý vào đoạn cuối. Đoạn này anh đọc được. Nó không có chữ viết tắt của y khoa.

Bệnh nhân bị kích động, không chịu để chúng tôi thu thập những chứng cứ về vụ cưỡng bức. Không chịu hợp tác và không cho chúng tôi chạm vào cô ấy. Sau khi đường vạch ranh giới của bệnh HIV, bệnh giang mai và bệnh lậu được thu xong, cô ấy mặc quần áo và bỏ đi trước khi chúng tôi gọi cho những người có thẩm quyền.

– Vậy là vụ cưỡng bức không được thông báo – Anh nói – Họ không dùng gạc lau âm hộ, không thu được mẫu ADN nào.

Catherine im lặng. Cô đứng cúi gằm xuống. Tay ôm chặt tập hồ sơ.

– Bác sỹ Cordell? – Anh nói và chạm vào vai cô. Cô giật mình như thể anh vừa làm cô bị bỏng. Anh nhấc tay ra ngay. Lúc đó có những tia lửa giận dữ tỏa ra từ cô khiến cô như muốn đánh anh.

– Bị cưỡng bức vào tháng năm, bị chôn cất vào tháng bảy – Cô nói – Đó là một thế giới thật tốt đẹp cho phụ nữ, phải không?

– Chúng tôi đã nói chuyện với từng người trong gia đình cô ấy.

Không ai nói gì về vụ cưỡng bức.

– Vậy thì cô ấy không cho họ biết.

Bao nhiêu phụ nữ đã im lặng? Anh tự hỏi. Bao nhiêu bí mật đau đớn mà họ không thể chia sẻ với người họ yêu quý? Khi nhìn Catherine, anh nghĩ về sự thật rằng cô cũng đã tìm kiếm sự an ủi từ những người lạ mặt.

Cô lấy ghi chép trong tập hồ sơ, photo cho anh. Khi cầm lấy nó, anh nhìn tên bác sỹ và một ý nghĩ khác chợt lóe lên trong đầu anh.

– Cô có thể cho tôi biết đôi điều về bác sỹ Kimball không? – Anh nói – Người đã kiểm tra Elena Ortiz đó?

– Anh ấy là một bác sỹ xuất sắc.

– Anh ta thường làm ca đêm phải không?

– Đúng vậy.

– Cô có biết vào đêm thứ năm tuần trước anh ta có trực không?

Mất một lúc cô mới hiểu ý nghĩa của câu hỏi đó. Khi cô hiểu ra, anh thấy cô rùng mình vì ẩn ý của anh.

– Thực sự anh không cho là…

– Đó là một câu hỏi theo thói quen. Chúng tôi xem xét toàn bộ những người mà nạn nhân đã tiếp xúc trước đó.

Nhưng đây không phải là một câu hỏi bình thường. Cô hiểu điều đó.

– Andrew Capra cũng là bác sỹ – Cô khẽ nói – Anh nghĩ là lại một bác sỹ khác…

– Khả năng đó đã xảy ra một lần.

Cô quay đi, thở gấp.

– Ở Savannah, khi những cô gái khác bị giết, tôi luôn nghĩ là tôi không biết tên sát nhân. Tôi nghĩ nếu tôi đã từng gặp hắn thì tôi sẽ biết ngay và sẽ cảm thấy ngay. Andrew Capra đã dạy cho tôi biết là tôi sai mức nào.

– Đó là tính chất bình thường của cái ác.

– Đó chính là điều tôi đã học được, rằng cái ác rất bình thường, rằng người đàn ông tôi gặp hàng ngày, chào hỏi hàng ngày có thể cười với tôi – Cô khẽ nói thêm – Và cùng lúc đó, hắn đang vạch ra đủ cách để giết tôi.

Trời đã sẩm tối khi Moore đi bộ ra chỗ để xe. Nhưng hơi nóng ban ngày vẫn phả ra trên mui xe màu đen. Chắc chắn đêm nay lại là một đêm khó chịu. Khắp thành phố, các cô gái sẽ ngủ và mở cửa sổ để hứng lấy chút gió nhẹ của ban đêm. Đó chính là tội ác trong đêm.

Anh dừng lại, quay về phía bệnh viện. Anh thấy ánh đèn màu đỏ của phòng cấp cứu sáng như ngọn hải đăng. Đó là một biểu tượng của sự hy vọng và lành lặn.

Liệu đó có phải là khu đi săn của ngươi không, ở chính khu mà những cô gái được cứu chữa?

Một chiếc xe cứu thương lao đi trong đêm, đèn nhấp nháy. Anh nghĩ về những người đã vào phòng cấp cứu vào thời điểm nào đó trong ngày. Đó là các EMT, các bác sỹ, hộ lý và nhân viên trực bệnh viện.

Và các cảnh sát. Một khả năng anh không muốn nghĩ đến nhưng cũng là khả năng anh không thể loại trừ. Nghề hành pháp có sức hấp dẫn với những người muốn đi săn lùng kẻ khác. Súng, phù hiệu là những biểu tượng mạnh nhất của sự kiểm soát. Và nếu có quyền hành cao hơn, một người có thể tra tấn, thậm chí là giết người khác hay không? Với một tay săn mồi như vậy thì cả thế giới là một khu đồng bằng rộng lớn, đầy những con mồi.

Tất cả những gì hắn cần làm là chọn con mồi nào.

Chỗ nào cũng có sự hiện diện của trẻ con. Rizzoli đứng trong bếp và ngửi thấy mùi như mùi sữa và bột hòa tan khi cô chờ Anna Garcia lau dọn xong chỗ nước táo trên sàn nhà. Một đứa bé đang tập đi bám vào chân Garcia, đứa khác đang lôi vung nồi từ khay bếp và gõ chúng vào nhau như một cái chiêng. Một đứa bé đang ngồi trên ghế cao. Nó cười, miệng dính đầy bột rau. Trên sàn, một đứa bé khác, đội mũ xộc xệch đang bò quanh, tìm bất cứ vật gì nguy hiểm để nhét vào chiếc miệng nhỏ xinh, tham ăn. Rizzoli không quan tâm đến trẻ con và cô thấy bồn chồn khi chúng vây quanh cô. Cô cảm thấy mình như Diana Jones rơi vào ổ rắn.

– Chúng không phải là con tôi cả đâu – Anna giải thích nhanh gọn khi cô cúi về phía bồn rửa. Đứa bé vẫn bám chặt lấy cô như một quả bóng buộc xích. Cô vò mạnh giẻ rửa bát rồi lau tay – Chỉ đứa này là con tôi thôi – Cô chỉ vào đứa bé đang bám vào chân mình – Đứa bé cầm vung nồi và đứa ngồi trên ghế là con của chị gái tôi, Lupe. Còn đứa bé đang bò quanh thì tôi trông hộ cho anh họ. Chỉ cần tôi ở nhà với con tôi thì tôi nghĩ tôi có thể trông thêm vài đứa nữa.

Đúng vậy, lại thêm một việc đau đầu nữa phải không? Rizzoli nghĩ. Nhưng điều buồn cười là trông Anna không hạnh phúc chút nào. Thực sự thì cô không thèm chú ý đến quả bóng bằng thịt và sợi dây xích đang bám vào chân hay tiếng cheng cheng khi vung xoong đập xuống sàn. Tình trạng đó khiến Rizzoli bồn chồn đến khó chịu, còn Anna thì có vẻ mặt cau có của một người phụ nữ đang ở nơi cô mong muốn. Rizzoli tự hỏi nếu một ngày nào đó Elena Ortiz cũng như vậy nếu cô còn sống thì trông cô sẽ như thế nào? Một bà mẹ trong bếp, vui vẻ lau dọn nước cam và nước tiểu của trẻ con. Anna trông rất giống cô em gái chụp trong những bức ảnh, chỉ mập hơn một chút. Khi cô quay về phía Rizzoli, ánh đèn trong bếp chiếu thẳng vào trán cô. Rizzoli thấy lạnh người và có cảm giác như thể cô đang nhìn vào chính khuôn mặt đã nhìn cô trên bàn khám nghiệm tử thi.

– Khi những đứa bé này quẩn quanh, tôi phải làm những việc vặt mãi thôi – Anna nói. Cô đặt đứa bé lên đùi, vỗ vỗ rất chuyên nghiệp lên mông nó – Rồi, để tôi xem nào. Cô đến vì chiếc vòng cổ. Chờ tôi đi lấy hộp nữ trang nhé! – Cô ra khỏi nhà bếp. Rizzoli cảm thấy hoảng loạn khi bị bỏ lại cùng ba đứa bé. Một bàn tay nhớp nháp sờ vào mắt cá chân cô. Cô cúi xuống, thấy đứa bé tập bò đang nhai ngấu nghiến gấu quần mình. Cô lắc mạnh để nó nhả ra và nhanh chóng lùi xa để tránh cái miệng nhỏ xinh đó.

– Đây rồi! – Anna nói. Cô trở ra, mang theo chiếc hộp, đặt lên bàn – Chúng tôi không muốn bỏ nó lại trong căn hộ của em tôi khi những người lạ mặt sẽ đi vào đi ra để lau dọn căn hộ. Vì vậy các anh tôi nghĩ tôi nên giữ chiếc hộp cho đến khi cả nhà quyết định xem chúng tôi nên làm gì với đống nữ trang – Cô mở nắp, một giai điệu ngân lên. Bài hát “Tình yêu của tôi ở nơi xa”. Anna dường như ngạc nhiên vì âm thanh đó. Cô ngồi im, mắt đẫm lệ.

– Cô Garcia?

Anna nuốt nước bọt.

– Tôi xin lỗi! Chồng tôi chắc đã vặn nó lên. Tôi không nghĩ là mình sẽ nghe thấy…

Điệu nhạc chậm dần thành những nốt ngọt ngào cuối cùng và dừng lại. Anna im lặng cúi nhìn số nữ trang. Đầu cô gục xuống như đang than khóc. Cô lưỡng lự, mở một trong các ngăn có viền nhung và lấy ra chiếc vòng cổ.

Rizzoli thấy tim mình đập mạnh hơn khi cầm lấy chiếc vòng từ tay Anna. Nó đúng là giống hệt những gì cô nhớ khi cô thấy nó trên cổ Elena trong nhà xác. Một chiếc khóa nhỏ và một chìa khóa lủng lẳng trên sợi dây bằng vàng. Cô quay mặt sau lại và thấy dấu ghi vàng 18 kara ở mặt sau.

– Sao em gái cô có chiếc vòng này?

– Tôi không biết.

– Cô biết cô ấy đeo nó từ bao giờ không?

– Chắc là mới. Tôi chưa hề thấy nó trước hôm…

– Hôm nào?

Anna nuốt nước bọt, rồi khẽ nói.

– Hôm lấy nó ở nhà xác, cùng các nữ trang khác của con bé.

– Cô ấy cũng đeo khuyên tai và một chiếc nhẫn. Những thứ đó cô đã nhìn thấy trước đây?

– Đúng vậy. Con bé đeo những thứ đó lâu rồi.

– Trừ chiếc vòng cổ.

– Sao cô cứ hỏi về chiếc vòng mãi thế? Nó có liên quan gì đến… – Anna dừng lại, đôi mắt lộ rõ vẻ sợ hãi – Ôi Chúa ơi! Cô nghĩ là hắn đã đeo cho con bé sao?

Đứa bé ngồi trên ghế như cảm thấy điều gì đó không ổn nên khóc ré lên. Anna đặt con mình xuống sàn nhà, chạy vội đến bế đứa bé. Cô ôm chặt nó, quay lưng về phía chiếc vòng cổ như thể muốn bảo vệ không cho đứa bé thấy biểu tượng của tội ác đó.

– Làm ơn hãy mang nó đi – Cô thì thào – Tôi không muốn để nó trong nhà.

Rizzoli cho chiếc vòng vào túi đựng vật chứng Ziploc.

– Tôi sẽ viết cho cô một tờ chứng từ.

– Không, chỉ cần cô mang đi! Tôi không cần biết cô cầm hay tôi cầm nó.

Dù sao, Rizzoli vẫn viết một tờ hóa đơn, đặt nó trên bàn bếp, cạnh đĩa đựng súp rau của những đứa bé.

– Tôi cần hỏi thêm một câu – Cô khẽ nói.

Anna đi đi lại lại trong bếp, bực mình vỗ về đứa bé.

– Làm ơn hãy xem lại hộp trang sức của em gái cô – Rizzoli nói – Hãy cho tôi biết xem có thứ gì bị mất không?

– Cô đã hỏi tôi câu đó tuần trước rồi. Chẳng có gì bị mất cả.

– Không dễ phát hiện ra một thứ gì đó bị mất đâu. Mà thay vào đó, chúng ta thường chỉ để ý đến những gì không thuộc về cô ấy. Tôi cần cô xem lại chiếc hộp lần nữa. Cảm ơn!

Anna nuốt khan. Cô miễn cưỡng ngồi xuống, đặt đứa bé lên đùi, nhìn hộp nữ trang. Cô lấy ra từng thứ một, đặt chúng lên bàn. Đó là công việc phân loại những đồ nữ trang rẻ tiền của một cửa hàng tạp hóa. Những viên kim cương giả, những hạt vòng lấp lánh và những viên ngọc trai giả. Elena thích những thứ sáng màu và lòe loẹt.

Anna đặt vật cuối cùng lên bàn. Đó là một chiếc nhẫn tình bạn màu xanh lam. Cô ngồi một lát, mặt cô từ từ cau lại.

– Chiếc vòng tay – Cô nói.

– Vòng tay nào?

– Lẽ ra phải có một chiếc vòng tay có đính những bùa chú nhỏ. Đó là hình những con ngựa. Em tôi thường xuyên đeo nó khi đi học cấp ba. Elena phát cuồng về những con ngựa… – Anna nhìn lên, vẻ ngạc nhiên – Nó chẳng có giá trị gì! Nó được làm bằng thiếc. Tại sao hắn lấy nó?

Rizzoli nhìn túi Ziploc đựng chiếc vòng cổ – chiếc vòng mà cô tin chắc đã từng thuộc về Diana Sterling. Và cô nghĩ, mình nghĩ mình đã biết đích xác chúng ta sẽ tìm thấy chiếc vòng tay của Elena ở đâu: quanh cổ tay của nạn nhân tiếp theo.

Rizzoli đứng trước cửa nhà Moore, vui sướng lắc túi Ziploc đựng chiếc vòng cổ.

– Nó là của Diana Sterling. Tôi vừa nói chuyện với bố mẹ cô ấy. Họ không nhận ra nó bị mất cho tới khi tôi gọi điện.

Anh cầm cái túi nhưng không mở ra. Anh chỉ cầm nó, nhìn sợi dây chuyền vàng cuộn tròn trong túi nhựa.

– Nó là sợi dây liên lạc hữu hình giữa hai vụ án – Cô nói – Hắn lấy kỷ vật của nạn nhân này, rồi đeo nó cho nạn nhân tiếp theo.

– Tôi không thể tin nổi là chúng ta lại bỏ qua chi tiết này.

– Chúng ta đã không bỏ qua.

– Ý cô là cô đã không bỏ qua – Anh nhìn cô khiến cô thấy mình như cao thêm vài phân. Moore không thuộc tuýp người hay vỗ lưng hay hét to khen ngợi người khác. Thực sự cô nhớ anh chưa bao giờ cao giọng, chưa từng nghe thấy sự giận dữ hay vui sướng trong giọng nói của anh. Nhưng khi anh nhìn cô bằng ánh mắt đó, lông mày anh nhướn lên tán thưởng, nhoẻn nụ cười nửa miệng và đó là tất cả sự khích lệ cô cần.

Cô đỏ mặt vui sướng, lấy túi đồ ăn cô đã mang đến.

– Anh muốn ăn tối chứ? Tôi đã dừng ở nhà hàng Trung Hoa dưới phố.

– Cô không cần làm vậy.

– Không, cần chứ. Tôi nghĩ tôi nợ anh lời xin lỗi.

– Vì chuyện gì?

– Chiều nay. Vụ ngớ ngẩn với miếng băng vệ sinh. Anh lên tiếng bênh vực tôi, cố tỏ ra là người đàn ông tốt. Còn tôi lại hiểu nhầm.

Giây phút im lặng ngượng ngùng trôi qua. Họ đứng đó, không biết nói gì. Hai người không hiểu rõ về nhau đang cố vượt qua giai đoạn đầu khó khăn trong mối quan hệ của họ.

Rồi anh cười. Nụ cười đó biến anh từ một người ủ rũ hàng ngày thành một người vui vẻ hơn nhiều.

– Tôi sắp chết đói rồi – Anh nói – Mang đồ ăn vào đây!

Cô cười tươi, bước vào nhà anh. Đây là lần đầu tiên cô đến đây. Cô dừng lại, nhìn quanh, ghi lại từng chi tiết chứng tỏ có sự đụng chạm của bàn tay phụ nữ: rèm cửa bằng vải hoa sặc sỡ, bức tranh vẽ hoa lá bằng sơn màu treo trên tường. Cô không nghĩ sẽ thấy những thứ đó. Tệ thật, căn hộ của anh còn nữ tính hơn phòng của cô.

– Vào bếp đi – Anh nói – Các giấy tờ tôi để đó.

Anh dẫn cô qua phòng khách. Cô thấy đàn xpi-net.

– Ồ, anh chơi được không?

– Không. Đó là của Mary. Tai tôi nhỏ lắm!

Đó là của Mary. Anh nói câu đó ở thời hiện tại. Điều đó khiến cô chợt nhận ra tại sao ngôi nhà này vẫn mang những nét nữ tính như ngày xưa. Như thể Mary vẫn còn. Ngôi nhà này vẫn đang chờ đợi, không thay đổi để chờ cô chủ của nó trở về. Một bức ảnh của vợ Moore được đặt trên chiếc bàn. Đó là một phụ nữ có nước da rám nắng, đôi mắt biết cười và tóc bay trong gió. Mary, người có những rèm cửa màu hoa sặc sỡ vẫn được treo trong ngôi nhà mà cô không bao giờ trở lại nữa.

– Đây là các ghi chép ở phòng cấp cứu của Elena Ortiz – Anh nói và đưa cho cô.

– Cordell đã tìm ra những thứ này à?

Anh cười mỉa mai.

– Hình như quanh tôi toàn là những phụ nữ tài năng hơn tôi.

Cô mở tập tài liệu và thấy một bản photo chữ viết như gà bới của bác sỹ.

– Anh đã được cô ấy dịch cho đống lộn xộn này chứ?

– Nó gần chính xác như những gì tôi đã nói với cô trên điện thoại. Một vụ cưỡng bức không được báo cáo. Không thu được mẫu vật hay ADN. Ngay cả Elena cũng không biết việc đó.

Cô đóng tập hồ sơ lại, đặt lên đống giấy tờ khác của anh.

– Ôi, Moore! Đống lộn xộn này trông như bàn ăn của tôi. Chẳng có chỗ nào để thức ăn.

– Việc đó cũng tái diễn cả đời cô rồi đúng không? – Anh nói và dọn đống tài liệu, lấy chỗ để đồ ăn.

– Cả đời à? Tất cả những thứ này thuộc về tôi: ngủ, ăn, làm việc. Và nếu may mắn thì tôi sẽ có một tiếng ngủ với bạn trai cũ của tôi là Dave Letterman.

– Không có bạn trai sao?

– Bạn trai à? – Cô khịt mũi khi bỏ những hộp giấy đựng đồ ăn, khăn và đũa lên bàn – Ồ, đúng vậy. Có vẻ như tôi đã gạt bọn họ ra hết – Chỉ sau đó cô mới cảm thấy tủi thân thế nào khi nói câu đó, cô không có ý đó. Cô vội nói thêm – Tôi không phàn nàn đâu. Nếu ngày cuối tuần tôi cần làm việc thì tôi có thể làm tốt khi không có một gã nào đó lắm mồm. Tôi không thể làm tốt khi có người lải nhải bên cạnh.

– Điều đó cũng không ngạc nhiên lắm. Vì cô khác hẳn một kẻ lắm mồm khi cô làm tôi đau lòng hôm nay.

– Đúng, đúng vậy. Tôi nghĩ tôi đã xin lỗi về chuyện đó rồi.

Anh lấy hai chai bia trong tủ lạnh rồi ngồi đối diện với cô. Cô chưa bao giờ thấy anh như lúc này. Tay áo sơ mi xắn cao, trông anh thật thoải mái. Cô thích anh như vậy. Đó không phải là vị thánh Thomas xa cách, mà là một người đàn ông cô có thể nói chuyện phiếm cùng, người cười với cô, người mà nếu anh chỉ cần đeo một lá bùa thì có thể cởi tất của bất cứ cô gái nào.

– Cô biết không, cô không cần lúc nào cũng nghiêm túc hơn những người khác – Anh nói.

– Vâng, tôi vậy đấy.

– Tại sao lại phải như thế?

– Vì bọn họ nghĩ là tôi không đủ mạnh mẽ.

– Ai vậy?

– Những kẻ như Crowe, hay trung úy Marquette.

Anh nhún vai.

– Lúc nào chả có vài người như vậy.

– Tại sao tôi lại luôn phải làm việc cùng họ? – Cô mở lon bia, tu một ngụm lớn – Đó là lý do tại sao anh là người đầu tiên tôi thông báo về chiếc vòng cổ. Anh sẽ tin tôi.

– Sẽ buồn lắm nếu chúng ta tìm ra ai đó tin việc này hay việc kia.

Cô cầm đũa lên, sục vào hộp giấy đựng món gà tần. Món này cay tận răng nhưng cô thích như thế. Rizzoli không nhăn nhó khi động đến ớt cay hay tiêu.

Cô nói.

– Vụ án quan trọng thực sự đầu tiên mà tôi tham gia khi còn làm việc bên Bộ phận Tệ nạn xã hội và buôn bán ma túy. Tôi là phụ nữ duy nhất trong nhóm năm người. Khi chúng tôi phá xong vụ án, họ tổ chức một buổi họp báo. Các đài truyền hình trong phạm vi mười cây số quanh đó đều đổ xô đến. Và anh biết sao không? Họ nhắc đến tên từng người trong đội, trừ tôi. Họ nhắc từng cái tên chết tiệt khác – Cô uống một ngụm bia nữa – Tôi phải bảo đảm là việc đó sẽ không tái diễn. Các anh có thể tập trung toàn bộ tâm trí của mình vào vụ án và chứng cứ. Còn tôi lãng phí nhiều công sức chỉ để mọi người lắng nghe tôi.

– Tôi nghe cô rất rõ đây, Rizzoli.

– Đây là một biến chuyển tốt!

– Còn Frost thì sao? Cô có vấn đề gì với anh ấy không?

– Frost tuyệt lắm! – Cô nhăn mặt khi nói lời châm biếm sau đó – Vợ anh ấy đã huấn luyện rất tốt cho anh ấy.

Cả hai đều cười vì câu nói đó. Bất cứ ai tình cờ nghe được Frost nói chuyện điện thoại với vợ sẽ nghe thấy những câu nhu mì của Barry Frost, đại loại như được rồi, em yêu. Không, em yêu. Điều đó chứng tỏ chắc chắn vợ anh chính là chủ trong nhà.

– Đó là lý do anh ấy sẽ không thăng tiến xa – Cô nói – Không có lửa trong bụng. Đó là mẫu người đàn ông vì gia đình.

– Có vấn đề gì khi là người đàn ông hết lòng vì gia đình đâu. Tôi ước trước đây tôi là người chồng tốt hơn.

Cô rời mắt khỏi miếng thịt bò Tây Tạng lấy trong hộp giấy và thấy anh không nhìn cô, mà nhìn chiếc vòng cổ. Giọng anh có cái gì đó đau đớn. Cô không biết nên trả lời thế nào, cô nghĩ tốt hơn là không nên nói gì.

Cô thấy nhẹ nhõm khi anh lái chủ đề về cuộc điều tra. Trong thế giới của họ, vụ giết người luôn là chủ đề an toàn.

– Có vấn đề gì đó ở đây – Anh nói – Tôi không hiểu món đồ trang sức này có ý nghĩa gì.

– Hắn lấy đi những kỷ vật, những vật rất bình thường.

– Nhưng có ích gì nếu lấy kỷ vật, rồi lại cho đi?

– Một số tên sát nhân lấy nữ trang của nạn nhân, rồi cho vợ hoặc bạn gái mình. Bọn chúng cảm thấy vui sướng âm thầm khi nhìn thấy nó trên cổ bạn gái và chỉ có bọn chúng mới biết nguồn gốc của món đồ đó.

– Nhưng cậu bé của chúng ta lại không làm vậy. Hắn bỏ lại kỷ vật đó tại hiện trường gây án tiếp theo. Hắn không lấy để chiêm ngưỡng nó. Hắn không vui sướng khi nhìn thấy vật nhắc nhở hắn về vụ giết người do hắn gây ra. Tôi thấy chẳng có sự thỏa mãn nào về mặt tâm lý.

– Một biểu tượng của sự sở hữu thì sao? Như một con chó đánh dấu lãnh thổ của mình vậy. Chỉ có hắn dùng một món đồ trang sức để đánh dấu nạn nhân tiếp theo.

– Không. Không phải vậy – Moore cầm túi Ziploc lên, thử dùng tay ước tính trọng lượng của nó như thể đang tìm ra mục đích sử dụng của nó.

– Điều quan trọng là chúng ta đã dần hiểu cách thức của hắn – cô nói – Chúng ta biết chính xác hiện trường vụ án tiếp theo sẽ có gì.

Anh ngẩng lên nhìn cô.

– Cô đã giải được câu đố.

– Gì?

– Hắn không đánh dấu nạn nhân. Hắn đánh dấu hiện trường gây án.

Rizzoli dừng lại. Ngay lập tức cô hiểu sự khác biệt.

– Lạy Chúa, bằng cách đánh dấu hiện trường gây án…

– Đây không phải là một kiểu kỷ vật, cũng không phải một dạng đánh dấu quyền sở hữu – Anh đặt chiếc vòng cổ xuống. Đó chính là sợi dây bằng vàng đã chạm vào da thịt của cả hai cô gái.

Rizzoli bỗng rùng mình.

– Đó là một tấm thiệp mời gọi – cô khẽ nói.

Moore gật đầu.

– Bác sĩ phẫu thuật đang nói chuyện với chúng ta.

Một nơi chỉ có gió to và những đợt thủy triều nguy hiểm.

Đây chính là những gì Edith Hamilton đã miêu tả cảng Aulis của Hy Lạp trong cuốn Thần thoại học. Ở đây có những vật đổ nát của ngôi đền cổ Artemis, nữ thần săn bắn. Chính tại cảng Aulis này, một nghìn con tàu đen của Hy Lạp đã tập hợp lại, tấn công thành Troy. Nhưng gió bắc đã nổi lên, những con thuyền không thể ra khơi. Rồi ngày qua ngày, gió mỗi lúc một mạnh. Đội quân Hy Lạp, dưới sự chỉ huy của vua Agamemnon ngày càng phẫn nộ, bồn chồn không yên. Một nhà tiên tri đã tiết lộ bí mật để gió dịu đi: đó là nữ thần Artemis tức giận vì Agamemnon đã giết hại một trong các sinh vật yêu quý của nữ thần, đó là con thỏ hoang. Nữ thần sẽ không cho quân Hy Lạp ra khơi, trừ phi Agamemnon chịu một sự hy sinh khủng khiếp: đó là cô con gái Iphigenia.

Và thế là đức vua cho vời Iphigenia đến, nói rằng ngài đã sắp xếp để nàng thành hôn long trọng với Achilles. Nàng không hề biết là nàng sắp lao vào chỗ chết.

Những cơn gió to gớm ghiếc đó sẽ không thổi vào ngày anh và tôi đi bộ trên bãi biển gần Aulis. Gió lặng, mặt nước trong xanh như gương, cát nóng như tàn thuốc màu trắng ngay dưới chân chúng ta. Ồ, chúng ta đã ghen tị mức nào với những cậu bé Hy Lạp chạy chân trần trên bãi biển bị mặt trời thiêu đốt! Mặc dù cát thiêu đốt làn da xanh xao của những khách du lịch như chúng ta nhưng chúng ta thích thú trong cảm giác khó chịu đó. Bởi vì chúng ta muốn được như những cậu bé ấy. Gót chân của chúng ta sẽ rắn chắc lại như da thuộc. Chỉ khi đã trải qua đau đớn và quần áo cứng thì những vết chai sần mới hình thành.

Đến buổi tối, khi trời dịu lại, chúng ta đến đền Artemis.

Chúng ta đi giữa những cái bóng đổ dài và đến ngôi đền, nơi Iphigenia đã bị tế cho thần. Mặc dù nàng van xin, than khóc ” Cha, xin hãy cho con được sống!” nhưng những chiến binh vẫn đưa nàng đến khu đền. Nàng bị buộc thẳng người trên mặt đá, chiếc cổ trắng ngần của nàng trần trụi dưới lưỡi dao. Nhà soạn kịch thời cổ đại Euripides đã viết những người lính Atreus, tất cả quân đội đều cúi gằm xuống đất và không muốn nhìn dòng máu trinh tiết của cô chảy xuống. Họ không muốn chứng kiến cảnh tượng đáng sợ đó.

À, nhưng tôi sẽ phải xem! Và cả anh cũng vậy. Chúng ta sẽ phải háo hức xem.

Ta hình dung những đoàn quân lặng lẽ mai phục trong bóng tối. Ta tưởng tượng thấy tiếng trống. Đó không phải là tiếng đập rộn ràng của lễ cưới mà là tiếng trống hành quân đều đều về phía cái chết. Ta thấy đoàn người đi về phía rừng cây. Cô gái như một con thiên nga trắng muốt, binh lính và vị linh mục vây quanh nàng. Tiếng trống ngừng.

Họ đưa nàng công chúa đang gào thét đến khu đền.

Trong tâm trí của ta, vua Agamemnon chính là người cầm lưỡi dao bởi vì làm sao gọi đó là một sự hy sinh nếu ngươi không phải là kẻ cầm dao, rút cạn máu của nàng? Ta thấy ông ta tiến lại gần khu đền, chỗ con gái mình đang nằm. Những thớ thịt mềm mại của nàng lộ ra trước hàng nghìn cặp mắt. Nàng cầu xin tha mạng nhưng vô ích.

Vị linh mục túm tóc nàng, giật mạnh về phía sau, để lộ chiếc cổ trắng ngần. Dưới lớp da trắng đó là những động mạch chủ, đánh dấu chỗ cần đặt lưỡi dao lên. Agamemnon đứng cạnh con gái, cúi nhìn khuôn mặt mà đức vua yêu quý. Trong mạch máu nàng có dòng máu của chính nhà vua. Trong mắt nàng, vua thấy chính mình. Cắt cổ nàng nghĩa là cắt chính da thịt của mình.

Nhà vua vung dao lên. Các binh lính đứng im như những bức tượng giữa những lùm cây nghiêm trang. Mạch trên cổ nàng đập mạnh.

Artemis đòi sự hy sinh và đây chính là việc Agamemnon phải làm.

Nhà vua ấn lưỡi dao vào cổ nàng, ấn rất sâu.

Một cột máu đỏ tươi phụt lên, bắn vào mặt đức vua như một trận mưa nóng ấm.

Iphigenia vẫn sống. Mắt nàng trợn ngược kinh hãi khi máu ộc ra từ cổ nàng. Cơ thể người có năm lít máu và phải mất một thời gian để một khối lượng chất lỏng như vậy chảy ra từ một động mạch duy nhất bị cắt đứt. Chỉ cần trái tim còn đập thì máu sẽ còn chảy. Trong vòng ít nhất vài giây, có lẽ một phút hoặc hơn thế, não vẫn hoạt động. Chân tay vẫn ngọ nguậy.

Khi tim nàng đập nhịp cuối, Iphigenia thấy bầu trời tối sầm lại. Nàng cảm thấy hơi ấm của máu phả lên mặt.

Những người Hy Lạp cổ nói gió gần như dừng lại ngay lập tức. Artemis đã hài lòng. Cuối cùng, những con thuyền của Hy Lạp đã ra khơi, quân đội đã chiến đấu và thành Troy đã bị gục. Trong bối cảnh có nhiều máu đổ như vậy thì việc giết một cô gái trinh tiết chẳng có nghĩa lý gì.

Nhưng khi ta nghĩ về cuộc chiến thành Troy, điều hiện lên trong tâm trí ta không phải là con ngựa gỗ, tiếng gươm leng keng hay hàng nghìn con tàu đen ngòm căng buồm. Không, đó chính là hình ảnh thi thể của nàng, bị rút kiệt máu và trắng phau. Và cha nàng đứng bên cạnh, cầm con dao dính máu.

Đức vua Agamemnon cao quý, đôi mắt ngài rưng lệ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.