Thứ Tư, 6 tháng Tư
Tám giờ tối Bublanski gặp Modig để uống cà phê và ăn một cái gì ở tiệm Wayne trên đường Vasagatan. Chị chưa bao giờ thấy sếp của mình ỉu xìu đến thế này. Cuối cùng chị giơ tay ra đặt lên bàn tay ông. Đây là lần đầu tiên chị đụng đến Bublanski, và chả có lý do nào khác ngoài tình đồng đội. Ông buồn buồn mỉm cười rồi vỗ vỗ tay chị, cũng là kiểu bạn bè.
– Có lẽ tôi nên rút. – Ông nói.
Chị cười độ lượng.
– Cuộc điều tra này rệu rã rồi. – Ông nói tiếp. – Nó đã rời thành mảnh. Tôi báo Ekstrom mọi chuyện xảy ra hôm nay thì ông ấy chỉ nói: “Ông thấy sao hay nhất thì làm”. Ông ấy hình như hết khả năng hành động.
– Tôi không muốn hạ uy tín cấp trên nhưng theo tôi Ekstrom thích thì cứ đi mà làm lấy.
Bublanski gật.
– Cô đã chính thức trở lại với vụ này nhưng đừng có chờ ông ấy gặp xin lỗi cô nha. Faste sáng nay ầm ầm bỏ đi, tung hê hết như cha bố rồi lại tắt máy di động cả ngày. Nếu sáng mai ông ấy không đến tôi sẽ phải cho ai đó đi tìm.
– Theo tôi thì Faste cũng nên rút. Có chuyện gì với Hedstrom?
– Không có gì. Tôi muốn anh ta bị lên án nhưng Ekstrom không dám. Chúng ta đã đá anh ta đi và tôi đã nói chuyện nghiêm túc với Armansky. Chúng ta thôi làm việc cùng với An ninh Milton, như vậy là chúng ta bị mất cả Sonny Bohman và là không may cho chúng ta. Chuyện này xấu hổ. Ông ấy là thám tử có tài.
– Armansky chịu đựng chuyện này thế nào?
– Ông ta bị đè bẹp. Lạ là…
– Sao?
– Ông ấy nói Salander không bao giờ ưa Hedstrom. Ông ấy nhớ hai năm trước cô ấy đã bảo ông là nên thải Hedstrom. Cô ấy nói Hedstrom là cục cứt đê tiện nhưng không giải thích vì sao. Dĩ nhiên Armansky không làm như cô ấy gợi ý.
– Hay.
– Curtis vẫn ở dưới chỗ Sodertalje. Họ đang sắp làm một điều tra về chỗ ở của Carl – Magnus Lundin. Jerker thì ngập đến tận cổ với việc đào tìm các mẩu xác của Gã Ma cà bông Kenneth Gustafsson. Ngay trước khi tôi đến đây ông ấy gọi nói có một xác nữa ở cái huyệt thứ hai. Quần áo cho thấy là một phụ nữ. Hình như mới ở đấy một thời gian.
– Một tha ma đồng rừng. Jan, tôi cho là Salander không còn là nghi can trong các vụ án mạng ở Nykvarn nữa đâu.
Cả hàng giờ Bublanski nay mới mỉm cười:
– Đúng. Cô ấy được dập tên ở vụ này. Nhưng rõ ràng cô ấy có mang vũ khí và bắn Lundin.
– Ông chú ý, cô ấy bắn vào chân chứ không vào đầu hắn. Trong vụ Lundin chắc cũng không có gì khác nhiều nhưng chớ quên rằng người gây án mạng ở Enskede là tay bắn giỏi.
– Sonja… chuyện này hoàn toàn phi lý. Magnus Lundin và Sonny Nieminen là hai cha dữ dằn với những kỷ lục đều ra trò cả. Lundin có thể lên một hai cân và sức khỏe có thể đang không hay nhất nhưng hắn vẫn cứ là nguy hiểm. Còn Nieminen là một thằng vô lại hung tợn, ngay các dân chơi cũng phải sợ hắn. Tôi chỉ không hình dung ra nổi một thứ xương xẩu như Salander mà lại có thể đánh cho hai đứa hộc tiết ra như thế. Không phải vì hắn không đáng phải cho một trận, cô đừng hiểu lầm tôi. Chỉ là tôi không hiểu được sao lại xảy ra nổi chuyện ấy.
– Lúc nào thấy cô ấy chúng ta phải hỏi chuyện này. Muốn gì thì tư liệu cũng đã nói là cô ấy hung bạo.
– Ngay như Curt mà rờ đến hai thằng ấy cùng một lúc là cũng phải đắn đo. Đúng ra là Curt không có sứa đâu.
– Vấn đề là cô ấy tấn công Lundin và Nieminen vì lý do gì?
– Một cô gái nhỏ bé với hai thằng chập mạch trong một căn nhà nhỏ mùa hè. Tôi có thể nghĩ đến một hay hai lý do. – Bublanski nói.
– Có thể ai đó đã giúp cô ấy chăng? Có thể có người khác đã dính vào?
– Biên bản không nói cô ấy đã ở trong căn nhà nhỏ. Có một tách cà phê ở trên bàn. Ngoài ra có lời khai của bà Anna Viktoria Hansson, người canh gác khu vực, để mắt tới chuyện đi đứng của mọi người. Bà thề là duy nhất chỉ có Salander và hai vị anh hùng ở Svavelsjo kia đi qua bà mà thôi.
– Salander vào nhà kia như thế nào được nhỉ?
– Bằng chìa. Tôi đoán cô ấy lấy chìa khóa ở căn hộ của Bjurman. Cô nhớ…
– Băng dán niêm phong của cảnh sát bị cắt. Cô ấy vội.
Modig gõ ngón tay xuống bàn rồi hỏi sang hướng khác.
– Có thể khẳng định Lundin đã góp phần vào việc bắt cóc Miriam Wu được không?
– Cho Paolo nhận dạng ba chục người đi xe máy. Không do dự tẹo nào, ông ấy nhót phăng ngay ra cái người ông ấy trông thấy ở nhà kho ở Nykvarn.
– Còn Blomkvist?
– Tôi chưa liên hệ được với anh ấy. Không trả lời di động.
– Nhưng Lundin trùng với hình dáng miêu tả tên tấn công Salander ở Lundagatan. Vậy chúng ta có thể kết luận Câu lạc bộ Xe máy Svavelsjo đã từng lùng Salander một dạo. Tại sao?
Bublanski giơ hai tay lên.
Modig nghĩ.
– Suốt thời gian chúng ta tìm kiếm, cô ấy đã sống ở tại căn nhà mùa hè của Bjurman chăng?
– Tôi cũng nghĩ thế nhưng Gerger thì không. Căn nhà ấy trông như không có người mới ở, và có nhân chứng nói sớm hôm nay cô ấy mới đi bộ đến mà.
– Tại sao cô ấy đến đấy? Tôi không cho là cô ấy đã sắp xếp gặp Lundin.
– Khó. Chắc đến tìm một cái gì. Và cái duy nhất chúng ta tìm thấy ở đấy là hai hộp hồ sơ hình như có đựng cuộc điều tra của riêng Bjurman về Salander. Đấy là toàn bộ tài liệu của phúc lợi xã hội, giám hộ, Sở Giám hộ và các báo cáo cũ của nhà trường liên quan đến cô ấy. Nhưng hình như có mất một số danh mục. Đều có đánh số. Chúng ta có các danh mục 1, 4 và 5.
– Vậy mất 2 và 3.
– Và có thể các danh mục có các số cao hơn nữa.
– Vậy thì nổi lên vấn đề này. Tại sao Salander lại đi tìm thông tin về mình? – Modig nói.
– Tôi có thể nghĩ đến hai lý do. Hoặc cô ấy muốn giấu một cái gì mà cô ấy biết là Bjurman đã viết về cô ấy hoặc cô ấy muốn tìm một cái gì. Nhưng có một câu hỏi khác nữa.
– Là gì?
– Tại sao Bjurman lại sưu tập một báo cáo tổng hợp về cô ấy rồi đem giấu trong căn nhà nghỉ hè của mình? Salander hình như tìm thấy cái này ở gian áp mái. Ông ta là người giám hộ cô ấy và được phân công cai quản tài chính và các vấn đề khác của cô ấy. Nhưng các tài liệu ở đấy cho ta cảm tưởng là ông ấy gần như bị ám với chuyện phải dựng đồ thị về đời cô ấy.
– Nom Bjurman càng ngày càng ra là một nhân vật xấu. Tôi tính hôm nay sẽ xem hết ở Millennium danh sách đám ma cô dắt gái. Tôi có phần chờ đợi thấy cả tên ông ta ở đấy.
– Ý hay đấy. Thì cứ nhớ lại các phim ảnh con heo bạo lực ta tìm thấy ở trong máy tính ông ta đấy. Cô có tìm thấy gì ở Millennium không?
– Tôi thực sự không biết. Blomkvist đang bận kiểm tra các tên trong danh sách nhưng theo Malin Eriksson, một biên tập viên ở đó, thì anh ấy chưa vớ được cái gì thú vị cả. Jan… tôi cần nói một điều. Tôi nghĩ ở trong vụ này, Salander không làm gì cả. Tôi muốn nói Enskede và Odenplan. Lúc ta mới bắt đầu tôi cũng đinh ninh như tất cả mọi người nhưng nay tôi không tin như thế nữa. Tại sao thì tôi không giải thích được.
Bublanski nhận thấy ông đồng ý với Modig.
Gã khổng lồ đi đi lại lại ở trong nhà của Lundin ở Svavelsjo. Hắn dừng lại bên cửa số bếp nhìn xuống đường. Đến nay lẽ ra bọn chúng đã phải về rồi đây. Hắn cảm thấy bụng hắn như thót lại: có một cái gì đó không ổn.
Hắn không thích ở một mình trong ngôi nhà này. Ở đây hắn không yên như ở nhà. Trên gác có một ống thông gió, luôn luôn có tiếng động gì là lạ. Hắn cố rũ đi nỗi thấp thỏm. Chuyện này rồ, hắn biết thế, nhưng hắn không bao giờ thích đơn độc một mình. Bét ra thì hắn không có sợ con người xương thịt nhưng hắn lại cho rằng các ngôi nhà trống không ở đồng quê mới đáng sợ ghê gớm. Các tiếng động làm cho óc tưởng tượng của hắn hoạt động. Hắn không bỏ đi được cái cảm giác có một ai đó đen đen và hiểm độc đang theo dõi hắn qua khe nứt ở cửa. Một cái gì mà hắn tin là nó đang thở.
Lúc trẻ đã bị rắc rối vì nỗi sợ bóng tối. Hắn đã bị rắc rối cho đến khi hắn đem đám bạn bè của hắn phân loại búa xua ra, cả bọn cùng tuổi lẫn bọn lớn tuổi hơn hắn, hai bọn này đều khoái về chỗ kém cỏi này của hắn. Hắn đã giỏi phân loại mọi người.
Nhưng hắn đang bối rối. Hắn ghét bóng tối, ghét ở một mình. Hắn ghét mọi tạo vật sống trong bóng tối và cô quạnh. Hắn mong Lundin về nhà. Lundin có mặt sẽ làm cho hắn cân bằng lại, cho dù hai đứa chả hề nói một lời với nhau hay chả ở cùng một phòng. Hắn sẽ nghe thấy tiếng động thực tại và biết là có người ở bên.
Hắn mở máy nghe đĩa, cố xua đi nỗi lo thấp thỏm rồi bồn chồn cố tìm ở các giá sách của Lundin ra một cái gì hắn muốn đọc. Sở thích đọc của Lundin thì tệ, hắn đã phải bằng lòng với một sưu tập về các tạp chí xe máy, tạp chí đàn ông và những sách trinh thám bìa thường thuộc vào cái loại hắn không bao giờ chú ý đến.
Cảnh cô đơn ngày càng làm cho hắn sợ sẽ bị hãm kín lại ở đây. Hắn lau chùi bôi mỡ cho khẩu súng hắn giữ trong túi đồ đạc, việc này làm cho hắn lắng dịu đi một lúc.
Cuối cùng hắn không thể ở mãi trong nhà được nữa. Hắn đi quanh vườn cho có chút không khí mát mẻ. Giữ cho các nhà hàng xóm không nhìn thấy, nhưng hắn lại hay dừng lại để quan sát các cửa sổ sáng đèn, nơi có người. Nếu đứng im hoàn toàn hắn có thể nghe thấy tiếng nhạc xa xa.
Khi rời đi hắn phải quay trở vào căn nhà gỗ sơ sài của Lundin, hắn đứng một lúc lâu ở các bậc lên xuống để rũ bỏ cái cảm giác bị đè nén rồi mới dứt khoát bước vào.
7 giờ hắn xem tin tức trên TV4. Hắn kinh hoàng nghe các đầu đề tin rồi một tường thuật về vụ bắn người ở ngôi nhà nghỉ hè tại Stallarsholmen.
Hắn chạy lên cầu thang về gian phòng của hắn ở tầng trên cùng, nhét đồ lề vào một cái túi. Hai phút sau hắn lái chiếc Volvo trắng bỏ đi.
Hắn đã kịp thời chạy trốn trót lọt. Ở ngoài Svavelsjo không đến hai cây số, hai xe cảnh sát đèn xanh nhấp nháy chạy qua hắn trên con đường dẫn họ tới ngôi làng.
Sau một hồi kiên nhẫn thương lượng rất lâu, Blomkvist đã được cho gặp Holger Palmgren. Anh nài ghê quá đến nỗi cô y tá phụ trách đã phải gọi bác sĩ Sivarnandan có vẻ như sống gần đó. Mười lăm phút sau, bác sĩ đến và đứng ra giải quyết với tay nhà báo bướng bỉnh. Lúc đầu ông chả có thiện cảm. Hai tuần qua mấy nhà báo đã tìm ra chỗ Palmgren ở và dùng mọi mánh múng để lấy được một lời tuyên bố của ông. Chính Palmgren đã thẳng cánh từ chối tiếp các vị khách đó, bác sĩ cùng nhân viên bệnh viện đã được chỉ thị không cho ai vào gặp ông.
Bác sĩ Sivarnandan đang rất thất vọng theo dõi vụ này. Các đầu đề tin mà Salander gây nên ở trên báo làm cho ông sốc. Người bệnh của ông đã bị trầm cảm nặng, và ông ngờ nguyên nhân là do Palmgren bó tay không thể giúp được Salander. Palmgren đã bỏ điều trị phục hồi chức năng vận động, nay ông suốt ngày đọc báo và theo dõi việc săn lùng cô gái trên tivi. Không thì ngồi trong buồng ngẫm nghĩ.
Blomkvist cứ đứng ở bàn làm việc của Sivarnandan, giải thích rằng anh dĩ nhiên không đời nào lại muốn quàng một điều không vui nào vào Palmgren. Anh không muốn ông già tuyên bố gì hết. Anh là bạn thân của Salander, anh tin cô ấy vô tội và anh chỉ là đang cùng đường đi tìm những thông tin có thể rọi một vài ánh sáng nào đó vào vài khía cạnh nào đó trong quá khứ của cô mà thôi.
Không dễ mà thuyết phục bác sĩ Sivarnandan. Blomkvist phải nói rõ chi tiết về vai trò của anh trong bi kịch này. Thảo luận mất tới nửa giờ Sivarnandan mới bằng lòng. Ông bảo anh chờ đấy rồi đi lên hỏi Palmgren có muốn tiếp anh không.
Mười phút sau Sivarnandan quay lại.
– Ông ấy bằng lòng gặp. Nếu ông ấy không thích anh thì ông ấy sẽ cho anh ra xe mà về. Anh sẽ không được phỏng vấn hay viết gì lên báo về cuộc thăm viếng này.
– Tôi không viết dòng nào.
Phòng của Palmgren là một phòng nhỏ gồm một chiếc giường, một bàn làm việc, một bàn và hai chiếc ghế. Ông gầy và bạc đầu như một con bù nhìn. Rõ ràng là ông bị rắc rối về thăng bằng nhưng ông vẫn cứ đứng lên khi Blomkvist đến. Ông không chìa tay ra nhưng chỉ vào một chiếc ghế bên bàn. Blomkvist ngồi xuống. Bác sĩ Sivarnandan ở lại trong phòng. Thoạt đầu Blomkvist nghe không thủng lời lẽ ngọng líu ngọng lường của Palmgren.
– Ông là ai mà bảo là bạn của Salander, thế ông muốn gì?
– Ông không phải nói gì với tôi cả. Nhưng tôi đề nghị ông nghe tôi nói đã rồi hãy tống cổ tôi sau.
Palmgren gật cụt lủn một cái rồi lê lê đến chiếc ghế đối diện Blomkvist.
– Tôi gặp Salander lần đầu tiên hai năm trước. Tôi đã thuê cô ấy điều tra một số việc cho tôi. Cô ấy đã đến chỗ tôi ở một thị trấn khác, nơi tôi sống lúc bấy giờ. Và chúng tôi đã làm việc với nhau trong mấy tuần.
Anh nghĩ anh nên nói rõ với Palmgren đến đâu. Anh quyết định nói gần sự thật bao nhiêu hay bấy nhiêu.
– Trong thời gian đó xảy ra hai việc quan trọng. Một là Salander đã cứu sống tôi. Hai là chúng tôi đã thành bạn rất thân một dạo. Tôi đã hiểu được cô ấy và tôi đánh giá cô ấy rất cao.
Không đi vào chi tiết, Blomkvist cho Palmgren biết quan hệ của hai người đã thình lình chấm dứt như thế nào sau lễ Giáng sinh năm ngoái, khi Salander ra nước ngoài.
Rồi anh nói về công việc của anh ở Millennium, về Svensson và Johansson đã bị giết và anh bị kéo vào cuộc săn lùng tên giết người ra sao.
– Tôi nghe là mới đây ông đã bị các phóng viên làm phiền và các bài báo ngu xuẩn chắc chắn là đã liên tiếp theo nhau đăng lên. Tôi chỉ có thể làm được một điều là bảo đảm với ông rằng tôi đến đây không để kiếm vật liệu viết báo. Tôi đến đây vì Lisbeth, với tư cách là bạn của cô ấy. Tôi chắc tôi là một trong rất ít người ở đất nước này đang ủng hộ cô ấy không do dự và không có động cơ sâu xa nào. Tôi tin cô ấy vô tội. Tôi tin rằng một người tên là Zala đứng ở đằng sau các kẻ giết người.
Blomkvist dừng lại. Một cái gì lấp lánh trong mắt Palmgren khi anh nói đến tên Zala.
– Nếu ông có thể góp một cái gì rọi được ánh sáng vào quá khứ của Lisbeth thì đây là thời cơ để làm việc đó. Nếu ông không muốn giúp cô ấy thì tôi đã phí phạm thì giờ của tôi và của ông và tôi hiểu là ông đứng về bên nào.
Trong lúc Blomkvist nói một mình như vậy, Palmgren không thưa thốt gì. Khi anh dừng lại, mắt ông lại sáng lên. Nhưng ông mỉm cười. Ông cố nói cho hết sức rõ.
– Ông muốn giúp cô ấy thật chứ?
Blomkvist gật.
Palmgren cúi về trước.
– Tả phòng khách của cô ấy xem nào.
– Những lần tôi đến, cô ấy có các đồ nội thất cũ nát, cực kỳ xấu xí, chỉ còn chút ít giá trị nào đó với các con mắt tò mò. Tôi đoán là của đầu những năm 50. Có hai cái đệm nát bọc bằng vải nâu với các hoa văn màu vàng đại khái thế. Vải bọc đã rách vài chỗ và ruột ở bên trong thì đã lòi ra khi tôi trông thấy lần cuối cùng.
Thình lình Palmgren cười phá lên. Nghe như ông dặng hắng thì đúng hơn. Ông nhìn bác sĩ Sivarnandan.
– Ít nhất thì anh ta đã có đến nhà cô ấy. Bác sĩ nghĩ có thể mời ông khách của tôi cà phê được không đấy?
– Chắc chắn rồi. – Bác sĩ Sivarnandan đứng lên để đi. Ông dừng lại ở cửa gật đầu với Blomkvist.
– Alexander Zalachenko. – Bác sĩ vừa đóng cửa lại là Palmgren liền nói.
– Vậy là ông có biết cái tên ấy.
– Lisbeth bảo tôi. Và tôi nghĩ cái quan trọng là tôi phải kể câu chuyện này lại với một ai đó… phòng khi tôi có lăn đùng ra chết, gì chứ điều này thì hoàn toàn là có thể xảy ra quá đấy.
– Lisbeth? Sao cô ấy lại biết được gì đó về con người này?
– Ông ta là bố của Lisbeth.
Thoạt đầu Blomkvist không hiểu nổi ông già nói gì. Rồi lời lẽ của ông đã ngấm vào anh.
– Ông nói cái quỷ gì vậy?
– Zalachenko đến Thụy Điển vào những năm 70. Kiểu như là tị nạn chính trị – tôi không được trực tiếp nghe hẳn hoi câu chuyện còn Lisbeth thì ngậm chặt miệng. Đó là thứ cô ấy tuyệt đối không muốn nói đến.
Giấy khai sinh của cô ấy. Đề bố không rõ.
– Zalachenko là bố của Lisbeth. – Blomkvist nhắc to lại.
– Trong từng ấy năm tháng chỉ có mỗi một dịp cô ấy nói với tôi chuyện gì đã xảy ra. Khoảng một tháng trước khi tôi bị nhồi máu cơ tim. Đây, tôi được hiểu là như thế này – Zalachenko đến đây vào khoảng giữa những năm 70. Năm 1977, ông ta gặp mẹ Lisbeth, hai bên có quan hệ với nhau, kết quả là hai đứa con.
– Hai?
– Lisbeth và cô em sinh đôi Camilla.
– Lạy Chúa, thế là những hai người như thế?
– Hai chị em rất khác nhau. Nhưng đó lại là chuyện khác. Tên mẹ Lisbeth thật ra là Agneta Sofia Sjolander. Gặp Zalachenko lúc mười bảy tuổi. Tôi không biết gì thêm về việc họ gặp nhau nhưng tôi suy ra thì bà ấy là một cô gái còn bị lệ thuộc hoàn toàn, dễ thành miếng mồi cho một người đàn ông nhiều tuổi hơn, lõi đời hơn. Bị ngợp trước ông ấy, chắc bà ấy đã yêu lăn yêu lóc ông ấy. Zalachenko té ra chả được điểm gì ngoài cái đẹp trai. Tôi nghĩ ông ta chỉ là theo một người phụ nữ đang muốn yêu thế thôi chứ chẳng có gì nhiều hơn. Dĩ nhiên bà ấy mơ tưởng một tương lai có bảo đảm với ông ấy nhưng ông ấy lại không chú ý gì hết đến hôn nhân. Đúng là họ không bao giờ cưới nhau nhưng đến năm 1979 thì bà ấy đổi họ mình từ Sjolander ra thành Salander. Tôi cho đó là cách bà ấy mượn để tỏ ra họ mãi mãi thuộc về nhau.
– Ý ông là sao?
– Zala, Salander mà.
– Chúa ơi. – Blomkvist nói.
– Ngay trước khi bị bệnh tôi đã bắt đầu nhìn vào tất cả chuyện này. Bà ấy có quyền lấy họ ấy vì mẹ của bà, bà ngoại của Lisbeth, mang họ Salander thật. Rồi chuyện xảy ra là vào đúng lúc này Zalachenko tự bộc lộ ra là một tay tâm thần nặng. Ông ta uống rượu và hành hạ dã man Agneta. Như tôi biết, sự hành hạ này diễn ra qua suốt tuổi thơ của hai cô con gái. Như Lisbeth nhớ được, Zalachenko đôi hồi cũng có đến nhà. Có khi ông ta đi đâu rất lâu rồi thình lình lại ở đó, trong căn hộ của họ trên đường Lundagatan. Mỗi lần về lại vẫn cứ là câu chuyện cũ. Ông ta đến đấy để làm tình, say xỉn, rồi cuối cùng hành hạ mẹ Lisbeth bằng đủ mọi kiểu. Lisbeth kể cho tôi những chuyện cho thấy là còn hơn cả chuyện hành hạ thể xác. Ông ta cầm súng dọa, trong việc dọa có cả những khía cạnh của bạo dâm và khủng bố tâm lý. Tôi suy ra là theo cùng năm tháng chuyện này chỉ càng thêm tồi tệ mà thôi. Mẹ của Lisbeth sống phần lớn những năm 80 trong sợ hãi.
– Ông ta có đánh con không?
– Không. Có vẻ ông ta không đoái gì đến hai đứa con gái. Chả chào chúng lấy một câu. Khi Zalachenko xuất hiện, mẹ chúng thường đưa chúng vào một gian phòng nhỏ và những lúc ấy chỉ khi mẹ cho phép chúng mới được ra. Một lần ông có đét Lisbeth hay đứa em gái nhưng chính là vì chúng làm ông ấy cáu hay vướng cẳng ông ấy như thế nào đó. Bạo hành dồn hết cả vào mẹ chúng.
– Lạy Chúa. Tội nghiệp Lisbeth.
Palmgren gật.
– Lisbeth kể hết chuyện này với tôi không lâu trước khi tôi ốm. Đấy là lần đầu tiên cô ấy nói thẳng về những gì đã xảy ra. Tôi đã quyết định là đến lúc phải xóa bỏ lời tuyên bố ngu xuẩn về việc cô ấy không thể tự cai quản cùng với mọi thứ. Lisbeth cũng thông minh như bất kỳ ai mà tôi biết, tôi đã chuẩn bị đưa trường hợp của cô ấy lên tòa án quận. Rồi tôi bị đột quỵ… rồi khi tỉnh lại thì tôi ở đây.
Một nữ y tá gõ cửa mang cà phê vào. Palmgren ngồi im cho đến khi cô đi ra.
– Trong chuyện của Lisbeth có một số việc tôi không hiểu. – Ông nói. – Agneta bị buộc đi bệnh viện cả hàng chục lần. Tôi đã đọc y bạ của bà ấy. Rõ ràng bà ấy là nạn nhân của sự hành hung ở mức độ nghiêm trọng và cần có phúc lợi xã hội can thiệp. Nhưng không xảy ra chuyện gì hết. Bất cứ khi nào mẹ cần được điều trị thì Lisbeth và Camilla lại phải ở tại cơ sở cấp cứu nhưng vừa được cho ra viện là bà ấy đã phải về ngay nhà và chờ đi cấp cứu lần sau. Tôi chỉ có thể nói đó là sự sụp đổ của toàn bộ mạng lưới bảo hiểm xã hội còn Agneta thì quá khiếp hãi đến mức không thể làm được gì khác ngoài việc chờ kẻ hành hạ mình mò đến. Rồi một cái gì đó đã xảy ra. Lisbeth gọi nó là “Tất cả Xấu xa”.
– Là cái gì vậy?
– Zalachenko lần ấy đi đâu lâu mấy tháng. Lisbeth đã sang tuổi mười hai. Có vẻ cô ấy bắt đầu nghĩ thôi thì ông hãy đi mãi đi cho khuất mắt. Nhưng dĩ nhiên ông ta không. Một hôm ông ta quay về. Trước tiên Agneta đưa hai con gái vào trong gian phòng bé. Rồi lên giường với Zalachenko. Thế rồi ông ta đánh bà. Đánh người thì ông ta sướng mà. Nhưng lần này hai đứa con gái không bị khóa… Chúng đã phản ứng khác hẳn. Camilla hãi khiếp vía lên vì một ai đó sẽ phát hiện ra là nhà cô đang có chuyện. Cô bé này nén đi hết mọi thứ, làm ra vẻ mẹ mình không hề bao giờ bị đánh. Khi bố thôi hành hạ mẹ, cô ta có thể đi vào ôm lấy bố, làm như mọi sự đều tốt đẹp cả.
– Cách này là để tự vệ cho mình, chắc thế.
– Đúng. Nhưng Lisbeth lại là một kiểu phản ứng hoàn toàn khác. Lần này cô ngăn không cho bố hành hạ mẹ. Cô vào bếp lấy một con dao rồi đến đâm vào vai Zalachenko. Cô đâm năm nhát rồi ông bố mới cố lấy được con dao và đấm vào mặt cô. Xem vẻ ông ta không bị thương nặng nhưng ông ta chảy máu như một con lợn bị chọc tiết rồi chạy đi.
– Nghe đúng là Lisbeth.
Palmgren cười kha kha.
– Đúng, nghe đúng là Lisbeth. Đừng có đánh nhau với Lisbeth Salander nhé. Với thế giới, thái độ của cô ấy là nếu ai đó dọa cô ấy bằng khẩu súng lục thì cô ấy sẽ tìm khẩu súng bự hơn. Chính điều này làm cho tôi sợ ghê gớm về chuyện gì đang diễn ra ngay lúc này.
– Vậy “Tất cả Xấu xa” là như thế đấy ư?
– Không, không. Rồi hai chuyện nữa xảy ra. Tôi không hiểu được chuyện này là thế nào. Zalachenko bị thương phải đi bệnh viện. Lẽ ra phải có một biên bản của cảnh sát.
– Nhưng?
– Nhưng như tôi phát hiện, tuyệt đối không có hồi âm nào. Lisbeth nhớ là có một người đến nói chuyện với mẹ. Cô không biết nói gì và người ấy là ai. Rồi mẹ cô bảo Zalachenko tha thứ cho cô mọi cái.
– Tha thứ?
– Cô ấy nói như thế mà.
Và thình lình Blomkvist hiểu.
Bjorck. Hay một đồng nghiệp của Bjorck. Dọn dẹp hậu sự cho Zalachenko. Con mẹ những con lợn này. Anh nhắm mắt lại.
– Gì thế?
– Tôi nghĩ là tôi biết chuyện gì xảy ra rồi. Và có người sẽ phải trả giá ở đây. Nhưng ông nói tiếp đi.
– Zalachenko đi mấy tháng. Lisbeth chờ ông ta và chuẩn bị. Cô ấy trốn học hàng ngày để theo dõi mẹ. Cô ấy sợ muốn chết về chuyện Zalachenko có thể làm cho mẹ bị thương. Mười hai tuổi, cô ấy đã thấy mình có trách nhiệm với người mẹ vốn không dám đi báo cảnh sát và đoạn tuyệt với Zalachenko, hay không hiểu được tình cảnh nghiêm trọng như thế nào. Nhưng cuối cùng hôm Zalachenko đến, Lisbeth lại đi học. Cô về nhà đúng lúc ông bố rời đi. Ông ta không nói gì với cô, chỉ cười chế nhạo. Lisbeth vào nhà thấy mẹ bất tỉnh ở trên sàn bếp.
– Nhưng Zalachenko không đụng đến Lisbeth à?
– Đúng. Cô ấy bắt kịp ông bố khi ông ta lên xe. Ông ta hạ kính cửa xuống, có lẽ để nói cái gì đó. Lisbeth đã sẵn sàng. Cô ấy ném một hộp sữa đựng đầy xăng vào trong xe. Rồi ném theo một que diêm đã cháy.
– Trời.
– Cô ấy đã hai lần cố giết bố. Lần này có kết quả. Một người ở trong xe hơi bốc cháy như cây đuốc thì rất dễ bị để ý.
– Nhưng ông ta sống sót.
– Ông ta đau đớn kinh khủng. Một chân bị cưa cụt. Mặt và nhiều chỗ trên người bị bỏng nặng. Và Lisbeth cuối cùng vào bệnh viện tâm thần Thánh Stefan cho thiếu niên.
Mặc dù đã thuộc lòng từng chữ, Salander vẫn đọc lại một lần nữa tài liệu về mình mà cô tìm thấy trong hộp hồ sơ của Bjurman. Cô ngồi ở ghế bên cửa sổ, mở hộp thuốc lá Miriam Wu cho. Cô châm một điếu thuốc và nhìn về phía Djurgarden. Cô phát hiện ra một vài điều về đời mình mà trước kia cô chưa bao giờ biết.
Quá nhiều điều đã trở về với chỗ của chúng đến nỗi cô đâm ra bình tĩnh hẳn lại. Cô chú ý trên hết tới bản báo cáo Bjorck viết hồi tháng Hai năm 1991. Cô không biết chắc trong số những người lớn tuổi nói chuyện với cô thì người nào là Bjorck nhưng cô nghĩ là cô biết. Hắn đã tự giới thiệu với một cái tên khác. Sven Jansson. Cô nhớ từng nét trên mặt hắn, từng lời hắn nói, từng cử chỉ hắn đã làm trong ba dịp cô gặp hắn.
Tất cả câu chuyện là một thảm họa.
Zalachenko bốc cháy đùng đùng ở trong xe. Ông ta cố mở cửa ra, lăn lộn trên mặt đường nhưng chân ông ta bị vướng vào thắt lưng an toàn nên mắc kẹt 4d91 ở trong xe. Người ta chạy vội đến dập ngọn lửa. Một xe cứu hỏa đến đã làm tắt đám cháy. Xe cứu thương đến, cô đã cố làm cho các bác sĩ không biết đến Zalachenko để mà vào xem ngay cho mẹ. Họ đã gạt cô ra. Cảnh sát đến, có những người chứng kiến chỉ vào cô. Cô cố giải thích chuyện xảy ra nhưng xem ra không ai nghe cô cả. Rồi thình lình cô lên ngồi ở ghế sau của xe cảnh sát. Rồi phải mất hàng phút, hàng phút, cả hàng phút rồi gần như phải một giờ nữa, cuối cùng cảnh sát mới vào nhà tìm thấy mẹ cô.
Agneta Sofia Salander mê man bất tỉnh. Não bà bị tổn thương. Trong một loạt dằng dặc những lần xuất huyết não nho nhỏ do đánh đập gây nên thì đây là tổn thương đầu tiên. Bà không bao giờ phục hồi được nữa.
Nay Salander hiểu tại sao không có ai đọc báo cáo của cảnh sát, tại sao Palmgren toan tung nó ra thì đã thất bại, và tại sao công tố viên Ekstrom chỉ huy cuộc lùng kiếm cô thì lại không sờ tay vào nó được. Nó không do cảnh sát bình thường viết ra. Một tên sâu bọ nào đó trong Cảnh sát An ninh đã dựng ra nó. Có con dấu cao su đúc đóng ở đó nói rằng căn cứ vào luật an ninh quốc gia, bản báo cáo này đã được xếp loại Tối Mật.
Zalachenko đã làm việc cho Sapo.
Không phải là báo cáo. Là một tấm màn che đậy. Zalachenko quan trọng hơn Agneta Salander. Không được nhận diện hay phơi bày ông ra. Zalachenko không tồn tại.
Vấn đề không phải là Zalachenko – vấn đề là Lisbeth Salander, con nhãi ranh điên rồ đe dọa làm vỡ lở tanh bành ra một trong những bí mật quan trọng của đất nước.
Một bí mật mà cô chả biết tí nào về nó. Cô ngẫm nghĩ. Zalachenko vừa đến Thụy Điển đã sớm gặp mẹ cô ngay. Ông đã tự giới thiệu với tên họ thật. Có lẽ lúc ấy ông chưa được cho bí danh hay căn cước Thụy Điển, hay là ông không dùng đến nó với bà. Bà chỉ biết tên họ thật của ông. Nhưng ông đã được Chính phủ Thụy Điển cho một tên mới. Điều đó giải thích vì sao trong những năm đó cô không bao giờ tìm ra được tên ông trong bất cứ sổ đăng ký công cộng nào.
Cô đã hiểu ra. Nếu Zalachenko bị lên án hành hung với mức độ nghiêm trọng thì trước tiên luật sư của Agneta Salander sẽ bắt tay nhòm vào tung tích ông. Ông làm ở đâu, Zalachenko? Tên họ thật của ông là gì? Ông người ở đâu? Nếu Salander rút cục đi đến với dịch vụ xã hội thì có thế một ai đó sẽ bắt đầu đào bới quanh. Cô quá bé, tòa không kết án được nhưng nếu điều tra rất kỹ vào chi tiết của vụ tấn công bằng bom xăng thì chuyện kết án có thể xảy ra. Cô tưởng tượng ra được các đầu đề trên báo. Điều tra lẽ ra cần phải được một người đáng tin cậy tiến hành. Thế rồi cộp cho một con dấu Tối Mật và vùi bản báo cáo đi thật sâu để không ai tìm ra được nó. Như Salander cũng cần phải được chôn cho thật sâu để không ai còn tìm ra cô nữa.
Gunnar Bjorck.
Bệnh viện Thánh Stefan.
Peter Teleborian.
Lời giải thích đã làm cho cô điên lên.
Chính phủ yêu dấu… Tôi sẽ có một buổi chuyện trò nghiêm túc với các vị nếu như tôi tìm ra một ai đó để mà nói.
Cô thầm nghĩ lơ mơ. Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội sẽ nghĩ thế nào về việc có một quả bom xăng quăng vào cửa trước của bộ họ. Nhưng do không có ai khác nhận trách nhiệm thì Teleborian là một chân thay thế tốt. Cô nhẩm tính khi thu dọn xong chỗ rối ren còn lại này thì cô sẽ nói chuyện nghiêm chỉnh ngay với ông ta.
Nhưng cô vẫn chưa biết hết toàn bộ bức tranh. Sau ngần ấy năm Zalachenko thình lình lại tái xuất với đời. Ông có nguy cơ bị Svensson phơi trần. Hai phát súng. Svensson và Johansson. Khẩu súng có dấu tay của cô ở trên…
Zalachenko hay một ai khác được ông cử đi bắn có thể đã không biết được rằng cô đã tìm thấy khẩu súng đó ở cái hộp trong ngăn kéo bàn làm việc của Bjurman rồi cầm lấy nó. Thuần túy tình cờ nhưng với cô thì rõ ràng là giữa Bjurman và Zala đã có quan hệ từ đầu.
Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết gắn lại. Cô nghĩ tới nghĩ lui, cố tuần tự gá lại vào nhau các miếng của ván chơi ghép hình.
Chỉ có một câu trả lời hợp lý mà thôi.
Bjurman.
Bjurman đã điều tra vào đời cô. Hắn đã phát hiện ra mối quan hệ. Hắn đã quay sang với Zalachenko. Cô có đĩa video Bjurman hiếp cô. Đó là thanh gươm treo trên cổ hắn. Có lẽ hắn mơ tưởng Zalachenko có thể sẽ bắt được cô bỏ cuộc.
Cô nhảy xuống khỏi ghế, mở ngăn kéo bàn làm việc lấy ra chiếc đĩa DVD có chữ Bjurman viết bằng bút dạ. Cô cũng không để nó vào cả túi ni lông. Cô chưa nhòm đến nó từ khi cô cho Bjurman xem tận mắt chính hắn ta ở trên màn hình hai năm trước. Cô cân nhắc nó trong tay rồi lại để vào ngăn kéo bàn làm việc.
Bjurman là đứa ngu. Chỉ cần hắn giữ khoảng cách thì cô sẽ buông hắn ngay khi hắn tìm cách rút bỏ được lời tuyên bố cô không thể tự quản. Hắn đã mãi mãi biến ra thành con chó kiểng mà Zalachenko ôm ở trong lòng và đó là một trừng phạt công bằng.
Mạng lưới của Zalachenko. Một vài xúc tu của nó vươn dài ra tuốt đến tận Câu lạc bộ Xe máy Svavelsjo.
Thằng khổng lồ tóc vàng.
Hắn là chiếc chìa khóa của cô.
Cô phải gặp hắn và bắt hắn nói ra chỗ của Zalachenko.
Cô châm một điếu thuốc khác và nhìn ra bức thành ở gần Skeppsholmen. Cô nhìn tít ra tới đường sắt của khu giải trí ở Grona Lund. Cô đang tự nói chuyện với mình. Và bằng cái giọng cô đã nghe thấy một lần ở trong một bộ phim, cô nói:
Bô ô ô ô ô ố, con đang đến gặp bố đây.
7 giờ, cô bật tivi, bắt kịp những diễn biến mới nhất của cuộc săn lùng Lisbeth Salander. Cô ngạc nhiên với những cái cô nhìn thấy.
Cuối cùng sau 8 giờ tối, Bublanski đã gọi được Faste ở di động của ông ta. Không đùa bỡn như mọi bận. Ông không hỏi Faste đã làm được đến đâu mà lạnh lùng cho chỉ thị.
Không chịu hơn được nữa với màn xiếc sáng nay ở trụ sở cảnh sát, Faste đã làm một việc trước đây ông chưa từng trong giờ làm việc. Ông bỏ ra ngoài thị trấn. Tắt di động, ông đến ngồi ở quán bar tại Ga trung tâm, uống hai lon bia trong khi người cứ sôi lên vì giận dữ.
Rồi ông về nhà, tắm và đi ngủ.
Ông cần ngủ để lấy lại sức.
Ông thức dậy đúng vào lúc có mục Rapport và mắt ông gần như đã nổ lòi ra khi ông nghe các tin hàng đầu. Đào được các xác chết ở Nykvarn. Salander đã bắn một thủ lĩnh của Câu lạc bộ Xe máy Svavelsjo. Cảnh sát săn lùng khắp các ngoại thành phía nam. Lưới vây đang thắt chặt lại.
Ông mở di động.
Gần như lập tức cha nhắng Bublanski gọi. Ông ta nói nay cuộc điều tra đang chuyển hướng chú ý sang nhận diện một kẻ giết người có thể là khác và Faste cần thay thế Holmberg tại hiện trường gây án ở Nykvarn. Trong việc mở lại cuộc điều tra Salander, Faste được giao đi nhặt các đầu mẩu thuốc lá ở trong rừng. Những người khác thì săn lùng Salander.
Cái đồ quỷ gì mà bọn Câu lạc bộ Xe máy Svavelsjo lại dính bết vào tất cả trò này?
Khéo mà con đĩ ô môi Modig đã lý sự gì đó rồi chăng.
Không thể như thế được.
Chắc phải là Salander.
Ông muốn mình sẽ là người bắt cô ta. Ông muốn bắt Salander dữ dằn đến nỗi mới chỉ nghĩ thế thôi mà gần như tay ông đã thấy đau trong khi nắm chiếc di động.
Palmgren điềm đạm nhìn Blomkvist đi đi lại lại ở trước cửa sổ gian phòng nhỏ. Đã sắp 7 rưỡi tối và họ nói chuyện liền trong gần một giờ đồng hồ. Cuối cùng Palmgren đập tay lên bàn để cho Blomkvist chú ý.
– Ngồi xuống chứ không thì vẹt hết cả giầy rồi kia. – Ông nói.
Blomkvist ngồi xuống.
– Tôi không hiểu được mối liên hệ của tất cả những bí mật này cho đến khi ông giải thích cho hay về lai lịch của Zalachenko. Tất cả những gì tôi thấy là những điều khẳng định của Lisbeth nhận rằng mình bị bệnh tâm thần.
– Peter Teleborian.
– Hắn chắc đã có bàn bạc gì với Bjorck. Chắc chúng đã phải làm việc với nhau như thế nào đó.
Palmgren đăm chiêu gật đầu. Xảy ra bất cứ sự gì thì Teleborian sẽ là đối tượng mà báo chí quan sát kỹ.
– Lisbeth nói tôi phải ở cho xa ông ấy. Rằng ông ấy xấu xa.
Palmgren nhìn rọi vào anh.
– Cô ấy nói khi nào?
Blomkvist không nói một lúc. Rồi anh mỉm cười nhìn Palmgren.
– Nhiều bí mật hơn nữa cơ, con khỉ. Tôi đã liên hệ với cô ấy khi cô ấy đang lẩn trốn. Tin tức từ phía cô ấy chỉ là những tin mã hóa ngắn nhưng cô ấy luôn đưa tôi vào hướng đúng.
Palmgren thở dài.
– Và dĩ nhiên là anh không báo cảnh sát.
– Đúng. không báo.
– Vậy thì anh cũng không phải bảo tôi. Cô ấy khá giỏi máy tính.
Ông không biết giỏi đến cỡ nào đâu.
– Tôi rất tin là cô ấy có bản lĩnh tự lập. Cô ấy có thể gian nan nhưng cô ấy là kẻ sống sót.
Không gian nan đến thế đâu. Cô ấy tháu được ba tỉ curon. Cô ấy sẽ không đói mà. Cô ấy là một cái túi đầy những vàng, hệt như Pippi Tất dài.
– Điều mà tôi hoàn toàn không hiểu, – Blomkvist nói, – là tại sao trong cả từng ấy năm trời ông lại không đưa vụ cô ấy ra tòa.
Palmgren lại thở dài. Ông thấy buồn vô hạn.
– Tôi đã không đầy phận với cô ấy. – Ông nói. – Khi tôi làm giám hộ, cô ấy chỉ là một trong cả loạt thanh thiếu niên khó khăn có vấn đề. Tôi phải giải quyết với cả chục người khác nữa. Tôi được Stefan Bradhensjo lúc đó làm Bộ trưởng Bộ Phúc lợi phân công. Lúc đó cô ấy đã ở bệnh viện Thánh Stefan và năm đầu tiên tôi không gặp cô ấy. Tôi có nói chuyện với Teleborian hai lần, ông ấy giải thích rằng cô ấy bị bệnh tâm thần và cô ấy được chăm sóc hết mức cho phép. Tôi tin ông ấy. Sao lại không chứ? Nhưng tôi cũng nói chuyện với Jonas Beringer lúc đó là bác sĩ trưởng ở bệnh viện. Tôi nghĩ ông ta không liên can gì đến vụ cô ấy. Ông ấy làm một đánh giá theo yêu cầu của tôi và chúng tôi đồng ý cố đưa cô ấy trở lại với xã hội bằng cách cho đến ở trong một gia đình đỡ đầu. Lúc đó cô ấy mười lăm.
– Và ông đã nâng đỡ cô ấy trong ngần ấy năm đó.
– Chưa đủ đâu. Tôi đứng về phía cô ấy từ cái vụ ở hầm xe điện ngầm. Lúc ấy tôi đã biết và rất mến cô ấy. Cô ấy hăng hái. Tôi đã ngăn họ đưa cô ấy về lại bệnh viện. Muốn thế thì phải để cho cô ấy bị tuyên bố không thể tự cai quản và tôi được cử làm người giám hộ.
– Cho là Bjorck đã không chạy quanh vận động tòa án ra quyết định gì. Chạy sẽ khiến mọi người chú ý. Hắn muốn nhốt cô ấy lại và hắn tính vẽ ra cho cô ấy một chân dung nhợt nhạt thông qua các đánh giá tâm thần của Teleborian và những người khác, cho rằng như thế tòa án sẽ có được kết luận lôgíc. Không ngờ tòa lại theo yêu cầu của ông.
– Tôi không bao giờ nghĩ nên cho cô ấy chịu chế độ giám hộ. Nhưng nói cho ngay thẳng, tôi đã không làm nhiều để lật ngược lại quy định. Lẽ ra tôi phải làm sớm hơn và ép mạnh hơn. Nhưng tôi hoàn toàn bị Salander mê hoặc và… Tôi luôn lần lữa. Tôi có nhiều việc phải làm quá. Thế rồi tôi bị bệnh.
– Tôi nghĩ ông không nên trách mình. Những năm qua không ai trông nom cho lợi ích của cô ấy tốt hơn ông.
– Vấn đề vẫn cứ là tôi không được biết đầy đủ. Lisbeth là thân chủ của tôi nhưng cô ấy không bao giờ hé ra một lời nào về Zalachenko. Sau khi ra khỏi Thánh Stefan vài năm rồi cô ấy mới tỏ ra là tin tôi đôi chút. Chỉ sau khi nghe tòa quyết định tôi mới cảm thấy cô ấy đang rất tà tà bắt đầu giao lưu với tôi, ở ngoài các thủ tục cần thiết.
– Sao cô ấy lại quay ra nói với ông về Zalachenko?
– Tôi cho rằng bất chấp mọi cái, cô ấy đã bắt đầu tin tôi. Ngoài ra trong vài dịp, tôi đã nêu vấn đề rút bỏ lời tuyên bố không thể tự quản cho cô ấy. Có vẻ cô ấy đã nghĩ đến điều đó nên một hôm cô ấy gọi và bảo muốn gặp tôi. Cô ấy đã thôi nghĩ về chuyện kia, và cô ấy kể cho tôi tất cả đầu đuôi về Zalachenko cũng như cô ấy nhìn nhận như thế nào các chuyện đã xảy ra. Chắc ông cũng đánh giá rằng tiếp thu như thế là nhiều với tôi. Nhưng tôi bắt đầu bới thẳng vào câu chuyện. Thì trong bất cứ kho dữ liệu nào ở khắp Thụy Điển, tôi cũng đều không tìm ra được một Zalachenko nào. Đôi khi tôi nghĩ hay là cô ấy tưởng tượng ra các trò đó.
– Khi ông ốm thì Bjurman thành giám hộ của cô ấy. Cái đó không thể là chuyện ngẫu nhiên được.
– Đúng. Vì chúng ta chưa chứng minh được chỗ đó nên tôi không biết nhưng nếu chịu cố gắng vất vả cho đủ thì chúng ta cũng tìm ra được… ai là người tiếp quản chuyện này sau Bjorck cũng như chịu trách nhiệm thu dọn sạch sẽ vụ Zalachenko.
– Tôi không nghĩ Lisbeth lại tuyệt đối từ chối nói chuyện với các nhà tâm lý học hay các nhà chức trách. – Blomkvist nói. – Mỗi lần cô ấy nói thì vấn đề lại đâm ra tệ hơn. Cô ấy cố nói rõ nhưng không ai nghe. Một đứa trẻ tự lập hoàn toàn, cô ấy đã cố cứu mẹ và tự bảo vệ chống lại một bác sĩ tâm thần. Cuối cùng cô ấy làm có mỗi một việc mà cô ấy tự thấy là làm được. Thế là thay vì nói “em làm tốt” hay “cô gái này ngoan” thì họ đem cô ấy nhốt vào bệnh viện tâm thần.
– Không có thẳng tuột như thế đâu. Tôi mong ông hiểu cho rằng ở Lisbeth đang có một cái gì đó thực sự trục trặc. – Palmgren nói gắt.
– Ông nói là ý gì?
– Ông biết là cô ấy đã có lắm rắc rối khi đang lớn lên, còn khi đi học thì có nhiều vấn đề cùng mọi thứ.
– Các cái này báo chí đã nói hết cả rồi. Còn nếu có một tuổi thơ giống như cô ấy thì tôi đi học cũng bị lôi thôi như thế mà thôi.
– Các vấn đề của cô ấy vượt ra ngoài các vấn đề cô ấy gặp ở trong gia đình. Tôi đã đọc hết các bản đánh giá tâm thần nhưng không hề thấy có một chẩn đoán nào hết. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên đồng ý là Lisbeth Salander không giống với người bình thường. Ông đã đánh cờ với cô ấy chưa?
– Chưa.
– Trí nhớ của cô ấy như máy ảnh.
– Tôi biết. Khi làm việc với cô ấy, tôi đã nhận ra chỗ đó.
– Cô ấy thích các câu đố rắc rối. Một lần cô ấy đến chỗ tôi ăn tối Giáng sinh, tôi đã rủ cô ấy giải quyết một số vấn đề trong bản trắc nghiệm thông minh Mensa. Kiểu ấy nó thế này: họ đưa ra cho ông năm biểu tượng giống nhau rồi ông phải quyết định cái thứ sáu nom sẽ như thế nào.
– Tôi biết cái đó.
– Tôi đã thử làm và làm đúng được có một nửa. Tôi đã loay hoay mất hai buổi tối. Cô ấy nhìn vào tờ giấy là trả lời trúng phắp ngay từng câu hỏi à.
– Lisbeth là một cô gái rất đặc biệt.
– Cô ấy rất khó quan hệ với người. Tôi đồ chừng cô ấy có hội chứng bệnh Asperger hay một cái gì tương tự. Nếu ông đọc miêu tả lâm sàng của các bệnh nhân bị Asperger thì xem ra có những cái rất trúng với Lisbeth nhưng lại có những hội chứng ta không tìm thấy một tí nào ở cô ấy cả. Ông để ý thấy đấy, với những ai để cho cô yên và đối xử tôn trọng thì cô ấy không hề nguy hiểm mảy may. Nhưng cô ấy hung bạo, cái này thì khỏi nghi ngờ đi. – Palmgren nói khẽ. – Nếu bị khiêu khích hay đe dọa, cô ấy sẽ hung bạo đánh trả cho phải phát khiếp.
Blomkvist gật đầu.
– Vấn đề là bây giờ chúng ta làm gì? – Palmgren nói.
Vừa lúc ấy bác sĩ Sivarnandan gõ cửa đi vào.
– Tôi hy vọng không quấy phá các vị. Nhưng nếu các vị quan tâm đến Lisbeth Salander thì các vị có thể mở tivi ra nghe tin xem.