Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Chương 70



Cùng lúc đó, Lev nâng cốc lên trước mặt những người cùng đi.

– Vì cuộc gặp gỡ của chúng ta!

Anh đã dẫn hai tu sĩ vào một nhà hàng nhỏ ở Trastevere, khu phố đông dân của Roma. Khách hàng chỉ toàn là người Ý, đang ngấu nghiến những suất pasta khổng lồ.

– Tôi khuyên các ông dùng món penne arrabiate của họ. Món ăn được nấu theo kiểu gia đình, tôi thường đến đây sau mỗi buổi hòa nhạc: họ đóng cửa rất muộn, chúng ta sẽ có thời gian để làm quen với nhau.

Từ khi họ đến nhà hàng, cha Nil vẫn im lặng: người Isarel này không thể không nhận ra ông. Nhưng Lev, vui vẻ hồn nhiên và rất thoải mái, có vẻ như không nhận thấy sự im lặng của người đối diện. Anh trao đổi với Leeland về những kỉ niệm thời xa xưa, cuộc gặp gỡ của họ ở Isarel, những phát hiện của họ trong âm nhạc.

– Thời kì đó, ở Jerusalem, cuối cùng chúng tôi cũng có thể sống lại sau cuộc chiến Sáu Ngày. Tư lệnh Ygaël Yadin hẳn đã rất muốn tôi ở lại Tsahal cùng ông ấy…

Lần đầu tiên, cha Nil tham gia vào câu chuyện:

– Nhà khảo cổ học nổi tiếng đó, anh biết ông ấy à?

Lev chờ cho đến khi ba đĩa pasta bốc khói được đặt trước mặt họ rồi mới quay sang cha Nil. Anh bĩu môi rồi mỉm cười.

– Tôi không chỉ biết ông ấy, mà nhờ có ông ấy tôi đã trải qua một cuộc phiêu lưu không hề ngớ ngẩn. Ông là một chuyên gia về các văn tự cổ, một người nghiên cứu, hẳn điều này sẽ khiến ông quan tâm…

Cha Nil có cảm giác khó chịu vì bị rơi vào một cái bẫy. “Làm sao anh ta lại biết mình là một chuyên gia và một nhà nghiên cứu nhỉ? Tại sao anh ta lại dẫn bọn mình đến đây?” Không thể trả lời, ông quyết định cứ để Lev tự bộc lộ, và im lặng đồng ý.

– Năm 1947 tôi lên tám, chúng tôi sống ở Jerusalem. Cha tôi là bạn của một nhà khảo cổ trẻ thuộc trường Đại học Do thái, Ygaël Yadin: tôi lớn lên bên ông ấy. Khi đó ông ấy hai mươi tuổi, và cũng giống như tất cả những người Do Thái khác sống ở Palestin, ông ấy có một cuộc sống kép: là sinh viên, nhưng chủ yếu là chiến sĩ thuộc Hagana[[44]] và nhanh chóng trở thành tư lệnh. Tôi biết điều đó, tôi vô cùng ngưỡng mộ ông ấy và chỉ mơ ước có một điều: cũng được chiến đấu cho đất nước tôi.

– Ở tuổi lên tám?

– Rembert, những chiến sĩ đáng gờm của Palmakh[[45]] và Hagana đều là thiếu niên, ngây ngất phấn khích trước sự hiểm nguy! Họ không ngần ngại kêu gọi trẻ em chuyển tải các thông điệp của họ, chúng tôi không có bất kỳ phương tiện thông tin nào. Sáng ngày 30 tháng Mười một, Liên hợp quốc chấp thuận việc thành lập một Nhà nước Do Thái. Chúng tôi biết rằng chiến tranh sẽ nổ ra: Jerusalem bị bao phủ bởi dây thép gai, từ đó trở đi, chỉ một đứa trẻ mới có thể đi lại trong thành phố mà không cần có giấy thông hành.

– Đó là điều anh đã làm?

– Tất nhiên: Yadin bắt đầu dùng đến tôi hàng ngày, tôi được nghe mọi chuyện xoay quanh ông. Một buổi tối, ông ấy đã nói về một phát hiện kỳ lạ: khi đuổi theo một con dê trong vùng vách đá nhô ra ở biển Chết, một người Ả Rập di cư đã bắt gặp một cái hang. Bên trong, anh ta thấy có những cái vại chứa những cái gói phủ dầu mà anh ta bán với giá năm pound cho một người thợ giày theo đạo Cơ đốc ở Bethlehem. Người này giao lại cho Giáo chủ Samuel, cấp trên của tu viện Saint-Marc, nằm trong phần đất của Jerusalem vừa mới thuộc về người Ả Rập.

Cha Nil dỏng tai lên: ông đã từng nghe nói đến câu chuyện phiêu lưu huyền hoặc của các bản thảo vùng biển Chết. Sự nghi ngại trong ông biến mất tức thì: ông đang đối diện với một nhân chứng trực tiếp, một cơ hội hoàn toàn bất ngờ đối với ông.

Vừa thưởng thức món penne, Lev vừa liếc mắt nhìn cha Nil, vẻ quan tâm đột nhiên của ông có vẻ khiến anh vui thích. Anh tiếp tục:

– Giáo chủ Samuel yêu cầu Yadin nhận dạng các bản thảo này. Phải đi qua thành phố, đến Saint-Marc, mỗi con phố là một điểm phục kích. Yadin đeo vào cổ tôi một chiếc tạp dề và một chiếc cặp học sinh, và chỉ cho tôi hướng đi đến tu viện. Tôi đã luồn lách giữa những chướng ngại vật của người Anh, những xe tăng của người Ả rập, những trung đội thuộc Hagana: tất cả đều ngừng bắn một lát để cho đứa trẻ là tôi đi đến trường! Trong cặp, tôi mang từ tu viện về hai cuộc giấy, và Yadin ngay lập tức hiểu ra đó là cái gì: những bản thảo cổ nhất chưa từng được phát hiện trên đất Isarel, một kho báu theo luật phải thuộc về Nhà nước Do Thái mới.

– Ông ấy đã làm gì với chúng?

– Ông ấy không thể giữ chúng, vì như thế là ăn cắp. Ông đã trả chúng lại cho Giáo chủ, và cho họ biết ông sẵn sàng mua lại tất cả các bản thảo mà những người Ả Rập di cư phát hiện được trong các hang đá ở Qumran. Mặc dù đang có chiến tranh, nhưng tin tức đã lan đi: người Mỹ ở Trường học Mỹ phương Đông và các thầy tu Pháp dòng Dominique thuộc Trường thánh ở Jerusalem đã tổ chức bán đấu giá. Không cần bước quá độ, Yadin chuyển ngay từ việc chỉ huy các chiến dịch quân sự sang những vụ mặc cả bí mật với các thương gia đồ cổ ở Bethlehem và Jerusalem. Người Mỹ đã vơ hết…

– Tôi biết, cha Nil cắt ngang, ở tu viện tôi đã xem được các bản sao của Thư viện Huntington.

– A, các ông đã nhận được một bản à? Rất ít người có may mắn đó, tôi hy vọng rằng một ngày nào đó chúng sẽ được xuất bản. Và thế là tôi đã vô tình trở thành người gây ra một vụ rắc rối, hẳn ông sẽ quan tâm…

Anh đẩy chiếc đĩa của mình ra, tự rót cho mình một cốc vang. Cha Nil nhận thấy gương mặt anh đột nhiên đanh lại – giống như trên tàu, giống như khi anh chơi nhạc của Rachmaninov!

Sau một lát im lặng, Lev cố gắng tiếp tục:

– Một hôm, Giáo chủ Samuel cho Yadin biết ông ta sở hữu hai tài liệu được bảo quản đặc biệt tốt. Người Ả Rập di cư kia đã tìm thấy chúng khi đến hang lần thứ hai, trong chiếc vại thứ ba ở bên trái từ cửa vào, bên cạnh bộ xương của một người hẳn đã từng là Hiệp sĩ vì vẫn còn được bọc trong một chiếc áo choàng trắng có dấu thập đỏ. Tôi lại một lần nữa đi qua thành phố và mang về cho Yadin thứ được tìm thấy trong chiếc vại: một cuộn to bọc ngoài bằng vải dầu, và một tấm giấy da nhỏ – chỉ có duy nhất một mảnh, buộc sơ sài bằng một sợi lanh. Trong căn phòng mà ông ấy dùng làm đại bản doanh, dưới làn bom, Yadin đã mở cuộn giấy có bề mặt phủ đầy những kí tự Do thái: đó là Sổ tay môn đồ của người Esseni. Rồi ông mở tấm giấy da, nó được viết bằng tiếng Hy Lạp, và dịch to dòng đầu tiên trước mặt tôi. Khi đó tôi là một đứa trẻ, nhưng tôi vẫn nhớ: “Ta, môn đồ cưng, tông đồ thứ mười ba, gửi đến tất cả các Giáo hội…”

Cha Nil tái mặt, và nắm chặt bộ đồ ăn để kiềm chế:

– Anh chắc chứ? Có đúng là anh đã nghe thấy “môn đồ cưng, tông đồ thứ mười ba” không?

– Tuyệt đối đúng. Yadin có vẻ bị đảo lộn. Ông ấy đã nói với tôi rằng ông ấy chỉ quan tâm đến các bản thảo bằng tiếng Do Thái, vì chúng là di sản của Isarel: bức thư được viết bằng thứ tiếng Hy Lạp giống như trong các Kinh Thánh này có liên quan đến người Cơ đốc, phải trả lại nó cho Giáo chủ. Ông ấy đã giữ lại Sổ tay môn đồ, và nhét vào cặp sách của tôi một tập đô la, kèm theo đó là tấm giấy da nhỏ viết chữ Hy Lạp. Rồi ông ấy cho tôi quay lại Saint-Marc, giữa màn bom.

Cha Nil sững sờ. “Anh ta đã cầm trong tay bức thư của tông đồ thứ mười ba, bản duy nhất thoát khỏi Giáo hội – có thể còn là bản chính!”

Gương mặt vẫn đanh lại, Lev tiếp tục:

– Đến cách tu viện khoảng một trăm mét, một viên đạn cối rơi trên phố: tôi bị hất tung lên, và bất tỉnh. Khi tôi mở mắt ra, một tu sĩ đang cúi xuống tôi. Tôi đang ở trong tu viện, da đầu bị rách từ dưới lên trên – anh nhăn mặt chạm vào vết sẹo – và chiếc cặp học sinh của tôi đã biến mất.

– Biến mất?

– Vâng. Tôi đã bất tỉnh hai mươi bốn giờ, ở giữa sự sống và cái chết. Khi Giáo chủ đến thăm tôi vào hôm sau, ông nói rằng một trong số các tu sĩ của ông đã nhặt được tôi trong phố và đưa lại cho ông chiếc cặp. Khi mở ra, ông ấy đã hiểu: Yadin trả tiền mặt cho bản thảo Qumran, nhưng không muốn mua bức thư bằng tiếng Hy Lạp. Bức thư này, ông ấy vừa bán cho một thầy tu dòng Dominique, cùng với một lô lẻ các bản thảo tiếng Do Thái mà những người Ả Rập di cư đã mang đến. Ông ấy còn vừa cười vừa nói thêm rằng ông ấy đã nhét tất cả, bức thư và các bản thảo, trong một thùng rượu cognac Napoleon rỗng, thứ mà ông ấy rất ham thích. Và rằng hình như thầy tu dòng Dominique đó hoàn toàn không biết gì về giá trị của những thứ mà ông ta vừa có được.

Những câu hỏi chất chồng trong đầu cha Nil.

– Anh có cho rằng Giáo hội đã đọc bức thư trước khi bán lại nó cho thầy tu này không?

– Tôi chả biết, nhưng nếu thế thì tôi sẽ rất ngạc nhiên. Giáo chủ Samuel có thể là bất kỳ người nào, nhưng không bao giờ là một học giả. Đừng quên chúng tôi đang trong thời chiến, ông ấy cần tiền để nuôi sống các tu sĩ của mình, và chăm sóc những người bị thương mà người ta chuyển đến tu viện mỗi lần hàng chục người. Đó không phải là lúc để tiến hành nghiên cứu các văn tự! Chắc chắn ông ấy đã không đọc bức thư.

– Thế còn… thầy tu dòng Dominique kia?

Lev quay sang ông: anh biết rằng câu chuyện này đã khiến tu sĩ nhỏ bé người Pháp kia quan tâm tột độ. “Thế theo ông, cha thân mến, tại sao tôi lại mời ông bữa tối nay? Chỉ để thưởng thức món bánh phủ xốt cay thôi sao?”

– Tôi đã nói với ông rồi, những kỉ niệm này khắc sâu trong trí nhớ của tôi. Rất lâu sau, trước khi chết, Yadin đã nói lại với tôi về bức thư, và yêu cầu tôi tìm lại dấu vết của nó. Tôi đã làm một điều tra nhỏ, dựa vào Mossad, tổ chức mà tôi đã trở thành… cứ cho là một cộng tác viên thời vụ. Có vẻ như đây là cơ quan tình báo tốt nhất thế giới, sau cơ quan tình báo của Vatican!

Lev rất vui vẻ và lại thể hiện thái độ phấn khởi của mình: mọi căng thẳng trên mặt anh đã biến mất.

– Thầy tu dòng Dominique đó thật ra là một thầy dòng cần vụ [[46]], một người trung hậu và hơi đần. Ngay trước khi Isarel tuyên bố độc lập, tình hình ở Jerusalem đã trở nên căng thẳng đến nỗi nhiều thầy tu bị bắt hồi hương về châu Âu. Hình như thầy tu đó đã nhồi vào hành lý của mình thùng rượu cognac Napoleon kia – ông ta hoàn toàn không biết về giá trị của nó, và mang nó theo tới tận Roma, nơi ông ta chấm dứt cuộc đời tại Tòa chung dòng Dominique, ở Aventin. Chúng tôi đã biết rằng thùng rượu không còn ở đó nữa, khi ông ta chết người ta không tìm thấy gì khác ngoài một tràng hạt bằng gỗ ô liu.

– Thế … nó có thể ở đâu được?

– Mỗi Tòa chung là một cơ quan hành chính, nó không lưu trữ những tài liệu vô ích. Hẳn là họ đã giao lại những thứ tài sản lẻ bộ đến từ Jerusalem cho Vatican, ở đó chắc chắn nó đã gia nhập đống đồ cũ mà người ta không biết dùng làm gì- hoặc người ta không muốn khai thác. Có lẽ nó đang ngủ quên đâu đó, trong góc của một trong những thư viện hoặc một căn phòng khuất nẻo nào đó của Thành phố Thánh: nếu người ta mở ra, thì rốt cuộc nó cũng sẽ được biết đến.

– Tại sao lại thế, Lev?

Bị lây sự thoải mái của người Israel, cha Nil gọi anh bằng tên riêng. Lev nhận thấy điều đó, và rót cho ông một cốc vang khác.

– Vì Ygaël Yadin đã đọc bức thư trước khi trả lại cho Giáo chủ. Và những điều ông ấy nói với tôi trên giường bệnh khiến tôi nghĩ rằng nó chứa đựng một bí mật kinh khủng, mà không một Giáo chủ nào, không một Nhà nước nào- dù kín như bưng và quân chủ như Vatican- có thể ngăn cản nó rò rỉ ra ngoài trong một thời gian dài. Nếu có ai đó đã nhìn thấy bức thư này, cha Nil ạ, thì hoặc giờ này người ấy đã chết, hoặc có lẽ Vatican và Giáo hội Cơ Đốc đã sụp đổ, và điều này hẳn sẽ gây tiếng vang lớn hơn cả cuộc chiến Israel-Ả Rập năm 1947, hơn cả các cuộc Thập Tự Chinh, hơn bất kỳ một sự kiện nào khác trong lịch sử phương Tây.

Cha Nil căng thẳng xoa mặt.

Hoặc giờ này người ấy đã chết…

Cha Andrei!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.