Truy Tìm Bức Tranh Thánh

Chương 8



Petrova ngồi bên bàn ăn, hỏi:

– Thêm một chút trứng cá nhé?

Romanov nhăn mặt. Vẻ mặt giả vờ “nhận được thông tin tối quan trọng” của anh chỉ giãn ra khi trên mặt của cô bạn đường ánh lên nụ cười ngụ ý biết tỏng mọi chuyện, và cô cũng tỏ vẻ chẳng hề tin vào “cuộc hẹn với Lãnh sự quán chiều nay” mà từ hôm đến đây anh đã “quên” không thông báo với cô.

Anna giơ một thìa trứng cá đen đầy ắp đưa cho Romanov như đang bón cho một đứa bé lười ăn. Romanov nói dứt khoát:

– Cám ơn em, thôi.

Cô gái nói:

– Tùy anh thôi.

Nói rồi, cô nuốt gọn thìa trứng cá. Romanov gọi tính tiền. Khi người ta đem tờ giấy thanh toán đến anh không thể chạnh nghĩ rằng với số tiền này có thể nuôi sống cả một gia đình Nga trong một tháng. Anh trả tiền không nói năng gì.

Anh nói cộc lốc:

– Lát nữa anh sẽ gặp em ở khách sạn.

Petrova nói, tay vẫn còn cầm tách cà phê:

– Dĩ nhiên rồi. Mấy giờ anh mới về?

Romanov lại nhăn mặt đáp:

– Không trước bảy giờ đâu.

– Vậy có kế hoạch gì cho em trong chiều nay không, thưa thiếu tá?

Romanov nói:

– Em có thể làm gì tùy thích.

Nói rồi anh đứng dậy đi, không nói thêm lời nào. Khi ra đến phố, anh đi theo hướng ngược lại hướng ngân hàng, nhưng khó mà nói anh đang đánh lạc hướng cô nghiên cứu sinh, cô này lúc ở bàn ăn cứ nhìn anh bằng cái nhìn đầy ngờ vực, hay lại đánh lạc hướng tên gián điệp vẫn đang sốt ruột đứng chờ ở bên kia đường suốt gần hai tiếng đồng hồ.

Lúc ba giờ chiều, Romanov đã ngồi ở phòng ở tầng năm với ba tấm ảnh chụp các Herr Bischoff trên tường đang nhìn chằm chằm xuống, và Herr Bischoff thứ tư đứng phía sau.

Herr Bischoff vẫn nói bằng giọng đều đều điềm tĩnh lúc sáng:

– Chúng tôi hiện đang giữ năm chiếc hộp chưa hề được mở ra kể từ chuyến viếng thăm của cha ông kể từ năm 1945. Nếu ông quan tâm đến những thứ đựng trong hộp…

Romanov nói, bắt đầu sốt ruột vì cái giọng thăm dò của ông ta:

– Ngoài điều đó ra, tôi còn đến đây để làm gì nữa kia chứ?

Herr Bischoff hỏi, có vẻ không nhận thấy sự khiếm nhã đó:

– Quả vậy. Vậy thì chúng tôi chỉ đề nghị ngài ký vào một bản từ chối khiếu nại để hợp pháp hóa theo yêu cầu của luật pháp Thụy Sĩ.

Romanov trông có vẻ không hiểu.

– Như vậy chỉ là hình thức thôi mà.

Romanov vẫn không nói gì.

– Bá tước, ngài có thể yên tâm rằng ngài không phải là người duy nhất trong số các đồng bào ngài đã từng ngồi trong chiếc ghế đó đâu.

Herr Bischoff nhanh nhẹn đưa tờ giấy qua mặt bàn. Romanov ký nghuệch ngoạc giữa hai chữ X được đánh dấu trên tờ giấy viền vàng. Anh không hề có ý định tìm hiểu xem mình vừa ký vào cái gì. Nếu như họ định ăn cắp của cải ông nội anh để lại, thì tại sao đến giờ họ mới làm kia chứ?

Herr Bischoff nhanh nhẹn đưa tờ giấy cho con trai, ông này rời khỏi phòng ngay lập tức. Herr Bischoff bố đứng lên, im lặng dẫn Romanov quay ra hành lang. Nhưng lần này họ đi xuống bằng thang máy riêng của chủ tịch ngân hàng xuống đến tận tầng hầm.

Khi mới mở cửa, Romanov nghĩ rằng họ đang đi vào nhà ngục với những chấn song sắt bóng loáng. Vừa nhìn thấy chủ tịch ngân hàng, người đàn ông ngồi sau chiếc bàn kê cuối dãy chấn song nhảy phắt lên mở cánh cửa sắt bằng một chiếc chìa khóa dài. Romanov đi theo Herr Bischoff qua cửa mở sẵn rồi chờ đến khi cửa được khóa lại, nhốt cả hai người bên trong. Người gác cửa đi trước, dẫn họ đi dọc hành lang trông giống hệt hầm rượu, mỗi mét đều gắn một nhiệt kế và đồng hồ đo độ ẩm, ánh sáng mờ mờ chỉ đủ cho người ta bước đi không vấp. Đến cuối hành lang, họ thấy Bischoff con đã đứng chờ sẵn trước một cánh cửa rất to bằng sắt.

Ông già gật đầu và Herr Bischoff con liền đút một chiếc chìa khóa vào để mở cửa. Chủ tịch ngân hàng bước tới để mở một ổ khóa thứ hai. Cả hai cha con họ đẩy cánh cửa mở rộng nhưng không hề tỏ ý định bước vào hầm.

– Ngài sở hữu năm cái hộp. Số 1721, 1722, 1723, 1724…

Romanov ngắt lời:

– Và 1725 chứ gì.

Herr Bischoff nói và lấy trong túi ra một gói nhỏ:

– Đúng vậy – ông nói thêm – Đây là phong bì của ngài, chiếc chìa khóa trong này sẽ mở được cả năm cái hộp.

Romanov cầm chiếc phong bì quay lại phía căn hầm đã mở. Herr Bischoff nói:

– Nhưng chúng tôi phải mở khóa của ngân hàng trước khi ngài bắt đầu mở khóa. Xin ngài vui lòng đi theo chúng tôi.

Romanov gật đầu và cả hai Herr Bischoff bước vào hầm. Romanov cúi thấp người đi theo họ. Herr Bischoff con mở chiếc khóa phía trên khóa năm cái hộp vào nhau, có ba hộp nhỏ và hai hộp to phía trên làm thành một khối lập phương. Ông lão nói:

– Bá tước, sau khi đi ra chúng tôi sẽ đóng cửa lại và khi nào ngài cần mở cửa thì chỉ việc ấn vào cái nút màu đỏ trên tường để gọi. Nhưng tôi phải báo trước với ngài rằng đến sáu giờ cửa hầm sẽ tự động đóng lại và sẽ không thể mở ra trước chín giờ sáng mai. Nhưng dù sao đến lúc năm giờ rưỡi cũng sẽ có một hồi chuông nhắc.

Romanov nhìn đồng hồ trên tường, ba giờ mười bảy phút, anh không tin rằng mình sẽ cần tới quá hai giờ đồng hồ chỉ để xem năm cái hộp đựng gì. Hai Herr Bischoff cúi chào và đi ra.

Romanov điềm tĩnh chờ cho cửa đóng hẳn lại ở phía sau. Khi còn lại một mình trong cái hang của Aladdin, anh bắt đầu nhìn xung quanh gian phòng, và ước tính có đến hai ba nghìn chiếc hộp chất đầy quanh bốn bức tường, trông giống như những cái hộp trong thư viện. Anh nghĩ, trong căn hầm này chắc phải có nhiều tài sản riêng tư hơn số của cải riêng mà hầu hết các nước trên trái đất cần đến. Anh xem lại số hiệu trên những cái hộp của mình, rồi đứng chờ như đứa trẻ mồ côi đứng chờ được cứu giúp.

Anh quyết định bắt đầu bằng chiếc hộp nhỏ. Anh quay chìa khóa và ngay thấy tiếng ổ khóa bật tách một tiếng, rồi kéo ngăn kéo ra và thấy bên trong đầy giấy tờ. Anh nhìn lướt qua và nhận thấy đó là những giấy tờ sở hữu nhiều vùng đất rộng ở Bohemia và Bulgaria – đã từng trị giá hàng triệu bạc, và giờ đây đã nằm trong tay các nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong khi xem xét từng tài liệu, trong óc anh bỗng vang lên câu nói cổ: “Bản thân những tờ giấy thì có giá trị gì đâu, giá trị chỉ ở những gì mà người ta viết lên đó”.

Romanov chuyển sang hộp thứ hai, trong đó chứa đầy hối phiếu của các công ty trước đây thuộc quyền quản lý của Bá tước Nicolai Alexandrovich Romanov. Lần cuối cùng chúng được xác nhận lãi là năm 1914. Romanov chuyển sang hộp thứ ba, hộp chỉ đựng một thứ duy nhất, đó là di chúc của ông nội anh. Rất dễ dàng nhận ra rằng ông nội đã để lại tất cả mọi thứ cho cha anh, do đó anh là chủ sở hữu hợp pháp của tất cả những cái đó – và chẳng của cái gì cả.

Thất vọng, Romanov quỳ xuống để xem xét hai chiếc hộp lớn, cả hai đều trông to đến nỗi tưởng như có thể đựng được cả chiếc đàn cello. Anh lưỡng lự một lúc mới tra chìa vào chiếc hộp thứ nhất rồi kéo cái hòm to tướng ra.

Anh ngong ngóng nhìn vào trong.

Cái hòm trống rỗng. Anh chỉ có thể đoán rằng nó vẫn trống không như vậy từ hơn hai mươi năm nay, trừ phi là cha anh đã lấy đi tất cả mọi thứ trong này, nhưng không thể có chuyện như vậy được. Anh vội vã mở khóa chiếc hòm thứ năm và kéo mạnh ra, gần như tuyệt vọng.

Chiếc hòm được chia thành mười hai ngăn bằng nhau. Anh mở nắp ngăn thứ nhất, sững sờ không tin vào mắt mình. Trước mặt anh là những viên ngọc to tướng và tuyệt đẹp, rực rỡ đủ màu có thể khiến bất cứ kẻ thường dân nào há hốc miệng mà nhìn. Anh run rẩy nhấc nắp ngăn thứ hai lên và thấy trong đó toàn ngọc trai quý giá, mỗi viên đều có thể biến một cô gái tầm thường thành một nàng tiên. Khi mở ngăn thứ ba, sự kinh ngạc vẫn không hề kém đi chút nào, và lần đầu tiên Romanov mới hiểu tại sao ông nội anh lại được coi là một trong những thương gia kếch xù ở Nga. Còn bây giờ, tất cả cái này thuộc về Alex Romanov.

Romanov mất một giờ nữa để xem qua tất cả những thứ chứa trong chín ngăn còn lại – hầu như thấy chán vì trong đó chỉ đựng toàn những đồng tiền vàng – anh mới cảm thấy như sắp kiệt sức. Quay lại nhìn đồng hồ treo tường, Romanov nhận thấy đã năm rưỡi. Anh bắt đầu đóng lại nắp các ngăn, nhưng trong khi lướt qua các kho báu, anh cầm phải một vật thật đẹp khiến anh không thể cưỡng lại được đành lấy ra. Một sợi dây chuyền dài và nặng, nặng trĩu vì tấm mề đay cũng bằng vàng khối treo trên đó. Một mặt tấm mề đay là ảnh ông nội anh – Bá tước Nicolai Alexandrovich Romanov, một người kiêu hãnh và đẹp trai – mặt kia là chân dung nhìn nghiêng của bà nội, đẹp đến nỗi chắc hẳn là bà có thể đeo bất cứ đồ trang sức nào trong đống châu báu này mà chẳng hề bị lu mờ.

Mất một lúc lâu Ramonov cầm chiếc dây chuyền trên tay, mãi anh mới đeo vào cổ và thả tấm mề đay cho rơi xuống trước ngực. Anh cúi nhìn một lần nữa trước khi luồn nó vào dưới cổ áo sơ mi. Sau khi đóng nốt nắp ngăn cuối cùng, anh đẩy cái hòm vào chỗ cũ và khóa lại.

Lần thứ hai trong ngày hôm đó, Romanov lại nghĩ đến cha và những ý nghĩ quyết định hẳn là ông phải có khi nhìn đống của cải này. Ông đã trở về Nga với bí mật đó. Cha anh đã luôn luôn an ủi anh rằng anh có một tương lai sáng sủa, nhưng đó là một bí mật mà ông chưa thể chia sẻ với anh, vì anh còn quá trẻ. Chắc hẳn là cha anh sẽ phải giữ mãi bí mật đó dưới mồ bởi vì, Alex sẽ không bao giờ biết đến đống của cải này nếu như anh không đến tìm Poskonov.

Romanov lại nghĩ về nhà ngân hàng già nua. Không hiểu ông biết tất cả chuyện này hay chỉ nhờ một sự ngẫu nhiên mà Poskonov đã giới thiệu anh đến gặp ngân hàng này đầu tiên? Nhưng tin vào sự ngẫu nhiên là một điều không thể có đối với người dấn thân vào nghề anh đã chọn.

Anh nói, hầu như thành tiếng: “Bao giờ tìm ra bức Tranh Thánh của Sa Hoàng thì mình sẽ quyết định”.

Tiếng chuông nhắc giờ vang lên khiến anh quay phắt lại. Ramonov nhìn đồng hồ, kinh ngạc nhận ra mình đã ở trong căn phòng khóa kín rất lâu. Anh vội bước đến cửa hầm, giơ tay bấm cái nút đỏ, không hề ngoái lại. Cửa bật mở, hai khuôn mặt đầy lo lắng của cha con Herr Bischoff đang nhìn vào. Ngay lập tức, ông con bước về phía năm cái hộp để khóa bằng khóa an toàn của ngân hàng.

Herr Bischoff bố nói:

– Chúng tôi đã bắt đầu vô cùng lo lắng. Hy vọng là ngài cảm thấy hài lòng về mọi vật chứ?

Romanov nói:

– Rất hài lòng. Nhưng nếu phải rất lâu sau đó tôi mới quay lại được đây thì sao?

Herr Bischoff đáp:

– Điều đó không quan trọng. Sẽ không một ai chạm đến chiếc hòm này trước khi ngài trở lại và bởi vì chúng hoàn toàn kín cho nên các tài sản của ngài sẽ còn nguyên vẹn.

– Những cái hòm này được giữ ở nhiệt độ bao nhiêu?

Herr Bischoff đáp, hơi bối rối trước câu hỏi:

– Mười độ C.

– Và hoàn toàn kín gió chứ?

– Dĩ nhiên. Cả kín nước nữa, trừ phi tầng hầm bị lụt.

– Và bất cứ vật gì cất trong đó đều không bị khám xét chứ?

Herr Bischoff quả quyết:

– Trong suốt hơn mười năm qua, chỉ có ngài là người thứ ba được nhìn vào trong cái hộp này thôi.

Romanov nói và nhìn vào mặt ông ta:

– Tuyệt. Bởi vì cũng có thể sáng mai tôi sẽ quay lại và ký gửi một vật riêng.

° ° °

Adam nói:

– Làm ơn nối máy cho tôi nói chuyện với ngài Pemberton.

Một hồi lâu im lặng, sau đó có tiếng trả lời:

– Thưa ông, chỗ chúng tôi không có ai là ngài Pemberton cả.

– Đó có phải là phòng quốc tế Barcalay, Trung tâm Tài chính không?

– Đúng rồi.

– Ngài Lawrence Pemberton. Tôi biết chắc là đúng mà.

Lần này, đường dây im lặng lâu hơn, cuối cùng người ta mới trả lời:

– À, có. Bây giờ tôi mới biết ông ta làm việc ở phòng nào. Để tôi tìm thử xem ông ta có đây không.

Adam nghe thấy tiếng chuông vang lên trong máy:

– Hiện không thấy ông ấy ngồi đây. Ông có muốn nhắn lại gì không ạ?

– Cảm ơn. Thôi, tôi không nhắn gì cả.

Adam đặt ống nghe xuống. Anh ngồi một mình nghĩ ngợi, không buồn đứng dậy bật đèn, mặc dầu trời đã bắt đầu tối. Nếu như anh vẫn tiếp tục tìm kiếm như đã định thì cần có vài thông tin mà Lawrence, với tư cách là nhà ngân hàng có thể dễ dàng cung cấp.

Có tiếng chìa khóa vặn trong ổ, Adam nhìn Lawrence bước vào bật đèn. Anh có vẻ giật mình khi nhìn thấy Adam đang ngồi trước mặt. Câu đầu tiên Adam hỏi là:

– Muốn mở một tài khoản ký gửi ở một ngân hàng Thụy Sĩ thì phải làm thế nào?

Lawrence đáp:

– Tớ không thể hình dung là một anh chàng nào đó có thể cảm thấy dễ chịu nếu như tất cả những gì mà tuần tới anh ta có là một tấm séc thất nghiệp – Anh nói thêm và đặt tờ Evening news lên bàn – Cho cậu hay là thông thường người ta đặt một mã tên cho các khách hàng người Anh. Cậu có thể đặt tên là “thằng kiết xác” chẳng hạn.

Adam nói:

– Tớ hỏi một cách nghiêm túc đấy.

Lawrence trở lại nghiêm chỉnh đáp:

– Ồ. Thực tế bất cứ ai cũng có thể mở một tài khoản ký gửi ở một ngân hàng Thụy Sĩ được nếu như anh ta có một số tiền bõ công để đặt cọc. Tớ muốn nói bõ công có nghĩa ít nhất là mười ngàn bảng.

– Được. Nhưng muốn lấy tiền ra thì phải làm thế nào?

– Cậu có thể gọi điện thoại hoặc tự mình đến lấy, cũng không khác gì lắm so với các ngân hàng Anh. Mặc dầu vậy, một số khách hàng có thể thấy gọi điện là không hợp pháp, trừ phi người đó sống ở nước không có luật thuế phá thối. Vậy thì hà cớ gì cần phải chọn những thằng lùn giữ của người Thụy Sĩ làm gì kia chứ?

– Còn nếu khách hàng đã chết và ngân hàng không thể xác định chắc chắn một chủ sở hữu hợp pháp của tài sản đấy thì sao?

– Người đó chỉ cần chứng minh được rằng mình là người có quyền được thừa kế những vật mà ngân hàng đang giữ. Việc này không có gì khó khăn nếu như anh có tài liệu rõ ràng, ví dụ như di chúc và giấy tờ tùy thân chứng minh anh đúng là người được nêu trong di chúc. Ngày nào chúng tớ chẳng giải quyết những việc như vậy.

– Nhưng cậu vừa nói rằng đó là không hợp pháp kia mà?

– Không hợp pháp đối với những khách hàng sống ở nước ngoài thôi, hoặc là khi cần thiết phải cân đối số vàng ký gửi của ngân hàng, tớ không nói đến chuyện sổ sách ngân hàng đâu. Nhưng ngân hàng Anh bao giờ cũng quản lý rất chặt từng xu chuyển ra hoặc chuyển vào nước Anh.

– Vậy thì nếu tớ được thừa hưởng một triệu bảng quy ra vàng do một ông bác sống ở Argentina gửi tại một ngân hàng Thụy Sĩ, và tớ có đầy đủ giấy tờ chứng minh tớ là người được thừa hưởng số tiền này thì tớ chỉ có mỗi việc là đến để nhận thôi sao?

Lawrence nói:

– Chẳng có gì ngăn cấm được cậu hết. Mặc dầu, theo luật pháp hiện nay cậu sẽ phải mang về nước và bán số vàng đó cho ngân hàng Anh lấy một số tiền do người ta xác định, rồi trả một số thuế thu nhập trên số tiền đó – Adam vẫn ngồi im lặng lắng nghe – Nếu cậu có một ông bác sống ở Argentina để lại cho cậu một đống vàng như thế ở Thụy Sĩ thì tốt nhất là cậu cứ để nguyên số vàng ở đó. Dưới chính phủ này, nếu như cậu làm tròn trách nhiệm đối với hai luật pháp thì cuối cùng cậu sẽ chỉ nhận được khoảng bảy mươi lăm giá trị thực của nó mà thôi.

Adam nói:

– Tội nghiệp cho tớ. Chẳng có ông bác ở Argentina nào cả.

Lawrence nói và quan sát từng phản ứng của bạn:

– Không nhất thiết ông ta cứ phải là người Argentina mới được.

Adam nói:

– Cảm ơn vì tin này.

Nói rồi, anh biến mất vào phòng ngủ.

Mảnh ghép hình cuối cùng bắt đầu vào đúng chỗ. Anh có tờ biên nhận của ngân hàng Roger về bức tranh Thánh mà cha anh được hưởng. Bây giờ chỉ cần có bản sao di chúc để chứng minh rằng anh được thừa hưởng tờ biên nhận đó nữa thôi. Khi đó, anh sẽ có thể chứng minh mình là chủ sở hữu một phiên bản tranh, hoặc là vớ vẩn, hoặc là có giá trị – anh vẫn không tin chắc đó là cái gì. Đêm hôm đó, anh thao thức nhớ đến những lời trong bức thư cha anh viết: “Nếu như chiếc phong bì này có đem lại cho con chút gì đó, thì cha chỉ còn một yêu cầu đối với con là mẹ con sẽ là người đầu tiên được hưởng phần lợi mà không được hay biết phần tài sản đó có nguồn gốc từ đâu.”

° ° °

Khi Romanov quay về khách sạn, có vòng qua Lãnh sự quán, anh thấy Petrova mặc quần jean và chiếc áo thun màu hồng đang ngồi ở bàn đọc sách, chân gác lên ghế. Anh lịch sự hỏi:

– Hy vọng là chiều nay em vui vẻ chứ?

Anna đáp:

– Hẳn rồi. Các phòng tranh ở Zurich rất đáng đi xem. Nhưng hãy nói cho em biết chiều nay anh thế nào đi. Cũng gặt hái tốt chứ?

– Em bé của anh ơi, đó là một bí mật. Sao chúng mình không ăn một bữa tối trong phòng anh, để anh có thể kể cho em nghe mọi chuyện và kỷ niệm nó một cách sang trọng nhỉ?

Cô nghiên cứu sinh nói:

– Một ý tưởng tuyệt vời. Vậy em sẽ chịu trách nhiệm đặt bữa tối chứ?

Romanov nói:

– Hẳn rồi.

Petrova buông cuốn sách xuống đất và bắt đầu nghiên cứu bản thực đơn đắt tiền đặt trên bàn ngủ của Romanov. Cô mất một thời gian rất lâu để lựa chọn từng món cho bữa tiệc của họ, thậm chí Romanov cũng phải ngạc nhiên khi thấy cuối cùng nó cũng kết thúc.

Anna chọn món khai vị là súp trứng loãng với nước sốt thì là. Cùng với nó là nửa chai Premier Cru Chablis 1958. Romanov vừa ăn vừa kể cho cô nghe về những thứ mà gia đình anh được thừa kế, khi nghe anh tả lại lúc khám phá ra mỗi kho tàng mới, mắt cô nghiên cứu sinh mỗi lúc một tròn xoe.

Bài độc thoại của Romanov bị cắt ngang có mỗi một lần, đó là lúc người bồi đẩy chiếc xe vào, trên xe là một chiếc khay nhỏ bằng bạc. Anh ta đặt chiếc khay xuống, trong đó là một xâu thịt cừu, xung quanh xếp bí ngô xanh và những củ khoai tây nhỏ xíu. Cùng với món ăn đặc biệt này, khách sạn còn đem đến một chai Gevery Chambertin.

Món cuối cùng là món trứng chiên phồng phủ đầy những quả phúc bồn tử phơn phớt lông tơ được cô nghiên cứu sinh gọi chỉ vì đó là món tinh vi nhất của nhà hàng Chateau Yquem. Cô đã chọn thứ rượu năm 49 và nó chỉ khiến cô lè nhè hát một bài dân ca làm cho Romanov có cảm tưởng có cái gì đó không thích hợp với khung cảnh xung quanh.

Petrova dốc nốt rượu vào ly mình và hơi lảo đảo đứng dậy:

– Chúc mừng Alex, người đàn ông em yêu dấu.

Romanov hơi gật đầu cảm ơn rồi nói có lẽ đã đến lúc phải đi ngủ, bởi vì ngày mai hai người sẽ bay về nước bằng chuyến sớm nhất. Anh đẩy xe thức ăn ra ngoài hành lang và treo tấm biển “Không làm phiền” lên tay nắm cửa.

Cô nghiên cứu sinh cởi giầy đá văng xuống và mỉm cười:

– Một buổi tối đáng ghi nhớ.

Romanov dừng lại để chiêm ngưỡng thân thể của Petrova trong khi cô bắt đầu cởi quần áo. Nhưng khi anh bắt đầu cởi nút áo mình thì Petrova sững sờ há hốc mồm. Cô kinh ngạc nói:

– Tuyệt vời.

Romanov nâng chiếc mề đay vàng lên:

– Chỉ là một thứ rẻ tiền so với kho vàng mà anh bỏ lại mà thôi.

Anna đẩy anh về phía giường ngủ, nũng nịu nói:

– Người yêu của em, anh có biết là em tôn thờ, ngưỡng mộ và kính trọng anh đến thế nào không?

Romanov nói:

– Ừm.

– Và anh có biết là từ trước đến nay em chưa hề xin anh thứ gì không?

Romanov nói trong khi cô bắt đầu lật chăn lên:

– Nhưng anh có cảm giác là em sắp xin thứ gì.

– Chỉ là, nếu cái dây chuyền này chỉ là một thứ rẻ tiền, thì có lẽ anh sẽ đồng ý để em thỉnh thoảng đeo nó nhé?

Romanov nhìn vào mắt cô gái và nói:

– Chỉ thỉnh thoảng thôi hay sao? Tại sao lại thỉnh thoảng? Tại sao lại không mãi mãi, em yêu của anh?

Không nói thêm lời nào, anh gỡ sợi dây chuyền ra và đeo vào cổ cô gái trẻ.

Anna rên lên khi cảm thấy những mắt xích bằng vàng nặng trịch kết thành sợi dây chuyền trong tay Romanov. Cô hơi cười và kêu:

– Alex, đau em. Buông ra nào.

Nhưng Romanov vẫn xiết chặt sợi dây trên cổ cô gái.

– Em sẽ không nói cho ai biết về vận may của anh chứ, phải không em bé của anh?

Cô lắp bắp tuyệt vọng:

– Không, không bao giờ, không ai cả. Anh hãy tin em.

° ° °

Buổi sáng sớm, trong khi tập chạy dọc bờ sông, Adam ngẫm nghĩ mãi về những chuyện cần làm tiếp theo.

Nếu bay bằng chuyến sáng Thứ Tư từ sân bay Heathrow thì tối hôm đó anh có thể về đến London hoặc muộn nhất là thứ Năm. Nhưng còn nhiều việc phải chuẩn bị trước khi đi Geneva.

Đến vỉa hè đầu phố, anh dừng lại và kiểm tra mạch trước khi leo lên cầu thang về căn hộ.

Lawrence nói:

– Có ba lá thư, tất cả đều là của cậu. Tớ chẳng nhận được cái gì hết – anh nói thêm khi Adam vào bếp – Lưu ý, cậu có hai phong bì màu vàng đấy.

Adam nhặt bức thư lên, để trên đầu giường rồi vào buồn tắm. Anh chịu đựng năm phút dưới vòi nước lạnh buốt rồi mới mở vòi nước nóng. Tắm xong, mặc quần áo đâu vào đấy rồi anh mới mở lá thư ra xem.

Đầu tiên là lá thư trong chiếc phong bì màu trắng, hóa ra đó là thư của Heidi cảm ơn về bữa tối và hy vọng là sẽ gặp lại anh vào một lúc nào đó. Anh mỉm cười, xé chiếc phong bì màu vàng thứ nhất, đó là công văn của Phòng nhân sự Bộ ngoại giao: “Yêu cầu đại úy Scott – những hàng chữ nhảy cả ra khỏi dòng – đến để kiểm tra sức khỏe tại 122 phố Harley vào lúc ba giờ chiều ngày thứ hai tới. Người khám: Bác sĩ John Vance”.

Cuối cùng, anh giở tới chiếc phong bì màu vàng thứ hai và rút ra một bức thư của ngân hàng Lloyds, Cox King, chi nhánh Pall Mall, thông báo với Quý Ngài/Quý Bà rằng chúng tôi đã nhận được tấm séc năm trăm bảng do văn phòng Holbrooke, Holbrooke Gascoigne gửi tới và do đó hiện nay tài khoản của anh tại ngân hàng lúc đóng cửa giao dịch ngày hôm qua là 272,18 bảng. Adam xem lướt qua tờ thông báo tài khoản và nhận ra lần đầu tiên trong đời anh đã bội chi – một tình huống mà hồi còn ở trong quân đội chắc hẳn anh đã nhăn mặt, bởi vì ít nhất là từ hai mươi năm nay một số trung đoàn vẫn coi việc một sĩ quan có hành động bội chi là tội lỗi.

Các bạn đồng ngũ sẽ nói gì nếu biết rằng anh đã rút hai trăm bảng khỏi tài khoản mà không có gì đảm bảo thật sự là anh sẽ hoàn lại?

Adam mặc xong quần áo và quay vào bếp để gặp Lawrence. Anh hỏi:

– Quốc vương Iran thế nào rồi?

Lawrence lật trang báo Daily Telegraph nói:

– Ồ, thật là hay ho nếu xét về mặt quan hệ. Ông ta hứa là sẽ làm hết sức trong hoàn cảnh tài chính nợ nần hiện nay, nhưng ông ta có chút khó khăn và phải chờ đến khi Châu Âu cho phép tăng giá dầu.

Adam thích thú hỏi:

– Cậu dắt anh ta đi ăn trưa ở đâu?

– Tớ mời đến một quán bánh nướng ở gần Green man, nhưng thằng cha chết tiệt đó trở nên vô cùng hèn hạ. Hình như ông ta và nữ hoàng đã phải tính đến chuyện đưa Harrods lên ngôi thì phải. Dĩ nhiên lẽ ra cần phải đi cùng với ông ta, nhưng sếp của tớ lại không muốn phí thời gian, do đó tớ trượt mất vụ với Harrods.

– Vậy thì hôm này cậu làm cái quái gì?

Lawrence nói:

– Chuyện này thì tớ không nên nói với cậu – anh nhìn tấm ảnh Ted Dexter – thủ quân của đội bóng chày Anh vừa thất bại – nhưng Thống đốc ngân hàng Anh muốn biết ý kiến của tớ về việc chúng ta có nên phá giá đồng bảng từ 2,8 xuống 2,4 không?

– Vậy ý kiến của cậu ra sao?

– Tớ đã giải thích cho lão ta biết rằng tớ chỉ biết có mỗi một con số 204 là tuyến xe buýt chạy từ Goldes Green đến Edgware, và nếu như không chạy nhanh lên thì tớ sẽ trượt mất con số mười bốn yêu quý của mình.

Lawrence nói và nhìn đồng hồ. Adam phá lên cười khi nhìn bạn đóng sập chiếc cặp tài liệu và biến mất khỏi cửa.

Lawrence đã thay đổi biết bao so với hồi họ mới vừa khỏi Wellington. Có lẽ Adam chỉ còn nhớ mỗi một điều là anh đã từng là thủ quân đội bóng của trường và sau đó đã lên học ở Balliol với học bổng cao nhất. Hồi đó hình như anh rất nghiêm túc và chắc chắn là sẽ đạt được một cái gì đó lớn hơn nhiều. Không một ai nghĩ rằng anh sẽ chỉ dừng lại ở một chân chuyên viên phân tích đầu tư tại Barclay DCO. Hồi ở Oxford, các bạn vẫn nửa đùa nửa thật về việc anh sẽ trở thành một tổng trưởng nội các. Sao mọi người lại có thể mong đợi nhiều đến thế ở một người chỉ hơn họ có hai, ba tuổi nhỉ? Sau khi tốt nghiệp, tình bạn giữa anh và Lawrence ngày một lớn lên. Khi Adam bị bắt cóc ở Malaysia, Lawrence đã không bao giờ tin vào các báo cáo quân sự nói rằng bạn mình bị bắt cóc và đã chết. Thế rồi khi Adam báo tin đã rời khỏi quân ngũ, Lawrence không hề thắc mắc và đã tỏ ra vô cùng tốt bụng trước tình cảnh thất nghiệp của anh. Adam hy vọng một ngày nào đó, anh sẽ có dịp đền đáp lại một tình bạn tuyệt vời như vậy.

Adam rán cho mình một quả trứng và mấy lát thịt hun khói. Trước chín giờ rưỡi thì khó có thể làm được gì mấy, mặc dầu anh đã kịp viết nghuệch ngoạc mấy chữ cho em gái và gửi em theo một tờ séc năm mươi bảng.

Chín giờ rưỡi, anh gọi điện. Ngài Holbrooke – Adam không hiểu ông ta có một tên thánh thật sự hay không – không giấu nổi sự ngạc nhiên khi nhận cú điện thoại từ ngài Scott trẻ. Adam những muốn nói với ông ta rằng, bây giờ một khi cha anh đã chết đi thì đương nhiên anh trở thành Scott Già mới phải chứ.

Ông ta lắp bắp:

– Chắc là liên quan đến chiếc phong bì đó?

Nhưng ông ta cũng đồng ý sẽ gửi cho anh một bản sao di chúc qua bưu điện trong chiều nay.

Việc thứ hai không thể làm qua điện thoại, vì thế Adam khóa cửa và nhảy lên xe buýt đến phố Hoàng đế. Anh băng qua chỗ chờ xe chiều trên ngã tư Hyde Park và đi tới Chi nhánh Ngân hàng Lloyd tại Pall Man. Tới nơi, anh đứng vào hàng người đang xếp hàng ở quầy đổi ngoại tệ. Cuối cùng, cũng đến lúc tới được cửa quầy, cô thư ký lịch sự hỏi:

– Thưa ông cần gì ạ?

Adam nói:

– Vâng. Tôi muốn đổi năm mươi bảng thành Franc Thụy Sĩ, năm mươi bảng tiền mặt và một trăm bảng bằng séc du lịch.

Cô gái hỏi:

– Tên ngài là gì ạ?

– Adam Scott.

Cô gái nạp số liệu vào một chiếc máy tính trên bàn rồi quay nhiều vòng. Cô nhìn kết quả rồi biến mất một lúc, lát sau quay ra tay cầm một bản copy tài khoản mà Adam nhận được qua đường bưu điện lúc sáng.

Cô gái thông báo:

– Tổng số là hai trăm linh hai bảng, một silling và mười tám penny, kể cả phí dịch vụ. Như vậy trong tài khoản của ông còn lại là bảy mươi bảng, mười sáu silling và bốn penny.

Adam nói:

– Vâng

Anh không nhắc đến việc thật ra chỉ còn có hai mươi bảng, mười sáu silling, bốn penny bởi vì anh vừa gửi cho em gái tấm séc năm mươi bảng lúc sáng. Adam bắt đầu hy vọng sẽ nhận được lương của Bộ Ngoại giao vào tuần tới, nếu không thì sẽ lại tiếp tục một tháng thanh đạm nữa. Dĩ nhiên là trừ phi…

Adam ký tờ séc du lịch trong sổ quỹ rồi cô gái đưa cho anh năm trăm chín tư Franc Thụy Sĩ bằng tiền mặt. Đó là số tiền mặt lớn nhất mà Adam rút ra từ trước đến nay. Anh nhảy lên một chiếc xe buýt khác để đến hãng hàng không Châu Âu tại Anh ở cuối đường Cromwell, tại đó anh yêu cầu cô bán vé cho đặt một vé khứ hồi đi Geneva. Cô gái hỏi:

– Ngài đi hạng nhất hay hạng bình thường ạ?

Adam đáp:

– Hạng thường.

Anh thấy buồn cười vì vẫn có người nghĩ rằng anh có thể đi nổi vé hạng nhất.

– Vậy thì tất cả là ba mươi mốt bảng, thưa Ngài.

Adam trả bằng tiền mặt và cất tấm vé vào túi trong rồi quay về nhà để ăn trưa. Buổi chiều, anh gọi điện cho Heidi, cô đồng ý gặp anh ở nhà hàng Chelssea vào lúc tám giờ tối. Còn một việc nữa anh cần phải xác định trước khi gặp cô.

Tiếng chuông điện thoại vang lên khiến Romanov tỉnh giấc.

– Có đây.

– Romanov. Tôi là Mellinski, bí thư thứ hai của Đại sứ quán.

– Xin chào, có việc gì đấy ạ.

– Đó là vấn đề của Anna Petrova – Romanov mỉm cười, nghĩ đến cô lúc này đang nằm trong buồng tắm – Từ lúc báo tin cô gái mất tích, anh đã gặp lại cô ấy chưa?

Romanov đáp:

– Chưa, và đêm qua không thấy cô ấy về ngủ.

Bí thư thứ hai nói:

– Ra vậy. Vậy việc anh nghi ngờ cô ta đào ngũ có khả năng thật sự đấy.

Romanov đáp:

– Tôi cũng sợ như vậy. Và tôi sẽ viết báo cáo đầy đủ cho cấp trên, khi nào về nước.

– Vâng, nhất định rồi, thưa thiếu tá.

– Bao giờ có tin tức gì về cô ta thì nhớ cho tôi biết.

– Tất nhiên rồi.

Romanov đặt ống nghe xuống và đi sang buồng tắm trong phòng bên và tắm thật lâu như thường lệ.

Hắn quay lại và ngồi xuống một bên giường, mình chỉ quấn ngang hông một chiếc khăn tắm và cầm ống nghe lên, yêu cầu mười lăm phút nữa đem bữa điểm tâm đến. Khi uống xong cốc nước hoa quả và chiếc bánh sừng bò, hắn quay lại bên điện thoại để thử gọi cho người quản lý khách sạn. Chỉ thấy cô lễ tân đáp:

– Gutten Morgen, Mein Herr (xin chào Ngài)

Romanov chỉ nói:

– Cho tôi gặp ông Jacques.

Một lát sau có tiếng nói:

– Xin chào, Herr Romanov.

– Tôi có một việc hơi phiền phức, hy vọng ông có thể giúp được.

Câu trả lời:

– Dĩ nhiên là tôi sẽ cố gắng, thưa Ngài.

– Tôi có một vật quý muốn đem gửi ở ngân hàng và không muốn….

– Tôi hiểu tình thế khó khăn của ngài. Vậy làm thế nào tôi có thể giúp ngài được?

– Tôi cần có một cái thùng đủ rộng để có thể đựng được vật đó.

– Một cái giỏ đựng đồ giặt có đủ to không?

– Tuyệt. Nhưng nó có khóa không?

Jacques đáp:

– Ồ, có chứ. Chúng tôi vẫn hay phải đưa xuống qua đường thang máy.

Romanov nói:

– Tốt lắm.

– Vậy nó sẽ được đưa đến chỗ ngài ngay. Tôi sẽ cho một phu khuân vác đến để giúp. Tôi cũng gợi ý là ngài nên xuống bằng đường thang nâng hàng ở phía sau khách sạn, như vậy sẽ đảm bảo là không ai nhìn thấy ngài đi ra cả.

Romanov nói:

– Hay lắm.

– Có cần gọi một chiếc xe đến đón ngài không ạ?

Romanov nói:

– Không, tôi…

– Vậy tôi sẽ bảo một chiếc taxi chờ ngài sẵn. Khi nào thì ngài cần?

– Khoảng nửa giờ nữa.

– Hai mươi phút nữa, xe sẽ chờ ngài ở cửa thang nâng hàng.

Romanov nói:

– Ông thật là được việc.

Jacques nói:

– Ngài Romanov còn việc gì nữa không ạ?

– Có lẽ ngài vui lòng cho chuẩn bị sẵn hóa đơn thanh toán của tôi?

– Dĩ nhiên rồi.

Mười phút sau Romanov bắt đầu thu dọn đồ đạc của mình, chưa xong thì đã có tiếng gõ cửa. Hắn gắt:

– Chờ đã.

Tiếng trả lời thật nhẹ nhàng:

– Ju, mein Herr (vâng, thưa Ngài)

Mấy giây sau Romanov mở cửa. Người phu khuân vác bước vào gật đầu và bắt đầu kéo giỏ đồ giặt, nhưng Romanov phải đá mạnh một cái nó mới chịu chuyển động. Người phu khuân vác hì hục kéo chiếc xe dọc hành lang trong khi Romanov đi bên cạnh, tay xách vali của mình. Khi đến được cửa sau, Romanov đứng nhìn cho đến khi cái giỏ được đẩy vào trong cửa thang nâng hàng rồi mới bước theo vào.

Xuống đến đất, cửa mở và Romanov nhẹ người khi thấy Jacques đã đứng đón sẵn với một chiếc Mercedes to tướng bên cạnh, nắp hòm xe đã mở sẵn. Người lái taxi và người phu khuân vác nâng cái giỏ lên bỏ vào hòm nhưng vali của Romanov không nhét vừa, vì thế để ở ghế trên cạnh ghế lái xe.

Jacques hỏi:

– Mein Herr, chúng tôi sẽ gửi hóa đơn của ngài đến Lãnh sự quán chứ ạ?

– Được, như vậy sẽ rất tiện…

Jacques nói và mở cửa sau xe cho vị khách bước vào:

– Tôi hy vọng rằng ngài hài lòng mọi việc.

Romanov nói:

– Tôi hoàn toàn hài lòng.

– Vâng, vâng. Vậy cô bạn của ngài sẽ đi cùng với ngài chứ?

Ông ta ngoái nhìn về phía khách sạn

Romanov nói:

– Không, cô ấy không đi cùng tôi. Cô ấy ra sân bay trước rồi.

Jacques nói:

– Ồ, tất nhiên. Nhưng tôi rất ân hận vì không gặp được cô ấy. Xin ngài vui lòng chuyển lời chúc tốt đẹp nhất của tôi.

Romanov nói:

– Nhất định tôi sẽ chuyển. Và tôi mong sẽ được trở lại khách sạn của ngài trong một tương lai gần.

– Cảm ơn, thưa ngài.

Người quản lý khách sạn vừa nói vừa mở cửa xe để Romanov chui vào ngồi trên ghế sau rồi đóng sập cửa lại.

Đến sân bay Thụy Sĩ, làm xong thủ tục nhận gửi vali không chần chừ thêm hắn liền đi đến ngân hàng. Herr Bischoff Con cùng với một người nữa cũng mặc comple màu xám xịt đang đứng chờ ở đại sảnh để đón. Herr Bischoff Con tiến đến:

– Thật vui mừng khi gặp lại ngài sớm.

Romanov hơi kinh ngạc vì giọng nói trầm của ông ta. Người lái xe taxi đã đứng chờ bên thùng xe mở sẵn trong khi người đàn ông đi cùng Herr Bischoff, một người cao đến hơn mét tám và đậm người nhấc cái giỏ quần áo lên, nâng niu đem ra khỏi thùng xe tựa như đó là một cái bánh xốp. Romanov thanh toán tiền taxi rồi đi theo Herr Bischoff tới thang máy.

Herr Bischoff nói:

– Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho vật ký gửi theo như ngài gọi điện dặn, cha tôi xin lỗi vì không có mặt được. Ông có một cuộc đàm phán khá lâu với một khách hàng khác, do đó mong ngài hiểu cho.

Romanov phẩy tay.

Thang máy đi thẳng xuống tầng trệt. Vừa nhìn thấy Herr Bischoff, người gác chạy đến mở cánh cửa nặng nề bằng sắt. Romanov cùng hai người của ngân hàng đi theo một hành lang thoai thoải dốc, người đàn ông khổng lồ xách giỏ.

Một người nữa đang đứng khoanh tay chờ ở cửa hầm. Romanov nhận ra đó là một trong những người hắn đã gặp hôm trước. Herr Bischoff gật đầu và người đó tra chiếc chìa khóa của mình vào ổ khóa phía trên cửa hầm, không nói một lời. Đến lượt Herr Bischoff mở ổ khóa thứ hai rồi hai người đẩy cánh cửa sắt to tướng mở ra. Herr Bischoff và người của ông ta đi trước Romanov và mở ổ khóa trên của cả năm chiếc hộp, trong khi người gác đặt chiếc giỏ đồ giặt bên cạnh họ.

Herr Bischoff đưa cho vị khách một chiếc phong bì có gắn xi và nói:

– Ngài có cần ai giúp không ạ?

Romanov nói:

– Cám ơn, không cần đâu.

Mãi đến khi cánh cửa đóng lại và cả bốn người Thụy Sĩ đã đi khuất hẳn Romanov mới thấy nhẹ người. Khi chắc chắn chỉ còn lại một mình, hắn quay lại nhìn cái hòm lớn không đựng gì. Nó nhỏ hơn hắn tưởng. Mồ hôi toát ra trên trán, hắn mở khóa, kéo hòm ra và nâng cái nắp kín khí lên.

Xong việc, Romanov đậy nắp kín khí lại, đẩy chiếc hòm về chỗ cũ cẩn thận rồi khóa lại. Sau đó, hắn còn kiểm tra lại một lần nữa để chắc chắn rằng sẽ không một ai có thể mở được nếu không có chìa khóa riêng của hắn. Hắn lưỡng lự một giây, nhìn sang chiếc hòm lớn bên cạnh nhưng rồi nhận ra lúc này không phải là lúc để buông thả; cần phải chờ một dịp khác. Yên tâm là mọi thứ đã đâu vào đấy, hắn đóng nắp chiếc giỏ đựng đồ giặt lại và đẩy ra cửa hầm, rồi ấn chiếc nút bấm màu đỏ.

Khi Herr Bischoff quay lại để khóa năm chiếc hộp, ông ta nói:

– Hy vọng là ngài thấy mọi chuyện ổn cả.

Romanov nói:

– Vâng, cảm ơn ngài. Nhưng sẽ có ai đó đưa chiếc giỏ đựng đồ giặt lại cho khách sạn chứ?

– Vâng, tất nhiên.

Herr Bischoff hất hàm cho người đàn ông to lớn.

Trong lúc đi ra hành lang, Romanov nói:

– Có chắc chắn là trong khi không có mặt tôi ở đây, sẽ không có ai chạm đến cái hộp đó không?

Herr Bischoff có vẻ hơi phật lòng vì câu hỏi đó.

– Ồ, tất nhiên rồi, thưa Bá tước. Mọi vật sẽ y nguyên như khi ngài bỏ vào.

Romanov mỉm cười nghĩ thầm. Ồ, không y nguyên như vậy đâu.

Lúc họ bước ra khỏi cửa thang máy Romanov nhìn thấy Herr Bischoff Bố đang đứng với một khách hàng khác.

Chiếc Roll-Royce chở Quốc vương Iran có mô tô cảnh sát hộ tống lướt đi. Chủ tịch Ngân hàng vẫy tay chào tạm biệt.

Ra đến cổng, Herr Bischoff Con cúi đầu:

– Lần tới, nếu ngài đến Zurich chúng tôi hy vọng sẽ lại được gặp Ngài.

Romanov bắt tay chàng thanh niên nói:

– Cảm ơn ông.

Nói rồi hắn bước ra khỏi thềm tìm chiếc xe màu đen sang trọng đang chờ để đưa hắn ra sân bay.

Hắn rủa thầm. Lần này hắn đã nhìn thấy tên điệp viên nằm vùng lần trước xuất hiện ở khách sạn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.