Khi chiếc xe tắc xi chở Anna chạy qua chiếc cổng của Lâu đài Wentworth, cô ngạc nhiên khi thấy Arabella đang đứng chờ ở bậc cầu thang trên cùng, với một khẩu súng săn trong tay phải và hai con chó Brunswick và Picton ngồi bên cạnh. Người quản gia mở cửa xe tắc xi trong khi bà chủ của ông ta và hai con chó bước xuống các bậc thềm để đón chào Anna.
“Thật vui khi được gặp lại cô”, Arabella nói và hôn lên hai bên má Anna. “Cô tới vừa kịp giờ uống trà”. Anna vuốt ve hai con chó rồi bước theo Arabella lên các bậc thềm, trong khi một gia nhân khác lấy chiếc vali của cô từ cốp xe ra. Khi Anna bước vào đại sảnh, cô dừng lại và chầm chậm nhìn khắp căn phòng, từ bức tranh này sang bức tranh khác. “Vâng, thật là tuyệt vời khi vẫn giữ được gia đình quanh mình”, Arabella nói, “cho dù đây có thể đây là kỳ nghỉ cuối tuần cuối cùng của họ tại nước Anh này”.
“Phu nhân muốn nói gì?”, Anna hỏi một cách chăm chú.
“Các luật sư của Fenston đã chuyển cho tôi một bức thư vào sáng nay, nhắc nhở tôi rằng nếu tôi không thanh toán hết nợ cho chủ của họ vào trưa ngày mai, tôi cần phải sẵn sàng để chia tay với tất cả các tài sản của gia đình”.
“Ông ta định bán tất cả các bức tranh trong bộ sưu tập à?”, Anna hỏi.
“Có vẻ như đó là mục đích của ông ta”, Arabella nói.
“Nhưng như thế thì vô lý quá”, Anna nói. “Nếu Fenston đưa tất cả các bức tranh trong bộ sưu tập ra thị trường cùng lúc, ông ta sẽ không thể thu hết nợ”.
“Ông ta có thể thu hết nợ, nếu sau đó ông ta bán nốt Lâu đài này”, Arabella nói.
“Ông ta không thể…”. Anna bắt đầu.
“Ông ta sẽ làm thế”, Arabella nói. “Vì vậy chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng ông Nakamura vẫn còn say mê bức tranh Van Gogh, bởi vì nói thật, ông ấy là hy vọng cuối cùng của tôi”.
“Bức tranh ấy ở đâu?”, Anna hỏi trong khi Arabella dẫn cô qua phòng khách.
“Đã được trả lại phòng ngủ của Van Gogh, nơi ông ấy đã ngự trong suốt 100 năm qua” – Anna dừng lại – “trừ một ngày tới Heathrow tham quan”. Trong khi Arabella ngồi xuống chiếc ghế ưa thích của mình bên bếp lửa, mỗi con chó nằm một bên, Anna bước quanh căn phòng, và nghĩ về bộ sưu tập các bức tranh của Ý do vị bá tước đệ tứ xây dựng.
“Nếu những con người thân yêu này của tôi phải sang New York”, Arabella nói, “họ cũng sẽ không phàn nàn gì. Suy cho cùng, nó cũng giống như một truyền thống của Mỹ”.
Anna cười khi cô nhìn từ Titian sang Veronese và sang Caravaggio. “Tôi đã quên mất là Caravaggio tuyệt vời như thế nào”, cô nói và lùi lại ngắm nhìn bức Đám cưới tại Cana.
“Tôi tin là cô quan tâm tới những người Ý quá cố hơn là những người Ailen còn sống”, Arabella nói.
“Nếu Caravaggio còn sống đến ngày nay”, Anna nói, “Jack sẽ đi theo ông ấy chứ không theo tôi”.
“Cô muốn nói gì?”, Arabella hỏi.
“Ông ấy đã giết một người đàn ông trong lúc say rượu. Chạy trốn trong những năm cuối đời, nhưng mỗi khi ông ấy tới một thành phố mới, mọi người đều vờ như không biết chuyện đó, chừng nào ông ấy còn vẽ những bức tranh tuyệt vời về Đức Mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng”.
“Anna, cô là một vị khách tuyệt vời, hãy tới ngồi bên tôi”, Arabella nói khi một chị hầu gái bê một chiếc khay bạc bước vào phòng khách. Chị ta bắt đầu bày biện cho một tiệc trà nhỏ bên lò sửa.
“Nào, Anna, cô dùng trà Ấn Độ hay trà Trung quốc?”.
Vừa lúc đó, Andrews bước vào nói: “Thưa Phu nhân, có một quý ông ngoài cửa đem đến một gói hàng cho Phu nhân. Tôi đã yêu cầu ông ta đưa tới chỗ nhận hàng, nhưng ông ta nói rằng ông ta không thể giao gói hàng ấy nếu không có chữ ký của Phu nhân”.
“Chắc là một nhân vật Viola kiểu mới”, Arabella nói. “Tôi phải đi xem người sứ giả hay hờn dỗi này đem đến cái gì”, bà nói thêm rồi hơi cúi đầu chào và theo chân Andrews bước ra ngoài.
Anna đang ngắm nghía bức tranh Perseus và Andrromada của Tintoretto khi Arabella quay trở lại, nụ cười trước đó đã bị thay thế bằng một vẻ mặt cau có.
“Có chuyện gì à, Phu nhân?”, Anna quay sang hỏi.
“Sứ giả đã gửi trả lại chiếc nhẫn”, Arabella nói. “Hãy đi theo tôi”.
Anna bước theo Arabella và đi ra đại sảnh. Cô thấy Andrews và một gia nhân khác đang mở chiếc thùng màu đỏ mà cô nghĩ là mình sẽ không bao giờ còn nhìn thấy nữa.
“Chắc chắn được gửi tới từ New York”, Arabella vừa nói vừa nhìn kỹ chiếc nhãn dán trên nắp thùng, “có lẽ trên cùng chuyến bay với cô”.
“Có vẻ như nó không muốn rời tôi”, Anna nói.
“Cô hoá ra rất được đàn ông chú ý”, Arabella nói.
Cả hai người cùng chăm chú theo dõi trong khi Andrews bóc các lớp giấy bọc ra và để lộ bức tranh mà Anna đã nhìn thấy lần cuối tại phòng tranh của Anton.
“Điều tốt duy nhất trong chuyện này là”, Anna nói, “chúng ta có thể trả khung tranh gốc cho bức tranh gốc”.
“Nhưng chúng ta phải làm gì với ông kia?”, Arabella vừa hỏi vừa đưa tay chỉ bức tranh giả. Người quản gia húng hắng ho. “ông có gợi ý à, Andrews?” Arabella hỏi. “Nếu có, ông hãy nói ra đi”.
“Không, thưa Phu nhân”, Andrews trả lời, “nhưng tôi nghĩ Phu nhân muốn biết rằng vị khách khác của Phu nhân đang sắp tới cổng Lâu đài”.
“Ông ta có khả năng bấm giờ thiên tài”, Arabella nói rồi vội nhìn vào gương và sửa lại mái tóc. “Andrews”, bà nói, “phòng Wellington đã được chuẩn bị cho ông Nakamura chưa?”
“Rồi, thưa Phu nhân. Và Tiến sỹ Petrescu sẽ ở trong phòng Van Gogh”.
“Thật là hợp”, Arabella nói rồi quay sang Anna, “khi ông ta trải qua đêm cuối cùng ở đây với cô”.
Anna cảm thấy yên tâm khi Arabella nhanh chóng lấy lại được vẻ nhanh nhẹn, và cô có cảm giác Arabella sẽ rất hợp với Nakamura.
Người quản gia mở cửa trước ra và bước xuống các bậc thềm với một tốc độ đảm bảo rằng ông ta sẽ xuống đến lớp sỏi vừa khi chiếc Toyota Lexus dừng lại. Andrews mở cửa sau chiếc limousine để ông Nakamura bước ra ngoài, ông ta ôm một gói nhỏ hình vuông.
“Người Nhật Bản đi đâu cũng có quà”, Anna thì thầm, “nhưng Phu nhân không nên mở quà ra trước mặt họ”.
“Được”, Arabella nói, “nhưng tôi không chuẩn bị quà cho ông ta”.
“Không cần phải thế. Phu nhân đã mời ông ta làm khách trong nhà của mình, và đó là niềm vinh hạnh đối với bất kỳ người Nhật Bản nào”.
“Thế thì may quá”, Arabella nói vừa lúc ông Nakamura xuất hiện ở cửa trước.
“Phu nhân Arabella”, ông ta nói và cúi chào, “tôi thật hân hạnh khi được mời tới Lâu đài lộng lẫy của Phu nhân”.
“Ngài đã đem vinh dự đến cho ngôi nhà của tôi, ngài Nakamura”, Arabella nói, hy vọng không mắc sai sót gì trong lễ nghi.
Vị khách người Nhật Bản cúi đầu thậm chí còn thấp hơn nữa, và khi ngẩng đầu lên, ông ta đối diện với bức chân dung của Wellington do Lawrence vẽ.
“Thật là tuyệt vời”, ông ta nói. “Có phải con người vĩ đại này đã ăn tối tại Lâu đài Wentworth vào buổi tối trước khi lên đường tới Waterloo không?”.
“Đúng thế”, Arabella nói, “và ngài sẽ được ngủ trên chiếc giường mà ngài Công tước Thép đã ngủ lần đó”. Nakamura quay sang Petrescu và cúi chào. “Thật vui vì được gặp lại cô, Tiến sỹ Petrescu”.
“Tôi cũng vậy, rất vui vì được gặp lại ngài, Nakamura San”, Anna nói. “Tôi hy vọng ngài đã có một chuyến đi dễ chịu”.
“Vâng, xin cảm ơn cô. Chúng tôi thậm chí còn hạ cánh đúng giờ, một sự thay đổi lớn”, Nakamura nói và vẫn đứng yên tại chỗ trong khi lướt nhìn khắp căn phòng. “Cô làm ơn sửa sai cho tôi nếu tôi có nhầm lẫn nhé, Anna. Rõ ràng căn phòng này được dành riêng cho trường phái Anh quốc. Gainsborough?”, ông ta hỏi trong khi ngắm nhìn bức chân dung toàn thân của Catherine, Phu nhân Wentworth. Anna gật đầu, trước khi Nakamura tiếp tục. “Landseer, Morland, Romney, Stubbs, nhưng mà tôi vấp rồi – không biết tôi dùng từ có đúng không?”.
“Ông nói rất chuẩn”, Anna nói, “và những anh em người Mỹ của chúng tôi chưa hẳn đã nói chuẩn như ông. Và ông bị vấp bởi Lely”.
“À, ngài Peter, người phụ nữ kia trông mới tuyệt vời làm sao” – ông ta dừng lại – “nét đặc trưng của gia đình”, ông ta nói và quay sang nhìn chủ nhà.
“Và tôi có thể thấy, ngài Nakamura, nét đặc trưng của gia đình ngài là biết cách làm vui lòng phụ nữ”, Anna nói đùa.
Nakamura cười phá lên. “Với nguy cơ phải thi lại, thưa Phu nhân Arabella, nếu phòng nào cũng như phòng này, có lẽ tôi sẽ phải hoãn cuộc gặp của mình với mấy anh chàng nhà quê ở công ty thép Corns Steel”. Đôi mắt Nakamura tiếp tục nhìn quanh căn phòng, “Wheatley, Lawrence, West và Wilkie”, ông ta nói cho đến khi ánh mắt ông ta dừng lại trên bức chân dung dựng sát tường.
Nakamura không bình luận gì trong một lúc. “Tuyệt vời”, cuối cùng ông ta nói. “Một tác phẩm của một bàn tay hiếm có” – ông ta dừng lại – “nhưng không phải là bàn tay của Van Gogh”.
“Sao ông có thể biết chắc như vậy, Nakamura San?”, Anna hỏi.
“Bởi vì chiếc tai bị băng không phải là chiếc tai kia”, Nakamura trả lời. “Nhưng ai cũng biết Van Gogh đã cắt tai trái của mình”, Anna nói. Nakamura quay sang và mỉm cười với Anna. “Cô biết rõ hơn cả những người khác”, ông ta nói thêm, “rằng Van Gogh đã nhìn vào gương để vẽ bức tranh này, vì vậy chiếc tai bị băng hoá ra phải là tai khác”.
“Tôi thực sự cứ mong có ngày nào đó có người sẽ giải thích điều này cho tôi hiểu”, Arabella nói rồi dẫn các vị khách sang phòng khách.