Nếu Đời Anh Vắng Em

Chương 2: Tên trộm thiện xảo nhất



Người ta có thể yêu ai đó vì những lý do riêng và ghét người đó cũng chính vì những lý do như vậy.

Russell BANKS

Paris, bờ trái dòng sông Seine

29 tháng Bảy

3 giờ sáng

Tên trộm

Paris tắm mình trong màn đêm sáng rõ giữa mùa hè. Trên các mái nhà của bảo tàng Orsay, một bóng đen nhanh thoăn thoắt lẩn sau một thân cột rồi đột ngột hiện ra trong vầng sáng hắt lên từ dãy đèn chiếu hình bán nguyệt.

Mặc một chiếc áo liền quần màu sẫm, Archibald McLean thắt hai sợi dây leo vào chiếc đai đeo ngang hông. Hắn chỉnh lại cái mũ trùm len màu đen cho chụp xuống tận đôi mắt sáng, nổi bật trên khuôn mặt trét đầy xi đen của hắn. Hắn đóng ba lô lại rồi nhìn xuống thành phố đang trải rộng trước mắt. Từ nóc của bảo tàng nổi tiếng này mở ra một tầm nhìn thật ấn tượng, trông rõ mọi công trình bên bờ phải con sông: cung điện Louvrre mênh mông tràn ngập các tác phẩm điêu khắc, mái vòm hình búp của nhà thờ Sacré-Coeur, mái vòm tròn của cung điện Grand Palais, bánh xe khổng lồ trong Công viên Tuileries và mái vòm tròn màu xanh dát vàng của nhà hát Opéra Garnier. Đắm mình trong màn đêm, thủ đô mang một vẻ đẹp vượt thời gian. Đây vẫn là Paris từ thời Arsène Lupin, Paris trong vở Bóng ma trong nhà hát.

Archibald đeo găng tay bảo hiểm vào, thả lỏng cơ bắp và thả dần sợi dây thừng dọc theo bức tường đá. Tối nay sẽ là một màn hóc búa và nguy hiểm. Song cũng chính điều đó làm nên sức hấp dẫn của nó.

Viên cảnh sát

– Thật là điên rồ!

Ngồi theo dõi từ trong ô tô, viên đại úy cảnh sát Martin Beaumont quan sát qua ống nhòm tên tội phạm mà anh đã truy lùng từ hơn ba năm nay: Archibald McLean, tên trộm nổi tiếng nhất trong số những kẻ chuyên đánh cắp các bức tranh hiện đại.

Viên cảnh sát vô cùng phấn khích. Tốinay, anh chuẩn bị tóm được tên trộm lừng danh, sự kiện mà cả đời cảnh sát mới có được một lần. Giờ phút này anh đã chờ đợi từ lâu. Một cảnh anh đã diễn đi diễn lại hàng trăm lần trong đầu. Một hành động sẽ khiến cho cả Interpol lẫn hết thảy đám thám tử tư làm thuê cho những tay tỷ phú từng có tranh bị Archibald cuỗm mất phải thèm thuồng.

Martin điều chỉnh ống nhòm để hình ảnh nét hơn. Cái bóng lờ mờ của Archibald cuối cùng cũng hiện ra trong bóng đêm. Tim đập rộn ràng, Martin nhìn hắn thả sợi dây từ trên mái rồi trượt xuống theo bờ tường bảo tàng cho tới khi xuống đến một trong hai chiếc đồng hồ khổng lồ hướng ra sông Seine.

Trong giây lát, viên cảnh sát hy vọng nhìn được nét mặt của con mồi, song Archibald ở quá xa và đang quay lưng về phía anh. Một điều có vẻ như vô cùng khó tin, mặc dù hắn đã có hai mươi lăm năm hành nghề song chưa ai từng trông thấy khuôn mặt thật của Archibald McLean…

° ° °

Archibald đứng yên phía sau chiếc đồng hồ thủy tinh đang phát ra ánh sáng nhờ nhờ. Dán mình vào mặt đồng hồ có đường kính bảy mét này, hắn thấy thật khó lòng chống lại sự thúc giục của thời gian. Hắn biết bất cứ lúc nào cũng có thể bị phát hiện, song hắn vẫn ngó xuống phố. Bến sông thật yên tĩnh nhưng không hề vắng vẻ: những chiếc taxi thỉnh thoảng vẫn chạy qua, vài người dạo chơi ban đêm đang thả bộ, một số khác thì trở về nhà nghỉ ngơi sau một đêm dài vui chơi.

Không vội vàng, tên trộm đứng dựa vào gờ đá và tháo từ thắt lưng ra một bánh xe có những mũi nhọn đính kim cương. Bằng động tác nhanh nhẹn, chính xác và đều đặn, hắn cà nó lên mặt kính, vào đúng vị trí nơi các kim đồng hồ bằng hợp kim sẽ dóng thẳng hàng với nhau để chỉ sáu giờ. Đúng như hắn dự tính, lưỡi cưa bánh xe chỉ cào lên kính và vẽ thành một đường tròn nhỏ trên mặt phẳng. Archibald ấn vào đó một cái ống hút chân không có ba đầu rồi với lấy một ống xi lanh bằng nhôm có chiều dài bằng một chiếc đèn pin. Hắn đưa dụng cụ men theo đường cứa bằng động tác chính xác và tự tin, kéo đi kéo lại. Đúng là một sợi dây cắt kính thực thụ, tia laser đã làm thành một đường xẻ mảnh và sâu. Miếng kính nhanh chóng nứt ra theo đường cắt. Khi miếng kính chuẩn bị rơi xuống, Archibald ấn ống hút. Tấm kính nặng nề rời luôn ra, không hề có tiếng vỡ nứt, và nhẹ nhàng hạ xuống đất, để lộ một lối đi hình tròn,sắc nét như một ô cửa. Khéo léo như một nghệ sĩ nhào lộn, Archibald luồn mình vào lỗ hổng sẽ đưa hắn vào một trong những bảo tàng đẹp nhất thế giới. Kể từ giây phút này trở đi, hắn chỉ còn ba mươi giây trước khi chuông báo động reo.

° ° °

Dán mũi vào kính xe, Martin không thể tin vào mắt mình. Chắc chắn Archibald vừa hoàn thành một cú ngoạn mục khi đột nhập vào bảo tàng bằng một cách tài tình như vậy, song chuông báo động nhất định sẽ reo chỉ trong ít giây nữa thôi. Hệ thống an ninh của bảo tàng Orsay đã được củng cố lại rất nhiều kể từ sau vụ việc diễn ra vào năm ngoái, một nhóm người say rượu xô đổ một cánh cửa thoát hiểm và chui được vào bên trong bảo tàng. Những người này đã lảo đảo đi lại trong các phòng trưng bày nhiều phút rồi mới bị chặn lại. Và trong quãng thời gian đó họ đã kịp phá hỏng một bức tranh nổi tiếng của Monet, Cây cầu Argenteuil.

Vụ việc đã gây nhiều tai tiếng. Bà Bộ trưởng Văn hóa không thể chấp nhận nổi chuyện có người đột nhập được vào Orsay như vào một cối xay gió. Sau đó, tất cả các khu vực nhạy cảm của bảo tàng đều được rà soát lại. Là thành viên của OCBC – Trung tâm chống buôn lậu văn hóa phẩm-, Martin Beaumont đã được mời tham gia tư vấn trong việc rà soát và đảm bảo an ninh cho tất cả các lối vào. Lý thuyết mà nói, các phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật ấn tượng nổi tiếng hiện bất khả xâm phạm.

Nhưng nếu vậy, tại sao cái chuông báo động chết tiệt này lại không kêu nhỉ?

° ° °

Archibald đặt chân xuống một trong những chiếc bàn của quán cà phê. Chiếc đồng hồ kính khổng lồ dẫn thẳng xuống quán cà phê Độ cao, nằm trên tầng cao nhất của bảo tàng, gần các phòng trưng bày sản phẩm theo trường phái ấn tượng. Tên trộm nhìn đồng hồ đeo tay: vẫn còn hai mươi lăm giây nữa. Hắn nhảy xuống đất và leo vài bước lên những bậc thang dẫn tới các phòng tranh. Những con mắt thần chiếu tia hồng ngoại đan thành một mạng lưới vô hình trải dài năm mươi mét dọc hành lang. Hắn tìm ra hộp báo động và tháo ốc tấm bảng bảo vệ ra rồi kết nối với chiếc máy tính xách tay tí hon chỉ lớn hơn chiếc iPod một chút. Trên màn hình, các con số trôi đi với tốc độ chóng mặt. Trên trần nhà, hai máy quay có gắn thiết cảm ứng nhiệt đang chuẩn bị đổ chuông. Chỉ còn mười giây nữa…

° ° °

Không thể kiên nhẫn thêm,Martin bước ra khỏi xe và vặn người răng rắc. Anh đã ngồi theo dõi được bốn tiếng và bắt đầu thấy bắp chân tê chồn. Anh đã mất thói quen rồi. Hồi mới vào nghề, có khi anh thức trắng nhiều đêm để theo dõi trong những điều kiện không tưởng: trong cốp xe ô tô, trong thùng xe tải chở rác, trong lớp trần giả. Gió chợt nổi lên. Anh rùng mình và cũng không hẳn là khó chịu trong đêm hè oi bức này. Từ khi làm việc ở OCBC, anh chưa từng cảm thấy phấn khích như hôm nay. Những lần cuối cùng anh thấy trong người rạo rực đã cách đây năm năm, từ thời anh còn làm cho Stups. Một nghề khốn kiếp gắn chặt với quãng đời khốn khó mà anh không hề cảm thấy hối hận khi đã đoạn tuyệt. Anh thích cái vị trí đặc biệt của nghề “cảnh sát nghệ thuật” này hơn, một công việc có thể dung hòa niềm đam mê hội họa với cam kết của anh khi gia nhập ngành cảnh sát.

Ở Pháp, chỉ có khoảng ba chục người được theo học khóa đào tạo cao cấp của trường đại học Lourve, nhờ đó họ mới có thể bước vào công việc đỉnh cao này. Mặc dù từ đó trở đi, anh luôn điều tra trong không gian sang trọng của các bảo tàng, các phòng tranh, gặp gỡ các nhà buôn đồ cổ và giám đốc bảo tàng nhiều hơn là bọn buôn lậu và trộm cướp, song anh vẫn là một cánh át chính hiệu. Và một cảnh sát thì có rất nhiều việc phải làm. Với hơn ba ngàn vụ trộm một năm, nước Pháp là đích ngắm ưa chuộng của bọn “trộm cắp di sản”, mà buôn lậu những thứ này cũng sinh lời không kém những đường dây buôn lậu vũ khí hay ma túy.

Martin khinh thường lũ trộm vặt sục sạo trong những nhà thờ ở nông thôn, vơ vét các bức tượng thiên thần hoặc Đức mẹ Đồng Trinh. Anh không thể chịu được sự ngu dốt của lũ càn quấy tìm thú vui tiêu khiển bằng trò đập phá các tác phẩm điêu khắc trogn công việc. Và anh cũng căm ghét lũ trộm cướp làm việc theo đơn đặt hàng của những kẻ sưu tầm hoặc buôn lậu đồ cổ. Bởi lẽ, không giống như những gì người ta vẫn nghĩ, những tên trộm các tác phẩm nghệ thuật không hề là những quý ông đơn độc. Đa số chúng đều có liên quan tới tội phạm có tổ chức và những băng đảng nguy hiểm nhất, những kẻ luôn nhúng tay vào các đường dây “rửa” tranh ăn cắp bằng cách tuồn chúng ra nước ngoài.

Đứng dựa vào mui chiếc Audi cũ, Martin châm một điếu thuốc, mắt vẫn không rời khỏi mặt tiền bảo tàng. Qua ống nhòm, anh nhìn rõ cái lỗ khổng lồ mở toang hoác trên chiếc đồng hồ thủy tinh. Vẫn chưa có tiếng chuông báo động nào, nhưng anh biết chắc chỉ vài giây nữa thôi, tiếng còi chói tai sẽ rú lên, xé tan màn đêm tĩnh mịch.

° ° °

Ba giây.

Hai giây.

Một gi…

Một tia nhẹ nhõm rạng trên gương mặt Archibald khi sáu chữ số dừng lại trên màn hình máy tính bé tí xíu. Rồi dãy số độc đắc nhấp nháy, vô hiệu hóa toàn bộ hệ thốngd ò tìm cử động. Đúng như hắn đã dự tính. Có thể một ngày nào đó hắn sẽ nhầm lẫn. Chắc chắn một ngày nào đó hắn sẽ thực hiện một vụ trộm không nên làm. Nhưng không phải là đêm nay. Lối đi đã được giải phóng. Màn kịch có thể bắt đầu.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.