Truy Tìm Dracula

Chương 1



Trình tự sắp xếp những tài liệu này sẽ trở nên rõ ràng trong khi đọc. Mọi vấn đề không cần thiết đã được loại bỏ, sao cho một câu chuyện hầu như mâu thuẫn với những khả năng mà người đời sau tin tưởng có thể hiên ngang đứng vững như một sự thật giản đơn. Tuyệt đối không có sự khẳng định nào về những điều xảy ra trong quá khứ, những điều có thể sai lạc do trí nhớ, bởi tất cả các ghi chép được chọn ở đây đều hoàn toàn mang tính đương thời, được đưa ra từ quan điểm và trong phạm vi kiến thức của những người tạo ra chúng.

– Bram Stoker, Dracula, 1897

Năm 1972, tôi bước vào tuổi mười sáu – cha bảo tôi hãy còn quá nhỏ, chưa thể đi cùng cha trong những chuyến công cán ngoại giao. Cha muốn biết chắc là tôi đang ngồi nghe giảng chăm chú trong lớp tại Trường Quốc tế Amsterdam hơn; thời kỳ đó cơ quan của cha tôi đặt tại Amsterdam, nên thành phố ấy trở thành nhà của tôi trong một thời gian dài, đến độ tôi hầu như quên hẳn cuộc sống ở Mỹ trước đó. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy kỳ lạ là mình đã ngoan ngoãn đến thế suốt thời niên thiếu, trong khi những người khác cùng thế hệ đều đắm chìm trong ma túy, hoặc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh đế quốc ở Việt Nam, tôi đã lớn lên trong một thế giới được bảo bọc kỹ đến độ cuộc sống thành niên trong giới tri thức của tôi cũng có vẻ gì đó sặc mùi phiêu lưu mạo hiểm. Tôi vốn mồ côi mẹ, nhưng được cha chăm sóc chu đáo bằng một ý thức trách nhiệm gấp đôi mà nếu không có nó ông đã chẳng bảo bọc tôi tuyệt đối đến thế. Mẹ tôi mất khi tôi còn rất nhỏ, trước khi cha thành lập Trung tâm vì Dân chủ và Hòa bình. Cha không bao giờ nói về mẹ và thường lặng lẽ nhìn đi nơi khác mỗi khi tôi hỏi han; từ nhỏ tôi đã hiểu rằng đối với cha, đó là một chủ đề quá đau đớn để bàn luận. Thay vào đó, cha đích thân đặc biệt chăm nom tôi, đồng thời cung cấp cho tôi một loạt nữ gia sư và quản gia – tiền bạc không thành vấn đề đối với cha trong những việc liên quan đến chuyện giáo dục tôi, cho dù chúng tôi chỉ sống giản dị đắp đổi qua ngày.

Người quản gia sau cùng là bà Clay, đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc căn nhà chật hẹp kiểu thế kỷ mười bảy của chúng tôi bên bờ kênh Raamgracht, con kênh chính giữa trung tâm thành phố cổ kính này. Hàng ngày, bà Clay mở cửa cho tôi vào nhà khi tôi đi học về và thế vai phụ huynh của tôi khi cha đi xa, đây là việc bà phải thường xuyên đảm nhiệm. Bà là người Anh, lớn tuổi hơn mẹ, khéo léo với cây phất trần nhưng vụng về với bọn trẻ tuổi loi choi chúng tôi; đôi khi, nhìn gương mặt già nua lộ vẻ thương hại của bà ở phía bên kia bàn ăn, tôi có cảm tưởng bà hẳn đang nghĩ mình là mẹ tôi và tôi đâm ra ghét bà vì điều đó. Khi cha đi vắng, ngôi nhà xinh đẹp cũng vắng lặng. Không còn ai có thể giúp tôi học môn đại số, không còn ai chiêm ngưỡng chiếc áo khoác mới hay bảo tôi lại đây ôm cha một cái nào, hoặc tỏ vẻ kinh ngạc khi thấy tôi cao bổng lên quá nhanh. Khi quay về từ một địa danh nào đó có tên ghi trên tấm bản đồ châu Âu treo trên tường phòng ăn, người cha toát ra hương vị của những thời đại và những nơi chốn xa lạ, mùi gia vị và sự mệt mỏi. Chúng tôi đã từng đi nghỉ ở Paris và Rome, chăm chú quan sát các địa điểm mà cha nghĩ tôi nên xem, nhưng tôi chỉ khao khát được đến những nơi mà cha thường biệt tăm ở đó, những chốn kỳ lạ cổ xưa mà tôi chưa từng đến bao giờ.

Khi cha đi công tác, tôi chỉ đi học rồi lại về nhà, vứt đánh bịch chiếc cặp lên chiếc bàn bóng láng kê ngoài sảnh. Cả bà Clay lẫn cha đều không cho tôi ra ngoài vào buổi tối, ngoại trừ vài dịp đặc biệt họ cho phép tôi xem một bộ phim được kiểm duyệt cẩn thận cùng vài đứa bạn cũng được kiểm duyệt cẩn thận, và – thật ngạc nhiên khi hồi tưởng lại – tôi chưa bao giờ xem thường những quy định này. Dù sao tôi cũng thích sự cô độc, đó là môi trường mà tôi đã lớn lên, đã thoải mái ngụp lặn trong đó. Tôi xuất sắc trong học tập nhưng trong cuộc sống xã hội thì không. Bọn con gái cùng tuổi làm tôi kinh sợ, đặc biệt cái đám sành điệu ăn nói đanh đá, hút thuốc luôn mồm trong nhóm con cái gia đình ngoại giao chúng tôi – ở bên bọn chúng, tôi luôn cảm thấy chiếc váy mình đang mặc quá dài hoặc quá ngắn, hoặc mình nên mặc một thứ gì đó khác hẳn. Đám con trai thì làm tôi bối rối, mặc dù tôi cũng mơ hồ tơ tưởng đến cánh đàn ông. Thực ra, tôi thấy hạnh phúc nhất khi được ở một mình trong thư viện của cha, một căn phòng lớn và trang nhã ở tầng một trong nhà.

Thư viện của cha có lẽ một thời từng là phòng khách, nhưng một khi cha ngồi xuống thì chỉ là để đọc sách, nên ông xem trọng một thư viện lớn hơn một phòng khách lớn. Từ lâu, cha đã cho tôi được tự do sử dụng bộ sưu tập của ông. Suốt những lần cha vắng mặt, tôi ngồi làm bài tập hàng giờ đồng hồ tại chiếc bàn gỗ dái ngựa hoặc lục lọi trên các kệ sách kê dọc tường. Sau này, tôi hiểu đó là vì cha hoặc suýt quên mất có thứ gì trên các ngăn trên cùng – hoặc nhiều khả năng hơn – cho rằng tôi sẽ không bao giờ có thể với tới đó, nên một đêm khuya nọ tôi đã lấy xuống không chỉ một bản dịch cuốn Kama Sutra mà còn cả một cuốn sách cũ hơn thế nhiều và một phong bì có chứa những trang giấy ố vàng.

Thậm chí đến nay, tôi vẫn không thể nói điều gì đã khiến tôi kéo chúng xuống. Nhưng hình ảnh mà tôi đã nhìn thấy ở giữa cuốn sách kia, cái mùi vị của năm tháng bốc lên từ đó, và phát hiện của tôi rằng những tờ giấy kia là những lá thư riêng, tất cả đều lôi cuốn óc tò mò của tôi dữ dội. Tôi biết mình không nên lục lọi những giấy tờ riêng tư của cha, hoặc của bất kỳ ai khác, vả lại tôi cũng sợ bà Clay có thể bất chợt vào phòng để lau chùi chiếc bàn không một chút bụi kia – đó hẳn là điều đã khiến tôi phải ngoái nhìn lại cửa ra vào. Nhưng tôi không thể cưỡng lại việc được cầm lấy lá thư trên cùng, đọc đoạn đầu tiên của nó trong lúc vẫn đứng bên giá sách.

Tháng Mười hai năm 1930

Cao đẳng Trinity, Oxford

Người kế thừa thân mến và bất hạnh của tôi:

Tôi thấy rất tiếc khi hình dung ra cảnh bạn, dù bạn là ai, đang đọc bản miêu tả mà tôi phải viết dưới đây. Nỗi hối tiếc ấy cũng phần nào dành cho chính bản thân tôi – bởi chắc chắn, nếu lá thư này đang ở trong tay bạn, thì hẳn ít nhất tôi đang gặp rắc rối, có thể đã chết, hoặc có lẽ còn tồi tệ hơn. Nhưng tôi cũng tiếc cho bạn, người bạn mà giờ tôi còn chưa quen biết, bởi vì chỉ có người nào vô cùng cần đến thông tin khủng khiếp này thì một ngàG nào đó mới đọc lá thư này. Nếu bạn không phải là người thừa kế của tôi, theo một cách hiểu khác, thì chẳng bao lâu nữa bạn sẽ là người thừa kế của tôi – tôi cảm thấy đau khổ vì đã truyền lại cho một sinh linh khác trải nghiệm của chính tôi, có lẽ là ghê tởm và không thể nào tin được, về cái ác. Tôi không biết vì sao bản thân mình lại thừa hưởng điều đó, nhưng hy vọng rốt cuộc sẽ khám phá được lý do – có thể trong thời gian viết cho bạn hoặc cũng có thể trong tiến trình các sự kiện khác sau này.

Đến lúc này, cảm giác phạm tội – và một điều gì khác nữa – đã khiến tôi vội vã nhét lá thư vào lại phong bì, nhưng tôi cứ nghĩ về nó suốt ngày hôm đó và cả những ngày kế tiếp. Cuối cùng, khi cha trở về sau chuyến công tác, tôi mong chờ có cơ hội để hỏi cha về những lá thư và cuốn sách kỳ lạ kia. Tôi chực chờ lúc cha rảnh rỗi, lúc chỉ có riêng hai cha con, nhưng hồi đó lúc nào cha cũng bận rộn, vả lại có điều gì đó ở những gì tôi phát hiện ra khiến tôi ngần ngại tiếp cận cha. Sau cùng, tôi đã nài nỉ cha cho tôi đi cùng trong chuyến công tác kế tiếp. Đó là lần đầu tiên tôi che giấu cha mình một điều bí mật và cũng là lần đầu tiên khăng khăng nài xin một việc gì.

Cha miễn cưỡng đồng ý. Ông đã nói chuyện với bà Clay và các giáo viên của tôi, cũng như nhắc nhở tôi rằng sẽ có vô khối thời gian cho tôi làm bài tập trong khi ông tham gia hội họp. Tôi chẳng hề ngạc nhiên; vì là con của một nhà ngoại giao, tôi đã quen với việc luôn phải chờ đợi. Tôi gói ghém đồ đạc vào chiếc va li màu xanh nước biển, mang theo những cuốn sách giáo khoa và một mớ tất sạch, loại dài đến đầu gối. Sáng hôm đó, thay vì rời nhà đến trường, tôi đã khởi hành cùng cha, yên lặng và sung sướng bước bên ông đến nhà ga. Một chuyến tàu đưa chúng tôi đến Vienna; cha ghét máy bay, ông nói chúng đã tước đoạt cái thú đi lại của những chuyến du hành. Ở đó, chúng tôi đã trải qua một đêm ngắn trong một khách sạn. Một chuyến tàu khác đưa chúng tôi đến rặng Alps, ngang qua tất cả những đỉnh núi màu trắng xanh có tên trên tấm bản đồ ở nhà chúng tôi. Bên ngoài một nhà ga vàng vọt và bụi bặm, cha khởi động chiếc xe vừa mới thuê, còn tôi thì nín thở cho đến khi xe quẹo vào cổng một thành phố mà cha đã tả cho tôi nghe nhiều lần đến độ tôi đã từng mơ thấy nó.

Mùa thu đến sớm dưới chân dãy Alps ở đoạn thuộc Slovenia. Cho dù chưa đến tháng Chín, những vụ mùa bội thu đã được nối tiếp bằng những cơn mưa dầm bất chợt, kéo dài hàng ngày và làm lá rụng đầy trên đường làng. Giờ đây, đã ở tuổi năm mươi, tôi nhận ra cứ đôi ba năm một lần, tôi vẫn lang thang hướng về phương trời đó, hồi tưởng lại cái nhìn đầu tiên của mình về miền quê Slovenia. Đó là một xứ sở cổ kính. Mỗi mùa thu đến lại khiến nơi đây đằm thắm hơn một chút, in aerternu (1), mùa thu nào cũng bắt đầu cùng với ba sắc màu: phong cảnh màu xanh cây, điểm xuyết đôi chiếc lá vàng rơi xuyên qua nền chiều xám. Tôi nghĩ, dân La Mã – những người đã để lại những bức tường thành ở đây và những đấu trường khổng lồ ở phía Tây, trên vùng duyên hải – hẳn cũng đã từng chứng kiến cùng cái mùa thu đó và cũng từng có cảm giác rùng mình như vậy. Tôi cảm thấy vô cùng thích thú khi xe chạy qua cổng những khu cổ kính nhất trong các đô thị từ thời Julius Ceasar. Đây là lần đầu tiên, tôi cảm thấy choáng ngợp trước niềm phấn khích của một lữ khách khi được chiêm ngưỡng khuôn mặt tinh tế của lịch sử.

Bởi thành phố này là nơi câu chuyện của tôi bắt đầu, tôi sẽ gọi nó là Emona, danh xưng theo tiếng La Mã, để giấu nó ít nhiều khỏi đám du khách chỉ chăm chăm theo đuổi các phế tích khắp nơi cùng một cuốn sách hướng dẫn du lịch. Emona được xây dựng trên những tàn tích Thời đại Đồ Đồng, dọc theo một dòng sông mà hiện nay đôi bờ đã kín những công trình kiến trúc kiểu tân nghệ thuật xếp nối tiếp bên nhau. Suốt vài ngày sau đó, chúng tôi bách bộ qua tòa thị chính, ngang qua những ngôi nhà mang phong cách thế kỷ mười bảy được điểm tô những khóm hoa huệ màu bạc, ngang qua mặt sau màu vàng chóe của một ngôi chợ lớn với các bậc thang nối từ những cánh cửa cũ kỹ có then cài nặng nề dẫn xuống tận bờ sông. Trong suốt nhiều thế kỷ trước, nơi đây đã phát triển ngành vận tải đường sông để nuôi sống thành phố. Và trên bờ, nơi những túp lều nguyên sơ từng mọc lên như nấm sau mưa, loài sung dâu – cây tiêu huyền của châu Âu – giờ đây mọc thành một vòm bát ngát trên những bức tường bao dọc bờ sông, buông những cụm vỏ cây quăn queo xuống dòng nước.

Gần khu chợ, quảng trường chính của thành phố trải rộng dưới bầu trời u ám. Emona, giống như những thành phố chị em của mình ở phương Nam, phô bày những đường nét hoa mỹ của một quá khứ lắm đổi thay và nhiều màu sắc: phong cách kiến trúc Viennese Deco ở khắp các tòa nhà dọc theo đường chân trời, những ngôi nhà thờ đồ sộ màu đỏ thời Phục hưng của dân Thiên Chúa giáo nói tiếng Xlavơ, những nhà nguyện nhỏ thời Trung cổ màu nâu thấp lè tè với những đặc trưng của kiến trúc Quần đảo Anh. (Thánh Patrick đã phái các nhà truyền giáo đến khu vực này để đưa tín ngưỡng còn mới mẻ ở đây đi đúng một vòng, về lại cội nguồn Địa Trung Hải của nó, để thành phố này có lịch sử Thiên Chúa giáo xưa nhất Âu châu). Đây đó, người ta bắt gặp một nét kiến trúc Ottoman ở những cửa ra vào hoặc trong một khung cửa sổ nhọn đầu. Kế bên các khu đất chợ, một ngôi nhà thờ nhỏ kiểu Áo rung chuông báo đã đến buổi cầu nguyện chiều. Đàn ông và đàn bà, mặc áo khoác lao động vải bông xanh, cầm dù che trên túi xách, đang trở về nhà sau một ngày làm việc. Khi xe vào trung tâm Emona, chúng tôi băng qua sông trên một cây cầu cổ xinh đẹp với những chú rồng da xanh bằng đồng đứng canh gác ở hai đầu.

“Lâu đài kia kìa,” cha nói, cho xe chậm lại bên rìa quảng trường và trỏ tay qua màn mưa. “Cha biết con sẽ muốn tham quan lâu đài đó.”

Tôi rất muốn xem. Tôi rướn người hết cỡ, nghển cổ cho đến lúc thấy được khung cảnh tòa lâu đài qua những cành cây sũng nước – những ngọn tháp cũ kỹ trên một đồi dốc giữa trung tâm thành phố.

“Thế kỷ mười bốn,” cha thì thầm. “Hay là mười ba nhỉ? Cha không rành lắm về những phế tích thời Trung cổ này, không nhớ chính xác đến thế kỷ. Nhưng chúng ta có thể tìm thấy trong sách hướng dẫn.”

“Chúng ta có thể lên đó thám hiểm chút được không cha?”

“Chúng ta có thể khám phá nơi đó vào ngày mai, sau các buổi họp của cha. Những ngọn tháp kia trông có vẻ như chỉ cần một con chim đậu vào thôi cũng không trụ nổi, nhưng ai mà biết được.”

Dừng xe lại trong bãi đậu xe gần tòa thị chính, và bằng bàn tay xương xẩu vẫn còn mang găng tay da, cha giúp tôi ra khỏi xe với vẻ lịch thiệp. “Còn khá sớm để đăng ký phòng khách sạn. Con có muốn uống một chút trà nóng không? Hoặc chúng ta có thể dùng một bữa ăn nhẹ tại cái gastronomia(2) kia. Trời đang mưa to hơn đấy,” cha nghi ngại nói tiếp, nhìn vào chiếc áo khoác và váy len của tôi. Tôi vội vàng lôi ra chiếc áo choàng có mũ trùm đầu không thấm nước mà năm ngoái cha đã mang từ Anh về cho tôi. Chuyến tàu từ Vienna mất gần một ngày và tôi đã lại đói bụng, dù đã được ăn trưa trên tàu.

Nhưng thứ cám dỗ chúng tôi không phải là cái gastronomia, với những ngọn đèn nội thất xanh đỏ lập lòe chiếu qua một khung cửa sổ xám xịt, những cô phục vụ bàn mang xăng đan cao gót đế bục màu xanh lính thủy – chắc thế – và bức chân dung sưng sỉa của Đồng chí Tito. Lúc đang tìm đường lách qua đám đông ướt sũng, bất chợt cha lao về phía trước. “Đây rồi!” tôi chạy theo, chiếc mũ trùm đầu bay lật phật làm tôi gần như không thấy gì. Cha đã tìm thấy lối vào một quán trà xâG theo kiểu tân nghệ thuật, một cửa sổ cuốn lớn có hình những cánh cò đang lặn lội ngang qua, những cánh cửa bằng đồng có hình dạng một trăm cuống hoa súng. Cửa nặng nề đóng lại phía sau chúng tôi và cơn mưa mờ dần thành một màn sương, không hơn gì chút hơi nước trên kính cửa sổ, nhìn qua những cánh chim màu bạc kia giống như một màn nước mờ ảo. “Thật đáng ngạc nhiên khi quán này vẫn tồn tại được suốt ba mươi năm qua.” Cha trút bỏ “lớp sương mù thành Luân Đôn” của mình. “Chủ nghĩa xã hội không phải lúc nào cũng tử tế với những kho báu của mình như thế.”

Tại một bàn ăn gần cửa sổ, chúng tôi uống trà chanh, hơi nóng tỏa qua chiếc cốc dày cộp, ăn một mạch hết mớ cá trích cùng bánh mì trắng phết bơ và thậm chí ráng thêm vài lát torta. “Chúng ta nên dừng ở đây,” cha nói. Gần đây, tôi đâm ra ghét cái cách cha cứ thổi phù phù để làm nguội tách trà của mình và khiếp sợ cái khoảnh khắc không thể tránh khỏi khi cha nói chúng tôi nên ngừng ăn, một việc làm thú vị, để dành bụng cho bữa tối. Nhìn cha trong chiếc áo vest vải tuýt trang nhã và áo len cổ lọ, tôi có cảm tưởng bản thân cha đã từ chối dấn thân vào mọi cuộc phiêu lưu trong cuộc sống, ngoại trừ nghề ngoại giao, thứ đã nuốt trọn đời ông. Lẽ ra cha đã có thể sống vui hơn một chút, tôi nghĩ; với cha, mọi chuyện đều nghiêm túc quá.

Nhưng tôi đã im lặng, bởi tôi biết cha không thích lời bình phẩm này nọ của tôi, vả lại tôi cũng đang có chuyện để hỏi. Trước tiên, tôi để cha uống xong tách trà, rồi ngả người ra sau, tựa lưng vào thành ghế, vừa đủ để cha không thể bảo tôi đừng có ngả ngớn thế. Qua khung cửa sổ lốm đốm ánh bạc, tôi có thể nhìn thấy thành phố ướt át, u ám trong bóng chiều dần buông và những bóng người vội vã băng đi dưới màn mưa. Quán trà, lẽ ra phải đông nghẹt các quý bà trong những bộ đầm dài bằng vải sa mỏng màu ngà, hoặc các quý ông với những bộ râu nhọn hoắt mặc áo khoác nhung cổ lọ, giờ đây vắng tanh.

“Cha không ngờ việc lái xe lại làm cho mình kiệt sức đến như vậy,” cha đặt cốc xuống và đưa tay chỉ tòa lâu đài, chỉ thấy lờ mờ qua màn mưa. “Kia là hướng chúng ta vừa đến từ đó, sườn bên kia ngọn đồi. Từ trên đỉnh đồi, chúng ta có thể nhìn thấy dãy Alps.”

Tôi nhớ lại những sườn núi phủ đầy tuyết trắng và cảm thấy như chúng đang thở phập phồng bên trên thành phố. Bây giờ, chỉ còn mình chúng tôi bên nhau trên phía triền xa của chúng. Tôi ngần ngại, hít vào một hơi. “Cha sẽ kể cho con nghe một câu chuyện chứ?” Những câu chuyện kể là một trong những nguồn an ủi mà cha vẫn thường hay dành cho đứa con mồ côi mẹ của ông; một số câu chuyện được cha rút ra từ thời thơ ấu hạnh phúc của ông ở Boston, một số từ những chuyến du hành hải ngoại. Một số được cha ứng khẩu hư cấu nên, nhưng gần đây tôi đã chán ngấy, nhận ra chúng chẳng có gì lạ lùng, hay ho như tôi từng nghĩ.

“Một câu chuyện về dãy Alps nhé?”

“Dạ không.” Tôi cảm thấy dâng trào một cảm giác sợ hãi không thể giải thích. “Con muốn hỏi về vài thứ mà con đã tìm thấy.”

Cha quay lại nhìn tôi dịu dàng, đôi hàng lông mày bạc nhướng lên trên đôi mắt màu xám.

“Ở trong thư viện của cha,” tôi nói. “Con xin lỗi… con đã lục lọi lung tung và tìm thấy vài thứ giấy tờ và một cuốn sách. Con đã không xem… gì nhiều… mấy giấy tờ ấy. Con nghĩ…”

“Một cuốn sách?” Cha vẫn dịu dàng, tìm kiếm trong cốc một giọt trà cuối cùng, chỉ nghe một cách lơ đãng.

“Chúng có vẻ… cuốn sách đó rất cũ, ở giữa có in hình một con rồng.”

Cha ngồi nghiêng về phía trước, thinh lặng, rồi rõ ràng cha rùng mình. Thái độ kỳ lạ này đánh động tôi ngay tức khắc. Nếu đây lại là một câu chuyện, hẳn nó sẽ chẳng giống bất kỳ câu chuyện nào mà cha đã từng kể với tôi. Cha liếc nhìn tôi dưới hàng lông mày bạc, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy cha có vẻ vô cùng buồn rầu và chán nản.

“Cha giận à?” đến lượt tôi cũng nhìn vào tách trà của mình.

“Không đâu, con yêu.” Cha thở ra thật dài, một âm thanh nghe như nỗi sầu khổ nào đó đang được khơi gợi lại. Cô hầu bàn tóc vàng nhỏ nhắn lại rót đầy những chiếc tách rồi để chúng tôi lại một mình, và một cách khó nhọc, cha bắt đầu.

Chú thích:

1. Tiếng Latin trong nguyên tác: mãi mãi bao giờ cũng vậy.

2. Tiếng Tây Ban Nha: nghệ thuật ăn ngon, nghệ thuật ẩm thực, còn chỉ nhà hàng, quán ăn ngon.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.