Bí Mật Một Gia Tài

Chương 7



Chín năm đã trôi qua trong ngôi nhà sung túc ở phố Chợ nhưng không in lại một dấu vết suy tàn nào trên những bức tường vững như sắt cũng như trên khuôn mặt trông nghiêng của người đàn bà ngồi bên cửa sổ tầng dưới…

Tuy nhiên, ngôi nhà cổ phải chịu một thay đổi quá rõ ràng: từ mấy tuần nay, các bức mành ở gian phòng lớn có bao lơn luôn cuốn lên và các chậu hoa đặt thành hàng trên gờ cửa sổ. Khách qua đường đưa mắt lén nhìn. Ở đấy, giữa ô cửa sổ lát đá, thường xuyên xuất hiện một bộ mặt phụ nữ trẻ đẹp mê hồn và tươi roi rói, một cái đầu tóc vàng hoe, ánh tro, với cặp mắt lanh lợi của chim cu, và cái đầu ấy đặt trên một tấm thân dồi dào sức khoẻ và cân đối nhất, bà ta thường bận một chiếc áo trắng bằng vải tuyn. Đôi khi, có một đứa bé, con gái người đó, bị tạo hoá bạc đãi, dị dạng vì bệnh tràng nhạc, xuất hiện bên mẹ và đã vô thức làm nổi bật người mẹ lên.

Trong thời gian chín năm vừa qua một kỹ sư đã làm cho một thứ nước khoáng từ lòng đất ở vùng phụ cận thành phố phun thành suối, nước này khi lộ ra không khí sẽ để lắng xuống nhiều tinh thể muối quý, X. Đã đồng thời trở thành miền suối nước nóng và miền khí hậu tốt.

Thiếu phụ ấy đến để cho con gái tắm nước khoáng, làm theo lời khuyên của giáo sư Giôhanex Hêluy, ở Bon. Người này đã có danh tiếng lớn nhờ một quá trình lao động hăng say và không ngừng nên chưa có thì giờ về thăm nhà.

Có thể anh không thể đưa khách của mình vào căn phòng bất khả xâm phạm ở tầng trên được, nếu như người được anh che chở không phải là con, và cháu gái của người bà con thuộc chính giáo đến cực đoan ở miền Rênani, mà bà Hêluy rất quý trọng. Người thiếu phụ xinh đẹp kia lại có ưu thế của một địa vị cao, bà ta là quả phụ của ông nghị tham chính viện.

Hai bà cùng ngồi chuyện trò trong phòng ăn. Bỗng người thiếu phụ nói:

– Kìa, Carôlin đến kìa!

Cửa bếp mở không một tiếng động và một cô gái trẻ bước vào… Ai đã được trông thấy người vợ xinh đẹp của nhà ảo thuật mười bốn năm trước đứng trước họng súng của bọn lính, người ấy tất phải sửng sốt dù không muốn, vì sự phục sinh này: vẫn cái dáng ấy dù thanh nhã và tinh khiết hơn, người này mặc thứ vải thô sẫm màu, còn người thiếu phụ khốn khổ kia khoác trên người thứ ánh sáng lừa dối của vẻ sang trọng trên sân khấu. Vẫn những nét hoàn hảo của cái đầu, vẫn vầng trán hẹp trắng như ngà, vẫn vẻ u buồn phảng phất tạo cho khuôn mặt một sắc thái thật cảm động.

Lúc này cô gái ngước cặp lông mi đen lên để lộ đôi mắt nâu sáng ngời. Đôi mắt ấy bộc lộ một tâm hồn không chịu khuất phục. Không để cho dồn đến chỗ phải vâng theo một cách thụ động, có sức cương nghị trong cái nhìn ấy. Cô gái này chính là Fêlixitê, dù cô buộc phải thưa bẩm bằng cái tên tầm thường là Carôlin. Bà Hêluy ngay lúc bắt đầu thời chuyên chế của bà, đã cho tên thật của cô tái hợp với các thứ đồ sân khấu vô giá trị để ở trên tầng xép.

Fêlixitê đến gần bà chủ và đặt chiếc khăn tay bằng vải mịn thêu cực khéo xuống bàn khâu của bà. Bà nghị cầm ngay lấy:

– Cái này cũng đem bán lấy tiền cúng vào quỹ truyền giáo phải không bác? – bà hỏi và trải chiếc khăn ra để xem xét mẫu thêu.

– Tất nhiên, – bà Hêluy trả lời, – Carôlin phải làm việc ấy vì mục đích kia, nó làm mất nhiều thì giờ quá đấy. Ta cho rằng chiếc khăn này rất đáng giá ba êquy.

– Có thể, – bà nghị nhún vai nói, – cô lấy đâu ra hình vẽ thêu ở các góc khăn thế cô bé?

Fêlixitê đỏ mặt.

– Tôi tự vẽ lấy, – cô khẽ trả lời.

Người quả phụ trẻ quắc mắt lên, màu xanh lơ trong mắt bà biến ngay thành màu lục nhạt lấp lánh.

– Chà! Cô tự vẽ ra kia đấy! Cô bé đừng giận nhé, đấy là một sự liều lĩnh mà với ý muốn tốt nhất trên đời ta cũng không hiểu được. Sao lại có thể mạo hiểm vào lĩnh vực này khi không có kiến thức cần thiết?… Đây là thứ vải batin thực thụ, bà bác ta đã phải trả ít nhất là một êquy… thế là cái khăn hỏng vì những hình vẽ tập toẹ này. Trời ạ, cái lá khủng khiếp này là cái gì?

Bà ta chỉ một cái lá dài đầu nhọn uốn gấp xuống nổi bật trên nền vải sáng thành những đường nét mờ ảo.

Fêlixitê không thốt một lời, nhưng cô mím môi đăm đăm nhìn nhà phê bình không đúng… Bà nghị quay mật đi và giơ tay che mắt.

– Ồ, lại thế rồi, cô nhìn như mắt rắn baxilic (1) ấy. Thật không phù hợp với một cô gái trẻ ở địa vị cô khi nhìn người khác một cách khiêu khích như thế. Hãy nghĩ đến điều mà người bạn chân thực của cô luôn luôn nói với cô, anh thư ký Venne tốt bụng ấy mà: “Hãy thực thi đức khiêm tốn, Carôlin thân mến ạ!…” Thấy chưa, ngay lập tức cô ta bĩu môi khinh bỉ! Thật khó chịu… Cô thực sự muốn chơi trò lãng mạn và bướng bỉnh từ chối lời đề nghị của con người lương thiện kia, bởi vì… cô không yêu anh ta? Thật đáng tức cười! Có lẽ rốt cục ông anh Giôhanex của tôi phải dùng quyền lực mà quyết định!

Cô gái chắc đã được rèn luyện nhiều trong nghệ thuật tự kiềm chế! Khi bà nghị nói những lời cuối cô đứng thẳng lên, cô phản ứng đến nỗi máu dồn lên mắt trông rất rõ, cái đầu đột ngột ngẩng lên thoáng vẻ căm ghét và khinh bỉ. Tuy vậy, ngay sau đấy, cô nói rành mạch từng tiếng bằng một giọng bình tĩnh, lạnh lùng:

– Để xem thế nào?

– Ađen, đã bao nhiêu lần bác yêu cầu cháu đừng nêu cái vấn đề khó chịu ấy ra nữa! – Bà Hêluy nhận xét. – Cháu tưởng chỉ trong vài tuần lễ là thành công được với cái đứa lì lợm ngu đần ấy à, trong khi bác đã cố gắng suốt chín năm trời mà vẫn uổng công? Ngay sau khi Giôhanex về, sự việc sẽ kết thúc. Đi lấy mũ và khăn quàng cho tao, – bà hách dịch ra lệnh cho Fêlixitê. – Tao hy vọng rằng cái việc làm vụng về này, – bà khinh miệt ném chiếc khăn bị buộc tội sang một bên, – là việc cuối cùng mày phạm phải trong thời gian làm việc cho tao!

Fêlixitê im lặng bước ra. Ngay sau đấy, hai bà đi qua Chợ. Bà nghị xinh đẹp dắt tay đứa con gái ốm đau vẻ săn sóc như một người mẹ đa cảm. Bà ta mỉm cười dịu dàng với mọi người. Người hầu gái của bà là Roda cùng Vêrônic theo sau, tay khoác giỏ. Họ đi ăn bữa phụ buổi chiều ở vườn, họ đồng thời muốn tết các vòng hoa và tràng hoa. Vị giáo sư trẻ tuổi được chờ đón ở ngôi nhà cha mẹ anh sau chín năm xa vắng, và dù bà Hêluy rầy la “những trò ngốc nghếch” ấy, bà nghị vẫn cứ cố ý trang hoàng căn phòng của người sắp về để tỏ dấu hiệu chào mừng.

Hăngri đóng cửa và Fêlixitê bước lên thang gác. Sau khi qua một hành lang hẹp, cô dừng lại trước cái cửa cũ kỹ vẽ đầy hoa uất kim cương đã long sơn và hoa hồng màu đỏ gạch. Cô rút một chiếc chìa khoá ở túi ra và thận trọng mở cửa, sau cánh cửa là một cầu thang nhỏ đưa lên tầng xép.

Chỉ có một lần Fêlixitê phải đi con đường cheo leo trên mái nhà. Từ đấy, lối vào nơi ẩn dật của bà cô già đã chấp nhận cô. Trong những năm đầu, các chuyến đến thăm chỉ hạn chế vào ngày chủ nhật. Cô lên với Hăngri. Tuy thế, sau khi xác định rõ, bà cụ đã đưa chìa khoá chiếc cửa sơn cho cô, cô tận dụng những lúc tự do để lên đấy. Từ bấy giờ, cô sống một cuộc sống hai mặt. Không phải chỉ về mặt thể chất cô luân lưu giữa chốn hoàng hôn và nơi ánh sáng chói ngời, tâm hồn cô cũng trải qua những biến động như thế, nghị lực của cô mạnh dần lên nên các bóng tối, các nỗi buồn ở dưới kia dừng lại phía sau khi cô bước lên cái thang gác chật hẹp, tối tăm. Ở phía dưới, cô sử dụng bàn là và môi múc canh; ở những giờ gọi là để nghỉ ngơi, cô phải dành cho việc thêu thùa mà sản phẩm dành cho các mục đích từ thiện, ngoài kinh thánh và sách cầu nguyện, cô bị nghiêm cấm đọc mọi thứ sách khác. Trên tầng gác xép, để bù lại, những điều kỳ diệu của trí tuệ con người mở ra cho cô. Cô học hỏi với một niềm say mê thực sự, và kiến thức của con người bí ẩn ở trên này như một nguồn nước không bao giờ cạn. Trừ Hăngri, không một ai trong nhà biết những mối quan hệ ấy, chỉ cần bà Hêluy thoáng nghe nói là sẽ bị ngừng ngay lập tức, không gì lay chuyển nổi. Nhưng sự thể không đi đến chỗ ấy. Hăngri đề phòng, coi chừng, để mắt và lắng nghe mọi sự.

Đứng trên đầu cầu thang, Fêlixitê lắng nghe bên một khung cửa, đẩy cái khung trên cửa ra, nhìn vào và mỉm cười. Trong gian nhà này đang nổi lên một thứ huyên náo vui vẻ lạ thường, tiếng chim hót, tiếng chiêm chiếp, tiêng vo vo kêu hoà vào nhau thật kỳ lạ. Giữa chỗ ấy, hai cây tùng nhỏ vươn cao, dọc theo các vách tường, những cây nhỏ tụ lại thành khóm cũng xanh tươi như ở trong vườn, và trên cành một lũ chim ríu rít nhún nhảy.

Fêlixitê đóng khu cửa ấy lại, rồi mở cửa thứ hai. Nhiều năm trước, độc giả đã nhìn qua căn phòng đầy dây trường xuân bọc quanh, đã biết bộ tượng đầu người uy nghiêm đặt sát các vách tường, nhưng chưa biết chúng có quan hệ mật thiết như thế nào với những khổ giấy gấp đôi đóng bìa da dê nhuộm đỏ để tích luỹ trong cái tủ kính kiểu cổ… Đó là sức truyền cảm mãnh liệt phát xuất từ những vầng trán kia, ai biết tháo mở sức truyền cảm ấy, người đó sẽ không biết hiu quạnh, cũng không biết tình trạng bị ruồng bỏ. Đấy là những nhà soạn nhạc vĩ đại nhiều thời kỳ khác nhau, với tượng và tác phẩm của họ, họ chia sẻ nơi ẩn dật với bà cô già. Nhà dương cầm cô đơn này tôn sùng một cách vô tư âm nhạc Ý cũng như âm nhạc Đức.

Nhưng cái tủ kính này còn chứa đựng những báu vật để làm cho người sưu tập thư bút phải ngây ngất. Các bản thảo và thư của các thiên tài đầy sức mạnh ấy, số lớn thuộc loại có giá trị hiếm có, để trong các hộp bìa trong tủ kính. Bộ sưu tầm này được tập hợp từ lâu. Ở thời kỳ mà, như bà cô vừa nói vừa mỉm cười, máu của bà còn rừng rực chảy trong huyết quản, và sức mạnh còn hỗ trợ cho lòng ham muốn… có những tờ đã cũ vàng mà phải tốn kém lớn và kiên trì hãn hữu mới kiếm được.

Bà chủ cơ ngơi này đang lau bụi cho một bức tượng. Bà quay về phía cô khách.

– Cháu đến bà thật hài lòng, Fê yêu quý của bà ạ! – Bà bảo cô. – Cháu sẽ giúp bà sắp xếp chỗ kia một lúc.

Hai người lại gần tủ kính.

Cái tủ gỗ cổ bụng bầu ấy cũng có bí mật của nó. Bà cô Coocđula ấn vào một chỗ trang trí không có vẻ gì đáng chú ý, thế là một miếng ván hẹp ngoài thành tủ mở ra. Khoảng tủ lộ ra chính là két bạc của bà cô. Fêlixitê chỉ có thể thoáng nhìn thấy các đồ quý, lạ xếp đầy bên trong. Trên hai ngăn nhỏ có mấy cuộn tiền êquy, đồ bạc và nữ trang.

Trong khi bà cô lấy tiền ở một cuộn giấy bạc ra và đếm cẩn thận, Fêlixitê với lấy cái hộp để mãi trong một góc tối và mở ra vì tò mò. Cô nhìn thấy trong ấy có một chiếc vòng tay đặt trên bông mềm; Không có một viên ngọc quý nào lóng lánh, chiếc vòng cầm nặng trĩu, chắc bằng vàng nguyên chất. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là tầm cỡ nó. Tay phụ nữ đeo sẽ tuột ngay, hình như chiếc vòng này dành cho cổ tay to của đàn ông thì đúng hơn. Khoảng giữa chiếc vòng rộng bản hơn và đúng ở chỗ này, con dao chạm trổ của người thợ khắc lên những bông hồng và các nhánh tinh tế kết thành tràng hoa bao quanh một hình huy chương trên khắc một câu thơ nghĩa chưa đầy đủ. Cô gái lật đi lật lại chiếc vòng để tìm phần bổ khuyết nhưng không thấy.

– Bà ơi, bà có biết phần tiếp theo không? – cô hỏi.

Bà già ngẩng nhìn:

– Ồ, cháu sa vào cái gì đấy, – bà vội kêu lên, cùng một lúc giọng bà bao hàm cả sự giận hờn, tay run run và đậy nắp lại. Một bên má bà nổi lên một vệt đỏ bừng và đôi mày cau lại làm cho mắt bà như mơ màng một cách ảm đạm. Chưa bao giờ cô gái trông thấy bà như thế. Có thể nói rằng hiện tại đột ngột nhường chỗ cho một dòng thác không cưỡng lại được của các hoài niệm bị thức tỉnh, nên bà cụ không ý thức được sự hiện diện của Fêlixitê, vì sau khi vội vã đẩy cái hộp vào chỗ của nó, bà cầm lấy cái hộp để bên cạnh trên dán giấy xám và đưa lên vuốt ve các góc đã sờn; Nét mặt bà dịu lại, bà thở dài và thì thầm nói khi ôm cái hộp vào bộ ngực gầy gò: – “Cái này phải chết trước ta… vậy mà ta không thể nhìn được nó chết!”

Fêlixitê lo lắng quàng tay ôm lấy bà già bé nhỏ và yếu ớt lúc này đang đứng trước cô trong trạng thái khổ đau đến ngơ ngẩn. Đây là lần đầu tiên trong suốt chín năm quen biết, bà cô mất tự chủ, dù hình dáng bên ngoài của bà mảnh dẻ, yếu ớt, nhưng trong mọi trường hợp bà tỏ ra có sức mạnh phi thường về tinh thần, bà luôn luôn bình thản, vững vàng không một nguyên nhân bên ngoài nào làm bà mất thăng bằng. Bà hết lòng gắn bó với Fêlixitê, bà đã đặt vào cô gái này tất cả kiến thức của bà, tất cả kho tàng ý nghĩ lành mạnh của bà về cuộc đời, nhưng quá khứ của bà vẫn đóng kín, hoàn toàn như chín năm trước đây. Thế mà trong lúc hấp tấp thiếu thận trọng, Fêlixitê đã động chạm đến cuộc đời giấu kín như man dại. Cô cay đắng tự trách mình.

– Bà ơi, xin bà tha thứ cho cháu! – cô năn nỉ và biết năn nỉ một cách cảm động biết

chừng nào, cô gái mà bà Hêluy gọi là đứa lì lợm, ngu đần!

Bà cụ đặt tay lên mắt.

– Im đi cháu. Cháu không làm gì sai cả. Bà nói lẩm cẩm đấy! – giọng bà như kiệt lực. – Phải, bà già rồi, già và yếu! Ngày xưa, khi bà đã ngậm miệng là không một lời thốt ra, bà dũng cảm nhìn thẳng vào sự việc. Bây giờ không như thế nữa. Đã đến lúc bà nằm trong mộ rồi.

Bà vẫn cầm cái hộp nhỏ trong hai bàn tay lưỡng lự, như đang vùng vẫy để có can đảm thực hiện lời kết tội tử hình vừa thốt ra, nhưng một lát sau bà lại để nó vào chỗ cũ rồi khoá tủ kính lại.

Fêlixitê mở khung cửa kính ra hành lang. Bấy giờ là cuối tháng năm – trên bờ tường hành lang dạ hương lan, linh lan và uất kim cương nở tưng bừng, hai bên khung cửa kính các cây sơn mai, hoa to và những khóm bạch đàn trồng trong bồn đang vươn cao.

Fêlixitê bưng chiếc kỷ đến chỗ hành lang nhô ra và đặt ở bên chiếc ghế bành rất êm của bà cụ. Cô trải khăn bàn và để lên đấy chiếc ấm lọc cà phê đang sẵn sàng hoạt động khi chất lỏng ấy reo lên và thổi hơi qua còi báo hiệu, mùi cà phê môca thơm lừng toả khắp hành lang. Bà cô già đã ngồi khoan khoái trong ghế bành và mơ màng ngắm nghía cái khoảnh khắc mùa xuân xán lạn ánh mặt trời ấy.

– Bà ơi, – Fêlixitê nói sau một lúc im lặng và cân nhắc từng lời, – mai anh ta về.

– Đúng, cháu ạ, bà biết qua báo, tờ Tiếng Vang của Bon đây này: giáo sư Hêluy đi nghỉ hai tháng ở Tuyringơ… Nó trở thành người có danh tiếng rồi đấy, Fê ạ!

– Mong rằng anh ta được thư thái trong vinh quang!.. Anh ta không biết đến những dằn vặt mà lòng thương người đau đớn gây ra. Anh ta ấn sâu mũi dao mổ vào da thịt của tâm hồn cũng với niềm vui ngang bằng như thế.

Bà cô kinh ngạc nhìn vào mặt Fêlixitê, giọng nói đầy nỗi đắng cay vô tả ấy là điều mới lạ đối với bà.

– Hãy giữ cho mình khỏi bất công, cháu ạ! – sau một lúc im lặng bà nói chậm rãi và rất dịu dàng.

Fêlixitê ngước nhìn lên ngay, mắt cô vốn có màu nâu nay hình như đem lại.

– Cháu không biết làm như thế nào để nghĩ một cách khoan dung hơn đối với anh ta, – cô đáp lại, – anh ta đã cư xử quá tệ đối với cháu, cháu biết rõ rằng nếu sự rủi ro đến với anh ta, cháu sẽ không thương hại. Và nếu cháu có thể góp phần tìm cho anh ta được một chút hạnh phúc, cháu sẽ không nhấc một ngón tay…

– Fê!

– Thật thế, bà ạ! Cháu luôn đến đây với bộ mặt thanh thản bởi vì cháu không muốn làm cay đắng những giờ họp mặt ít ỏi của bà với cháu, bà thường tưởng rằng tâm hồn cháu bình yên trong khi giông bão gào thét trong cháu… để họ giày xéo trong cát bụi, hàng ngày hàng giờ… nghe họ lăng nhục cha mẹ cháu, bảo cha mẹ cháu là đồ đồi bại, đổ cho cháu những tật xấu họ bịa ra… Cháu có những hoài bão cao đẹp, vậy mà đã bị xô đẩy vào đám người vô học giữa những tiếng cười nhạo báng, chỉ vì cháu nghèo khổ và không có quyền học cao… Những kẻ hành hạ cháu lại mang hào quang của lòng từ thiện, họ tìm cách huỷ hoại trí tuệ cháu nhân danh Đấng Tối cao… nếu lặng lẽ chịu đựng tất cả những bất công ấy, nếu từng giọt máu không sôi lên trong người cháu, nếu có thể tha thứ, thì đây không phải là lòng nhân từ, độ lượng của thiên thần, mà chỉ là sự lệ thuộc hèn nhát và nô dịch của một tâm hồn nhu nhược đáng cho người ta đạp vào đầu!

– Ý nghĩ lại phải đứng trước bộ mặt như đá ấy, làm cho cháu xúc động đến nỗi không biết nói như thế nào với bà! – cô nói tiếp sau khi đã nghỉ lấy hơi. – Anh ta sắp nhắc lại bằng giọng nói không có trái tim và không có tâm hồn tất cả những điều ác đã mắc đối với cháu bằng chữ viết đã chín năm nay. Giống như thằng bé tàn bạo bắt con vật có cánh nào đó bay vật vờ trong phạm vi sợi dây buộc chân nó, anh ta đã trói buộc cháu vào cái nhà khủng khiếp này và biến chúc thư của ông bác thành sự hành hạ cháu. Còn có cái gì ác độc hơn cách cư xử của anh ta đối với cháu? Anh ta không chấp nhận rằng cháu cũng có thể có khả năng về mặt trí tuệ, có một trái tim dịu dàng, một điểm nhạy cảm về danh dự… tất cả những thứ ấy không thể không nhận có thể có ở một đứa con gái của người diễn trò, sự ô nhục trong nguồn gốc của nó chỉ có thể được chuộc bằng cách biến nó thành nô bộc của Chúa, thành một trong những kẻ khốn nạn mà chân trời bị giới hạn đến mức nhỏ hẹp nhất.

– Chà, chương trình của họ bị vượt qua rồi, cháu ạ! – Bà cô Coocđula nói và mỉm cười rất tế nhị. – Hơn nữa, việc nó về chắc chắn sẽ là một bước ngoặt của đời cháu, – bà nghiêm nghị nói tiếp.

– Sau nhiều trận đấu tranh kiên quyết, bà ạ… hôm nay bà Hêluy đã đảm bảo với cháu một điều đáng an ủi rằng mọi sự sắp kết thúc.

– Vậy thì bà sẽ không cần nhắc lại rằng cháu phải kiên nhẫn ở dưới ấy, vì lòng tôn trọng di chúc của người đã đem cháu về nhà và yêu cháu như con gái… Rồi cháu sẽ hoàn toàn tự do, cháu sẽ là người khán hộ của ta trước tất cả mọi người, chúng ta sẽ không sợ ai chia rẽ nữa, vì những người dưới kia đã từ bỏ quyền của họ rồi.

Fêlixitê ngước cặp mắt vui vẻ nhìn lên và nhanh nhẹn cầm lấy bàn tay héo hon của bà già đưa lên môi.

– Đừng nghĩ xấu về cháu, bà ơi, khi bà đã đi sâu vào những ý nghĩ của cháu, – cô cầu khẩn giọng êm dịu lại, – cháu yêu mến con người, cháu nghĩ là họ cao quý, cháu kháng cự lại việc giết chết trí tuệ chính vì cháu bị thúc đẩy một phần nào, bởi vì ý nghĩ cháu không phải là một kẻ khổ dịch tầm thường giữa họ… Dù bị vài người hành hạ, cháu đâu có oán trách cả nhân loại… cháu cũng không hoài nghi họ… Ngược lại, cháu không hề sẵn lòng yêu mến kẻ thù của cháu hay cầu phúc cho kẻ đã nguyền rủa cháu. Nếu đấy là một điểm đen tối trong tính tình của cháu, cháu cũng không thể thay đổi và không muốn thay đổi, bà ơi, như thế là vượt quá giới hạn ngăn cách lòng nhân từ và tính nhu nhược.

Bà Coocđula im lặng và nhìn xuống sàn một cách buồn rầu… phải chăng trong đời mình bà cũng có một điểm mà bà không thể tha thứ?

Khi Fêlixitê rời chỗ bà già thì ngôi nhà phía trước đã nhộn nhịp. Cô nghe tiếng Annet, con gái bà nghị, cười nói ríu rít, trong khi trên đầu tầng hai có tiếng búa nện mạnh vang lên. Cô gái chạy qua hành lang dẫn đến tầng ấy.

Ở đấy, Hăngri đứng trên thang đang ghim những tràng hoa lên phía trên cửa. Trông thấy Fêlixitê, bác nhăn mặt cực kỳ hài hước và nện thật mạnh mấy nhát búa nữa lên đầu mấy chiếc đinh rủi ro, như muốn biến nó thành bột, rồi bác xuống thang.

Annet giữ thang rất nghiêm chỉnh để bác khỏi ngã, nhưng khi thấy Fêlixitê, nó quên mất nhiệm vụ quan trọng và loạng choạng chạy đến chỗ cô để âu yếm ôm lấy đầu gối cô. Cô gái cúi xuống bế nó lên tay.

– Những người này làm như ngày mai sẽ có đám cưới trong nhà, – Hăngri nói, không phải không khó chịu.

Bác giơ một mẩu dây hoa lên:

– Nhìn này, có cả bông hoa nhỏ “Đừng quên tôi” ở đây… người buộc nó vào phải có động cơ… Nhưng kìa, Fê, – bác ngừng lời, phật ý vì thấy đứa bé áp má vào mặt Fêlixitê, – cháu hãy làm vui lòng bác, đừng bế con bù nhìn ấy lên tay nữa, nó không có lấy một giọt máu trong người, có thể lây đấy.

Fêlixitê thương hại, ôm chặt con bé vào ngực. Đứa bé sợ cái nhìn ác cảm của Hăngri và giấu mặt đi. Chỉ nhìn thấy tóc nó, và cô gái bế đứa bé trong tay là bức chân dung đẹp nhất của Thánh mẫu.

Không hài lòng, cô vừa định trả lời Hăngri thì cánh cửa kết hoa mở ra. Từ bên ngoài có thể trông thấy rõ phía trong buồng. Có thể nói rằng đấy trông như chỗ đón cô dâu, thực thế. Trên gờ cửa cửa sổ độc nhất, các chậu hoa bày thành hàng, và bà nghị vừa mắc xong một dây hoa dài vòng quanh bàn làm việc như những đường viền ren đẹp. Bà ta lùi lại để ngắm nghía từ xa tác phẩm của đôi tay mình, lúc lùi xuống bà ta quay đầu ra và nhìn thấy nhóm người bên ngoài. Có lẽ, cảnh tượng giống hình Đức Mẹ làm cho bà không thích, bà ta cau mày, mặt hầm hầm, gọi người hầu gái đang cầm giẻ lau chùi bàn ghế và chỉ con bé:

– Có xuống ngay nhanh lên không, Annet!

Rôda vội vàng chạy ra và rầy la:

– Mẹ đã bảo em không được cho ai bế kia mà… Bà nghị rất phật ý, – chị ta kênh kiệu nói với Fêlixitê và bế lấy con bé, – khi thấy Annet bạ ai cũng đến gần để cho họ ôm ấp và nâng niu… bà bảo như thế là có hại.

Chị kéo con bé đang khóc vào trong buồng tối rồi đóng cửa lại.

– Ghê gớm chưa, sao lại có người như thế nhỉ? – Hăngri đay nghiến nói khi bước xuống thang. – Phần thưởng cho thiện ý của cháu đấy, Fê ạ! Những người ấy cứ tưởng rằng bệnh tật của họ cũng sang trọng như họ nên phải tạ ơn Chúa nếu có thể mó vào thân xác khốn nạn của họ bằng bàn tay lành mạnh của mình.

Fêlixitê cùng đi với bác không nói một lời. Khi họ ra đến cửa, một chiếc xe dừng ở trước nhà. Trước khi Hăngri ra đến cổng thì cổng đã bị đẩy ra. Chỗ này trời rất tối, chỉ nhận rõ dáng dấp một người đán ông to ngang và thấp đi vào và chỉ mấy bước nhanh nhẹn đã đến cửa phòng ăn. Cửa mở từ phía trong ra. Ai nấy nghe rõ một tiếng kêu ngạc nhiên thốt ra từ miệng bà Hêluy với những lời thật khô khan: “Kìa, con lúc này không chính xác

rồi. Giôhanex, ở nhà tưởng con ngày mai mới về kia mà”, – cánh cửa đóng lại.

– Anh ta đấy! – Fêlixitê nói nhỏ và đặt tay lên ngực cô xúc động.

– Trò hề sắp diễn! – cũng lúc ấy Hăngri lẩm bẩm nhưng bác im lặng ngay và mỉm cười vểnh tai nghe về phía buồng cầu thang. Như tiếng băng tuyết đổ lở, người ở trên gác rầm rầm chạy xuống. Bà nghị như có cánh, các búp tóc vàng hoe phất phơ, chiếc áo trắng bồng bềnh quanh người như mây bay. Bỏ mặc Rôda và đứa bé ở sau mình, bà ta chạy bổ vào phòng.

– Hầy, Fê, thế là bây giờ ta biết tại sao hoa “Đừng quên tôi” lại được nhét vào dây hoa! – Hăngri nói và cười. Bác ra cửa để xách hành lý của người vừa về.

Chú thích: (1) Một thứ rắn tưởng tượng chỉ nhìn người nào là người ấy chết.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.