Bí Mật Một Gia Tài

Chương 14



Sau nhiều ngày nắng đẹp với các nguồn vui mùa xuân, một bầu trời xám như chì và đầy mưa bao phủ thành phố X… nhỏ bé. Đây là điểm xấu cho cái ngày đúng thực là một ngày xám xịt nhất, buồn bực nhất trong đời người đàn bà cao lớn. Đấy là ngày mở chúc thư. Không đếm xỉa gì đến bà, người ta chỉ mời đến toà hai người con trai bà và bác Hăngri, nhưng bà đại diện cho Đanien và vị trí ấy bà phải đến dự.

Gần trưa, bà đi qua chợ về nhà cùng với giáo sư, Hăngri đi sau cách một quãng xa. Và hôm ấy thành phố nhỏ này có một quang cảnh khác thường: các mẫu mực về sự vững vàng không nao núng đã bị đi chệch quỹ đạo. Trên hai má của người đàn bà bệ vệ bốc lên ánh lửa lộ rõ sự xúc động cực độ, dáng đi chậm rãi, trịnh trọng, theo nghi lễ nữa của bà đã suy thoái thành vẻ vội vàng, hấp tập, và dù bà chỉ nói khẽ với người con trai đi bên cạnh không hề hé miệng, ai cũng thấy rõ ràng bà đang thì thầm những lời gay gắt.

Dù đau đầu dữ dội, bà nghị chắc đang chầu chực họ về sau bức mành, vì họ vừa về đến phòng ngoài, bà goá trẻ đã xuống nhà để hỏi thăm kết quả với hai má xạm lại, mắt quầng đen, nhưng mặc chiếc áo buổi sáng rất lịch sự. Họ cùng vào phòng khách.

– Này, chúc mừng ta đi, Ađen! – Người đàn bà cao lớn kêu lên một cách rất cay đắng với một tiếng cười khẩy. – Có một trăm hai mươi sáu nghìn mác tiền mặt, thế mà gia đình Hêluy… Chính ra tài sản phải thuộc quyền nhà Hêluy. Không được hưởng một xu!… Chúc thư này là một tờ giấy không ai tưởng tượng được, nhưng tuyệt đối không được động vào đấy, phải lặng lẽ mà chịu đựng hành vi bất công đáng công phẫn này. Ở đây ta thấy rõ khi các ông chồng là cái mũ ngủ thì mọi việc sẽ đi đến đâu; nếu ta là chủ gia đình này, không bao giờ ta chịu như thế! Không hiểu được ông chồng đã quá cố của ta, không có một tờ bảo đảm trong túi, đã để cho mụ già ấy làm gì thì làm dưới mái nhà mình mà không hề giám sát!

Giáo sư lặng lẽ tản bộ, hai tay chắp sau lưng. Một nét u ám phủ trên trán anh, và dưới đôi lông mày nhíu lại, loé lên ánh mắt tức giận. Lúc này anh đứng lại trước mặt mẹ mình:

– Ai là người đã cố sức tìm cách đẩy bằng được bà cô già ra sống ở tầng sát mái? – anh nghiêm giọng hỏi. – Ai đã làm tăng lòng ác cảm của người chủ gia đình là cha con, với bà cô Coocđula? Ai là người đã phản đối hết sức khắc nghiệt sự gần gũi giữa bà cô già và những đứa trẻ nhỏ là chúng con? Chính là mẹ, mẹ ạ! Nếu mẹ muốn hưởng gia tài thì mẹ phải có phương sách khác kia!

– Anh cho rằng tôi phải đặt mình ngang hàng với bà ấy à? Tôi là người suốt đời đi theo con đường của Chúa, còn kẻ tội lỗi kia, bà ấy xúc phạm Chúa trong các ngày chủ nhật, bà ấy không bao giờ sống với đức tin chân thật!… Bây giờ thì bà ấy đã biết rằng mình bị từ bỏ, không được đến trước Chúa… Không, không một quyền lực nào trên mặt đất này đưa tôi đến chỗ ấy được!… Đáng lẽ phải tuyên bố là bà ấy vô trách nhiệm, phải đặt dưới quyền bảo trợ và cha anh sẽ có hàng nghìn cách trong tay để đạt được như vậy.

Giáo sư biến sắc. Anh nhìn mẹ bằng cái nhìn ghê sợ rồi cầm mũ đi ra… Anh vừa nhìn vào trong một vực sâu!… Và sự sùng tín đến ngu muội, tàn khốc ấy, lòng kiêu hãnh tôn giáo khủng khiếp ấy, nấp dưới nó có thể phát triển tính ích kỷ vô bờ bến với danh nghĩa quyền hành nghiêm khắc, tất cả những thứ này suốt nhiều năm qua đã là một vòng hào quang toả sáng quanh đầu mẹ anh!… Đấy chính là tính cách phụ nữ mà anh coi như khuôn mẫu đầu tiên của nữ giới! Anh tự thú nhận rằng ngày trước anh đã căn cứ vào những ý nghĩ như ý nghĩ của mẹ đồng thời là người dìu dắt tuổi trẻ của anh, rằng ngay những ý nghĩ kia cũng chưa làm anh thoả mãn về sự khắt khe, và nghiệt ngã… Và cô gái ngây thơ đáng thương kia, với cái đầu đầy ý nghĩ sáng sủa và các quan niệm này nọ, với những tình cảm đáng tự hào, trung thực và sâu sắc, anh đã nắm lấy cô bằng bàn tay tàn ác và đẩy cô vào cái vùng âm u giá lạnh chết chóc ấy… Cô đã đau khổ biết bao, con chim khuyên dịu dàng ở giữa những con quạ đen!… Anh đưa tay che mắt như bị xây xẩm, thong thả bước lên cầu thang và hãm mình trong cảnh cô đơn của phòng làm việc.

Trong khi có cuộc tranh cãi ở phòng khách, tại căn phòng phụ gần bếp diễn ra một cảnh giận dữ gần như thế. Bác bếp già chạy lung tung trong phòng như ma đuổi. Đổi ngược lại, bác Hăngri bình thản như vách đá bên bờ biển. Bác ăn mặc lịch sự và vẻ mặt bác vui, buồn, hài hước lẫn lộn thật lạ kỳ.

– Đừng có tưởng rằng tôi đố kỵ, bác Hăngri ạ, như thế không độ lượng! – Vêrônic kêu lên. – Trong chuyện này tôi mừng cho bác!… Mười nghìn mác! – Bác đan hai tay vào nhau, vặn vẹo rồi buông cả hai tay xuống. – Bác may hơn là khôn, bác Hăngri!… Lạy chúa, tôi đã tận tuỵ biết bao trong đời mình, tôi chăm chỉ đi lễ nhà thờ, cả trong mùa đông, trời rét như cắt, tôi đã cầu Chúa nhân từ ban ơn cho tôi một lần như vậy, thế mà chẳng để làm gì cả, chẳng có gì cả, may mắn đặc biệt lại về phần con người kia chứ!… Mười nghìn mác, thật là một món tiền làm cho đến phát rồ đấy bác Hăngri ạ!… Nhưng có một điều tôi nghĩ không ra, bác nhận số tiền ấy lương tâm có yên ổn không? Thực ra là bà cô già không có quyền để lại cho bác dù một đồng xu, vì những gì ở đấy đúng ra phải thuộc quyền chủ mình… Cân nhắc mọi bề thì bác đánh cắp của họ, số tiền ấy tôi cũng không biết mình sẽ làm thế nào nếu tôi ở vị trí của bác…

– Tôi lấy món tiền ấy, tôi lấy đấy, bác Vêrônic ạ, – Hăngri điềm nhiên nói.

Bác Vêrônic chạy vào bếp và đóng sập cửa lại.

Chúc thư của bà cô già, thứ gây ra giông bão trong ngôi nhà quý tộc cổ xưa ấy, đã được trình toà từ mười năm trước. Văn bản đó chính tay người để lại chúc thư viết, thực chất bao gồm những điểm sau:

1 – Năm 1633, Lut Đờ Xecbông, con trai ông Ađriêng Đờ Xecbông bị lính Thuỵ Sĩ ám hại, đã rời thành phố X… đi lập nghiệp nơi khác. Với chi ngang của gia đình quý tộc cổ đã tắt này, tôi để lại:

a. Chín mươi nghìn mác trích trong tiền mặt của tôi

b. Chiếc vòng vàng ở giữa khắc mấy câu thơ Đức, có vòng hoa dây chạm quanh.

c. Bản thảo tiểu ca khúc của Bach, để gộp trong bộ sưu tập thư bút của các nhà soạn nhạc nổi tiếng, trong hộp số 1 mang tên Gôđơfroy Đờ Xecbông.

Tôi yêu cầu các vị đại diện pháp luật có mặt ở đây cho công bố không thời hạn lời kêu gọi tìm kiếm các con cháu của chi họ này, nhắc lại nhiều lần nếu cần thiết. Tuy vậy nếu trong khoảng một năm không người nào có quyền ấy xuất hiện, ý muốn và sự quyết định của tôi là số tiền vốn chín mươi nghìn mác cùng với tiền bán vòng và bản thảo sẽ giao cho toà thị chính thành phố X… và số vốn nói trên tôi dành cho các mục đích sau đây:

2 – Vốn sẽ đặt như chứng khoán cố định, còn lãi suất hàng năm chia thành tám phần đều nhau cho tám giáo viên các trường công ở X… theo cách luân phiên đều đặn để không một người nào trong các ông này gặp may hoặc bị bỏ rơi. Các hiệu trưởng không có quyền dự phần.

Tôi lập ra tổ chức này và tin tưởng vững chắc rằng tôi làm chúc thư vì công ích, cũng như nếu tôi đã lập ra một trường học công với mục đích từ thiện. Ngày nay Nhà nước còn bạc đãi nghề giáo viên, ngày nay những người mà hành động là hòn đá móng của lâu đài công ích vẫn bị bỏ mặc cho các lo âu về tiền bạc hành hạ, trong khi hàng triệu người khác làm giàu bằng những nỗ lực trí tuệ của họ.

3 – Tất cả đồ đạc, tất cả những gì tôi có về trang sức, trừ chiếc vòng đã nói trên, đều thuộc về chủ nhân hiện tại của nhà Hêluy, tài sản từ cổ xưa của gia đình không thể rơi vào tay người xa lạ, các thứ tôi để lại về chăn nệm, đồ vải và đồ gỗ cũng như vậy.

4 – Bộ sưu tập thư bút của các nhà soạn nhạc trứ danh, trừ bản thảo ca khúc nổi tiếng của Bach nói trên đều sẽ bán đấu giá. Tiền bán ấy tôi dành cho hai cháu, Giôhanex và Đanien Hêluy, vì tôi luôn ca thán không bao giờ được gửi quà tặng trong các ngày lễ Nôen cho chúng…”

Tiếp theo là những khoản di tặng cho một số thợ thuyền nghèo trong ba mươi chín nghìn mác, trong số tiền này, Hăngri được ưu đãi mười nghìn và người dọn dẹp được ba nghìn.

Hăngri đã truyền đạt lại thật to đầy đủ nội dung bản di chúc cho Fêlixitê biết. Chỗ cất đồ bạc không đựợc chỉ rõ. Cô gái mừng quá. Nếu không ai ngẫu nhiên phát hiện cái ngăn bí mật, cô có thể huỷ bỏ cái hộp xám mà không ai biết.

– Fê ạ, cháu có biết bụng bác luôn áy náy về sự không may của cháu không? – Hăngri nói giọng bi đát, lúc ấy chỉ có hai người trong phòng phụ, – cháu sẽ chẳng đi đến đâu trong cái xã hội này! Nếu bà cô sống thêm hai mươi bốn giờ nữa, cháu sẽ được đống bạc kếch sù kia, bà ấy yêu cháu biết chừng nào.

Fêlixitê mỉm cười. Cái cười chứa đựng tất cả lòng dũng cảm của tuổi trẻ có ý thức về sức mạnh của mình. Không hề nghĩ đến sự tranh chấp bạc tiền, đến nỗi lo âu về tuổi già không một chút tài sản.

– Như thế tốt hơn, bác Hăngri ạ, – cô trả lời – Những người nghèo được ưu đãi cần món tiền ấy hơn cháu; còn việc định đoạt về món lớn nhất, có thể vì bà cô có những lý do quan trọng mà bà vẫn giữ như thế khi lập chúc thư khác.

– Phải đấy, với họ Xecbông bà phải có duyên cớ riêng. – Hăngri tư lự nói – Ông cụ Xecbông, bác vẫn còn nhớ rõ. Ông ấy là thợ giày, chính ông cụ đã đóng đôi ủng đầu tiên cho bác. Ông ấy ở trên dốc đầu phố nhỏ, cạnh nhà mình, và vì ở kề bên, nên con trai ông ta và bà cô chơi với nhau từ lúc còn bé. Về sau cậu ta là sinh viên và mọi người đồn cậu ấy là người yêu của bà Coocđula. Bây giờ họ vẫn còn kể rằng mối quan hệ ấy làm cho cụ cố Hêluy chết, điều này làm bác bực nhất đấy. Cụ cố phản đối việc ấy, rồi hình như một hôm hai người đã tranh cãi kịch liệt, bà Coocđula làm cho cụ nổi xung đến mức ngã xuống chết tại chỗ. Có thật thế không? Bác thì bác không tin… Ngay sau khi đấy, họ nói như vậy, bà cô đi Laidich; cậu sinh viên bị thương hàn; bà cô ở lại chăm sóc cho đến phút cuối cùng. Đây là điều làm cho cả gia đình tức giận; họ bảo bà cô là người hư hỏng, họ từ bà, dân ở X… cũng thế, không ai nhìn đến bà khi bà trở về. Dù thế nào thì điều làm bác thắc mắc muốn biết là tại sao những người bỏ xứ mà đi bao nhiêu năm rồi vẫn còn được hưởng gia tài… Đã từ lâu không có một mối quan hệ họ hàng nào giữa họ và cậu sinh viên… Bác muốn có người giải thích điều ấy cho bác rõ!

Hôm sau là ngày mở niêm phong ở mấy phòng trên tầng xép.

Những ngày u ám bám theo nghi thức này. Lớp mây xám bằng lặng trải trên nền trời như vô tận. Mưa suốt ngày đêm đổ ào ào trên các mái nhà và hè phố, các đầu rồng đầu ống máng của ngôi nhà qúy tộc cổ phun từng luồng nước như những vòng bán nguyệt lớn xuống phố Chợ.

Trong những ngày mưa, Fêlixitê ngồi ở phòng cạnh buồng phụ. Cô vẫn được miễn các việc nặng trong nhà, chắc là theo lệnh chính thức của giáo sư. Bù lại, cô thực sự bị vùi trong những đống quần áo cũ cao ngất để vá lại.

Các nhà cầm quyền tìm chưa thấy đồ đạc của bà cô. Lúc đầu, việc làm không kết quả ấy làm cho các mối lo lắng băn khoăn của cô dịu đi. Nhưng cũng từ lúc ấy, bác Hăngri đi vơ vẩn khắp mọi nơi, vẻ ngơ ngác, bối rối vô tả. Bà Hêluy khai với đoàn đại biểu pháp luật, và bà ngầm liếc nhìn bác người hầu, rằng chỉ có bác và chị quét dọn lui tới đã nhiều năm ở nhà bà cô, và hậu quả của lời khai ấy, rất giống lời buộc tội, làm cho người ta đã bắt bác chịu đựng một cuộc thẩm vấn rất nghiêm khắc mà không cần nghi thức. Bác mất bình tĩnh… Thật là sự hành hạ đối với Fêlixitê khi bắt buộc phải chứng kiến nỗi phẫn uất đau đớn của người bạn già trung thành mà không thể dùng một lời ám chỉ kín đáo nào để bộc lộ một phần bí mật. Bây giờ vào được căn nhà trên tầng xép thật khó khăn bội phần. Ngày mở niêm phong, giáo sư đi khắp khu nhà của bà cô bí ẩn và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Anh nhận quyền sở hữu ngay, nhân danh chủ gia đình. Trước cách bài trí độc đáo ở nơi này, anh bỗng sáng tỏ được những gì liên quan đến tâm hồn và thói quen mật thiết của người bị đày ải. Anh cấm di chuyển các đồ gỗ và nổi giận khi thấy bà nghị rút một chiếc ghim ở chỗ cắm kim ra.

Hình như anh muốn ở lại dưới mái nhà này trong những ngày còn nghỉ tại gia đình. Anh chỉ xuống nhà dưới vào bữa ăn với bộ mặt luôn cau có, như Vêrônic nói. Nhưng bà nghị cũng đâm ra say mê “chỗ ở đẹp đẽ và êm ả này”, bà ta xin ông anh họ một ưu đãi là cho phép bà được đến thường xuyên và ở lại lâu nơi ấy. Rôda đã cọ rửa sàn; goá phụ trẻ tự quét bụi trên các đồ gỗ với đôi tay nhẹ nhàng. Như vậy là phòng của bà cô Coocđula không lúc nào không có người theo dõi. Hơn nữa, giáo sư đã tháo bỏ ổ khoá cũ trên cửa sơn để thay ổ khoá mới. Chiếc khoá của Fêlixitê thành ra vô dụng. Vì vậy cô thấy mình chỉ còn cách đi vào đấy qua mái nhà.

Nghĩ đến việc mình sẽ bắt buộc phải phá khóa mà vào nơi đó như một tên trộm tầm thường, cô rùng mình, ghê tởm. Nhưng cô vẫn theo đuổi kế hoạch và lo lắng nghĩ rằng mình chỉ còn mười lăm ngày để thực hiện nó.

Mưa đã tạnh. Bầu trời xanh lại xuất hiện. Thời tiết đẹp như mời mọi người đi dạo chơi. Có lẽ hôm nay mọi người sẽ ăn cơm ở ngoài vườn và thế là… Con đường trên mái nhà sẽ tự do. Hy vọng ấy Fêlixitê không thực hiện được. Ngay sau bữa trưa, Rôda đến bảo cô phải ra vườn với Annet vì giáo sư hứa với nó như thế.

Fêlixitê đi chơi “theo lệnh”. Cô cúi đầu đi qua những bông hoa lộng lẫy vừa mới nở và cô bạn đồng hành bé con đi lạch bạch một bên, miệng im lặng không hề bi bô quấy rối sự suy nghĩ của cô.

Cô ngẩng đầu nhìn khu vườn bên cạnh. Ở bên ấy, chiếc mũ trắng của bà Frăngcơ như sáng lên. Bà ngồi ở bàn cà phê với con trai, anh đọc sách cho mẹ nghe, trong khi bà khoan khoái tựa lưng vào ghế bành, đôi kim đan lóng lánh qua lại giữa các ngón tay. Cảnh gia đình thật là nền nếp ấm cúng!

Fêlixitê tự nhủ rằng giữa những người ấy cô sẽ được tự do ở mức độ nhất định, rằng trong các quan hệ với họ, những người nhân hậu và có văn hoá cao như thế, trí tuệ cô sẽ được phát triển; trong hoàn cảnh mới, trong bất cứ trường hợp nào, cô cũng không phải là một người máy bắt buộc phải động đậy chân tay “theo mệnh lệnh” trong khi mắt và miệng không bao giờ có thể lộ ra một ý nghĩ mẫn tuệ hay tự do.

Dù có những suy tư như thế, ánh sáng vẫn chưa đến với cô. Ngay trước khi bà cô Coocđula mất, tâm hồn cô vẫn ẩn giấu một cái gì chưa làm sáng tỏ được, một trạng thái bứt rứt mơ hồ, khi muốn kiểm tra nó thì nó lại tan biến như một bóng ma. Chỉ có một điểm cố định: điểm ấy gắn liền với sự hiện diện của người hành hạ cô trước kia, trước khi anh ta về, cô đã tin chắc con người cụ thể của anh sẽ làm tăng thêm lòng thù oán và tức giận, không ngờ những cảm xúc ấy lại đối ngược hẳn và rất bí ẩn đối với phần còn lại trong đời sống tinh thần của cô.

Đôi khi giọng của người đọc lên cao và vẳng qua hàng rào. Tuy rất nhịp nhàng, nhưng giọng ấy không có cái sức mạnh như giọng nói xưa kia rất đều đều của giáo sư… Fêlixitê bực mình lắc đầu, vì đâu mà cô lại so sánh như thế? Cô bắt buộc mình nghĩ theo hướng khác, chú ý đến vấn đề thường làm cô băn khoăn sau chuyện chúc thư. Toà án đã chỉ định luật sư Frăngcơ phụ trách vấn đề những người họ Xecbông còn tồn tại theo giả định. Đã hai ngày nay, các tờ báo hàng ngày đều công bố lời kêu gọi. Fêlixitê chờ đợi kết quả một cách nóng nảy gần như phấn khích. Nó sẽ cho cô nỗi đau khổ ê chề chăng? Nếu gia đình Xecbông Đờ Kien đáp lại lời kêu gọi hứa hẹn một gia tài giàu có, điều này sẽ khẳng định giả thuyết vợ nhà ảo thuật đã bị gia đình từ bỏ. Nhưng họ là loại người như thế nào mà cái chết thảm khốc kia cũng không làm cho dịu lại được? Bởi vậy Fêlixitê không xây dựng cho mình một hy vọng nào ở những người bà con gần gũi có khả năng xuất hiện. Cô sẽ không bao giờ lộ diện để đến trước mặt họ. Tuy vậy tim cô vẫn cứ đập dồn mỗi khi nghĩ đến một ngày nào đó có ông bà đứng trước mặt đứa cháu gái lặng lẽ của mình mà không biết.

Bà Frăngcơ đã nhận ra Fêlixitê bên kia hàng rào. Bà đứng lên đi cùng với con trai. Hai người chào cô gái một cách thân mật, luật sư tỏ ý vui mừng sẽ được tiếp xúc với cô luôn trong thời gian sắp tới. Rồi anh bắt đầu một câu chuyện dài. Dù là người cư xử lịch thiệp trong xã hội, anh cảm thấy lúng túng khác thường trước mặt cô gái nghiêm nghị đang nhìn anh thật điềm đạm và hồn nhiên trong khi cô bày tỏ những ý kiến quan trọng một cách sáng sủa và chính xác tuyệt vời. Họ nói chuyện rất lâu, đi sâu vào những vấn đề khác nhau. Sau đấy bà Frăngcơ hỏi thăm Annet. Fêlixitê bế con bé lên tay và mỉm cười vui vẻ chỉ cho bà thấy màu da hơi hồng lên, tươi mát và khoẻ mạnh trên đôi má trước kia nhợt nhạt của con bé.

Lúc chào tạm biệt, bà đưa tay cho Fêlixitê; con trai bà cũng chìa tay phải qua hàng rào và cô gái đặt tay vào tay anh một cách thân mật, không ngần ngại… Đúng lúc ấy, cửa vườn kẹt mở và giáo sư đặt chân lên bậc. Anh đứng bất động trong giây lát rồi thong thả đưa tay lên mũ chào. Fêlixitê thấy mặt anh bỗng đỏ bừng… Luật sư lên tiếng gọi, nhưng anh quay ngay đi hướng khác và vào nhà mát.

– Chúng ta vừa nhận được cái chào của một giáo sư thật đãng trí? – Frăngcơ nhận xét và cười vui vẻ. – Rõ ràng là anh chàng Giôhanex này có một nạn nhân bất hạnh nào đó đang đợi mũi dao mổ của anh ta, những lúc ấy anh ta không nhận ra cả bạn thân của mình nữa.

Bà mẹ và người con trai trở lại bàn, Fêlixitê tìm chỗ dưới một bóng cây trên bãi cỏ.

Fêlixitê biết quá rõ sắc diện của giáo sư để hiểu rằng anh vừa bực bội, tức tối chứ không phải đãng trí. Cô cho rằng mình biết rõ cả lý do làm cho anh bực. Anh đòi hỏi tuyệt đối tuân theo những gì liên quan đến phương pháp chữa bệnh, và tuân theo những gì liên quan đến phương pháp chữa bệnh, và theo Rôda kể lại về bệnh nhân của anh ở Bon, anh quen thấy họ nghiêm khắc tôn trọng ý muốn và quyết định của anh. Anh đã nhiều lần cấm Fêlixitê bế ẵm Annet, thế mà hôm nay anh lại thấy cô bất kể đến điều anh cấm… Cô chỉ có thể giải thích như thế về cặp mắt kinh ngạc và tức giận anh nhìn cô lúc bước vào vườn.

Fêlixitê ngồi trên một cái ghế dài. Một cây bạch dương vươn thẳng thân cây trắng nhạt và rủ một phía cành mềm mại xuống như cái nôi. Ở chỗ này khuất gió. Nhưng nước suối dâng cao sau đợt mưa đang chảy ồn ào.

Đứa bé hái những bông hoa cỏ bằng mấy ngón tay vụng về. Fêlixitê phải xếp những bông hoa bị ngắt gần sát đài hoa thành một bó “để tặng bác giáo sư”. Công việc khó khăn ấy đòi hỏi sự kiên trì và chú ý; Fêlixitê không rời mắt khỏi bó hoa đang hình thành. Cô không nhìn thấy giáo sư đang rảo bước qua bãi cỏ. Tiếng reo của Annet báo cho cô biết thì anh đã đến bên cạnh. Cô muốn đứng lên, anh nhẹ nhàng nắm cánh tay cô kéo ngồi xuống, rồi anh ngồi bên cô trên ghế dài.

Lần đầu tiên cô mất bình tĩnh trước mặt anh. Trước đây một tháng, cô sẽ đẩy tay anh ra rồi đi chỗ khác… Bây giờ cô ngồi đấy, người như tê dại, không ý chí, như bị một phép lạ chi phối. Cô tức giận vì thời gian gần đây anh dùng giọng thân mật để nói với cô, cô chỉ muốn khẳng định với anh là cô căm ghét anh, ghét cho đến chết như hồi trước, nhưng bỗng nhiên cô không tìm ra được can đảm và ngôn từ để diễn tả. Cái nhìn vô định của cô lướt qua mặt anh, nét mặt anh không lộ vẻ tức giận, bực bội, sắc đỏ đã tan hết. Fêlixitê tức giận chính mình, bởi vì cô phải tự thú nhận rằng bộ mặt đầy quả quyết không đẹp đẽ ấy đang áp đảo cô.

Anh ngồi bên không nói một lời; cô cảm thấy mắt anh không rời cô. Lát sau anh nói:

– Fêlixitê, hãy làm ơn bỏ hộ tôi chiếc mũ đáng ghét trên đầu cô xuống đi. – Giọng anh thanh thản, gần như vui vẻ, rồi không đợi cô đồng ý, anh cầm vành cái mũ đã sờn và xấu xí nhấc ra khinh miệt ném xuống cỏ. Một ánh mặt trời xuyên qua cành bạch dương đang lay động, một mảng tóc của cô gái lấp lánh như những sợi tơ vàng.

– Chà, bây giờ tôi đã nhìn thấy những ý nghĩ ác nghiệt đang vận động ra sao sau vầng trán này! – Anh nói và thoáng mỉm cười. – Chiến đấu trong bóng tối đối với tôi thật đáng sợ. Tôi phải trông thấy địch thủ của mình, và tôi biết ở chỗ này, – anh chỉ vào trán cô, – tôi sẽ gặp một kẻ thù ghê gớm.

Anh muốn đi đến đâu với những lời mào đầu lạ lùng thế? Có lẽ anh đợi một câu trả lời nhưng cô bướng bỉnh im lặng. Mấy ngón tay cô cầm lộn xộn những bông cúc trắng, cúc vàng, các nhánh cỏ mà con bé Annet vẫn tiếp tục đem đến… Đôi tay nhỏ nhắn không xao lãng một việc gì phải làm trong một thời gian được nghỉ ngơi trong phòng đã gần hết màu đen xạm và hơi hồng lên. Giáo sư bỗng nắm lấy bàn tay phải của cô, lật lên và nhìn lòng bàn tay. Ở đây có những dấu vết rất khó xoá, có những chỗ da đã thành chai. Không thể chối cãi được rằng cô gái được nuôi dạy để làm tôi tớ theo lệnh khắc nghiệt của anh… người bảo trợ…

Dù sự xem xét làm Fêlixitê đỏ mặt. Ngay lập tức cô lấy lại được vẻ quả quyết. Cô ngước lên, anh buông tay cô xuống rồi xoa trán mãi như để tìm lời diễn tả phù hợp với một ý nghĩ bối rối.

– Cô thích đi học phải không? – anh đột ngột hỏi. – Công việc trí não làm cô vui thích ư?

– Vâng, – cô ngạc nhiên trả lời. Câu hỏi không chuyển tiếp làm cô lạ lùng. Đúng là con người này không có tính nói quanh co, xã giao, dù anh rất tự chủ trong ngôn ngữ của mình.

– Tốt lăm, – anh nói tiếp – Cô vẫn nhớ điều tôi đã nêu ra mới đây để suy nghĩ chứ?

– Tôi còn nhớ.

– Và dĩ nhiên là cô đã đi đến kết luận: rằng nhiệm vụ của người phụ nữ là phải trung thực giúp đỡ người đàn ông khi anh ta muốn sửa chữa lỗi lầm chứ? – Anh chống tay vào đầu gối, cúi về phía trước và nhìn vào mắt cô.

– Không hoàn toàn như vậy. – Cô rắn rỏi đáp lại và nhìn thẳng vào người hỏi. – Trước hết tôi phải biết rõ sửa chữa lỗi gì chứ?

– Lại né tránh, – anh khẽ nói. Mặt anh ảm đạm. Hình như anh quên rằng cho đến lúc ấy anh chỉ nói chung chung, và anh nói tiếp không phải không khó chịu. – Cô không cần phải giữ thế thủ một cách cảnh giác như thế, tôi có thể quả quyết rằng sắc diện của cô lúc này làm cho bất kỳ ai muốn yêu cầu cô một điều gì phi thường đều phải quay đi… Vấn đề đơn giản là như thế này, dù kế hoạch bí mật về cuộc sống của cô thế nào, cô còn phải một năm dưới quyền bảo trợ của tôi và tôi chỉ dùng thời gian ấy để học tập! – Anh cao giọng và cau mày lại khi cô định ngắt lời anh – Đừng có cho rằng chính tôi đề nghị cô vấn đề này và hãy tự nhủ rằng tôi chỉ hành động đúng theo tinh thần của lời cha tôi nó; phải tạo cho cô có trình độ văn hoá cao.

– Chậm quá rồi.

– Chậm quá ư? Trẻ như cô kia mà?

– Ông hiểu lầm tôi. Ý tôi muốn nói rằng, xưa kia, là đứa trẻ bơ vơ, cùng quẫn, tôi buộc phải nhận của bố thí và dù thế nào cũng phải chịu. Bây giờ tôi có thể bay bằng cánh của mình rồi, tôi làm việc được, không bao giờ tôi nhận tiền không do mình làm ra.

Giáo sư cắn môi:

– Tôi đã chờ đợi sự phản đối này, – anh lạnh lùng đáp, – vì tôi hiểu thấu tính kiêu căng bất trị của cô… Kế hoạch của tôi như thế này: cô sẽ vào một học đường… tôi cho cô vay số tiền cần thiết, và sau này cô sẽ trả tôi, cả vốn lẫn lãi… Tôi biết ở Bon có một trường nội trú đặc biệt. Tôi là bác sĩ của bà giám đốc. Ở đấy không nơi nào tốt hơn, – anh nói tiếp tiếng hơi run run, – cuộc chia tay vĩnh viễn của chúng ta sẽ chậm hơn một chút… Mười lăm ngày nữa, hạn nghỉ của tôi chấm dứt. Tôi sẽ đi Bon với cô em họ tôi và cố nhiên cô sẽ cùng đi với chúng tôi… Fêlixitê, mới đây tôi đã xin cô độ lượng và bình tĩnh. Tôi nhắc lại lời cầu xin ấy. Đừng làm theo lời trái tim bị hờn giận, hãy quên quá khứ đi, dù trong giây lát và cho phép tôi sửa lại những gì đã xao lãng.

Cô nghe anh nói và như tức thở. Như khi kể câu chuyện ảo ảnh bịa đặt, tiếng nói của anh có một cái gì làm rung động lòng người. Anh không quá phấn khích như bấy giờ, sự hối tiếc thực sự và chân thành được bày tỏ rất nghiêm túc, nhưng thật ngọt ngào, không xúc phạm đến phẩm giá người đàn ông, làm cô cảm động dù không muốn.

– Nếu tôi còn định đoạt được tương lai của mình, tôi xin nhận ngay sự giúp đỡ của ông, – cô dịu giọng nói, – nhưng tôi đã bị ràng buộc, ngày nào rời khỏi nhà bà Hêluy tôi sẽ bước vào một phạm vi hoạt động mới.

– Không thể thay đổi được ư?

– Vâng, một khi đã hứa, lời hứa ấy thiêng liêng dối với tôi, tôi không thay đổi và cũng không bàn lại bao giờ, dù những điều khó chịu có thể đến với tôi.

Anh đứng dậy bước ra khỏi bóng cây:

– Vậy thì tôi có thể biết cô có dự kiến gì không?

– Ồ, có chứ! – Cô bình thản trả lời. – Bà Hêluy có thể đã biết rõ, nếu tôi có dịp gặp bà, bà Frăngcơ đã thuê tôi làm tùy nữ.

Mấy lời ấy bật ra như một tiếng sét. Giáo sư giật mình quay lại, mặt anh u ám.

– Bà ở bên kia ấy ư? – anh hỏi như không tin ở tai mình và giơ tay chỉ vườn nhà Frăngcơ

– Hãy thôi đi, – anh nói thêm, – không bao giờ tôi đồng ý đâu.

Thế là cô gái đứng dậy, những bông hoa mất bao nhiêu công mới hái được rơi xuống cỏ.

– Sự đồng ý của ông ư? – Cô kiêu hãnh nói – Tôi không cần đến! Mười lăm ngày nữa tôi sẽ được tự do, hoàn toàn và tôi đi đâu là tuỳ ý tôi.

– Việc ấy lúc này khác rồi, Fêlixitê ạ, – anh trả lời và tự kiềm chế. – Tôi có quyền đối với cô nhiều hơn cô nghĩ đấy. Năm tháng có thể qua đi, quyền ấy vẫn chưa hết, và cũng có thể… phải, tôi cũng không biết tôi có chấp thuận cho cô tự do không.

– Để xem, – cô lạnh lùng đáp lại, thái độ cương quyết.

– Phải, để rồi xem! Hôm qua tôi và bác sĩ Buêơm, bạn thân nhất của người cha quá cố của tôi, đã bàn kỹ vấn đề cha tôi nhận cô về. Kết luận là như thế này: cô được giao cho cha tôi với điều kiện rõ rằng ông sẽ che chở cho cô đến khi chính cha cô đến nhận, hay khi nào có một người che chở lương thiện khác đến, người sẽ tặng cho cô tên của họ. Cha tôi đã uỷ nhiệm tôi thay thế trong việc này khi ông qua đời. Và tôi dứt khoát quyết định sẽ duy trì điều kiện ấy.

Thế là cô gái hết bình tĩnh:

– Trời ơi! Cô kêu lên và khẽ đập hai tay vào nhau. – Cảnh khổ này không bao giờ hết hay sao?… Tôi vẫn phải tiếp tục sống trong cảnh lệ thuộc ghê gớm này ư? Bao nhiêu năm nay, ý nghĩ đến tuổi mười tám sẽ được giải phóng đã nâng đỡ tôi. Chỉ với hy vọng ấy tôi mới tỏ vẻ bình thản và bất khả xâm phạm được trong khi lòng tôi cực khổ vô cùng!… Không, tôi không còn là con người kiên nhẫn vì tôn trọng ý muốn của người chết mà để cho mình bị nô lệ hoá và giày xéo dưới chân!… Tôi không muốn thế!… Tôi không muốn có gì chung đụng với nhà Hêluy nữa! Bằng giá nào tôi cũng phải phá bỏ bằng được những chướng ngại ghê tởm ấy!

Giáo sư cầm hai tay cô, mấy lời sau làm anh xạm mặt:

– Bình tĩnh lại, Fêlixitê, – anh tìm cách an ủi Fêlixitê. – Đừng tự hành hạ mình như con chim nhỏ, muốn đạp vỡ đầu còn hơn chịu khuất phục sự không biến cải được… Những chướng ngại ghê tởm!… Cô có hiểu cô làm tôi đau kinh khủng với những lời tàn nhẫn, không thương xót ấy không?… Cô sẽ được tự do, hoàn toàn tự do suy nghĩ và hành động, chỉ có dưới sự che chở và chăm sóc… như một đứa bé yêu quý… Fêlixitê, giờ đây cô sẽ hiểu khi yêu người ta nghĩ và lo lắng cho nhau như thế nào… Chỉ lần này nữa thôi, tôi can thiệp như một người bảo trợ dùng quyền quyết định, đừng làm cho mọi lo toan cần thiết của tôi gặp khó khăn vì sự kháng cự không ích lợi của cô, tôi tuyên bố thẳng như thế. Tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc huỷ bỏ điều cô đã thoả thuận với bà Frăngcơ.

– Ông cứ làm thế đi! – Fêlixitê thốt lên, môi cô run rẩy, mặt như không còn một giọt máu. – Nhưng tôi cũng sẽ hành động, và xin hãy tin rằng tôi sẽ tự bảo vệ cho đến hơi thở cuối cùng.

Trong cuộc sống non trẻ bị thử thách gay gắt ấy chưa một trận bão táp nào làm rối loạn nội tâm cô như vậy. Những tiếng nói mới mẻ, xa lạ bỗng nổi lên trong cô chúng nói bằng thứ ngôn ngữ hùng biện giữa sự xáo động, hình như chúng chỉ là tiếng vang của những lời khẩn cầu thân mến của anh. Giống như đám mây đen trong cơn giông, mối nguy hiểm ghê gớm đang lơ lửng trên đầu cô – cô mặc nhiên cảm thấy rõ như thế – và bằng mọi giá cô phải xa anh ngay tức khắc nếu cô không muốn quỵ hẳn xuống trước nguy hiểm này… Ngay lúc này, hình như anh đã chẳng có một quyền lực khó hiểu đối với cô và tình cảm của cô là gì, mỗi lời gay gắt cô giáng vào anh đã chẳng rơi vào chính trái tim cô một cách đau đớn là gì?

Đến lúc ấy anh vẫn cầm tay cô và trong khi cô nói, cái nhìn sâu sắc của anh không rời nét mặt cô đang phản ánh không dè dặt trong giây lát nỗi xúc động của cô. Trước mắt người thầy thuốc, đồng thời là người hiểu thấu triệt về con người, đã có những bí mật khác của trái tim phải bộc lộ, không phải chỉ bí mật của một tâm hồn mà sự trong sáng và vô tội để lộ ra… “Cô sẽ không đi đến đâu cả! – Anh đột ngột nói không xúc động và điềm đạm gần như thanh thản. – Tôi tinh mắt và dài tay… Cô không trốn thoát được đâu, Fêlixitê ạ!… Bất cứ thế nào tôi cũng không để cô ở X… và tôi sẽ không trở lại Bon nếu không có cô”.

Cửa vườn kẹt mở đã lâu, nhưng hai người đang nói chuyện không nghe thấy tiếng động ấy. Rôda đột ngột đến và báo với giáo sư bà Hêluy đang đợi ở phòng khách và bà nghị mời anh về chỗ họ ngay.

– Cô ấy ốm à? – Giáo sư sẵng giọng hỏi, không quay lại phía chị hầu phòng.

– Không, – chị hầu ngạc nhiên đáp lại,- nhưng bà tôi sắp pha xong cà phê và muốn để giáo sư dùng đúng vào lúc vừa pha xong… Ông luật sư Frăngcơ cũng ở phòng khách.

– Được, tôi sẽ đến, – Giôhanex nói và vẫn chưa định đi. Có lẽ anh hy vọng Rôda sẽ rời khỏi đấy; nhưng anh đã lầm. Người hầu phòng bận bịu với Annet, nó đang rền rĩ thấy những bông hoa nhỏ của nó bị dập nát dưới đám cỏ. Anh đành phải đi, không phải không bực bội.

– Đừng ở đây lâu, – anh khuyên Fêlixitê. – Gió thổi mạnh lên có thể sẽ có giông. Vào nhà mát với Annet đi.

Anh đi khuất sau những cây thủy tùng.

Còn cô, đầu óc lẫn lộn, cô buông mình trong các suy tưởng hỗn độn về số phận của mình đang bị đe doạ, thì Annet ngắt quãng những suy tư nặng nề ấy. Nó cầm tay Fêlixitê và kéo cô đến tận nhà mát.

Ngồi dưới mái nhà thật dễ chịu. cô gái ngồi trên chiếc ghế thường để dùng ngoài vườn, trong phòng trước, và lấy đồ khâu. Cửa gian bếp nhỏ và các phòng khách đều mở tung.

Trong khi bà nghị loay hoay dưới bếp, một cuộc đàm thoại sôi nổi đang diễn ra ở phòng khách giữa bà Hêluy và luật sư. Chuyện xoay quanh bản chúc thư của bà Coocđula. Giáo sư không tham dự. Anh có vẻ không hề quan tâm. Tay chắp sau lưng, anh không dừng đi qua đi lại dọc phòng khách, như đang trầm ngâm suy nghĩ chỉ khi qua cửa anh mới ngẩng lên và quan sát người đang ngồi khâu ở phòng phía trước.

– Suốt đời tôi, tôi sẽ không yên tâm được, anh Frăngcơ ạ! – Bà Hêluy nhắc lại. – Chà, nếu gia đình Hêluy không phải cần cù để kiếm từng xu! Nhưng bây giờ có thể có kẻ xấu nào đó trong cơn cùng quẫn thình lình đến phá phách trong chớp mắt những đồng tiền tằn tiện của một gia đình danh giá! Nếu số tiền ở trong tay chúng tôi sẽ làm được biết bao nhiêu việc từ thiện!

– Nhưng bác ơi, – goá phụ trẻ nói giọng mơn trớn, bà ta vừa đến với bình cà phê bốc khói, và rót đầy các chén, – thế là bác lại đắm vào câu chuyện bẩn thỉu làm mất sức một cách rõ rệt, rồi bác sẽ ốm mất thôi… Hãy nghĩ đến các con bác và cháu, bác ạ, hãy cố quên đi vì lòng yêu thương chúng cháu?

– Quên ư? – bà Hêluy phản đối. – Không bao giờ. Muốn thế phải có tính cách, thứ mà thế hệ trẻ ngày càng thiếu thật đáng tiếc! – Bà nhìn con trai bằng cặp mắt nảy lửa. – Sự ti tiện của việc sai trái phải chịu đựng làm tôi phẫn nộ, tôi không nhẫn nhục được… Cháu nghĩ thế nào mà nói với bác những lời nhàm tai ấy? Đôi khi cháu cũng hời hợt lắm, Ađen ạ.

Bà nghị biến sắc, miệng bà mím chặt tức tối, chiếc chén đưa cho bà rung rung trong tay, nhưng bà ta còn đủ nhanh trí để ghìm lại câu trả lời nham hiểm định thốt ra.

– Cháu thật sự không đáng bị bác quở trách, – bà nghị nói không phải không gay gắt sau một lúc im lặng. – Không ai quan tâm đến việc khả ố ấy hơn cháu. Cháu không chỉ phàn nàn cho bác và hai anh cháu để mất tiền, nhưng đây cũng là điều buồn phiền đối với tính đa cảm của phụ nữ khi gặp sự sa sút về đạo đức… Cái người già lão và quỷ quyệt kia đã suy nghĩ suốt nửa cuộc đời để tìm cách chọc tức hiệu nghiệm nhất những họ hàng gần gũi. Bà ấy đã rời bỏ cõi trần không hoà hợp được của Chúa và với mọi người, cùng với hàng loạt tội lỗi trong lương tâm làm cho cửa Thiên đường vĩnh viễn đóng lại trước mặt bà ấy, thật khủng khiếp!… Anh thân mến, em rót cà phê cho anh nhé?

– Cảm ơn, – giáo sư trả lời cộc lốc và tiếp tục đi qua đi lại.

Fêlixitê đã buông đồ khâu xuống, cô nín thở, chú ý lắng nghe những lời của kẻ vu khống. Tất nhiên cô đã biết qua bác Hăngri rằng mọi người buộc tội rất khắc nghiệt bà cô bí ẩn, nhưng đây là lần đầu tiên chính tai cô nghe thấy lời xét đoán kiểu này… Máu nóng dồn lên thái dương cô! Mỗi lời nói xuyên vào tim cô như một nhát dao. Nỗi đau đớn ấy cô chịu đựng cho người đã mất, đau đớn còn thống thiết hơn nỗi đau xa cách!

– Tôi không rõ bà cụ có tội đến mức nào, – luật sư nói. – vả lại, qua mọi điều tôi được nghe, không ai trách cụ được điều gì cụ thể, dư luận ác ý của tỉnh ta rất hài lòng về những câu chuyện nhảm nhí, mập mờ… Hơn nữa, vấn đề thừa kế chứng tỏ không chối cãi được là bà cụ là người độc đáo, trí tuệ không tầm thường.

Bà Hêluy cười nhạo báng và khinh khỉnh quay lưng lại người bảo vệ liều lĩnh ấy.

– Ông Frăngcơ thân mến, nhiệm vụ của những người làm nghề của ông là minh oan cho những vụ phạm tội đen tối nhất và tìm được sự trong sạch như thiên thần ở những chỗ mọi người đã nói lên lời buộc tội công bình; xuất phát từ quan điểm ấy thì có thể hiểu được sự đánh giá của ông, – bà nghị phản đối một cách nham hiểm vô tả. – Ngược lại, tôi biết một xét đoán, với tôi – xin lỗi ông – nó có trọng lượng hơn nhiều. Cha tôi đã biết bà cụ. Do tính bướng bỉnh có một không hai của mình, chính là cụ đã gây ra cái chết của ông bố vì làm cho cụ cố tức giận. Thời gian điếm nhục ở lại Laidich chứng tỏ bà cụ bất cần đến danh tiếng, và dù trí tuệ không tầm thường như ông nói, bà cụ đã lạc loài vào chỗ các lề thói đáng sợ, bà ấy là người tự do về tư tưởng, là người vô thần.

Lúc này Fêlixitê đứng phắt dậy và hiện ra ở cửa phòng khách, tay phải giơ ra một cách khẩn thiết, khuôn mặt thường hơi xanh lúc ấy đỏ bừng lên, cô đứng đấy, đẹp đẽ và thịnh nộ như một vị thần trả thù. Đôi môi hồng nói không ngại ngùng và chắc chắn kỳ lạ, những lời buộc tội ghê gớm kia im bặt ngay khi trông thấy cô.

– Bà cô không bao giờ là người vô thần! – Cô gái quả quyết và hai mắt sáng rực không rời mặt người vu không. – Vâng, bà là người tự do tư tưởng! Bà xem xét các công trình của Chúa không sợ ảnh hưởng đến sự cứu rỗi linh hồn cũng như không sợ một đức tin mỏng manh, vì bà biết rõ mọi con đường đều dần đến với Chúa. Mâu thuẫn giữa Kinh thánh và khoa học tự nhiên không bao giờ làm bà lúng túng. Lòng vững tin của bà không bắt rễ từ dòng chữ mà ở ngay các sáng tạo của Chúa, trong sự tồn tại của bà và ở thứ Chúa đã ban cho là tư tưởng, trong các sản phẩm của thiên tài vĩnh cửu của con Ngài…Bà không đi nhà thờ như hàng ngàn người khác để tôn thờ Chúa với mũ đẹp và áo lụa; nhưng khi chuông ngân bà trình diện trước Đấng Tối Cao trong sự yên tĩnh của thanh vắng, và tôi không tin rằng Chúa lại ưu ái lời cầu nguyện của những người lúc nào cũng gọi tên Chúa bằng cái miệng vẫn hành hạ khổ sở người đồng loại.

Frăngcơ đứng lên. Anh vịn tay vào lưng ghế và sửng sốt nhìn cô gái dũng cảm.

– Cô biết người đàn bà bí ẩn ấy ư? – anh ngập ngừng hỏi khi Fêlixitê nói xong.

– Tôi có quan hệ hàng ngày với bà.

– Tin tức lý thú đấy! – Bà nghị nói. Nhận xét ấy là lời chế giễu, nhưng giọng đã kém phần quả quyết, bộ mặt xinh xắn bỗng nhợt đi mất một lúc. – Vậy thì chắc cô biết nhiều mẩu chuyện thú vị liên quan đến quá khứ của người quen đáng kính của cô? – bà ta hỏi ra vẻ thờ ơ, tay mân mê chiếc thìa.

– Bà không bao giờ nói với tôi về quãng đời quá khứ của mình, – Fêlixitê bình thản trả lời. Cô biết cô vừa gây ra một cuộc tranh luận đáng sợ, chỉ còn cách bình tĩnh mà đợi nó.

– Thật đáng tiếc! – Bà goá thủ thỉ và lắc lư cái đầu tóc quăn, mặt đã hồng trở lại. – Tuy vậy, tôi khâm phục tài đóng kịch giỏi của cô, Carôlin ạ! Cô đã che giấu rất cừ những cuộc gặp gỡ bí mật của cô… Giôhanex thân mến ơi, bây giờ anh còn tiếc điều đánh giá tưởng như sai lầm của anh về tính cách kia không?

Giáo sư đã ngạc nhiên đứng lại khi cô gái xuất hiện ra nơi ô cửa. Những lời biện giải gay gắt, cứng cỏi tuy nhiên hăng hái tuôn ra từ miệng cô như dòng suối chảy. Trí tuệ có lý luận chặt chẽ này, rõ ràng là không ngừng tự rèn luyện, bao giờ cũng tìm được ngôn từ chính xác. Câu hỏi moi móc vừa rồi của bà nghị không được trả lời. Mắt giáo sư không rời Fêlixitê. Anh mỉm cười thấy cô không phản ứng dưới mấy mũi kim châm vì cô biết tự chủ.

– Bí mật của cô đấy phải không? – anh hỏi cô.

– Vâng, – cô gái trả lời mắt lóng lánh; thật lạ lùng, âm thanh của tiếng nói này làm cho cô linh cảm thấy cô sẽ không đơn độc chống đỡ trong cuộc chiến đấu không tránh được.

– Cô muốn sau này sống với bà Coocđula, đấy là hạnh phúc cô hy vọng?

– Vâng.

Nếu bà nghị không quá mê mải với “sự che giấu bị lột mặt nạ”, chắc bà sẽ hốt hoảng khi thấy tia sáng hạnh phúc bừng lên trong mắt giáo sư làm cho bộ mặt nghiêm khắc của anh khác hẳn.

Cuộc đối thoại nhanh tới mức không để cho bà Hêluy kịp hết ngạc nhiên. Bà ngồi trên ghế cứng đơ như tượng. Đồ đan tuột khỏi tay, cuộn len trắng lăn ra tận giữa phòng khách mà bà không chú ý.

– Đây là một phát hiện rất lý thú với tôi, – luật sư kêu lên và vội bước đến gần Fêlixitê. – Cô đừng sợ tôi cũng muốn đi sâu vào những bí mật về người đã mất, tôi không hề có ý định ấy! Nhưng có lẽ cô có thể cho tôi một vài chứng cứ liên quan đến những thiếu sót khó hiểu trong vấn đề thừa kế…

Trời ơi, cô sắp bị hỏi về vấn đề đồ đạc chưa tìm thấy! Cô cảm thấy mình run lên từ đầu đến chân, mặt cô trắng bệch như tuyết. Hoảng hốt, cô cúi nhìn xuống. Lúc này cô thể hiện đủ hình ảnh một lương tâm tội lỗi.

– Với tư cách người mê âm nhạc và ưa thích thư bút, tôi chưa để cho mình xúc động một chút nào từ khi mở chúc thư – luật sư nói tiếp sau khi lưỡng lự một lúc trước khuôn mặt biến sắc của cô gái. – Chúc thư viết rất rõ có một bộ sưu tập thư bút của các nhà soạn nhạc trứ danh, chúng tôi không tìm thấy. Người ta quả quyết từ nhiều phía rằng người đã mất kia lý trí không lành mạnh, rằng các khoản thừa kế ấy là ảo tưởng, là viển vông. Cô có thấy bà cụ có bộ sưu tập ấy không?

– Có, – Fêlixitê nhẹ nhõm, nhưng đồng thời tức giận khi khẳng định như thế – Tôi biết rõ từng tờ.

– Có phong phú không?

– Bộ sưu tập này chủ yếu gồm các tác giả của thế kỷ trước.

– Một vở ca kịch của Bach được nhắc đến nhiều lần trong chúc thư, tôi coi việc chỉ danh này là lầm lẫn, cô có thể nhớ lại chút nào tên của tác phẩm ấy không? – Luật sư tiếp tục điều tra, tò mò và khao khát muốn biết.

– Ồ, có chứ, – Cô gái trả lời ngay. – Về việc ấy cũng thế, người đã mất chứ không hề lầm lẫn. Đấy là một vở ca kịch nhỏ Jean Sebastien Bach soạn dành cho thành phố X… và ca kịch này đã được biểu diễn ở phòng khánh tiết của thị sảnh. Tên vở ấy là: “Sự khôn ngoan của các nhà cầm quyền khi lập quy định cho việc làm rượu bia”.

– Không thể thế được! – Luật sư kêu lên; trong lúc quá sửng sốt anh nhảy lùi lại phía sau. – Bản sáng tác giới âm nhạc coi như một thứ huyền thoại tồn tại thật hay sao?

– Tổng phổ này do chính tay Bach viết, – Fêlixitê nói tiếp – Ông tặng cho một người tên là Giôđơfroy Đờ Xecbông và sau này thuộc sở hữu của bà Coocđula do thừa kế.

– Những lời bộc lộ này quý vô giá!…Bây giờ thì tôi cầu xin cô hãy nói cho tôi biết bộ sưu tập này ở chỗ nào?

Cô bỗng thấy mình đang đứng trước một việc hiểm nghèo. Phẫn nộ vì người ta hoài nghi trí tuệ sáng suốt của bà cô Coocđula, cô đã dùng mọi cách để bác bỏ lời vu khống. Trong khi sốt sắng bảo vệ bà cô, cô không nghĩ rằng các chứng minh của cô sẽ rủi ro dẫn đến một khởi điểm nào đó… Bây giờ cô phải trả lời thẳng vào câu hỏi phiền phức này… Phải nói dối chăng? Không thể được.

– Theo tôi biết thì nó không còn nữa. – Cô nói nhỏ.

– Không còn nữa? Có lẽ cô muốn nói không còn đủ toàn bộ nữa?

Fêlixitê im lặng. Cô ước gì được ở xa đây hàng ngàn dặm, xa cái người cầu xin tha thiết này.

– Hay là thế nào? – anh hoảng hốt nói tiếp, – hay nó đã bị huỷ thực sự rồi?

Tình hình thật gay go. Người đàn bà đang ngồi chỗ kia sẽ bị liên lụy nếu cô khai rõ… Đã bao lần, trong những lúc tức giận, cô đã ấp ủ ý muốn xấu là trả thù tên đao phủ nhẫn tâm ấy! Cô cho rằng chỉ cần được trông thấy ác phụ kia đau đớn một lần, quang cảnh ấy cũng làm cho cô hả dạ… Cô hiện đang đứng trước thời cơ tương tự… Cô có thể hạ nhục người đàn bà cao lớn, chứng giải bà ta có hành động vi phạm pháp luật, thế mà cô hoàn toàn không trả thù!… Cô nhìn trộm về phía kẻ thù, một cái nhìn của hổ cái đã bắt gặp mắt cô, cô cũng không vì thế mà bối rối.

– Tôi không có mặt khi bộ ấy bị huỷ vì vậy tôi không thể làm chứng về vấn đề này, – cô tuyên bố, giọng vững vàng và quả quyết đến nỗi rất dễ nhận thấy cô sẽ không nói gì hơn nữa. Cô đã trả giá đắt cho hành vi ấy, vì đã làm nổ tung cơn giông tố đến bây giờ ngấm ngầm gầm thét trên đầu cô. Bà Hêluy đứng dậy, bà chống hai tay lên bàn, hai mắt quắc lên một cách ma quái trên bộ mặt không còn khí sắc.

– Con khốn nạn kia, mày tưởng phải nhân nhượng tao à? – bà hét, giọng run lên vì tức giận. – Mày dám nghĩ rằng tao có cớ để giấu mọi người vài hành động nào đó và mày phải che giấu cho tao phải không, hử?

Bà khinh bỉ quay đầu đi và đưa cặp mắt xám nhìn luật sư.

– Nói thật là tôi chỉ quen trình lại các việc làm của tôi với Chúa. Điều gì tôi làm đều nhân danh Chúa, để ca ngợi Chúa và gìn giữ Thánh đường. Tuy vậy, anh Frăngcơ thân mến ạ, anh sẽ được biết những thứ giấy lộn “vô giá” ấy ra sao, chỉ để cho con người kia không khi nào được có ảo ảnh là tôi có gì chung cùng với nó… Bà Coocđula đã quá cố ấy là người vô thần, là một tâm hồn hư hỏng, ai bảo vệ bà ta chứng tỏ được một điều là nó đi theo vết của bà ấy thôi. Đáng lẽ phải cầu nguyện để tìm được bình yên, bà ấy át tiếng nói của lương tâm bằng chất độc của một thứ âm nhạc báng bổ đầy thứ nhục cảm đáng trừng phạt. Ngày chủ nhật bà ấy cũng xúc phạm sự yên tĩnh trong nhà tôi bằng các hành vi tội lỗi, từ sáng đến tối bà ta ngồi trước những quyển sách đáng nguyền rủa kia, và càng mê mải với việc đó bà ta càng ương ngạnh không lay chuyển được, dù tôi đã có nhiều cố gắng để cứu vớt bà ta… Từ đấy, tôi không có điều khẩn nguyện nào nhiệt thành hơn là làm sao diệt trừ hết cái phát minh xấu xa đó của con người trên mặt đất này, thứ ấy, Chúa không tham dự vào, nó làm cho các linh hồn xao lãng con đường của cứu rỗi… Những giấy lộn ấy, anh Frăngcơ ạ, tôi quăng vào lửa hết rồi.

Bà cất cao tiếng thốt ra những lời cuối cùng giọng đầy đắc thắng.

– Mẹ ơi. – Giáo sư hoảng hốt chạy lại.

– Gì thế anh? – Bà hỏi và phác một cử chỉ tránh xa anh. Người bà dài ra, bà đứng sừng sững như mang áo giáp đồng. – Anh định trách tôi chiếm đoạt của Đanien và anh phần thừa hưởng gia tài quý báu ấy chứ gì, – bà nói tiếp giọng châm biếm sâu sắc, – anh cứ yên tâm, tôi quyết định từ lâu sẽ thay thế bằng vài đồng ê quy ở hòm riêng của tôi cho các anh. Dù sao các anh cũng có lợi hơn đấy.

– Mấy đồng ê quy ư? – luật sư nhắc lại, anh tức giận và phẫn uất phát run lên. – Thưa bà Hêluy, bà sẽ vui lòng mở túi trả cho các anh con trai bà một khoản tiền kha khá là mười lăm nghìn mác đấy.

– Mười lăm nghìn mác à? – Bà Hêluy cười ầm lên – Thú vị thật! Những tờ giấy lộn khốn nạn, bẩn thỉu và vấy mực ấy ư? Đừng có lố lăng, anh Frăngcơ thân mến ạ!

– Những tờ giấy lộn bẩn thỉu và khốn nạn ấy, bà sẽ phải trả giá rất đắt, tôi nhắc lại! – Người thanh niên đáp và cố dằn lòng – Ngày mai tôi xin đưa bà xem tờ ghi chú của người đã mất, bà ấy đánh giá bộ sưu tập thư bút mười lăm nghìn mác, chưa kể bản thảo của Bach… Bà Hêluy, xin bà hãy hiểu rõ lời tôi nói, chưa có khả năng lường được, bà đã vướng vào một việc lôi thôi như thế nào đối với những người thừa kế họ Xecbông khi huỷ hoại tác phẩm vô giá này! – Trong lúc đầy phẫn nộ anh đập tay vào trán. – Không thể tưởng tượng được! – Anh nói – Giôhanex, bây giờ mình nhắc lại với cậu điều mình khẳng định cách đây mấy tuần, cậu không thể được biện chứng bằng cách nào rõ ràng hơn nhé!

Giáo sư không trả lời. Anh đã đứng bên cửa sổ và quay nhìn ra vườn. Không ai thấy được lời chứng minh của người bạn quá phấn khích đã tác động đến anh như thế nào.

Một lúc sau, bà Hêluy hình như hiểu được bà đã mua vui bằng những việc rắc rối vô tận; thái độ bà mất hẳn vẻ chắc chắn và tự tin bất di bất dịch, cái mỉm cười chế giễu bà cố giữ chỉ còn là cái nhếch mép. Nhưng làm gì có trường hợp phi thường là người đàn bà ấy đi đến chỗ ân hận vì đã có hành vi nào đó? Bà chẳng nhân danh Chúa mà làm là gì; và trong tình huống như thế thì nhầm lẫn, sai trái làm sao cho được. Bà trấn tĩnh lại ngay:

– Tôi nhắc lại đúng lời anh lúc nãy, anh Frăngcơ ạ, – bà lạnh lùng nói. – Người ta có lý để bảo bà ấy điên. Tôi chẳng khó khăn gì cũng cung cấp được bằng chứng đầy đủ… Ai sẽ làm cho tôi tin rằng sự đánh giá lố lăng ấy không viết trong cơn điên?

– Tôi! – Fêlixitê quả quyết nói, dù tiếng cô run vì những cảm xúc trái ngược nhau. – Thưa bà Hêluy, tôi sẽ cố gạt bỏ những gì công kích người đã mất chừng nào tôi còn có thể, ý nghĩ của bà cô lành mạnh và sáng suốt ít ai bằng, lời khẳng định của tôi có lẽ không được kể đến, nhưng dù bà có lật đổ mọi bằng chứng về lý trí hoàn toàn sáng suốt của người đã mất, các hộp đựng bộ sưu tập vẫn còn kia, chính tôi đã cứu được chúng; mỗi hộp đều liệt kê ở mặt trong tất cả các thứ đựng trong hộp; bên cạnh mỗi tự tích đều ghi chính xác mua khi nào, của ai và giá bao nhiêu.

– Hầy, tôi nuôi được một người làm chứng buộc tội thật cừ, – bà Hêluy thốt lên. – Nhưng này, bây giờ tao mới đả động đến mày đây!… Như vậy là mày đã dám lừa dối tao bao nhiêu năm trời một cách liều lĩnh có một không hai? Mày ăn của tao và nhạo báng tao sau lưng tao? Không có tao mày đã phải đi ăn xin từ cửa này qua cửa khác rồi đấy! Đi cho khuất mắt đi, đồ lừa gạt đê tiện!

Fêlixitê không động đậy. Có thể nói rằng tầm vóc thanh tao của cô lớn hẳn lên dưới những lời trách mắng đang ném ra; mặt cô tái đi nhưng chưa bao giờ bộ mặt ấy bộc lộ một cách quả quyết lòng dũng cảm không thể khuất phục được.

– Bà trách tôi lừa dối bà, tôi xin nhận, – cô nói thật bình tĩnh đáng khen. – Tôi cố tình im lặng và chẳng thà bị hành hạ đến chết chứ không nói động đến việc ấy, đúng thế. Tuy nhiên sự cương quyết ấy không có cơ sở vững chắc, một lời nói tốt đẹp xuất phát từ đáy lòng, một cái nhìn ân cần của bà cũng đủ để thắng nó, vì không gì làm tôi ghê tởm bằng giấu giếm hành động và cử chỉ của mình… Nhưng đây không phải là sự lừa dối có tội! Ai dám gọi là kẻ lừa dối những tín đồ đầu tiên trong thời kỳ bị ngược đãi phải bí mật tụ họp với nhau dù bị cấm đoán? Tôi cũng thế, tôi phải cứu lấy linh hồn mình.

Cô nghỉ lấy hơi, cặp mắt nâu của cô nhìn chăm chú vào mặt người đàn bà kia biểu lộ đầy nghị lực.

– Tôi đã bị rơi xuống vực sâu tăm tối rồi nếu không có chỗ nương náu và sự che chở trên tầng xép… Tôi không hề tin ở vị Chúa hiềm thù và trừng phạt mà bà tôn thờ, thưa bà Hêluy, một vị Chúa chịu để một địa ngục cạnh mình, đưa các con mình ra cám dỗ để thử thách và sau đó thì trừng phạt, tôi không thể tin ở một vị Thần Linh không khoan dung… Người quá cố đã đưa tôi đến Đấng Thiêng Liêng, với lòng thương yêu và bác ái trong sự thông tuệ và quyền vạn năng. Đấy là Đấng Thiêng Liêng duy nhất ngự trị trên trái đất và trên trời… Ham thích học tập và yêu khoa học là những gì bất khả chiến thắng trong tâm hồn trẻ thơ của tôi… Nếu bà cứ để mặc tôi chết đói, bà Hêluy ạ, như vậy cũng không độc ác bằng các toan tính không mỏi mệt của bà nhằm bóp ngạt trí tuệ của tôi, để cố ý giết chết nó… Tôi không nhạo báng sau lưng bà, mà chỉ làm cho các ý định của bà bị thất bại, tôi đã là học trò của bà Coocđula!

– Bước! – Bà Hêluy hét và chỉ ra cửa không tự chủ được nữa.

– Đừng, bác ơi! – Bà nghị năn nỉ và nắm lấy cánh tay giơ ra của bà Hêluy. – Bác đừng bỏ qua không tận dụng giờ phút quý báu này!… Thưa ông luật sư, lúc nãy ông đã cực kỳ thoả mãn về bổn phận “người mê nhạc”; bây giờ tôi kêu nài ông cũng với nhiệt tình như thế tìm xem đồ đạc và nữ trang còn thiếu hiện ở đâu, nếu có người dúng vào việc ấy thì chính là ả này đấy!

Luật sư đến gần cô gái đang bám tay trái vào thành cửa, cúi chào, giơ tay cho cô vịn và trịnh trọng nói:

– Cô cho phép tôi đưa cô về nhà mẹ tôi không?

– Chỗ cô ấy ở đây! – Vẫn im lặng cho đến bấy giờ giáo sư to tiếng phản đối. Luật sư bất giác lùi lại. Hai người ngạo nghễ nhìn nhau không nói một lời; trong cái nhìn lạ lùng ấy không còn sắc thái bạn bè hoà nhã nữa.

– À, hay quá, hai hiệp sĩ một lúc, bức tranh đẹp thật! – Bà nghị kêu và cười rộ lên, một cái chén bay xuống sàn nhà vỡ tan; vào lúc khác bà Hêluy sẽ gay gắt quở mắng sự vô ý ấy của goá phụ trẻ, nhưng tức giận và sửng sốt đã làm cho bà đứng sững tại chỗ.

– Hình như hôm nay tôi cứ luôn phải nhắc đến quá khứ. – Frăngcơ cay đắng nói. – Giôhanex, chắc anh nhớ rằng anh đã hoàn toàn từ bỏ quyền của anh đối với tôi và anh đã cho phép tôi hành động như hiện nay.

– Tôi không bác bỏ điều đó, – giáo sư trả lời. – Nếu anh muốn giải thích sự mâu thuẫn tôi đã mắc phải, tôi xin sẵn sàng khi nào anh muốn, nhưng không phải ở chỗ này.

Anh kéo Fêlixitê ra vườn.

– Về thành phố đi, Fêlixitê, – anh nói và đôi mắt xám vốn lạnh lùng nhìn cô âu yếm vô tả.

– Đây sẽ là cuộc chiến đấu cuối cùng của cô, cô bé Fê tội nghiệp!… Cô sẽ chỉ ở dưới mái nhà mẹ tôi qua đêm nay; bắt đầu từ ngày mai, cô sẽ có một cuộc sống mới.

Anh vẫn cầm tay cô, gần như vô ý thức, anh nâng nó lên môi rồi buông xuống và đi vào nhà mát.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.