Người hướng dẫn viên vẫn bám theo sát gót khiến Langdon phải hết sức vất vả mới kiểm tra hết được phần bên phải của cung điện. Anh đang chuẩn bị kiểm tra nốt hốc tường cuối cùng thì ông già lại bắt đầu thao thao bất tuyệt.
– Anh có vẻ thích mấy cái hốc tường này ghê nhỉ! – Ông ta nói đầy hào hứng. – Anh biết không, tường ở đây khá dày, cho nên mới không cần cột đỡ cái mái vòm trên kia đấy.
Langdon gật đầu, chẳng buồn nghe, và tiếp tục xem xét cái hốc tường tiếp theo. Đội nhiên có ai đó ở đằng sau túm chặt lấy anh. Đó là Vittoria. Thở không ra hơi, cô gái đang túm chặt lấy cánh tay Langdon. Ánh mắt hoảng sợ của Vittoria khiến cho anh không thể nghĩ đến bất kỳ tình huống nào khác. Đã tìm thấy thi thể của nạn nhân. Langdon chợt cảm thấy sợ hãi.
– A… vợ anh đây rồi! – Ông già hướng dẫn viên reo lên, sung sướng vì có thêm một vị khách nữa. Ông ta chỉ đôi giày đi bộ và chiếc quần soóc của Vittoria:
– Nhìn thì biết ngay cô là người Mỹ!
Vittoria nheo mắt:
– Tôi là người Ý.
Nụ cười của ông ta tắt ngấm:
– Thế à?
– Robert này, – Vittoria thì thào, cố quay lưng về phía ông già hướng dẫn viên. – Diagramma của Galileo đâu. Đưa tôi xem cái nào.
– Diagramma à? – Ông già hỏi, giọng lấy lòng. – Chà chà, hai vị chắc hẳn rất am hiểu lịch sử đây! Tiếc thay, không thể xem tài liệu đó được đâu. Nó được bí mật cất giữ trong Nhà mái vòm…
– Xin lỗi ông một chút. – Langdon nói, lúng túng trước sự sợ hãi của Vittoria. Kéo cô sang một bên, anh cẩn thận rút tờ giấy từ trong túi áo ra. – Chuyện gì thế?
– Ngày tháng ghi ở đây là bao giờ? – Vittoria vừa săm soi tờ giấy vừa hỏi.
Ông già hướng dẫn viên đã đứng ngay cạnh họ, mắt chăm chăm nhìn tờ giấy, miệng há hốc:
– Này, đây… không phải là…
– Bản sao dành cho khách du lịch thôi mà. – Langdon nói chặn trước. – Cảm ơn ông đã giúp đỡ, hai vợ chồng chúng tôi muốn nói chuyện riêng một lúc.
Ông già lùi lại một chút, mắt vẫn không rời tờ giấy.
– Ngày… tháng? – Vittoria nhắc lại. – Galileo xuất bản cuốn này bao giờ.
Langdon chỉ tay vào những chữ số La Mã ở cuối trang giấy:
Ngày xuất bản đây. Chuyện gì thế?
Vittoria đọc con số.
– 1639 à?
– Ừ. Sao thế?
Ánh mắt Vittoria đầy vẻ lo lắng:
– Lôi thôi rồi, Robert ạ. Tôi thôi to rồi. Ngày tháng không khớp nhau.
– Ngày tháng nào không khớp nhau?
Ngày trên mộ phần của Raphael. Mãi đến năm 1759 ông ấy mới được đưa về chôn cất ở đây. Một thế kỷ sau khi Diagramma được xuất bản.
Langdon trợn tròn mắt, không hiểu cô gái vừa nói gì.
– Không. Raphael mất năm 1520, trước Diagramma rất lâu đấy chứ.
– Đúng thế, nhưng mà mãi sau này ông ấy mới được đưa về an táng tại đây.
Langdon lại không hiểu gì.
– Cô vừa nói cái gì thế?
– Tôi vừa đọc thấy mà. Di hài của Raphael được chuyển về Pantheon năm 1758, trong một dự án tôn vinh các nhân vật kiệt xuất của nước Ý.
Hiểu ra những lời ấy, Langdon thấy đất dưới chân như sụp xuống.
– Khi bài thơ này được sáng tác thì phần mộ của Raphael được đặt ở một địa điểm khác. – Vittoria tuyên bố. – Vào thời đó, Pantheon chẳng liên quan gì đến Raphael cả!
Langdon như nghẹt thở.
– Nhưng điều đó… có nghĩa là…
– Đúng vậy! Có nghĩa là chúng ta đến nhầm địa điểm rồi!
Langdon thấy đầu óc quay cuồng. Không thể nào…rõ ràng là…
Vittoria chạy lại và túm tay ông già hướng dẫn viên, kéo lại:
– Thưa ông, xin hãy cho chúng tôi biết, vào thế kỷ 17 thì mộ phần của Raphael được đặt ở đâu?
– Ở Urb… Urbrino, – Ông ta lắp bắp vẻ bối rối. – Ở quê hương của ông ấy.
– Không thể nào! – Langdon lầm bầm nói một mình. – Bàn thờ khoa học của hội Illuminati ở Rome, chắc chắn là thế!
– Illuminati à? – Ông già há hốc miệng lại một lần nữa đưa mắt nhìn tờ giấy Langdon đang cầm trên tay. – Các vị là ai thế?
Vittoria lại hỏi tiếp:
– Chúng tôi đang tìm một địa danh được gọi là lăng mộ trần tục của Santi. Ở Rome. Ông có biết nó ở đâu không?
Ông ta có vẻ băn khoăn:
– Đây chính là lăng mộ duy nhất của Raphael ở Rome.
Langdon cố tập trung suy nghĩ, nhưng đầu óc cứ đờ ra. Nếu vào năm 1655, mộ phần của Raphael không được đặt tại Rome thì bài thơ nói đến nơi nào nhỉ? Từ nấm mồ trần tục của Santi, lăng mộ hang quỷ? Nghĩa là sao nhỉ? Nghĩ đi nào!
– Thế có nghệ sĩ nào khác tên là Santi không? – Vittoria hỏi.
Ông hướng dẫn viên nhún vai:
– Theo tôi biết thì không có.
– Thế có bất kỳ ai nổi tiếng có tên như thế không? Ví dụ một nhà thơ, nhà thiên văn học, hay nhà khoa học nào đó tên là Santi, có không?
Lúc này thì hình như ông già hướng dẫn viên lại muốn bỏ đi.
– Không có đâu cô ạ. Santi duy nhất mà tôi biết chính là kiến trúc sư Raphael.
– Kiến trúc sư à? – Vittoria hỏi vặn. – Tôi tưởng ông ấy là hoạ sĩ chứ!
– Ông ấy là cả hai chứ. Tất cả họ đều thế cả, Michelangelo, Da Vinci, Raphael.
Không hiểu là nhờ có những lời nói của ông già, hay vì những mộ phần trang trí cầu kỳ xung quanh khiến cho Langdon nghĩ ra, nhưng điều đó không quan trọng, anh bỗng nảy ra ý ấy. Santi là kiến trúc sư. Từ ý tưởng, những ý nghĩ khác lần lượt hiện ra như trong một thế cờ đô-mi-nô. Các kiến trúc sư thời Phục Hưng sống chỉ để làm hai việc: tôn vinh chúa trong các nhà thờ lớn, và tôn vinh những nhân vật đức cao vọng trọng bằng những mộ phần lộng lẫy. Mộ phần của Santi. Lẽ nào lại là thế? Những suy nghĩ lúc này nảy ra nhanh hơn nữa…
Mona Lisa của Da Vinci
Hoa huệ nước của Monet
David của Michelangelo.
Lăng mộ trần tục của Santi…
– Santi đã thiết kế lăng mộ đó. – Langdon lên tiếng.
Vittoria quay phắt lại:
– Gì cơ?
– Bài thơ không nhắc đến mộ phần của Santi, mà một mộ phần do ông ấy thiết kế.
– Anh nói gì cơ?
– Tôi đã nhầm. Không phải là phần mộ nơi Santi được chôn cất mà là mộ phần Santi thiết kế cho người khác cơ. Một nửa các công trình kiến trúc ở Rome thời Phục Hưng và Ba-rốc là các mộ phần. – Langdon vừa nói vừa mỉm cười – Chắc Raphael phải thiết kế đến hàng trăm lăng mộ!
Vittoria có vẻ khổ sở:
– Hàng trăm cơ à?
Nụ cười của Langdon tắt ngấm:
– Ối trời đất ơi.
– Có cái nào trong số đó trần tục không, thưa giáo sư?
Langdon chợt thấy rối bời. Anh biết quá ít về các tác phẩm của Raphael. Michelangelo thì còn đỡ, chứ anh đã bao giờ để ý đến các tác phẩm của Raphael đâu. Anh nhớ tên một vài lăng mộ nổi tiếng nhất của Raphael, nhưng không biết hình dạng chúng thế nào.
Thấy Langdon lúng túng, Vittoria quay sang hỏi ông hướng dẫn viên, khi ông ta đang định bỏ đi. Cô gái túm tay ông ta lôi lại:
– Tôi cần tìm một lăng mộ do Raphael thiết kế. Một lăng mộ có thể coi là trần tục.
Ông già lúc này cũng lúng túng:
– Một lăng mộ của Raphael à? Tôi cũng không biết đâu. Ông ấy thiết kế nhiều lắm. À, có thể các vị cũng biết một nhà nguyện nhỏ do ông ấy thiết kế, nhà nguyện chứ không phải lăng mộ. Các kiến trúc sư thường thiết kế các nhà nguyện thông với lăng mộ.
Langdon chợt nhận ra điều đó.
– Thế có lăng mộ hay nhà nguyện nào của Raphael mà trần tục không?
Ông già nhún vai:
– Tiếc quá. Cái đó thì tôi không hiểu gì cả. Tôi chẳng thấy cái nào có thể coi là trần tục hết. Có lẽ tôi phải đi đây.
Vittoria túm tay ông ta, rồi đọc dòng đầu tiên của bài thơ. “Từ nấm mồ trần tục của Santi, lăng mộ hang quỷ”. Ông có hiểu thế là sao không?
– Tôi chẳng hiểu gì cả.
Đột nhiên Langdon ngẩng phắt lên. Vừa rồi anh quên biến mất phần sau của câu thơ. Hang quỷ?
– Đúng rồi! – Langdon hỏi ông già hướng dẫn viên – Đúng rồi! Có nhà nguyện nào của Raphael có giếng trời hình tròn không?
Ông ta lại lắc đầu lần nữa:
– Theo như tôi biết thì chỉ có ở mỗi điện Pantheon này thôi. – Ngừng một lát. – Nhưng mà…
– Nhưng sao? – cả Vittoria lẫn Langdon cùng đồng thanh.
Lúc này ông già lại ngẩng cao đầu và tiến lại bên họ.
– Hang quỷ… – ông ta tự lẩm bẩm một mình. – Hang quỷ… thì là… buco diavolo phải không nhỉ?
Vittoria gật đầu:
– Hiểu theo nghĩa đen thì đúng là thế.
Ông già khẽ mỉm cười:
– Có một thuật ngữ mà lâu rồi không thấy ai nhắc đến. Nếu tôi không nhầm, thì buco diavolo nghĩa là cái hầm.
– Cái hầm à? – Langdon hỏi lại. – Giống như hầm mộ phải không?
– Đúng, nhưng là một dạng hầm mộ đặc biệt. Chắc hang quỷ là một từ cổ để nói đến một hầm mộ lớn đặt trong nhà nguyện, bên dưới một mộ phần khác.
– Một cái hầm mộ đào thêm à? – Langdon hỏi ngay, anh đã hiểu ông già định nói đến cái gì.
Người hướng dẫn viên già có vẻ rất nể phục:
– Đúng rồi, tôi định dùng từ ấy đấy.
Langdon phân vân. Hầm mộ đào thêm là một giải pháp rẻ tiền của nhà thờ trong một số tình huống rất khó xử. Khi nhà thờ muốn thể hiện sự tôn vinh với một thành viên của mình bằng cách đặt mộ phần của người đó trong nhà nguyện, những người còn lại trong gia tộc thường yêu cầu phải chôn các thành viên khác của gia đình họ chung vào một chỗ… để đảm bảo rằng họ cũng sẽ được mai táng trong nhà thờ. Tuy nhiên, nhiều nhà thờ không có đủ tiền bạc và diện tích để xây mộ phần cho cả một gia tộc như thế, nên họ cho đào những hầm mộ đào thêm – một cái hố để chôn những thành viên khác của hoàng tộc nhưng không phải là những người thực sự kiệt xuất – gần mộ phần ban đầu. Sau đó, người ta đặt lên trên miệng hố một cái nắp mà các nghệ sĩ thời Phục Hưng gọi là cái nắp cống, không hơn. Tuy tiện lợi, nhưng trào lưu xây hầm mộ đào thêm nhanh chóng hết thời vì người ta rất hay ngửi thấy mùi thối trong nhà thờ. Hang quỷ, Langdon thầm nghĩ. Anh chưa bao giờ nghe thấy thuật ngữ này. Nhưng nó phù hợp đến mức lạ lùng.
Lúc này thì trống ngực Langdon đập thình thịch. Từ nấm mồ trần tục của Santi, lăng mộ hang quỷ. Chỉ còn một chi tiết duy nhất cần phải hỏi cho rõ.
– Raphael có thiết kế lăng mộ nào có hang quỷ loại này không?
Người hướng dẫn viên gãi gãi đầu:
– Thực ra thì… tiếc quá… tôi chỉ nghĩ ra được có một thôi.
Chỉ một? Langdon không mong ước gì hơn.
– Ở đâu? – Vittoria gần như hét lên.
Ông già hướng dẫn viên ngạc nhiên nhìn họ:
– Đó là nhà nguyện Chigi. Lăng của Agostino Chigi và anh trai ông ấy, nhà Mạnh Thường Quân giàu có của khoa học và nghệ thuật.
– Khoa học à? – Langdon vừa đưa mắt sang Vittoria vừa hỏi lại.
– Ở đâu? – Vittoria lại hỏi.
Ông già phớt lờ câu hỏi đó, lại sung sướng được làm nhiệm vụ hướng dẫn. – Cũng không thể khẳng định chắc chắn là nó có trần tục hay không, nhưng chắc chắn là rất khác biệt.
– Khác biệt à? – Langdon hỏi. – Khác thế nào?
Khác biệt trong cách kiến trúc. Một nghệ sĩ khác đảm nhiệm phần trang trí nội thất, tôi không nhớ rõ người đó là ai.
Langdon lúc này đã sốt sắng lắm rồi. Một nghệ sĩ vô danh của hội Illuminati à? Có thể lắm.
– Nhưng dù người đó là ai đi nữa thì phần nội thất cũng không được xuất sắc lắm. – Ông già nói tiếp – Làm gì có ai muốn bị chôn dưới một cái Kim tự tháp cơ chứ!
Langdon gần như không dám tin vào tai mình:
– Kim tự tháp à? Trong nhà nguyện có cả Kim tự tháp à?
– Tôi biết, thật chẳng hợp chút nào. – Ông già đáp.
Vittoria túm chặt cánh tay ông ta:
– Thưa ông, nhà nguyện Chigi ở chỗ nào?
– Cách đây một dặm về hướng Bắc. Ở thánh đường Santa Maria Del Popolo.
Vittoria thở phào:
– Cảm ơn ông. Nào…
– Này, tôi vừa nghĩ ra, đúng là tôi ngốc thật.
Vittoria đứng phắt lại:
– Xin đừng nói là ông lại nhầm nữa nhé.
Ông ta lắc đầu:
– Không đâu, nhưng đáng ra tôi phải nghĩ ra sớm hơn mới phải. Nhà nguyện Chigi còn có một cái tên nữa, trước đây người ta gọi nó là Capella Della Tera.
– Nhà thờ Đất à? – Langdon hỏi.
– Không. – Vittoria vừa trả lời vừa lao ra cửa. – Nhà thờ Trái Đất.
Vừa lao ra khỏi Piazza Della Rotunda, Vittoria Vetra vừa lôi điện thoại di động ra.
– Chỉ huy Olivetti, không phải ở đây rồi!
Olivetti có vẻ ngỡ ngàng:
– Sao? Cô nói gì?
– Bàn thờ khoa học đầu tiên là nhà nguyện Chigi cơ!
– Ở đâu? – Olivetti bắt đầu cáu. – Nhưng mà ông Langdon nói là…
– Santa Maria Del Popolo! Một dặm về phía Bắc! Đưa người của ông sang đấy ngay. Còn 4 phút nữa!
Nhưng người của tôi vào vị trí ở đây hết rồi! Làm sao có thể…
– Đi ngay đi! – Vittoria dập điện thoại.
Sau lưng cô gái, Langdon cũng vừa hổn hển lao ra khỏi điện Pantheon.
Cô gái túm tay Langdon, kéo anh chạy ra dãy xe tải trông như không người lái đang đợi san. Vittoria đấm ầm ầm vào mui chiếc xe đầu tiên. Người lái xe đang ngủ gật giật bắn người, và ngồi thẳng dậy, đầy sợ hãi. Vittoria mở ngay cửa sau, ấn Langdon vào trong xe, rồi cô cũng nhảy nốt vào.
– Santa Maria Del Popolo. – Cô hô to. – Nhanh lên!
Nửa sợ hãi, nửa thụ động, người lái xe gạt cần số, chiếc xe trườn ra giữa đường.