VENICE
Shamron thả người một cách mệt mỏi xuống băng ghế ngồi của nhà thờ và giơ cánh tay đầy vết đồi mồi ra làm hiệu cho Gabriel chỉnh lại ánh đèn. Ông rút từ chiếc cặp sắt ra một phong bì và lôi ra ba tấm ảnh. Chẳng nói lời nào, ông lấy tấm đầu tiên đưa cho Gabriel. Gabriel nhìn vào, đó là hình anh đang đi dạo cùng với Chiara ở Campo di Ghetto Nouvo. Anh bình thản ngắm nó như đang nhìn vào một bức tranh cần được phục chế và cố gắng nghĩ lại xem đây là vào lúc nào. Màu sắc quần áo của họ tương phản rõ nét với ánh chiều cùng với những thảm lá rụng đầy trên quảng trường lát đá. Điều đó cho thấy khi ấy đã vào cuối thu. Shamron đưa tiếp tấm thứ hai – vẫn là Gabriel và Chiara, lần này là trong một khách sạn gần nhà ở Cannaregio. Tấm thứ ba là lúc Gabriel rời khỏi nhà thờ ở San Giovanni Crisostomo, đây là tấm làm anh thấy lạnh cả người. Đã bao nhiêu lần rồi? Anh tự hỏi. Đã bao lần tên sát thủ đợi trong chỗ ẩn nấp mỗi khi anh rời sở làm vào buổi tối?
“Không thể để chuyện này kéo dài được”, Shamron nói. “Cuối cùng chúng cũng sẽ tìm thấy cậu ở đây. Mấy năm qua cậu đã tạo ra quá nhiều kẻ thù rồi. Cả hai chúng ta đều như thế”.
Gabriel trả xấp ảnh lại cho Shamron. Chiara ngồi xuống cạnh anh. Trong khung cảnh và dưới ánh sáng đó, nàng làm cho Gabriel nhớ đến bức ảnh Alba Madonna của danh họa Raphael. Mái tóc đen hơi xoăn điểm thêm những lọn highlight màu hạt dẻ và nâu đỏ ôm lấy gáy và xõa xuống bờ vai. Làn da nàng nâu bóng. Đôi mắt sâu màu nâu pha lẫn chút ánh vàng sáng lên dưới ánh đèn. Chúng dường như đang biến đổi theo tâm trạng của nàng. Qua ánh nhìn sâu thẳm của Chiara, Gabriel biết rằng sẽ có thêm nhiều tin xấu.
Shamron lại mở cặp tài liệu ra. “Đây là hồ sơ tóm tắt công việc của cậu, chính xác một cách đáng sợ, tôi e là vậy”. Ông ngừng lại. “Nhìn thấy hồ sơ của một người được tóm gọn lại bằng những cái chết mà anh ta gây ra, quả là điều không dễ chịu. Cậu có muốn đọc nó không?”
Gabriel cầm lấy. Shamron đã dịch hồ sơ từ tiếng Arập sang tiếng Do Thái. Thung lũng Jezreel có rất nhiều thị trấn và làng người Arập. Tiếng Arập của Gabriel không mấy lưu loát nhưng cũng đủ để đọc một bản tường trình về những chiến tích của chính mình.
Shamron nói đúng – bằng cách nào đó kẻ thù đã tập hợp đầy đủ và khá chính xác những thông tin về công việc của anh. Hồ sơ ghi rõ tên thật của Gabriel. Ngày anh nhận việc cũng chính xác. Tuy nhiên hồ sơ lại ghi nhận anh đã gây ra cái chết của tám tên khủng bố trong sự kiện Tháng Chín Đen, đó chính là điều cần nói, trong khi thật sự anh chỉ giết chết có sáu tên. Một vài trang đề cập đến vụ Gabriel ám sát Khalil el-Wazir, nhân vật đứng thứ hai của Tổ chức Giải phóng POL thường được biết đến với° biệt danh là Abu Jihad. Gabriel đã giết hắn trong khu biệt thự ven bờ biển ở Tunisia năm 1988. Diễn biến sự việc được vợ của hắn là Umm Jihad, cũng có mặt vào đêm đó, thuật lại. Một bài báo ở Vienna đưa tin khá ngắn gọn và đáng lưu ý. Vợ và con trai anh chết vì bị gài bom trong xe ở Vienna vào tháng Giêng năm 1991. Abu Amar đang tiến hành trả đũa”. Abu Amar không ai khác chính là A’one. Gabriel luôn nghi ngờ rằng A’one sẽ dính dáng đến chuyện này. Nhưng cho đến nay anh vẫn chưa thấy chứng cứ nào về điều đó cả.
Tay vẫn cầm hồ sơ, anh hỏi. “Ông lấy thứ này ở đâu?”
“Ở Milan”, Shamron nói. Rồi ông thuật lại cho Gabriel về cuộc tập kích bất ngờ vào nhà trọ và tìm thấy chiếc đĩa trong túi hành lý của kẻ tình nghi. “Khi người Ý không thể phá được mã bảo mật, họ chuyển qua chúng ta. Tôi cho rằng chúng ta nên xem đó là sự may mắn. Nếu họ mở được chiếc đĩa thì họ có thể đã tóm được tên sát thủ ở Ý ngay rồi”.
Ngoài ra trong hồ sơ còn đề cập đến vụ anh đã giết một gián điệp phát động sự kiện Tháng Chín Đen, tên là Wadal Abdel Zwatier trong căn hộ riêng ở Rome năm 1972. Đó là vụ ám sát đầu tiên của Gabriel, vụ đó đã làm hai bên thái dương anh bạc đi trông thấy chỉ sau một đêm. Anh trả lại tập hồ sơ cho Shamron.
“Chúng ta biết gì về những gã trốn trong căn phòng trọ đó?”
“Dựa vào dấu vân tay được tìm thấy trên đồ vật và khắp phòng, cùng với những bức ảnh trên hộ chiếu giả, chúng ta đã nhận dạng được một tên. Tên hắn là Daoud Hadawi, người Palestine, sinh ra trong trại tị nạn Jenin. Hắn là kẻ cầm đầu trong cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine chống lại Israel ở Bờ Tây và Dải Gaza, đã vào tù ra khám rất nhiều lần. Năm mười bảy tuổi hắn tham gia phong trào Fatah, và khi A’one trở về Gaza sau tiến trình hòa bình Oslo, Hadawi đã gia nhập Al-Amn Al-Ra’isah, Lực lượng An ninh cận vệ. Cậu có thể biết đến tổ chức đó qua tên gọi trước đây được sử dụng trước khi có tiến trình hòa bình Oslo là: Lực lượng 17, Đội cận vệ của A’one. Những tên sát thủ được A’one sủng ái”.
“Chúng ta còn biết thêm gì về Hadawi không?”
Shamron đưa tay vào túi rút ra gói thuốc lá. Gabriel ngăn ông lại và bảo rằng khói thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến những bức tranh. Sharmon thở dài và tiếp tục câu chuyện của mình.
“Chúng ta tin chắc rằng hắn đã tham gia vào rất nhiều chiến dịch khủng bố trong suốt cuộc nổi dậy thứ hai của người Palestine. Hắn được đưa vào danh sách những kẻ tình nghi bị truy nã, nhưng chính quyền Palestine đã từ chối giao nộp hắn. Có thể hắn đang lẩn trốn đâu đó ở Mukata cùng với A’one và các quan chức cấp cao khác”. Mukata là tên của trụ sở vừa là nơi làm việc vừa là nhà ở của A’one ở Ramallah. “Nhưng khi chúng ta tấn công vào Mukata trong Chiến dịch Phòng thủ vũ khí, vẫn không tìm thấy Hadawi trong số những kẻ bị bắt giữ”.
“Vậy hắn ở đâu?”
“Shabak và Aman cho rằng hắn đã trốn sang Gioócđan hoặc Libăng. Họ đã chuyển hồ sơ vụ này về Văn phòng. Nhưng không may là việc tìm ra nơi ẩn náu của Hadawi không phải ưu tiên hàng đầu trong công việc của Lev. Chuyện này đã biến thành một sai lầm tai hại”.
“Hadawi vẫn là thành viên của Lực lượng 17 phải không?”
“Chưa biết được”.
“Hắn vẫn còn liên lạc với A’one chứ?”
“Hầu như chúng ta không biết”.
“Liệu Shabak có nghĩ Hadawi có khả năng làm được những việc như thế không?”
“Không thể nào. Hắn ta là chiến binh, không phải thiên tài quân sự. Vụ tấn công ở Rome đã được lên kế hoạch và thực hiện bởi những kẻ không tầm thường. Phải là ai đó rất thông minh. Kẻ đó phải có khả năng thực hiện những hành động khủng bố trên khắp thế giới. Kẻ đó phải rất có kinh nghiệm trong những hành động như thế này”.
“Kẻ đó là ai?”
“Đó là điều chúng tôi muốn cậu phải tìm ra”.
“Tôi ư?”
“Chúng tôi muốn cậu phải tìm ra những kẻ sâu bọ đã° gây ra cuộc thảm sát này, và cậu phải hạ gục chúng. Cũng giống như năm 1972 thôi, ngoại trừ lần này cậu là người chỉ đạo thay tôi”.
Gabriel chầm chậm lắc đầu. “Tôi không phải là nhà điều tra. Tôi chỉ là người thực hiện mệnh lệnh thôi. Hơn nữa nhiệm vụ này không phải là của tôi. Nó là nhiệm vụ của Shabak. Nhiệm vụ của Sayaret”.
“Họ đã quay lưng lại châu Âu rồi”, Shamron nói. “Chúng ta đang tìm kiếm sự ủng hộ của Châu Âu. Nên giờ đây đó là nhiệm vụ của cậu”.
“Tại sao ông không tham gia chỉ đạo?”
“Tôi chỉ là một cố vấn, không có quyền hạn chỉ huy”. Giọng của Shamron đầy vẻ châm biếm. Ông thích xem mình là một công chức bị áp bức làm trọn công việc của mình mặc dù sự thật không phải như thế. “Hơn nữa, Lev sẽ không muốn nghe chuyện này”.
“Và ông ta sẽ để tôi chỉ đạo sao?”
“Ông ta không còn sự lựa chọn nào khác. Thủ tướng cũng đã bàn đến chuyện này. Dĩ nhiên lúc đó tôi cũng có thì thầm vài vấn đề vào tai ông ấy”. Shamron ngừng lại. “Lev có đưa ra một yêu cầu, tuy nhiên, tôi e rằng mình không thể làm được chuyện này”.
“Chuyện gì?”
Gabriel đã rời khỏi Văn phòng sau vụ đánh bom ở Vienna. Nhiệm vụ của anh trong những năm qua đơn thuần mang tính tự do chủ yếu do Shamron sắp đặt. “Ông ta muốn đặt tôi vào việc tuân thủ kỷ luật của Văn phòng để tiện bề kiểm soát”, Gabriel nói
“Ý đồ của ông ta đã quá rõ ràng. Là người của thế giới ngầm, Lev luôn làm mọi cách để che giấu việc làm của mình. Nhưng cũng đừng quá bận tâm. Tôi mới là người Lev phải gờm. Còn cậu chỉ là người bị liên lụy”.
Một tiếng ồn đột ngột vang lên ngoài đường, những đứa trẻ con ùa chạy ra và la hét ầm ĩ. Shamron im lặng chờ cho tiếng ồn lắng xuống. Khi tiếp tục câu chuyện, giọng ông trở nên nghiêm trọng.
“Chiếc đĩa đó còn chứa nhiều thông tin khác nữa ngoài hồ sơ của cậu”, ông nói. “Chúng ta tìm thấy cả những bức ảnh ghi lại những hình ảnh theo dõi và những tài liệu phân tích khá chi tiết tình hình an ninh của những mục tiêu tiềm năng trong tương lai ở Châu Âu”.
“Những mục tiêu nào?”
“Đại sứ quán, lãnh sự quán, những văn phòng của El Al, những hội người Do Thái lớn, trung tâm cộng đồng người Do Thái và trường học”. Những tiếng cuối của Shamron vang khắp mái vòm nhà thờ một lúc mới im hẳn. “Chúng sẽ tấn công chúng ta lần nữa, Gabriel à. Cậu có thể giúp chúng tôi ngăn chúng lại. Cậu cũng giống như mọi người ở đại lộ King Saul, cậu biết rõ về chúng”. Ông đưa mắt nhìn chăm chú bức họa trang trí sau bàn thờ. “Cậu biết rõ chúng giống như biết rõ những nét cọ của bức tranh Bellini này vậy”.
Shamron nhìn Gabriel. “Những tháng ngày ở Venice đã hết. Một chuyến bay đang đợi cậu ở bên kia hòn đảo. Cậu phải lên đó dù có thích hay không. Cậu sẽ làm gì sau đó là việc của cậu. Cậu có thể ngồi trong một căn phòng an toàn, cân nhắc về hiện trạng cuộc sống của mình, hoặc cậu sẽ giúp chúng tôi tìm ra những tên giết người này trước khi chúng tấn công thêm một lần nữa”
Gabriel không thể từ chối. Shamron nói đúng, anh không còn lựa chọn nào khác mà bắt buộc phải đi. Nhưng vẫn có chút gì đó trong giọng nói tự mãn của Shamron khiến Gabriel cảm thấy phát cáu. Trong nhiều năm qua, Shamron đã khẩn thiết yêu cầu anh hãy rời châu Âu để quay về Israel, và đảm đương trách nhiệm điều hành Văn phòng hoặc ít nhất cũng là Tổ chức. Gabriel đã không đồng ý với lời đề nghị này, và anh cũng không nhận thấy rằng Shamron đã cảm thấy rất thỏa mãn với quyết định đó của anh.
Anh đứng dậy và tiến đến bức họa trang trí sau bàn thờ. Cố hoàn thành nó trong một thời gian ngắn là điều không thể. Bức họa Saint Christopher cùng với bức họa chúa Jesus trẻ tuổi dang rộng đôi vai cần phải được phục chế lại nhiều chỗ. Toàn bộ bức tranh cần được phủ lại lớp vec-ni. Tối thiểu cũng phải mất bốn tuần, cũng có thể lên đến sáu tuần. Anh nghĩ rằng Tiepolo sẽ phải nhờ đến một người khác để hoàn thành nó, đó là điều mà Gabriel không muốn chút nào. Đã thế, ở Israel lại không chuộng những bức tranh thuộc trường phái cổ điển Ý. Có khả năng là anh sẽ không bao giờ được chạm đến một bức tranh nào của Bellini nữa.
“Công việc của tôi là ở đây”, Gabriel nói nhưng giọng có vẻ rất miễn cưỡng.
“Không, ở đây chỉ từng là nhiệm vụ của cậu. Cậu sẽ trở về nhà” – Shamron thoáng ngập ngừng”- “ở đại lộ King Saul. Bên cạnh Eretz Yisrael”.
“Cả Leah nữa”, Gabriel nói. “Tôi cần một chút thời gian để chuẩn bị. Từ giờ cho đến lúc đó, tôi muốn có người bảo vệ cô ấy tại bệnh viện. Tôi không chấp nhận nếu có lúc nào đó, hồ sơ ghi nhận cô ấy đã chết”.
“Một nhân viên an ninh đã được phái từ Luân Đôn đến đây”.
Gabriel nhìn Chiara.
“Cô ấy sẽ cùng đi”, Shamron nói như đã đọc trước những suy nghĩ của anh. “Một đội an ninh sẽ ở lại Venice để bảo vệ gia đình và người thân của cô ấy trong trường hợp cần thiết”.
“Tôi phải báo với Tiepolo là tôi phải đi”.
“Không nên. Càng ít người biết càng tốt”.
“Tôi không quan tâm”, Gabriel nói. “Tôi nợ ông ấy”.
“Cứ làm những gì cậu muốn. Nhưng phải nhanh lên”.
“Còn căn nhà thì sao? Có nhiều thứ…”
“Đội xóa sạch dấu vết sẽ lo liệu những thứ còn lại. Ngay khi họ xong việc, sẽ chẳng còn dấu vết nào của cậu ở đây nữa”. Shamron, mặc cho lời cảnh báo không nên hút thuốc của Gabriel, vẫn châm lửa. Ông giơ cái quẹt lên cao rồi làm động tác thổi tắt nó. “Cứ như là cậu chưa từng tồn tại vậy”.
Shamron cho anh một giờ đồng hồ để chuẩn bị. Gabriel mang trong người khẩu Beretta của Chiara, anh chuồn ra cửa sau của nhà thờ rồi đi về hướng Castello. Anh đã sống ở đây suốt thời gian học việc nên anh nắm rất rõ những con đường ngoằn ngoèo phức tạp trong thị trấn này. Anh đi vào khu mà khách du lịch chưa từng ghé qua, nơi đó có rất nhiều nhà bỏ hoang. Con đường khá ngoằn ngoèo, phải băng qua lối đi dưới những tòa nhà, nơi mà không thể tìm được chỗ ẩn nấp. Anh cố ý bước vào một cái bãi đã được rào chắn xung quanh, chỉ có một lối ra vào duy nhất. Đứng đó khoảng hai mươi phút, anh mới chắc chắn không có ai đang theo dõi mình.
Francesco Tiepolo đặt văn phòng ở San Marco, tại Viale 22 Marzo. Gabriel vào và thấy ông đang ngồi phía sau chiếc bàn làm việc lớn bằng gỗ sồi, cả thân người bị che khuất bởi một chồng lớn giấy tờ. Nếu không có máy tính và đèn điện, có lẽ ông đã trở thành nhân vật trong bức tranh Phục Hưng. Ông ngước lên nhìn Gabriel và nở một nụ cười qua chiếc cằm lởm chởm ria. Khách du lịch trên đường phố Venice thường hay nhầm lẫn ông với danh ca Luciano Pavarotti. Gần đây, ông bắt đầu thích chụp ảnh và tập tành hát một vài câu trong bài “Xin đừng quên tôi” dù giọng ông rất tệ.
Ông đã từng là một người phục chế tranh tài ba, nhưng giờ ông đã chuyển sang công việc kinh doanh. Công ty của Tiepolo là công ty phục chế tranh nổi tiếng khắp vùng Veneto. Ông dành toàn bộ thời gian để chuẩn bị đấu thầu những dự án khác nhau hay tham gia vào các cuộc ngôn luận chính trị với những quan chức ở Venice, những người chịu trách nhiệm bảo tồn những tác phẩm kiến trúc và hội họa. Mỗi ngày ông đều ghé vào nhà thờ San Crisostomo để động viên chuyên gia phục chế đầy tài năng của mình, Mario Delvechio, một người hơi cứng đầu và thích cuộc sống ẩn dật, để thúc đẩy anh ta làm việc nhanh hơn. Ngoài Julian Isherwood, Tiepolo là người duy nhất trong thế giới hội họa biết được sự thật về tài năng của Delvechio.
Tiepolo rủ Gabriel ra ngoài làm một ly rượu nho, nhưng khi thấy vẻ miễn cưỡng của Gabriel, ông đã bước sang phòng bên cạnh để lấy một chai ripasso. Gabriel nhìn lướt qua những khung hình được treo thành hàng trên tường phía sau bàn làm việc. Anh thấy một bức ảnh mới của Tiepolo chụp cùng với người bạn thân của ông, đức Giáo hoàng Paul đệ VII. Pietro Lucchesi đã là từng là Chánh giáo của Venice trước khi đến Vatican và trở thành người đứng đầu của một tỷ tín đồ Công giáo trên toàn thế giới. Tấm ảnh chụp lúc Tiepolo và Giáo hoàng đang ngồi trong phòng ăn ở tòa nhà vừa được xây dựng lại vô cùng nguy nga hướng mặt ra Kênh Đào Lớn. Trong tấm ảnh đó không có mặt Gabriel, lúc đó anh đang ngồi bên trái đức Giáo hoàng. Hai năm trước, nhờ sự giúp đỡ của Tiepolo, anh đã cứu sống đức Giáo hoàng và tiêu diệt hết những phần tử đe dọa đến chức vụ của ngài. Anh hi vọng rằng Chiara và đội làm nhiệm vụ xoá sạch dấu vết sẽ tìm thấy tấm thiệp Hanukkah mà Đức Thánh Cha đã gửi tặng anh vào tháng Mười Hai.
Tiepolo rót ra hai ly rượu vang ripasso đỏ và đẩy một ly về phía Gabriel. Ông uống một lúc hết ngay nửa ly. Chỉ trong công việc Tiepolo mới đòi hỏi sự rõ ràng. Còn những vấn đề khác như đồ ăn, thức uống hay về phụ nữ, Francesco Tiepolo có chiều hướng thích thưởng thức quá độ. Gabriel nhoài người về phía trước và thì thầm cho Tiepola tin mới nhận được – kẻ thù đã phát hiện ra anh đang ở Venice, và anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải rời khỏi thành phố ngay lập tức, vì vậy anh không thể hoàn thành bức họa Bellini. Tiepolo mỉm cười một cách buồn bã và nhắm mắt lại.
“Không còn cách nào khác sao?”
Gabriel gật đầu. “Chúng biết nơi tôi sống. Cả nơi làm việc nữa”.
“Còn Chiara thì sao?”
Gabriel trả lời câu hỏi này một cách thật tình. Tiepolo, theo tiếng Ý có nghĩa là một người đáng tin cậy.
“Tôi xin lỗi về bức họa Bellini”, Gabriel nói. “Lẽ ra tôi nên hoàn tất nó một tháng trước”. Có lẽ anh đã làm xong nếu không có vụ Radek.
“Mặc xác bức Bellini đó đi. Tôi chỉ lo cho anh”. Tiepolo nhìn chằm chằm vào ly rượu. “Tôi sẽ nhớ đến Mario Delvecchio, nhưng sẽ nhớ Gabriel Allon nhiều hơn”.
Gabriel nâng ly lên hướng về Tiepolo. “Tôi biết mình không có tư cách để xin ông một đặc ân…”. Giọng anh nhỏ dần.
Tiepolo nhìn bức ảnh Đức Thánh Cha và nói. “Anh đã cứu sống bạn tôi. Thế anh muốn điều gì?”
“Hãy giúp tôi hoàn tất bức Bellini”.
“Tôi ư?”
“Chúng ta đã cùng học một thầy, Fracesco à. Thầy Umberto Conti đã dạy ông rất nhiều mà”.
“Đúng thế, nhưng anh có biết đã bao lâu rồi tôi không cầm cọ để vẽ không?”
“Ông sẽ vẽ tốt mà. Tin tôi đi”.
“Đó thật sự là một đề nghị đầy tự tin từ một người đàn ông. Giống hệt như Mario Delvecchio vậy”.
“Mario đã chết, Fracesco à. Mario không bao giờ còn nữa”.
Gabriel quay về Canneregio trong bóng đêm. Anh đi băng qua một đoạn đường vòng ngắn để đến khu phố cổ của người Do Thái, có thể đây là lần cuối anh đến nơi này. Tại quảng trường, anh đứng nhìn hai gã trai mặc đồ đen với hàm ria lún phún đang hối hả băng qua vỉa hè lát đá đi đến trường. Anh nhìn đồng hồ. Một giờ đã trôi qua kể từ lúc anh để Shamron và Chiara ở lại nhà thờ. Anh quay lại và đi về ngôi nhà mà lát nữa đây sẽ không còn chút dấu vết nào của mình, và máy bay sẽ lại đưa anh trở về nhà lần nữa. Mỗi bước anh đi, trong đầu cứ vang vọng lên hai câu hỏi. Kẻ nào đã tìm thấy anh ở Venice? Và tại sao anh vẫn còn sống?