Vụ Bí Ẩn: Cầu Vồng Biến Mất

Chương 1: Vấn đề là ăn cắp cầu vồng



– Mình tự hỏi không hiểu chúng ta có thể ăn cắp nổi Cầu Vồng không – Hannibal Jones nói.

Peter Crentch xém làm rơi mỏ hàn. Còn Bob Andy thì bỏ rơi vài ký tự in đang cầm trong tay.

– Cậu làm ơn nói lại, được không?

– Mình đang tự hỏi xem chúng ta có thể lấy cắp Cầu Vồng nổi hay không – Hannibal bình tĩnh đáp.

– Điều thứ nhất: bọn mình không phải là ăn trộm. Peter nhận xét.

– Nhưng giả sử có thì sao?

– Nếu bọn mình là trộm, thì ít nhất phải dùng đến chiếc thang Babel hay tháp Jacob, mới làm nổi!

Hannibal cảm thấy không cần thiết phải chỉnh[1] và kiên nhẫn giải thích:

– Mình nói về những món nữ trang hiện đang trưng bày ở viện bảo tàng Peterson, có tên gọi là bộ sưu tập Cầu Vồng.

Từ nhiều ngày nay, ba thám tử không có gì để điều tra hết. Cho nên Peter và Bob dành thời gian rảnh rỗi để sửa chữa vặt, trong khi Hannibal ngồi suy gẫm.

– Viện bảo tàng Peterson hả? Là gì vậy? Peter hỏi.

– Đó là ngôi nhà cũ của ông Hiram Peterson, vua dầu lửa, Bob trả lời. Ông Peterson đã hiến nhà này cho thành phố để làm viện bảo tàng cho công chúng.

– Tại đó, Hannibal nói tiếp, hiện đang có triển lãm đồ nữ trang phương Đông, do công ty Nagasami, ở Tokyo, tổ chức. Công ty Nagasami chuyên về ngọc trai và tổ chức triển lãm để quảng cáo. Nhưng, hai vật trưng bày chủ chốt không phải bằng ngọc trai. Đó là một vòng đeo cổ và một sợi dây nịt tạo thành bộ sưu tập Cầu Vồng. Cả hai làm bằng đá quý, kim cương, ngọc lục bảo, rubi, hoàng ngọc, thạch anh tím, được tập hợp lại chung và óng ánh đủ màu sắc Cầu Vồng, đúng như tên gọi. Chỉ riêng dây nịt cân nặng tám ký và trị giá hàng trăm ngàn đô-la. Nghe nói hồi xưa là của các hoàng đế Nhật Bản.

– Nữ trang loại này làm sao ăn cắp được – Peter nói. Chắc là được bảo vệ y như ngân hàng.

– Còn hơn ngân hàng nữa, Hannibal đáp. Có nhiều bảo vệ đứng thường trực trong phòng nữ trang. Một hệ thống truyền hình nội bộ cho phép theo dõi phòng trưng bày từ các văn phòng. Ban đêm có những tia cathod đâm xuyên qua phòng viện bảo tàng: những tia mà mắt thường không nhìn thấy được nhưng nếu có ai đi qua trường tia, sẽ làm khởi động chuông báo động. Trong thủy tinh tấm kính bảo vệ nữ trang có dây điện: chi cần đập vỡ kính là chuông báo động kêu lên ngay. Ngoài ra, viện bảo tàng có trang bị máy phát điện, cho nên cả nếu như bị cúp điện do bão hoặc do phá hại, thì hệ thống vẫn làm việc được.

– Đúng như mình đã nói: không thể nào lấy cắp nữ trang được – Peter tuyên bố.

– Không có gì là bất khả hết: chỉ khác là khó hơn những chuyện khác mà thôi.

– Chuyện đó liên quan gì đến bọn mình? Bob hỏi. Mình tưởng nhiệm vụ bọn mình là phải làm rõ các vụ bí ẩn, chứ đâu phải tạo ra chúng.

– Thì cũng phải tự tìm ra việc, nếu không có gì làm – Hannibal đáp. Mình hy vọng bác Alfred Hitchcock sẽ tìm ra một vụ nào đó, nhưng rất tiếc là không thấy gì. Khi bị thất nghiệp cưỡng bức, một thám tử thực thụ phải lợi dụng để rèn luyện khả năng suy luận của mình. Nếu chúng ta nghĩ ra được cách để lấy cắp nữ trang, thì chúng ta sẽ không sử dụng, mà chúng ta sẽ dùng sau này để giải một vụ trộm nan giải. Chỉ cần tự đặt mình vào địa vị tên trộm.

– Mất thời gian vô ích! Peter quyết định. Bọn mình nên rèn luyện kỹ năng bơi lặn… Như thế vui hơn.

– Đồng ý, Bob nói. Ba có hứa dẫn mình đi câu tôm hùm khi nào bọn mình biết lặn đàng hoàng.

– Hai chống lại một! Peter nhận xét. Babal ơi, cậu bị thua bởi tuyệt đại đa số.

– Mình có đọc trong báo – Hannibal thản nhiên nói tiếp, rằng hôm nay trẻ em và thanh niên dưới mười tám tuổi có thể vào viện bảo tàng mà chỉ trả nửa giá vé. Các hướng đạo sẽ được vào miễn phí.

– Bọn mình đâu phải là hướng đạo, nên chuyện này không nên liên quan gì đến bọn mình – Peter bắt bẻ.

– Chúng ta đã làm việc cho chó Titus suốt cả tuần lễ nên chúng ta có một số tiền ứng trước, Hannibal trả lời. Được xem Cầu Vồng với nửa giá tiền, đây là một cơ hội không nên bỏ lỡ.

– Peter ơi! Bob kêu lên, mình có cảm giác hai ta đã bị thua bởi tuyệt đại thiểu số!

– Mình không lạ gì, Peter thừa nhận. Nhưng nghe đây, mình có sáng kiến để lấy cắp nữ trang. Nữ trang là gì? Là đá, đúng không? Đúng. Mà thường người ta làm gì với đá?

– Người ta dùng búa to để đập nát – Hannibal trả lời.

– Người ta dùng để lót đường, Bob nói thêm.

– Và người ta cũng ném chúng bằng cái ná! Peter nói. Cho nên, mình nghĩ ra kế hoạch như sau: một thằng đập vỡ kính, lấy ná ra khỏi túi rồi ném châu báu qua cửa sổ. Mấy thằng đồng lõa chụp hứng, cho vào giỏ, rồi chuồn đi.

– Tuyệt hay! Bob kêu.

Hannibal làm bộ mặt đăm chiêu, rồi nói:

– Tuy nhiên, mưu kế xuất sắc này có hai khuyết điểm, Hannibal nhận xét. Thứ nhất, chắc chắn tác giả vụ trộm sẽ bị bảo vệ bắt giữ sau khi thực hiện vụ bắn ná. Thứ hai, là không thể thực hiện kế hoạch này cho viện bảo tàng Peterson bởi vì…

– Bởi vì sao?

– Bởi vì viện bảo tàng Peterson không có cửa sổ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.