Hai ngày sau, Emily Trefusis rời làng Sittaford để đến văn phòng thanh tra Narracott. Viên thanh tra rất cảm phục nghị lực, lòng quyết tâm, và những kết quả đạt được của cô gái hiếm có này, dám vượt qua mọi trở ngại để đạt được mục tiêu cô tự đề ra.
Xưa nay bao giờ thanh tra Narracott cũng cảm phục những tính cách dám đấu tranh, và trong đáy lòng, ông cảm thấy cô gái này có phẩm chất cao hơn hẳn người yêu của cô, anh chàng nhu nhược James Pearson, cho dù cuối cùng sự vô tội của anh ta được chứng minh.
Viên thanh tra nói:
– Trong các tiểu thuyết hình sự, người đọc luôn cảm thấy cảnh sát bao giờ cũng mong muốn tìm ra một kẻ để kết án y. Nhưng sự thật hoàn toàn khác, cô Emily ạ. Chúng tôi chỉ muốn tìm ra thủ phạm đích thực.
– Có nghĩa ông thật sự tin rằng James có tội, thưa ông Narracott?
– Tôi chưa thể trả lời dứt khoát câu cô hỏi, thưa tiểu thư Emily Trefusis. Nhưng tôi có thể khẳng định với cô rằng, chúng tôi tìm chứng cứ phạm tội không phải chỉ của James, mà của cả những người khác nữa.
– Ông định nói đến em trai anh ấy, Brian Pearson chăng?
– Chỉ một phần… Brian không chịu trả lời những câu tôi hỏi… đúng thế, nhưng tôi cảm thấy anh ta không chịu trả lời vì nguyên nhân khác chứ không phải vì anh ta là hung thủ.
Viên thanh tra cười, nói tiếp:
– Chỉ sau đây nửa giờ đồng hồ, tôi sẽ khẳng định có nên nghi anh ta hay không. Ngoài anh ta ra, còn ông anh rể anh ta nữa.
– Nhà văn Martin Dering?
– Đúng thế.
– Ông thanh tra đã gặp ông ấy?
Thanh tra Narracott quan sát nét mặt lo lắng của cô gái trẻ. Gạt ra ngoài công việc nghề nghiệp, ông kể cô gái nghe cuộc gặp gỡ với nhà văn Dering. Rồi mở cặp hồ sơ để bên cạnh, thanh tra Narracott lấy ra bản sao bức điện gửi cho ông Rosenkraun, chủ một nhà xuất bản tại Hoa Kỳ.
– Đây là bức điện tôi gửi cho ông ta và đây là bức điện trả lời.
Emily đọc thấy trong bức điện trả lời:
Narrucott, 2, Đại lộ Drysdale, Exter.
Tôi xác nhận lời khai của Dering. Ông ta ngồi với tôi suốt buổi chiều thứ sáu.
ROSENKRAUN
– Quái quỷ! – Emily thốt lên, không dám dùng một từ nặng hơn, sợ bất lịch sự trước một quan chức nhà nước.
– Đúng thế – viên thanh tra nói, dáng suy nghĩ. Nhưng rồi ông ta cười rất tươi, nói tiếp:
– Cô nên biết tôi là người đa nghi, không dễ dàng tin ai. Mặc dù lời khai của ông Dering đã được xác nhận, nhưng tôi vẫn thấy cần thử thêm một lần nữa theo cách riêng của tôi. Thế là tôi đánh thêm bức điện thứ hai.
Viên thanh tra đưa Emily xem hai tờ giấy.
Trên một tờ có dòng chữ sau đây:
Nhóm điều tra vụ án mạng đại úy Trevelyan. Đề nghị ông xác nhận bằng chứng ngoại phạm của Martin Dering buổi chiều thứ sáu.
THANH TRA CẢNH SÁT NARRACOTT
Bức điện trả lời chứng tỏ nỗi lo lắng và sự không cần tiếc tiền của người gửi:
Hôm trước tôi không biết đây là một vụ điều tra hình sự. Hôm thứ sáu tôi không hề gặp Martin Dering. Điều tôi xác nhận trong bức điện trước chỉ là hành động theo tình bạn, nhằm tránh cho bạn khỏi bị vợ anh ta đòi ly hôn.
Emily reo lên, thán phục:
– Ông quả là khôn ngoan!
Thanh tra Narracott khiêm tốn nói, đây chỉ là một chiến thuật khi cần áp dụng.
Emily nói tiếp:
– Ra các ông chồng chuyên liên minh lại để bảo vệ nhau. Tội nghiệp chị Sylvia! Giới đàn ông quả là tồi tệ!
Rồi cô nói thêm:
– May mắn thay cho cô gái nào gặp được một nam giới mà cô ta có thể tin tưởng.
Một lần nữa Emily thán phục nhìn viên thanh tra cảnh sát.
Thanh tra Narracott nói:
– Điều tôi lộ ra với cô vừa rồi, thưa cô Emily Trefusis, chỉ hoàn toàn giữa chúng ta. Tôi đã nói với cô một điều lẽ ra không được quyền nói.
– Tôi rất hiểu, và rất biết ơn lòng tin cậy của ông, thưa ông thanh tra. Và tôi rất hiểu là câu chuyện chỉ giữa hai chúng ta biết với nhau.
– Cô không được lộ với bất cứ ai!
– Tôi hiểu. Kể cả với Enderby tôi cũng sẽ không nói.
– Đúng thế, bởi bản chất nhà báo của anh ta, cô không thể cấm anh ta đem kể chuyện kia ra với người khác, thưa cô Emily!
– Vâng, đúng thế. Cả với anh ta tôi cũng không kể câu chuyện ông đã tin tôi mà cho tôi biết.
– Và nói chung, không bao giờ được kể ra những thông tin mình thu lượm được. Đó là phương châm của tôi.
Trong mắt Emily ánh lên một vẻ ranh mãnh. Cô thầm nghĩ, viên thanh tra này đã vi phạm phương châm của bản thân ông ta trong nửa giờ vừa qua. Đột nhiên cô chợt nhớ ra một điều, và cô đưa ra cho viên thanh tra một trong những câu hỏi bất ngờ nhất:
– Ông Duke là ai, là người thế nào?
– Ông Duke?
– Vâng, đúng thế. Hẳn ông còn nhớ, tôi đã thấy ông trong nhà ông Duke ra, hôm ở Sittaford.
– Có có, tôi nhớ! Nói thật, thưa cô Emily Trefusis, hôm đó tôi muốn nghe một cách lý giải hoàn toàn khách quan về vụ chơi trò “bàn ma” ở lâu đài Sittaford. Về chuyện đó, cách thiếu tá Burnaby lý giải tôi thấy không thật, và không khách quan.
– Tôi tưởng nếu vậy, ông thanh tra nên gặp cụ Rycroft thì hơn. Tại sao ông lại hỏi ông Duke?
Sau một lúc im lặng, thanh tra Narracott đáp:
– Chỉ là ý thích của mỗi người.
– Tôi đang băn khoăn, liệu cảnh sát đã biết lai lịch ông Duke ấy chưa?
Viên thanh tra không trả lời, ông ta chỉ cúi xuống nhìn bàn thấm. Emily vẫn tiếp tục hỏi:
– Liệu ông Duke, con người không bị ai chê trách bao giờ, trước kia có một quá khứ thật sự mẫu mực không? Hẳn cơ quan cảnh sát đã biết đầy đủ về ông ấy chứ?
Thanh tra Narracott cố giấu một nụ cười:
– Có vẻ cô là người thích giải những bài toán hóc búa đấy nhỉ?
– Khi không được người khác giải trình đầy đủ thì tôi dành phải phỏng đoán lấy vậy – Emily đáp.
– Vậy tôi xin trả lới câu cô hỏi như thế này. Có, cảnh sát biết rất đầy đủ về ông ấy. Đó là một con người suốt đời sống lương thiện, thậm chí mẫu mực. Nhưng vì ông ta không muốn ai biết quá khứ của ông ấy, nên cảnh sát cũng giữ bí mật cho ông ấy.
– Tôi hiểu. Tuy nhiên, ông thanh tra đã đến nhà ông ấy, có nghĩa ông thanh tra xếp ông ấy vào diện nghi vấn. Cho nên tôi rất muốn biết ông ấy là ai, và là người thế nào?
Viên thanh tra vẫn không bị lay chuyển. Biết có nài nỉ thêm cũng vô ích, Emily thở dài, xin cáo từ.
° ° °
Khi cô khách đi khỏi, thanh tra Narracott mỉm cười một mình. Ông ngồi im lặng một lát rồi ấn chuông gọi. Một cấp dưới của ông bước vào.
– Thế nào? – Viên thanh tra hỏi.
– Vậy là thông tin kia chính xác, thưa sếp! Thế là ở khách sạn Hai Cây Cầu. chứ không phải khách sạn Duché ở Princetown.
Thanh tra Narracott đỡ tờ giấy cấp dưới đưa.
– Ra điều chúng ta nghi ngờ là đúng. Cậu đã lên được bảng sử dụng thời gian của đối tượng kia trong ngày thứ sáu chưa?
– Chắc chắn ông ta đáp chuyến tàu cuối cùng trong ngày đến thị trấn Exhampton, nhưng tôi chưa nắm được ông ta rời khỏi London vào giờ nào. Hiện chúng tôi đang tiến hành điều tra tiếp.
Thanh tra Narracott gật đầu tán thành.
– Thưa sếp, đây công văn trả lời của Bộ Nội vụ.
Viên thanh tra mở ra xem. Đó là bản trích lục các cuộc hôn nhân trong năm 1894, trong đó có cuộc kết hôn của ông William Martin Dering với bà Martha Elisabeth Rycroft.
– Chà… không có thông tin nào nữa hay sao?
– Có, thưa thanh tra. Biran Pearson rời Australia trên tàu biển Phidias của Công ty Hàng hải Blue Funnel. Con tàu này dừng lại tại Mũi biển, thuộc Nam Phi, nhưng trong danh sách những hành khách xuống tàu ở đó, không có ai mang họ Willett. Còn trong danh sách các khách đi chuyến tàu đó nói chung, chỉ có hai cặp mẹ con: một mang họ Evans, một mang họ Johnson. Hai cặp mẹ con này xuống tàu từ Australia. Tôi đã kiểm tra nhận dạng hai mẹ con phu nhân Willett.
Viên thanh tra suy nghĩ:
– Chà… Có nghĩa tên thật của phu nhân Willett là Johnson. Còn gì nữa không?
– Thưa sếp, hết ạ.
Thanh tra Narracott trầm ngâm nói:
– Vậy là đã rõ.