“Kiyoshi này, vừa rồi
anh không được khỏe cho lắm… Anh đã suy nghĩ quá nhiều… Anh sẽ tự làm
mình phát rồ mất… Sao anh không ngồi xuống và thư giãn đi?”
“Tôi không thèm quan tâm đâu!” Kiyoshi hét ầm lên, chẳng buồn nghe nói. “Tất cả chúng ta đều đang nhọc nhằn xoay xở, đi theo hướng sai lầm. Tất cả
nỗ lực của chúng ta đều vô dụng, Kazumi ạ. Người ta chẳng đi đến đâu
hết! Hỉ, nộ, ái, ố của chúng ta – tất cả đến rồi đi như một cơn bão, một trận cuồng phong hay một mùa anh đào mà thôi. Tất cả chúng ta đều bị
thúc đẩy bởi những cảm xúc của chính mình và bị cuốn đi tới cùng một
chỗ. Không ai trong chúng ta có thể cưỡng được nó. Anh nghĩ xem có cái
gì là lý tưởng không? Làm gì có! Chỉ tương đối thôi! Rồi chúng ta cũng
hiểu ra rằng mọi nỗ lực của chúng ta là vô ích.”
Kiyoshi đổ vật người xuống trường kỷ.
“Đúng, tôi hiểu ý anh là gì…”
Kiyoshi nhìn xoáy vào tôi. “Anh biết thật ư? Làm sao anh biết được?” Cậu nói.
Sau đó, có vẻ hối hận, cậu lại nói thêm, “Rất xin lỗi, không phải tại
anh. Bỏ qua cho tôi. Anh không nghĩ tôi là một thằng điên, đúng không?
Cảm ơn anh. Có lẽ anh là một trong những người nghĩ rằng mình rất tầm
thường, nhưng anh tốt hơn hẳn những người khác. Được rồi, chúng ta trở
lại với sơ đồ nào. Có tìm thấy bất cứ thứ gì ở chỗ anh đã nhắc đến lúc
trước không?”
“Cái gì cơ? Chỗ nào nhỉ?”
“Nào! Tôi đang nói về ‘trung tâm 13’ Đông Bắc thị trấn Toka. Các thám tử nghiệp dư đổ dồn về đó như ong, tôi dám cá như vậy.”
“Phải rồi, tôi cho rằng đến lúc này thì thị trấn nhỏ bé ấy hẳn đã trở thành một điểm du lịch.”
“Có khi người ta còn bán bánh quy có hình Azoth cũng nên.”
“Chắc chắn rồi.”
“Thế họ có tìm thấy gì ở đó không?”
“Không.”
“Không có gì à? Hoàn toàn không có gì?”
“Chẳng có gì cả.”
“Tức là cho dù Heikichi chỉ để lại mấy con số bí ẩn – 4, 6 và 3 – nhưng hung thủ lại biết chính xác địa điểm mà những con số ấy gợi ý. Tôi băn khoăn không rõ hai người đó có phải là một hay không.”
“Chính xác! Đó là những gì tôi đang nghĩ!”
“Có thể hung thủ đã phải thay đổi kế hoạch của hắn vì một lý do nào đó,
hoặc đã tìm được một chỗ tốt hơn… hoặc chôn Azoth rất sâu. Đã có ai đào
bới khu vực đó chưa?”
“Chắc chắn là người ta làm rồi. Họ đào khắp nơi. Trông như bị ném bom không khác gì Iwo Jima.”
“Như Iwo Jima à? Heikichi có đề cập đến cái tên này ở đâu đó… Nhưng lại
chẳng tìm thấy gì ư? Thế còn đặc điểm địa lý khu vực thì sao? Còn chỗ
nào người ta chưa động tới không?”
“Tôi nghĩ là không. Vùng đất tương đối bằng phẳng. Người ta đã đào bới khu vực đó suốt bốn mươi năm rồi.”
“Hừm. Có lẽ Azoth chưa bao giờ được tạo ra.”
“Biết đâu quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn hắn dự tính, tức là hắn phải
dựa vào phương pháp nhồi bông. Liệu hắn có biết gì về chuyện đó không
nhỉ?”
“Có thể hắn cũng đã nghiên cứu rồi.”
“Anh nghĩ vậy à?”
“Heikichi không đề cập đến điều đó trong ghi chép của mình, nhưng ý tưởng ấy
không hề phi lý. Nếu hung thủ phải ghép các phần cơ thể khác nhau thì
các phần ấy sẽ bắt đầu thối rữa chỉ trong một ngày. Sẽ thỏa đáng hơn nếu hắn đem lại cho Azoth một cuộc sống mới. Tôi nghĩ hắn phải làm gì đó để duy trì nó, thậm chí chưa hẳn là hoàn hảo.”
“Heikichi tin rằng Azoth sẽ tồn tại mãi mãi, như Đệ tam Đế chế của Hitler.”
“Ông ta không nghiêm túc đến vậy,” tôi đáp. “Chậc, ông ta chỉ có thể thôi. Đó là một kẻ điên.”
“Đúng như vậy… Tôi có một ý khác, Kazumi ạ.”
“Gì vậy?”
“Toàn bộ câu chuyện của Heikichi là một sự hư cấu tuyệt vời.”
“Không. Tôi không nghĩ vậy. Nghe không khả thi.”
“Thật ư? Tại sao anh lại nghĩ vậy?”
“Bởi vì chắc chắn phải có gì đó liên quan đến kinh tuyến 138o48’ Đông.”
“Ý anh là sao?” Kiyoshi hỏi.
“Chậc,” tôi đáp lại, “nói thế này có vẻ hơi ngoài lề, nhưng Heikichi không phải là người duy nhất có ý tưởng này trong đầu. Nhà văn bí ẩn Seicho
Matsumoto cũng từng viết về nó trong cuốn Kinh tuyến 139 độ Đông. Chắc
anh không hay đọc tiểu thuyết bí ẩn như tôi. Anh đã nghe nói đến chưa?”
“Chưa.”
“Chà, dường như nó hỗ
trợ cho quan điểm lịch sử của Heikichi. Anh nghe nhé, ở Nhật thời xưa có hai kỹ thuật dự đoán số mệnh – kiboku và rokuboku. Giới đồng cốt dùng
mũi xiên nhọn đâm vào những chỗ lõm trên xương bả vai của hươu, sau đó
hơ trên lửa để những chỗ lõm đó rạn nứt ra. Họ đọc những vết rạn để tiên đoán về công việc săn bắn và mùa màng mỗi năm; cách đó gọi là rokuboku. Về sau, họ dùng mai rùa thay cho xương hươu, bởi vì rùa dễ bắt hơn, và
phương pháp này gọi là kiboku.”
“Nào, chỉ có hai nơi ứng dụng
kiboku. Một là đền Yahiko, gần biển Nhật Bản. Nơi còn lại là đền
Shirahama trên bán đảo Izu, gần Thái Bình Dương, thẳng về hướng nam của
Yahiko. Giữa hai ngôi đền này là ba ngôi đền khác: Đền Nukisaki ở tỉnh
Gumma, đền Mitake và Akiru đều ở Tokyo. Năm ngôi đền này tọa lạc trên
một trục bắc nam ở kinh tuyến 139o Đông, đây là những nơi duy nhất thực
hiện kikobu và rokuboku.”
“Oa!”
“Và đã có người phát
hiện ra các chi tiết rất thú vị này, trong tiếng Nhật Bản xưa, khi anh
phát âm các số 1, 3 và 9, âm phát ra là hi, mi và kokonotsu, viết tắt là ko. Ghép lại với nhau, anh có ‘Himiko’, nữ hoàng huyền thoại của Nhật
Bản!”
“Rất tuyệt vời. Nhưng đó thuần túy là một sự trùng hợp,
phải không? Khái niệm kinh độ và vĩ độ dựa vào khoa học hiện đại, với
điểm gốc nằm ở Greenwich tại Anh. Mặt khác, nữ hoàng Himiko giả định kia đã 2.000 năm tuổi. Có thể chẳng hề có mối liên hệ nào giữa hai bên.”
“Matsumoto không bàn luận chi tiết đó. Nhưng căn cứ vào thực tế rằng Himiko là một thầy phù thủy thì tôi dám nghĩ điều này hoàn toàn có khả năng. Tôi nghĩ bà ấy hẳn phải áp dụng cả kiboku và rokuboku suốt thời Đế chế Yamatai.”
“Ý anh là Đế chế Yamatai nằm trên kinh tuyến 139o Đông ư?”
“Không, nhưng theo truyền thuyết thì triều đại hậu Yamatai đã rời, hoặc bị buộc phải rời tới khu vực đó. Theo cuốn sách sử Trung Hoa viết vào giữa thế
kỷ thứ 3, gia tộc Yamatai sống ở Kyushu. Không có chi tiết gì nói về gia tộc Yamatai trong bất kỳ tài liệu nào của Nhật Bản, chỉ nói về Đế chế
Yamatai được hình thành vào thế kỷ 8 thôi. Không ai biết chuyện gì đã
xảy ra với Yamatai. Có người nói nó bị tiêu diệt bởi thế lực đối kháng
là Kuna hoặc bởi một bộ tộc từ Hoa lục đến. Heikichi là người theo quan
điểm sau. Các nhà sử học nghĩ rằng Đế chế Yamatai bị hủy diệt hoặc sát
nhập với chính quyền trung ương.”
“Theo tiểu thuyết của
Matsumoto, chính quyền ép nhóm dân Yamatai, kể cả hậu duệ của nữ hoàng
Himiko, phải di chuyển sang phía đông. Chính sách này ít nhiều được phản ánh ở thời kỳ Nara, khi chính quyền quyết định rằng Kanto ở đông Nhật
Bản – bao gồm Kazusa, Kozuke, Musashi và Kai – là nơi bố trí dân tị nạn
Triều Tiên. Matsumoto nghĩ rằng gia tộc Yamatai có thể là trường hợp đầu tiên bị cưỡng bức di trú trong lịch sử Nhật Bản. Thú vị đấy chứ, phải
không?”
“Hừm.”
“Chúng ta hãy quay trở lại với bí ẩn về
kinh tuyến 139o Đông, điều rõ ràng cũng thu hút trí tưởng tượng của
Matsumoto. Như tôi đã nói, có năm ngôi đền dọc theo đường chạy dọc từ
Yahoko đến Shirahama, và rất gần kinh tuyến 138o48’ Đông mà Heikichi đã
nhắc đến trong ghi chép của mình. Đường này có vẻ là trung tuyến giữa
kinh tuyến 124o Đông – nơi có quần đảo Sakishima của Okinawa – và kinh
tuyến 154o Đông, nơi có đảo Shiashkotan – liền kề với Kharimkotan – được ông ấy xem là điểm cực đông của Nhật Bản. Chúng ta không biết liệu các
nhà tiên tri ngày xưa có cố tình chọn trung tâm của đất nước làm nơi
thực hiện những lời tiên tri của mình không, nhưng cho đến giờ ý tưởng
của Heikichi không hoàn toàn vô lý.”
“Không, rõ ràng là không hề.”
“Còn cuốn tiểu thuyết Chiều khóa vàng của Akimitsu Takagi nữa.”
“Cũng nói về chính kinh tuyến này à?”
“Chà, hơi phức tạp một chút. Tiểu thuyết tập trung vào quá trình suy tàn của
Thời đại Edo[1]. Hai đại thần chịu trách nhiệm chính về sự suy tàn này
là Katsu Kaishu và Oguri Kozukenosuke. Katsu là người thận trọng thuộc
phe chủ hòa, còn Oguri thuộc phe chủ chiến sẵn sàng tấn công các lực
lượng liên minh của Satsuma và Choshu bất kể quân đội Edo bấy giờ đã rất suy yếu. Sự thận trọng của Katsu thắng thế, nhưng sau này một vị tướng
của Satsuma là Saigo Takamori khi biết được chiến lược của Oguri đã rất
khiếp hãi. Chiến lược của Oguri như thế này: Edo sẽ rút quân lui về
Hakone và Odawara, để dụ các lực lượng liên minh tiến về phía đông ở bờ
biển Tokaido. Tại Hakone, quân Edo đã bố trí sẵn nhiều chiến thuyền hiện đại gần bờ biển. Edo sẽ phản công và đẩy kẻ địch lui về Okitsu, một thị trấn nằm trên một rẻo đất hẹp giữa một gờ núi và biển. Lực lượng liên
minh sẽ không còn chỗ ẩn nấp khi các tàu chiến của quân Edo tấn công.
[1] Thời đại Edo là một giai đoạn trong lịch sử Nhật Bản từ năm 1603 đến
năm 1868. Thời kỳ này đánh dấu bằng sự thống trị của Mạc phủ Tokugawa và các Shogun (tướng quân) có trung tâm hành chính ở Edo (Tokyo hiện nay). Thời kỳ này chấm dứt với Minh Trị Duy Tân, phục hồi quyền lực của Thiên Hoàng.
“Tướng quân Tokugawa Yoshinobu tỏ ra do dự, cho nên đề
xuất của Oguri không được thực hiện. Nếu kế hoạch đó được triển khai
tiến hành, biết đâu chính quyền Edo có thể đã bảo toàn được thể chế của
mình. Nhưng đây tôi không nói về bài học lịch sử. Xét từ góc độ địa lý,
các thị trấn Hakone và Okitsu cách kinh tuyến 138o48’ Đông một khoảng
cách như nhau về hai hướng đông và tây. Tương tự, làng Gonda, nơi Oguri
chào đời, nằm ngay kinh tuyến 138o48’ Đông. Sau này, Oguri bị liên minh
bảo hoàng bắt, chặt đầu và mai táng – tất cả đều tại kinh độ 138o48’
Đông. Tiểu thuyết cũng kể chuyện trước khi thất thủ Oguri đã kịp chôn
cất một lượng lớn của cải của chính quyền Mạc phủ trên núi Akagi, ở kinh độ 139o12’ Đông. Akimitsu nói rằng Oguri lựa chọn chắc chắn phải là đâu đó giữa Matsuida và Gonda. Nếu tác giả đúng thì nơi đó phải rất gần
kinh độ 138o48’ Đông.”
“Mọi sự trùng hợp chưa dừng ở đó, phải không?”
“Không, chưa hề. Akimitsu cũng mô tả việc Nhật Bản do lo ngại quân đội Mỹ sớm
sẽ đổ bộ nên đã lên kế hoạch di chuyển tổng hành dinh quân sự từ Tokyo
về Matsushiro, miền nam Nagano, vào giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ
hai. Matsushiro nổi tiếng với trận Kawanakajima[2], nơi hai phe tham
chiến do Takeda Shingen[3] và Uesugi Kenshin[4] chỉ huy đã đánh một trận đẫm máu. Nhờ sức mạnh quân sự cùng một chút may mắn, Takeda đã chiến
thắng. Chính phủ Nhật Bản vốn biết mình đang chiến đấu ở thế đường cùng
nhưng vẫn hy vọng sẽ có được may mắn như Takeda. Họ hy vọng quân Mỹ đổ
bộ lên bãi biển Kujukurihama và vịnh Sagami để chiếm khu vực Kanto
trước, sau đó đưa quân lên đất liền để tấn công tổng hành dinh của Nhật
tại Matsushiro. Giới quân sự Nhật hy vọng ngăn chặn việc này bằng cách
bố trí một vài đơn vị dọc đường Nakasendo, nằm giữa Annaka và đèo Usui,
nơi dự kiến sẽ diễn ra trận đánh ác liệt nhất. Mà thôi, mấu chốt tôi
đang cố gắng đi đến là thế này: Matsuida nằm giữa Annaka và đèo Usui dọc vĩ tuyến 138o48’ Đông.”
[2] Cuộc chiến Kawanakajima là loạt 5
trận đánh nổi tiếng vào các năm 1553, 1555, 1557, 1561 và 1564 (thời kì
Chiến Quốc của Nhật) tại bình nguyên Kawanakajima, phía Nam thành phố
Nagano, Nhật Bản ngày nay.
[3] Được mệnh danh là “Con hổ xứ
Kai”, là một lãnh chúa (daimyo) của vùng Kai và vùng Shinano trong thời
Chiến Quốc của Nhật Bản.
[4] Được mệnh danh là “Con rồng xứ Echingo”, lãnh chúa (daimyo) của vùng Kai và vùng Shinano trong thời Chiến Quốc của Nhật Bản.