Edit: Eimi.103
Beta: Mei + Eimi.103
Sau khi trở về nhà, do lệch múi giờ nên đến tận ba giờ sáng Tống Nhiễm vẫn chưa ngủ được.
Ngoài cửa là bóng đêm vô tận hòa cùng tiếng mưa rơi rì rào.
Cô ngồi bên khung cửa sổ, bật đèn bàn lên, sửa lại những trang nhật ký viết trong thời gian ở nước ngoài đồng thời dán thêm một vài bức tranh. Cô viết thêm ngày 3 tháng 6 vào nhật ký: Hôm ấy ngồi máy bay từ Già Mã đến Quảng Châu, sau đó đổi chặng bay về Lương Thành. Đến khi đáp xuống sân bay Thiên Hà, tất cả mọi người trên máy bay đều reo hò, mừng rỡ.
Cô ghi chép những việc đã qua theo trật tự ngược, lúc viết đến người đàn ông gọi là “azan” thì đột nhiên ngừng bút.
Ban đêm yên tĩnh, cô khẽ ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ.
Cửa sổ là cánh cửa gỗ kiểu xưa, thanh gỗ chia cửa sổ thành những ô vuông nhỏ đều đặn, được sơn vôi trắng xám và dùng đinh cố định mặt kính.
Lúc này, mưa đập vào ô cửa kính, lưu lại những vệt nước dài uốn lượn.
Cô muốn dùng vài lời để miêu tả lại vẻ ngoài của anh, nhưng cuối cùng chỉ đặt bút viết được một câu:
“Anh ấy có một đôi mắt đen nhánh.”
Cô đang cố gắng nhớ lại, muốn viết thêm chút gì đó về anh thì đột nhiên dưới lầu vang lên tiếng thủy tinh vỡ.
Cô vội đi xuống lầu xem. Thì ra sau khi về nhà cô có mở cửa sổ ra cho thoáng khí, đến đêm, mưa xối xả hắt vào nhà qua ô cửa không đóng, gió tạt vào làm rơi vỡ chiếc cốc trồng cỏ đồng tiền bên cửa sổ. Cô vội đóng cửa sổ lại, lấy một chiếc cốc khác rót nước, đặt cỏ vào rồi dọn dẹp đống lộn xộn trên sàn nhà.
Mấy tháng ở Đông Quốc quá khô khan, lúc trở lại Lương Thành thì gặp đúng mùa mưa, không khí ẩm ướt như ngâm trong nước vậy.
Bởi vì không khí ẩm nên sàn nhà, vách tường cũng như các đồ dùng trong nhà đều như có hơi nước.
Tống Nhiễm thầm nghĩ, chờ bao giờ mùa mưa qua đi sẽ gọi công ty sửa chữa đến lắp thêm một lớp chống ẩm.
Đây là ngôi nhà cổ đặc trưng ở Lương Thành, căn nhà nhỏ hai tầng được xây bằng gạch đỏ và xi măng, tường ngoài không trát sơn. Tường trong là màu trắng thuần, ở góc tường có trang trí chỉ lưng(*) cao một mét màu xanh lá cây, hai màu trắng xanh kết hợp tạo nên cảm giác vô cùng tươi mát, sạch sẽ. Căn nhà tọa bắc triều nam(**), cửa chính và cửa sổ đều lớn, trước sau rất thoáng khí. Sân sau có nhà bếp, trước sân trồng đủ loại hoa cỏ cây cối. Lầu hai có cầu thang ngoài trời và một ban công lớn chiếm đến một nửa không gian.
(*)Làm từ vữa, hay thạch cao, hay gỗ… gờ lên khỏi bề mặt tường hoặc âm vào vữa trát (chỉ âm) với chiều rộng trung bình: 1,5-3cm ở vị trí bất kỳ trên tường, trần nhà… để làm điểm nhấn, trang trí cho bức tường.
(**) Tức là lưng quay về Bắc, mặt tiền hướng về Nam, được coi là thế nhà đại cát đại lợi.
Đây là nhà của bà ngoại. Mấy tháng trước bà qua đời, Tống Nhiễm từ nhà cha chuyển đến đây.
Nhà cha ở trong khu nhà ngang(*), chỉ có hai phòng ngủ một phòng khách, vừa cũ vừa nhỏ. Cô và em gái cùng cha khác mẹ Tống Ương chen chúc nhau sống trong căn nhà như vậy suốt hai mấy năm.
(*)Kiến trúc nhà ngang (đồng tử lâu – 筒子楼) còn gọi là kiến trúc kiểu nhà lính, một hành lang dài nối liền với rất nhiều nhà đơn.
Gia cảnh Tống Nhiễm bình thường, một nhà bốn người đều sống nhờ tiền lương của cha cô. Đến sau này kinh tế gia đình dư dả hơn một chút thì mức sống ở Lương Thành lại phát triển quá nhanh, giá nhà cũng theo đó mà tăng lên, giá trung bình đã vượt quá ba mươi nghìn, gia đình bình thường khó mà mua nổi.
Lúc Tống Nhiễm bắt đầu ngủ thì mưa gió ngoài cửa sổ cũng trở nên dữ dội hơn, cứ tiếp tục như vậy thì những bông hoa ngoài sân sẽ bị chết mất.
Cô ngủ đến tận mười hai giờ trưa hôm sau mới dậy, ánh nắng rực rỡ chiếu ngoài cửa sổ, những chiếc lá quýt được rửa qua nước mưa, phủ xanh cả một góc sân. Vừa mở cửa sổ, mùi đất sau cơn mưa phả vào mặt; chẳng còn nhìn thấy giọt mưa nào đọng lại trên lá cây hay xà nhà nữa.
Ở con hẻm lát đá xanh ngoài bức tường có một vài người phụ nữ tan ca mang theo thức ăn đang tán gẫu đi qua, những đứa trẻ cũng vừa tan học, vừa đi vừa cắm cúi chơi điện thoại.
Tống Nhiễm tựa bên cửa sổ xem tin tức trong di dộng, lực lượng vũ trang chống chính phủ của Đông Quốc đã đánh chiếm 2/3 khu vực Cáp Lỗ, quân đội chính phủ phải rút lui về phía nam thành phố.
Mà từ hôm qua đến nay, đã có 24376 Hoa Kiều thành công về nước, các sĩ quan quân đội phụ trách nhiệm vụ di tản dân cư cũng sắp trở về rồi.
Cô nhìn từng hàng người mặc quân phục trong tấm ảnh tin tức, thất vọng thở dài một hơi.
Trong sách nói, gặp nhau giữa bảy tỷ người cũng là một loại duyên phận.
Không biết liệu anh và cô có còn mối duyên phận kỳ diệu nào để gặp lại không.
Cô chẳng còn tâm trạng nấu cơm trưa, đành ăn tạm một bát mì tôm lót dạ rồi vội đến Đài Truyền hình.
Tống Nhiễm sau khi tốt nghiệp đại học thì vào Bộ Thông tin Truyền hình Lương Thành làm phóng viên, tính tới đầu tháng chín năm nay là được tròn hai năm rồi.
Cô mới từ nước ngoài về, như bình thường thì được nghỉ ngơi đến mai. Nhưng bây giờ làthời điểm đặc biệt, chiến tranh Đông Quốc đang là điểm nóng.
Thời gian trước, số lượng phóng viên ở Đài Truyền hình Lương Thành đến công tác tại Đông Quốc cao nhất cả nước. Vì vậy, Đài Truyền hình luôn đưa tin đúng giờ, nội dung chi tiết, chính xác mà phong phú. Bây giờ, cả Đài Truyền hình và trên mạng đều đang phát sóng trực tiếp chương trình “Chiến sự tiền tuyến”. Dù là phát sóng vào giờ làm việc ban ngày nhưng vẫn nhận được tỷ suất người xem cao nhất cả nước.
Bên trong trường quay, MC, chuyên gia, khách mời, phóng viên hàng đầu, tất cả mọi người đều đang bận rộn sắp xếp công việc đâu vào đấy; hậu trường gồm đạo diễn, biên đạo, biên tập, chuyên viên phát triển nội dung bận rộn tới mức xoay như chong chóng.
Tống Nhiễm vừa đến nơi thì nhận được tin tổ kế hoạch cho chương trình cần phải thêm thông tin sơ lược của các thành phố ở Đông Quốc trước chiến tranh vào cuối chương trình, cô được phân công chuẩn bị tư liệu. Việc này cũng không khó, cô nhanh chóng cắt vài đoạn phim ngắn chừng hai mươi giây để đạo diễn lựa chọn.
Lúc cắt tài liệu, nhìn thấy trên màn hình máy tính lướt qua từng cảnh sắc và khuôn mặt, nỗi phiền muộn nhàn nhạt xuất hiện vào buổi sáng sớm đứng ở cửa sổ quan sát thành phố A Lặc lại choán hết tâm trí cô.
Trong máy tính của Tống Nhiễm chứa rất nhiều câu chuyện dần bị quên lãng, sẽ chẳng được ai biết đến.
Gần đến giờ tan ca, trưởng phòng Lưu Vũ Phi triệu tập mọi người họp. Tỷ suất người xem “Chiến sự tiền tuyến” tiếp tục tăng lên, cấp trên muốn thêm một chương trình nhỏ phía sau để thu hút người xem và quảng cáo.
Nếu không phải đang ở trong thời điểm đặc biệt thì có lẽ đám phóng viên mới như Tống Nhiễm sẽ không có cơ hội được phát biểu trong quá trình xây dựng kế hoạch chương trình. Cho nên tất cả mọi người đều rất xem trọng cơ hội này.
Đồng nghiệp Thẩm Bội đề nghị thêm một số dự đoán trong tương lai về cuộc chiến này, cô ấy vốn học ngành quan hệ quốc tế, đây đúng là điểm mạnh của cô. Cha Thẩm Bội còn là lãnh đạo Ban Tuyên truyền tỉnh nên cô ấy vừa phát biểu thì không ai lên tiếng phản đối.
Lưu Vũ Phi cảm thấy cũng được, nhưng vẫn thấy thiếu gì đó, liền hỏi: “Còn ai có đề nghị gì không?”
Tống Nhiễm suy nghĩ một lát, rồi nói: “Tôi nghĩ có thể nói thêm về cuộc sống của những người dân ở Đông Quốc trước khi xảy ra chiến tranh.”
Lưu Vũ Phi cảm thấy ý tưởng của cô rất thú vị, nhưng vẫn còn chút băn khoăn: “Chỉ sợ rằng tình hình ở đó quá khổ.”
“Không khổ, cũng không kích động. Chỉ như một đoạn phim phóng sự nhỏ mà thôi, ghi lại cảnh sinh hoạt hàng ngày của bọn họ, còn có những lúc nói cười vui vẻ nữa.”
Đồng nghiệp Tiểu Đông khen ngợi: “Nếu được như vậy thì còn gì bằng.”
Thẩm Bội cũng nói thêm: “Yêu cầu đối với tài liệu thực tế là rất cao, cần phải đi sâu vàophỏng vấn. Những báo cáo về cuộc sống sinh hoạt cũng đã được sử dụng trong chương trình phát sóng lần trước. Cần phải cân nhắc tới tính mới mẻ và thị hiếu của khán giả. Tài liệu thực tế cũng rất khó đạt tiêu chuẩn.”