Yêu Nhầm Chị Hai Được Nhầm Em Gái

Chương 407



Sự vụ diễn ra sau đó thì tôi chỉ bị ba cú đầu mấy cái chứ ông không trách phạt nặng nề gì vì thủy chung cũng là cả nhà đều lo cho Tiểu Mai. Buổi tối, cơm nước vừa xong xuôi là tôi lại mang thuốc lên phòng cho nàng uống rồi xuống dưới nhà chuẩn bị bài vở ngày mai. Mà thật tình thì đầu óc tôi vẫn cứ suy nghĩ miên man hết lo bên nọ lại xọ bên kia chứ chẳng tập trung được gì sất.

Và lúc này đây, cứu tinh của tôi xuất hiện.

– Anh, mở cửa cho em với! – Bé Trân dựng xe ngoài cổng nói vọng vào.

Như chỉ chờ có thế, tôi phóng vọt ra ngoài mở cửa cho con bé vào, vờ vịt trách:

– Chị bị bệnh mà cả chiều không thấy em đâu, giờ này mới vác xác tới ha!

– Hứ, chiều giờ em đi học thêm với bác em cũng đang bệnh nên ba mẹ qua thăm rồi bắt em ở nhà coi nhà chứ bộ. Vừa về là em chạy qua nhà anh liền nè! – Con bé nguýt dài.

Rồi Trân nhấc balô trong giỏ xe đeo lên vai, quay sang hỏi tôi:

– Chị sao rồi, anh?

– Mới uống thuốc xong, đang nằm nghỉ trong phòng! – Tôi đáp, thắc mắc thêm. – Em mang balo qua đây làm gì mà to thế, lại mua truyện à?

– Truyện gì mà truyện, quần áo của chị Mai đó! – Trân trả lời.

Tôi tròn mắt hỏi: – Ủa, hôm qua không phải đem hết rồi sao?

Nào ngờ con bé đá vào chân tôi, hừ mũi đáp:

– Anh ngốc, hôm qua vội quá em chỉ mang sơ đồ đạc của chị thôi, nãy phải qua nhà chị đem thêm nè!

– Thêm gì mà nhiều quá vậy? – Tôi nhìn chiếc balo trên vai Trân mà ngẩn tò te.

– Đồ đạc con gái, anh hỏi làm chi nhiều chuyện ha! – Con bé bực bội nói.

Lúc bình thường mà Trân thái độ lồi lõm thế là tôi đã cốc đầu một cái rồi, nhưng đang thời điểm đặc biệt thì mình phải đối xử đặc thù. Hiện giờ ngoài mẹ ra tôi chỉ còn trông cậy thêm vào mỗi mình Trân là sẽ cùng với mẹ bên tả thanh long, bên hữu bạch hổ hợp thành bộ đôi nuôi bệnh mạnh nhất tam giới. Tất cả vì sức khỏe của Tiểu Mai, một lần nữa nhắc lại với bạn đọc rằng có lên núi đao xuống chảo dầu tôi cũng không nề hà chi hết.

Vội nở nụ cười cầu tài, tôi đon đả:

– Thì thôi không hỏi nữa, em mang đồ lên phòng thăm chị đi!

– Ừa, anh đừng có xớ rớ ở ngoài nghe lén hay vô trong quậy quọ á nha, chỗ chị em con gái! – Trân phủi tay đuổi tôi như đuổi ruồi.

Cái con yêu nghiệt này thấy hổ không ra oai lại tưởng là mèo bệnh, tôi phải nín nhịn lắm mới nặn ra được một nụ cười hòa nhã nữa:

– Ừ, anh biết rồi, mời em lên lầu!

Mạ tộ, nhà tôi mà con bé làm như nhà mình, cấm tới cấm lui nghe bực bội dễ sợ. Nhưng thôi, đại cục làm trọng. Vả lại biết đâu Tiểu Mai cần dặn dò bé Trân những gì thì sao.

Nghĩ thế nên tôi lại ngồi vào bàn học mà… tiếp tục nghĩ ngợi linh tinh. Đến tầm hơn chín giờ đêm thì Trân mới xuống dưới chào mọi người để ra về, hại tôi một phen ôm bụng thắc mắc chẳng biết hai chị em nói gì mà lâu thế.

– Ủa nãy hai người làm gì mà lâu quá vậy? – Tôi tò mò.

– Chuyện con gái người ta, anh hỏi làm gì! – Trân quắc mắt.

– Thì… hỏi thôi mà, anh lo em nói lâu quá làm Mai mệt, người bệnh cần được ngủ nhiều mà! – Tôi viện lý lẽ.

– Dạ em biết rồi anh hai, em chỉ lên nói với chị vài câu rồi chị ngủ liền. Em còn ngồi xếp đồ ra tủ cho chị nữa, được chưa? – Con bé bực bội xổ một tràng vô mặt tôi như trả bài đầu giờ.

Đến đây thì tôi hết ham hỏi nữa, vội cười chào tiễn Trân ra về, lại còn chúc thượng lộ bình yên đêm tối an lành các kiểu.

– Mày vô ôn bài tiếp đi rồi ngủ! – Mẹ tôi đi lên nhắc.

– Dạ con biết rồi, ủa giờ mẹ cũng ngủ hả? – Tôi đóng cổng nhà, quay lại hỏi.

– Ừm, mệt cả ngày rồi, mai còn dậy sớm đợi bác Viêm qua tái khám cho bé Mai nữa! – Bà trả lời, tay che miệng ngáp uể oải.

– Dạ, vậy thôi mẹ ngủ đi, tí con học xong cũng ngủ luôn!

Thế là cả nhà hôm nay đều ngủ sớm, chỉ mới ngày thứ hai Tiểu Mai bị bệnh mà dường như cường độ tất bật lo toan đã ảnh hưởng đến nhịp sinh hoạt gia đình. Cũng phải, mẹ tôi gần như chăm sóc con dâu tương lai của bà trọn ngày. Còn ba tôi thì… chắc là đi nhậu về mệt thôi, chuyện người lớn không nên quản vậy.

Còn mỗi mình tôi ngồi bên dưới nhìn lên cái đồng hồ treo tường mà đếm thời gian. Canh độ ba chục phút trôi qua, tầm mười giờ khuya là tôi vội vã dọn sạp, đóng sách dẹp vở nhanh như gió. Đánh răng rửa mặt xong xuôi, tôi lò dò lên lầu, lần này rút kinh nghiệm nên có cẩn thận gõ cửa phòng đợi vài giây rồi mới rón rén bước vào.

Tiểu Mai nghe tiếng gõ cửa nên nàng cũng gượng dậy ngồi tựa vào thành giường, trông thấy tôi liền nở nụ cười đôi phần mừng vui nhiều phần mỏi mệt.

– Em sao rồi? – Tôi ngồi xuống cạnh nàng, thì thầm hỏi.

– Cũng đỡ, em mới uống thuốc xong! – Nàng đáp.

Tôi rướn người tới, đưa trán mình chạm vào trán Tiểu Mai mà nhận rõ sự nóng hâm hấp từ nàng truyền sang mình.

– Chà… vẫn còn nóng quá! – Tôi lo lắng nói.

– Dạ…, hi vọng ngủ dậy sẽ khỏe hơn. Anh cũng ngủ đi anh, mai sáng còn học sớm! – Nàng bảo tôi đi ngủ, nhưng bàn tay lại níu lấy áo tôi.

Tôi gượng cười trấn an nàng:

– Không sao đâu, anh ngồi với em chút nữa cũng được. Hồi đó hay thức khuya mà, giờ mới mười giờ chứ mấy!

Rồi tôi lại nhìn Tiểu Mai, chỉ mới bệnh hai ngày mà nàng tiều tụy hẳn đi, môi hồng ngày nào giờ nhợt nhạt trông thấy. Đôi gò má mỏi mệt mất đi vẻ kiêu hãnh ngày thường, làn tóc mai dính bệt lên trán, lên má vì mồ hôi cứ tỏa ra do sốt. Hơn hết là ánh mắt nàng, sự tinh anh ngày thường giờ bị thay thế bằng những ánh nhìn vô lực, bâng quơ.

– Anh hận anh quá…! – Tôi nắm lấy tay nàng, cắn môi nói.

– Sao vậy anh? – Tiểu Mai ái ngại hỏi.

– Anh hận mình không phải là Nobita để đi hỏi mượn Doraemon cái máy chuyển bệnh, có cái máy đó thì anh chuyển bệnh của em qua anh từ đời nào rồi!

Nàng khẽ đánh lên tay tôi:

– Ngốc, để anh bệnh thay em thì em cũng không chịu được đâu. Anh đừng nghĩ vậy, nha!

Tôi nâng tay nàng lên, tựa cằm vào:

– Thà vậy chứ nhìn em như vầy, chịu sao thấu…!

Tiểu Mai biết nếu cứ thế này thì tôi sẽ đâm ra tự trách bản thân đến thê thảm tột cùng mà khéo chừng sáng mai bỏ học luôn mất, nên nàng cố nói:

– Anh à, em bệnh mà được như này là tốt lắm rồi. Em ở nhà anh rất tốt, có ba mẹ anh chăm sóc nè, tối hôm qua mẹ anh còn sang chườm khăn mát cho em đó. Em biết ơn lắm. Rồi còn có Trân nè, rồi còn có…!

– Có gì nữa? – Tôi thấp thỏm.

Nàng phì cười, khe khẽ đáp:

– Còn có anh kể chuyện em nghe mỗi đêm nữa!

– Ủa, có hả? – Tôi ngạc nhiên.

– Có mà, tối qua anh kể em nghe chuyện hồi mình mới gặp nhau đó!

– À, à…!

Đúng là đêm qua trong lúc bối rối vì Tiểu Mai bất thần chợt khóc nên tôi mới túng quá hóa liều, vội kể bừa một chuyện gì đó hay ho cho nàng nghe nhằm đánh lạc hướng tập trung, tránh cho nàng suy nghĩ vẩn vơ nữa. Không ngờ Tiểu Mai lại để tâm việc này mà đêm nay nhắc lại.

Nàng lắc lắc tay tôi, thỏ thẻ nói:

– Anh, kể chuyện em nghe nữa đi!

– À… ái chà, ừ ừ, để anh xem nên kể chuyện gì đây ta!

Tôi nhất thời bối rối chả biết phải kể gì, nhưng cũng lấy làm mừng rỡ vì ít ra còn biết bản thân mình có thể đáp ứng được yêu cầu này của Tiểu Mai chứ không hẳn chỉ là thằng đầu đất sụt sùi bi quan bên người bệnh.

Rồi tôi bắt đầu câu chuyện thứ hai của ngày thứ hai nàng bị bệnh, bằng một giọng ấm ớ:

– Đại khái là như vầy, hồi nhỏ anh từng bị bắt cóc tới hai lần!

– Hai lần…? – Tiểu Mai ngạc nhiên.

– Ừa, lần đầu là lúc anh còn nhỏ xíu theo mẹ ra chợ chơi. Tự nhiên thấy có một bà già lang thang, rồi chẳng hiểu sao bả… bồng anh lên chạy đi mất. Cũng không nhớ lúc đó mẹ đang bận gì nữa, anh chỉ nhớ là lúc đó anh chả sợ gì, chỉ thấy tự dưng có người bồng mình chạy tốc độ nhanh, anh càng khoái!

– Rồi…?

– Có bà bán chả cá trong chợ la lên bắt cóc trẻ em, rồi người ta hô hào sao đó, anh nhớ mang máng là lúc đó có cắn bả mấy cái mà chắc là không xi nhê. Sau đó bả thả anh xuống, chạy đi mất. Lúc này thì mẹ anh mới tới!

– …!

– Lần hai là lúc mẹ dẫn anh với ông Phúc đi chơi công viên, lần này cũng không hẳn là bị bắt cóc mà là… anh tự chạy đi chơi rông. Mẹ sau này kể lại là quýnh quáng cả lên vì không biết anh đi đâu, sợ bị bắt cóc lần nữa. Tí xong thì cả nhà tìm được anh đang đứng chơi thả đạn tỏi với mấy đứa con nít. Rồi, từ đó anh hết bị bắt cóc!

– …!

– Rồi sau đó mẹ lôi anh về nhà, ông Phúc vừa đi theo vừa cười sằng sặc… ủa?

Tiểu Mai đã ngủ mất tự lúc nào, có lẽ tôi “kể chuyện em nghe” hay quá hay sao mà nàng lúc này đã nhắm nghiền mắt rồi chìm vào say giấc. Thế nên tôi cũng sè sẹ thả tay nàng ra, nhẹ nhàng đóng cửa phòng lại.

Đêm hôm đó, tôi vẫn cứ trằn trọc không sao ngủ được, mãi đến gần sáng mới thiếp đi được một ít. Nhưng sáng hôm sau tới lớp, lần đầu tiên tôi phải nốc café cho đầu óc tỉnh táo để còn căng mắt ra nghe giảng và chép bài. Tuy nhiên tôi chỉ chép được cho Tiểu Mai, và dự tính để về nhà mới chép lại cho mình.

Người tính không bằng trời tính, cả mấy ngày sau đó tôi tuyệt nhiên… không chép nổi vô vở mình lấy một chữ vì bài vở năm 12 thì nhiều mà sức người có hạn, chỉ chép mỗi tập vở Tiểu Mai là tôi đã phờ người rồi nên đành tự hứa với lòng là phần mình thì để sau vậy.

Và từ khi chương trình kể chuyện em nghe hằng đêm diễn ra thì bước sang ngày kế tiếp, tôi mặc nhiên lãnh nhận nhiệm vụ mỗi tối kể chuyện cho Tiểu Mai nghe đến khi nàng khỏi hẳn. Lịch trình cả ngày đại khái có thể liệt kê thành sáng đi học, trưa ào về ăn cơm rồi lên phòng thăm nàng, chiều ôn bài (tuyệt đối không đi chơi net với Khang mập hay đá banh với hội bàn tròn), tối ăn cơm xong thì đợi Trân qua thăm Tiểu Mai, khuya bắt đầu kể chuyện mãi đến khi nàng say ngủ thì tôi mới gọi là xong một ngày.

Tiểu Mai bệnh đúng bảy ngày, thế cho nên câu chuyện những ngày sau đó diễn ra như sau.

oOo
Ngày thứ ba – Tiểu Mai bệnh sử và chuyện “Cu Nam rủ ông anh trốn nhà đi bụi”

Sáng, tôi bị gọi lên bảng dò bài môn Giáo Dục Công Dân, may phước làm sao tối đó có ngó qua bài vở nên tôi được… điểm 5 chứ không hẳn là con dê rô thần thánh.

Quá giờ trưa, Tiểu Mai sốt cao, mẹ tôi tất tả chạy ngay đi mời bác Viêm qua thăm khám.

Đến chiều, nàng đau đầu trở nặng. Khi đó chỉ có mỗi tôi ở nhà, và lần này nàng nắm tay tôi chặt đến nỗi tôi chỉ có thể hình dung được rằng cơn đau đầu này rất khủng khiếp.

Mà tôi của lúc đó thì, hoàn toàn bất lực.

Tối khuya,

– Em… đỡ đau đầu chưa?

– Dạ rồi, anh kể chuyện hôm nay đi!

– Ừm… lúc nhỏ, đâu hồi anh học lớp ba thì phải. Gần xóm trên có một nhà bán kem kí, nhà đó có một cô con gái tên Phương cũng là bạn học cùng lớp cấp một của anh. Nhỏ đó… có trốn học thêm vài bữa, nên chẳng biết sao hồi đó anh lại nổi hứng đi mách lẻo với ba má nhỏ đó bằng cách anh vờ tới mua kem dù túi chẳng có xu teng nào. Rồi anh sẵn… nói ba má nhỏ luôn là bữa giờ bạn bị bệnh hả bác, sao con không thấy bạn đi học thêm?

– …!

– Kết quả hôm sau nhỏ đó đi học trở lại. Còn anh thì nhân quả đến muộn, đâu tới tháng sau đến lượt anh trốn học đi đá banh. Và nhỏ Phương đó chỉ chờ có thế, phi ngay đến nhà anh mà méc lấy méc để. Trưa hôm đó, ba anh để sẵn cây roi trên bàn ăn rồi ông đi công việc, hoặc tức giận quá mà không thể ngồi chung bàn ăn với thằng con trời đánh này được. Ông còn hẹn “chiều về mày chết với tao”…!

– Ghê…!

– Anh đâu thể ngồi yên chờ chết được, anh quyết định sẽ bỏ nhà đi bụi với… món đồ chơi yêu thích của anh. Anh còn rủ ông Phúc đi chung, anh nói “đại ca đi bụi với em đi, mình qua nhà bà ngoại ở, em còn sáu ngàn đồng để dành được nè”.

– Hi hi…!

– Ông Phúc đời nào chịu đi, kết quả anh bỏ ra ngoài được nửa đường lại đi về nhà vì sợ. Rồi ăn đòn tét mông, haizz!

Hết đêm của ngày thứ ba.

oOo
Ngày thứ tư – Tiểu Mai bệnh sử và chuyện “Cu Nam khờ dại lè lưỡi liếm lon nước đá”

Sáng hôm đó chỉ học hai tiết rồi về, nên tôi có thời gian ở cạnh Tiểu Mai nhiều hơn.

Buổi trưa, nàng an nhiên ngủ được.

Chiều tối, nàng lại sốt cao, lần này mẹ tôi đành nhờ cô Phước sang tiêm một mũi thuốc C. Tôi sốt vó đi đi lại lại trong nhà không biết nàng có đau đầu nữa không. May phước là không.

Tối khuya, “kể chuyện em nghe” lại bắt đầu.

– Ông Phúc là ông anh trời đánh thánh vật, anh biết thế nhưng lúc nào cũng răm rắp nghe lời ổng. Lần này ổng bảo ê Nam, mày mở ngăn trên tủ lạnh ra lấy lon nước đá, thè lưỡi vô liếm đáy lon, vui lắm con ạ!

– Trời… anh Phúc ác vậy?!

– Khốn nạn thay anh làm theo cái một, kết quả lưỡi anh dính luôn vô đáy lon chỉ sau một lần liếm láp. Anh hoảng hồn giựt cái lon ra, máu miệng máu lưỡi trào ra, rát thấy mấy ông trời!

– Ui… anh dại quá, lúc nhỏ anh… đần quá!

– Ừ, ông Phúc biết điều đó nên lấy anh mua vui một vài trống canh, ây dà dà…!

– …!

– …!

Một khoảng lặng quen thuộc nổi lên, một nụ hôn thay cho lời chúc ngủ ngon.

Hết đêm của ngày thứ tư.

oOo
Ngày thứ năm – Tiểu Mai bệnh sử và chuyện “Hai anh em trốn học, hai anh em ăn đòn”

Sáng, Dạ Minh Châu không hiểu làm sao lại biết tin Tiểu Mai bị bệnh nên có sang lớp gặp tôi để chuyển lời hỏi thăm và bó hoa chúc khỏi bệnh. Báo hại cả đám con trai hai lớp làm ầm lên vì tưởng Minh Châu tỏ tình với tôi.

Trưa, tôi mang hoa về nhà thì Tiểu Mai đã lại ngủ say, nghe mẹ kể rằng lúc nãy nàng vừa sốt vừa đau đầu.

Chiều tối, bé Trân mang vẻ mặt ủ dột ra về, miệng kín như bưng không hé nửa lời.

Khuya,

– Lần đó anh với ông Phúc được ba mẹ cho đi học Streamline ở trường Chuyên. Ông Phúc còn có ghi chép, anh chỉ ngồi cắm cúi xuống bàn… ăn ổi, ăn bánh tráng tẩm gia vị. Bữa tối đó cúp điện, thế là hai anh em bỏ đi chơi net ở cái quán có máy nổ chạy điện dự phòng, định bụng sẽ về sớm 15 phút để kịp giờ ba đón. Thế nhưng khi hai thằng lon ton đi về thì ba chỉ hỏi à ơi hai đứa bây nay học ra sao, tụi anh líu lo hôm nay tụi con học giỏi ông nội người ta luôn, được tuyên dương trước lớp. Nào ngờ ba chẳng khen lấy một câu, ông xách roi ra đánh!

– Ha ha…!

– Vì hôm đó cúp điện toàn thành, nên nhà vừa sụp đèn là ba anh chạy ngay sang trường đón, kết quả không thấy hai ông nhõi con nhà mình đâu. Rồi kết quả… hai thằng nói láo không biết ngượng, hai thằng… ăn đòn!

– …!

– Anh nè…!

– Hử, sao em?

– Yêu anh!

– …!

Hết đêm của ngày thứ năm.

oOo
Ngày thứ sáu – Tiểu Mai bệnh sử và chuyện “Cu Nam hạ độc ông anh mình”

Sáng, hoàn toàn bình thường, các thầy cô thi nhau hỏi thăm Tiểu Mai và bày tỏ thái độ quan ngại trước bệnh trạng của cô học trò cưng toàn diện này.

Trưa, Tiểu Mai đã có thể ăn được cơm, vì nàng bảo… ăn cháo có hơi đoi đói. Tôi mừng hết lớn, phi mấy bậc cầu thang xuống nhà để rồi té lòi mồm, mém nữa là trật gót chân.

Chiều, cả đám hội bàn tròn và nhỏ Phương, Yên ù, có cả Ái Khanh đến thăm bệnh khiến bầu không khí trong nhà khởi sắc hẳn lên như nắng mới đầu ngày. Và đám bàn tròn khốn nạn, bao nhiêu trái cây quà bánh thăm bệnh chúng nó khui ra ăn sạch, lại còn ăn thêm mớ bánh đầu gấu của tôi.

Khuya,

– Cay cú vì ông Phúc mách lẻo mẹ anh bị điểm thấp, bữa đó anh cài đặt… mớ ớt sim vô trái chuối rồi đem mời ổng ăn. Nhưng kết quả ổng sinh nghi vì thằng em mình đời nào tốt vậy, ổng đè anh ra, ổng…!

– Anh Phúc làm sao?

– Ổng… nhét nguyên trái chuối vô miệng anh. Thôi, khỏi kể nữa đi!

– Ha ha, tự mình hại mình nha!

– Ừa… Nam ngu!

– Anh!

– Hử?

– Yêu anh!

– Yêu em, mau hết bệnh nha!

Rạng sáng, cả nhà giật mình thức giấc vì Tiểu Mai bị mê sảng như gặp ác mộng. Riêng tôi tôi biết, nàng lại trở cơn đau đầu.

Đêm trước bình minh bao giờ cũng là đêm đen tối nhất. Mãi sau này, tôi mới đau khổ nhận ra điều đó.

Hết đêm của ngày thứ sáu.

oOo
Ngày cuối cùng – Tiểu Mai khỏi bệnh và câu chuyện cuối cùng

Sáng chủ nhật,

Tôi ôm ba cây nhang để cao lên ngang đầu, lầm rầm khấn vái:

– Con lạy thần lạy thánh, con lạy ông bà tổ tiên phù hộ cho bạn gái con sớm ngày hết bệnh, nếu được thế con xin… cúng dâng cả hộp khô bò trong tủ lạnh. Điều này đủ chứng minh tấm lòng thành kính của con, con lạy thần lạy thánh, con lạy ông bà tổ tiên.

Rồi vài tứ phương tám hướng: – Con cám ơn, con cám ơn, con cám ơn!

Nhưng tôi chợt nhớ thêm, bèn bổ sung:

– Dạ bạn gái con tên Trúc Mai, Diệp Hoàng Trúc Mai nha mọi người. Con cám ơn, con cám ơn, con cám ơn!

Bé Trân đứng rình từ đằng sau, ngẩn tò te:

– Anh khấn kiểu quái gì mà cúng bò khô nữa vậy?

Rồi con bé phá ra cười như vỡ chợ, cười đến gập người.

Trưa, Tiểu Mai đã có thể tự đi lại được vài vòng trong nhà, trông thấy một bên tay nàng được nâng bởi bé Trân nên tôi chọc:

– Ồ ôi y chang mấy thái hậu ha, đi đi lại lại có người dìu nữa ta ơi!

Chiều, mọi sự an lành, Tiểu Mai ngồi ăn cơm cùng với cả nhà, tất nhiên là có cả bé Trân. Theo lời bác Viêm thì tình hình coi như êm đẹp, Tiểu Mai đã không còn sốt nữa và đang bình phục rất nhanh. Còn việc đau đầu thì phải theo dõi thêm, hẹn Tiểu Mai khỏe lại thì đến bệnh viện khám cho kĩ lưỡng. Trước mắt, mọi người có thể yên tâm được rồi.

Tối khuya,

– Chuyện kể rằng, hồi đó có một thằng nhóc mê đá banh. Một bữa nó đá…!

– Bể bóng đèn nhà người ta! – Tiểu Mai hấp háy mắt, ngắt lời.

– Đâu có, nó đá vô hồ cá trước, làm ướt đồ của tiểu thư xinh đẹp trong nhà! – Tôi chữa lại.

– À đúng rồi, hì hì!

– Sau đó, nó lập mưu tán tỉnh bằng cách…!

– Đá bể bóng đèn nhà người ta!

– Đúng rồi, sau đó ngày qua tháng tới, đông tới xuân qua, cả hai tiến đến yêu nhau. Thêm mấy chục hồi sau, cả hai tiến vào lễ đường. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, khi con cái họ đã thành người thì cả hai lui về ở ẩn nơi thế ngoại đào nguyên, để lại tình yêu truyền kỳ cho thế nhân ngưỡng mộ!

– Ghê… ai chịu lấy anh chứ! – Tiểu Mai phì cười đập vai tôi.

– Ủa anh đang kể chuyện mà, có nói em với anh đâu, hậy hậy! – Tôi vờ quắc mắt.

– …!

– …!

– Thôi, giờ ngủ nha, em mới hết bệnh nhưng phải cần nghỉ ngơi nữa!

– Dạ, anh cũng vậy!

Khi tôi vừa định dợm bước ra khỏi phòng thì Tiểu Mai thốt lên khe khẽ:

– Anh nè…!

– Hử, sao em? – Tôi thắc mắc.

– Em… muốn kể cho anh một bí mật, anh có… muốn nghe không?

– …!

Tôi nhất thời không biết phải phản ứng ra sao vì trước giờ trong tôi, Tiểu Mai luôn là người có nhiều bí mật. Vậy thì, việc gì không nhân cơ hội này mà đồng ý ngay chứ?

Đầu nghĩ đông, nhưng miệng lại nói tây,

– Em nghỉ ngơi đi, đã là bí mật thì chắc em phải có lí do không muốn lộ ra bên ngoài, nên anh sẽ đợi đến khi nào em thực sự muốn kể. Khi đó không cần phải hỏi ý anh đâu, em cứ nói ra là được thôi!

Tiểu Mai nghe tôi nói xong thì nàng đỏ hồng đôi má, rồi mỉm cười mãn nguyện, mắt ánh lên một vẻ tinh nghịch hiếm thấy:

– Là anh nói đó nhe, vậy bí mật này, em giữ luôn không kể nữa!

– Ừa he he, vậy em ngủ nhe!

– Dạ, anh ngủ ngon, anh!

– …!

Nhưng tối hôm đó, trong khi lẽ ra tôi phải ngủ một giấc thật ngon, thật yên tâm vì Tiểu Mai đã khỏi bệnh thì tôi lại trằn trọc day dứt vì một chuyện gì đó khiến tôi linh cảm như có điều chẳng lành. Một dự báo thuộc về bản năng của sinh vật, rất khó cắt nghĩa, vô phương vô cách để biết linh cảm đó đang ám chỉ điều gì.

Lại một lần nữa, khi tôi đã tiếp cận gần rất gần đến gốc rễ của mọi vấn đề, chính Tiểu Mai cũng gợi ý rằng nàng sẽ kể cho tôi nghe bí mật đó. Thì cũng lại chính tôi đã từ chối không đáp ứng.

Bí mật này, khiến câu chuyện mà bạn đọc đang theo dõi phải tiếp diễn thêm ba năm sau đó. Và về sau khiến tôi nguyền rủa cơn sốt năm xưa của Tiểu Mai không biết bao nhiêu là lần.

Bí mật này, trực tiếp đẩy tôi lâm vào tuyệt cảnh đau khổ cùng cực, cũng lại phi thường hoàn sinh.

Bí mật này, làm nên câu chuyện này…

Hết đêm của ngày cuối cùng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.