Tôi đứng chôn chân ở cửa lớp, không biết nên bước vào để hỏi xem chuyện gì đang xảy ra hay cứ lặng lẽ bỏ đi, coi như chưa thấy gì cả, để mặc cho đôi trẻ tiếp tục “hành xử”.
Trong lúc tôi còn đang phân vân không biết nên làm gì thì ở dưới cuối lớp, như một ông chồng bị bắt quả tang ngoại tình, Phong vội vàng buông tay Băng ra, hai đứa nó cùng phi lên trước một bước, đồng thanh hỏi tôi:
– Sao tự nhiên lại vào đây?
Tôi giật mình, sợ đến co rúm người lại, thiếu chút nữa là quỳ rạp xuống đất mà tạ lỗi. Tôi sai rồi, sai to rồi, đáng lẽ tôi không nên khát nước, không nên quay lại lớp, lại đúng lúc quan trọng như vậy. Phá hoại giây phút mặn nồng của một đôi trẻ, tôi phải sám hối bao lâu mới bù đắp được tội lỗi này đây? Hơn nữa đôi trẻ này lại là Băng và Phong, hai đứa nó vốn kiệm lời, chắc phải khó khăn lắm mới bày tỏ được với nhau, thế mà tôi lại làm hỏng tất cả, đúng là đáng chết.
Nghĩ lại, nếu tôi không “kịp thời” phá đám thì sau đó sẽ có chuyện gì xảy ra nhỉ?
Một cái ôm ngoài nóng mà trong ấm.
Hay… một nụ hôn cho ngày hè thêm rực rỡ?
Chỉ nghĩ thôi tôi đã thấy rạo rực hết cả người, sung sướng ngửa cổ lên trần nhà, ngoác miệng ra cười như tơcnơ.
– DƯƠNG! Mày còn đứng đực ra đấy làm gì?
Tôi bị tiếng gọi như quát của Băng làm cho giật mình, mấy ảo tưởng trong đầu vỡ tung toé. Khẽ liếc mắt nhìn nó một cái, tôi xấu hổ cúi mặt xuống, chậm rãi đi vào trong lớp. Dù sao cũng đã lỡ rồi, đành phải vào thôi, giờ mà bỏ đi cũng chẳng ra làm sao, chỉ tổ làm hai đứa nó thêm ngại. Tôi chặt lưỡi nghĩ thầm, vừa đi vừa gãi đầu gãi tai tỏ vẻ ngượng nghịu:
– Xin lỗi nha ha ha… tại khát nước quá nên tao định vào lấy chai nước, ai dè… đúng lúc hai đứa mày… ấy ấy. – Tôi nói rồi chọc chọc hai ngón tay trỏ vào nhau, cúi đầu cười ngượng ngùng.
– Nói nhảm gì đấy?
Phong cau mày, lạnh lùng liếc tôi, cái nhìn của cậu ta khiến tôi không khỏi rét run dù bây giờ đã là chớm hè. Khẽ bĩu môi một cái, tôi che mặt tránh đi ánh mắt phủ băng của Phong, khó chịu làu bàu vài tiếng. Bạn bè thế đấy, mới có phá đám một chút mà đã trở mặt quát tháo, lườm nguýt rồi, đúng là tình bạn bền như dây chun mủn.
Ở bên cạnh, Băng khẽ thở dài rồi đưa tay lên nhẹ xoắn tai tôi, nó vừa nói vừa khẽ mỉm cười nhợt nhạt:
– Thôi nào, mày đừng nghĩ linh tinh, không có chuyện gì đâu…
– Phải đấy. Bãn nãy có con muỗi, tôi giúp Băng… đập thôi. – Phong khịt mũi nói chen vào rồi vội ngoảnh mặt sang hướng khác, đưa tay lên che miệng, ho khù khụ.
Tôi hơi ngẩn người ra nhìn Phong rồi “À” lên một tiếng, gật gù tỏ vẻ đã hiểu dù trong lòng đang thầm khinh bỉ lời nói dối của cậu ta, đập muỗi xong “nhân tiện” cầm tay, cầm chân nhau à? Tôi đâu có ngu.
Tôi nghĩ rồi khẽ bĩu môi, nhún nhẹ vai không nói gì, chậm rãi đi đến chỗ ngồi của mình, lơ đãng liếc qua chiếc ba lô màu rêu có in hình con chó đang nằm bẹp dí trên sàn nhà, xung quanh sách vở, bút thước văng tung tóe, chai lavie còn nửa già nước nằm chỏng chơ cạnh chân bàn, vạch nước có một lớp bọt mỏng nổi lên. Chiếc áo khoác đồng phục tôi mang đi để chống nắng nằm vắt vẻo trên ghế.
Ái chà, xem ra ở đây vừa có động đất.
Bắt gặp cái nhìn đầy nghiền ngẫm của tôi, Phong và Băng có phần hốt hoảng, hai đứa nó vội vã lên tiếng, đồng thanh tập hai:
– Là tao/tôi đánh rơi. – Nói xong, cả hai cùng trợn mắt quay ra nhìn nhau, khuôn mặt vừa ngượng ngùng lại vừa có chút bối rối.
Tôi thu toàn bộ một màn vừa rồi vào trong mắt, khẽ tủm tỉm cười rồi gật gù trả lời:
– À… ra vậy.
Khéo chưa, có mỗi cái ba lô mà hai đứa cùng “hợp sức” đánh rơi, hẳn là ban nãy cái bàn này phải rung dữ lắm.
“Ba lô à, mày ra đi thật oanh liệt!” Tôi khịt mũi nghĩ thầm, che miệng giấu đi nụ cười tí tửng rồi chậm rãi cúi xuống gầm bàn, lúi húi cho sách vở vào ba lô. Thấy vậy, Băng cũng vội vàng đi đến giúp tôi nhặt đồ, trên khuôn mặt hơi ửng hồng của nó, vẻ bối rối vẫn còn hiện hữu.
Đứng bên cạnh, Phong chợt liếc mắt nhìn qua vẻ hí hửng trên khuôn mặt tôi, khẽ hừ nhạt một tiếng, cậu ta đút tay vào túi quần rồi ngoảnh đầu sang hướng khác, bộ dạng như đang rất bực mình.
Tôi nhẹ nhàng đặt cái ba lô đã nhét đủ sách vở lên bàn rồi chậm rãi bước ra khỏi chỗ, len lén liếc qua sườn mặt lạnh lùng của Phong, tôi vung vẩy chai lavie trong tay, ngập ngừng lên tiếng:
– Vậy… tôi ra ngoài trước nhé, hai người cứ ở đây…
Chưa kịp nói hết câu, Phong đã quay phắt người lại, trừng mắt nhìn tôi, thành công trong việc khiến tôi ngậm mồm. Khẽ thở hắt ra một cái, cậu ta phăng phăng bước đến, chẳng nói chẳng rằng, nắm lấy cổ tay tôi kéo đi.
Giật mình vì hành động đột ngột của Phong, tôi đánh rơi cả chai nước, cố ghì chân lại, la lên oai oái:
– Này, này, cậu kéo tôi đi đâu vậy?
– Kí túc xá. Bây giờ đang là tiết thể dục còn gì? – Phong liếc mắt nhìn tôi qua vai, lạnh nhạt đáp.
– Hả? À… ừ, nhưng cậu không ra cũng được, thầy cho lớp tự học rồi, sẽ không điểm danh đâu. – Tôi khẽ ngọ nguậy bàn tay, nóng nảy đáp.
– Thầy không điểm danh, cậu cấm tôi học?
Phong chợt dừng bước, quay đầu lại nhìn tôi, mũi giầy thể thao nện mạnh xuống mặt đất, đôi mày thanh tú nhướn lên như đang chờ đợi câu trả lời. Tôi há mồm, ngây người ra nhìn Phong, ú ớ nửa ngày không nên lời.
Thật quá đáng, cậu ta biết rõ tôi không hề có ý như vậy mà. Ai dám cấm cậu ta chứ, tôi nghĩ rồi khẽ cau mày, bực bội đáp:
– Dĩ nhiên là không. Cậu thích học thì học, ai cấm đâu.
– Tốt. Vậy đi thôi.
Phong thản nhiên đáp rồi quay đầu lên, phăng phăng bước đi, dĩ nhiên là đằng sau còn kéo theo cả một tinh linh nhỏ bé, đáng thương là tôi.
Vừa phải vội vàng bước theo lực kéo của Phong, tôi vừa ngoảnh đầu lại, rối rít vẫy Băng:
– Băng, ra cùng đi… PHONG, từ từ thôi, có thích ăn đạp không hả?
Băng đang đứng thẫn thờ ở dưới cuối lớp, nghe tiếng tôi gọi, nó chậm rãi ngẩng đầu lên, đôi mắt chợt liếc qua cái cổ tay đang bị Phong nắm chặt của tôi, một chút buồn bã hiện lên trên khuôn mặt nó, nhưng… chỉ là một chút và thoáng qua bởi ngay sau đó, sự buồn bã ấy nhanh chóng biến mất, như chưa từng xuất hiện…
– Mày đi đi, tao ở trong lớp đọc truyện thôi, ra đấy mệt lắm.
Khẽ vẫy nhẹ bàn tay, Băng híp mắt, tươi cười nói với tôi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy nó cười rạng rỡ như vậy, nhưng… không giống như những gì tôi đã tưởng tượng, nó chẳng đẹp, thậm chí còn xấu hơn cái nhếch môi nhạt nhẽo mà Băng trưng ra mỗi lần tôi kể chuyện cười.
Tôi nhìn Băng, thấy lòng mình trùng xuống, chẳng biết làm gì hơn ngoài việc gượng gạo gật đầu rồi đi theo Phong ra khỏi lớp, tự dưng lại có cảm giác như mình là một kẻ thứ ba đáng ghét, đang chen chân vào chuyện tình cảm của hai đứa nó. Tôi buồn rầu nghĩ rồi nhìn xuống cổ tay đang nóng ran vì bị nắm chặt của mình, tự hỏi liệu Băng có hiểu lầm chuyện này không nữa. Tôi quen Phong từ khi mới vào cấp hai nên mấy chuyện nắm tay nắm chân này không phải là hiếm, thậm chí lúc trước tôi còn nghiện sờ tay Phong bởi vì khi ấy tay cậu ta xinh lắm, vừa mũm vừa trắng lại còn mềm mềm, sờ rất thích chứ không gầy và cứng như bây giờ.
Nói vậy nhưng Phong cũng thật là… sao cậu ta có thể kéo tôi đi như thế trước mặt Băng cơ chứ, cũng chẳng thèm hỏi han nó lấy một câu. Vô tâm không chịu được, giao Băng cho cậu ta đúng là phí của trời.
Tôi bĩu môi nghĩ thầm rồi giật tay mình ra khỏi Phong, bực bội đá đá vào cẳng chân Phong mấy cái, cậu ta hơi giật mình, quay đầu lại nhíu mày nhìn tôi hỏi:
– Làm gì thế?
Tôi cười cười, lắc lắc đầu đầy vô vội rồi chợt giật lấy vạt áo Phong, nheo mắt hí hửng hỏi:
– Này, cậu với Băng… bao lâu rồi? Sao kín tiếng thế?
Phong bỏ ngoài tai câu hỏi của tôi, ngoảnh đầu lên, đi tiếp, chẳng nói chẳng rằng. Bị phớt lờ quen rồi nên tôi không buồn giận, tiếp tục nâng cao năng suất hoạt động của cơ miệng, luyên thuyên một tràng dài:
– Haiz… giao Băng cho cậu tôi cũng không yên tâm lắm nhưng thôi… đành vậy, dù sao hai người cũng rất đẹp đôi. Mà cậu cũng không cần xấu hổ đâu, có chuyện gì cứ tâm sự với tôi, tôi bày cho, mấy cái sở thích của Băng tôi đều nắm rõ trong lòng bàn tay há há…
Trong lúc tôi còn đang mải thao thao bất tuyệt thì Phong bất thình lình dừng bước, tôi giật mình, không cẩn thận dẫm vào gót giầy của cậu ta. Không quay đầu lại, Phong chợt lạnh giọng gọi tôi:
– Dương.
– Gì… gì cơ? – Tôi chột dạ, lắp bắp hỏi.
Khẽ thở hắt ra một hơi, Phong chợt quay phắt người lại, vai gồng lên như đang cố kìm nén cơn giận, lát sau cậu ta gằn giọng xuống, chậm rãi nhả từng từ như muốn tôi phải khắc sâu nó vào trong đầu, khuôn mặt cậu dần lộ vẻ mất kiên nhẫn:
– Tôi nhắc lại một lần nữa, tôi và Băng không có gì cả, và hơn ai hết, cậu hiểu rõ lời nói của tôi có bao nhiêu phần trăm nghiêm túc. Đúng chứ?
Tôi cắn môi, ngắc ngứ một hồi rồi cũng miễn cưỡng gật đầu. Dĩ nhiên tôi biết, lời nói của Phong, 100 phần trăm đều là nghiêm túc. Nhưng… cái nắm tay tình tứ trong lớp ban nãy là gì? Thêm cả ánh mắt nhìn nhau muốn toé lửa nữa, không lẽ… tất cả đều do tôi hoa mắt, tự mình tưởng tượng?
Không đời nào, tôi đâu có uống fristi. Tôi nghĩ rồi cảm thấy không cam lòng, vội vọt miệng kêu lên:
– Nhưng rõ ràng tôi đã thấy…
– Cậu thấy gì? – Phong chen vào, chẳng để tôi kịp nói hết câu.
– Hai người nắm tay rồi còn nhìn nhau đắm đuối nữa.
– Rồi cậu kết luận là tôi thích Băng? – Phong cau mày hỏi, nhìn tôi như bức ép.
Tôi không nói gì, chỉ gật đầu lia lịa.
Phong ôm lấy trán, nhếch môi cười nhạt, nụ cười có chút thê lương. Khẽ nheo mắt nhìn tôi đầy chăm chú, cậu ta chợt cầm lấy bàn tay tôi, giơ lên trước mặt rồi thản nhiên hỏi:
– Vậy cậu nói xem, bây giờ tôi đang cầm tay cậu, nhìn cậu, thế nên… tôi cũng thích cậu, phải không?
Tôi giật mình, sửng sốt nhìn Phong, hết há mồm ra rồi lại ngậm mồm lại, ú ớ nửa ngày không lên lời. Cậu ta đúng thật là vô lý, sao có thể áp những việc đã làm với Băng lên tôi rồi đưa ra cùng một kết luận được, đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau mà.
Tôi nghĩ rồi vội giật tay mình về, ấp úng chống chế:
– Cái này… tôi khác, Băng khác chứ.
– Khác chỗ nào?
– Tôi và cậu như vậy… đã là thói quen rồi còn đâu. – Tôi bĩu môi rồi cười cười nói.
– Thói quen? Tình yêu cũng có thể bắt đầu từ những thói quen đấy. – Phong thản nhiên nói khẽ bật cười đầy châm chọc, khuôn mặt lạnh băng nhưng đôi mắt đen thẫm lại như ánh lên một tia sáng lấp lánh.
Tôi giật mình, không rõ là Phong nói thật hay nói đùa, chỉ biết trợn mắt lên nhìn cậu ta. Hôm nay Phong đột nhiên nói nhiều hơn bình thường và mỗi lần nói, đều khiến cho tôi phải cứng họng.
Nhìn khuôn mặt ngơ ngác của tôi, Phong khẽ lắc lắc đầu, thở hắt ra một hơi rồi nói với vẻ chán nản không giấu diếm:
– Chơi với nhau lâu như vậy, cậu đã bao giờ nghiêm túc nhìn đến tôi chưa?
Tôi sửng sốt nhìn Phong, vội đáp:
– Tôi không nhìn cậu lúc nào chứ? – Kì quái, đứa nào đẹp trai xinh gái tôi chả nhìn cho nát mặt?
– Hừ.
Phong không nói gì chỉ bực bội hừ nhạt một cái rồi quay người bỏ đi, không liếc tôi lấy nửa con mắt. Tự dưng lại bị chỉ trích không rõ nguyên do, tôi không cam lòng, tức tốc đuổi theo cậu ta, sửng cồ lên hỏi:
– Nói cho đã rồi bỏ đi à? Tôi không nghiêm túc nhìn cậu lúc nào chứ, cho ví dụ, cho ví dụ ngay.
– Ví dụ? – Phong dừng bước, hơi cúi đầu như đang suy nghĩ điều gì đó, lát sau cậu ta ngẩng đầu lên, chậm rãi nói từng chữ như muốn đâm vào tai tôi. – Cậu biết tôi thích Toán, đúng chứ? Vậy tại sao tôi lại học chuyên Lý, cậu đã bao giờ nghĩ đến chưa?
Phong khẽ cười nhẹ, giọng nói có chút bất lực. Không chờ tôi trả lời cậu ta đã bỏ đi, nắng đổ lên hai bờ vai cậu khiến nó trông như bị trũng xuống, đầy ưu tư và muộn phiền. Tôi chăm chú nhìn theo bóng lưng lạnh lẽo của Phong rồi chợt ngẩn người ra, nghiêm túc ngẫm nghĩ những điều cậu ta vừa nói.
Phong thích Toán nhưng lại học chuyên Lý và tôi đã bao giờ nghĩ đến điều này chưa ư? Dĩ nhiên là có, rất nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ hỏi Phong cả, bởi tôi biết, với tính cách của cậu ta, có hỏi cũng không nhận được câu trả lời, hơn nữa tôi thực sự rất muốn được học cùng lớp với Phong nên sợ nếu nói ra cậu ta thấy hối hận rồi muốn chuyển lớp thì phải làm sao?
Nhưng chuyện này thì liên quan gì đến việc tôi có nghiêm túc nhìn cậu ta hay không? Cậu ta không chịu nói lí do thì ai mà biết được. Tôi có phải là thánh đâu. Tôi nghĩ rồi lừ mắt nhìn theo cái bóng đã khuất dạng sau cổng phụ, dậm chân bình bịch vì tức tối.
…
Tiết năm vừa kết thúc chưa lâu, sân trường đã vắng tanh, xung quanh chỉ còn lác đác vài ba người. Đúng là học sinh, đi thì muộn mà về thì sớm, trống vừa đánh là đã lao ra khỏi cổng như quân Nguyên rồi. Cái gì mà mỗi ngày đến trường là một ngày vui chứ, có mà đi học như đi tu, ngồi học như ngồi tù thì có.
Tôi nghĩ rồi chán nản đưa tay lên ngang trán, ngước mắt nhìn tán bàng xanh mướt trên đầu, vài tia nắng ấm áp lọt qua kẽ hở của tán lá, tạo thành những hình thù kì quái, không an phận nhảy nhót trên mặt tôi. Há miệng hắt xì hơi một cái rõ to, tôi đưa tay quẹt ngang mũi, nhấm nhẳng di di chân trên mặt đất, đạp cả vào những chiếc lá bàng khô, nghe lạo xạo, lạo xạo vui tai.
Buồn buồn ngồi ngáp ruồi, tay nghịch cái điện thoại cục gạch, tôi chẳng có việc gì làm, lại lôi tin nhắn của Hân ra đọc rồi bực bội càu nhàu:
– Chưa kiểm tra cuối kì đã lo lễ tổng kết. Cái trường này đổi thành trường văn hoá và nghệ thuật cho rồi.
Càu nhàu xong, chưa hả giận, tôi tiếp tục đá thúng đụng nia, lầm bầm mắng cả mấy anh chị tâm huyết trong đội văn nghệ, hăng say tập luyện đến mức không cho con người ta về nhà ăn cơm.
Chả là nhỏ Hân, với giọng hát thánh thót như như sư tử rống à nhầm… chim sơn ca của mình, đã được chọn vào đội văn nghệ của trường để chuẩn bị cho lễ tổng kết cuối năm sắp tới. Hôm nay có buổi tập dợt nên nó phải ở lại luyện thanh và người chở nó về là tôi, cũng phải ở lại theo. Thế mới chán.
Sau một hồi tắm nắng và nghịch điện thoại chán chê, tôi quyết định đứng dậy, đi dạo một vòng, kiếm việc cho cái chân, kẻo ngồi thêm chút nữa tôi sẽ phá tan cái điện thoại ra mất. Khởi động nhạc trong máy, cắm tai nghe rồi đưa lên tai, tôi lắc lư người, chậm rãi bước từng bước, vừa đi vừa rên ư ử theo lời bài hát. Tiếng lá rơi lạo xạo dưới chân hòa cùng giai điệu nhẹ nhàng của nhạc phim Bokura Ga Ita, khiến người tôi như lâng lâng, đầu óc trở nên thư thái, đột nhiên lại có suy nghĩ, trời nắng như thế này cũng không hẳn là tệ.
Mải ngâm nga theo theo nhạc và đùa nghịch với những chiếc lá xà cừ khô dưới chân, tôi đã đứng trước dãy nhà bộ môn Sinh – Hoá tự lúc nào. Rút tai nghe ra khỏi tai, tôi tiến thêm vài bước, ngước mắt lên nhìn dãy nhà ba tầng mới mẻ, khang trang trước mắt rồi bắt đầu ngó nghiêng xung quanh xem có chỗ nào chơi được không. Bình thường tôi là dạng học sinh điển hình cho tác phong đi muộn về sớm, tính lại “hơi” lười, suốt ngày chỉ ru rú trong lớp và đóng đô ở dưới căng tin nên ít khi ngó ngàng đến mấy chỗ này, chỉ khi nào có tiết học thực hành mới đặt chân đến đây thôi, bây giờ được dịp, có khi phải đi thăm quan tí cho biết trường biết lớp.
Tôi nghĩ rồi gật gù cho là phải, lân la đi dọc bồn cau cảnh trước dãy nhà bộ môn rồi vòng ra lối vào khuôn viên sau trường, đứng ở ngoài nhòm vào trong, chán nản bĩu môi. Ở đây chẳng có gì hay ho, môt bãi đất trống đầy cỏ gấu và hoa c** lợn, xa xa có cái hồ nước đen ngòm, nhìn cũng biết là bốc mùi như sông Tô Lịch, may ra được cây đề lớn với mấy bồn liễu là tạm ổn. Tôi nghĩ rồi cúi đầu xuống, mở điện thoại ra xem giờ, quyết định quay lại ghế đá, ngồi tắm nắng cho nó rực rỡ.
Vừa đút được điện thoại vào túi quần, đang định quay đầu bỏ đi, tôi chợt giật mình khựng lại khi nghe thấy tiếng nói chuyện vang lên gần đó. Giờ này mà còn có ai ở đây nữa nhỉ, yêu trường yêu lớp gớm. Tôi nghĩ rồi tò mò lúp người sau bức tường, thò đầu vào xem.
Đằng sau gốc cây đề lớn cạnh bồn liễu, hai bóng áo trắng thấp thoáng hiện ra, vô cùng quen thuộc. Tôi nhích người vào sâu bên trong, ngồi thụp xuống dấu mình sau một lùm cây rồi ngó đầu ra để nhìn rõ hơn, chợt giật mình khi phát hiện ra hai bóng người kia chính là Băng và Phong.
Vậy mà còn nói không có gì, trong khi lôi nhau ra tận đây tâm tình. Tôi nghĩ rồi che miệng cười tủm tỉm, cố dỏng tai lên nghe ngóng, nhanh chóng gạt phăng cái cảm giác tội lỗi của một đứa đang lén lút nghe trộm sang một bên.
…
– Sao? Cậu định sẽ tiếp tục giữ tình yêu cố chấp của mình à? – Tiếng Phong lạnh lùng vang lên đều đều, không có một chút cảm xúc nào trong giọng nói ấy.
– Tại sao không, tôi yêu một người cũng là sai sao?
– Dừng lại đi, tôi không thể chấp nhận tình yêu này của cậu và cũng không một ai có thể chấp nhận nó.
– Không một ai? Cậu nói như vậy… thật tàn nhẫn.
– Tôi chỉ nói sự thật. Cậu hiểu, đúng không? Đi tiếp, người bị tổn thương không chỉ là cậu.
– Nhưng tôi không thể, tình cảm của tôi, cảm xúc của tôi, đâu thể nói muốn bỏ là bỏ. Yêu một người, có thể dễ dàng từ bỏ như vậy sao?
– Bỏ tình yêu đi, cậu sẽ còn tình bạn, còn không… sẽ chẳng có gì cả.
– Sao cậu có thể nói như vậy? Sao có thể…
…
Trong ánh nắng rực rỡ của buổi trưa, qua tán liễu mềm mại phất phơ, tôi thấy Băng ngồi thụp xuống, nó úp mặt vào hai bàn tay, cả người run lên bần bật. Băng của tôi xinh đẹp là thế, kiêu hãnh là thế, giờ lại ngồi trên mặt đất và khóc như một đứa trẻ. Phong đứng bên cạnh, lạnh lùng như một tảng băng, chỉ có đôi mắt là trũng sâu đầy buồn bã, cậu ta không nhìn Băng, ánh mắt rơi vào một khoảng vô định trên mặt hồ yên ả bên cạnh, không bỏ đi, cũng không tiến lại an ủi, cứ đứng đó, lặng lẽ, để nắng chiếu thẳng vào khuôn mặt tuấn tú. Không gian ngập tràn tiếng ve râm ran, tiếng lá khô rơi, lẫn trong đó là tiếng khóc nấc nho nhỏ như cố nén cùng tiếng thở dài đầy bất lực.
Có thứ gì đó như vừa vỡ vụn trong lồng ngực, tôi thấy lòng mình khẽ chao đi, cơ thể có chút rã rời, có thể là do nắng gắt, có thể là do không khí oi bức và cũng có thể là do những điều tôi vừa nghe được…
…
Thẫn thờ bước trên sân trường, để mặc cho nắng chiếu vào mặt nóng rát, tôi thở dài đánh thượt, chán nản dẫm mạnh chân xuống đất, trút giận lên những chiếc lá khô. Như chưa tin được những gì mình vừa nghe thấy, tôi vung tay tự véo vào má mình rồi suýt rú lên vì đau.
Không ngờ tình cảm của Băng dành cho Phong lại sâu đậm như vậy, đến mức nó phải bật khóc nức nở và không thể từ bỏ dù đã bị Phong từ chối. Còn Phong, khuôn mặt vô cảm ấy, giọng nói lạnh lẽo và đều đều ấy, cứ như một con người khác vậy. Phong mà tôi biết, lạnh lùng, tự kỉ nhưng không phải là người tàn nhẫn. Cậu ta có thể không thích Băng nhưng cũng đâu cần phải nói ra mấy lời tuyệt tình như vậy? Trong lòng tôi, đột nhiên dâng lên một nỗi thất vọng không hề nhỏ dành cho Phong.
Khe khẽ thở hắt ra, tôi rầu rầu đi đến chỗ ghế đá, thẫn thờ ngồi xuống. Đang trong tâm trạng mông lung, chợt tôi giật mình khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại vang lên, mở máy ra trong vô thức, tôi không nhìn xem ai gọi đã đưa lên tai nghe:
– A… lô.
– Chị Dương, em xin lỗi, rất rất xin lỗi. Chị về trước đi nhé, em phải đi ăn với mọi người trong đội văn nghệ, lát em về với bạn sau.
– Hả… Ơ…
Trong lúc tôi còn đang ú ớ không hiểu chuyện gì thì một tràng dài tút tút đã vang lên. Nhìn chiếc sony cục gạch nằm ngay đơ trong lòng bàn tay, tôi thẫn người ra một lúc, đến khi nhận thức được chuyện vừa xảy ra, tôi nghiến răng kèn kẹt, bóp mạnh cái điện thoại, tí thì tru tréo lên cho hả giận.
Cái con nhỏ chết tiệt, bắt tôi chờ cả nửa tiếng đồng hồ rồi lại bảo về trước, còn mình thì tung tẩy đi ăn với bạn bè, trong khi người chị đáng thương của nó là tôi, bụng mốc ra vì đói, bây giờ còn phải phơi nắng đạp xe về nhà, bất công quá ông trời ơi…
…
Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tôi mở cổng lóc cóc dắt xe vào, dựng dưới giàn chanh leo rợp bóng rồi ôm một bụng tức, xách balô đi vào nhà. Con Rô thấy tôi về, nó hớn lên như bị động kinh, đuôi quẫy tít mù, chạy ra nhảy chồm hổm lên người tôi, há mõm thở hồng hộc, lưỡi hồng thè ra, lắc qua lắc lại. Cũng may nó thuộc giống chó lùn, dù nhảy lên cũng chỉ đến eo, chứ không mặt tôi đã sớm bị nó liếm sạch rồi.
Đang nóng sẵn, tôi bực bội gạt con Rô ra, chỉ tay vào vết chân bẩn nó để lại trên vạt áo đồng phục rồi dẫm chân bịch bịch xuống đất, trừng mắt nhìn nó doạ nạt. Con Rô quen nhờn, nghĩ là tôi đang đùa, nó lại nhảy lên người tôi, cắn cắn vạt áo tôi, nước dãi nhễu ra, chảy cả vào tay.
Không thể chịu được nữa, tôi tức tối véo tai, tát nó một cái rõ mạnh rồi cắp balô đi vào nhà, thiếu chút nữa là khóc thét lên vì buồn bực: “Mẹ ơi đến con chó cũng bắt nạt con.”
[Bài học thứ n dành cho con Rô: phải biết nhìn mặt chủ mà hành động không thì sớm muộn cũng bị đem đi thui rơm.
Và bài học thứ m dành cho tôi: chó là phải dạy, không được nhờn với nó, kẻo có ngày trong lúc tức giận, tôi sẽ tăng xông mà chết]
Thảm não xách cái balô lết vào nhà, tôi đi thẳng đến bếp. Anh Tùng đã quần soóc áo thun mát mẻ, ngồi bên bàn ăn, bóc lạc trong cái rổ con con, bên cạnh là mâm cơm đậy lồng bàn cẩn thẩn, nghi ngút hương thơm. Nhìn thấy cảnh tượng này, tôi hơi ngẩn người ra rồi khẽ tủm tỉm cười, thấy lòng vui vui lạ.
Quê ngoại tôi trồng nhiều lạc, mỗi vụ thu hoạch, ông bà ngoại lại gửi lên cả bao và lần nào anh em tôi cũng xử hết một cách nhanh chóng. Phần lớn là luộc để xem bóng đá, còn lại thì rang, giã ra làm muối vừng hoặc trộn vào nộm đu đủ… nói chung là không bao giờ ế. Lạc rang bùi bùi, ngọt ngọt dầm nước mắm và ăn với dưa xào luôn là món ưa thích của tôi.
Vì thế, cứ mỗi lần đến mùa thu hoạch, nhận được lạc, cả nhà tôi lại tổ chức một chiến dịch bóc lạc, thường là vào cuối tuần, mấy anh em được nghỉ và nhóc Khôi cũng về nhà. Nhớ lại những lần ấy, vui đáo để. Chúng tôi rải chiếc chiếu hoa súng ra hiên phụ sau nhà, nơi có giàn chanh leo mát rượi, gió thổi lồng lộng rồi cùng ngồi lên đó bóc lạc.
Anh Tùng bao giờ cũng là người năng suất nhất, vừa bóc nhanh lại còn cẩn thận, tay lúc nào cũng thoăn thoắt như con thoi. Nhỏ Hân thì không thích bóc lạc bằng tay, nó dùng chân dập, vừa phá được vỏ lạc vừa thành công trong việc chọc cười nhóc Khôi.
Tôi là đứa bóc lạc với nhiều cách nhất trong nhà. Bằng tay, bằng chân, bằng chày, bằng búa thậm chí tôi còn bựa đến mức dùng mồm cắn. Dĩ nhiên là anh Tùng không hài lòng với cách bóc cuối cùng của tôi, mỗi lần tôi ngứa miệng cắn củ lạc là anh ấy lại trừng mắt lên, bắt tôi phải đi xúc miệng cho bằng được.
Thằng nhóc Khôi, cái thằng út ít trong nhà thì được ưu tiên giao cho cái rá con con đựng mấy củ lạc nhỏ bằng một đốt ngón tay, nó bóc thì ít mà phá thì nhiều, lạc vào tay nó chỉ có nát bét be, thỉnh thoảng nó cũng học tôi, đưa lạc lên mồm cắn, mỗi lần như vậy, anh Tùng đều dùng thước gõ vào tay nó nhắc nhở, nếu nhắc nhở trên ba lần sẽ bị vụt vào mông.
Thỉnh thoảng chiến dịch còn có thêm tên Đông mông má, nói bóc lạc cùng cho oai chứ hắn nào có làm được gì, bóc được một tí đã kêu đau tay rồi tót đi chơi bắn bi bằng củ lạc với thằng Khôi. Đúng là hết chỗ nói.
Năm đứa, năm cái mồm, mười bàn tay chỉ có bóc lạc không mà cũng vui như trẩy hội. Dĩ nhiên, chẳng ai thích bóc lạc cả, tôi cũng vậy, đau tay bỏ xừ, nhưng nếu được làm việc cùng cả nhà thì lại là một chuyện khác. Dù có bóc đến tê rần tay thậm chí là sưng đỏ nhưng những tiếng cười ngập tràn thì không bao giờ dứt.
Giờ nghĩ lại, tôi bỗng thấy lòng lâng lâng, không tự chủ được, há miệng bật cười thành tiếng
Nghe thấy tiếng động, anh Tùng đang chăm chú bóc lạc liền ngẩng đầu lên, thấy tôi, anh ấy hơi ngạc nhiên, nhíu mày hỏi:
– Ủa, về sao không nói gì?
– Em ngắm anh. – Tôi cười tủm tỉm rồi bước đến ngồi xuống chiếc ghế đối diện anh Tùng.
– Nhảm nhí. – Anh Tùng liếc tôi một cái rồi chợt ngó quanh quất, nhàn nhạt hỏi – Hân đâu? Sao hôm nay hai đứa về muộn thế?
– Hừ, anh không nhắc nó thì thôi, nhắc đến là em thấy bực mình.
Tôi cho tay vào khuấy khuấy chỗ lạc trong rổ, bực bội cau mày nói rồi bắt đầu kể tội nhỏ Hân còn hào phóng thêm mắm dặm muối một số chi tiết không thực vào.
Anh Tùng nghe tôi huyên thuyên một hồi thì bật cười, đứng dậy, cầm rổ lạc bóc dở để lên nóc tủ lạnh rồi quay ra rửa tay. Lau tay sạch sẽ vào chiếc rẻ khô xong, anh ấy chậm rãi quay người lại, dựa lưng vào bồn rửa, nhìn tôi chăm chú rồi chợt hỏi:
– Có chuyện gì buồn à?
Đang cúi đầu nghịch nghịch cái cốc trên bàn, nghe anh Tùng nói, tôi ngẩng đầu lên, sửng sốt nhìn anh ấy hỏi:
– Ủa? Anh đi guốc trong bụng em đấy à?
– Trên trán, trên mắt và trên môi em viết rõ đấy thôi. – Anh Tùng vừa nói vừa lần lượt chỉ vào trán, mắt và môi của mình.
Nhìn nụ cười dịu dàng trên khuôn mặt anh ấy, tôi suýt oà lên khóc, cúi gập người xuống mà cảm ơn ông trời vì đã cho tôi một người anh quá tuyệt vời.
Lặng lẽ đẩy ghế ra, tôi đứng dậy, đi đến chỗ anh Tùng đang đứng, mở tủ lạnh, lấy chai nước khoáng rồi tu ừng ực. Chậm rãi lau đi vệt nước bên mép, tôi nhíu mày ngẫm nghĩ một hồi, cố tìm từ cho thích hợp rồi mới khụt khịt nói:
– Cũng chẳng có gì, đại khái là… người bạn nọ thích… ừm người bạn kia của em…
– Rồi sao? – Anh Tùng cướp lấy chai nước trong tay tôi, ngửa cổ uống một ngụm rồi hỏi.
– Nhưng… người bạn kia lại không thích người bạn nọ, thậm chí còn nói ra những lời rất tệ, rất độc ác. Em thấy buồn cho người bạn nọ và rất thất vọng về người bạn kia. – Tôi rầu rầu nói tiếp, lời lẽ lung tung, người bạn nọ, người bạn kia lộn tùng phèo hết cả lên.
– Rồi sao nữa? – Anh Tùng nhàn nhạt hỏi tiếp, quay mặt sang một bên để che đi cái ngáp.
Tôi đen cả mặt, nghiến răng nghiến lợi vì tức. Cái thái độ nhạt nhẽo gì đây, nghe tâm sự của tôi buồn ngủ lắm à? Dù rất tức tối nhưng tôi chỉ khẽ lừ mắt nhìn anh Tùng rồi tiếp tục nói:
– Tự dưng lại biết được chuyện này, em chẳng biết phải tỏ ra như thế nào với cả hai đứa. Nên mặc kệ hay cố gắng ghép đôi cho chúng nó? Mặc kệ thì nghe vô tâm quá còn ghép đôi… chắc là khó, vì Phon… à nhầm người bạn kia của em có vẻ không thích người bạn nọ chút nào. Thái độ của cậu ta có phần gay gắt, em mà chen vào, chỉ sợ cậu ta sẽ ghét em mất.
Tôi nói ra một tràng, tự dưng thấy nhẹ hẳn cả người. Có thể anh Tùng chẳng hiểu được câu chuyện lộn xộn tôi vừa kể nhưng chỉ cần anh ấy nghe thôi, đối với tôi cũng đủ lắm rồi.
Cúi đầu trầm ngâm một hồi, anh Tùng như đang nghiêm túc ngẫm lại những điều tôi vừa nói. Lát sau, anh ấy ngẩng đầu lên, khẽ mỉm cười nhìn tôi hỏi:
– Em có thích ai đó xen vào chuyện tình cảm của mình không?
Tôi ngây người ra, không đáp mà chỉ khẽ lắc đầu trong vô thức. Anh Tùng hài lòng mỉm cười rồi vươn tay ra xoa xoa đầu tôi, khiến mớ tóc mai trước trán rối tung lên.
– Hãy để bạn em tự giải quyết, làm như vậy không có nghĩa là vô tâm mà là đang tôn trọng bạn mình, hiểu không?
Tôi ngẩn người ra một hồi, trong đầu thầm nhắc lại câu nói của anh Tùng, đột nhiên thấy cái đầu u mê của mình như sáng ra, tảng đá đang đè nặng trong lòng cũng nhẹ bẫng đi.
Rưng rưng nước mắt nhìn anh Tùng, tôi thiếu chút là nhảy cẫng lên ôm lấy anh ấy.
– Trời ơi, Khùng ca ca, em yêu anh chết đi được.
Trong lúc tôi còn đang phấn khích, lòng thầm ca ngợi anh Tùng không thôi thì anh ấy chỉ khẽ cười cười, lắc nhẹ đầu rồi tủm tỉm hỏi:
– Thế nào, đỡ buồn chưa?
– Hơi hơi. – Tôi đáp rồi cười tít cả mắt.
– Được, thế thì lên nhà thay quần áo đi rồi xuống anh có chuyện muốn nói với em.
– Chuyện gì vậy? – Tôi nhíu mày, ngạc nhiên hỏi.
Anh Tùng khẽ hắng giọng, nhếch môi cười nhàn nhạt rồi chậm rãi phun ra một câu:
– Chuyện học hành.
– ….
Tôi sai rồi, tôi xin rút lại mọi lời hay ý đẹp dành cho anh Tùng đồng thời không thèm yêu quý anh ấy nữa. Ông trời ơi, tại sao tôi lại có một ông anh khó tính, khó nết và lúc nào cũng học học học như anh Tùng?!
——————–