Sau khi ngồi đấu tranh tư tưởng khoảng mấy phút, tôi quyết định mở sách ra hì hụi… chép phao. Đằng nào chẳng chết, cứ liều một lần xem sao, biết đâu hôm nay cô Kim Anh bị đau mắt đỏ hay có việc đột xuất phải nhờ thầy Kiên “mắt lác” trông hộ. Tôi nghĩ rồi phấn khởi nhe răng cười toe toét, cúi xuống múa bút chép phao như điên, tâm tâm niệm niệm một điều rằng “ở hiền ắt sẽ gặp lành”.
Cứ thế, tôi tự cho mình là một đứa ăn ở hiền lành, lạc quan vác theo tập phao bước vào phòng thi để rồi suýt thì khóc mếu khi thấy cô Kim Anh, áo sơmi trắng, mini juyp đen, nện đôi giầy cao gót năm phân xuống nền nhà, chậm rãi tiến vào phòng thi. Khẽ đẩy gọng kính trắng, lạnh lùng liếc chúng tôi bằng đôi mắt một mí sắc lẹm, cô Kim Anh cất giọng uyển chuyển:
– Bạn nào có phao hay tài liệu thì mau chóng mang lên đây nhé, đừng để lát nữa tôi bắt được, đánh dấu bài luôn đấy.
Không gian trở nên im ắng, những khuôn mặt hiện lên vẻ ngập ngừng, sau đó có khoảng năm, sáu đứa lục tục đứng dậy, lôi đủ loại phao với đủ loại kích cỡ ra, đem lên nộp cho cô Kim Anh, mặt đứa nào đứa nấy đau khổ như vừa dẫm phải phân chó.
Ở bên dưới, nhìn những chiến sĩ anh dũng đầu hàng, tôi cắn môi, run rẩy lần xuống tập phao trong túi, lôi ra rồi lại cất vào, ngần ngừ không biết nên làm gì. Thằng Cương ngồi bên cạnh, thấy cái mặt nhăn như quả mướp đắng của tôi, nó tốt bụng quay sang hỏi thăm:
– Ê Dương dở, mày bị táo bón à?
– Táo bón cái mặt mày ấy, đang rầu muốn thối ruột đây này. – Tôi trừng mắt nhìn nó, nạt.
Nó bật cười khùng khục, rồi hạ giọng thì thào, vừa nói vừa huơ huơ hai bàn tay đặc chữ lên như muốn khoe khoang chiến tích:
– Cũng mang vào hả? Phao ấy?
– Ừm… ừ, nhưng chắc tao đem nộp đây, hãi lắm. – Tôi nhăn mặt, thì thào đáp lại.
– Ngu vừa thôi, để yên đấy, biết đâu tí còn dùng đến. – Thằng Cương cau mày, khẽ nạt.
– Nhưng…
– Nào, trật tự. Bây giờ tôi bắt đầu phát giấy, lát sẽ có đề cho các em.
Giọng nói lạnh lùng của cô Kim Anh đột ngột vang lên, cắt đứt sự ngập ngừng của tôi, vội nhét tập phao trở lại túi quần, tôi thở hắt ra một hơi, thầm mong mọi việc không trở nên quá bi đát.
Trống vào giờ điểm ba tiếng, cô Kim Anh bắt đầu phát đề cho cả lớp, nhìn những tờ đề thi lần lượt được phát ra, trống ngực tôi đập thùm thụp liên hồi, lòng bàn tay vã cả mồ hôi, miệng lầm rầm cấu khấn không ngừng.
Ở bên cạnh tôi, thằng Cương mặt xanh mét như tàu lá chuối, nhăn nhó dịch mông qua lại. Tôi cau mày nhìn nó, thì thào hỏi:
– Mày làm sao thế, trĩ à?
– Ngứa… – Nó vặn vẹo người, cau có đáp.
– Ngứa cái gì cơ? – Tôi ngẩn người ra, hỏi lại.
– Ngứa mông. – Nó gắt.
Tôi trợn mắt lên nhìn nó, cố nhịn cười hỏi tiếp:v
– Sao ngứa? Mọc mụn đầu đanh à?
– Cái tập phao dưới mông chọc vào… ngứa quá. – Thằng Cương đáp rồi lại dịch mông thêm lần nữa.
Tôi nhìn bộ dạng chật vật của thằng Cương, vội bụm chặt miệng, phải cố lắm mới không bò ra bàn mà cười, cái sự nghiệp thi thố cũng thật là gian nan quá đi mà…
Nhưng tôi cũng chẳng vui vẻ được bao lâu, cầm lấy tờ đề cô Kim Anh vừa phát, nụ cười trên môi tôi vụt tắt, bao nhiêu ảo tưởng ban đầu vỡ tan tành như bong bóng xà phòng.
Khẽ thở dài đánh thượt, tôi nhìn lại cái đề một lượt, mặt ỉu xìu như bánh đa nhúng nước, trong đề có đến 60% là tôi chưa học tí gì, lại thêm đôi mắt cú vọ cứ đảo như rang lạc kia nữa, lần này thì tôi chết không còn đường lui nữa rồi.
Tôi mếu máo nghĩ thầm rồi cố gắng gạt đau thương, cúi đầu xuống, cầm bút lên làm những câu đã ôn, thôi thì vớt vát được đến đâu hay đến đó vậy.
Làm xong hai câu hỏi hai điểm, tôi ngẩng đầu lên, nhìn đồng hồ, đã 20 phút trôi qua, không khí trong phòng thi vẫn im phăng phắc, thỉnh thoảng có vang lên một vài tiếng sột soạt nho nhỏ. Phần lớn mọi người đều đang cúi đầu làm bài chăm chú, một số thì giống như tôi, ngồi đực ra như phỗng, một số thì bạo gan lần mở phao, mắt len lén liếc nhìn cô Kim Anh, nhưng cứ vừa mở một tí lại sợ hãi gập vào khi bị đôi mắt cú vọ kia chiếu tới.
Tôi ngậm cái bút, xụ mặt xuống, trong lòng không ngừng rủa xả tên Thành Đông chết tiệt, chỉ giỏi ăn gian nói phét, cái gì mà không sao đâu, cái gì mà tin anh đi, tôi đúng là ngu như heo nên mới đi tin hắn.
Liếc mắt sang bên cạnh, nhìn cái bút bi bị cắn nát cả đầu cùng khuôn mặt chảy xệ như chó bull của thằng Cương, tôi chỉ biết thở dài đánh thượt, lòng thầm than cho số phận của những đứa có phao mà vẫn chết chìm.
Khi tôi đã gần như chấp nhận số phận, buông xuôi bài thi của mình thì bên ngoài cửa chợt truyền đến tiếng bước chân chậm rãi, tiếng ho nhè nhẹ vang lên trong không khí yên tĩnh. Không có việc gì làm, tôi quay đầu ngóng mắt ra ngoài cửa sổ hóng hớt, chợt ngẩn người khi thấy hắn.
Đáng lẽ giờ này hắn phải ở trong phòng thi mới đúng, sao lại chạy ra đây? Chẳng lẽ muốn đáp phao cho tôi? Nghĩ đến đây, tim chợt đập một cái đánh thịch, tôi nuốt nuốt nước bọt, len lén liếc nhìn hắn, trong lòng không khỏi cảm thấy rạo rực.
Nhưng trái với suy nghĩ của tôi, hắn chỉ lạnh nhạt liếc bộ mặt mừng rỡ như chó thấy chủ của tôi một cái, nhếch môi cười khinh khỉnh rồi… bước thẳng.
Trong lớp chợt nổi lên những tiếng xì xào to nhỏ, một số đứa không làm được bài giống tôi cũng hóng hớt nhìn theo bóng hắn, miệng không ngừng xuýt xoa. Tôi nghiến răng trèo trẹo, bụng tức anh ách nhưng cũng không nhịn được, tiếp tục đánh mắt dõi theo hắn.
Dưới hàng chục con mắt tò mò của quần chúng trong lớp, hắn chậm rãi đi qua cửa lớp tôi, nấn ná một lúc rồi bước thẳng, sau đó lại quay lại, giầy thể thao nện xuống nền nhà bôm bốp như cố gây sự chú ý.
Nghe tiếng xì xào đang ngày một lớn dần trong lớp, cô Kim Anh khẽ nhíu mày, dùng thước gõ lên bàn, lạnh lùng nhắc nhở:
– Trật tự.
Rồi cũng liếc mắt nhìn ra ngoài cửa. Vừa thấy hắn đứng ở cửa lớp, đôi mắt vốn đang nheo lại của cô chợt sáng bừng lên, giọng nói mang theo tia ngạc nhiên cùng trìu mến:
– Ủa, Đông đấy hả?
Trong lớp lại nổi lên những tiếng xì xầm, gõ mạnh lên mặt bàn hai phát, nhắc nhở chúng tôi thêm lần nữa rồi cô Kim Anh mới đứng dậy, chậm rãi bước ra cửa, nhìn hắn cười hỏi:
– Sao không ở trong phòng thi lại ra đây?
– Dạ, em thi xong rồi, có bài Toán khó quá, định đi tìm thầy Khánh nhờ thầy giải hộ. – Hắn đứng ở cửa lớp, gãi đầu cười bẽn lẽn khiến cả phòng thi lại được dịp nhao nhao lên. Nhìn khuôn mặt nai tơ, ngơ ngác như con chó lác của hắn, tôi nghiến răng vặn vẹo cây bút, trong lòng âm thầm phỉ nhổ.
– Nhờ ổng làm cái gì, để đấy cô xem cho. – Cô Kim Anh nhíu mày, quả quyết đáp. Trong trường có tin đồn cô Kim Anh và thầy Khánh dạy Toán ghét nhau có tiếng, xem ra tin đồn này là thật.
– Nhưng… cô đang trông thi mà. – Hắn khẽ nhíu mày, ngập ngừng nói.
– Không sao, cứ vào trong đây. – Cô Kim Anh đáp rồi cầm tập vở của hắn, chỉ lên bàn giáo viên.
– Dạ thôi, em ngại lắm, em đi hỏi thầy Khánh cũng được ạ.
– Ngại gì chứ, hay ra ngoài hành lang, cô xem cho cũng được. – Cô Kim Anh nói luôn rồi quay vào trong lớp, cất giọng nghiêm nghị – Cả lớp trật tự làm bài nhé, tôi ở ngoài này mà nghe thấy tiếng ai trao đổi hay nói chuyện là đánh dấu bài đấy.
Những tiếng dạ ran lần lượt vang lên, đứa nào đứa nấy vui như mở cờ trong bụng, sung sướng ngoác mồm cười toe toét, một số đứa thì tỏ vẻ không quan tâm, một số thì đang mải tiếc hận vì lúc nãy đã nỡ nộp phao.
Tôi đờ người, vẫn chưa dám tin vào mắt mình, không ngờ mọi chuyện lại thuận lợi đến như vậy, không chép vội, tôi để bút sang một bên, nghiêng đầu, dán mặt vào cửa sổ. Trên hành lang lớp học, hắn và cô Kim Anh đang đứng trao đổi bài tập, cô Kim Anh chăm chú nhìn đề bài hắn đưa, tay cầm quyển giấy nháp, viết lia lịa, chẳng mảy may chú ý đến tình hình trong lớp.
Khi tôi còn đang mải ngẩn ngơ, thì hắn bất chợt quay đầu lại, nhìn thấy tôi, hắn khẽ nhếch nhẹ khoé miệng, mấp máy môi nói:
“Chép đi”
Giây phút ấy, đột nhiên tôi thấy hắn còn đẹp trai hơn cả anh Tùng!
…
– Mày bị ngu hả Dương, chép đi còn đần mặt ra đấy làm gì?
Thằng Cương thấy tôi còn đang ngơ ngác bên cửa sổ thì quay sang, nhíu mày rít lên nho nhỏ.
– À ừ.
Tôi gật đầu lia lịa, vội vàng lôi phao ra, cầm bút chép như điên, tay ngoáy lia lịa, không dám dừng lại, vừa chép vừa dỏng tai lên nghe động tĩnh của cô Kim Anh, tim đập binh binh không ngừng.
Khi tôi vừa làm xong bài thì tiếng trống hết giờ cũng vang lên, thở phào một hơi, tôi quay sang trả lời thằng Cương mấy câu hỏi, sau đó cô Kim Anh vào thu bài, nhốn nháo một hồi, đến khi xong xuôi hết thảy, nhớ đến hắn, nhìn ra ngoài cửa sổ thì đã chẳng còn ai. Tôi khẽ thở dài đánh thượt, trong lòng không khỏi cảm thấy hơi hụt hẫng…
—————-
Tuần thi đầy mệt mỏi cuối cùng cũng kết thúc, ngoại trừ sự cố ngủ quên dẫn đến suýt chết chìm của môn Sinh, thì các môn còn lại tôi đều thuận lợi vượt qua, đặc biệt là môn Văn. Hôm ấy bút tôi lướt trên giấy trắng như ván trượt lướt trên tuyết, văn thơ lai láng chảy tồ tồ, tuôn ào ạt. Cuối cùng sau một hồi múa bút không ngừng nghỉ, tôi đặt dấu chấm hết bài ở cuối tờ thứ hai dưới con mắt kinh hãi của thằng Cương, thậm chí nó còn khăng khăng cho rằng Nguyễn Du vừa nhập hồn vào người tôi.
Trong một tuần này, vì bận thi nên tôi chẳng mấy khi gặp hắn nhưng lại suy nghĩ đến hắn nhiều hơn bao giờ hết. Những thay đổi trong suy nghĩ của tôi về hắn, sự tức giận vô cớ của hắn, nụ hôn trộm của hắn, sự quan tâm vừa dịu dàng vừa ấu trĩ của hắn, cả cái cách hắn vụng về tặng cho tôi chiếc bánh và những lời nói bóng gió của Hân.
Dù có ngốc đến mấy tôi cũng lờ mờ nhận ra được nhiều điều, nhưng vẫn không biết làm sao để xử lý những suy nghĩ quẩn quanh ngày một chất chồng ấy, tôi cứ như một đứa trẻ mới lớn, đang đứng trước một ngưỡng cửa mới của cuộc đời, vừa sợ hãi không dám bước vào lại vừa khao khát được khám phá nó.
…
Ngày thi cuối cùng vừa kết thúc, xóm nhà lá chúng tôi rủ nhau đi ăn chè chúc mừng cả lũ đã vượt qua kì thi một cách thuận lợi. Trống hết giờ vừa vang lên, ba đứa Cương, Hiệp và Phương đã ù té chạy ra quán chiếm chỗ trước, tôi và Phong chậm chân nên đành nối gót theo sau. Còn Băng thì không đi được vì đã có người nhà đến đón.
Vừa xốc lại cái balô nặng trĩu trên vai, tôi vừa cau có quay xuống giục Phong:
– Nhanh lên, nhanh lên, cậu chậm quá đấy!
– Sao phải nhanh? – Phong nhàn nhạt lên tiếng, chậm rãi bước từng bước, bộ dạng uể oải và lười nhác.
– Không nhanh chúng nó ăn hết mất. – Tôi suốt ruột đáp, không kiên nhẫn chạy đến kéo mạnh tay Phong.
– Cậu chỉ nghĩ được thế thôi à? – Phong cau mày, cốc vào đầu tôi một cái đau điếng nhưng cũng nâng chân lên bước nhanh hơn.
– Không nghĩ đến cái đấy thì nghĩ đến cái gì?
Tôi bĩu môi đáp, kéo mạnh tay Phong, dung dăng dung rẻ dắt đi như dắt một đứa trẻ, nhìn khuôn mặt đã đen sì lại vì tức và xấu hổ của cậu ta, tôi sung sướng cười rộ lên vui vẻ, lại được thể vung tay vung chân mạnh hơn.
– Dạo này có chuyện gì vui à? – Phong vừa chật vật bước theo sức kéo của tôi, vừa hỏi, đuôi mắt khẽ cong lên nhè nhẹ, đồng tử đen thẫm ánh lên ý cười nhàn nhạt.
– Thì vừa thi xong mà. – Tôi đáp, hơi cúi đầu, đá đá chiếc lá.
– Không phải, mấy hôm trước cũng thế. – Phong lắc đầu rồi khẽ hừ nhạt, nói thêm. – Cười nói liên tằng.
Tôi bật cười hì hì, quay xuống nhìn Phong, khẽ mím mím môi nhưng vẫn không nói gì, cậu ta cau mày, không kiên nhẫn hỏi tiếp:
– Rốt cuộc là có chuyện gì?
Nhìn thái độ khó chịu của cậu ta, tôi khẽ bĩu môi rồi lại mỉm cười, nghiêng nghiêng đầu nói:
– Này Phong, tôi hỏi nhé?
– Hỏi đi.
– Nếu một người vẫn luôn tỏ ra ghét cậu nhưng thật ra lại rất quan tâm đến cậu, hết cất công làm quà sinh nhật lại an ủi khi cậu buồn, rồi còn giải nguy lúc cậu gặp khó khăn nữa, như vậy cậu nói xem… có phải người đó cũng thích cậu đôi chút không?
Tôi vừa nói vừa tiếp tục kéo Phong đi nhưng không biết tự bao giờ cậu ta đã dừng hẳn lại, đứng lặng như bức tượng đá trên sân trường ngập nắng và gió. Giật mình, tôi quay đầu lại, vẫy vẫy tay trước mặt cậu ta nhưng Phong vẫn đứng ở đó, lẳng lặng nhìn tôi, khuôn mặt tuấn tú có chút ngây ngốc, hàng lông mi dài và dày bị nắng chiếu xuống tạo thành cái bóng hình quạt phủ lên một phần đôi mắt. Tôi gọi liền hai, ba tiếng nhưng Phong vẫn không có phản ứng gì, mãi một lúc sau mới khẽ thở dài, cất tiếng, giọng nói có chút buồn rệu rạo:
– Cuối cùng đứa trẻ như cậu cũng đã biết lớn rồi, chỉ là… cậu lại lớn vì người khác…
…
————-
Ăn xong bữa chè cùng những tràng cười no cả bụng, tôi vẫn phải đi về trường để đợi Hân, hôm nay nó phải ở lại để tập văn nghệ. Ngồi ở ghế đá chờ mòn cả mông, cuối cùng điện thoại cũng reo, liếc thấy cái tên Hân, tôi vội bắt máy ngay, nóng nảy kêu lên:
– Sao lâu…
Chưa dứt lời, giọng nói hổn hển và gấp gáp của Hân bất chợt vang lên khiến tôi giật mình, đờ cả người.
– Chị Dương ơi, cứu em… Ở sân vận động… Á…
Tiếng va chạm mạnh đột ngột vang lên cắt đứt giọng nói hỗn loạn của Hân, điện thoại chỉ còn vọng lại những tiếng “brừ… brừ” nhạt nhẽo.
Tôi hoảng hốt đứng bật dậy, lạnh cả người, rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra với nó? Bị bắt cóc, gặp rắn rết hay bị chó hoang đuổi? Cố gạt phăng những suy nghĩ đáng sợ ra khỏi đầu, tôi vơ lấy balô, ù té chạy đi tìm Hân. Trường tôi có tới ba sân vận động ở ba hướng khác nhau, khi tôi chạy đến sân vận động thứ ba thì cả người đã mệt lử.
Xốc lại cái balô, hớt ha hớt hải chạy vào, tôi chợt đứng khựng lại, mở to mắt, gần như chết lặng tại chỗ. Trong sân vận động nhỏ, Hân ngồi bệt trên nền cỏ bẩn thỉu, tóc tai rũ rượi, quần áo xộc xệch, bị vây xung quanh bởi ba, bốn đứa con gái xinh xắn nhưng mặt mũi bặm trợn.
Nếu là tôi của thời con nít, khi nhìn thấy cảnh này, chắc chắn sẽ xông vào mà không thèm suy nghĩ nhưng tôi của bây giờ, máu liều và độ ngu ngốc đều đã giảm đi ít nhiều. Cố gắng trấn áp cơn giận đang sôi ùng ục trong huyết quản, tôi hít mạnh một hơi, vừa dáo dác ngó xung quanh, vừa ấn số anh Tùng.
– Anh Tùng, anh Tùng, Hân nó đang bị mấy đứa con gái vây đánh ở sân vận động cạnh nhà B, anh đến đây đi. Nhanh lên nhé!
Điện thoại vừa kết nối, tôi đã làm một tràng súng liên thanh, ở bên kia, nhỏ Hân đang bị một đứa con gái túm mạnh tóc kéo dậy. Nhìn thấy cảnh này, tôi nghiến răng, ngắt luôn điện thoại, không thèm suy nghĩ gì cả, ngoác mồm ra hét rồi xông thẳng vào trong tư thế ngựa phi nước đại, trong đầu không ngừng gào thét:
“Dám đánh em tao à, tao cho chúng mày xem…”
————————-