Nhược Xuân Và Cảnh Minh

Chương 7



Đèn trong thư viện sáng chói, thế mà Đỗ Nhược lại gục xuống bàn ngủ thiếp. Cô mơ thấy mình lạc trôi đến nơi núi rừng hẻo lánh, trèo đèo lội suối, vượt mọi chông gai, vất vả lắm mới chạy ra được đường cái, nhưng nhóm bạn của cô đã lên tàu hỏa đi xa rồi. Trên đường chẳng có chiếc xe nào, cô sốt ruột đến độ quay như chong chóng, lúc suýt khóc thì giọng Hà Hoan Hoan truyền đến từ trời cao: “Tiểu Nhược, Tiểu Nhược.”

Đỗ Nhược choàng tỉnh, dụi mắt ngẩng đầu, mấy sinh viên khác đang thu dọn sách vở.

“Thư viện sắp đóng cửa rồi, về phòng thôi.”

“Sao không đánh thức mình sớm một chút?” Đỗ Nhược chán nản, cô còn chưa đọc sách xong nữa.

“Cậu mới ngủ mười phút thôi.” Hoan Hoan quan tâm, “Mình thấy cậu mệt phờ rồi.”

Hai người ôm sách đi về ký túc xá. Hạ Nam và Khưu Vũ Thần không ở trong phòng mà về nhà cả rồi, vì từ ngày mai là bắt đầu kỳ nghỉ Quốc khánh.

Hà Hoan Hoan hỏi: “Lễ Quốc khánh cậu có muốn đi chơi với mình không? Mình và mấy bạn học cấp Ba đi Thiên Tân.”

Đỗ Nhược đang cháy túi bèn từ chối: “Mình lười đi lắm, muốn ở lại ký túc xá ngủ thôi.”

Hà Hoan Hoan không ép: “Cũng được, nếu chán thì xem phim, dùng máy tính của mình này, mật khẩu là sáu số 0.”

“Ừ.”

Sáng sớm hôm sau Hà Hoan Hoan đã lên đường. Lúc Đỗ Nhược thức dậy, căn phòng chỉ còn lại mình cô. Cô đi ra sân thể dục luyện đọc tiếng Anh, sinh viên học bài buổi sáng cũng chỉ còn vài mống. Đỗ Nhược cụt hứng nên kết thúc buổi tự học sớm hơn bình thường.

Trong khuôn viên trường lác đác kẻ qua người lại. Có lẽ sinh viên được nghỉ lễ đều về nhà hết rồi. Con đường trường sạch sẽ thẳng tắp rợp bóng cây, gió thổi lay cành lá xào xạc. Thư viện và phòng học trống hoác, cửa sổ căng-tin đóng quá nửa, hành lang ký túc xá cũng tĩnh lặng như tờ.

Đỗ Nhược một mình đi lang thang trong trường, cô vẫn học tập nhưng không mấy hào hứng, tâm trạng ủ rũ một cách khó hiểu, vùng vẫy muốn thoát khỏi cái bóng của sự buồn chán, nhưng kết quả chỉ phí công.

Sợi dây cót căng quá mức cuối cùng cũng đứt lìa. Cô ngủ thẳng đến mười một giờ mới dậy, ngồi ở ban công ký túc xá, nhìn tán cây xanh mướt lay động trong cơn gió cả. Cô lặng yên nghe tiếng gió rít, ngắm ánh nắng nhảy múa trên ngọn cây bên ngoài qua lớp cửa kính, cảm giác thật bất lực khi thời gian cứ thế trôi qua một cách phí hoài.

Trước khi lên đại học, dù nhà có nghèo mấy, cô cũng chưa từng cảm thấy mình hèn mọn, thậm chí cô còn đạt được thành tích đáng tự hào nữa. Thế nhưng hôm nay…

Cô dốc hết sức học hành, theo đuổi nhịp sống của những người cùng trang lứa. Trông thì có vẻ cùng một vạch xuất phát đấy, nhưng thật ra họ đã vượt qua cô những mấy vòng rồi, mà lại không tốn nhiều hơi sức nữa chứ.

Thế mà cô vẫn mơ mộng xa vời về cuộc sống tương lai, muốn được trang điểm xinh đẹp như Hạ Nam, vui chơi nhàn nhã như Khưu Vũ Thần, và thưởng thức món ngon như Hà Hoan Hoan. Thậm chí còn ước mong được trải nghiệm một tình yêu kỳ diệu như Mẫn Ân Trúc. Nghĩ đến đây, lồng ngực cô quặn lại, nghèn nghẹn nỗi chua xót.

Đỗ Nhược đứng phắt dậy đi đến cửa phòng. Hôm tựu trường Hạ Nam đã mua một chiếc gương to treo sau cánh cửa.

Cô gái trong gương để tóc ngắn ngang tai, da dẻ vàng vọt, gò má gầy hóp, chân mày nhợt nhạt, môi tái mét, sức hút bằng không. Dáng người lại gầy đét hệt như cọng giá èo oặt.

Đỗ Nhược tự nhìn mình chốc lát, giống như thấy được hàng mày Cảnh Minh chau lại hồi lần đầu gặp cô, nhất thời xấu hổ không chịu được, lập tức quay đầu đi.

Đến chiều ngày nghỉ lễ thứ ba, dì Minh Y gọi điện thoại đến bảo cô đến nhà dì chơi. Đỗ Nhược đang do dự thì nghe dì ấy nói trong nhà không có ai, than vắng lạnh quá, thế là cô liền đồng ý.

Cô ăn mặc chỉnh chu, đi tàu điện ngầm mất năm mươi phút. Đây là lần đầu tiên trong đời cô sử dụng loại phương tiện này, ban đầu còn thấy thú vị, đến sau thì hoảng sợ, mỗi lúc tàu vào trạm nào đấy, cô toàn bị dòng người chen lấn suýt thành chiếc bánh kẹp xẹp lép.

Cô lại về đến căn biệt thự như hộp châu báu trên bãi cỏ ngay đúng bữa tối, trong phòng ăn đèn sáng rực rỡ, không có chú Cảnh và Cảnh Minh.

“Chú không ở nhà ạ?”

“Chú đi Thâm Quyến công tác rồi.”

“Lễ Quốc khánh mà không được nghỉ ạ?”

Dì Minh Y cười lắc đầu. Đỗ Nhược không hỏi đến Cảnh Minh, vậy mà dì vẫn nói: “Cảnh Minh đấy, nó đã sớm dẫn đám em trai, em gái chạy đến Seychelles chơi rồi.”

Đỗ Nhược không biết Seychelles là chỗ nào, thành phố hay là quốc gia, thế nên không tiếp lời.

“Ở trường con có gặp Cảnh Minh không?”

Đỗ Nhược cố ý nói giảm nói tránh: “Có gặp một hai lần ạ.”

“Có gặp bạn gái nó không?”

Câu hỏi này lạ quá, Đỗ Nhược cân nhắc vài giây, nghĩ rằng nói thật cũng không sao: “Từng gặp ạ.”

“Thấy thế nào?” Dì Minh Y mỉm cười.

“Xinh lắm ạ.”

Dì vẫn cười: “Ừ, xinh thì có xinh.”

Đỗ Nhược thoáng phát hiện, dì ấy không thích Mẫn Ân Trúc thì phải.

Đúng là Minh Y không thích cô bé đó, thế nhưng thằng trời đánh Cảnh Minh này thời đi học trẻ trâu quá, lúc nào cũng chỉ muốn nổi loạn. Tính tình hai đứa nó cũng không tốt lành gì, theo lý thì không hợp nhau, nhưng càng phản đối thì chúng càng bám chặt, kết quả đến bây giờ vẫn còn quen nhau. Ôi nhắc đến là đau đầu!

Dì Minh Y cằn nhằn: “Con mới gặp nó một hai lần đã gặp bạn gái nó rồi, xem ra con bé đó thường xuyên đến tìm nó đây.”

Đỗ Nhược á khẩu. Toi rồi, không phải mình gây họa rồi chứ? Dì ơi, tuyệt đối đừng nói chuyện này với Cảnh Minh đấy. Cô thật sự không muốn chọc vào “ổ kiến lửa” đâu.

Minh Y không nói sâu vào vấn đề này nữa: “Con ở trường nếu gặp phải chuyện gì khó khăn thì cứ tìm Cảnh Minh giúp đỡ nhé.”

“… Dạ.”

“Ăn nhiều một chút, nào, gắp thêm miếng cá đi.”

“Con đang ăn ạ.”

“Còn món thịt bò này cũng ngon lắm. Đúng rồi con có gọi điện cho mẹ con không?”

“Mỗi tuần con đều gọi hai lần.”

“Con bé hiếu thảo, mẹ con khỏe không?”

“Khỏe ạ, mẹ còn gửi lời hỏi thăm dì đấy.”

“Dì cảm ơn. Cuộc sống ở trường thế nào, đã quen chưa?”

Bữa cơm kết thúc trong cuộc trò chuyện chan hòa của hai dì cháu. Đêm đó Đỗ Nhược ở lại nhà họ Cảnh. Minh Y nói trong nhà không có ai, bảo Đỗ Nhược ở lại với bà vài ngày. Cơ mà qua ngày hôm sau, bà phải vào công ty xử lý việc gấp, cả ngày không thấy bóng dáng đâu.

Đỗ Nhược giúp thím Trần quét dọn nấu cơm, giúp chú Trần tưới hoa cắt cỏ, cũng không hề ăn không ngồi rồi. Trở về trường sẽ khiến cô ngột ngạt không thở nổi, ở đây thư giãn vài ngày cũng tốt.

Minh Y về nhà thấy áy náy nên hôm sau đưa cô đi chơi. Họ dạo phố, ăn uống, mua quần áo giày dép, thân thiết như hai mẹ con. Trái lại nhân viên bán hàng trong trung tâm thương mại không ai nhận nhầm họ là mẹ con cả. Dì Minh Y rất đẹp, cử chỉ tao nhã, ăn mặc sang trọng. Đỗ Nhược thì mộc mạc đơn giản, trên mặt hiện rõ vẻ hiếu kỳ với những thứ mới lạ và cảnh vật xung quanh, nhìn ngang nhìn dọc cũng không giống người một nhà, không chừng là bà con xa ở quê mới lên.

May mà Đỗ Nhược không dè dặt, nhút nhát khi ở bên cạnh dì Minh Y, còn dì ấy tuy hàng ngày chỉ tiếp xúc với cấp dưới, đối tác hoặc bạn bè cùng độ tuổi, ấy thế mà nói chuyện lại dí dỏm hệt thanh niên, không khí vô cùng vui vẻ.

Hai người ngồi ăn kem trong trung tâm thương mại, nhìn người qua kẻ lại.

Đỗ Nhược tâm sự: “Từ lúc con đến Bắc Kinh, đến bây giờ mới ra khỏi trường đấy ạ. Cuối tuần cũng phải học đến tối mắt tối mũi.”

“Dì cũng lâu lắm rồi chưa đi dạo phố.”

“Công việc dì rất bận sao?”

“Không có ai đi cùng. Chú con bận thì cũng thôi, còn Cảnh Minh là con trai nên cũng không được chu đáo như con gái.” Minh Y than thở, “Hồi bé thì còn bám lấy mẹ, lớn rồi lại chê mẹ phiền. Thằng nhóc đó, lúc bé còn dụ được nó cùng đi dạo phố, bây giờ có mười con trâu kéo nó cũng không đi. Ngày trước vẫn đáng yêu hơn, lớn lên không chịu nghe lời, tính tình khó ưa, hễ tí là cáu gắt. Dì sợ nó luôn… Biết vậy hồi đó sinh con gái nhỉ?”

Đỗ Nhược bị dì ấy chọc cười rôm rả.

Minh Y nghĩ lại: “Mà thôi, như nhau cả, trẻ con bây giờ được nuông chiều từ bé, chẳng đứa nào ngoan hiền.”

Minh Y dẫn Đỗ Nhược vào một cửa hàng đồ lót mà họ tình cờ ngang qua, cô ngượng ngùng xấu hổ, còn chưa kể giá cả quá chát.

“Áo lót luôn mặc sát vào người nên không thể ẩu tả mua đại đâu, không chỉ vậy, còn giúp toát lên nét đẹp nữ tính nữa. Áo ngoài đắt thế nào đi nữa, áo lót không tốt thì cũng như chiếc hộp nhựa rẻ tiền được bọc bởi lớp vỏ tinh xảovậy. Chọn áo lót đi con, đúng vậy, đây chính là món quà dành riêng cho con gái đấy.” Bà vừa dạy bảo vừa đẩy Đỗ Nhược vào phòng thử đồ.

Lúc Đỗ Nhược cởi đồ ra, nhớ đến lời dì Minh Y nói, đây cũng là một kiểu “sống hết mình” đúng không!

Thời điểm xách đồ đạc lỉnh kỉnh trở về, Minh Y còn mua cho Đỗ Nhược mấy lọ mỹ phẩm dưỡng da: “Tiểu Nhược, con gái nhất định phải chăm sóc da biết không? Theo đuổi cái đẹp không nhất thiết là cho người ta ngắm, mà là khiến bản thân vui vẻ.”

Đỗ Nhược lơ tơ mơ gật đầu.

Về đến nhà, tính toán lại đồ đạc đã mua hôm nay, tổng thiệt hại không nhỏ chút nào. Đối với Minh Y chỉ là một hạt cát giữa sa mạc rộng lớn, nhưng Đỗ Nhược vẫn âm thầm ghi vào sổ, còn viết thêm một câu: “Sống hết mình, sống thật vui vẻ.”

Hai người cùng nhau trải qua những ngày nghỉ lễ êm ấm còn lại, khi thì trò chuyện với nhau, có lúc lại cùng làm việc. Xế chiều hôm nay, Minh Y đang ngồi co cuộn trên sô pha uống trà đọc sách, Đỗ Nhược nhìn thấy thùng sách mới mua bên cạnh chiếc kệ nên định giúp dì ấy sắp xếp gọn gàng lên giá.

Minh Y thấy vậy liền bảo: “Tiểu Nhược, tìm giúp dì quyển sách Chúng sinh yên giấc (1) đi, ở trong thùng đấy.”

(1) Chúng sinh yên giấc có tên tiếng Anh là While Mortals Sleep do nhà văn kiêm nghệ sĩ hài của Mỹ là Kurt Vonnegut sáng tác.

Đỗ Nhược lục tìm: “Không có ạ.”

Minh Y nhớ lại: “Vậy chắc ở trong phòng sách của Cảnh Minh rồi, phòng ở trên tầng, con đi tìm xem.”

“…Vâng.”

“À đúng rồi.” Dì Minh Y dời mắt khỏi quyển sách, “Chỉ lấy sách thôi, đừng chạm vào đồ trong phòng của nó, dù chỉ là một trang giấy nhé con.” Bà nhún vai, nở nụ cười đầy tình cảm, “Thằng nhóc đó sẽ tức giận đấy.”

Đỗ Nhược gật đầu như gà mổ thóc, cảm giác căng thẳng ngập tràn.

Cô lên tầng ba, đẩy cánh cửa phòng đầu tiên, sàn gỗ với những đường vân màu xám trắng, chiếc bàn trắng muốt vừa dài vừa hẹp, bức tường thuần một màu xanh lam. Trên tường dán rất nhiều giấy vẽ, có bản thiết kế robot, bản vẽ mạch điện tổ hợp.

Trên bàn bày la liệt các thiết bị điều khiển robot, động cơ điện servo (2), và một xấp giấy nằm la liệt, đa phần là bản vẽ nháp và vài dòng viết láu.

(2) Servo là thiết bị truyền động quay hoặc truyền động tuyến tính, cung cấp lực cần thiết để di chuyển thiết bị theo yêu cầu của ứng d ụ ng, được ví như “cơ bắp” của hệ thống điều khiển chuyển động. Động cơ Servo được dùng trong các ứng dụng như robot, sản xuất tự động, máy móc hoạt động bằng lập trình trên máy tính.

Có mấy cục giấy nằm trên sàn, tập trung bên cạnh giỏ rác, chắc hẳn người ngồi trên ghế vo tròn tờ giấy ném vào giỏ rác rồi, có cái trúng có cái văng ra ngoài.

Đỗ Nhược ngẩn ngơ chốc lát mới nhớ ra mình vào đây để tìm sách. Cô quay đầu lại nhìn về phía kệ sách màu đen phủ kín cả bức vách, được bày đầy sách và mô hình tự chế trên đó.

Căn phòng đậm chất học thuật khiến cô ngây dại chết lặng. Đầu bên kia kệ sách, vị trí gần ban công xếp bảy tám con robot với kích cỡ và hình dáng khác nhau, trông lóa hết cả mắt, thậm chí có luôn robot hình người nữa.

Cô rất muốn qua đó xem thử, nhưng chân không nhấc lên được. Rõ ràng trong phòng không một bóng ai, vậy mà cô lại không dám đi lung tung dù chỉ một bước.

Giờ khắc này cô bỗng như trở về giây phút ban đầu khi nhìn thấy Cảnh Minh ở ga tàu hỏa. Cậu cao sang quyền quý không thể với tới, cô nhếch nhác gượng gạo, nghèo xác nghèo xơ.

Có một thùng giấy chứa đầy sách mới ở cạnh chân cô, vừa liếc mắt đã thấy quyển Chúng sinh yên giấc mà dì Minh Y cần tìm.

Ngoài hành lang đột ngột vang lên tiếng bước chân của con trai hướng thẳng về phía này. Đỗ Nhược sợ khiếp vía cầm sách đi thẳng ra ngoài, đâm vào Cảnh Minh đúng lúc mở cửa đi vào.

Cảnh Minh không ngờ cô lại ở đây, sửng sốt giây lát, bắt đầu cau có: “Ai cho cô vào đây?”

Đỗ Nhược bất giác run bần bật: “Mẹ cậu bảo tôi vào đây lấy sách.” Cô vội vàng đưa quyển sách lên chứng minh trong sạch.

Ánh mắt Cảnh Minh lạnh lùng phóng qua khỏi đỉnh đầu cô, nhìn lướt một vòng trong phòng, rồi đẩy cửa ra, nghiêng người: “Ra ngoài đi!”

Đỗ Nhược vòng qua người cậu, phắng vội ra hành lang, đằng sau “ầm” một tiếng, cánh cửa đóng sầm lại.

Mãi cho đến giờ cơm tối, Cảnh Minh mới xuống lầu.

Chú Cảnh cũng trở về, lặp lại màn hỏi thăm tình hình cuộc sống và học hành của Đỗ Nhược: “Gặp vấn đề gì trong trường thì cứ tìm Cảnh Minh giúp đỡ nhé con.”

Đỗ Nhược chỉ đành gật đầu. Cảnh Minh ung dung ăn cơm như không hề nghe thấy.

Cảnh Viễn Sơn nhăn mày: “Cảnh Minh.”

Cậu thờ ơ đáp: “Gì ạ?”

“Ba nói mày có nghe không?”

“Con trai ba bận tối mắt tối mũi, cô ta đâu phải học sinh tiểu học, lớn ngần này còn cần người khác chăm sóc cho à? Con cũng cần người chăm sóc đấy.”

Cảnh Viễn Sơn trừng mắt nhìn cậu, nhưng không trách móc: “Mày thì bận cái gì? Bảo mày về nhà cũng không về. Mới tựu trường làm gì bận đến thế? Đừng để ba phát hiện mày gây chuyện bên ngoài.” Rồi quay sang nhìn Đỗ Nhược.

Đỗ Nhược vắt óc đỡ lời cho cậu: “Chú, chương trình học của bọn con nặng lắm, nội dung lại phức tạp, thật sự… rất bận ạ.”

Cảnh Minh không hề cảm kích.

Cảnh Viễn Sơn lặng im một hồi mới lên tiếng: “Nếu học hành thì còn được, chỉ sợ nó thấy không có ba mẹ quản thúc liền chơi bời suốt ngày thôi. Ôi, nếu nó học được một nửa tính tự giác của con thì tốt biết mấy.”

Đỗ Nhược cực kỳ lúng túng, liếc sang Cảnh Minh, vậy mà cậu vẫn điềm nhiên, không chút đoái hoài. Lát sau cậu mới hỏi: “Ba đã mua chiếc xe con thích chưa?”

“Đang vận chuyển bằng đường biển từ nước ngoài về đây. Ba mày tốn bao nhiêu công sức mới mua được, mày không được phá hư đâu đấy.”

“Phá hư rồi sẽ báo cáo với ba.” Cảnh Minh trả treo.

Cậu ăn xong liền buông đũa, đứng dậy đi ra ngoài, ngồi thu lu trên sô pha bấm điện thoại di động, không biết đang trò chuyện với ai, vẻ mặt dần lộ nét tươi vui. Không lâu sau cậu lại nói: “Con đi ra ngoài một chút.”

Dì Minh Y: “Đi đâu?”

“Đi chơi với bạn.”

“Vậy dẫn luôn Tiểu Nhược đi chung đi.”

Cảnh Minh trố mắt.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.