“Nỉnh đăng” hay còn gọi là “lên ngựa” là một trong những nghi lễ an táng cổ xưa nhất của người dân tộc nơi đây. Theo tục khi một người qua đời, thân nhân sẽ tắm rửa sạch sẽ cho người đó. Sau khi chải chuốt xong xuôi, họ dùng một chiếc ván gỗ đem thi thể người chết đặt giữa nhà rồi con trai trưởng nhanh chóng đi mời Dở mủ (thầy cúng chỉ đường) về làm lễ “khai kế” đưa đường chỉ lối cho linh hồn người chết về với tổ tiên.
Đây là nghi lễ không thể thiếu được trong bất cứ đám tang nào. Gia đình sẽ chuẩn bị một cây nỏ “nỉnh”, một con dao và một con gà để làm lễ với ý nghĩa con dao là dụng cụ phát đường, cây nỏ làm vũ khí để bảo vệ, còn con gà là vật dẫn đường cho linh hồn xuống dưới âm ty. Sau khi thầy Dở mủ làm lễ xong, tiếng trống, tiếng khèn lại tiếp tục thổi các bài khèn “khai kế” để chỉ lối tiễn đưa người chết sang thế giới bên kia.
Tiếp đó, người ta đưa thi thể người chết lên treo ở gian giữa nhà, hay còn được gọi là đưa lên ngựa “nỉnh đăng”. Họ quan niệm rằng, trong bảy ngày sau khi người chết qua đời, linh hồn vẫn sẽ ở lại trần thế. Vì thế nên trong những ngày này, người nhà phải đối xử với người chết như khi họ vẫn còn sống. Đến bữa cho ăn, đến đêm trò chuyện, thậm chí vào ngày nắng đẹp còn phải đem xác đi phơi nắng. Làm vậy để giảm tốc độ phân hủy của cơ thể, đến tròn thất tuần mới đem chôn. Vậy nên lễ ma chay này còn có một tên gọi khác là “táng khô”.
Vâng lời ông Tu mọi người tất bật chuẩn bị tang lễ cho hai con người xấu số. Vốn xác A Páo nên được đưa về nhà nhận mặt ma nhà. Song ông Tu lại bảo người chết vào giờ đại hung, nếu đưa về sẽ tích tụ âm khí đem đến tai họa cho gia chủ. Thế nên sau một hồi bàn bạc, tất cả đều thống nhất sẽ làm lễ “khai khế” ngay tại bãi đất này.
Thầy Dở mù trong bản cũng do chính ông Tu đảm nhiệm, thế nên lời ông nói ra rất có trọng lượng. Sau một hồi cúng bái cùng kèn trống xong xuôi, tất cả đều giải tán ai về nhà đấy. Ngay cả người thân của nạn nhân cũng không được ở lại qua đêm.
Thấy vậy mặc dù còn chút hiếu kỳ song ba chúng tôi cũng thống nhất đi về. Bấy giờ chỉ còn lại hai cái xác phủ vải trắng vẫn nằm đấy.
Ánh trăng lạnh lẽo phủ xuống vạn vật, mang theo cái cảm giác thê lương đến cùng cực. Đi được một đoạn tôi không kìm lòng được ngoái đầu nhìn về phía gò đất. Nhưng chủ vừa liếc mắt đã giật nảy mình.
Có một cái bóng trắng đứng lù lù ở đó!
Hay đúng hơn là một đứa con nít! Ngay lập tức tôi dừng hẳn lại, nheo mắt cố nhìn cho rõ. Không hiểu sao tôi cảm thấy người đó rất quen thuộc. Anh Lâm thấy thôi không đi tiếp thì hỏi:
“Hòa, em sao thế?”
Tôi không đáp, tâm trí như bị bóng người kia thu hút liền chạy về hướng đó. Anh Lâm thấy biểu hiện kỳ lạ đó của tôi cũng lập tức đuổi theo.
“Hòa! Hòa ơi!”
Không hiểu lúc đó tôi lấy sức lực đâu ra mà chạy rất nhanh, ngay cả một người đàn ông khỏe mạnh như anh Lâm cũng không đuổi kịp. Càng đến gần chỗ cái xác tôi càng trông rõ người kia. Đâu phải ai khác chính là con bé mắt mèo đó!
“Mày đang làm cái quái gì thế!?”
Tôi hét lên khi thấy đứa nhỏ sờ lên tấm vải phủ người chết. Nó dường như có chút giật mình hậm hực nhìn tôi, cái nhìn của nó khiến tôi cảm nhận được sự uy hiếp chợt lùi lại. Vừa đúng lúc anh Lâm chạy đến, thấy con bé anh hỏi:
“Con cái nhà ai sao còn đứng đây giờ này?”
Không một ai đáp lại, không khí căng thẳng tột độ. Anh Lâm định tiến lại chỗ đứa bé, chợt nó quay người bỏ chạy vào rừng. Anh khó hiểu đứng như trời trồng ở đó, ngay cái chỗ ban nãy nó đứng nhìn xác chết.
Một cơn gió lạnh buốt thổi đến làm tôi rùng mình. Khi nãy do kích động quá mà tôi quên mất sự đáng sợ của con bé đó. Tôi bước đến vội kéo anh Lâm đi về, anh thắc mắc hỏi:
“Có chuyện gì thế em?”
Tôi cố nặn ra một nụ cười cứng đờ đáp:
“Không có gì đâu anh, em sợ trẻ con nó nghịch dại ấy mà.”
Anh Lâm không hỏi thêm nữa, cả hai quay lại đường cũ đúng lúc gặp Hoài Ân đang đi xuống.
“Sao cậu chạy nhanh thế làm mình đuổi mệt hết cả hơi.”
Tôi nghe vậy cũng chỉ xin lỗi qua loa chứ chẳng còn tâm trí đâu mà chuyện trò tiếp. Hai người bạn thấy tâm trạng tôi bất ổn cũng hiểu ý im lặng. Cứ như vậy cả đường về chẳng ai nói thêm câu nào nữa.
…
Đã từng có một khoảng thời gian tôi rất hận con bé ấy, vì trong thâm tâm tôi vẫn luôn cho rằng, mọi chuyện xui xẻo xảy đến với mình đều do nó mang lại. Nhưng phải thật lâu, thật lâu sau tôi mới ngộ ra được. Sở dĩ đứa nhỏ chẳng có lỗi gì cả, chỉ là do tính cách trẻ con của tôi ngộ nhận mà thôi. Chính sự thiếu trách nhiệm và bồng bột ấy đã khiến tôi phải trả cái giá đắt bằng tính mạng của những người thân yêu.