Type: Thạch Thảo
[2]
Đầu xuân mà trời vẫn lạnh lẽo vô cùng.
Khi gió thổi vang vọng trong thung lũng, hơi lạnh cũng thấm dần vào xương cốt người ta.
Dù là Quan Ký Y nổi tiếng cần cù chăm chỉ, lúc này cũng chỉ ngồi yên trên sàn nhà trải chiếu cói trong gian chính, tựa lưng vào ghế dựa, trên đầu gối có một cuốn cầm phổ được mở ra, nàng đang cố cưỡng lại cơn buồn ngủ. Ký Y khoác trên người một bộ y phục rất dày. Tiếng nhạc cổ xưa ngân vang trong đầu nàng, đầu ngón tay lạnh đến tê cứng của nàng không hề nhúc nhích.
Mi mắt Ký Y ngày càng díu lại, cơn buồn ngủ từ từ kéo tới. Vì chưa ôn lại khúc nhạc mới học nên nàng không muốn quay về phòng để ngủ.
Một tràng tiếng đập cửa đã xua tan cơn buồn ngủ của nàng.
Cửa viện cách gian chính khoảng ba mươi bước, tuy gió vẫn rít gào song có thể nghe thấy tiếng đập cửa rất rõ ràng, không mạnh nhưng vô cùng gấp gáp.
Ký Y đứng dậy chỉnh lại áo choàng trên người mình xong, bèn ra khỏi gian chính, đi về phía cửa viện.
Sau khi mặt trời lặn, trời đã đổ một trận tuyết nhỏ, lưng núi và đất bằng đều nhuốn màu trắng bạc. Sân viện nhà Ký Y cũng không phải ngoại lệ, cho dù trăng sao đều đã bị mây mù che khuất, chỉ có ánh nến mờ nhạt trong gian chính hắt ra sân thì lớp tuyết đọng mỏng manh vẫn được phản chiếu sáng lên như ánh trăng.
Có lẽ vì đã nghe được tiếng bước chân, người bên ngoài không đập cửa nữa. Ký Y nghe thấy tiếng thở hổn hển của đối phương, bèn hỏi thử:
“…Nhã Anh?”
“Ký Y tỷ…”
Quan Ký Y vội gỡ then cài rồi mở cửa ra.
Khi ấy Quan Nhã Anh mới mười ba tuổi cứ thế ngã thẳng vào lòng Ký Y, dáng vẻ hồn bay phách lạc. Lúc Ký Y đỡ đường muội* đã không còn hơi sức vào gian chính thì phụ thân Quan Vô Dật và muội muội Giang Ly của Ký Y cũng vội bước tới.
(*)Em gái họ bên nội.
Quan Vô Dật hỏi Nhã Anh rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì nhưng Nhã Anh chỉ vùi đầu giữa hai cánh tay Ký Y, co mình lại mà không hề đáp lời. Cuối cùng bọn họ đành để Ký Y thì thầm hỏi bên tai Nhã Anh, Nhã Anh mới nói ra sự tình với giọng nhỏ như muỗi kêu.
“Bị phụ thân…đánh…”
Bấy giờ Ký Y mới để ý, rõ là trời lạnh như vậy mà Nhã Anh chỉ mặc một chiếc áo mỏng, phần áo trắng dính chặt vào lưng Nhã Anh còn nhuốm đầy vết máu.
Nàng xin phụ thân cho Nhã Anh ngủ lại, sau khi ông đồng ý nàng liền dìu đường muội về phòng mình. Phòng của Ký Y cách gian chính một quãng, nàng đành cởi áo choàng của mình khoác lên người Nhã Anh, sau đó lại bảo Giang Ly đi lấy ít y phục cho Nhã Anh tắm rửa thay đồ.
Quay về đến phòng, Ký Y cởi y phục giúp Nhã Anh kiểm tra một thoáng, thấy trên người Nhã Anh từ lưng đến giữa đùi chằng chịt vết roi. Làn da của Nhã Anh thực sự giống với chiếc áo trắng mỏng mà nàng khoác trên người ban nãy, những vết roi đan vào nhau ngang dọc. Nơi bị thương nặng da thịt đã rách ra, nơi bị thương nhẹ cũng sưng đỏ bầm tím.
Bá phụ Quan Vô Cữu quả thực rất nghiêm khắc với con cái, mà Nhã Anh cũng quả thực là một đứa trẻ ngỗ nghịch. Từ nhỏ nàng đã cùng học các nghi thức lễ bái thờ cúng với huynh trưởng*, cũng được kỳ vọng rằng sau này có thể trở thành Vu nữ** tham dự vào các nghi thức quốc lễ của vương triều Hán.
(*)Anh cả, con cả trong nhà. Huynh trưởng ở đây chỉ Thượng Nguyên.
(**)Nữ pháp sư, nữ tư tế, nữ phù thủy lo việc thờ cúng, tế bái thời xưa.
Trong ấn tượng của Ký Y, không phải lần đầu tiên Nhã Anh phải chịu những trận đòn thế này. Bá phụ là người rất nóng tính, thường thì không chỉ đánh Nhã Anh mà còn nhốt nàng trong nhà kho ở sau nhà một đêm mới nguôi giận. Ca ca của Nhã Anh là Thượng Nguyên từ nhỏ cũng được dạy dỗ bằng đòn roi như vậy, cuối cùng tính tình mới trở nên rụt rè nhút nhát, chưa bao giờ dám làm trái ý cha.
Nếu so với bá phụ Vô Cữu thì phụ thân của Ký Y – Quan Vô Dật đối xử với ba cô con gái của mình hiền hòa hơn nhiều. Có lẽ vì Quan Vô Cữu vốn là con trưởng, từ nhỏ đã được coi như người thừa kế chính thống của gia tộc, ông học tập cực kỳ khắc khổ, nên không những am hiểu về lễ cổ nước Sở mà còn thông thấu cả lễ thư của nhà Nho. Thân là con thứ, Quan Vô Dật cũng khá có lỗi với cái tên của mình*, bởi thời trẻ ông chỉ bận giao du bạn bè nên đã phí hoài rất nhiều thời gian.
(*)Vô Dật nghĩa là không lười biếng, không nhàn hạ.
“Nhã Anh, muội lén chạy tới đây sao?”
Ký Y vừa hỏi vừa lau vết thương cho nàng.
Nhã Anh nhịn đau khẽ gật đầu, Ký Y thấy vậy không kìm được nước mắt, những giọt lệ mặn đắng nhỏ vào vết thương khiến Nhã Anh khẽ kêu “a” một tiếng, Ký Y không biết ấy là tiếng than vì đau đớn hay là tiếng lòng của Nhã Anh trước sự đồng cảm của nàng. Song nàng cũng chẳng biết làm thế nào để thay đổi số mệnh của Nhã Anh, đành ngồi trông Nhã Anh chịu khổ.
“Sao bá phụ lại đối xử với muội như thế?”
Ký Y hỏi gần như vô thức. Lần này Nhã Anh lắc đầu, có thể ý của nàng ấy là “không biết”, hoặc cũng có thể là “không muốn nói”, dù sao Ký Y cũng không hiểu. Cuối cùng Nhã Anh cũng bật khóc. Bên ngoài không có tiếng côn trùng râm ran mà chỉ văng vẳng tiếng gió và tiếng khóc nức nở của hai người con gái.
“Không lẽ bá phụ lại nhốt muội vào nhà kho?”
“Lúc nào cũng thế…”
“…”
Bấy giờ muội muội Giang Ly mang đồ cho Nhã Anh vào phòng.
Ngày ấy Ký Y mười sáu tuổi còn Giang Ly mới mười bốn tuổi.
Là đường tỷ, Giang Ly luôn được cha mẹ căn dặn phải nhường nhịn Nhã Anh, còn cha của Nhã Anh thì luôn dạy con gái phải kính trên nhường dưới. Tuy nhiên cuối cùng hai cô bé đều hiểu lời dạy của người lớn theo hướng có lợi cho mình, từ nhỏ Giang Ly luôn lấy danh nghĩa trưởng bối để bắt nạt Nhã Anh, còn Nhã Anh thì phản công lại mà chẳng hề kiêng nể. Giang Ly giống phụ thân Vô Dật của mình ở rất nhiều mặt, cũng không am hiểu về thuật lễ bái, bởi vậy nàng luôn tự ti trước Nhã Anh. Có điều cách thức nàng dùng để che giấu sự tự ti của mình là đối đầu với Nhã Anh gay gắt hơn.
Chuyện xảy ra vào ba tháng trước, Giang Ly bị Nhã Anh chế giễu tư thế khi chấp lễ, bèn giận dỗi nói xấu Nhã Anh với bá phụ, hại Nhã Anh bị phụ thân cho một trận đòn đau vào đêm hôm đó. Nhã Anh cũng biết vì Giang Ly mách lẻo nên mình mới bị đánh, bởi vậy ba tháng nay luôn trốn tránh Giang Ly, cũng không nói với Giang Ly lấy một câu.
Giang Ly đi vào phòng, Nhã Anh vẫn không để ý đến nàng ta mà chỉ lấy chiếc áo choàng vốn khoác trên người che trước ngực, không muốn để Giang Ly nhìn thấy thân thể hãy còn dậy thì của mình. Giang Ly bước tới nắm chặt lấy tay Nhã Anh, nói xin lỗi hết lần này tới lần khác.
“Xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi…”
Nghe được lời xin lỗi của Giang Ly, Nhã Anh hoảng hốt nhắm mắt lại. E rằng khi bị đánh mắng, nàng cũng không ngừng nói “xin lỗi” để phụ thân nguôi giận, bởi vậy mấy từ này lại gợi nhớ về hồi ức không vui của nàng.
Ký Y nghĩ ràng đây là cơ hội tốt nhất để hai người làm hòa, mà vừa hay vết thương cũng được xử lý xong, bèn dặn muội muội trông nom Nhã Anh cho tốt, còn nói mình sẽ báo lại với bá phụ, không để cả nhà họ phải lo lắng về Nhã Anh. Vì muốn Nhã Anh yên lòng, Ký Y hứa sẽ xin bá phụ cho Nhã Anh ở lại đây mấy hôm.
“Đừng đi…”
Ký Y không nghe theo lời Nhã Anh mà biến mất sau cửa, còn Giang Ly thì lẳng lặng giúp Nhã Anh thay một bộ y phục mềm mại.
Thực ra sau khi Ký Y qua đời, người luôn quan tâm chăm sóc cho Nhã Anh vẫn là Giang Ly.
Sau khi kể lại mọi chuyện với phụ thân, Ký Y bèn lấy một chiếc đèn lồng rồi đi về phía nhà bá phụ. Đi ngược lại dấu chân của Nhã Anh suốt dọc đường. Khi tới chỗ nàng, Nhã Anh chỉ đi một đôi giày cỏ, hẳn là vừa lạnh vừa trơn. Mà lúc này Ký Y lại đi một đôi guốc gỗ, còn đi tất bên trong, tuy nặng nhưng bước chân vững vàng, cũng giữ ấm tốt. Nghĩ vậy, Ký Y càng thấy Nhã Anh đáng thương.
“Bá phụ Vô Cữu, con là Ký Y đây.”
Ký Y tới nơi, vừa gọi vừa đập cửa viện, cửa chợt mở ra. Không biết là bị gió thổi hay vì Ký Y đập nên mới mở ra, nhưng có một điều chắc chắn là không có ai đi ra mở cửa.
Chẳng lẽ cà nhà bá phụ phát hiện Nhã Anh biến mất, liền đi vào trong núi tìm muội ấy?
Hai gia đình đều ở trong hẻm núi, xung quanh không phải vách núi cheo leo thì cũng là đường dốc chênh vênh. Từ nhà bá phụ ra ngoài, dù muốn vào núi hay xuống núi đều chỉ có hai con đường có thể đi được, một con đường dẫn về phía nhà Ký Y còn một con đường dẫn về phía ngược lại. Rõ ràng trời vừa đổ tuyết, nếu muốn tìm Nhã Anh thì cũng không khó, chỉ cần lần theo dấu chân của muội ấy là được. Có điều trên đường tới đây, rành rành chỉ có dấu chân của một mình Nhã Anh…
Dự cảm chẳng lành chợt nảy sinh trong lòng Ký Y rồi dần lan rộng như sương đêm, khiến ngực nàng bỗng đau nhói. Nàng hít sâu một hơi nhưng chỉ khiến trái tim đập càng nhanh hơn, cuối cùng Ký Y lấy hết dũng khí bước một bước về phía trước, đi qua cửa viện, chuẩn bị đối mặt với mây đen, sương mù và hiểm nguy sắp ập tới.
Tuyết đọng trong sân đã bị dọn dẹp qua loa, để lộ ra một con đường dẫn đến gian chính.
Nhờ ánh sáng yếu ớt hắt ra từ phía trong, Ký Y phát hiện có người nằm sấp ở cửa phòng.
Bấy giờ Ký Y mới ý thức được rằng, e là những dự cảm không lành khi nãy đều sẽ trở thành sự thật, còn nàng có thể thoát thân khỏi nơi này hay không thì cũng chưa biết. Tuy nhiên nàng không còn lựa chọn nào khác, đành bước lên xem xét tình thế, chứng kiến hiện trường của vụ thảm kịch này.
Cuối cùng Quan Ký Y cũng bước tới vị trí cách người đang nằm sấp trên đất kia chỉ mấy bước chân. Nàng không dám lại gần hơn, sợ mình sẽ giẫm phải vũng máu đỏ sậm ấy, vòng qua bên đầu của người nằm sấp nọ. Nàng hơi cúi người rồi chuyển chiếc đèn lồng trong tay mình ra phía trước đầu gối.
Nàng thấy người nọ nằm yên không động đậy, sợ là đã tắt thở rồi. Ở phía bên trái trên lưng thi thể có một nhát dao đâm sâu đến nội tạng. Vết thương đã đông lại, không còn chảy máu nữa.
Ký Y lùi về sau một bước, giẫm lên tuyết đọng. Nàng hơi khom chân, gần như ngồi xổm trên mặt đất rồi chuyển đèn lồng xuống thấp hơn, cuối cùng cũng thấy được khuôn mặt của người nọ.
– Bá phụ Vô Cữu.
Nàng không dám nhìn kỹ khuôn mặt của thi thể. Bá phụ Vô Cữu ngày thường luôn nghiêm mặt cau mày, Ký Y có thể tưởng tượng được phần nào vẻ mặt của ông khi hấp hối sắp đối mặt với cái chết.
Sau đó nàng chợt thấy bên chân bá phụ Vô Cữu có mấy hàng dấu chân rải rác trên tuyết đọng, những dấu chân ấy kéo dài tới vị trí mà đèn lồng và ánh sáng trong phòng không thể chiếu tới. Nàng lần theo dấu chân đi về phía khoảng sân ở phía Tây gian chính, một cái cây to đã khô héo choán hết tầm nhìn của nàng.
Một đoạn dây thừng đã bị cắt đứt rủ xuống từ trên cây, cách mặt đất khoảng bảy, tám thước*.
(*)Thước: Đơn vị đo chiều dài của Trung Quốc, bằng khoảng một phần ba mét.
Phía dưới sợi dây thừng là một thi thể đang nằm ngửa trên cái rễ lớn nhô ra khỏi mặt đất của gốc cây nọ. Đó là ca ca của Nhã Anh – Thượng Nguyên, đường đường nam nhi bảy thước cứ thế nằm lạnh băng, cứng đờ ở đó, không còn một chút sinh khí. Nhờ ánh sáng từ đèn lồng, Ký Y phát hiện trên cổ Thượng Nguyên có một vết dao cứa dài năm, sáu tấc*, máu bắn tứ tung thành những chấm nhỏ màu đỏ sẫm trên nền tuyết đọng.
(*) Tấc: Một tấc bằng một phần mười một thước.
Ký Y xoay người định rời đi, nhưng rồi lại quay đầu liếc nhìn thi thể của Thượng Nguyên. Từ nhỏ bọn họ đã lớn lên cùng nhau, tình cảm thân thiết như huynh muội ruột thịt, không ai ngờ rằng chuyện sinh ly tử biệt sẽ tới đột ngột như vậy. Trong lúc thoáng liếc nhìn ấy, Ký Y lại vấp phải thứ gì đó dưới chân khiến nàng lảo đảo, không ngã xuống song đèn lồng lại tuột khỏi tay nàng rơi xuống đất.
Trước khi ánh đèn tắt ngóm, Ký Y đã kịp thấy thứ mà mình vấp phải. Ban đầu nàng tưởng đó là rễ cây, không ngờ lại là một thùng gỗ rỗng.
Nàng nhặt đèn lồng rơi trên mặt đất lên rồi đi về phía gian chính. Thực ra Ký Y không hề muốn bước qua cánh cửa kia, nàng biết rõ nơi ấy nhất định còn có cảnh tượng thảm thương hơn đang đợi nàng. Nếu đèn không tắt, nàng vốn có thể về nhà trước, báo cho phụ thân Quan Vô Dật biết bá phụ và đường ca* đã qua đời, rồi cùng phụ thân trở lại đây tìm những thi thể còn lại.
(*)Anh họ bên nội.
Thế nhưng lúc này Ký Y không thể tìm đường về nhà trong đêm tối, đành phải đi vào gian chính đốt đèn lồng lên.
Đúng như dự liệu của nàng, gian chính vô cùng lộn xộn. Bá mẫu bị đâm mấy nhát dao trên lưng, còn cậu con út mới sáu tuổi được bà ôm trong lòng thì có một vết thương trí mạng ở cổ.
Y phục của hai người đều thấm máu đen sẫm.
Một con dao găm dính đầy máu bị vứt trên nền nhà.
Ký Y biết con dao này, nàng dời mắt về phía giá đặt vũ khí trong phòng, quả nhiên vỏ của con dao vẫn nằm ở đó. Rõ ràng hung thủ đã lấy con dao này từ trên giá sau đó ra tay sát hại mọi người, vậy chứng tỏ hung thủ chưa chắc đã là giặc cướp mà rất có thể là khách đến thăm. Chỉ có vậy thì hung thủ mới có thể nhân lúc mọi người không đề phòng mà rút dao ra sát hại cả nhà.
Thế nhưng…
Ký Y lại nhìn về phía giá bày vũ khí bằng gỗ, bên trên còn có một thanh kiếm dài sáu thước vẫn nằm trong vỏ. Thân kiếm được đúc từ thép, đế kiếm hình tròn bằng ngọc, khắc hoa văn, đầu vỏ kiếm, đốc kiếm và mũi kiếm đều bằng bạch ngọc. Trên đầu vỏ kiếm có hoa văn hình phượng hoàng, trên đốc kiếm khắc hhoa văn hình mây. Thanh kiếm này do tổ phụ của Ký Y ủy thác thợ rèn ở Giang Lăng chế tạo, chưa dùng bao giờ, được bày ở đó suốt bao năm. Con dao kia cũng được rèn vào thời kỳ đó. Hai thứ đều được mài rất sắc, lại được giữ gìn một cách cẩn thận.
Binh khí chưa từng được sử dụng cuối cùng lại dùng để làm như vậy, Ký Y thầm thở dài, sau đó nhờ vào lò sưởi đang cháy để thắp sáng đèn lồng.
Ra khỏi cửa viện Ký Y mới cảm thấy đau đớn tang thương. Trước đó chỉ có nỗi sợ trước cái chết gần bên bao trùm cảm xúc trong lòng nàng. Mới đi vài bước mà tầm nhìn của nàng đã nhòa đi trong làn nước mắt, khiến ánh đèn cũng trở nên thấp thoáng mịt mờ. Ký Y cúi đầu, nước mắt rơi xuống mặt tuyết trước mũi chân nàng.
Cho tới tận lúc này, rốt cuộc Ký Y mới chú ý tới một sự thật.
– Tại sao lại thế?
Tim nàng bỗng đập nhanh hơn, nỗi sợ đã vơi dần lại kéo về khi nàng bước qua cửa viện.
– Không lẽ hung thủ vẫn còn trốn trong phòng?
Nàng chợt hiểu được chuyện vừa xảy ra: Hung thủ tới chơi sau khi bá phụ đánh Nhã Anh rồi nhốt nàng vào nhà kho. Lúc ấy trời còn chưa đổ tuyết. Hẳn là Nhã Anh đã trốn đi khi hung thủ trò chuyện với bá phụ ở gian chính, thời điểm đó tuyết đã rơi rồi. Ký Y suy đoán như vậy, bởi vì nhà kho nhốt Nhã Anh nằm ở phía sau gian chính, nếu Nhã Anh muốn trốn thì nhất định phải đi qua sân của gian chính. Khi Nhã Anh tới nhà nàng thì chỉ nói là mình bị đánh chứ không nhắc tới chuyện người nhà đã bị hại. Chứng tỏ lúc Nhã Anh trốn đi trong sân chưa có thi thể, án mạng còn chưa xảy ra. Sau khi sát hại mọi người, hung thủ chưa rời đi ngay mà vẫn ở lại trong viện, có lẽ là để tìm kiếm thứ gì đó. Lúc nghe được tiếng gọi cửa của Ký Y, hung thủ mới trốn đi.
Chỉ có thể giải thích mọi chuyện như vậy, nếu không…
Dù lúc này tuyết lại rơi thì dấu chân chạy trốn của Nhã Anh và dấu chân tới đây của Ký Y vẫn hiện ra rất rõ.
Tuyết rơi càng lúc càng lớn. Khi Ký Y chạy như bay về đến cửa viện nhà mình thì dấu chân phía sau nàng đã bị những bông tuyết lớn che phủ. Có nghĩa là tuyết vừa rơi cũng sẽ phủ lên thi thể của bá phụ và đường ca của nàng. Nàng dừng bước, đứng giữa trời tuyết, cố gắng sắp xếp dòng tư duy sau cơn bi lụy đau thương, song cuối cùng cũng không thể đưa ra lời giải thích hợp lý hơn.
Chỉ có thể giải thích mọi chuyện như vậy, nếu không…
Nếu không, tại sao trên một con đường khác bên ngoài nhà bá phụ lại không hề có dấu chân nào?