Trời càng lúc càng lạnh, nhất là vào buổi tối, gió gõ vào cửa sổ, những cành cây theo gió đập vào cửa kính phát ra những âm thanh kỳ quái và hắt bóng vào trong phòng. Văn Hiếu Cổ không bật điều hoà, một mình ngồi trước bàn. Trông ông ta già đi nhiều, ba tháng trước, ông ta như một người mới ngoài 40 tuổi, sức lực dồi dào, thế mà bây giờ đã như người sắp bước sang tuổi ngũ tuần. Ông xoa xoa hai bên thái dương, mái tóc lưa thưa đã bạc nhiều, trên mặt xuất hiện những vết nám màu tro. Đó là biểu hiện của người bước vào tuổi già và cận kề cái chết. Thế mà lúc này, ông lại đang nhớ về tuổi thanh xuân của mình, nhớ về Phấn của ông.
Văn Hiếu Cổ mở ngăn kéo, lấy từ trong ngăn kéo ra một ít tế bào bọc trong một cái túi đặc biệt trong suốt. Ông bắt đầu nhớ lại…
Sáng sớm hôm Giang Hà chết, Văn Hiếu Cổ bước vào căn phòng đó, ông phát hiện ra thi thể Giang Hà. Ông vội vàng chạy đến bên Giang Hà thì phát hiện anh ta đã chết. Ông thấy rất đau lòng, chân tay lóng nga lóng ngóng, nhưng bỗng nhiên ông phát hiện thấy tay Giang Hà đang nắm rất chặt, thế là ông tìm cách để gỡ nắm tay đang nắm thành nắm đấm ấy ra. Ông phải dùng hết sức mới từ từ gỡ được tay Giang Hà ra, trong tay Giang Hà đang nắm cái tế bào này. Văn Hiếu Cổ nắm lấy tiêu bản tế bào vào tay, ông chần chừ một lúc, cuối cùng bỏ nó vào trong túi.
Văn Hiếu Cổ quay lại với hiện tại. Ông lại bỏ bao đựng tế bào vào trong ngăn kéo.
Ông lại lấy từ đáy ngăn kéo ra một khung ảnh, lặng lẽ ngắm nhìn tấm ảnh đen trắng đã trải qua rất nhiều năm tháng, nền của bức ảnh là một công trình kiến trúc cổ, trong ảnh có ba người. Ông đứng bên trái, Phấn đứng giữa, đứng bên phải là Bạch Chính Thu. Văn Hiếu Cổ trong ảnh trông thật trẻ trung, đôi mắt rất có thần, trông vừa nhanh nhẹn vừa quả cảm, nhìn trong ảnh, ông hơn hẳn Bạch Chính Thu. Bạch Chính Thu trong ảnh là một con mọt sách, trông gầy yếu, vẻ mặt không có biểu cảm gì. Đứng giữa là Phấn, cũng chính là mẹ của Bạch Bích hiện nay. Đó là một cô gái đẹp, trên mặt phảng phất nụ cười, tay phải cô nắm tay trái Văn Hiếu Cổ còn tay trái thì nắm tay phải Bạch Chính Thu, tạo thành bộ ba trong tấm ảnh. Lúc này, lòng bàn tay trái Văn Hiếu Cổ bỗng nóng bừng lên, ông như lại được cảm nhận nhiệt độ từ cơ thể Phấn qua bàn tay ấy. Nhưng ngay sau đó, tay ông lại trở lại lạnh lẽo như thường, ông cất tiếng thở dài, rồi cất khung ảnh vào ngăn kéo.
Ông không thể hiểu được vì sao hồi đó Phấn lại chọn Bạch Chính Thu chứ không phải ông, có lẽ đây cũng là do duyên phận trời định. Ông đã từng rất đau khổ vì điều đó, nhưng rồi chẳng bao lâu ông đã lấy lại được lý trí, lại trở thành bạn tốt của Phấn và Bạch Chính Thu. Cho mãi đến khi Bạch Chính Thu chết, ông vẫn còn nhớ rõ đêm trước hôm tổ chức tang lễ cho Bạch Chính Thu, Phấn gục vào vai ông khóc thổn thức, nước mắt ướt cả áo sơ mi của ông. Cái cảm giác ươn ướt, nong nóng như ngấm qua làn da thấm vào người ông. Tình cảnh thật trớ trêu, lúc đó Văn Hiếu Cổ rất muốn ôm Phấn vào lòng, nhưng ông nhìn thấy Bạch Chính Thu trong bức di ảnh đang nhìn mình, nên chỉ dám vuốt mái tóc của Phấn, sau đó nhẹ nhàng đẩy Phấn ra, lau đi những giọt nước mắt còn lưu trên người, rồi nhẹ nhàng nói với Phấn:
– Em có tin đây là lời nguyền đối với Bạch Chính Thu không?
Phấn lắc đầu đau khổ:
– Em không biết, em không biết. Bạch Bích nói nó mơ một giấc mơ, nó mơ thấy người phụ nữ kia.
Văn Hiếu Cổ hơi hoảng sợ nói:
– Là người phụ nữ đó à?
Phấn gật đầu:
– Vâng, lúc đó em nghĩ ngay đến lời nguyền đối với Bạch Chính Thu. Anh ấy chết đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 40 của mình. Bây giờ tất cả những sự việc xảy ra đều ứng nghiệm với lời nguyền đáng sợ đó. Em rất hối hận, đáng lẽ không nên cho anh ấy đi, giữ anh ấy ở nhà, như thế biết đâu lại tránh được.
Văn Hiếu Cổ trả lời:
– Có lẽ đó chỉ là ngẫu nhiên thôi, mà thế giới đang tồn tại trong sự ngẫu nhiên. Nếu như năm đó chúng ta đừng bước chân lên mảnh đất ấy, nếu Bạch Chính Thu không phạm phải sai lầm, nếu như cô gái đó… Thôi, anh không nói nữa, tất cả đều có khả năng không xảy ra, chẳng ai có thể đoán biết trước được. Nếu như đây đúng là lời nguyền thì chúng ta khó có thể thoát được.
Phấn không nói gì, chỉ lặng lẽ ngồi túc trực bên linh cữu người chồng quá cố, ba nén hương âm thầm cháy, những làn hương tỏa bay nhè nhẹ trong phòng.
Lúc đó, Văn Hiếu Cổ nhớ lại tất cả, có cảm giác tất cả như đang ở trước mắt. Thời gian và không gian như chệch hướng. Tất cả vẫn như đang tiến hành. Thế giới mãi mãi ở tư thế hành động, không có quá khứ. Ông cảm thấy đau hai vai, phải vất vả lắm mới ngồi thẳng lên được. Ông lại giở mấy tấm ảnh khác ở trên bàn, nói chính xác đó là những bức di ảnh. Bức thứ nhất là Giang Hà, cậu ấy vốn sẽ là con rể của Bạch Chính Thu; bức thứ hai là Hứa An Đa, bức thứ ba là Trương Khai, bức thứ tư là Lâm Tử Tố, Văn Hiếu Cổ đánh dấu gạch chéo trên ảnh của Lâm Tử Tố thể hiện sự căm ghét của ông với anh ta.
Còn bức ảnh thứ năm, đó chính là ảnh của Văn Hiếu Cổ.
Ông nhìn vào ảnh, giễu cợt cười đau khổ. Sau đó ông gật đầu với chính mình. Ông biết, thời gian của ông đã đến. Ông thong thả rời khỏi chỗ ngồi, vuốt ve một lúc chiếc bàn làm việc đã phục vụ ông suốt nhiều năm nay. Văn Hiếu Cổ quay đầu nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ, bên ngoài chắc là lạnh lắm, những cành cây đập vào cửa kính như đang nói chuyện với ông.
Bỗng ông thấy đau đầu, những giọt mồ hôi rịn ra trên trán ông. Ông đưa tay xoa lên tim, vẻ mặt đầy đau khổ, nhưng ông cố gắng chịu đựng.
Dần dần, cuối cùng ông cũng nghe thấy âm thanh đó, âm thanh đó đang vang vọng ngay bên tai ông, luồn sâu vào trái tim ông: MUYO… MUYO… MUYO…
Ông nghe thấy lời kêu gọi đến từ đồng hoang, nhưng ông không hề cảm thấy sợ hãi, vì ông biết điều này sớm muộn cũng sẽ đến. Thậm chí ông thấy trong lòng nhẹ nhõm và thanh thản, bởi ông biết rằng rồi sẽ có lúc ông phải đối diện với nó. Người ta, ai cũng đều rất sợ cái ngày này, nhưng không ai có thể tránh được, chẳng thà mặc kệ nó xảy ra tự nhiên, coi như không có chuyện gì xảy ra còn hơn run rẩy như rơi xuống vực sâu. Văn Hiếu Cổ thong thả đi ra khỏi phòng, bước ra hành lang tối om. Trong đêm tối, mặc dù không nhìn thấy gì, nhưng ông vẫn cảm thấy chính xác hình như mình nhìn thấy cái gì đó, thế là ông đi về phía đó.
Trong hành lang tối đen như mực, Văn Hiếu Cổ vừa đi vừa nói: Tôi đến đây!