Ngày 13 tháng Mười hai năm 1930
Cao đẳng Trinity, Oxford
Người kế thừa thân mến và bất hạnh của tôi:
Hôm nay tôi cảm thấy có chút an ủi, bởi đây là ngày được đánh dấu trong niên lịch Công giáo để tôn vinh Thánh Lucia, thần ánh sáng, một nhân vật linh thiêng đã được các thương nhân Viking du nhập về quê hương họ từ miền Nam nước Ý. Cái gì có thể bảo vệ ta chống lại những sức mạnh của bóng tối – từ bên trong, từ bên ngoài và mãi mãi – tốt hơn ánh sáng và hơi ấm, khi ta đang đến gần với cái ngày ngắn nhất và lạnh lẽo nhất trong năm? Và bởi tôi vẫn còn đây, sau thêm một đêm mất ngủ. Liệu bạn có cảm thấy bớt bối rối khi tôi thổ lộ cùng bạn là hiện nay tôi chỉ có thể yên giấc với một xâu tỏi bên dưới gối, hoặc mang một dây chuyền có thánh giá nhỏ bằng vàng quanh cổ một kẻ vô đạo như tôi? Dĩ nhiên tôi không làm vậy, nhưng tôi sẽ để bạn hình dung ra những hình thức bảo vệ này, nếu bạn thích; chúng cũng có những thể thức tương đương về mặt tâm lý và tri thức. Ít nhất, tôi vẫn ngày đêm không rời những thể thức tương đương này.
Lại nói về công trình nghiên cứu của tôi: phải, mùa hè vừa qua tôi đã thay đổi kế hoạch đi lại của mình, bổ sung Istanbul vào đó, và thay đổi này chỉ vì tác động của một mảnh giấy da nhỏ bé. Tôi đã khảo sát mọi nguồn tư liệu có thể tìm thấy ở Oxford và Luân Đôn, và có thể có liên quan đến nhân vật Drakulya trong cuốn sách trắng trơn bí ẩn của mình. Tôi đã ghi chú vấn đề này thành một tập giấy, và bạn – người đọc không bình yên trong tương lai, sẽ tìm thấy chúng cùng với những lá thư này. Từ khi bắt đầu tới giờ, tôi vẫn ghi chú thêm một chút, sau này bạn sẽ thấy, tôi hy vọng chúng sẽ bảo vệ cũng như hướng dẫn cho bạn.
Đêm trước hôm khởi hành đi Hy Lạp, tôi đã có ý định từ bỏ công việc tìm kiếm vô nghĩa này, cuộc săn đuổi một biểu tượng ngẫu nhiên thấy trong một cuốn sách tình cờ tìm được này. Tôi hoàn toàn nhận thức rõ là mình đã theo đuổi công việc đó như theo đuổi một thách thức của số phận, mà số phận, xét cho cùng, là thứ thậm chí tôi còn chẳng hề tin; và rằng có lẽ tôi chỉ đang truy đuổi và đưa cái tên Drakulya mơ hồ và xấu xa kia ngược dòng lịch sử vì tính anh hùng rơm kiểu trí thức, để chứng tỏ rằng ta đây có thể phăng ra những dấu vết lịch sử của bất kỳ, bất kỳ điều gì. Thực ra, chiều hôm ấy, trong lúc gói ghém quần áo, kể cả chiếc mũ che nắng đã bạc màu, tôi gần như rơi vào một trạng thái bị ức chế đến mức hầu như muốn rũ bỏ hết thảy mọi chuyện.
Nhưng, như thường lệ, tôi đã chuẩn bị cực kỳ kỹ càng cho chuyến đi, tôi đã không hề chần chừ, và tôi vẫn còn một chút thời gian trước giấc ngủ sau cùng ở đây và chuyến tàu sáng. Tôi có thể xuống quán Golden Wolf để gọi một vại bia đen và xem anh bạn Hedges tốt bụng của mình có ở đấy hay không hoặc – ở đây, rủi thay tôi đã chệch ra khỏi hướng đi của mình, mặc dù không muốn – có thể ghé qua Phòng Sách Hiếm lần cuối cùng, nó mở cửa đến chín giờ. Tôi định xem một hồ sơ ở đó (mặc dù tôi ngờ là nó chẳng làm sáng tỏ được điều gì), một tư liệu được ghi từ thời đế chế Ottoman đã làm tôi chú ý vì liên quan đến đúng giai đoạn sinh thời của Dracula, bởi vì những tài liệu liệt kê trong đó, tôi đã biết, chủ yếu là từ giữa cho đến cuối thế kỷ mười lăm.
Tất nhiên, tôi biện luận với chính mình, tôi không thể cứ mãi săn tìm qua mọi nguồn tư liệu có từ giai đoạn đó ở khắp châu Âu và châu Á, việc này sẽ phải mất nhiều năm – thậm chí cả đời – mà tôi còn chưa thấy trước được cuộc săn lùng ngốc nghếch này có đem lại nổi dù chỉ một bài viết hay không. Nhưng tôi lại không vào quán rượu vui vẻ đó mà hướng về Phòng Sách Hiếm – một sai lầm đã khiến cho hơn một học giả khốn khổ phải chịu cảnh suy sụp trong đời.
Tôi tìm được tập hồ sơ không mấy khó khăn, gồm bốn hoặc năm cuộn giấy ngắn, mỏng, tác phẩm thời đế chế Ottoman, tất cả đều là một phần quà tặng cho trường đại học vào hồi thế kỷ mười tám. Mỗi cuộn đều được đóng bìa, ghi bằng chữ Ả-rập nghệ thuật. Một bảng miêu tả bằng tiếng Anh ở bìa tập hồ sơ cho thấy chắc chắn đó chẳng phải là một kho báu từ trên trời rơi xuống. (Tôi đề cập ngay đến tiếng Anh bởi tiếng Ả-rập của tôi quả thực chẳng ra làm sao cả, và tôi e là đến giờ nó cũng vẫn thế. Người ta chỉ có đủ thời giờ để học vài ngôn ngữ chính, trừ phi hy sinh mọi thứ khác để chuyên tâm về mặt ngôn ngữ). Ba cuộn giấy là những bản kê thuế thân thu từ người dân thành Anatolia của Quốc vương Mehmed II. Cuộn cuối cùng liệt kê thuế thu được từ các thành phố Sarajevo và Skopje, đã gần quê nhà hơn một chút, nếu bây giờ đối với tôi quê nhà là nơi cư ngụ của Dracula ở Wallachia, nhưng vẫn là một vùng xa xôi của đế quốc trong thời kỳ đó. Tôi thở dài, gom các cuộn giấy lại và nghĩ đến cuộc viếng thăm ngắn nhưng vui vẻ tại quán Golden Wolf mà tôi vẫn có thể thực hiện. Tuy nhiên, khi gom mớ giấy tờ để bỏ chúng trở lại trong hộp bìa cứng, mấy chữ trên bìa sau của cuộn giấy sau cùng bỗng đập vào mắt tôi.
Đó là một bản kê ngắn, ghi chép cẩu thả, một công văn nguệch ngoạc của Sarajevo và Skopje dâng lên vị Quốc vương Hồi giáo. Tôi đã đọc một cách tò mò. Có vẻ là một bản kê các chi phí – các hàng hóa, vật mua được ghi ở bên tay trái và giá mua, đơn vị tiền tệ chưa xác định, ghi ngay ngắn bên tay phải. “Năm chú sư tử núi con cho Quốc vương Vĩ đại, 45,” tôi thích thú đọc. “Hai thắt lưng vàng nạm đá quý cho Quốc vương, 290. Hai trăm bộ da cừu cho Quốc vương, 89.” Và mục ghi cuối cùng đã làm tôi rùng mình nổi da gà khi đang cầm tờ giấy dãi dầu năm tháng đó: “Bản đồ và tài liệu quân sự từ Giáo đoàn Rồng, 12.”
Làm thế nào, chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc, làm sao tôi có thể đọc hết tất cả những thứ đó chỉ bằng một cái nhìn thoáng qua, trong khi trình độ tiếng Ả-rập của tôi – như tôi đã thừa nhận – chẳng ra làm sao cả? Hỡi độc giả thông minh, nhậm lẹ của tôi, bạn đang thao thức vì tôi, dõi theo những công trình đã làm hao tốn của tôi nhiều tâm tư sức lực trong không biết bao nhiêu đêm dài với sự cẩn trọng, vì thế tôi cầu chúc bạn được may mắn. Mẩu giấy nguệch ngoạc chữ này, cái bản ghi nhớ thời Trung cổ này, được viết bằng tiếng tin. Phía dưới, một con số lờ mờ ghi dấu mốc thời gian khắc sâu vào tâm trí tôi: 1490.
Năm 1490, tôi nhắc lại, Giáo đoàn Rồng đã suy sụp, bị sức mạnh của đế quốc Thổ tiêu diệt; Vlad Dracula đã chết mười bốn năm và được an táng, theo truyền thuyết, trong tu viện trên hồ Snagov. Các bản đồ, sổ sách ghi chép, những bí mật của Giáo đoàn – bất cứ thứ gì liên quan đến cái tên bị lảng tránh này – đều bị bán rẻ, rất rẻ, khi đem so với các thắt lưng vàng nạm đá quý và cái đống len cừu hôi thối kia. Có thể chúng được quăng vào cuộc mua bán của người lái buôn này vào phút chót, như một món hàng kỳ lạ, một thí dụ tiêu biểu về thói quan liêu của kẻ bị chinh phục, để nịnh bợ và làm vui lòng một vị Quốc vương thông thái, có người cha hoặc ông từng phải biểu lộ sự thán phục bất đắc dĩ đối với cái Giáo đoàn Rồng mọi rợ này, cái lũ đã từng quấy rối vùng biên giới đế quốc. Liệu người lái buôn này có phải là một khách du hành người Balkan, viết chữ tin, nói thứ phương ngữ tin hoặc Xlavơ nào đó? Chắc chắn ông ta là người học vấn cao, vì ông ta còn biết viết, có thể đây là một thương gia Do Thái thông thạo ba hoặc bốn ngôn ngữ. Dù ông ta là ai, tôi cũng cầu Chúa ban phúc cho nắm xương tàn của ông ta vì đã ghi lại những chi phí kia. Nếu ông ta đã phái đoàn lữ hành mang chiến lợi phẩm ra đi mà không gặp sự cố nào, nếu bản ghi chi phí này đã đến tay vị Quốc vương an toàn, và nếu – khả năng khó xảy ra nhất trong mọi trường hợp – nó đã tồn tại trong kho báu chứa đầy những đồ trang sức, những thứ đồ đồng, đồ thủy tinh Byzantine, những thánh tích nhà thờ cổ xưa, các tác phẩm thi ca Ba Tư, những cuốn sách bàn về pháp thuật của người Do Thái, các tập bản đồ và các biểu đồ thiên văn.
Tôi bước về phía quầy, người quản thư đang lục lọi một hộc bàn. “Xin lỗi,” tôi lên tiếng. “Không biết liệu ông có một bản kê các tài liệu lịch sử lưu trữ sắp theo danh mục quốc gia? Những tài liệu lưu trữ trong… chẳng hạn như trong mục Thổ Nhĩ Kỳ?”
“Tôi biết ông muốn tìm cái gì, thưa ông. Có một bản kê như vậy, dành cho trường đại học và các bảo tàng, mặc dù dĩ nhiên là chẳng đầy đủ gì lắm. Chúng tôi không có bản kê đó ở đây – nhưng ông có thể tìm thấy nó ở thư viện trung tâm. Ngày mai họ sẽ mở cửa lúc chín giờ sáng.”
Chuyến tàu về Luân Đôn, tôi nhớ vậy, sẽ khởi hành lúc 10 giờ 14 phút. Chỉ cần tầm mười phút để liếc qua những gì khả dĩ. Và nếu tên của Quốc vương Mehmed II, hoặc của những người kế vị ông ta, xuất hiện trong bất kỳ những gì có thể đó – thì, thế đấy, tôi chẳng nôn nóng muốn xem đảo Rhodes làm gì nữa.
Người bạn vô cùng sầu khổ của bạn, Bartholomew Rossi
Bất chấp mọi hoạt động đang diễn xung quanh cha, thời gian có vẻ như ngưng đọng lại trong gian sảnh có mái vòm cao vút của thư viện. Cha đã đọc trọn vẹn một lá thư, nhưng vẫn còn ít nhất bốn lá thư nữa xếp bên dưới lá thư đó. Nhìn lên, cha nhận ra một khoảng sâu xanh thẳm đã mở ra phía sau những cánh cửa sổ phía trên: trời đã chạng vạng. Mình lại phải một mình đi bộ về nhà bây giờ ư, cha nghĩ như một đứa bé nhát gan. Một lần nữa, cha lại cảm thấy nôn nóng muốn chạy đến và gõ mạnh lên cánh cửa phòng làm việc của giáo sư Rossi. Chắc chắn cha sẽ thấy ông ấy ngồi đó, đang lật từng trang bản thảo, dưới ánh đèn vàng vọt. Cha lại rối trí, theo cái cách người ta thường gặp sau cái chết của một người bạn, trước tính phi thực của tình huống ấy, sự bất khả thi mà nó thể hiện trong đầu cha. Thực ra, cha vừa bối rối vừa sợ hãi, và sự bối rối làm gia tăng nỗi sợ hãi bởi cha không nhận ra cái tôi vốn có của mình trong tình trạng đó.
Vừa suy nghĩ về điều này, cha vừa liếc nhìn chồng giấy tờ xếp ngăn nắp trên bàn. Cha đã bày chúng ra gần hết diện tích mặt bàn. Vì vậy, chắc chắn là, chẳng ai màng ngồi xuống ghế đối diện với cha hoặc chiếc ghế nào khác tại bàn. Cha đang băn khoăn không biết có nên thu dọn tất cả mớ giấy tờ đó mang về nhà để tiếp tục công việc không thì một phụ nữ trẻ tiến đến và tự nhiên ngồi xuống ở đầu bàn. Nhìn quanh, cha thấy các bàn đều không còn chỗ trống, sách vở giăng đầy, các bản đánh máy, những ngăn hộc thẻ danh mục, và tập giấy ghi chép của các độc giả khác. Cha nhận ra cô ta không còn chỗ nào khác mà ngồi, nhưng bất chợt cha cảm thấy lo ngại cho các tài liệu của thầy Rossi; cha khiếp sợ ngay cả ánh mắt liếc nhìn vào chúng dù không chủ ý từ đôi mắt một con người xa lạ. Vì họ trông giống hệt đám mất trí ư? Hay cha mất trí?
Cha đang định xếp dồn mớ giấy tờ lại với nhau một cách cẩn thận để không làm mất thứ tự nguyên thủy của chúng rồi gói ghém lại; và đang định thực hiện những động tác đó một cách chậm rãi và lịch sự, để vờ chứng minh với người vừa xin lỗi để ngồi xuống bàn mình rằng dù sao đi nữa cha cũng thực sự sắp rời đi – thì lúc đó cha chợt để ý tới cuốn sách mà người phụ nữ kia để dựng đứng trước mặt. Cuốn sách đã được mở ra đến chương giữa, cuốn sổ tay và cây bút nằm sẵn ở khuỷu tay. Cha liếc nhìn hết tiêu đề cuốn sách đến khuôn mặt cô ta, kinh ngạc, rồi nhìn tiếp đến cuốn sách thứ hai mà cô ta đặt gần bên cạnh. Và lại nhìn vào mặt cô ta.
Đó là một gương mặt trẻ nhưng cũng đã chớm có những dấu vết của thời gian, với nếp nhăn chân chim mà mỗi buổi sáng soi gương cha thường thấy quanh mắt mình, một chút mệt mỏi thoáng qua, cha đoán, vậy là cô ta hẳn là nghiên cứu sinh rồi. Đó cũng là một gương mặt thanh lịch, nhiều góc cạnh, một gương mặt hẳn sẽ không hề lạc lõng nếu xuất hiện trong một bức tranh trên bệ thờ thời Trung cổ – ngoại trừ vẻ mệt mỏi nơi ánh mắt bên trên đôi gò má rộng và thanh nhã. Nước da xanh tái nhưng chắc có thể thành màu ô liu ngay sau một tuần dưới ánh mặt trời. Đôi hàng lông mi hướng xuống cuốn sách, khuôn miệng cương nghị và hàng lông mày rậm chợt trở nên căng thẳng vì những gì cô ta thấy trên trang sách. Mái tóc, rất sẫm màu, đến độ đen nhánh, đâm ra tua tủa quanh vầng trán, làm cho cô ta trông có vẻ mạnh mẽ hơn là hợp thời trang trong những ngày mà đầu tóc phải gọn gàng mới được coi là đẹp ấy. Tên cuốn sách cô ta đang đọc, giữa nơi chốn có vô số tư liệu này – cha lại nhìn lần nữa, và lại ngạc nhiên – là The Carpates – Vùng Carpates. Dưới khuỷu tay áo len đen là cuốn Dracula của Bram Stoker.
Ngay lúc đó, người phụ nữ trẻ liếc nhìn lên và bắt gặp ánh mắt đăm đăm của cha, cha cũng nhận ra mình đã nhìn cô ta chằm chằm, chắc hẳn đó là một thái độ khiếm nhã. Trên thực tế, ánh mắt tối sầm sâu thẳm, nhìn chòng chọc mà cha nhận trả lại – dù đôi mắt cô ta có màu hổ phách sâu lắng, như mật ong – là rất không thân thiện. Cha không phải là hạng người mà thời bấy giờ người ta vẫn hay gọi là Don Juan; thực ra cha sống khá khép kín. Nhưng dù sao cha cũng đủ hiểu biết để cảm thấy xấu hổ nên đã vội vàng giải thích. Lát sau, cha nhận ra thái độ thù địch của cô ta chỉ là sự phòng vệ của một phụ nữ có dáng vẻ bên ngoài đặc biệt khi bị người lạ nhìn soi mói. “Xin lỗi,” cha vội thốt lên. “Tôi không thể không chú ý đến các cuốn sách của cô – ý tôi là, những gì cô đang đọc.”
Vẫn để cuốn sách mở trước mặt, cô ta lạnh lùng nhìn lại cha, nhướng đôi hàng lông mày đen sậm.
“Cô xem này, thực sự tôi cũng đang nghiên cứu đúng chủ đề đó,” cha nhấn mạnh. Lông mày cô ta nhướng cao lên chút nữa, nhưng cha đã trỏ vào mớ giấy tờ trước mặt. “Không, thật đấy. Tôi vừa mới đọc qua…” Cha nhìn chồng tài liệu của thầy Rossi rồi đột ngột dừng lại. Cái liếc xéo khinh khỉnh từ khóe mắt cô ta làm mặt cha nóng bừng.
“Dracula?” cô ta nói, giọng mỉa mai. “Mấy thứ kia có vẻ như là những nguồn tư liệu quan trọng nhất mà anh có được đấy à.” Cô ta có một giọng trầm mà cha không thể đánh giá, giọng nói khẽ khàng, nhưng là kiểu nói khẽ khàng vì đang ở trong thư viện, tựa như có thể tuôn ra thành sức mạnh thực sự khi được tháo cũi sổ lồng.
Cha thử một chiến thuật khác. “Cô đọc những cuốn sách kia cho vui à? Tôi muốn nói là, để giải trí à? Hay là cô đang nghiên cứu?”
“Cho vui ư?” cô ta vẫn để mở cuốn sách, ngồi yên, có lẽ để làm nhụt chí cha bằng mọi thứ vũ khí mà cô ta có thể có.
“À, đó là một chủ đề khác thường, và nếu cô mượn sách đọc về vùng Carpates hẳn cô phải rất quan tâm đến chủ đề đó.” Kể từ sau các kỳ thi vấn đáp hồi học thạc sĩ đến giờ, cha chưa từng liến thoắng như vậy. “Tôi cũng vừa có ý định mượn cuốn sách đó. Thực ra là cả hai cuốn.”
“Thật không,” cô ta nói. “Tại sao vậy?”
“À,” cha đánh bạo thăm dò, “tôi tìm thấy những lá thư này ở đây, từ… từ một nguồn tư liệu lịch sử khác thường… và chúng đề cập đến Dracula. Chúng nói về Dracula.”
Vẻ quan tâm thoáng hiện trong ánh mắt chằm chằm của cô ta, như thể đôi mắt màu hổ phách kia đã trở lại bình thường và phải miễn cưỡng nhìn cha. Cô ta ngả người ra ghế, thoải mái giống như kiểu đàn ông, tay không rời cuốn sách. Cha chợt nhận ra đó là cử chỉ mình từng thấy hàng trăm lần, cử chỉ thư giãn để suy nghĩ, để chuẩn bị đối thoại. Cha đã nhìn thấy cử chỉ này ở đâu nhỉ?
“Chính xác thì những lá thư kia là thế nào?” cô ta hỏi, vẫn giọng khẽ khàng và xa lạ. Cha cảm thấy tiếc là đã không tự giới thiệu bản thân và những thành tích của mình trước khi hành xử như vừa rồi. Không hiểu sao lúc đó cha cảm thấy không thể bắt đầu lại màn giới thiệu – không thể đột nhiên đưa tay ra bắt tay cô ta rồi nói mình ở khoa nào, và vân vân… Cha cũng chợt nhận ra là chưa bao giờ gặp cô ta, vậy chắc chắn cô ta không ở trong khoa lịch sử, trừ phi cô ta là người mới, mới chuyển đến từ một trường đại học nào khác. Và liệu cha có nên nói dối để bảo vệ giáo sư Rossi? Cha quyết định, một cách ngẫu nhiên, là không nên. Một cách đơn giản, chỉ cần bỏ tên ông ấy ra khỏi câu chuyện sắp tới.
“Tôi đang làm việc với một người… một người đang có chút vấn đề, những lá thư này ông ta đã viết từ hơn hai mươi năm trước. Ông ta trao chúng cho tôi, nghĩ rằng tôi có thể giúp ông ta thoát ra khỏi… tình huống hiện tại… tình huống liên quan tới… những nghiên cứu của ông ta, ý tôi là ông ta đang nghiên cứu…”
“Tôi hiểu,” cô ta nói, vẻ xã giao lạnh lùng, rồi đứng dậy, thu dọn sách vở, thong thả, không chút vội vàng. Và rồi, cầm cặp lên, cô ta đứng đó, cao lớn như cha hình dung, hơi gân guốc, với bờ vai rộng.
“Vì sao cô nghiên cứu về Dracula?” cha cố gặng hỏi.
“À, tôi buộc phải nói rằng việc đó chẳng dính dáng gì đến anh cả,” cô ta trả lời thẳng thừng, quay đi, “nhưng trong tương lai, tôi đang dự định một chuyến đi, dù chưa biết khi nào mới thực hiện.”
“Đến vùng núi Carpates?” Bất chợt, cha cảm thấy hồi hộp vì toàn bộ cuộc nói chuyện này.
“Không.” Cô ta ném cái từ đó vào mặt cha, giọng khinh miệt. Và rồi, tựa như không thể đừng được, nhưng vẫn tỏ vẻ khinh khỉnh đến độ cha không dám tiếp lời cô ta: “Đến Istanbul.”
“Lạy Chúa lòng lành,” đột nhiên cha ngẩng nhìn bầu trời đang ríu rít tiếng chim, cầu nguyện. Phía trên chúng tôi, những cánh nhạn cuối cùng đã về tổ, thị trấn với những ánh đèn le lói nặng nề khuất mình vào thung lũng. “Chúng ta không nên ngồi đây mãi, vì ngày mai còn cả một cuộc đi bộ leo núi nữa. Những người hành hương thường được khuyên đi ngủ sớm, cha chắc chắn vậy. Trời sắp tối rồi.”
Tôi đổi chân; một chân đã tê cứng dưới sức nặng cơ thể, những viên sỏi trong khuôn viên nhà thờ đột nhiên như sắc cạnh hơn, rất khó chịu, nhất là khi nghĩ đến cái giường ngủ ấm cúng đang chờ đợi phía trước. Chân tôi đau buốt trên đường về khách sạn. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ so với cảm giác bực mình kinh khủng đang sục sôi trong tôi. Một lần nữa, cha lại dừng câu chuyện quá sớm.
“Nhìn kìa,” cha thốt lên, trỏ thẳng ra ngoài từ nơi chúng tôi tạm dừng lại. “Cha nghĩ chắc hẳn đó là tu viện Thánh Matthieu.”
Tôi dõi theo tay cha đến những ngọn núi đen kịt, chụm lại thành khối và nhìn thấy ở lưng chừng một đốm sáng nhỏ. Không có nguồn sáng nào khác xuất hiện gần đốm sáng đó; có vẻ như gần đó không người. Nó giống như hạt kim tuyến trên một tấm vải đen lớn, đốm sáng ở trên cao nhưng không gần sát những đỉnh cao nhất – nó lơ lửng giữa thị trấn và bầu trời đêm. “Đúng chỗ đó, chắc hẳn đó là tu viện, cha nghĩ vậy,” cha lại lên tiếng. “Và ngày mai chúng ta sẽ có một cuộc leo núi ra trò, ngay cả khi chỉ đi theo đường lộ có sẵn.”
Khi bước tiếp dọc theo những đường phố không ánh trăng, tôi cảm thấy lòng nặng trĩu nỗi buồn vì phải giã từ cảnh núi trời bao la bát ngát. Trước khi quẹo ở một góc tháp chuông cũ, tôi liếc nhìn lui một lần nữa, ghi nhớ cái vị trí đốm sáng bé nhỏ vào tâm trí. Vẫn là nó, mờ mờ phía trên bức tường một ngôi nhà phủ đầy hoa giấy. Đứng lặng yên một lát, tôi nhìn trừng trừng vào đốm sáng. Rồi, bỗng nhiên, nó nhấp nháy.