Truy Tìm Dracula

Chương 7



Nhiều tuần lễ sau cha đó, không rời khỏi Amsterdam, và suốt thời gian này tôi cảm thấy cha đã để mắt theo dõi tôi theo một kiểu cách mới. Một ngày kia, sau khi tan học, tôi về nhà trễ hơn thường lệ một chút và thấy bà Clay đang nói chuyện điện thoại với cha. Bà chuyển máy cho tôi ngay. “Con đã ở đâu vậy?” cha hỏi. Cha gọi từ phòng làm việc ở Trung tâm vì Hòa bình và Dân chủ. “Cha đã điện thoại lần thứ hai và bà Clay vẫn không thấy con. Con đã làm cho bà ấy lo sốt vó lên đấy.”

Cha lo sốt vó thì có, tôi có thể nói thế, dù cha đã cố gắng giữ giọng bình thản. “Con ngồi đọc sách tại một quán cà phê mới mở gần trường,” tôi trả lời.

“Được rồi,” cha tiếp tục. “Vậy lần sau nhớ gọi điện báo cho bà Clay hoặc cha biết nếu con về trễ, thế nhé.”

Tôi chẳng muốn đồng ý với ý kiến đó chút nào nhưng vẫn trả lời là sẽ gọi. Đêm đó, cha về nhà sớm để dùng bữa tối và đọc cho tôi nghe cuốn Những kỳ vọng vĩ đại. Sau đó, cha lấy ra một vài album ảnh và chúng tôi cùng xem: Paris, Luân Đôn, Boston, đôi giày trượt patanh đầu tiên, lễ tổng kết cuối năm lớp ba của tôi, rồi lại Paris, Luân Đôn, Rome. Bao giờ cũng chỉ có tôi, đứng trước Điện Pantheon hoặc trước cánh cổng thánh đường Cha Lachaise, bởi chỉ có hai chúng tôi và cha là người chụp hình. Chín giờ, cha kiểm tra tất cả cửa nẻo rồi để tôi đi ngủ.

Lần kế tiếp, khi về nhà trễ tôi đã gọi điện báo cho bà Clay, giải thích là tôi và vài người bạn cùng lớp sẽ cùng làm bài tập với nhau trong giờ uống trà. Bà bảo thế thì được. Tôi gác máy và một mình đến thư viện trường đại học. Bác Johan Binnerts, người thủ thư chuyên về các bộ sưu tập thời Trung cổ ở Amsterdam, giờ đã quen với sự có mặt của tôi, tôi nghĩ vậy; ít ra bác cũng nở một nụ cười nghiêm nghị mỗi lần tôi ghé qua với một câu hỏi mới, bác luôn hỏi thăm xem mấy bài tiểu luận lịch sử của tôi tiến triển thế nào rồi. Bác Binnerts đã tìm được cho tôi một đoạn trong một văn bản thế kỷ thứ mười chín mà tôi vô cùng vui mừng khi nhận được và đã bỏ thời gian ra chép lại nó. Hiện tại tôi đã có văn bản đó, trong phòng làm việc ở Oxford – vài năm sau, tôi lại tìm thấy cuốn sách đó trong một hiệu sách: cuốn Lịch sử Trung Âu của Huân tước Gelling. Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn tha thiết gắn bó với cuốn sách, dù chưa bao giờ mở nó ra mà không mang theo mình một cảm giác trống rỗng, ảm đạm. Tôi nhớ như in cảnh tượng bàn tay của chính mình, bàn tay mềm mại và trẻ trung, chép những đoạn văn trong đó vào cuốn sổ học trò:

Ngoài việc biểu lộ tính độc ác tột cùng, Vlad Dracula còn rất can đảm. Một bằng chứng về sự táo bạo của ông ta: năm 1462, Dracula đã vượt sông Danube và tiến hành một cuộc đột kích ban đêm bằng kỵ binh vào ngay doanh trại nơi Quốc vương Mehmed II và quân đội của ông ta tập kết hòng tấn công Wallachia. Trong cuộc đột kích này, Dracula đã tàn sát hàng ngàn chiến binh Thổ Nhĩ Kỳ, và vị Quốc vương Hồi giáo chỉ thoát chết trong gang tấc khi lực lượng vệ binh đế quốc Ottoman đẩy lui được quân Wallachia.

Tuy có thể thu thập được một số lượng tương đương các tư liệu liên quan đến tên tuổi của bất kỳ vị đại lãnh chúa phong kiến nào trong thời đại của họ – lắm khi còn nhiều hơn trường hợp này, và ở một số ít trường hợp khác, số lượng tư liệu còn có thể vượt xa, nhưng điều vô cùng kỳ lạ về mảng thông tin có được về Dracula là tính bất tử của nó – tức là hắn đã không chịu chết đi như một nhân vật trong lịch sử, huyền thoại về hắn vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng. Một vài nguồn thông tin có giá trị ở Anh quốc đã trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến những nguồn tư liệu mà sự đa dạng của chúng hẳn sẽ khiến bất kỳ nhà sử học nào cũng đều phải nổi tính tò mò. Dracula có vẻ như đã khét tiếng ở châu Âu ngay thuở sinh thời của hắn – một thành tựu tuyệt vời trong những ngày mà châu Âu vẫn còn là một vùng rộng lớn và, theo tiêu chuẩn hiện tại của chúng ta, còn bị phân mảng chia cắt nặng nề, một thế giới mà các chính quyền phải liên lạc với nhau bằng những kỵ mã sứ giả và thuyền vận tải đường sông, ở vào thời điểm mà tính tàn bạo kinh hoàng là một đặc trưng bình thường của tầng lớp quý tộc. Sự khét tiếng của Dracula không kết thúc cùng cái chết bí ẩn của hắn và vụ mai táng kỳ lạ năm 1476, nhưng hình như nó cũng vẫn tiếp diễn không hề suy giảm cho đến khi tự tàn lụi trong ánh sáng rực rỡ của Thời Đại Khai Sáng ở phương Tây.

Mục viết về Dracula chấm dứt ở đó. Dù đã có khối việc liên quan đến lịch sử để lo nghĩ cả ngày, tôi vẫn lang thang đến bộ phận chuyên trách văn học tiếng Anh và vui sướng khi phát hiện ra thư viện có một cuốn Dracula của Bram Stoker. Thực ra sau đấy tôi còn lui tới đó đôi lần để đọc cuốn sách. Tôi không biết có được phép mượn sách ở đó mang về nhà hay không, nhưng dù được tôi cũng không muốn mang cuốn sách đó về nhà, vì chắc chắn tôi sẽ rất khó chọn lựa giữa việc giấu kín và việc thận trọng công khai cuốn sách trong nhà. Thay vì vậy, tôi đã ngồi đọc cuốn Dracula trên một chiếc ghế trượt, bên cạnh cửa sổ thư viện. Nếu thò đầu ra ngoài, tôi có thể nhìn thấy một trong những dòng kênh ưa thích của mình, kênh Singel, cùng với khu chợ hoa trên kênh và những người đang mua bánh mì cá trích ở một quầy hàng nho nhỏ. Đó là một vị trí rất ít người qua lại, sau lưng một kệ sách che khuất tôi khỏi tầm nhìn của các độc giả khác trong phòng.

Ở đó, trong chiếc ghế đó, tôi để mặc những câu chuyện kinh dị phong cách Gothic và tình ái phóng túng thời Victoria của Stoker thay phiên nhau xâm chiếm tâm hồn mình. Tôi không chắc lắm mình muốn gì từ cuốn sách; theo cha, giáo sư Rossi cho rằng cuốn sách này hầu như không phải là một nguồn thông tin hữu ích về nhân vật Dracula có thực. Tôi nghĩ, dù không giống gì nhiều với Vlad Ţepeş nhưng Bá tước Dracula lạnh lùng trong cuốn tiểu thuyết là một nhân vật hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng chính giáo sư Rossi lại tin chắc rằng Dracula đã biến thành ma cà rồng, khi còn sống – trong suốt tiến trình lịch sử. Tôi băn khoăn tự hỏi liệu một cuốn tiểu thuyết có đủ năng lực làm cho một chuyện nào đó vô cùng kỳ quái biến thành có thực hay không. Xét cho cùng, giáo sư Rossi đã tiến hành công việc tìm tòi của mình rất lâu sau ngày cuốn Dracula được xuất bản. Vlad Dracula, mặt khác, lại là một thế lực độc ác sống ở cái thời cách gần bốn trăm năm trước khi Stoker ra đời. Quả thực rất phức tạp.

Và chẳng phải giáo sư Rossi cũng từng nói rằng Stoker đã mang lại thêm rất nhiều thông tin có giá trị cho những người quan tâm tới ma cà rồng hay sao? Tôi chưa bao giờ xem một phim về ma cà rồng nào – cha không thích sự kinh dị dù dưới bất cứ hình thức nào – nên đối với tôi, những tập tục mà Stoker kể thật mới lạ. Theo Stoker, ma cà rồng chỉ có thể tấn công nạn nhân của mình trong khoảng thời gian giữa hoàng hôn và bình minh. Ma cà rồng gần như bất tử, thích hút máu người và bằng cách đó biến họ thành quỷ như chính nó. Ma cà rồng có thể mang hình dạng của dơi, chó sói hoặc sương mù; có thể xua đuổi chúng bằng cách sử dụng tỏi hoặc cây thánh giá; có thể tiêu diệt chúng bằng cách xuyên một cọc nhọn vào tim hoặc nhét đầy tỏi vào miệng chúng khi chúng ngủ trong quan tài suốt thời gian ban ngày. Một viên đạn bạc bắn vào tim cũng có thể giết chết ma cà rồng.

Chẳng có gì trong cuốn sách đó làm cho tôi sợ hãi, bản thân các tình tiết thì không; tất cả đều có vẻ quá xa xôi, quá hoang đường, quá kỳ quặc. Nhưng có một khía cạnh của câu chuyện luôn ám ảnh tôi sau mỗi chương, khi tôi đã đặt cuốn sách trở lại ngăn kệ và cẩn thận đánh dấu trang sách mà tôi dừng lại. Ý tưởng đó cũng bám theo tôi khi tôi bước xuống những bậc cầu thang thư viện rồi băng qua những chiếc cầu trên dòng kênh, cho đến khi tôi về đến tận cửa nhà. Nhân vật Dracula trong trí tưởng tượng của Stoker có một loại nạn nhân mà hắn rất ưa thích: những cô gái trẻ.

Chưa bao giờ cha muốn về thăm phương Nam để thưởng thức nét đẹp của mùa xuân nơi đó như lúc này, cha thổ lộ; cha cũng muốn tôi nhìn ngắm cảnh đẹp ở đó. Chẳng bao lâu kỳ nghỉ của chúng tôi cũng đến, dù các cuộc hội họp ở Paris có làm cha chậm trễ vài ngày. Tôi đã học được cách không hối thúc cha, cả trong chuyện du lịch lẫn đòi nghe chuyện kể; khi cha đã sẵn sàng thì việc gì đến sẽ đến, nhưng không bao giờ, không bao giờ vào những lúc chúng tôi ở nhà. Tôi tin rằng cha không muốn mang cái linh hồn hắc ám ấy vào thẳng nhà mình.

Chúng tôi đáp xe lửa đến Paris và sau đó đi ô tô xuôi về hướngNam, tới rặng núi Cévennes. Vào các buổi sáng, tôi tiếp tục làm hai hoặc ba bài luận bằng thứ tiếng Pháp ngày càng tiến bộ hơn của mình và gửi chúng về trường. Thậm chí bây giờ, sau hàng chục năm trời, tôi vẫn còn giữ được một trong các bài luận đó; việc mở ra xem lại nó thường gợi lại trong tôi cái cảm giác còn vẹn nguyên về vùng trung tâm nước Pháp trong những ngày tháng Năm, mùi hương cỏ – không phải cỏ bình thường mà là l’herbe(1), có thể ăn sống được, tựa như tất cả các loại thực vật của nước Pháp đều có thể nấu nướng thành những món ngon tuyệt vời, trở thành các thành phần của món xa lát hoặc là thứ gì đó để trộn cùng pho mát.

Tại các nông trại dọc đường, mà chúng tôi dừng lại để mua đồ ăn rồi dùng bữa luôn ngoài trời, đồ ăn ở đó ngon hơn bất kỳ món ăn nào mà nhà hàng có thể phục vụ: những bao dâu tươi ửng đỏ dưới ánh mặt trời và có vẻ chẳng cần rửa lại; những thỏi pho mát dê hình trụ nặng nề như những thanh tạ, bao bọc phía ngoài chúng là một lớp vỏ xù xì màu xám, như thể chúng vừa được lăn qua sàn một hầm rượu. Cha uống loại rượu vang màu đỏ sậm, không nhãn hiệu và giá chỉ vài xu, sau mỗi bữa ăn cha đóng nắp chai rượu, mang theo cùng nó một ly thủy tinh nhỏ, gói cẩn thận trong một cái khăn ăn. Về món tráng miệng, chúng tôi ngốn sạch những ổ bánh mì mới nướng mua ở một thị trấn gần đó, nhét đầy sô cô la đen miếng vuông. Bao tử tôi reo lên vì thích thú còn cha thì rầu rĩ nói chắc hẳn phải ăn kiêng trở lại khi quay về với cuộc sống thường nhật.

Con đường dẫn chúng tôi xuyên qua miền Đông Nam và khoảng một hoặc hai ngày sau sẽ lên cao, vào vùng rừng núi lạnh hơn. “Tỉnh Pyrénées-Orientales – Mạn Đông rặng Pyrénées,” cha nói với tôi, khi trải tấm bản đồ đường sá ra, trong lúc dùng bữa ăn ngoài trời. “Từ nhiều năm qua, cha vẫn mong muốn trở lại nơi này.” Dùng ngón tay vạch theo lộ trình, tôi phát hiện ra chúng tôi đã ở gần đất nước Tây Ban Nha đến độ không ngờ. Phát hiện này – và cái từ đẹp đẽ Orientales – Mạn Đông – đã làm tôi ngây ngất. Chúng tôi đang đến gần những vùng biên của thế giới mà tôi vẫn hằng biết rõ, và lần đầu tiên tôi nhận ra rằng một ngày nào đó mình có thể đi xa hơn và xa hơn nữa ra ngoài thế giới ấy. Cha nói muốn tham quan một tu viện đặc biệt. “Cha nghĩ tối nay chúng ta có thể tới thị trấn và đến mai sẽ cuốc bộ lên tu viện đó.”

“Nó cao không cha?” tôi hỏi.

“Ở lưng chừng núi, chính yếu tố này đã bảo vệ tu viện tránh được nhiều cuộc xâm lăng. Nó được xây dựng đúng vào năm 1000. Thật không thể tin được – cái nơi chốn nhỏ bé này như được tạc vào một khối đá, rất khó đến được, ngay cả đối với những khách hành hương nhiệt thành nhất. Nhưng con cũng sẽ thích cái thị trấn bên dưới không kém đâu. Đó là một thị trấn cổ kính, có suối nước khoáng. Thực sự hấp dẫn.” Cha cười khi nói câu đó, nhưng cha có vẻ bồn chồn, hấp tấp xếp tấm bản đồ lại. Tôi có cảm giác chẳng bao lâu cha sẽ kể cho tôi nghe một câu chuyện khác; lần này có thể tôi không cần phải yêu cầu.

Khi chúng tôi lái xe vào Les Bains vào buổi chiều hôm đó, tôi thực sự thích nơi này. Đó là một làng lớn, xây dựng bằng đá màu vàng cát, nằm trải ra trên một chỏm núi nhỏ. Rặng Pyrénées hùng vĩ như treo lơ lửng bên trên, phủ bóng lên tất cả, chỉ trừ những con đường nằm rộng nhất chạy về hướng những thung lũng sông và những nông trại bằng phẳng, khô ráo phía bên dưới. Những cây tiêu huyền bụi bặm, được cắt tỉa vuông vắn bao quanh một loạt các mái hiên cũng bụi bặm, chẳng tỏa chút bóng mát nào cho những người dân thị trấn đang thong thả tản bộ, những cái bàn nơi những phụ nữ lớn tuổi bày bán các loại khăn ren trải bàn và những chai tinh chất hoa oải hương. Từ nơi đó, chúng tôi có thể nhìn lên ngôi nhà thờ bằng đá mà ngày mai sẽ đến thăm ấy, dập dìu bóng chim nhạn, nằm trên đỉnh thị trấn, và nhìn ngắm tháp chuông của nó bồng bềnh giữa bóng núi đồ sộ như một đỉnh chóp ảm đạm chực đổ xuống từng con đường làng khi mặt trời lặn.

Chúng tôi ăn một bữa tối ngon lành với món xúp gì đó giống như xúp Gazpacho, sau đó là món sườn bê trong một nhà hàng ở tầng một của một trong các khách sạn kiểu thế kỷ mười chín trong thị trấn. Viên quản lý nhà hàng gác một chân lên thanh ngang bằng đồng của quầy rượu bên cạnh bàn chúng tôi và hỏi han bằng giọng điệu thờ ơ nhưng lịch sự về cuộc hành trình của chúng tôi. Ông ta là người khá thô, mặc toàn một màu đen, mặt choắt và nước da xanh tái. Ông ta nói thứ tiếng Pháp giật cục, thêm mắm giặm muối cái gì đó mà tôi chưa nghe bao giờ, tôi hiểu được quá ít so với cha. Cha phải dịch lại cho tôi.

“À, dĩ nhiên rồi… tu viện của chúng tôi,” viên quản lý nhà hàng lên tiếng, trả lời câu hỏi của cha. “Các vị có biết mỗi mùa hè tu viện Thánh Matthieu thu hút được khoảng tám ngàn khách thăm viếng chứ? Vâng, đúng vậy. Nhưng tất cả bọn họ đều rất dễ chịu và trật tự, ngoài ra có rất nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo ngoại quốc cũng leo bộ lên đó, thật đúng là một cuộc hành hương. Sáng dậy họ tự dọn chỗ ngủ, nên chúng tôi hầu như không biết họ đến rồi đi lúc nào. Dĩ nhiên, nhiều người khác chỉ đến để les bains – tắm suối nước khoáng. Các vị sẽ tắm chứ?”

Cha đáp là chúng tôi phải quay về miền Bắc sau hai đêm ở đây và dự định sẽ dành cả ngày mai để thăm tu viện.

“Các vị biết đấy, có rất nhiều truyền thuyết nói về nơi chốn đó, một số rất đáng lưu ý, và tất cả đều có thực,” viên quản lý nhà hàng tiếp tục kể, mỉm cười, nụ cười bất chợt làm cho khuôn mặt loắt choắt của ông ta trở nên dễ nhìn hơn. “Cô gái trẻ này hiểu chứ? Có lẽ cô quan tâm muốn biết những truyền thuyết đó.”

“Je comprend, merci,”(2) tôi lịch sự trả lời.

“Tốt. Tôi sẽ kể một chuyện. Các vị không phiền chứ? Xin mời, hãy dùng món sườn đi chứ – món này dùng nóng mới ngon.” Ngay lúc đó, cánh cửa nhà hàng mở ra, một cặp vợ chồng già tươi cười bước vào, chọn một bàn, hẳn họ là cư dân địa phương. “Bon soir, buenas tardes,”(3) tay quản lý khách sạn nói liền một hơi. Tôi nhìn cha dò hỏi, cha chỉ cười.

“Vâng, ở đây chúng tôi pha trộn lung tung,” viên quản lý cười, giải thích. “Chúng tôi là món xa lát, trộn lẫn mọi văn hóa. Ông nội tôi nói tiếng Tây Ban Nha rất cừ – tiếng Tây Ban Nha hoàn hảo đấy nhé – lúc về già ông vẫn còn tham gia cuộc nội chiến của họ. Ở đây, chúng tôi yêu chuộng mọi ngôn ngữ. Ở chỗ chúng tôi, không có bom đạn, không có khủng bố, không như những người xứ Basques(4). Chúng tôi không phải là bọn tội phạm.” Ông nhìn quanh, vẻ phẫn nộ, tựa như có ai đó vừa bài bác lại mình.

“Sẽ giải thích cho con sau,” cha thì thầm nói.

“Vậy, tôi sẽ kể cho các vị nghe một câu chuyện. Tôi tự hào nói rằng người ta gọi tôi là sử gia của thị trấn này. Các vị ăn đi chứ. Như các vị đã biết, tu viện của chúng tôi được xây dựng vào năm 1000. Thực ra là năm 999, bởi vì các tu sĩ đã chọn địa điểm này để chuẩn bị cho Ngày Tận Thế sắp đến, các vị biết đấy, trong thiên niên kỷ. Họ đã trèo lên những ngọn núi này để tìm kiếm một địa điểm xây nhà thờ. Sau đó, một người trong bọn họ đã nằm mơ thấy Thánh Matthieu hiển linh, đặt lên chỏm núi phía trên họ một bông hồng trắng. Ngày hôm sau họ leo lên đó và tôn vinh ngọn núi bằng những bài kinh cầu nguyện. Rất đẹp – các vị sẽ thích nó. Nhưng đó chưa phải là huyền thoại hay nhất. Đó chỉ là chuyện sáng lập nên nhà thờ.

“Như thế, khi tu viện và ngôi nhà thờ nhỏ được đúng một trăm tuổi, một trong các tu sĩ sùng đạo nhất, người chuyên giảng dạy cho các tu sĩ trẻ hơn, đã chết một cách bí ẩn ngay giữa độ tuổi trung niên. Ông ta tên Miguel de Cuxa. Người ta vô cùng thương tiếc và đã an táng ông ấy trong hầm mộ nhà thờ. Các vị biết đấy, hầm mộ đó đã làm cho vùng này trở nên nổi tiếng, bởi đó là kiến trúc kiểu La Mã cổ nhất châu Âu. Đúng vậy!” Ông ta gõ các ngón tay dài và vuông lên quầy rượu một cách tự tin. “Vâng! Một số người nói vinh dự này thuộc về thị trấn Saint-Pierre, nằm ở phía ngoài thành phốPerpignan, nhưng đó chỉ là chuyện bịa nhằm thu hút khách du lịch mà thôi.

“Dù sao chăng nữa, học giả vĩ đại này đã được an táng trong hầm mộ nhà thờ, và chẳng bao lâu sau một tai họa đã ập đến với tu viện. Nhiều tu sĩ đã chết vì một bệnh dịch kỳ lạ. Người ta tìm thấy xác của từng người một trên các hành lang – hành lang rất đẹp, các vị sẽ thích chúng cho mà xem. Chúng đẹp nhất châu Âu. Thế đấy, người ta thấy các tu sĩ khi họ đã chết, trắng bệch như ma, tựa như họ không còn chút máu trong người. Mọi người nghi ngờ là do thuốc độc.

“Sau cùng, một tu sĩ trẻ – học trò cưng của vị tu sĩ quá cố – đã đi xuống hầm mộ mở quan tài vị thầy ra, bất chấp sự phản đối của cha tu viện trưởng, vốn là người rất yếu bóng vía. Và họ phát hiện vị tu sĩ vẫn còn sống, nhưng không thực sự sống, liệu các vị có hiểu ý tôi. Một xác chết sống. Ban đêm, ông ta trỗi dậy để giết các tu sĩ đồng liêu. Để linh hồn tu sĩ khốn khổ ấy được yên nghỉ, người ta đã mang nước thánh từ một nơi linh thiêng trong dãy núi và lấy về một cái cọc thật nhọn…” Ông ta vung tay vẽ vào khoảng không một hình thù đầy ấn tượng, để tôi có thể hình dung được độ bén nhọn của chiếc cọc kia. Tôi tập trung hướng chú ý khỏi con người và thứ tiếng Pháp của ông ta, nỗ lực tối đa để ghép những mẩu chuyện của ông ta lại với nhau trong đầu. Cha đã ngừng không thông dịch cho tôi nữa, và ngay lúc đó, nĩa của cha rớt xuống đĩa lanh canh. Khi nhìn lên, tôi thấy mặt cha trắng bệch như chiếc khăn trải bàn, nhìn chăm chăm vào người bạn mới của chúng tôi.

“Liệu chúng tôi có thể…” Cha hắng giọng, dùng chiếc khăn ăn chùi miệng một hai lần. “Liệu chúng tôi có thể dùng cà phê được chưa?”

“Nhưng các vị chưa dùng món xa lát kia mà.” Vị chủ nhà hàng trông có vẻ không vui. “Hiếm có lắm đấy. Chiều tối nay chúng tôi còn có poires belles-Hélène(5), một loại pho mát rất ngon, và một cái bánh ngọt cho quý cô trẻ tuổi đây nữa.”

“Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi,” cha vội vàng tiếp lời. “Vâng, thì mang hết tất cả các món đó lên cho chúng tôi.”

Quảng trường thấp nhất trong số các quảng trường đầy bụi bặm của thị trấn vang dội tiếng nhạc phát ra đều đều từ loa phóng thanh khi chúng tôi xuất hiện; vài vở diễn địa phương đang được mười hoặc mười hai đứa trẻ trong những trang phục gợi nhớ đến vở kịch Carmen biểu diễn. Các cô bé đứng rung tại chỗ, làm cho những lớp viền đăng ten vàng bóng từ hông đến mắt cá chân rung xào xạc, những cái đầu đung đưa duyên dáng dưới những tấm khăn choàng viền ren. Các cậu bé thì giậm chân rồi quỳ xuống, hoặc xoay tròn quanh các cô bé, mặt ra vẻ khinh khỉnh. Mỗi cậu đều mặc áo khoác đen ngắn, quần chẽn bó sát và đội mũ nhung. Chúng tôi có thể nghe được tiếng nhạc thỉnh thoảng dội lên, kèm theo là âm thanh giống như tiếng roi quất, càng đến gần nghe càng vang to hơn. Một vài du khách khác đang đứng vòng quanh xem các cô cậu bé vũ công cùng một dãy các bậc cha mẹ ông bà ngồi trên ghế xếp bên cạnh hồ phun cạn nước, vỗ tay mỗi khi các cậu bé giậm chân hoặc tiếng nhạc đến độ cao và nhanh nhất.

Chúng tôi chỉ nán lại vài phút rồi trở lại với con đường dẫn lên núi cao, con đường dẫn thẳng từ quảng trường lên ngôi nhà thờ trên đỉnh. Cha không đề cập gì đến việc mặt trời đang ngả bóng, nhưng tôi cảm thấy chúng tôi đang rảo bước thế này bởi ánh ngày sắp tắt, và chẳng ngạc nhiên khi thấy toàn bộ ánh sáng trên miền quê hoang dã này đã bỏ nó mà đi. Khi chúng tôi lên cao hơn, dãy Pyrénées hiện ra sừng sững, xanh thẫm trên đường chân trời, rồi hòa vào nền trời xanh đen. Quang cảnh nhìn từ chân tường nhà thờ thật hùng vĩ – không gây choáng váng như phong cảnh chúng tôi đã thấy ở những thị trấn Ý mà tôi tới giờ vẫn hằng mơ tưởng, nhưng rộng mênh mông: đồng bằng xen kẽ những ngọn đồi tập hợp nhau lại thành một vùng chân núi, rồi vùng chân núi giận dữ nhô vút lên thành những đỉnh chóp đen thẫm, che khuất cả một vùng trời xa. Ngay bên dưới chúng tôi, thị trấn đã lên đèn, mọi người đang cười nói rảo bước trên đường phố hay ngõ hẻm, một mùi hương giống như hương cẩm chướng tỏa lên từ những khu vườn hẹp có tường bao bọc chung quanh. Những chú chim nhạn lượn vào lượn ra trên ngọn tháp nhà thờ, chao liệng tựa như đang vẽ một cái gì đó vô hình bằng những sợi tơ trời. Tôi chú ý có một con chao cánh như say rượu giữa những con khác, tựa như nó không có sức nặng, vụng về chứ không nhanh nhẹn, và tôi chợt nhận ra đó là một con dơi đơn lẻ, chỉ nhìn rõ nhờ thứ ánh sáng chập chờn.

Cha thở dài, tựa vào tường, gác chân lên một tảng đá – một cây cột để buộc dây ngựa, hay cái bục để lấy thế leo lên lưng lừa đây nhỉ? Cha nói to băn khoăn này lên để tôi thấy ông vẫn bình thường. Dù là gì chăng nữa, hàng thế kỷ qua nó đã chứng kiến quang cảnh này, vô số buổi hoàng hôn thế này, sự đổi thay khá gần đây từ ánh nến sang ánh điện trong những quán cà phê và những đường phố có tường cao bao bọc. Cha đứng đó, có vẻ đã thoải mái trở lại sau một bữa ăn ngon và một cuốc tản bộ trong bầu không khí cực kỳ trong lành; nhưng tôi thấy có vẻ như cha cố tình tỏ ra thanh thản. Tôi không dám hỏi cha về phản ứng kỳ lạ của cha đối với câu chuyện mà viên quản lý nhà hàng kể, nhưng rõ ràng một cảm giác đã ập đến với tôi – rằng có thể cha từng gặp phải những chuyện còn kinh khủng hơn câu chuyện cha đã kể cho tôi nghe. Lần này, tôi không cần phải yêu cầu cha tiếp tục câu chuyện; dường như ngay lúc đó cha thích kể câu chuyện đó, hơn là một cái gì đó tồi tệ hơn.

Chú thích:

1. Tiếng Pháp: Thảo mộc.

2. Tiếng Pháp: Tôi hiểu, cám ơn ông.

3. Tiếng Pháp, Tây Ban Nha: cũng có nghĩa là Chào buổi chiều.

4. Basque: khu vực tự trị ở phía Bắc Tây Ban Nha, bao gồm ba tỉnh Álava, Guipúzcoa và Vizcaya; thủ phủ là thành phố Vitoria-Gasteiz, dân số hơn 2 triệu, diện tích 7.260 kilomet vuông.

5. Nguyên văn tiếng Pháp: món tráng miệng nhẹ bằng trái cây, chủ yếu bằng trái lê, do nữ hầu tước xinh đẹp Hélène người Pháp sáng chế.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.