Anna cảm thấy bữa trưa của cô với Ken Wheatley nhẽ ra đã có thể tốt đẹp hơn. Vị phó chủ tịch của hãng Christie đã nói thẳng ra rằng vụ việc không may khiến cô bị sa thải khỏi hãng vẫn chưa được các đồng nghiệp của cô trong giới nghệ thuật xếp vào kho chuyện của quá khứ. Và mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi Fenston đã rêu rao rằng cô bị sa thải vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Wheatley thừa nhận rằng chẳng mấy ai tin lời Fenston. Tuy nhiên, họ cảm thấy khó có thể làm mất lòng một khách hàng giàu có như vậy, và điều đó có nghĩa là việc cô muốn quay trở lại nhà đấu giá này không phải là chuyện dễ. Những gì mà Wheatley nói càng khiến cô thêm quyết tâm giúp Jack đưa Fenston, một kẻ vô lương sẵn sàng huỳ hoại cuộc sống của bất kỳ ai, vào tù.
Theo lối nói khéo léo của Ken thì hiện nay không có công việc phù hợp với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của cô, nhưng ông ta hứa sẽ giữ liên lạc.
Khi Anna rời khỏi tiệm ăn, cô vẫy một chiếc tắc xi. Có lẽ cuộc gặp thứ hai sẽ tốt đẹp hơn. “Số 26 Federal Plaza”, cô nói với người lái xe.
Jack đang đứng ở sảnh của văn phòng New York chờ Anna. Anh không ngạc nhiên khi thấy cô đến sớm mấy phút, mặc dù anh đã chờ cô được một lúc. Ba lính gác nhìn theo Anna khi cô đi xuống mười hai bậc cầu thang dẫn tới cửa ra vào tòa nhà số 26 đường Federal Plaza. Cô nói tên mình với một người lính gác, và anh ta hỏi xem giấy tờ tuỳ thân của cô. Cô đưa cho anh ta tấm bằng lái xe của mình, anh ta xem kỹ rồi viết tên cô vào sổ.
Jack mở cửa cho cô.
“Tôi không nghĩ cuộc hẹn hò đầu tiên sẽ như thế này”, Anna vừa nói vừa bước vào bên trong.
“Tôi cũng thế”, Jack nói, “nhưng sếp của tôi muốn cô không nghi ngờ gì về việc ông ấy đánh giá cuộc gặp này quan trọng đến mức nào”.
“Tại sao, bây giờ đến lượt tôi bị bắt à?”, Anna hỏi.
“Không, nhưng ông ấy hy vọng cô có thể giúp chúng tôi”.
“Vậy thì chúng ta cùng đi đeo chuông vào cổ mèo”.
“Một câu nói quen thuộc của cha cô”, Jack nói.
“Sao anh biết?”, Anna hỏi. “Anh cũng có hồ sơ điều tra về cha tôi à?”.
“Không”, Jack cười, cũng là lúc họ bước vào thang máy. “Đó là một trong những gì mà cô đã nói cho tôi biết trên máy bay trong đêm đầu tiên của chúng ta”.
Jack đưa Anna lên tầng thứ mười chín, nơi Dick Macy đang chờ ngoài hành lang để đón cô.
“Cảm ơn cô vì đã nhận lời mời đến đây, Tiến sỹ Petrescu”, ông ta nói như thể cô có quyền lựa chọn. Anna không bình luận gì. Macy đưa cô vào văn phòng của mình và mời cô ngồi xuống một chiếc ghế êm ái bên bàn làm việc của ông ta.
“Cho dù đây là một cuộc gặp không có ghi âm”, Macy bắt đầu, “tôi không thể nói hết mức độ quan trọng mà Cục của chúng tôi đánh giá về sự giúp đỡ của cô”.
“Tại sao các ông cần sự giúp đỡ của tôi?”, Anna hỏi. “Tôi nghĩ các ông đã bắt giữ Leapman và hiện nay ông ta đang được canh giữ cẩn thận”.
“Chúng tôi đã thả ông ta ra sáng nay”, Macy nói.
“Thả ông ta?” Anna nói. “Hai triệu không đủ à?”.
“Thừa đủ”, Macy thừa nhận. “Đó là lý do tại sao tôi phải can dự vào. Chuyên môn của tôi là thương thuyết với những người bị bắt về khả năng được hưởng sự khoan hồng của họ, và lúc 9 giờ sáng nay, Leapman đã ký một thoả thuận với Công tố Quận Nam để đảm bảo rằng nếu ông ta hợp tác đầy đủ với chúng tôi trong cuộc điều tra, ông ta sẽ chỉ phải ngồi tù 5 năm”.
“Nhưng đó chưa phải là lý do khiến các ông thả Leapman”, Anna nói.
“Bởi vì Leapman khẳng định ông ta có thể chứng minh mối quan hệ tài chính trực tiếp giữa Fenston và Krantz, nhưng ông ta phải trở lại văn phòng Phố Wall của mình để có thể lấy được những tài liệu cần thiết, bao gồm cả số tài khoản, và một số vụ chi trả bất hợp pháp vào các tài khoản ngân hàng khác nhau trên khắp thế giới”.
“Ông ta có thể lừa các ông”, Anna nói. “Suy cho cùng, phần lớn các tài liệu liên quan đều không còn sau khi Tháp Bắc sụp đổ”.
“Đúng vậy”, Macy nói, “nhưng nếu ông ta làm thế, tôi đã nói rõ với ông ta rằng ông ta chỉ còn nước ngồi tù cho đến hết đời tại Sing Sing”.
“Có vẻ như đó là một sáng kiến”, Anna nói.
“Leapman cũng đồng ý trở thành người làm chứng của chính phủ”, Jack nói, “nếu vụ việc được đưa ra tòa.
“Vậy thì hãy tỏ lòng biết ơn khi Krantz đã bị bắt giữ, nếu không người làm chứng quý giá của các ông cũng chẳng làm gì nổi Fenston”. Macy nhìn Jack, và không che giấu nổi sự ngạc nhiên của mình. “Cô chưa đọc ấn bản của tờ Thời báo New York sáng nay à?”, ông ta quay sang Anna hỏi.
“Chưa”, Anna thú nhận. Cô vẫn chưa hiểu họ đang nói về chuyện gì.
Macy mở tập hồ sơ trước mặt, lấy ra một bài báo và đưa cho Anna.
Olga Krantz, được biết tới như là một sát thủ chuyên sử dụng dao làm bếp làm vũ khí giết người và vai trò đồ tể của cô ta trong chế độ tàn bạo của Ceausescu, đã tẩu thoát khỏi một bệnh viện được canh gác nghiêm ngặt ở Bucharest vào tối hôm qua. Người ta cho rằng Krantz đã trốn đi trong một bộ quần áo của nhân viên bốc vác trong bệnh vện. Sau đó người ta đã phát hiện thấy một sỹ quan cảnh sát canh gác cô ta…
“Tôi sẽ phải liên tục ngoái nhìn qua vai trong suốt phần đời còn lại của mình”, Anna nói, trước cả khi cô đọc xong đoạn cuối.
“Tôi không nghĩ vậy”, Jack nói. “Krantz sẽ không vội trở về Mỹ, khi cô ta đã có tên trong danh sách chín người bị FBI truy nã gắt gao nhất. Cô ta cũng sẽ nhận ra rằng chúng ta đã đưa mô tả chi tiết về cô ta tới mọi cửa ngõ ra vào nước Mỹ, cũng như cho Interpol. Nếu cô ta bị chặn lại và bị hỏi han, cô ta sẽ không thể giải thích được vết thương trên vai phải của mình”.
“Nhưng điều đó cũng không ngăn được hành động trả thù của Fenston”.
“Tại sao ông ta lại phải làm điều đó?”, Jack hỏi. “Một khi ông ta đã có bức tranh Van Gogh, và cô đã không còn gây nguy hiểm cho ông ta”.
“Nhưng ông ta chưa có được bức Van Gogh”, Anna vừa nói vừa cúi đầu.
“Cô muốn nói gì?”, Jack hỏi.
“Tôi mới nhận được một cú điện thoại của Tina, ngay trước lúc tôi rời nhà tới đây. Chị ấy cảnh báo với tôi rằng Fenston đã gọi một chuyên gia của hãng Christie tới để định giá bảo hiểm cho bức tranh. Một chuyện mà trước đây ông ta chưa bao giờ làm”.
“Nhưng thế thì có gì là lạ?”, Jack nói. Anna ngẩng đầu lên. “Bởi vì đó là tranh giả”.
“Một bức tranh giả à?”, cả hai người đàn ông cùng lên tiếng.
“Đúng thế, và đó là lý do tại sao tôi bay sang Bucharest. Tôi nhờ một người bạn, một hoạ sỹ thiên tài về thể loại chân dung, sao một bản của bức tranh đó”.
“Điều này giải thích tại sao trong phòng khách của cô lại có một bức tranh đẹp như vậy”, Jack nói.
“Anh đã ở trong phòng khách của tôi à?”, Anna nói.
“Chỉ khi tôi tin rằng cuộc sống của cô đang bị đe doạ”, Jack trầm giọng nói. “Nhưng…”, Anna bắt đầu.
“Và điều này cũng giải thích”, Macy nói chen vào, “tại sao cô lại gửi một chiếc thùng màu đỏ tới London, thậm chí còn để hãng Art Locations tham dự vào và chuyển nó tới New York cho Fenston”.
Anna gật đầu.
“Nhưng cô phải biết rằng đến một lúc nào đó, ông ta cũng sẽ phát hiện ra chứ?”, Jack hỏi.
“Đến một lúc nào đó, đúng vậy”, Anna nói. “Vấn đề là ở chỗ đó. Tất cả những gì tôi cần là có đủ thời gian để bán bức tranh gốc, trước khi Fenston biết rõ ý định của tôi”.
“Vậy là khi người bạn Anton của cô đang sao lại bức tranh, cô bay sang Tokyo để tìm cách bán bản gốc cho Nakamura”.
Anna gật đầu.
“Nhưng cô có thành công không?”, Macy hỏi.
“Có”, Anna nói. “Nakamura đồng ý mua bản gốc với giá 50 triệu đôla, như thế là thừa đủ để Arabella thanh toán hết các món nợ của chị mình với Fenston Finance trong khi vẫn giữ được toàn bộ những gì còn lại của Lâu đài”.
“Nhưng bây giờ khi Fenston đã biết rằng ông ta đang giữ một bức tranh giả, ông ta sẽ liên lạc với Nakamura và nói cho ông ta biết ý định của cô”.
“Ông ta đã làm thế”, Anna nói.
“Vậy là cô về số không”, Macy nói. “Không”, Anna vừa nói vừa mỉm cười. “Nakamura đã gửi 5 triệu đôla tiền đặt cọc cho các luật sư của ông ta tại London, và đã đồng ý sẽ thanh toán hết ngay sau khi ông ta đã cho thẩm định bức tranh”.
“Cô có đủ thời gian không?”, Macy hỏi.
“Tối nay tôi sẽ bay đi London”, Anna nói, “và Nakamura có kế hoạch sẽ gặp chúng tôi tại Lâu đài Wentworth vào tối mai”.
“Có vẻ như rất gấp rút”, Jack nói. “Không, nếu Leapman không trở mặt”, Macy nói. “Đừng quên những gì mà ông ta đã lên kế hoạch cho tối nay”.
“Tôi có thể biết các anh định làm gì không?”, Anna hỏi.
“Không”, Jack nói một cách dứt khoát. “Cô cứ lên máy bay đi London và giải quyết công việc của mình đi, còn chúng tôi sẽ tiếp tục với nhiệm vụ của mình”.
“Công việc của các anh có bao gồm cả việc theo dõi Tina không?”, Anna trầm giọng hỏi.
“Tại sao chúng tôi lại phải làm việc đó?”, Jack hỏi.
“Chị ấy vừa bị đuổi việc sáng nay”.
“Vì lý do gì?”, Macy hỏi.
“Vì Fenston phát hiện ra rằng chị ấy đã báo cho tôi biết tất cả những ý định của ông ta, vì vậy tôi sợ rằng mình đã đặt cuộc đời chị ấy vào vòng nguy hiểm”.
“Tôi đã lầm về Tina”, Jack thú nhận, rồi anh nhìn sang Anna và nói thêm, “và tôi xin lỗi. Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao cô ấy lại nhận lời làm việc cho Fenston”.
“Tôi có cảm giác là tôi sẽ tìm ra câu trả lời vào tối nay”, Anna nói. “Chúng tôi sẽ gặp nhau và đi uống nước trước khi tôi ra sân bay”.
“Nếu cô có chút thời gian rảnh trước khi cất cánh, hãy gọi điện cho tôi. Tôi sẽ rất nóng lòng muốn được biết câu trả lời cho điều bí ẩn đó”.
Anna gật đầu.
“Còn một điều bí ẩn nữa mà tôi muốn làm rõ trước khi cô ra về. Tiến sỹ Petrescu ạ”, Macy nói.
Anna quay sang nhìn ông sếp của Jack.
“Nếu Fenston đang giữ một bức tranh giả, vậy thì bức tranh gốc ở đâu?”, ông ta hỏi.
“Ở Lâu đài Wentworth”, Anna trả lời. “Sau khi lấy lại bức tranh từ hãng Sotheby, tôi bắt tắc xi và đưa nó thẳng tới chỗ Arabella. Thứ duy nhất mà tôi mang theo là chiếc thùng màu đỏ và khung tranh gốc”.
“Rồi cô mang sang Bucharest để người bạn Anton của cô có thể lắp bức tranh giả vào khung tranh thật, và cô hy vọng như thế là đủ để thuyết phục Fenston tin rằng ông ta đã có được bức chân dung đích thực của Van Gogh”.
“Và mọi chuyện sẽ là như vậy nếu ông ta không quyết định bảo hiểm cho bức tranh ấy”.
Yên lặng vài giây, rồi Macy nói: “Và cô đã làm tất cả những chuyện đó trước mặt Jack”.
“Đúng thế”, Anna vừa nói vừa mỉm cười.
“Vậy cho tôi hỏi một câu cuối cùng, Tiến sỹ Petrescu”, Macy tiếp tục, “bức tranh Van Gogh đã ở đâu khi hai nhân viên có kinh nghiệm nhất của tôi ăn sáng với cô và Phu nhân Arabella tại Lâu đài Wentworth?”.
“Thỉnh nguyện Tu chính Thứ Năm”, Jack nói bằng một giọng cầu xin.
“Trong phòng ngủ mang tên Van Gogh”, Anna trả lời, “ngay phía trên đầu họ, ở tầng hai”.
“Rất gần”, Macy nói.
***
Krantz đợi cho đến tiếng chuông thứ mười, và một giọng nói cất lên hỏi cô ta: “Cô đang ở đâu?”.
“Gần biên giới nước Nga”, cô ta nói. “Tốt, bởi vì cô không thể quay trở về New York lúc này khi tên của cô vẫn thường xuyên xuất hiện trên tờ Thời báo New York”.
“Đó là chưa kể tới danh sách truy nã đặc biệt của FBI”, Krantz thêm vào. “Mười lăm phút nổi tiếng”, Fenston nói. “Nhưng tôi có một công việc mới cho cô đây”.
“Ở đâu?”, Krantz hỏi.
“Lâu đài Wentworth”.
“Tôi không thể liều quay trở lại đó lần thứ hai…”.
“Cho dù tôi trả gấp đôi tiền?”.
“Vẫn quá mạo hiểm”.
“Cô sẽ không nghĩ thế nếu tôi cho cô biết tôi muốn cắt cổ ai”.
“Tôi đang nghe đây”, cô ta nói, và khi Fenston nói ra cái tên mà ông ta muốn trở thành nạn nhân tiếp theo của mình, cô ta chỉ nói: “ông sẽ trả tôi 2 triệu đôla cho việc đó?”.
“3 triệu, nếu cô có thể giết luôn Petrescu – cô ta sẽ ở đó qua đêm”. Krantz lưỡng lự.
“Và sẽ là 4, nếu cô ta là nhân chứng khi cái họng thứ nhất bị cắt đứt”, Fenston nói thêm.
Yên lặng một lúc, trước khi Krantz nói: “Tôi muốn được trả trước 2 triệu”.
“Ở chỗ cũ à?”.
“Không”, cô ta trả lời, và nói cho ông ta biết một mã số tài khoản ở Moscow.
Fenston đặt ống nghe xuống và bấm nút chuyển đường dây để gọi cho Leapman.
“Tôi cần phải gặp ông – ngay bây giờ”.
Trong khi chờ Leapman, Fenston bắt đầu viết ra những gì mà ông ta muốn bàn: Van Gogh, Tiền, Tài sản của Wentworth, Petrescu. Ông ta vẫn đang còn đang ngoáy bút khi có tiếng gõ cửa.
“Cô ta đã trốn thoát”, Fenston nói khi Leapman đã khép cửa lại.
“Vậy là Thời báo New York đã đưa tin chính xác”, Leapman nói, và hy vọng giọng nói của mình không để lộ sự lo lắng.
“Đúng, nhưng điều họ không biết là cô ta đang trên đường tới Moscow”.
“Cô ta có dự định quay trở lại New York không?”
“Không phải trong lúc này”, Fenston nói. “Cô ta không thể mạo hiểm trong khi lực lượng an ninh đang lùng sục như vậy”.
“Đúng là như vậy”, Leapman nói, và cố để giọng nói của mình không để lộ sự nhẹ nhõm.
“Trong khi đó, tôi đã giao cho cô ta một công việc khác”, Fenston nói. “Lần này sẽ là ai vậy?”, Leapman hỏi.
Leapman lắng nghe và không tin ở tai mình khi Fenston nói ra tên nạn nhân tiếp theo của ông ta, và tại sao cô ta không thể cắt tai trái của họ. “Bức tranh giả đã được gửi tới Lâu đài Wentworth rồi chứ?”, Fenston hỏi, trong khi Leapman đang nhìn chằm chằm lên bức ảnh chụp cảnh vị chủ tịch đang bắt tay với George W. Bush khi vị Tổng thống tới thăm Bãi Trống. Lúc này bức ảnh đó đã quay trở lại vị trí trang trọng của nó sau bàn làm việc của Fenston.
“Chuyện đó đã xong, thưa ngài. Art Locations đã nhận bức tranh vào sáng nay”, Leapman trả lời, “và sẽ đưa nó tới Lâu đài Wentworth vào ngày mai. Tôi cũng đã nói chuyện với luật sư của chúng ta tại London. Lệnh tạm thời tịch biên tài sản sẽ được một quan tòa xem xét vào thứ Tư, vì vậy đến lúc đó nếu bà ta chưa trả lại bức tranh gốc cho chúng ta, Tài sản của Lâu đài Wentworth sẽ nghiễm nhiên trở thành tài sản của ngài, và chúng ta có thể bắt đầu bán toàn bộ phần còn lại của bộ sưu tập cho đến khi thu hồi hết nợ. Xin nhắc ngài là chuyện đó phải mất nhiều năm”.
“Nếu Krantz thực hiện tốt công việc của cô ta tối nay, Lâu đài Wentworth sẽ không bao giờ trả được nợ”, Fenston nói, “đó là lý do tôi gọi ông sang đây. Tôi muốn ông đưa toàn bộ phần còn lại trong bộ sưu tập của Wentworth ra đấu giá trong một ngày gần nhất khi có cơ hội. Hãy chia đều các bức tranh cho Christie, Sotheby, Phillips và Bonhams, và hãy nhớ là phải bán tất cả cùng một lúc”.
“Nhưng như thế sẽ làm thị trường bị chìm ngập, và chắc chắn sẽ kéo giá hạ xuống”.
“Đó chính là điều tôi cần”, Fenston nói. “Nếu tôi nhớ không nhầm, Petrescu đã đánh giá toàn bộ các bức tranh còn lại trong bộ sưu tập ấy đáng giá khoảng 30 triệu đôla, và tôi sẽ rất hài lòng nếu thu về được khoảng 15 hay 20 triệu từ đó”.
“Nhưng như thế vẫn còn thiếu 10 triệu nữa”.
“Buồn thế”, Fenston vừa nói vừa mỉm cười. “Trong trường hợp đó, tôi sẽ không còn cách nào khác ngoài việc rao bán Lâu đài Wentworth và tất cả những gì có trong đó, cho tới bộ áo giáp cuối cùng”. Fenston dừng lại. “Vì vậy ông hãy đặt khu bất động sản ấy vào tay ba đại lý hàng đầu ở London. Hãy nói với họ rằng họ có thể in những tờ rơi màu mè nhất, quảng cáo trên những tờ tạp chí lớn nhất, và thậm chí có thể bao cả nửa trang báo trên một tờ báo cấp quốc gia nào đó. Đến khi tôi giải quyết xong vụ này với Phu nhân Arabella, bà ta không những sẽ bị trắng tay mà còn, ông biết báo chí Anh quốc đấy, sẽ bị hạ nhục không còn đất sống”.
“Thế còn Petrescu?”.
“Đơn giản là cô ta không gặp may khi cô ta có mặt ở chỗ không nên có mặt”, Fenston nói và nở một nụ cười nham hiểm.
“Vậy là Krantz có thể bắn chết hai con chim bằng một mũi tên”, Leapman nói.
“Đó là lý do tại sao tôi muốn ông tập trung vào việc làm cho Lâu đài Wentworth phải phá sản, để Phu nhân Arabella phải chịu đựng một cái chết từ từ”.
“Tôi sẽ bắt tay ngay vào việc đó”, Leapman nói và quay người bước đi. “Chúc ngài may mắn với bài phát biểu của mình, thưa chủ tịch”, ông ta nói thêm khi ra đến cửa.
“Bài phát biểu của tôi?”, Fenston nói. Leapman quay lại nhìn Fenston. “Tôi nghĩ ngài sẽ có bài phát biểu trong bữa tiệc tối thường niên của các chủ nhà băng vào tối nay tại Sherry Netherlands”.
“Chúa ơi, đúng thế. Không biết con chó cái Tina đã vứt bài phát biểu của tôi ở đâu?”.
Leapman mỉm cười, nhưng là khi ông ta đã khép cánh cửa văn phòng chủ tịch lại sau lưng mình, ông ta quay trở về phòng, ngồi xuống bàn làm việc và cân nhắc tất cả những gì mà Fenston vừa mới nói với mình. Một khi FBI biết rõ tối mai Krantz sẽ có mặt ở đâu, và ai là nạn nhân tiếp theo của cô ta, ông ta tin chắc rằng văn phòng chưởng lý quận sẽ đồng ý giảm án tù của ông ta hơn nữa. Và nếu ông ta có thể đưa ra những bằng chứng quan trọng cho thấy mối quan hệ trực tiếp giữa Fenston và Krantz, họ thậm chí còn có thể chấp nhận cho ông ta được hưởng tù treo.
Leapman lấy chiếc camera, do FBI cung cấp, từ túi áo trong ra và bắt đầu tính xem ông ta có thể chụp được bao nhiêu trang tài liệu trong khi Fenston đi dự tiệc.