Bí Mật Một Gia Tài

Chương 9



Vị giáo sư trở về nhà đã được ba ngày, mọi sinh hoạt đều đều trong nhà hoàn toàn thay đổi, nhưng trái lại với mọi chờ đợi, những ngày ấy lặng lẽ trôi qua đối với Fêlixitê. Giáo sư không quan tâm đến cô nữa, hình như anh muốn hạn chế các giao tiếp với cô sau buổi nói chuyện đầu tiên và duy nhất kia. Cô dễ thở, nhưng tuy vậy, hiện tượng thật kỳ lạ, cô chưa bao giờ cảm thấy mình bị rẻ rúng và xúc phạm như bây giờ. Anh nhiều lần đi qua trước mặt cô trong tiền sảnh nhưng mắt không nhìn cô. Đúng là anh ta có vẻ khó tính và thường có vẻ mặt khó ưa, điều đó không làm cho anh ta đẹp lên. Đó là vì anh đã khẩn khoản và dặn dò, bà Hêluy vẫn cứ cho người gọi anh ra phòng khách, mỗi khi có khách quen đến gặp anh. Anh xuất hiện một cách bất đắc dĩ, lần nào cũng trò chuyện một cách khó chịu và cau có… Nhưng hàng ngày vẫn có những người mà Hăngri cho lên tầng hai, những người đến cầu cạnh, những kẻ cùng khổ mà vào lúc khác Vêrônic đuổi thẳng không e dè, nhưng bây giờ dù bác nấu bếp già bực tức và phải nói thật là bà Hêluy không hài lòng, họ vẫn bước lên cái cầu thang cọ rửa sạch bong của ngôi nhà quý phái và ở trên ấy họ được tiếp đãi tử tế không phân biệt. Người giáo sư nổi tiếng nhất là về chữa mắt. Anh đã chữa khỏi nhiều bệnh mà các nhà chuyên môn khác giỏi có tiếng đã loại vào lĩnh vực hết khả năng chạy chữa, vì thế, tên tuổi anh đột ngột có danh tiếng lớn dù anh còn rất trẻ.

Bà Hêluy giao cho Fêlixitê việc lau chùi và dọn dẹp phòng con trai bà. Giáo sư Giôhanex làm việc ở đấy cho đến trưa. Trong thời gian này, có thể nói rằng anh chú ý tránh không muốn ai phục vụ mình. Anh chưa bao giờ bấm chuông, khi thấy nước trong bình đã cũ, anh tự xuống sân lấy nước khác.

Sáng hôm thứ tư, có thư gửi đến địa chỉ của anh – Hăngri đi vắng. Fêlixitê được cử lên tầng hai. Cô đứng lưỡng lự ngoài cửa vì có tiếng người nói trong phòng. Đấy là tiếng một người đàn bà, hình như sắp chấm dứt một cuộc hội thoại khá dài.

– Bác sĩ Buêơm đã nói với tôi về bệnh đau mắt của con bà. – Giáo sư trả lời một cách đôn hậu. – Tôi sẽ xem có thể làm gì được không.

– Ôi, thưa giáo sư, một người nổi tiếng như ông.

– Đứng nói đến chuyện ấy thưa bà! – anh ngắt lời rất gay gắt làm cho bà ta sững sờ. – Mai tôi sẽ đến khám mắt cho con bà, – anh ta nói tiếp giọng dịu lại.

– Nhưng chúng tôi là người nghèo, tiền chúng tôi kiếm được thật ít ỏi…

– Bà nói với tôi như thế hai lần rồi đấy! – giáo sư lại nóng nảy ngắt lời bà – Bây giờ bà về đi, thì giờ của tôi rất quý… Nếu tôi gỡ rối được cho con bà thì điều đó sẽ được làm… chào bà!

Người đàn bà đi ra và Fêlixitê bước vào. Giáo sư ngồi ở bàn giấy đã đang viêt. Tuy vậy anh vẫn trông thấy cô gái bước vào và không rời mắt khỏi việc đang làm, anh với tay ra lấy thư. Anh bóc một bức thư khi Fêlixitê đi ra.

– Này, – anh nói trong khi đọc thư, – ai dọn dẹp ở đây?

– Tôi, – cô gái dừng lại trả lời.

– A, vậy thì tôi yêu cầu cô từ nay đừng xếp dọn gì trên bàn tôi. Tôi rất khó chịu khi một cuốn sách bị sai chỗ, và ở đây tôi thiếu một quyển.

Fêlixitê lại gần cái bàn bên có nhiều chồng sách.

– Tên cuốn sách là gì? – cô bình thản hỏi.

Nét mặt khắc khổ của Giôhanex thoáng mỉm cười. Câu hỏi ấy ở miệng cô gái thực ra có vẻ ngây ngô lạ lùng trong căn phòng làm việc của người thầy thuốc.

– Cô khó mà tìm được, đấy là quyển sách tiếng Pháp tên là “Gruyvêliê, giải phẫu thần kinh hệ” – anh nói tiếp và lại mỉm cười.

Fêlixitê rút một cuốn ở dưới nhiều cuốn sách tiếng Pháp.

– Cuốn ấy đây, – cô nói. – Nó vẫn ở đúng chỗ ông đã để nó lúc trước. Tôi không động đến.

Giáo sư quay người lại phía cô gái và nhìn thẳng vào mắt cô:

– Cô hiểu tiếng Pháp?

Fêlixitê giật mình, cô vừa tự phản mình. Không những cô hiểu tiếng Pháp mà cô còn nói và viết thạo, bà cô già đã dạy cô theo một cách đặc biệt. Bây giờ cô buộc phải trả lời, và không trù trừ. Đôi mắt xám có cái nhìn rất sáng suốt không rời cô, phải nói rõ sự thực:

– Tôi có được đọc, – cô trả lời.

– À, phải, tôi nhớ rồi, cho đến năm chín tuổi, và cô còn nhớ đôi chút, – anh nhận xét.

Fêlixitê im lặng.

– Và đấy là tình hình đáng tiếc đã làm thất bại kế hoạch giáo dục của mẹ tôi và tôi, – anh nói tiếp – Người ta đã gây cho cô tin tưởng điều không có được, và vì chúng tôi có cách nhìn riêng của mình về vấn đề này, nên cô ghét chúng tôi, coi chúng tôi như những người hành hạ cô phải không?

– Tôi có đủ duyên cớ để phàn nàn.

Đôi mày người bác sĩ cau lại như bị ảnh hưởng của một cơn giận dữ, nhưng có lẽ anh nhớ lại những câu trả lời khó chịu của những người bệnh gắt gỏng… Cô gái trước mặt anh chẳng bị bệnh, theo ý anh, lầm lẫn là gì? Dù sao thì đấy cũng là điều giải thích thái độ điềm đạm khi anh nói:

– Chà, bây giờ tôi miễn cho cô cái lỗi bị người ta chê trách là giả dối. Cô còn quá thật thà ấy chứ… Hơn nữa chúng tôi sẽ chú ý đến ý nghĩ không tốt của cô về chúng tôi.

Anh lại cầm bức thư và Fêlixitê đi ra, khi cô đặt chân lên ngưỡng cửa, người đọc thư đưa mắt nhìn cô rất nhanh. Ánh mặt trời toả sáng đầu cầu thang, từ trong gian phòng nhìn vóc dáng cô gái nổi lên như bức hoạ trên nền vàng rực rỡ. Cô còn chưa có những đường nét đầy đặn và nở nang của người đàn bà đẹp phát triển đến độ hoàn hảo, nhưng lại có những đường nét thật mềm mại và cử chỉ lộ rõ vẻ duyên dáng khó tả. Còn bộ tóc mới tuyệt diệu làm sao! Lúc bình thường tóc màu hạt dẻ nhưng khi ánh mặt trời tràn ngập vào nó như lúc này, nó toả ra màu rực rỡ như vàng. Hơi ngắn, nhưng dày, lượn sóng, nó vẫn còn bung ra trong cái bím dày buộc ở gáy. Có những búp to ngẫu nhiên bật ra và rũ xuống chiếc cổ trắng nõn.

Giáo sư lại cúi xuống làm việc, nhưng dòng suy nghĩ của anh bị ngắt quãng vì bà khách lúc nãy, không dễ gì trở lại ngay nếp cũ. Anh bực bội xoa trán, rồi uống một cốc nước, nhưng vô ích, cuối cùng, tức giận vì những sự quấy rối ấy, anh ném bút xuống bàn, cầm mũ đi xuống.

– Mẹ ơi! – anh nói khi đi ngang qua, – con không muốn mẹ sai cô gái đến chỗ con, để cho Hăngri làm việc ấy, nếu ngẫu nhiên anh ta không có nhà, con có thể đợi.

– Thấy chưa con, – bà Hêluy đắc thắng trả lời. – Mới có ba ngày mà cái vẻ mặt ấy đã làm con không chịu được; Thế mà con đã buộc mẹ phải chịu đựng nó suốt chín năm trời ở bên mình.

Con trai bà nhún vai đã định đi, nhưng anh lại quay lại:

– Việc học hành ở nhà của nó sau khi cha con mất có chấm dứt ngay và nó có đi học trường tiểu học không? – anh hỏi.

– Giôhanex, con hỏi buồn cười thật, – bà Hêluy cau có. – Mẹ đã chẳng viết thư cho con khá tỉ mỉ về việc ấy rồi là gì, mẹ còn nói với con cả khi mẹ đi Bon… sách, mẹ đã bán hết, vở, mẹ đốt ngay lập tức.

– Nó thường giao thiệp với ai?

– Với ai nữa?… Còn ai ngoài Vêrônic và Hăngri, chính tự nó muốn thế. Tất nhiên mẹ không thể để nó ăn cùng bàn và chịu đựng được sự hiện diện của nó trong phòng mẹ. Nó chẳng phải là đứa gây chia rẽ giữa cha con và mẹ là gì, rồi sau đó càng ngày nó càng khó chịu và kiêu kỳ. Hơn nữa, mẹ có chọn cho nó mấy đứa con gái nhỏ ngoan đạo con nhà thợ thuyền để giao du: nhưng con biết rõ rồi đấy, nó tuyên bố thẳng với mẹ rằng nó không muốn chung đụng gì với những người ấy, rằng đây là những con sói trá hình thành cừu… con sẽ thấy các điều kỳ cục, trong tám tuần lễ mà chính con tự bắt mình phải chịu.

Giáo sư ra khỏi nhà và đi chơi khá xa.

Chiều hôm ấy bà Hêluy đợi các phu nhân quyền quý đã được mời đến dùng cà phê ở vườn. Do Vêrônic ốm đột ngột nên bà cho một mình Fêlixitê ra sửa soạn mọi thứ ở ngoài ấy. Cô nhanh chóng sắp đặt xong xuôi, bàn được đặt trên khoảng đất tròn trải cát dưới bóng hàng rào thuỷ tùng sum suê, trong bếp của ngôi nhà mát, nước đang reo trong ấm.

Cô gái đứng tựa cửa sổ để mở ở ngôi nhà mát và mải mê với những ý nghĩ ưu phiền. Tiếng mấy người đàn ông trò chuyện đang đến gần và tiếng cửa vườn cót két đưa cô ra khỏi những suy tư buồn bã. Cô thấy giáo sư bước vào cùng với một người bạn. Họ thong thả tiến lại gần nhà. Người kia gần đây thường đến nhà bà Hêluy. Cùng lứa tuổi với giáo sư, anh đã cùng học ở trường Gia tô giáo Henvich trên bờ sông Ranh. Rồi cả hai lại là bạn học ở trường đại học dù trong thời gian ngắn, và tuy tính tình và quan niệm hoàn toàn trái ngược nhau, họ vẫn là những người bạn thân thiết. Trong khi Giôhanex bước lên bục giảng gần như ngay sau khi học xong thì chàng thanh niên Frăngcơ đi du lịch. Cũng mới gần đây, chiều theo ý muốn của cha mẹ anh đã thi đỗ tiến sĩ luật học và bây giờ anh làm luật sư trong thành phố quê hương mình.

Anh bước vào. Anh có vẻ đẹp thật đàn ông gần như hoàn hảo, khuôn mặt rạng rỡ đầy trí tuệ, người cao và có dáng dấp không chê vào đâu được. Anh lấy điếu thuốc đang ngậm ra, chú ý nhìn nó rồi ném ra xa vẻ khinh miệt. Giáo sư rút bao thuốc trong túi ra đưa mời anh.

– Xin Chúa giữ gìn cho tôi, – luật sư kêu lên và đưa cả hai tay đẩy bao thuốc ra, điệu bộ hài hước. – Tôi không bao giờ nghĩ được rằng mình có thể đánh cắp của những thằng bé nghèo khổ và chỉ Chúa mới biết những đứa vô đạo nào đó.

Giáo sư mỉm cười.

– Vì, như mình biết về cậu, – luật sư nói tiếp, – cậu vẫn tôn trọng công việc khổ hạnh của cậu từ năm còn ít tuổi một cách hào hiệp không chối cãi được, nghĩa là cậu ấn định cho bản thân hút mỗi ngày ba điếu thuốc, nhưng cậu chỉ hút một điếu để bỏ tiền mua hai điếu kia vào ống tiền của các nhà truyền giáo.

– Đúng, thói quen ấy mình vẫn giữ, – giáo sư xác nhận và mỉm cười bình thản, – nhưng tiền thì dành dụm cho mục đích khác, dành cho các khách hàng nghèo khổ…

– Không thể như thế được!…Cậu, người tiên phong nghiệt ngã trong số những người có xu hướng theo chủ nghĩa Piêtixm (1), người môn đồ trung thành nhất của ông giám đốc chuyên chế trường trung học ở lưu vực sông Ranh của chúng ta! Cậu tin trong giáo lý của cậu như thế đấy à, hở người bộ giáo?

Giáo sư nhún vai. Anh đứng lại, gạt tàn thuốc, vẻ suy nghĩ:

– Ở vị trí thầy thuốc, người ta học được cách suy nghĩ khác trước về nhân loại và nhiệm vụ của cá nhân đối với nhân loại, – anh nói. – Mình vẫn theo đuổi mục đích lớn là làm thế nào cho mình thực sự hữu ích, để đạt mục đích ấy, mình phải quên đi và bài xích nhiều thứ.

Họ đi qua và tiếng họ tắt dần. Nhưng trên con đường họ đang bước, nắng chiều gay gắt, và mải mê trong câu chuyện, họ ngẫu nhiên trở lại dưới khóm râm bụt đang toả cành trên lối đi trải sỏi dọc theo nhà, ở đấy mát hơn và có bóng cây.

– Đừng tranh luận nữa! – giáo sư lại nói tiếng giọng nóng nảy hơn thường lên đôi chút – cậu chẳng thay đổi gì được đâu…Cũng vậy như biết bao năm qua, mình ớn đến kinh khủng và bực bội khi giao tiếp với giới nữ và – mình có thể nói với cậu điều này – quan hệ thầy thuốc của mình với thứ người ta gọi là phái đẹp không hề cho mình một quan niệm cao hơn về họ… đó chỉ là sự phối hợp những ý nghĩ trống rỗng và tính cách yếu đuối.

– Cậu chán ngán khi giao tiếp với phụ nữ, điều đó rất dễ hiểu! – chàng Frăngcơ hăng hái phản đối và dừng lại dưới cái cửa sổ ở góc nhà. – Cậu cố ý tìm những người trí tuệ đơn giản, nếu không nói là những mụ ngây ngô – cậu ghê sợ cách giáo dục phụ nữ hiện đại hoá – không phải là không có lý do về nhiều điểm, đúng thế – mình cũng không thuộc phái ưa thích dương cầm ngu ngốc và nói chuyện huyên thuyên rỗng tuếch bằng tiếng Pháp, nhưng đấy không phải là lý do để vứt bỏ hết. Ở thời đại chúng ta, thời đại mà tài năng của con người hàng ngày tiến vào những con đường mới, bất ngờ, rồi kết hợp với đà tiến mãnh liệt của nhân loại, anh muốn ép buộc người đàn bà phải ngồi sau cái guồng chỉ thời trung cổ, trong một cái vòng tròn, và chỉ có hệ suy nghĩ hẹp hòi của những kẻ nô dịch – như thế không chỉ là bất công mà còn là điên rồi. Người đàn bà nắm trong tay họ tâm hồn của con trai anh trong thời kỳ mẫn cảm nhất, khi tâm hồn ấy nhận những dấu vết hằn lên nó dễ như lên trên sáp, nó giữ những dấu vết ấy. Suốt đời không xoá đi được hệt như đã được khắc trên thép!… Hãy khuyến khích phụ nữ có những ý nghĩ nghiêm chỉnh, mở rộng cái vòng mà sự ích kỷ của anh thu hẹp lại chung quanh tâm hồn họ, mà anh gọi là chức năng của họ, rồi anh sẽ thấy biến mất tính nông nổi, phù phiếm và những tính cách yếu đuối.

– Bạn thân mến ơi, con đường ấy, mình sẽ không mạo hiểm đi vào đâu! – Giáo sư đáp lại bằng giọng châm biếm và chậm rãi bước tiếp.

– Mình biết cậu có những ý nghĩ khác, dứt khoát – cậu hình dung rằng người ta tiến đến chỗ ấy ít vất vả hơn với một người ngoan đạo… Giáo sư rất thân mến của tôi ơi, chính tôi cũng không hề muốn có một người vợ không ngoan đạo… trái tim người phụ nữ không ngoan đạo là thứ hoa không có hương thơm. Nhưng hãy coi chừng! Anh tự nhủ rằng nàng ngoan đạo vì lẽ nàng có những gì cần có, và trong khi anh không băn khoăn tròng cương vào cổ nàng, thì sự áp chế lớn lên trong gia đình anh đến mức anh không chịu đựng được nếu nó xuất phát từ một người đàn bà kém ngoan đạo. Nấp dưới cái bóng ngoan đạo, các xu hướng xấu trong tính cách đàn bà thật dễ dàng phát triển. Người ta tự cho phép độc ác, hiếu thắng, xấc xược và trong sự cuồng tín mù quáng, họ buộc tội và phá huỷ những điều tốt đẹp, kỳ diệu, làm gì cũng nhân danh Chúa và vì cái gọi là lợi ích của Thiên quốc của Chúa.

– Cậu nói quá đáng.

– Không một chút nào… Một ngày nào đó cậu sẽ hiểu rằng lý trí cũng phải được soi sáng, vun trồng, và phải làm thế nào cho nhân loại đạt đến các khả năng cảm thụ nếu muốn lòng tín ngưỡng của phụ nữ góp phần thực sự cho hạnh phúc của chúng ta.

– Đấy là những vấn đề mình không hề muốn theo đuổi, – giáo sư trả lời giọng lạnh như băng. – Ngành khoa học của mình đã thu hút toàn bộ bản thân và cuộc đời mình…

– Này… Thế còn người kia? – luật sư nói khẽ, ngắt lời anh và chỉ ra cửa vườn. Sau hàng rào, bà nghị đang xuất hiện cùng với con bà và bà Hêluy. – Người ấy có phải là hiện thực đầy đủ lý tưởng của cậu không? – anh nói tiếp giọng chế giễu không che giấu. – Bà ta giản dị… chỉ mặc vải tuyn trắng, cách trang phục, nói riêng trong chúng ta thôi nhé, rất hợp với bà ấy… và sùng tín, ai dám nghi ngờ điều ấy khi nhìn thấy lúc ở nhà thờ, đôi mắt đẹp của bà ấy ngây ngất ngước nhìn lên trời. Bà ấy ghê sợ kiến thức, tư tưởng, suy nghĩ, bởi vì thứ ấy tác hại đến sự tiến triển của việc đan hay thêu đang làm… Đây là người xứng với địa vị xã hội cao của cậu vì cậu coi sự tương xứng ấy cần thiết cho sự tốt lành của hôn nhân… sau nữa là người ta đã chỉ định cho cậu người ấy như…

– Cậu không tốt, cậu bao giờ cũng ghét Ađen, – giáo sư ngắt lời bạn vẻ bực bội, – mình sợ rằng nếu cậu không ưa cô ấy, vì cô ấy là con gái người đã cư xử nghiêm khắc với cậu…. cô ấy tốt bụng, không bao giờ làm đau đến một con ruồi, hơn nữa, đây là một người mẹ ưu việt.

Anh bước ra đón mấy bà lớn và chào họ vẻ rất niềm nở.

Không bao lâu khoảng vườn tròn náo nhiệt hẳn lên. Các bà khách phần nhiều mặc thứ vải nhạt mà và mỏng đã nhanh chóng đến đủ. Họ tụ họp lại chung quanh bàn và lấy giỏ đồ khâu ra.

Bà Hêluy ra hiệu, Fêlixitê bưng khay cà phê tiến đến.

– Châm ngôn của tôi là giản dị và rẻ tiền, – bà nghị hớn hở nói. – Nguyên tắc của tôi là trong mùa hè chỉ mặc những thứ hàng giá tiền không quá ba êquy.

– Nhưng bạn thân mến ơi, – một bà trẻ tuổi khác đeo đầy nữ trang đưa mắt nhìn một cách tinh ranh cách trang phục giản dị đã được tán dương đến mức ấy và nhận xét, – chị quên rằng trên thứ vải rẻ tiền ấy chị đã đính bao nhiêu đăng ten đắt gấp ba giá vải.

– Chà, đừng đánh giá những cái vẻ ngoài nhẹ như mây khói ấy bằng trọng lượng của tiền bạc! – chàng Frăngcơ trẻ tuổi nói, thích thú chen ngang cái nguýt mắt hiềm khích của hai người đàn bà làm đỏm. – Nhìn cứ tưởng như chúng sắp đưa các bà lên trời… nếu không có những chiếc vòng vàng to tướng giữ các bà ở lại mặt đất!

Mắt anh chăm chú nhìn vào cổ tay bà nghị ngồi gần đó.

– Thưa bà, – anh nói tiếp, – bà có biết rằng chiếc vòng kia làm tôi bận tâm nửa giờ rồi không?… Đây là một công trình tuyệt kỹ, rất cổ kính. Nhưng cái gây cho tôi tò mò nhất là những chữ khắc ở giữa tràng hoa.

Bà nghị lúc đầu sửng sốt và lúng túng đã lấy lại bình tĩnh: Bà tháo chiếc vòng đưa cho anh xem.

Lúc ngày Fêlixitê ở ngay sau lưng anh luật sư. Cô nhìn cái vòng anh đang cầm thật dễ dàng… kỳ lạ thay, từng chi tiết của nó đúng như chiếc vòng trong ngăn tủ bí mật của bà cô già và chắc là có một vai trò bí mật trong đời sống của con người cô đơn ấy. Có điều là cái vòng này nhìn xa không to như chiếc kia, nó hơi chặt so với cổ tay nhỏ nhắn của người thiếu phụ.

Luật sư đọc không chút khó khăn:

– Đáng tiếc, – anh nói, – câu thơ này không có mở đầu. Đây là một đoạn trong bài thơ

“Tình yêu chung thuỷ của Unrikh Đờ Likhtenxtai một nhà thơ hát rong, bằng chữ Đức cổ, tôi có thể phỏng dịch như sau:

Khi hai người thương yêu nhau bằng tấm lòng chung thuỷ

Và chung sống theo cách giữ cho tình yêu luôn tươi trẻ

Trong hôn nhân, đời hạnh phúc Chúa đã dành cho họ”

Không còn nghi ngờ gì nữa, chiếc vòng này có một người bạn thân thiết gắn bó với nó bằng phần đầu của hơi thơ, – anh quan sát với vẻ rất hứng thú.

– Chiếc cùng cặp với nó có thuộc quyền sở hữu của bà không?

– Không, – bà nghị nói và cúi xuống đồ khâu trong khi chiếc vòng được chuyền tay mọi người.

– Em có chiếc vòng ấy trong hoàn cảnh nào, Ađen?

Người đàn bà trẻ hơi đỏ mặt lên.

– Cha em cho đã từ lâu rồi, có trời biết nó ở cửa hiệu đồ cổ nào ra!

Bà cầm lại vật trang sức đeo vào tay và hỏi một bà khác câu gì đó, chuyển câu chuyện theo hướng khác.

Trong khi mọi người chú ý vào chiếc vòng lý thú kia, Fêlixitê đã đi vòng quanh bàn, mọi người hào hứng dùng cà phê không chú ý đến người bưng khay. Cô quay vào bếp cũng không ai để ý. Theo lời yêu cầu của Annet đang chơi đùa trên lối đi có bóng râm bên ngôi nhà mát, cô dừng lại một lát, ngả đầu và người ra phía sau, vươn tay lên để cố hái một cành râm bụt cho con bé… Với một thân hình phụ nữ hoàn hảo như thế thì không có dáng điệu nào bộc lộ vẻ đẹp như dáng của cô gái lúc ấy. Luật sư hơi cận thị giương kính lên nhìn về phía ấy. Mắt anh chăm chú một cách ngạc nhiên nhìn cô gái dưới cây râm bụt. Bà nghị ngồi gần đã quan sát thấy dù bề ngoài bà có vể bận rộn với việc thêu thùa. Rõ ràng là anh sắp hỏi bà Hêluy câu gì đó, nhưng bà nghị đã vội ngắt lời yêu cầu anh nói rõ về tai nạn anh đã gặp trong khi đi du lịch.

Rồi bà nghị đứng lên đi vào bếp.

– Carôlin thân mến này, – bà nói – cô không cần phải phục vụ ở ngoài kia nữa – cho cà phê vào đầy bình đi, ta sẽ mang ra và tự ta sẽ rót. Khách khứa sẽ ít bị phiền phức, và nói thật là trông cô khá thảm hại trong cái áo bạc phếch này. Sao cô dám ra trước mặt đàn ông với cái áo xấu xí và ngắn ngủn đến thế! Thật thiếu lịch sự, cô không tự thấy như thế ư, cô bé?

Cái áo bị rẻ rúng là áo tốt nhất của cô gái, cô mặc trong ngày chủ nhật. Đúng là chiếc áo đã cũ và bạc màu, nhưng sạch sẽ và đã được là cẩn thận.

Fêlixitê mỉm cười chua chát khi nghe chê bai, nhưng cô im lặng, cãi lại cũng bằng thừa trong hoàn cảnh tức cười lúc ấy.

Khi bà nghị trở lại bàn nước, vấn đề trò chuyện bà muốn gạt đi đang là đề mục bàn luận.

– Vẻ đẹp nổi bật lên trước mắt ư? – bà Hêluy nhắc lại – Xì, cậu Frăngcơ thân mến ơi, tôi phải nghĩ về cậu như thế nào đây!… Nổi bật lên trước mắt à, cứ cho là thế đi, nhưng thật chướng mắt… Hãy cứ nhìn thật gần cho tôi cái bộ mặt nhợt nhạt, cái đầu tóc bù xù ấy. Vẻ khiêu khích, cử chỉ xấc xược, mắt nhìn trừng trừng vào mặt người bề trên mà không biết xấu hổ… đấy là bản sao của một người mẹ phóng đãng đáng khinh. Nòi nào giống ấy, những kẻ sinh ra ở đầu đường xó chợ có bao giờ nên người… Tôi đã có kinh nghiệm như thế, trong chín năm trời tôi mất thì giờ và công sức để đưa một linh hồn đến với Chúa… Thứ người bướng bỉnh ấy đã làm cho mọi sự chăm lo của tôi thành vô ích.

– Thôi bác ơi, thế là bác sắp thoát nợ rồi, – bà nghị vừa rủ rỉ vừa rót cà phê, – chỉ còn vài tuần nữa là con người phá đám phiền phức ấy sẽ rời khỏi đây vĩnh viễn… Trời ơi, tôi cũng e ngại rằng hạt tốt không rơi xuống đất cằn… Thật không có một nét cao quý nào trong tận cùng cái tâm hồn vô ơn cho đến nay chỉ tìm cách vứt bỏ các mối quan hệ về đạo đức và mỹ tục… Vả lại chúng ta, những người thuộc dòng dõi lương thiện, ta đừng xét đoán cô ta một cách ngặt nghèo quá, cô ta có tính phù phiếm từ trong dòng máu…. Một, hai năm nữa, nếu ông lại đi du lịch – rất có thể dưới một bầu trời hải ngoại nào đó, người tôi tớ cũ của bác tôi sẽ làm cho ông ngưỡng mộ dưới hình thức một vũ nữ trên dây hay một nghệ sĩ ở rạp xiếc.

– Cô ta không có điệu bộ ấy, – giáo sư đột ngột nói xen vào, giọng quả quyết.

Cho đến lúc này, anh vẫn im lặng. Lời phản đối của anh thốt ra bằng giọng không tán thành chắc làm cho mọi người bội phần sửng sốt. Bà Hêluy quay lại bực bội nhìn con và đôi mắt bà quả phụ trẻ trong chốc lát mất đi vẻ dịu hiền thường thấy, tuy nhiên, ngay sau đấy bà khẽ lắc cái đầu tóc quăn thành búp, với nụ cười hoà nhã, bà mở miệng có lẽ định nói một điều gì tử tế nhưng phải ngừng lại… tiếng kêu khóc của Annet vang đến chỗ vườn tròn và điều bà nghị trông thấy khi quay mặt lại làm cho bà bật ra một tiếng kêu khủng khiếp. Con bé đang chạy đến chỗ mẹ nhanh đến mức mà sự tàn tật của nó cho phép; tay nắm chặt, sợ hãi giơ ra nắm diêm, áo đang cháy. Ngay lúc bà nghị thốt ra tiếng kêu kinh hoảng, bà ngơ ngác nhìn áo mình bằng thứ vải bắt lửa rất nhanh, như người điên, mặt tái đi, bà giơ hai tay về phía con bé để đẩy nó ra, và nhảy vội nấp vào sau khóm thuỷ tùng.

Nhóm các bà mặc áo bằng thứ hàng nhẹ như mây khói tản ra khắp ngả như đàn chim câu bị kích động và thốt lên những tiếng kêu hoảng sợ, chỉ có một mình bà Hêluy quả cảm đứng lên để cứu đứa bé, nhưng bà đến quá chậm. Fêlixitê đã đến, giơ vạt áo quấn chặt lấy con bé bị cháy để dập tắt lửa… ngọn lửa đang bùng cháy; cái áo vải mỏng cũng bắt lửa. Không suy nghĩ lâu, cô ôm đứa bé lên tay chạy băng qua bãi cỏ đến con suối và nhảy xuống.

Nguy hiểm chết người và việc cứu nạn nối tiếp nhau chỉ trong mấy giây. Trước khi hai người đàn ông hiểu rõ dụng ý của cô thì lửa đã tắt. Họ đến bờ suối lúc Fêlixitê vừa đứng lên được, tay phải ôm đứa bé, tay trái bám lấy cành cây trăn để thắng dòng nước chảy xiết ở chỗ này. Bà nghị xuất hiện cùng mấy ông.

– Con tôi, cứu con Annet của tôi với! – bà kêu la một cách thất vọng, – nó sắp rơi xuống suối rồi kia kìa.

– Đừng để ướt giày, Ađen, cô có thể bị cảm đấy, – giáo sư nói giọng châm biếm, trong khi anh vội cúi xuống và giơ tay cho Fêlixitê vịn, nhưng anh buông ngay xuống, nét mặt cô gái đến lúc ấy vẫn bình tĩnh bỗng biến đổi một nét nhăn hằn sâu giữa hai lông mày và cái nhìn ác cảm lạnh giá, anh đã từng biết, đã đáp lại anh. Quay mặt đi chỗ khác, cô đưa con bé cho anh rồi nắm lấy tay giáo sư, cô bước lên bờ.

Giáo sư đem đứa bé vào nhà mát, cởi áo cho nó với sự hỗ trợ của người mẹ rầu rĩ, và tìm vết bỏng, nhưng hình như nhờ phép lạ, nó gần như không sao cả. Chỉ có bàn tay trái chỗ đánh diêm, như con bé kể lại, đã bị rộp lên. Lúc bà nghị ở trong bếp, nó lấy bao diêm trên mặt lò sưởi mà không ai biết rồi đánh một que, lửa bén vào miếng vải băng ngón tay cái bị đứt, nó giụi vào áo để tắt lửa, tai hoạ xảy ra từ đấy. Các bà vừa chạy trốn đã trở về cả. Họ vừa than thở hộ vừa khen ngợi người mẹ có đứa con đã thoát nạn và thiên thần bé nhỏ tội nghiệp ấy được họ xúm lại vuốt ve.

– Nhưng này, Carôlin, – bà nghị ngọt ngào trách cô gái đang đứng bên cạnh lo lắng đợi kết quả khám bệnh, – cô không thể trông Annet ở ngoài vườn một chút à?

Lời trách móc ấy thật quá bất công.

– Bà vừa cấm tôi rời khỏi nhà mát, – Fêlixitê trả lời và nhìn thiếu phụ một cách sắc sảo, hai má cô đỏ lên vì bực tức.

– À, à, vì lý do gì thế, Ađen? – Bà Hêluy ngạc nhiên hỏi.

– Lạy Chúa, bác ơi, – người goá phụ trẻ đáp không hề lúng túng – bác sẽ hiểu ngay thôi khi nhìn bộ tóc kia… cháu muốn tránh cho cô ta, cho chúng ta cảm tưởng xấu do sự cẩu thả gây ra.

Fêlixitê sửng sốt đưa tay lên đầu, cô tin chắc mình đã chải đầu thật cẩn thận, nhưng cái lược không bao giờ giữ nổi những làn tóc dày và ương ngạnh đã rơi mất… chắc nó đã nằm trong lòng suối. Những búp tóc tuyệt đẹp của cô tuột ra, gợn sóng như một vòng hào quang bao quanh má và rải xuống hai vai còn loáng thoáng mấy giọt nước bắn lên long lanh như ngọc.

– Đấy phải chăng là toàn bộ cảm tưởng của lòng biết ơn của bà đối với bàn tay cứu giúp đã đem con bà ra khỏi lửa và nước an toàn, thưa bà? – luật sư hỏi giọng châm biếm. Anh nhìn cô gái không rời mắt.

– Sao ông lại có ý nghĩ bất công như thế, ông Frăngcơ! – bà goá trẻ phản đối và rất phật ý.

– Carôlin thân mến ơi, ta không bao giờ quên điều cô đã làm hôm nay… Làm thế nào để chứng tỏ với cô ngay lúc này là ta vô cùng biết ơn cô nhỉ!

Ngay lập tức, như tuân theo một cảm hứng đột ngột, bà cởi chiếc vòng đưa cho Fêlixitê.

– Đây, hãy cầm lấy cái này đã, đây là thứ ta rất quý, nhưng có cái gì mà ta không vui lòng hy sinh để cứu được Annet của ta.

Cô gái bị xúc phạm nặng nề, đẩy hai bàn tay đang định đeo thứ nữ trang ấy vào tay cô.

– Cảm ơn bà, – cô nói và kiêu hãnh ngẩng đầu lên, cử chỉ mà những người sùng kính luôn thấy đáng chê bai, ở con gái của người diễn trò, – tôi không bao giờ nhận sự trả ơn hành động yêu thương đồng loại của tôi… bà không chịu ơn tôi một chút nào cả, thưa bà.

Bà Hêluy đã cầm lấy cái vòng ở tay bà nghị:

– Cháu mất trí rồi à, Ađen! – Bà bực bội gắt lên, không để ý đến câu trả lời kiêu hãnh của Fêlixitê. – Đứa con gái này dùng thứ đồ chơi ấy làm gì? Cho nó một cái áo vải thô, đối với nó còn giá trị hơn. Cứ thế nhé! Thế là sòng phẳng.

Nghe những lời nói sau, luật sư bước ra khỏi phòng đi lấy mũ và đến gần cửa sổ mở, chỗ Fêlixitê đang đứng:

– Tôi thấy tất cả chúng tôi, không loại trừ ai, đều rất tàn nhẫn đối với cô. Đầu tiên, họ xúc phạm cô bằng vòng vàng, cái thứ khốn nạn, rồi chúng tôi bất động nhìn cô đứng đấy với bộ xống áo đẫm nước. – Để tôi chạy về phố và bảo đem các thứ cần thiết cho cô và cho con bé gây hoả hoạn kia.

Anh chào rồi bước đi.

– Anh ta dở người à, – bà Hêluy phật ý nói với các bà đang nhìn theo anh bằng những cặp mắt hờn giận và không giấu được sự luyến tiếc khi anh ra đi.

Bận rộn với đứa bé, giáo sư không xen vào việc tranh luận về phần thưởng; nhưng nếu có ai ở bên anh, người ấy sẽ biết rằng lúc bà nghị đưa chiếc vòng cho cô gái, mặt anh đỏ bừng lên.

Sau đó anh giao con bé quấn trong chiếc khăn len dày cho bàn tay khéo léo của mẹ nó, rồi đi ra cửa. Fêlixitê đã lùi ra góc xa nhất trong phòng khách… cô tưởng rằng ở đây sẽ tránh khỏi mọi phiền phức. Cô đứng dựa vào tường, mặt cô nhợt nhạt như sáp, mắt đăm đăm nhìn xuống đất với đôi lông mày cau lại và đôi môi mím chặt biểu lộ rõ cô đang đau.

Lúc sắp khép cửa, giáo sư còn nhìn lại gian phòng phía sau anh. Anh trông thấy cô gái, đăm đăm nhìn cô một lát và đột ngột đến trước mặt cô.

– Cô bị đau à, – anh vội vã hỏi.

– Có thể chịu được, – cô trả lời môi run run, rồi lại mím chặt và co giật lên.

– Lửa có làm cô bị thương không?

– Có… ở cánh tay.

Dù đau, cô vẫn giữ thái độ ít cởi mở và quay đầu ra phía cửa sổ. Cô không thể nhìn vào đôi mắt làm cô kinh sợ từ lúc tuổi thơ. Anh lưỡng lự giây lát, nhưng trách nhiệm của người thầy thuốc đã vượt lên.

– Cô không muốn nhận sự giúp đỡ của tôi? – anh chậm rãi hỏi, giọng ân cần.

– Xin ông đừng bận tâm về tôi, – cô trả lời cau có, – tôi sẽ tự thu xếp lấy khi về trong phố.

– Tùy ý cô! – Anh lạnh lùng nói. – Nhưng đừng quên rằng cho đến khi có lệnh mới, mẹ tôi vẫn có quyền về thời gian và việc làm của cô. Vì lý do ấy cô không được cố ý để bị ốm

– Trong khi nói anh tránh nhìn Fêlixitê.

– Tôi không quên điều ấy, – cô đáp giọng dịu lại.

Cô biết rõ việc nhắc lại trách nhiệm không có xu hướng xúc phạm cô. Hiển nhiên là anh muốn cô chấp nhận để anh chữa thuốc.

– Tôi hoàn toàn hiểu rõ những điều đã quy ước, – cô nói tiếp, – và ông sẽ thấy tôi ở đúng vị trí đã định cho đến giờ phút cuối cùng.

– Thế nào, ở đây người ta cũng cần thầy thuốc ư? – bà nghị hỏi và bước lại gần.

– Không, – anh nói. – Nhưng cô còn làm gì ở đấy thế, Ađen? – anh nói tiếp. – Tôi đã nói với cô từ nãy rằng Annet phải được đưa ngay ra chỗ thoáng khí không chậm trễ kia mà, tôi không hiểu vì lý do gì cô cho rằng cần ở lâu tại đây, trong căn phòng không khí nặng nề này.

Anh bước ra, và bà nghị vội vàng bế con đi. Các bà khác đi theo. Ở đằng kia, bên cái bàn ở khoảng vườn tròn, bà Hêluy đã trở lại ngồi từ lâu với vẻ bình tĩnh bất di bất dịch. Giữa dòng đan cuối và mảng mới của chiếc tất đang dài dần trong tay bà đã xảy ra tai nạn có thể gây chết chóc cho hai con người; những sự việc ấy cũng không thể làm phá vỡ được thế thăng bằng cơ cấu trên những dây thần kinh thép và một tâm hồn còn cứng rắn hơn nữa.

Rồi Hăngri đến đem theo các thứ quần áo cần thiết. Bác chạy gấp nên mồ hôi chảy ròng ròng trên trán.

Rôda gần như đến cùng một lúc với Hăngri. Vì vậy Fêlixitê được bà Hêluy cho phép về trong phố. Cô biết bà cô Coocđula có một thứ cao chữa bỏng trong tủ thuốc và vội vã lên tầng xép trong khi Hăngri coi chừng dưới nhà.

Bà cô hoảng hốt đi lấy cao và bàn tay nhẹ nhàng của bà băng cánh tay bị thương lại trong lúc Fêlixitê kể lại việc đã xảy ra. Cô nói vội vã, lời nói đứt đoạn. Đau đớn và xúc động đã làm cho cô bừng bừng phấn khích. Sức mạnh của ý chí cô vẫn chứa đựng oán thù; nhưng khi bà cô Coocđula điềm đạm phản đối rằng đáng lẽ cô không được từ chối sự cứu chữa của thầy thuốc, cái rào chắn cuối cùng đang cố gắng giữ vỡ tan ngay:

– Không, bà ơi! – cô kêu lên, – cháu sẽ không để bàn tay ấy động vào cháu dù nó có cứu cháu khỏi nguy hiểm chết người… Anh ta ác cảm sâu sắc với tầng lớp xuất thân của cháu. Những lời nói ấy ở miệng anh ta thốt ra xưa kia làm cho trái tim thơ ấu của cháu đau khổ hết chỗ nói… Không bao giờ cháu quên những lời ấy!… Trách nhiệm thầy thuốc của anh ta đã làm cho anh ta ngày hôm nay thắng được trong giây lát sự ghê tởm đối với tầng lớp vô sản… Cháu không cần đến sự hy sinh ấy của anh ta!

Cô ngừng lời và mệt lả, nét mặt cô nhăn nhó vì vết thương gây nhức nhối:

– Không phải là anh ta không có lòng trắc ẩn, – một lúc sau cô nói tiếp, – cháu biết thế, anh ta từ chối sự đền bù vì hảo tâm đối với các bệnh nhân nghèo khổ. Ở một người khác, những hy sinh liên tiếp ấy, lòng nhân hậu kín đáo ấy có thể làm cho cháu cảm động rơi nước mắt, nhưng ở anh ta, nó làm cháu phẫn nộ như nhận thấy tính xấu ở người khác… cháu thiếu sự cao quý, bà ơi, cháu có những ý nghĩ thấp kém… cháu biết thế, nhưng điều đó mạnh hơn cháu, ý nghĩ phải khâm phục các đức tính của con người mà cháu kinh sợ đến xương tuỷ làm cháu bực mình, tức giận.

Khi đã trệch khỏi phạm vi thận trọng nghiêm ngặt và thói quen trầm mặc, cô cay đắng phàn nàn các hành vi nhẫn tâm của bà goá trẻ. Bà cô già nổi giận.

– Bà không ngạc nhiên về thái độ ấy, nó thật xứng là con gái của Pôn Hêluy! – Bà tuyên bố.

Mấy lời ngắn ngủi ấy thốt ra bằng một giọng yếu ớt, nhưng châm biếm, bao hàm sự nghiêm khắc. Fêlixitê ngạc nhiên lắng nghe. Chưa bao giờ bà cô Coocđula nói động chạm đến các mối quan hệ với bất cứ thành viên nào trong gia đình Hêluy. Xưa kia, bà đã lặng lẽ và có vẻ hoàn toàn lạnh nhạt khi nghe nói bà nghị đến, đến nỗi Fêlixitê phải cho rằng những người họ hàng bên sông Ranh chưa bao giờ tiếp xúc với bà.

– Bà Hêluy mệnh danh cho ông ta là người được Chúa lựa chọn, người bảo vệ không mệt mỏi đức tin của Chúa, – cô gái ngập ngừng nói, – chắc ông ấy là một người cuồng tín, một trong những người nhiệt thành một cách âm thầm, sống với một thứ luân lý bất di bất dịch theo các mệnh lệnh của Chúa, nhưng cũng vì lý do ấy là xét đoán những lỗi lầm và sự yếu đuối của người khác không khoan dung, thương xót.

Một tiếng cười nhẹ nhàng đưa vào tai Fêlixitê. Lúc ngày cô gần như thấy sợ bà Coocđula. Bà đã thốt ra những tiếng cười châm biếm, ít ồn ào, như nghẹn lại. Mặt bà lúc thường thanh thản, hiền hậu là thế, lúc này bỗng có vẻ cay đắng và khinh bỉ vô tả. Nhưng bà không nói và cố làm cho cô gái không chú ý đến. Trên bàn tròn giữa phòng có nhiều hộp bìa để mở. Fêlixitê biết rất rõ những tờ giấy và quyển vở để lộn xộn ấy. Trên những tờ giấy to đã vàng, với những nét mực đã bạc màu và thường là những chữ tượng hình kỳ quặc, sáng lóng lánh những cái tên như Haenden, Gluck, Hayden, Mozart. Đây là bộ sưu tập thư bút của các nhà soạn nhạc nổi tiếng, tài sản của bà cô Coocđula. Khi cô gái bước vào, bà cụ đang lục những tờ giấy để nằm trong tủ kính đã lâu mà không được đưa ra chỗ thoáng, lúc này đang toả ra mùi ẩm mốc. Bà lại tiếp tục công việc ấy, bỏ các tờ giấy vào hộp bìa rất cẩn thận. Cái bàn quang dần và để lộ một quyển vở nhạc to, một bản thảo, để ở dưới cùng. Nhạc của tiểu ca khúc “Sự khôn ngoan của các nhà cầm quyền trong việc lập quy chế cho việc ủ rượu nho”, của Sebastien Bach, đó là nhan đề của quyển vở.

Bà cô già trịnh trọng đặt ngón tay lên tên của nhà soạn nhạc.

– Cháu chưa biết quyển này phải không? – bà hỏi, khẽ mỉm cười buồn bã. – Nó bị cuốn lại nằm đã lâu ở ngăn trên tủ bí mật của bà… Có lẽ đây là bản thảo duy nhất tồn tại. Một ngày nào đó sẽ có người mua nó bằng số vàng ngang trọng lượng của nó, Fê yêu quý của bà ạ. Cuốn sách nhỏ được viết riêng cho thành phố M… bé nhỏ của chúng ta và toàn bằng ngôn ngữ của nơi này, đã được phát hiện ra ở nơi đây gần hai thế kỷ rồi và làm cho thế giới âm nhạc xúc động, họ cho rằng nó là sáng tác của Bach. Chính bản nhạc ấy đây. Các giai điệu ở đây là những nhạc điệu cho ca khúc thực sự và duy nhất Bach đã soạn… Tiểu ca khúc này được diễn ở đây năm 1705 do các học sinh trường trung tâm và các thị dân khác.

Bà lật trang tên sách, ở mặt sau, có thể đọc được qua những chữ viết trau chuốt: “Khúc nhạc do chính tay Jean Sebastien Bach viết, do chính nhạc sĩ tặng để kỷ niệm năm 1706, Gôđơjroy Đờ Xecbông”.

– Bà ơi, làm sao cuốn sách này lại đến tay bà?

– Do thừa kế, – câu trả lời vắn tắt và mơ hồ, rồi bà Coocđula lại để tập nhạc vào cái hộp bìa đỏ. Những giai điệu không một ai biết ngoài bà cụ làm cho cô thích thú đến cao điểm, nhưng cô không dám yêu cầu được xem, cũng như trước kia cô không dám nhắc đến sự việc chiếc vòng. Không bao giờ cô dám chạm một lần thứ hai vào sợi dây gây âm vang đau đớn trong lòng người che chở cho mình.

Bà cô mở đàn dương cầm và Fêlixitê lui ra phía trước phòng. Không khí lặng lẽ và trang nghiêm tràn ngập khắp căn phòng. Những âm thanh vang dội của hành khúc tang lễ của Bethôven vì thế càng gây xúc động. Nhưng chỉ sau mấy hoà âm, Fêlixitê đã hoảng hốt ngẩng đầu lên đưa mắt lo lắng nhìn khắp phòng… đây không còn là tiếng đàn dương cầm mà là tiếng thì thầm của âm thanh đang tắt dần, của những bóng ma âm thanh đang ập vào trái tim của cô với tất cả sức mạnh mãnh liệt của sự tiên báo đột ngột và rõ ràng: những bàn tay lướt trên phím uể oải, và âm thanh từ nó phát ra, đó là những tiếng vỗ cánh của một linh hồn đang muốn rời đi vĩnh viễn.

Chú thích:

(1) Chủ nghĩa khổ hạnh của Tôn giáo.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.