Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chương 19: Từ thụy điển



Poirot quay lại chỗ ngồi và ngâm nga giai điệu gì đấy một mình.

“Đáng tiếc là cô ta thông minh quá”, ông lẩm bẩm.

“Ai cơ?”

“Megan Barnard. Cô Megan. Cô ta nói ngay: ‘Những lời sáo rỗng’. Cô ta nhận ra ngay tức khắc những lời tôi nói chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn những người khác thì tin sái cổ”.

“Tôi thấy nó hợp lý đấy chứ”.

“Ừ, thì hợp lý thật. Chỉ là cô ta nhận ra được”.

“Thế thì ông đã nghĩ một đàng rồi nói một nẻo à?”

“Những gì tôi nói thật ra chỉ tóm lại bằng một câu ngắn gọn thôi. Thay vào đó tôi cứ lặp đi lặp lại tùy hứng mà không ai để ý ngoại trừ cô Megan”.

“Nhưng tại sao?”

“Eh bien – để có cái gì đó mà nói chứ! Để làm cho mọi người có cảm tưởng là có việc phải làm! Ý tôi là để bắt đầu những cuộc đối thoại!”

“Thế ông không nghĩ những cuộc đối thoại này sẽ đưa tới ích lợi gì sao?”

“Ồ, có thể có chứ”.

Ông lặng lẽ cười.

“Trong cái mớ thương đau đó chúng ta lại diễn hài kịch. Chẳng phải thế sao?”

“Ý ông là sao?”

“Vở kịch nhân sinh đó, Hastings à! Nghĩ một chút nhé. Có ba cặp con người ngồi lại với nhau vì chịu chung một bi kịch. Ngay tức khắc, vở kịch thứ hai xảy ra – tout à fait à part [1]. Ông có nhớ vụ án đầu tiên của tôi ở Anh không? Ôi, lâu lắm rồi ấy. Tôi đưa hai người yêu nhau lại với nhau – chỉ bằng cách đơn giản là bắt một trong hai người vì tội giết người! Không cần làm gì hơn! Giữa hoang tàn chết chóc chúng ta mới thật sự sống, Hastings à… Tôi hay để ý thấy, án mạng là một bà mối cực giỏi”.

Tôi nghe chướng tai nên la lên: “Cái ông Poirot này, tôi dám chắc không ai trong số họ nghĩ đến chuyện đó nhưng…”

“Ôi, ông bạn yêu quý của tôi. Thế còn ông thì sao?”

“Tôi ư?”

“Mais oui, chẳng phải khi họ đi rồi ông vừa quay vào vừa ngâm nga đó sao?”

“Người ta vẫn làm thế nhưng không phải họ là người tàn nhẫn”.

“Đương nhiên rồi, nhưng giai điệu đó cho tôi biết ông đang nghĩ gì”.

“Thật à?”

“Ừ. Ngâm nga một giai điệu nào đó là cực kỳ nguy hiểm. Nó để lộ tiềm thức của ông. Giai điệu mà ông ngâm nga đó có từ thời chiến tranh. Comme ça [2]”, Poirot hát bằng cái giọng nam cao dở ẹc:

Lúc thì anh yêu cô có nước da ngăm,

Khi thì anh yêu cô có mái tóc vàng

(Cô đến từ vườn địa đàng Thụy Điển).

“Còn gì rõ ràng hơn thế? Mais je crois que la blonde l’emporte sur la brunette! [3]”

Tôi đỏ mặt la: “Cái ông Poirot này”.

“C’est tout naturel. [4] Ông có để ý Franklin đột nhiên đồng tình và đồng cảm với cô Megan không? Cái cách anh ta rướn người về phía trước và nhìn thẳng vào cô ấy? Và anh có để ý cô Thora Grey tỏ ra rất bực mình trước chuyện đó? Và anh chàng Donald Fraser, anh ta…”

“Poirot ơi”, tôi nói. “Trí óc ông lúc nào cũng đa cảm”.

“Không hề nhé. Ông mới chính là người đa cảm đó, Hastings à”.

Tôi định gân cổ lên cãi nhưng lúc đó bỗng dưng cửa mở.

Tôi ngạc nhiên thấy Thora Grey bước vào.

Cô ta điềm tĩnh nói: “Thứ lỗi cho tôi, tôi phải quay lại vì có chuyện cần nói với ông, ông Poirot”.

“Không sao đâu, thưa cô. Mời cô ngồi”.

Cô ta ngồi xuống, do dự một hồi như thể đang đắn đo từng lời.

“Chuyện là thế này, ông Poirot ạ. Ông Clark rất hào hiệp khi lúc nãy kể với ông là tôi tự quyết định rời Combeside. Ông ấy là người rất tử tế và trung thành. Nhưng sự thật không phải như thế. Tôi cũng có ý định ở lại đó vì có nhiều việc liên quan tới mấy bộ sưu tập mà tôi cần giải quyết. Chính phu nhân Clarke là người muốn tôi đi! Tôi biết có vài lý do. Bà ấy ốm rất nặng và đầu óc bà ấy hơi không được minh mẫn vì người ta kê cho bà nhiều thứ thuốc quá. Thuốc khiến bà trở nên đa nghi và mộng mị. Bà ghét tôi vô cớ và khăng khăng đuổi tôi ra khỏi nhà”.

Tôi ngưỡng mộ lòng can đảm của cô gái vô cùng. Không như người khác, cô ta không hề cố che đậy sự thật mà thẳng thắn đối mặt với nó. Tôi thật sự rất ngưỡng mộ và thông cảm với cô.

Tôi nói: “Tốt quá, cô dám đến kể cho chúng tôi chuyện này”.

“Tốt hơn hết là nói sự thật”, cô gái mỉm cười đáp. “Tôi không muốn núp sau cái bóng hào hiệp của ông Clarke. Ông ấy là người rất hào hiệp”.

Lời nói của cô thật nồng hậu. Hẳn cô vô cùng ngưỡng mộ Franklin Clarke.

“Cô quả là thành thật, cô gái à”, Poirot nói.

“Đối với tôi, đó thật sự là một đòn mạnh”. Thora rầu rĩ kể. “Tôi không biết phu nhân Clarke ghét tôi đến thế. Vậy mà lâu nay tôi cứ nghĩ bà ấy yêu quý tôi”. Cô gái nhăn mặt. “Thức khuya mới biết đêm dài”.

Cô ta đứng dậy.

“Đó là tất cả những gì tôi quay lại để nói. Tạm biệt hai ông”.

Tôi tiễn cô xuống tận cầu thang.

Khi quay lại phòng tôi nói: “Cô ấy rất thẳng thắn. Quả là một cô gái can đảm”.

“Và tính toán”.

“Tính toán ư? Ý ông là sao?”

“Ý tôi là cô ấy có khả năng nhìn xa trông rộng”.

Tôi nhìn ông ngờ vực.

“Cô ấy dễ thương đấy chứ”, tôi nói.

“Và ăn mặc cũng rất đẹp. Cái áo lụa Marốc có cổ lông chồn đó – demier cri [5]”.

“Ông nói như là chuyên gia thời trang phụ nữ ấy, Poirot à. Tôi không bao giờ để ý người ta mặc cái gì”.

“Ông nên tham gia vào nhóm khỏa thân đi là vừa”.

Tôi chưa kịp trả đũa thì Poirot đổi chủ đề ngay, ông nói:

“Ông biết không Hastings, tôi không thể xóa được cảm tưởng rằng trong những câu chuyện chúng ta nói chiều nay có cái gì đó quan trọng. Kỳ lạ là tôi chưa xác định được đó là điều gì.. Chỉ là một cảm giác thoáng qua trong đầu… Nó nhắc tôi nhớ đến cái gì đó tôi đã nghe hoặc thấy hoặc đã để ý…”

“Điều gì đó ở Churston à?”

“Không, không phải ở Churston… Trước đó nữa… Không sao, chẳng mấy chốc tôi sẽ nhớ ra thôi…”

Ông nhìn tôi (có lẽ lúc ấy tôi không chú tâm lắm), cười rồi lại bắt đầu ngâm nga.

“Cô ấy đúng là thiên thần phải không nào? Bước ra từ vườn địa đàng Thụy Điển…”

Tôi nạt: “Quỷ tha ma bắt ông đi, Poirot!”

Chú thích:

[1] Hoàn toàn tách biệt.

[2] Như thế này này.

[3] Nhưng tôi yêu cô tóc vàng hơn cô có nước da ngăm!

[4] Chuyện tự nhiên thôi mà.

[5] Thật là thời thượng.

Chuỗi án mạng A.B.C

Agatha Christie

Dịch giả:Võ thị Hương Lan


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.