Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chương 9: Vụ giết người ở Bexhill-on-Sea



ôi vẫn còn nhớ lúc mình thức dậy buổi sáng ngày 25 tháng 7. Chắc khoảng 7 giờ 30 phút.

Poirot đứng bên giường lắc nhẹ vai tôi. Chỉ ánh nhìn của ông thôi cũng khiến tôi đang mơ mơ màng màng bỗng dưng tỉnh cả người.

Tôi choàng dậy hỏi: “Chuyện gì thế?”

Câu trả lời của Poirot rất giản đơn nhưng có tầng tầng lớp lớp cảm xúc ẩn bên dưới ba từ mà ông thốt ra.

“Xảy ra rồi”.

“Gì cơ?” Tôi kêu lên. “Ý ông là… Nhưng hôm nay mới ngày 25 chứ mấy”.

“Xảy ra tối qua, mà đúng hơn là sáng sớm nay”.

Khi tôi nhảy ra khỏi giường và vội vàng làm vệ sinh cá nhân thì Poirot điểm lại những gì ông được thông báo qua điện thoại.

“Xác của cô gái được phát hiện trên bãi biển ở Bexhill. Cô gái tên là Elizabeth Barnard làm phục vụ cho một trong những quán nhỏ ở đó. Cô sống với bố mẹ trong một ngôi nhà gỗ nhỏ mới được xây gần đây. Bằng chứng pháp y cho biết cô gái chết trong khoảng thời gian từ 11 giờ 30 tối đến 1 giờ sáng”.

“Họ chắc chắn đây là một vụ giết người?” tôi vừa hỏi vừa bôi kem cạo râu lên mặt.

“Quyển A B C đang mở ở trang có thông tin về các chuyến tàu đi Bexhill được tìm thấy dưới xác nạn nhân”.

Tôi rùng mình.

“Khủng khiếp quá!”

“Faites attention, [1] Hastings. Tôi không muốn lại có một thảm kịch nữa xảy ra trong nhà tôi đâu!”

Tôi lau vết máu trên cằm vẻ thảm thương.

“Kế hoạch hành động của chúng ta là gì đây?” tôi hỏi.

“Một chốc nữa, xe sẽ đến đón chúng ta. Tôi sẽ mang đến cho ông một tách cà phê để chúng ta không bị chậm trễ”.

Hai mươi phút sau chúng tôi đã ngồi trong xe tốc hành của cảnh sát băng qua con sông Thames để rời Luân Đôn.

Cùng đi với chúng tôi là thanh tra Crome, đã tham gia buổi họp hôm trước và là người chính thức đảm nhận vụ án này.

Crome có phong cách rất khác với Japp. Anh ta trẻ hơn nhiều, khá trầm lặng và giỏi giang hơn. Ăn học đến nơi đến chốn và đọc nhiều nhưng tôi cảm thấy anh ta hơi tự phụ. Gần đây, anh ta được ca ngợi vì phá thành công một loạt vụ giết trẻ em. Anh ta kiên nhẫn tóm gọn kẻ sát nhân mà bây giờ đang ở trong bệnh viện tâm thần Broadmoor.

Rõ ràng Crome là người thích hợp đảm nhận vụ án hiện nay nhưng tôi thấy anh ta hơi quá để ý đến việc đó. Crome có vẻ trịch thượng với Poirot. Anh ta cư xử với ông kiểu người trẻ đối với người già một cách khá cao ngạo và “trẻ con”.

“Tôi vừa mới có một cuộc nói chuyện khá dài và thú vị với bác sĩ Thompson”, Crome nói. “Ông ta rất quan tâm đến những vụ án ‘hàng loạt’ hay ‘xâu chuỗi’ như thế này. Nó là ảnh hưởng của một loại bệnh tâm thần. Dĩ nhiên, xét dưới góc độ y học, nếu không là người có chuyên môn thì sẽ không thấy được tầm quan trọng của những chi tiết đắt giá đó”. Anh ta đằng hắng. “Thật ra, vụ án vừa rồi của tôi – không biết ông có đọc về nó chưa – vụ Mabel Homer, nữ sinh trường Muswell Hill – thì gã Capper thật là phi thường. Rất khó khép tội hắn – đó cũng là vụ thứ ba hắn ra tay! Hắn trông có vẻ bình thường như ông và tôi thôi. Nhưng chúng tôi thực hiện nhiều cuộc kiểm tra – gài bẫy lời nói, ông biết đấy – đương nhiên là khá hiện đại, chắc thời của ông không có những phương pháp kiểu như thế. Một khi ông có thể làm cho hắn ta để lộ bí mật về hắn thì ông tóm được hắn! Hắn mà biết ông đã biết thì sẽ mất bình tĩnh ngay. Hắn bắt đầu lộ tẩy thôi”.

“Ngay cả vào thời của tôi, chuyện đó đôi lúc cũng xảy ra”, Poirot trả lời.

Thanh tra Crome nhìn ông và lí nhí xã giao:

“Ồ, vậy à?”

Đôi lúc chúng tôi ngồi im không nói gì. Khi chúng tôi đi qua ga New Cross, Crome bảo:

“Nếu ông có gì muốn hỏi tôi về vụ án thì xin cứ hỏi nhé”.

“Tôi nghĩ anh chưa miêu tả cho tôi biết về cô gái bị giết”.

“Cô gái đó 23 tuổi, phục vụ ở quán Ginger Cat…”

“Không phải thế. Tôi tự hỏi không biết cô ấy có xinh không?”

Thanh tra Crome trả lời vẻ ngần ngại: “Về chuyện đó thì tôi không có thông tin gì, thưa ông”. Nhưng thái độ của anh ta thì như muốn nói: “Thiệt tình mấy cái ông ngoại quốc này! Người nào cũng như người nấy!”

Vẻ thú vị ánh lên trong mắt Poirot.

“Hình như điều đó không quan trọng với anh thì phải? Tuy nhiên, với một người phụ nữ, đó là điều quan trọng nhất. Thường quyết định cả số phận của cô gái lận đấy!”

Chúng tôi lại rơi vào im lặng.

Khi đến gần Sevenoaks Poirot mới bắt chuyện lại.

“Người ta có cho anh biết cô gái đó đã bị siết cổ như thế nào không?”

Thanh tra Crome trả lời qua loa.

“Cô ta bị siết cổ bằng dây thắt lưng hàng dệt dày của chính mình”.

Mắt Poirot mớ to.

Ông nói: “A ha, cuối cùng thì chúng ta cũng có một ít thông tin rất rõ ràng. Cho ta biết chuyện gì đấy, phải vậy không?”

“Tôi chưa thấy gì cả”, Crome lạnh lùng đáp.

Tôi hết chịu nổi sự thận trọng và thiếu trí tưởng tượng của anh chàng này.

“Nó cho chúng ta một dấu hiệu của kẻ sát nhân”, tôi lên tiếng. “Chiếc thắt lưng của cô gái. Nó cho chúng ta biết đầu óc dâm ô của hắn!”

Poirot liếc tôi một cái khó mà hiểu nổi. Bề ngoài cái liếc đó hóm hỉnh chuyển tải vẻ khó chịu. Tôi nghĩ có lẽ ông muốn cảnh báo đừng nói năng quá thẳng thắn trước anh chàng thanh tra này.

Tôi im lặng trở lại.

Ở Bexhill, chúng tôi được Phó cảnh ty Carter đón tiếp. Đi cùng ông là một thanh tra trẻ gương mặt dễ chịu, trông có vẻ thông minh tên Kelsey. Anh được cử đến phối hợp với Crome trong vụ án này.

Viên phó cảnh ty nói: “Anh Crome, có lẽ anh muốn tự mình thẩm vấn nên tôi sẽ cung cấp cho anh một số manh mối chính của vụ án rồi anh có thể bắt tay vào việc ngay”.

“Cảm ơn ông”, Crome đáp.

“Chúng tôi đã báo tin cho bố mẹ nạn nhân”, viên phó cảnh ty nói. “Đương nhiên họ rất bàng hoàng. Tôi để họ trấn tĩnh một chút trước khi thẩm vấn nên ông có thể bắt đầu hỏi từ đầu”.

Poirot hỏi: “Nạn nhân còn có những người thân khác nữa trong gia đình, đúng không?”

“Có một cô chị làm nghề đánh máy ở Luân Đôn. Chúng tôi đã liên lạc với cô ấy. Ngoài ra còn có một thanh niên – thật ra thì có lẽ nạn nhận đã hẹn hò với anh chàng đó tối qua”.

“Có manh mối nào từ quyển thông tin A B C không?” Crome hỏi.

“Nó ở đằng kia”, viên phó cảnh ty gật đầu chỉ về hướng chiếc bàn. “Không có dấu vân tay. Sách được mở ở trang về Bexhill. Tôi nghĩ là sách còn mới vì có vẻ không được mở nhiều. Không phải mua ở gần đây. Tôi đã thử hỏi tất cả những người bán văn phòng phẩm”.

“Ai đã phát hiện xác nạn nhân thưa ông?”

“Một ông đại tá thích sáng sớm và không khí trong lành. Đại tá Jerome, ông đi dạo với chó vào khoảng 6 giờ. Ông đi dọc con đường dẫn về phía Cooden, và đi xuống bãi biển. Con chó bỏ chạy và đến ngửi vào vật gì đấy. Colonel gọi nó. Con chó không quay lại. Ông đại tá nhìn về phía ấy và cảm thấy có gì đó là lạ. Ông bước đến xem. Ông xử trí tình huống rất hợp lý. Ông không hề chạm vào tử thi mà gọi cho chúng tôi ngay”.

“Thời gian tử vong là vào khoảng nửa đêm hôm qua?”

“Chắc chắn trong khoảng từ nửa đêm tới 1 giờ sáng. Tên giết người rất giữ lời hứa. Nếu hắn nói ngày 25 thì sẽ ra tay ngày 25 dù có thể chênh một vài phút”.

Crome gật đầu.

“Vâng, tâm lý của hắn rất ổn. Còn gì nữa không ạ? Có ai thấy điều gì có ích cho việc điều tra không, thưa ông?”

“Theo chúng tôi thì chưa. Nhưng hẵng còn sớm mà. Bất kỳ ai thấy một cô gái mặc đồ trắng đi dạo với một người đàn ông tối qua sẽ báo chúng tôi ngay thôi. Và tôi đồ rằng nếu có chừng bốn đến năm trăm cô gái mặc đồ trắng đi với một chàng trai tối qua thì thật là một vụ quá hay”.

Crome nói: “Được rồi, thưa ông, tốt nhất tôi nên bắt tay vào việc. Có hai nơi là quán nước và nhà cô gái. Tôi nên đến cả hai. Kelsey có thể đi cùng tôi”.

“Thế còn ông Poirot?” viên phó cảnh ty hỏi.

“Tôi sẽ đi với anh”, Poirot nghiêng đầu nói với Crome.

Tôi nghĩ Crome có vẻ hơi bực mình. Kelsey chưa từng gặp Poirot, anh chàng nhe răng cười.

Khổ cái khi người ta gặp ông bạn tôi lần đầu tiên họ luôn cho rằng ông là nhân vật quan trọng nhất.

Crome hỏi: “Thế còn cái thắt lưng dùng để siết cổ cô ấy thì sao ạ? Ông Poirot có ý cho rằng nó là manh mối đáng giá. Tôi nghĩ ông ấy muốn xem”.

Poirot nói nhanh: “Thật ra anh hiểu sai ý tôi rồi”.

“Ông sẽ không thu thập được gì từ nó đâu”, Carter đáp. “Không phải thắt lưng bằng da nên có thể sẽ không lưu lại dấu vân tay. Nó chỉ là loại thắt lưng bằng lụa được dệt khá dày – rất tiện cho mục đích đó”.

Tôi rùng mình.

“Vậy thì chúng ta đi thôi”, Crome nói.

Chúng tôi lên đường ngay lập tức.

Nơi đầu tiên chúng tôi đến là quán Ginger Cat. Nằm hướng ra biển, quán nhỏ này là kiểu quán khá phổ biến. Quán có mấy cái bàn nhỏ trải khăn carô màu cam và ghế mây có gối tựa màu cam trông rất khó coi. Đây là loại quán chuyên phục vụ cà phê sáng, năm loại trà khác nhau (trà Devonshire, trà Farmhouse, trà Carlton, trà trái cây và trà bình thường), và một số món ăn trưa đơn giản dành cho các bà các cô như là trứng ốp lết, tôm và món mì ống đút lò.

Cà phê sáng đang được chuẩn bị. Bà chủ vội vàng đưa chúng tôi vào phòng làm việc riêng khá bề bộn ở đằng sau.

Crome hỏi: “Cô… à… cô Merrion phải không ạ?”

Cô Merrion than phiền, giọng cô cao, buồn thảm và nhẹ nhàng nữ tính:

“Đúng rồi ạ. Đây là chuyện đau buồn nhất. Đau buồn nhất. Tôi thật sự không tướng tượng được nó sẽ ảnh hường đến việc kinh doanh của chúng tôi nhường nào!”

Cô Merrion trạc 40 tuổi, người rất gầy và mái tóc màu hoe lưa thưa (thật bất ngờ là trông cô giống như một con mèo lông vàng hoe). Cô ta vân vê mấy cái nơ và viền xếp trên bộ đồ đồng phục của mình với vẻ căng thẳng.

Thanh tra Kelsey động viên: “Rồi cô sẽ đắt khách thôi. Rồi cô xem! Cô sẽ không đủ sức mà phục vụ trà ấy chứ!”

Cô Merrion đáp: “Kinh tởm, kinh tởm thật. Khiến người ta hết hy vọng vào bản chất con người”.

Dù vậy mắt cô ta sáng lên.

“Cô có biết gì về cô gái bị giết không, cô Merrion?”

Cô Marrion nói quả quyết: “Không, không có gì để kể cả!”

“Cô ấy làm việc ở đây bao lâu rồi?”

“Đây là mùa hè thứ hai”.

“Cô có hài lòng với cô ấy không?”

“Em ấy là một nhân viên tốt – nhanh nhẹn và biết nghe lời”.

Poirot hỏi: “Cô ấy xinh xắn, đúng không?”

Đến lượt Merrion nhìn ông như muốn nói: “Ôi, mấy ông người nước ngoài này”.

Crome hỏi: “Tối qua mấy giờ cô ấy xong việc?”

“8 giờ. Chúng tôi đóng cửa lúc 8 giờ. Chúng tôi không phục vụ ăn tối. Người ta không có nhu cầu ăn tối ở đây. Trứng ốp lết và trà (Poirot rùng mình), người ta chỉ ở lại tới 7 giờ tối hoặc đôi lúc trễ hơn một chút nhưng chừng 6 giờ 30 là khách vãn dần”.

“Cô ấy có nói với bà là sẽ làm gì vào tối đó không?”

“Đương nhiên không rồi”, cô Merrion nhấn mạnh. “Chúng tôi không thân nhau đến thế”.

“Không ai đến tìm cô ấy à? Hay đại loại như thế?”

“Không có”.

“Cô ta trông có vẻ vẫn bình thường chứ? Không lo lắng hay buồn rầu gì?”

“Tôi không rõ lắm”, cô Merrion trả lời vẻ thờ ơ.

“Cô có bao nhiêu nhân viên phục vụ?”

“Thường thì có hai và thêm hai người nữa từ ngày 10 tháng 7 đến hết tháng 8”.

“Nhưng Elizabeth Barnard không phải là một trong hai người mới đó chứ?”

“Barnard là một trong hai nhân viên chính”.

“Thế còn cô kia thì sao?”

“Higley à? Em ấy là một cô gái rất tốt”.

“Cô ấy và cô Barnard có phải là bạn bè không?”

“Tôi không rõ lắm”.

“Có lẽ tốt hơn hết chúng tôi xin được nói chuyện với cô ấy”.

“Bây giờ ạ?”

“Nếu được thì tốt quá”.

“Tôi sẽ gọi em ấy cho ông”, cô Merrion nói rồi đứng dậy. “Mong ông nói chuyện với em ấy càng nhanh càng tốt. Lúc này đang là giờ đông khách đến uống cà phê sáng”.

Cô Merrion tóc vàng hoe có dáng đi như mèo rời khỏi phòng.

“Rất tao nhã”, thanh tra Kelsey khen rồi anh giả giọng uốn éo của phụ nữ: “Tôi không rõ lắm”.

Một cô gái đầy đặn tóc đen, má hồng và đôi mắt sẫm mở to vì hồi hộp, cô thở hổn hển chạy vào phòng.

“Cô Merrion bảo tôi đến”, cô nói không ra hơi.

“Cô Higley phải không?”

“Vâng, tôi đây ạ”.

“Cô biết Elizabeth Barnard chứ?”

“Ô, vâng, tôi biết Betty. Kinh khủng quá phải không ạ? Quá kinh khủng. Tôi không thể tin đó lại là sự thật. Cả sáng nay tôi nói với các cô bạn đồng nghiệp là tôi không thể tin được! Tôi nói: ‘Các bạn à, hình như đây không phải là sự thật. Betty! Betty Barnard, bạn đồng nghiệp của chúng ta bấy lâu, đã bị giết! Mình không thể tin được’. Tôi nói thế đấy. Tôi véo mình năm sáu lần để xem đây có phải là mơ. Betty bị giết… Thật là, à, ông biết đấy, dường như không phải là sự thật”.

Crome hỏi: “Cô có biết rõ nạn nhân không?”

“À, cô ấy làm việc ở đây lâu hơn tôi. Tôi chỉ mới làm việc ở đây từ tháng 3. Còn cô ấy làm việc từ năm ngoái, ông biết đấy, cô ấy khá trầm tính. Cô ấy không phải là người hay trêu đùa hoặc cười nhiều. Ý tôi không phải là cô ấy ít nói hoàn toàn, cô cũng vui tính lắm nhưng cô ấy không, à, ông biết đấy, cô ấy lúc thì lặng lẽ lúc thì không”.

Tôi có thể nói thay cho thanh tra Crome là anh ta cực kỳ kiên nhẫn. Cô Higley đẫy đà này đúng là một nhân chứng dễ làm cho người ta phát cáu. Cô ta cứ lặp đi lặp lại lời khai đến sáu bảy lần mà kết quả cuối cùng thì chẳng có gì đáng kể.

Cô ta chẳng thân thiết gì với nạn nhân cả. Có thể đoán Elizabeth Barnard tự cho mình hơn hẳn cô Higley. Cô ta có vẻ thân thiện trong giờ làm việc nhưng đồng nghiệp không biết gì về đời tư của cô hết. Elizabeth Barnard có một “người bạn” làm việc cho công ty bất động sản gần ga xe lửa. Công ty Court & Brunskill. Không, anh ấy không phải tên là Court cũng không phải là Brunskill. Anh ấy là nhân viên ở đó. Cô không biết tên anh ta nhưng cô có gặp rồi. Bảnh trai, ôi, bảnh trai lắm và luôn luôn ăn mặc rất đẹp. Rõ ràng là trong lòng cô Higley có chút ghen tị.

Cuối cùng, có thể tóm tắt lại như sau: Elizabeth Barnard không tâm sự với ai trong quán về việc cô làm gì vào tối đó cả nhưng theo ý của Higley cô ấy đi gặp một “người bạn”. Cô ấy mặc áo đầm trắng và “trông dễ thương hơn khi mặc kiểu cổ áo mới”.

Chúng tôi nói chuyện với hai cô nhân viên kia nhưng kết quả cũng không khả quan hơn mấy. Betty Barnard không nói gì về việc cô đi đâu, làm gì và không ai thấy cô ở Bexhill suốt chiều tối hôm đó.

Chú thích:

[1] Cẩn thận nào.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.