Ý nghĩ tuần tới trong văn phòng vẫn có người cùng ngồi khiến cuối tuần một mình của Strike thú vị hẳn, đỡ chán và cũng được việc hơn. Trong hai ngày cuối tuần, hắn không xếp giường lại. Hắn mở cửa phòng trong thông ra văn phòng ngoài, tận hưởng sự riêng tư. Chán mùi chanh tổng hợp, hắn mở luôn cánh cửa sổ vốn đóng rất chặt ngay sau bàn làm việc. Một làn gió trong mát lùa vào như muốn gột sạch hết mấy góc phòng mốc meo. Hắn tránh không bật đĩa nhạc hay bài hát nào có thể gợi nhớ đến những ngày buồn vui với Charlotte. Hắn chọn Tom Waits, bỏ đĩa vào chiếc máy CD mà hắn tưởng đã mất từ lâu nhưng tự dưng lại thấy ở ngay dưới đáy thùng đồ, rồi loay hoay lắp chiếc TV tiện lợi với cái ăng-ten nhỏ xíu. Xong việc hắn bỏ hết quần áo đã mặc vào một túi ni lông đen thường dùng để đựng rác rồi vác ra hiệu giặt ủi cách đó gần một cây số. Giặt đồ xong hắn treo áo sơ mi và đồ lót lên sợi dây căng giữa phòng và ngồi xem trận ba giờ chiều giữa Arsenal và Spurs.
Khi làm những việc tủn mủn đó, Strike cảm thấy y như lúc hắn nằm viện, cứ như luôn có một con ma đang dõi theo hắn. Con ma lởn vởn trong bốn góc phòng tồi tàn; thì thào với hắn mỗi khi hắn lơi tay. Nó cứ lải nhải rằng hắn đã trượt dài ra sao, tuổi tác, túng tiền, thất tình, không nhà không cửa. Ba-mươi-lăm, con ma nói thầm, mà chẳng có gì ngoài bốn cái thùng giấy và một cục nợ to đùng. Con ma khiến mắt hắn nhìn vào mấy lon bia trong siêu thị khi đi mua thêm mì ăn liền. Nó giễu cợt khi hắn phải ủi áo sơ mi ngay trên sàn nhà. Cứ thế, nó nhạo cả thói quen phải ra ngoài mỗi khi hút thuốc, như thể hắn vẫn còn trong quân đội, như thể hắn đang dùng chút kỷ luật cá nhân ít ỏi để thay đổi thực tại phũ phàng. Vậy là hắn bắt đầu hút thuốc ngay ở bàn làm việc. Đầu thuốc vứt đầy trong cái gạt tàn thiếc rẻ tiền mà hắn chôm từ một quán bar ở Đức hồi lâu lắc.
Nhưng dù gì hắn vẫn còn có một công việc, hắn liên tục nhắc mình; công việc có thu nhập đàng hoàng. Trận đó Arsenal thắng Spurs, Strike thấy vui hẳn. Hắn tắt TV, chấp luôn con ma, ngồi lại bàn và tiếp tục làm việc.
Mặc dù được tự do thu thập và sắp xếp chứng cứ, Strike vẫn làm theo quy trình của Luật điều tra hình sự. Một mặt hắn nghĩ Bristow rõ là hoang tưởng, mặt khác hắn vẫn ghi chép vô cùng kỹ lưỡng và chính xác tất cả những thông tin có được từ Bristow, Wilson và Kolovas-Jones.
Lucy gọi điện lúc sáu giờ tối khi hắn đang rất tập trung làm viêc. Lucy nhỏ hơn hắn hai tuổi nhưng lúc nào cũng tỏ ra già dặn hơn. Mặc dù còn trẻ nhưng Lucy đã có nhà riêng, một ông chồng nghiêm nghị, ba đứa con và một công việc khá vất vả. Em gái hắn dường như lúc nào cũng muốn có thêm trách nhiệm, như thể bao nhiêu cũng không đủ. Strike đoán rằng Lucy luôn muốn chứng tỏ với bản thân mình và cả thế giới rằng nó không giống người mẹ ăn chơi chút nào. Người mẹ từng tha hai anh em đi khắp nước Anh, chuyển từ trường này qua trường khác, hết ở nhà hoang đến cắm trại, chỉ để thêm nguồn cảm hứng hay người đàn ông mới. Strike có tám anh chị em tính luôn con riêng của bố và mẹ nhưng chỉ lớn lên cùng với Lucy. Mặc dù hắn thương Lucy dường như hơn bất kỳ ai trên đời nhưng hai anh em không hợp nhau, lần nào nói chuyện cũng cãi vã, gây gổ xoay quanh chừng đó chuyện. Lucy không thể che giấu nỗi lo lắng và thất vọng về hắn. Vì vậy, Strike thường không thể nói thật hết với Lucy như với bạn bè.
“Ừ, mọi chuyện ổn cả,” hắn vừa nói vừa phả khói thuốc ra ngoài cửa sổ, ngắm dòng người ra vào cửa hàng ở tầng dưới. “Công việc dạo này nhiều gấp đôi.”
“Anh ở đâu đó? Em nghe có tiếng xe.”
“Ở văn phòng. Anh phải làm mấy việc giấy tờ.”
“Thứ Bảy mà cũng đi làm? Charlotte không nói gì sao?”
“Cổ đi thăm mẹ rồi.”
“Hai người sao rồi?”
“Tốt đẹp hết.” hắn đáp.
“Chắc không đó?”
“Ừ, chắc. Greg sao rồi?”
Lucy lập tức than vãn một thôi một hồi về ông chồng tham công tiếc việc, trước khi quay lại tấn công hắn.”
“Gillespie còn đòi nợ anh không?”
“Không.”
“Stick à, anh biết không…” mỗi khi Lucy mềm mỏng gọi hắn bằng biệt danh lúc nhỏ là y như rằng cô nàng muốn thuyết phục hắn chuyện gì, “Em có tìm hiểu qua vụ này, anh có thể làm đơn xin vay từ bên quân đội để mà…”
“Dẹp mẹ nó đi Lucy.” Strike buột miệng.
“Cái gì?”
Lucy bắt đầu dỗi. Kịch bản quen thuộc. Hắn nhắm mắt lại.
“Lucy, anh không cần xin gì từ bên quân đội cả, được chưa?”
“Đâu cần phải làm cao như vậy…”
“Mấy thằng nhỏ sao rồi?”
“Tụi nó ổn hết. Nghe này Stick, em nghĩ thật không tưởng tượng được vụ Rokeby dán thuê luật sư ăn hiếp anh, ổng chẳng bao giờ cho anh đồng nào. Đáng ra ổng phải cho anh luôn, anh khổ vậy còn ổng thì…”
“Công việc đang rất tốt. Anh sẽ trả hết nợ.” Strike nói. Bên kia đường một cặp choai choai đang cãi nhau.
“Anh với Charlotte ổn hết thật hả? Tự dưng đi thăm mẹ vậy? Em tưởng là cổ với mẹ cổ không ưa gì nhau?”
“Giờ đỡ hơn nhiều rồi,” Strike nói. Con bé bên kia đường huơ tay loạn xạ, giẫm chân đùng đùng rồi bỏ đi.
“Anh mua nhẫn chưa?” Lucy hỏi tiếp.
“Tưởng em muốn anh trả nợ cho xong đã?”
“Không có nhẫn cổ cũng chịu hả?”
“Charlotte rất được. Cổ nói không cần nhẫn nhiếc gì, để tiền làm ăn trước.”
“Thật hả? Lucy cứ nghĩ Strike không biết chuyện cô chẳng ưa gì Charlotte. “Anh tới dự sinh nhật thằng Jack chứ?”
“Khi nào?”
“Em gởi thiệp cả tuần rồi mà, Stick!”
Có khi Charlotte đã bỏ cái thiệp vào một trong mấy cái thùng chưa mở. Hắn vẫn chưa lấy hết đồ đạc ra vì không có đủ chỗ chứa trong văn phòng.
“Rồi, anh sẽ tới,” hắn nói, thực bụng không hề muốn đi chút nào.
Nói chuyện xong hắn trở lại máy tính làm việc. Phần ghi chép từ lời kể của Wilson và Kolovas-Jones đã hoàn tất, nhưng cảm giác bực bội vẫn đọng lại. Kể từ khi giải ngũ, đây là vụ đầu tiên hắn được làm nhiều việc hơn là rình mò theo dõi kẻ này kẻ nọ. Cứ như thể ai đó muốn nhắc cho hắn biết rằng giờ hắn chẳng còn chút quyền lực nào cả. Freddie Bestigui-người ở gần Lula nhất trong đêm đó vẫn kiên quyết nấp sau đám tay chân tiểu tốt, không tài nào tiếp cận được, và cho dù John Bristow quả quyết ông ta sẽ thuyết phục được Tansy Bestigui gặp hắn, đến giờ vẫn chưa có gì là chắc chắn.
Vừa cảm thấy hơi bất lực, vừa coi thường cái nghề nghiệp chẳng đâu vào đâu của mình – có lẽ không khác mấy với thái độ của vị hôn phu của Robin, Strike quay sang tìm kiếm trên internet cho đỡ nản. Hắn tìm ra Kieran Kolovas-Jones ngay: anh chàng lái xe không hề nói dối về phim The Bill, trong phim anh ta có đúng 2 câu thoại (phân vai: Tay xã hội đen thứ hai… Kieran Kolovas-Jones). Anh ta đúng là có ông bầu riêng. Trên trang của ông bầu, Kieran được đăng một tấm hình nhỏ, cùng với danh sách các vai tham gia, trong đó có vai quần chúng trong phim bộ EastEnders và Casualty. Ảnh của Kieran trên trang của công ty Execars to hơn hẳn. Trong ảnh anh chàng đứng một mình, mặc đồng phục đội mũ kếp, trông như ngôi sao điện ảnh. Rõ là tay tài xế đẹp trai nhất công ty.
Màn đêm buông xuống bên ngoài cửa sổ; tiếng Tom Waits gầm gừ rên rỉ vẫn vọng ra từ chiếc máy CD trong góc phòng. Strike tiếp tục đuổi theo những dấu vết của Lula Landry trong thế giới ảo, thỉnh thoảng dừng tay ghi chép.
Hắn không tìm ra trang Facebook nào của Landry cả, cô ta hình như cũng chưa bao giờ dùng Twitter. Dường như Lula càng từ chối thỏa mãn sự tò mò của người hâm mộ về đời tư của mình thì người ta càng muốn lấp đầy khoảng trống của cô trong thế giới ảo. Có vô số trang mạng đăng lại hình của Lula và say sưa bình luận về đời tư của cô. Nếu một nửa thông tin trên đó là sự thật thì có lẽ Bristow đã quá ưu ái và nhẹ lời khi kể về cô em gái bê tha. Lula hư hỏng từ khá sớm. Cha nuôi của Lula là Ngài Alec Bristow, một ông già hiền lành rậm râu, người sáng lập ra công ty điện tử Albris. Sau khi Ngài Bristow qua đời vì đau tim, Lula bỏ học hai lần. Lần thứ ba thì bị nhà trường đuổi học. Tất cả những trường cô học đều là trường tư đắt tiền. Bạn cùng ký túc xá từng tìm thấy Lula nằm trong vũng máu sau khi rạch cổ tay tự tử. Lula từng sống lang thang, cảnh sát có lần tìm ra cô trong một ngôi nhà bỏ hoang. Trang web LulaNguồnCảmHứngBấtTận.com, do một fan cuồng không rõ nam hay nữ lập ra còn quả quyết rằng trong thời gian đó Lula làm gái để kiếm sống.
Sau đó Lula bị điều trị bắt buộc theo Luật Sức khỏe Tâm thần, bị chuyển đến khoa có người canh giữ dành riêng cho các bệnh nhân trẻ tuổi bệnh nặng và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Chưa đầy một năm sau, câu chuyện cổ tích bắt đầu khi một tay săn người mẫu tình cờ phát hiện ra Lula khi cô đang đi mua quần áo với mẹ ở một cửa hàng trên phố Oxford.
Trong những tấm ảnh đầu tiên, Lula lúc đó mới mười sáu tuổi, có gương mặt như Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti. Trước ống kính Lula trông vừa trần tục vừa mong manh với đôi chân dài như hươu cao cổ và một vết sẹo ngoằn ngoèo ở mặt trong cánh tay trái. Các biên tập viên thời trang có vẻ thích đặt vết sẹo ngay bên gương mặt sắc sảo của cô, có khá nhiều hình chụp kiểu này. Sắc đẹp của Lula dữ dội đến gần như vô lý. Trong những bài cáo phó và các bài blog khóc thương, người ta nhắc đến sự quyến rũ của Lula, kèm theo đó là tính khí thất thường, dễ bùng nổ cũng nổi tiếng không kém. Báo giới lẫn công chúng xem ra vừa yêu mến Lula vừa khoái “ném đá” cô. Một nữ nhà báo nhận xét Lula là người “ngọt ngào kỳ lạ, bản tính ngây thơ không ngờ”; trong khi một nhà báo khác cho rằng Lula “nói cho cùng cũng chỉ là một bà hoàng đỏng đảnh, tính toán, xảo quyệt và cố chấp.”
Chín giờ tối, Strike đi ra phố Tàu mua một phần cơm rồi trở về văn phòng, đổi đĩa Tom Waits bằng Elbow và tiếp tục tìm thông tin về Evan Dufield trên mạng, mặc dù dường như tất cả (kể cả Bristow) đều đã chấp nhận là tay này vô can.
Nếu anh tài xế Kieran Kolovas-Jones không tỏ ra ghen tị với Duffield về mặt sự nghiệp thì Strike cũng chẳng biết tay này nổi tiếng vì cái gì. Internet cho biết rằng Duffield nổi tiếng sau một bộ phim độc lập được giới phê bình đánh giá cao. Trong phim anh ta đóng vai một nhân vật không khác mình mấy ở ngoài đời: một nhạc sĩ nghiện heroin phải trộm cắp để có tiền chích choác.
Lợi dụng danh tiếng của Duffield sau bộ phim, ban nhạc của anh ta tung ra một album khá đình đám rồi tan rã cũng ồn ào không kém khi Duffield gặp Lula. Cũng như Lula, Duffield cực kỳ ăn ảnh, ngay cả trong những tấm ảnh chụp từ xa không chỉnh sửa gì, cho thấy anh ta ăn mặc lôi thôi đi lang thang trên đường, hay những tấm chụp Duffield đang giận dữ chửi rủa phóng viên (kể ra số này khá là nhiều). Sự kết hợp giữ hai con người xinh đẹp nhưng rắc rối này dường như tăng thêm sức hút của cả hai, hễ ai quan tâm đến người này sẽ quan tâm đến người kia và ngược lại, cứ như thế.
Cái chết của cô bạn gái càng khiến Duffield thêm nổi tiếng, giờ đây hắn ta vừa được ngưỡng mộ, vừa bị gièm pha, lại nhuốm chút ly kỳ. Tên tuổi Duffield được bao quanh một vầng đen u ám thoảng mùi chết chóc: từ các fan cuồng nhất cho đến những người ghét Duffield đều tỏ vẻ thích thú trước cái ý nghĩ rằng hắn coi như đã đặt một chân sang thế giới bên kia; rằng chuyện hắn sẽ tàn lụi và bị quên lãng là không thể nào tránh khỏi. Duffield có vẻ ưa nói về chủ đề này. Trên Youtube có nhiều clip ngắn quay cảnh hắn vừa phê thuốc vừa nói lảm nhảm, bằng cái giọng y như Kolovas-Jones giả bộ. Hắn lè nhè lý luận rằng cái chết không khác gì rời khỏi một bữa tiệc, vậy thì phải đi về nhà sớm thì cũng đâu có gì đáng phải khóc.
Theo nhiều nguồn khác nhau, Duffield rời khỏi hộp đêm không lâu sau khi Lula bỏ về, khi đó hắn mang mặt nạ chó sói. Với Strike, hành động này đơn thuần là trò vớ vẩn của đám sao siếc. Lời khai của Duffield dù không thỏa mãn nhiều cư dân mạng thích tưởng tượng nhưng đủ làm cảnh sát tin rằng hắn không dính dáng gì đến sự vụ sau đó tại Kentigern Gardens.
Strike vừa tiếp tục suy đoán, vừa lướt qua các trang mạng và blog khác. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những giả thuyết hết sức quả quyết về cái chết của Lula, nhấn mạnh đến những dấu vết mà cảnh sát bỏ qua. Có lẽ Bristow cũng từng đọc qua những trang này. Trang LulaNguồnCảmHứngBấtTận.com còn có nguyên một danh sách Những câu hỏi không có câu trả lời, trong đó câu thứ năm là “Ai đã bỏ nhỏ cho phóng viên rời khỏi hiện trường trước khi Lula rơi xuống?”; câu số chín, “Tại sao hai người đàn ông che mặt gần hiện trường lúc hai giờ sáng không ra trình diện? Họ ở đâu và là những ai?”; và câu số mười ba, “Tại sao lúc rơi xuống Lula mặc đồ khác với lúc mới vào nhà?”
Nửa đêm, Strike đọc đến vụ ồn ào mà Bristow từng nhắc tới, vừa đọc vừa uống bia. Khi vụ này nổ ra Strike cũng có nghe đến nhưng không quan tâm mấy. Hắn nhớ một tuần sau khi có kết luận vụ Lula là tự tử, người ta trạm cãi kịch liệt về tấm ảnh quảng cáo của nhà thiết kế Guy Somé. Trong ảnh hai người mẫu đứng trong một con hẻm dơ bẩn, không mặc gì trừ mấy cái túi xách che những chỗ ý nhị, thêm khăn quàng cổ và đồ trang sức. Landry ngồi vắt vẻo trên thùng rác còn Ciara Porter bò dưới mặt đất. Cả hai đều đeo cánh thiên thần: cánh của Porter màu trắng như thiên nga còn của Landry màu xanh đen ánh đồng sáng loáng.
Strike nhìn bức ảnh trong vài phút, cố phân tích xem tại sao gương mặt của Lula khiến người ta không thể rời mắt, cứ như thể cô ta thống trị cả khuôn hình. Bằng cách nào đó Lula khiến cho sự phi lý và tính dàn dựng của bức ảnh biến mất, câu chuyện trong ảnh trở nên rất thật, hoàn toàn tin được. Trong ảnh, Lula là thiên thần mắc đọa vì lòng tham, vì quá ham muốn những món đồ mà cô ta đang ôm vào người. Bên cạnh Lula, Ciara Porter đẹp thánh thiện nhưng chỉ đáng làm nền, nhợt nhạt và thụ động không khác gì một bức tượng.
Khi chọn dùng tấm ảnh này, Guy Somé chịu không ít búa rìu dư luận, trong đó có những lời khá cay nghiệt. Nhiều người cho rằng Smoé lợi dụng cái chết của Landry và quay ra nhạo báng những lời lẽ tha thiết mà người phát ngôn của Somé dành cho Lula. Tuy vậy, trang LulaNguồnCảmHứngBấtTận.com lại cho rằng ắt hẳn Lula cũng muốn bức ảnh đó được đăng; rằng cô ta và Guy Somé là bạn cực kỳ thân thiết: Lula yêu quý Guy như một người anh trai và chắc hẳn sẽ không phản đối việc Guy dùng tấm ảnh như lời tôn vinh cuối cùng dành cho sự nghiệp và sắc đẹp của cô. Đây là một tấm ảnh biểu tượng, nó sẽ còn mãi và giữ cho Lula mãi sống động trong ký ức của chúng ta, những người vô cùng yêu quý cô.
Strike nốc hết lon bia, nghĩ về những từ cuối cùng trong câu đó. Hắn chẳng bao giờ hiểu được tình cảm thân thiết của fan dành cho những người nổi tiếng mà mình chưa một lần gặp mặt. Nhiều người khi gặp hắn cứ nhắc đến cha hắn, rằng “Jonny già” thế này thế nọ, rồi mỉm cười sung sướng như đang nói về một người bạn chung, rồi lặp đi lặp lại những truyền kỳ đăng nhan nhản trên báo cứ như đó là kỷ niệm của riêng họ. Trong một quán bia ở Trescothick, một người từng thốt lên với Strike rằng: “Quả thật, tao rành ông già mày còn hơn mày nữa!” chỉ vì anh ta kể được tên của nhạc công chơi trong album thành công nhất của Deadbeats, tay này về sau nổi tiếng vì bị Rokeby nổi giận tộng cho một cú vào kèn saxophone gãy cả răng.
Một giờ sáng. Strike gần như miễn dịch luôn với tiếng guitar bass thình thịch liên tục vọng lên từ tầng trệt và những âm thanh kẽo kẹt xì xụp thỉnh thoảng phát ra từ tầng trên, nơi tay chủ quán bar đang nấu nướng tắm giặt. Mệt mỏi, nhưng vẫn chưa thể đi ngủ, Strike lần ra thêm địa chỉ nhà Guy Somé ở đâu đó trên phố Charles, khá gần với Kentigern Gardens. Rồi hắn gõ địa chỉ www.arrse.co.uk, trụ sở giải trí trên mạng của cánh quân nhân, tự nhiên như thể đi đến quán nhậu quen thuộc sau ca làm việc dài.
Lần gần nhất hắn vào trang này đã cách nay mấy tháng. Lần đó Charlotte phát hiện ra và nhảy dựng lên như thể hắn đang xem phim con heo. Sau đó là một vụ cãi vã dữ dội vì cô ta nghĩ rằng hắn vẫn còn nhớ đời lính và không thỏa mãn với hiện tại.
Trang web viết đúng kiểu tâm lý quân nhân, bằng một thứ ngôn ngữ Strike thông thạo. Tại đây hắn lại được thấy những từ viết tắt quen thuộc; những chuyện đùa người ngoài không thể hiểu được và những mối quan tâm của người trong quân ngũ, từ người cha lo cho con bị ăn hiếp ở trường học trên đảo Síp, cho tới những chỉ trích nhằm vào Thủ tướng tại cuộc điều tra về vai trò của nước Anh trong chiến tranh Iraq. Strike đọc hết trang này đến trang khác, thỉnh thoảng bật cười, nhưng vẫn cảm nhận rõ là hắn đang dần dần đầu hàng trước cái bóng ma kia, dường như giờ đây lại đang thì thào sau cổ hắn.
Trang web đưa hắn về một thế giới khác, nơi hắn từng sống rất vui. Mặc dù cuộc sống trong quân đội không tiện nghi, lắm vất vả, mặc dù hắn trở về chỉ với một cái chân rưỡi, nhưng Strike không hề thấy tiếc lấy một ngày. Vậy mà hắn vẫn không thuộc về nơi đó, thậm chí là ngay cả khi hắn còn tại ngũ. Cái thời hắn làm lính quân cảnh, rồi lên điều tra viên, từng bị đồng đội vừa nể vừa ghét.
***
Nếu nhân viên SBI[1] muốn nói chuyện với bạn, bạn nên trả lời “Tôi không có bình luận gì, tôi muốn gặp luật sư.” Hoặc chỉ nói “Cảm ơn đã để ý tới tôi” cũng đủ rồi.
[1. Special Investigation Branch: Cục điều tra đặc biệt của quân đội Anh.]
Strike bật cười rồi nhanh chóng tắt trang web, tắt luôn máy tính. Hắn mệt đến nỗi phải mất thì giờ gấp đôi mới tháo được cái chân giả ra.