Tháng 9 trời vẫn nắng nóng đến khó chịu. Thời tiết ngày càng thất thường. Đã cuối hạ đầu thu mà nhiệt độ vẫn chưa chịu thuyên giảm.
Hương nhìn tờ giấy gọi nhập học.
Tầng 3 nhà D Đại học Luật.
Ngó nghiêng mãi mà cô không tìm được rốt cuộc cái khu nhà đó ở chỗ nào. Chỉ có B và C, vậy D ở đâu cơ chứ?
Một cô gái đi qua, Hương vội chạy tới hỏi:
-Chị ơi, chị là sinh viên trường này ạ?
-Ừ. Có gì không bạn?
-Chị cho em hỏi khu nhà D ở đâu ạ?
-Ở ngay bên cạnh chúng ta đây này.
Theo hướng tay chỉ của cô gái, mắt Hương mở to hết cỡ, miệng há hốc, chỉ không hét ầm lên.
Cô thực sự muốn biến ngay khỏi chỗ này.
Khu nhà D chính là thư viện mà cô đi đi lại lại trước mặt không biết bao nhiêu vòng. Khu nhà bao gồm thư viện kết hợp với một hội trường ở tầng 2 và 3.
Dòng chữ Trung tâm thư viện to tướng nhưng cái chữ cái cô cần tìm thì lại nhỏ xíu đặt ở tít trên nóc của tòa nhà.
Cảm ơn cô gái, Hương hì hục leo lên bậc cầu thang. Mồ hôi rịn trên trán, mặt đỏ bừng lên vì nóng.
Lên đến nơi, cô lại thêm một lần há hốc miệng nữa. Cả hội trường đông nghịt người, tân sinh viên cùng phụ huynh đang chăm chú làm thủ tục nhập học. Đông thế này thì đến bao giờ mới đến lượt kẻ đến muộn như cô? Chưa kịp khép cái miệng đang mở hết cỡ của mình lại thì cô nghe thấy bên cạnh có tiếng cười trong trẻo pha chút the thé cao vút cất lên. Hơi nhíu mày, quay sang thì cô thấy cái kiểu cười quái dị ấy phát ra từ chính cô gái vừa chỉ đường ình. Vào đây, lại còn cầm cái đống giấy tờ giống y hệt cô, vậy ra cũng là tân sinh viên.
Hương thấy mặt mình có chút đen lại.
Cô vừa gọi một người cùng khóa là chị một cách kính cẩn.
Còn nữa, người ta cũng là tân sinh viên mà lại rất rành địa thế cái trường này.
Cô bạn cùng khóa lanh lợi chọn một chỗ ngồi ình, đưa mắt ngó nghiêng xung quanh một cách thích thú. Khi ánh mắt cô ấy quét qua chỗ cô thì dừng hẳn lại, sau đó cô ấy cười thật tươi, đưa tay vẫy vẫy.
Hương cứ tưởng cô ấy chào ai đó sau mình nên thản nhiên nhìn sang chỗ khác, tìm một chiếc ghế còn trống để ngồi. Khi đã yên vị xong xuôi, ngẩng lên, suýt nữa tim cô nhảy ra ngoài khi thấy cô bạn đó đứng ngay trước mặt dùng ánh mắt trách móc nhìn mình chằm chằm.
-Sao mình chào mà bạn lại không chào lại mình vậy?
Ngó trái ngó phải, cuối cùng xác định cô ấy đang nói với mình, Hương đưa ngón tay trỏ chỉ vào bản thân, lúng túng hỏi lại:
-Bạn… Bạn… đang nói với mình à?
-Chứ còn ai khác nữa ở đây?
-Mình… với bạn… có quen nhau sao?
-Chẳng phải chúng ta vừa nói chuyện dưới sân trường đấy sao? Thật vui vì chúng ta cùng khóa.
-Vậy cậu nghĩ có sinh viên năm hai năm ba nào ngu ngơ đi hỏi đường thế sao – Hương lầm bầm, không nhìn cô bạn kì lạ.
-Hả? Bạn nói gì cơ? Mình nghe không rõ.
-À, không có gì… À… Ờ… Bạn có muốn ngồi ở đây không?
-Mình chờ câu nói này của bạn lâu lắm rồi. Chân mình bắt đầu tê tê. Bạn chậm chạp quá đấy.
Nói rồi cô bạn ấy lách qua người Hương ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.
Hương ngẩn người rồi quyết định quay lại với tập hồ sơ của mình. Nhưng chưa kịp xem xét lại thì bàn tay của người bên cạnh đã vươn ra cầm lấy.
-Bạn tên Hương?
-Ừ.
-Mình tên Châu. Hoàng Minh Châu.
-Vậy ư?
-Không phản ứng gì sao? Viên minh châu cao quý của hoàng gia đó. Ai nghe tên mình không khen hay thì cũng nói nó đặc biệt. Vậy mà bạn lại chẳng có bất cứ lời bình luận nào. Bạn kì lạ thật.
Cô ấy mới là người kì lạ.
Có thể thoải mái nói chuyện với người không quen một tiếng đồng hồ kể cả đối phương rất kiệm lời. Hương thấy phục vô cùng. Chưa kể cô ấy đã mè nheo cô trao đổi số điện thoại sau vài giây ngắn ngủi.
Hết nói chuyện với Hương thì Minh Châu lại quay ngang quay dọc ngó nghiêng xung quanh. Lúc này Hương mới ngẩng đầu quan sát cô bạn đang líu lo bên cạnh. Cô ấy không cao, hay nói là kiểu người nhỏ nhắn, chắc chỉ đứng đến vai cô. Mặt mũi dễ nhìn, làn da trắng, mái tóc ngắn ngang vai nhuộm màu hạt dẻ sáng. Tổng quan là kiểu người có thể gặp ở bất cứ đâu. Một người như thế lại sở hữu giọng nói lanh lảnh, tiếng cười vang vọng, đủ để cho cô ấn sâu đậm.
Đột ngột cô ấy quay lại khiến cô không kịp lại cái nhìn mang tính chất dò xét của mình. Hương lúng túng đưa tay lên vuốt tóc rồi hỏi:
-Bạn … ét bao nhiêu?
Nói xong câu này, trong một ngày thêm một lần nữa cô muốn đào lỗ mà chui xuống. Mặt mũi đỏ bừng lên, cô vội xua xua tay, lắp bắp:
-Mình không có ý gì đâu… chỉ thấy bạn nhỏ nhắn dễ thương…
-Mình cao 1m53. Thấp nhỉ? Còn bạn?
-1m65.
-Oa. Ngưỡng mộ ghê. Mình chẳng giận gì, vì ai cũng bảo mình bé hạt tiêu. Ước gì mình cao như bạn.
-Nhiều lúc cao cũng không tốt…
-Nhưng cao vẫn hơn là thấp tịt như mình. Mà bây giờ mới thấy bạn mở miệng nói chuyện với mình. Lúc trước toàn mình độc thoại thôi.
-Xin lỗi. Tại mình không quen nói chuyện với người mới gặp…
-Thế thì không được. Bạn quên mình thi vào trường gì à? Vào đây thì phải nói nhiều hơn đi, anh mình bảo thế.
-Anh bạn?
-Anh mình trước đây học ở trường này. Thỉnh thoảng mình hay vào đây.
-Thảo nào bạn thông thuộc nơi này.
-Cái trường này bé tẹo, có mấy khu nhà là hết, cây cối, không gian chẳng có thì có gì mà không biết.
Hương gật đầu đồng tình. Trường đại học trong trí tưởng tượng của cô là những tòa nhà cao tầng, những bãi cỏ xanh mướt, hồ nước, là không gian rộng và thoáng đãng… Nhưng ngôi trường này thì chẳng khác gì công sở của cơ quan nhà nước nào đó, toàn bê tông, lác đác vài cái cây cô độc.
Liếc nhìn Minh Châu, Hương nhận ra cô bạn này cũng đi một mình, không có ai bên cạnh.
Có lẽ gia đình cô ấy quá bận, hoặc cô ấy vốn là người độc lập?
Sáng nay Thu Hà có ý muốn đưa Hương đi nhập học nhưng cô từ chối. Cô muốn tự mình bắt đầu cuộc sống sinh viên, muốn cảm nhận nó khác biệt với 12 năm học sinh như thế nào.
Hương lên làm thủ tục trước rồi đến Minh Châu. Cô bạn vừa xong xuôi thì chạy ào lên, cười rạng rỡ, khua khua cái thẻ sinh viên mới cóng trước mặt cô.
-Mình và bạn cùng lớp nhé… lớp 04…ha ha… Mình nói rồi đúng không? Chúng ta rất có duyên mà… Ha ha….
-Nào! Ngồi xuống đã! Bạn đang làm ảnh hưởng đến người khác đó.
-Chết! Mình quên mất. Tại mình vui quá.
Nhưng tay chân cô ấy cũng không chịu để yên một chỗ. Một cánh tay ngoắc vào tay cô, cái miệng nhỏ nhắn không ngừng hoạt động.
Người bạn đầu tiên trong cuộc sống đại học của cô đã xuất hiện như thế, ồn ào nhưng vui vẻ, như chú chim chích chòe nhỏ bé nhưng đáng yêu…
Những tháng ngày đầu tiên, có quá nhiều thứ cần thích ứng khiến Hương thấy mệt mỏi và hoang mang. Cuộc sống đại học ai cũng mơ ước nhưng khi trải nghiệm lại nhạt nhẽo và vô vị – ít nhất là với cô, không giống những gì mà lũ học sinh tụi cô đã từng tưởng tượng. Hương cùng lũ bạn đã ngồi thần người nghe cô giáo trẻ mới về trường kể về thời sinh viên, về những trải nghiệm chưa bao giờ có, về trường học, bạn bè và nhất là đời sống sinh hoạt thường ngày. Thú vị là từ duy nhất mà cô và bạn bè đã thốt lên khi đó. Còn giờ thì cô nhận ra đó chỉ đơn giản là do sự thay đổi môi trường sống mà thôi. Và đồng thời bên cạnh “thú vị” có một từ mà cô giáo “quên” không bổ sung là “rắc rối” xuất hiện.
Đầu tiên là nơi ở. Thu Hà ở cách xa trường cô nên hai chị em quyết định thuê một căn phòng nằm giữa hai trường để tiện đi lại. Căn phòng 22m2 nằm trên tầng 2. Đồ dùng không phải sắm nhiều vì Thu Hà đã mua từ trước. Điều khiến cô thấy phiền hà chính là hàng xóm. Hàng xóm là hai cô nàng cùng trường Thu Hà. Họ nói rất nhiều, thích để ý và bình luận. Dù cố không để ý nhưng cô vẫn không chịu được mọi cử chỉ, hành động của mình đều bị nhìn chằm chằm. Cô đi chợ về họ nhìn ngay xem cô mua gì, hỏi nhà cô hôm nay nấu món gì. Năm thứ nhất thời khóa biểu khá thoáng, thời gian ở nhà của Hương khá nhiều. Cũng vì vậy mà cô cũng chạm mặt hàng xóm nhiều hơn, họ vô tư sang phòng, lục đồ rồi tán gẫu. Muốn tập trung cũng không nổi. Tháng sau cô quyết định đổi nhà trọ.
Thứ hai là cái lịch học của trường. Trường nhỏ, thiếu diện tích đồng nghĩa với việc thiếu phòng học, môn học không học theo buổi mà chia theo tiết. Hôm thì ra khỏi nhà lúc 6h30, về vào lúc 9h. Hôm bắt đầu tiết học lúc 14h rồi kết thúc lúc 18h. Lịch học lung tung, môi trường mới, phong cách học cũng mới. Hương thấy như mình mắc kẹt trong một mớ hỗn độn. Học thế nào, làm bài ra sao, tra cứu tài liệu thế nào…. Những điều này trong một trường đại học bạn sẽ phải tự thực hiện, tự mình khai thác, tự mình tìm cách giải quyết. Đại học tức là tự học, thầy cô chỉ phụ giúp. Xuất hiện một khái niệm mới toanh là bài tập nhóm – bài tập dành ột nhóm nhỏ trong lớp, dựa trên sự tham gia các thành viên trong nhóm đó, nhận đề, chia nhau làm từng phần, tổng hợp, in rồi nộp. Cả lũ chụm đầu lại mất cả ngày không hiểu cái đề nó đòi hỏi cái gì, cuối cùng thống nhất mỗi đứa làm một bản, nộp cho nhóm trưởng tổng hợp, thế là xong. Tự hỏi cái đó là “làm việc nhóm”? Lũ sinh viên năm nhất quen thói ngồi mát ăn bát vàng từ cấp 3 không kịp xoay sở, méo mặt nhìn những điểm số thê thảm chưa từng có trong lịch sử đi học.
Một điều nữa là bạn bè. 12 năm học trước đó, dù có biến đổi thế nào thì cũng chỉ là những người bạn cùng một nơi. Đại học là nơi tập hợp của nhiều vùng miền khác nhau. Con người mang theo hơi thở cuộc sống của quê hương họ, hòa nhập vào môi trường chung. Ngoài Minh Châu, Hương chỉ kết bạn với hai người nữa, một nam một nữ, nam tên Đức, nữ tên Thảo, những người khác với cô đơn giản chỉ là “bạn cùng lớp”. Minh Châu, Đức, Thảo và cô cùng nhóm, lại ngồi gần nhau nên thành thân nhau, đi đâu cũng thấy bộ tứ kè kè nhau.
Và còn rất nhiều, rất nhiều điều cần phải thích ứng khi gia nhập môi trường mới.
Kì đầu tiên, Hương học được thế nào là chuẩn bị bài thuyết trình, học cách bình tĩnh phản biện lại câu hỏi của thầy và các thành viên khác trong lớp. Cứ thả sức thể hiện quan điểm cá nhân, chỉ cần đừng vi phạm nguyên tắc: những gì liên quan đến Đảng, đến Nhà nước thì chớ có động vào. Cũng cần biết vì là đại diện cho nhóm thuyết trình nên dù có đồng ý hay không thì sau một hồi mặt đỏ miệng mỏi vì hăng máu nói nhiều cũng phải quay về quan điểm chung của nhóm khi giải quyết vấn đề.
-Điểm số là chung, muốn chết thì chết một mình, đừng lôi anh em theo.
Đức thảy cho cô cái bánh mì, còn bản thân thì ngoạm một cái tương tự.
-Cám ơn. Nhưng mà ông có thấy như vậy là quá ép buộc không?
-Chị hai à, nếu muốn thể hiện quan điểm cá nhân chị có thể chọn đề tài đó cho bài tập học kì của riêng chị, còn nếu đã làm việc nhóm thì làm ơn tuân theo ý kiến của tập thể đi. Ê, Minh Châu, sao bà lại ăn bánh của tôi???
-….
-Ức ói úng ó, ỏ a i… – Cái miệng đầy bánh mì của Minh Châu không chịu thua, vừa nhai vừa nói.
-Nào, nuốt đi rồi hãy nói gì thì nói – Thảo đưa cho cô nàng chai nước – Hương à, bà nên bỏ đi, chấp nhặt làm gì. Ý Châu và tôi là như thế.
Hương trừng mắt nhìn Minh Châu đang toe toét cười với cái đầu gật lia lịa.
Trong nhóm, Thảo là đứa dịu dàng nhất, đôi lúc cho Hương cảm giác mình như đang nói chuyện với Thu Hà vậy. Lúc nào cũng mỉm cười nhẹ nhàng, không lớn tiếng cũng chưa từng cáu giận bao giờ. Có lẽ Thảo cũng như Thu Hà, không phải không biết tức giận, chỉ là biết dừng đúng lúc mà thôi.
Ngược lại với Thảo, Minh Châu lanh chanh, lém lỉnh. Bản tính không biết sợ là gì của cô nàng có lẽ chính là lý do Hương kết bạn được với Minh Châu.
Đức hài hước, thông minh. Là đứa con trai duy nhất trong nhóm nên thường xuyên bị bắt nạt, nhưng lúc nào trên môi cậu ta cũng thường trực một nụ cười rạng rỡ.
Còn cô thì gói gọn trong “bảo thủ và cứng đầu”. Vì thế khi tranh luận thì chỉ có cô và Đức là nhiệt tình, hai cái con người kia toàn đứng ngoài lề cổ vũ cho chiến tranh mau xảy ra.
Đại học không quan trọng có đi học đầy đủ tất cả các buổi, trong đề cương mỗi môn học đều có cái mục chú ý là “không được nghỉ quá 30% số tiết học” – tức là bạn có quyền được nghỉ tối đa 29% tổng tiết học mỗi môn mà thầy cô cũng bó tay không làm gì. Hương là một trong những thành phần vận dụng tối đa cái chú thích nho nhỏ hữu dụng này. Lắm khi cao hứng muốn nghỉ thì Minh Châu và Thảo là hai đứa được ưu ái tặng cho nhiệm vụ điểm danh hộ cô. Đức hoàn toàn không tham gia vì cậu ta cho rằng thật là mất mặt đấng nam nhi. Mất mặt gì cơ chứ? Cái cần nhất là bài tập nộp đủ, kì thi cuối kì có cái gì trong đầu để mà thi hay không mà thôi. Không có cô chủ nhiệm nhắc nhở, cũng chẳng có bản kiểm điểm hay mời phụ huynh vì vấn đề này. Nếu bỏ học quá nhiều thì đồng nghĩa với học lại, học đến khi nào qua thì thôi. “Tương lai của anh chị nằm trong chính tay anh chị” – trong buổi học đầu tiên một thầy đã nói thế.
Trường cô là trường luật, đồng nghĩa với việc cái miệng với tài ăn nói là điều được thầy cô chú ý. Thi kết thúc môn, hình thức thi là vấn đáp. Ban đầu Hương không hiểu vấn đáp là cái gì? Nhưng khi thi xong một môn, à, đó là việc thử dây thần kinh và cái trí nhớ. Đối diện với ông thầy hắc ám của môn lý luận nhà nước và pháp luật, tim phải cố không đập nhanh, chân không được run và mặt phải cười.
-Tôi cần cô trả lời câu hỏi. Cô cười để làm gì hả?
-Thầy ơi… Nếu không cười thì em mếu ngay đấy ạ.
-Mếu cười thì đó là việc của cô, trả lời mau. Cô có 10 phút, đừng trách tôi không báo trước, 3 phút đã qua và cô còn 7 phút thôi đó.
Không mếu mà cũng chẳng cười, thay vào đó là hộc tốc lôi cái tờ giấy nháp ra, dựa vào ý chính trong đó mà nói. Đầu có cái gì thì phải lôi ra bằng sạch.
Nói xong cô thở phì phò, thầy thì thản nhiên chấm chấm, đánh dấu gì đó rồi ngẩng lên cười rõ tươi, “tặng” thêm 2 câu hỏi phụ nữa.
Đến khi định thần thì đã ra khỏi phòng thi với con 5 to oành. Lần đầu tiên biết được 5 phẩy nó nhục thế nào.
Còn cáu hơn khi được con bạn vỗ vai an ủi:
-Buồn làm gì hả mày. Đời sinh viên không thi lại thì qua. Thế là tốt rồi.
-Vậy mày được mấy.
Minh Châu nhe răng cười, lùi lại mấy bước, nhỏ nhẹ đáp:
-8 điểm, 7 phẩy.
Minh Châu thông minh lại chăm chỉ, không ngạc nhiên khi nó được cao như thế. Nhưng lúc đó Hương không đủ bình tĩnh mà nhận định, chỉ biết gào thét ầm ĩ đuổi theo cho nó một bài học.
Và ngay lập tức có giọng nữ cao vút phát ra từ phòng thi.
-Mấy cô kia!!! Thi xong thì im lặng để người khác còn thi chứ? Mã số sinh viên là bao nhiêu, muốn trừ điểm thi vừa rồi không hả???
Cô không biết chính cô mới dọa sinh viên sợ mất mật, quên sạch bản thân muốn trả lời thế nào.