Nhược Thủy vẫn như trước hôn mê bất tỉnh, Cảnh Tịch thấy cô nương Khả Thanh vẫn mang thuốc đến, chăm chỉ bón thuốc, thay vải vết thương. Tiểu Khả Thanh rất khả ái, đôi khi sẽ mang cho nàng và Nhược Vân một ít bánh ngọt mà nàng làm được. Mà Khả Thanh này cứ xem nàng như trẻ con, hết dắt tay đi bắt cào cào về xào lại dẫn đi chụp ếch về nấu cháo, mỗi lần như vậy Nhược Vân lẳng lặng đứng trên bờ bảo vệ nàng. Trong lòng nàng cũng yên tâm hơn một chút.
Đến hôm Nhược Thủy tỉnh lại, triều đình phái người đến đón nàng về nên mặc dù Nhược Thủy vẫn chưa khỏe vẫn phải ôm vết thương lên đường. Hoàng Thanh thần y vốn giỏi nhưng không có đất dụng, chỉ có thể chữa cho các bà con trong làng và chữa gà trâu, cuộc sống vốn dĩ khó khăn. Thế nên Cảnh Tịch mới thảo luận với ngài, nếu ngài muốn trau dồi thêm y thuật có thể theo nàng về cung. Hoàng Thanh thần y cư nhiên đồng ý, mau chóng dọn dẹp đồ đạc, bái biệt bà con trong làng rồi cùng Cảnh Tịch lên đường.
Tiểu Khả Thanh không ngồi cùng nàng mà ngồi cùng Nhược Vân Nhược Thủy ở xe dành cho người hầu, đôi lúc nàng vén rèm ra nhìn thì thấy Khả Thanh cũng vén rèm châu ngó nhìn xung quanh. Nhất là khi đến thành Kiến Đô của Cảnh quốc, Khả Thanh sống ở giữa hai quốc gia bảy năm, tuổi còn nhỏ nên chưa được tiếp xúc những thứ xa hoa nên trong lòng rất hân hoan.
Hoàng Thanh thần y vuốt vuốt hàm râu của mình, cười khà khà bảo:
– Sau này rảnh nội tổ phụ sẽ dắt con đi chơi.
Tiểu Khả Thanh mau mắn gật đầu, cười tươi như hoa hướng dương trong gió.
Trái lại với cách nghĩ người thông thường, Hoàng Thanh thần y không hề sợ cung cấm. Ngài dám tự vỗ ngực xưng thần y, dám dấn thân vào quan lộ, không sợ mưu mô hiểm độc, không sợ chết không trốn chạy. Chỉ bấy nhiêu thôi Cảnh Tịch cảm thấy người này rất coi trọng y đức, nếu trau dồi tốt có thể giúp ích cho hoàng gia nàng sau này.
Còn trong lòng Hoàng Thanh lại nghĩ, ông già rồi, sống cũng chẳng bao nhiêu năm. Nếu cháu gái ông được học hỏi những y thuật trong cung hẳn sẽ là một đại danh sư uyên bác. Bản thân ông ngày đêm không ngừng trau dồi, dạy bảo cho Khả Thanh, nhưng dược liệu quý hiếm không có. Lấy gì để dạy? Nhớ một lần lên đỉnh Liên Sơn hái tuyết liên, không may trượt chân ngã, cũng may chỉ gãy chân mà không mất mạng. Vào cung cấm, chỉ cần được phê duyệt tuyết liên sẽ như nấm dâng lên trước mặt. Với kiến thức của ông, dược liệu trong cung, Khả Thanh với tư chất này sẽ không sớm thì muộn vang danh Chung gia, lấy lại những hào quang Chung gia đã có.
Mỗi người một tâm tư, khi cửa cung mở ra rồi khép lại, mọi sinh mạng tồn vong đều ở trong vòng cung cấm. Hoàng thượng cùng Thi hậu đích thân đứng đợi tiểu Cảnh Tịch quay về, nàng thấy họ liền giả vờ chạy xuống, nhào vào lòng họ như một đứa con ngoan mong nhớ phụ mẫu. Thi hậu trách móc khi thấy nàng bộ dạng ốm yếu trở về, hoàng thượng thì chỉ mỉm cười từ ái, nếu mà nói cung cấm không có tình thân nàng nghĩ thật sai lầm, họ đang đứng ở đây, yêu thương và chỉ xem nhau như một gia đình nhỏ. Không tiền bạc, không quyền lực, cũng không có mưu mô, yêu thương thật lòng đến độ người không có gia đình như nàng cũng cảm nhận được.
Hoàng thượng thấy nàng trở về mang theo hai người nhưng không can thiệp, chỉ bảo nàng có thể tự mình sắp xếp cho họ. Cảnh Tịch đem họ vào thái y viện, phân phó cho họ chức danh rồi để họ nghiên cứu y thuật. Đó cũng như cách Cảnh Tịch cảm tạ ơn cứu mạng của mình, sau đó nàng lại vào guồng quay học tập và học tập của mình.
Vì lần này gặp chuyện nên Cảnh Tịch nghĩ mình nên học võ công, nàng đem điều này nói với phụ hoàng liền được ân chuẩn. Lâm võ tướng – Lâm Kinh Vũ đích thân dạy võ cho nàng, tháng đầu tiên nàng rất khó khăn đến biết được các kinh mạch, đả thông cũng là một vấn đề. Nàng học được hai tháng mà không hề đả động được đến kinh mạch nào.
Cảnh Tịch nhớ không lầm, có một lần nàng còn thấy Lâm võ tướng thở dài khi dạy nàng mải không được. Nàng buồn bã, vì thế có nhiều đêm nàng thức trắng để luyện nội công, sau đó tiến hàng dò tìm huyệt vị cố gắng đả thông nhưng bất thành, nàng là người hiện đại, vốn không biết gì về võ công. Những lúc luyện võ không được nàng liền nói với Nhược Vân, Nhược Vân không trả lời chỉ lặng lẽ đi tìm Khả Thanh. Hai người bàn bàn tính tính luyện được Hộ Mạch Đơn cho nàng.
Khi Cảnh Tịch ăn đan dược vào nàng thấy chân nguyên của mình tăng lên nhanh chóng, nàng dùng cả đêm đả thông mạch Đốc Mạch, dần dần đả thông Dương Khu dưới chân. Trong vòng nửa tháng đả thông xong kinh mạch, tăng cường luyện nội công nên nàng có thể vận khí dùng kiếm được, dù hơi ngô nghê.
Khả Thanh khi rảnh rỗi vào buổi chiều thường đi xem nàng luyện công thế nào, thấy nàng làm mệt mỏi liền về làm cho nàng những món tẩm bộ, khi thì gà hầm thuốc, khi thì canh lê hoa. Cảnh Tịch sáng đi học, trưa đi nghị luận cùng phụ hoàng, tập duyệt tấu chương và giải quyết chính sự, buổi chiều nàng được miễn đến Phượng Tường điện, thay vào đó là luyện võ cùng Lâm võ tướng.
Cuộc sống cứ thế dần trôi qua cho đến năm nàng mười bốn tuổi, nàng đếm tuổi và biết được rằng ngày tháng rảnh rỗi sẽ hết. Vào tháng ba năm Cảnh Khang thứ ba mươi tư, sau khi phụ hoàng nàng dẹp hết được các thế lực phản đối nàng liền đem quyền vị giao cho nàng, thảnh thơi cùng Thi Hậu nghỉ dưỡng chốn cung cấm.
Ngày Cảnh Tịch lên ngôi, thảm trải dài từ ngoài cửa cung đến trong nội điện, Nhược Vân run rẩy mặc vào cho nàng long bào đã được đặt may trước đó. Cảnh Tịch sau sáu năm đã cao hơn rất nhiều, thân hình đầy đặn chứ không ốm yếu như trước kia, long bào vừa vặn ôm sát lấy thân thể. Tay áo của nàng ngoại lệ dài xuống nửa mét, long mão đội vừa vặn lên đầu, những hạt châu tròn nhỏ thả xuống, uy nghi lộng lẫy.
Quần thần quỳ trước điện Thái Hòa, hai tay cung kính để dưới đất, đầu vẫn giữ thế dập đầu hô to:
– Tân hoàng cát tường, Cảnh quốc trường tồn, mãi mãi phồn vinh!
Tiếng hét hào hùng vang đến cả bên ngoài cung, người dân cùng nhau bái lại. Ở chái đông điện Thái Hòa, thái thượng hoàng sai người thả chim tước hết bốn mươi chín con lên trời. Người dân bảo nhau ngày tân hoàng lên ngôi khổng tước ca hát mừng rỡ, bảy bảy bốn mươi chín ngày, đó là điềm lành.
Khả Thanh quỳ bên nội bộ thái y viện, chỉ trong vòng sáu năm nàng đã chiễm chệ làm quan y phó, tòng thất phẩm, nội tổ phụ của nàng Hoàng Thanh thần y cấp bậc cao hơn do đã chữa khỏi bệnh cho Thi Hậu một lần nên được phong là Phó ngự y, tòng ngũ phẩm. Hai người cùng các ngự y cũng được tham dự theo chiếu chỉ của vua, tòng cửu phẩm trở lên đều được tham dự.
Tân hoàng mặc long bào vàng thẫm bước lên chính điện, chúng thần vẫn nhất mực tung hô, Khả Thanh ngước đầu nhìn thì thấy nàng ấy cũng đưa mắt nhìn nàng, nhất thời thảng thốt liền cúi đầu xuống.
Sau nghi thức truyền ấn kí, chúng thần đồng loạt hô lên, “Tân hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”. Cuộc đời của Cảnh Tịch đã bước sang trang mới, nàng đã là vua, là chủ quản đất nước, trước đây chỉ quản lý mười người trong công ty đã không xuể. Dù nàng đã học qua từ phụ hoàng rất nhiều nhưng vẫn rất sợ hãi, bàn tay đổ mồ hôi nhớp nháp, nhìn xuống dưới thấy Khả Thanh lại nhìn lén nàng. Nàng tựa tiếu phi tiếu nhìn Khả Thanh, ta giờ rất sợ đây.