– Khuẩn hình roi đấy. – Tolland vừa đăm đắm nhìn xuống mặt nước sáng lóng lánh vừa nói.
– Này anh chàng ngạo mạn kia, nói cho rõ xem nào. – Corky làu bàu.
Theo trực cảm của Rachel thì hai người đàn ông này không nói đùa.
– Không biết bằng cách nào, – Tolland nói, – nhưng chắc chắn trong nước có những khủng trùng hình roi phát sáng.
– Thế có nghĩa là gì? – Rachel hỏi. Nói tiếng Anh đi các vị.
– Đó là những sinh vật đơn bào phù du có khả năng oxi hoá một loại chất xúc tác phát quang tên là luceferin.
– Đây mà là tiếng Anh sao?
Tolland thở dài và quay sang ông bạn của mình:
– Corky này, liệu có khả năng tảng thiên thạch chúng ta vừa lôi lên có chứa các sinh vật đang sống không nhỉ?
Corky cười phá lên.
– Này Mike, đừng có đùa nữa.
– Tôi đâu có đùa.
– Không thể nào, Mike ạ. Cậu cứ tin tôi đi, nếu NASA biết là có những sinh vật có xuất xứ vũ trụ sống trong tảng thiên thạch đó thì họ chẳng đời nào lại lôi nó lên làm gì.
Tolland có vẻ chỉ thoả mãn phần nào, nhìn mặt ông thì thấy ông còn có những mối nghi ngờ trầm trọng hơn thế nhiều.
– Chưa lấy kính hiển vi ra soi thì không thể chắc được, – ông nói, nhưng tôi thấy đây là một chủng khủng trùng phát quang thuộc họ pyrrophyta. Cái tên đó có nghĩa là gỗ lửa. Giống trùng này sống nhan nhản khắp biển Bắc Cực.
Corky nhún vai:
– Thế thì tại sao anh lại còn phải hỏi tôi chúng có xuất xứ từ vũ trụ hay không?
– Bởi vì tảng thiên thạch này bị vùi lấp trong băng tuyết, tức là nước tinh khiết từ trên trời rơi xuống. Và nước trong cái hố này vừa tan ra từ một phiến băng có tuổi đời những ba thế kỷ. Làm cách nào mà những sinh vật biển này lại có mặt ở đây được?
Lập luận của Tolland làm cả ba người im lặng hồi lâu.
Rachel đứng bên mép hố và cố hiểu những gì nhìn thấy trên mặt nước. Sinh vật phù du phát sáng trong hố băng. Thế có nghĩa là sao?
– Chắc chắn bên dưới phải có một vệt nứt. – Tolland nói. – Đó là cách giải thích duy nhất. Những con trùng phát sáng phù du này đã vào đây theo một đường nứt khiến cho nước biển xâm nhập được tới đây.
Rachel không hiểu.
– Thâm nhập vào à? Từ đâu? – Cô nhớ lại cuộc đi trên chiếc xe IceRover. – Chỗ này cách bờ biển phải đến hai dặm cơ mà?
Cả hai người đàn ông quay sang nhìn Rachel với ánh mắt rất khác lạ.
– Thực ra thì, – Corky nói – biển ở ngay dưới chân chúng ta đấy Phiến băng này đang nổi trên mặt nước.
Rachel sững sờ nhìn họ, lòng bối rối.
– Đang nổi bổng bềnh ư? Chẳng phải chúng ta đang ở trên sông băng hay sao?
Đúng là chúng ta đang ở trên sông băng, – Tolland đáp, nhưng không ở trên đất liền. Nhiều khi sông băng chảy mạnh và kéo dài ra tận ngoài biển. Và bởi băng nhẹ hơn nước, nên nó cứ tiếp tục nở ra, nở xoè ra biển như một mảng băng khổng lồ. Đó chính là định nghĩa của phiến băng đấy…, phần nổi trên nước của một sông băng. – Ông ta ngừng một lát. – Thật ra thì chúng ta đang đứng cách đất liền khoảng một dặm.
Bị sốc. Rachel ngay lập tức cảm thấy bất an. Điều chỉnh lại toàn cảnh bức tranh của những gì xung quanh, cô chợt có cảm giác lo sợ.
Tolland dường như cảm nhận được sự sợ hãì của Rachel.
Ông ta dậm mạnh chân lên mặt băng để trấn an cô. – Cô đừng sợ, phiến băng này dày những ba trăm foot, tức là có độ dày bằng hai trăm chiều dài một bàn chân, và nổi lềnh bềnh như cục đá trong cốc nước. Các phiến băng thường rất ổn định. Xây cả một toà nhà chọc trời ở đây còn được nữa là.
Rachel gật đầu yếu ớt, vẫn không tin hẳn. Cùng với cảm giác hoảng hốt, cô bắt đầu hiểu giả thuyết của Tolland về sự xuất hiện của những sinh vật phù du này. Có nghĩa là ông ấy cho rằng có một vết nứt gãy chạy dài từ mặt biển lên tới tận đây, cho nên những sinh vật này mới xâm nhập được. Có lý, Rachel nghĩ, tuy nhiên vẫn còn một nghịch lý khiến cô băn khoăn. Norah Mangor quả quyết rằng phiến băng này rất hoàn hảo, chị ta đã khoan rất nhiều lỗ để kiểm tra cơ mà.
Cô ngước nhìn Tolland.
– Tôi nghĩ rằng sự toàn vẹn của phiến băng là dữ liệu căn bản nhất để tính niên đại của nó. Chẳng phải tiến sĩ Mangor đã khẳng định là không có vết nứt nào hay sao?
Corky nheo mày:
– Cũng có thể nữ hoàng băng tuyết có sai sót.
Đừng có nói ầm lên thế, Rachel thầm nghĩ, nếu không ông lại bị người ta phi dao nhọn vào lưng bây giờ.
Tolland vừa gãi gãi cằm vừa quan sát những con khủng trùng phát sáng.
– Rõ ràng là không còn cách giải thích nào khác. Chắc chắn có một vết nứt. Do trọng lượng của phiến băng tạo ra áp suất đối với mặt biển nên những con trùng này đã bị đẩy lên đây.
Vết nứt mắc dịch. Rachel thầm nghĩ. Nếu phiến băng này có độ dày ba trăm foot, và tảng thiên thạch được lấy lên từ độ sâu hai trăm, có nghĩa là vết nứt phải kéo dài suốt một trăm foot, xuyên qua băng đặc. Những lỗ khoan kiểm tra của Norah Mangor khẳng định là không có vết nứt nào.
– Nhờ anh một việc nhé. – Tolland bảo Corky. – Tìm Norah lại đây! Cầu Chúa cho cô ấy biết điều gì đó về phiến băng này nhưng chưa nói cho chúng ta biết. Và nhớ tìm cả ông Ming nữa. Biết đâu ông ấy lại giải thích được hiện tượng này.
Corky cất bước.
– Cậu nhanh chân lên đấy. – Tolland nói với theo, mắt vẫn không rời cái hố. – Tôi thề với anh rằng những sinh vật này đang nhạt đi nhanh lắm.
Rachel nhìn xuống. Quả vậy, màu xanh lúc này không còn sáng rõ như trước nữa.
Tolland cởi chiếc áo da khoác trên người ra và nằm rạp xuống miệng hố.
Rachel quan sát nhưng không hiểu.
– Anh Mike?
– Tôi muốn kiểm tra xem có nước mặn lọt vào đây không.
– Bằng cách cởi áo ra rồi nằm rạp xuống thế à?
– Đúng thế đấy. – Ông ta nằm hẳn xuống mép hố nước. Ông ta giữ một tay áo khoác, thả tay áo kia xuống sâu cho đến khi cổ tay áo bị ướt sũng. – Đây là một phép thử vô cùng chuẩn xác mà các nhà hải dương học tầm cỡ thế giới vẫn sử dụng. Gọi là phép “Liếm chiếc áo ướt”.
Bên ngoài, trên phiến băng, Delta-Một đang vật lộn với chiếc cần điều khiển, cố giữ cho chiếc robot đã bị hư hại nặng bay là là ngay trên đầu nhóm người đứng bên miệng hố. Nghe những gì họ nói với nhau, anh biết là sự thật sẽ sớm bị lòi ra.
– Gọi chỉ huy đi. – Anh ra lệnh. – Có rắc rối lớn rồi đây.