Điểm Dối Lừa

Chương 82



Hãy gạt bỏ tất cả những gì mình đã biết về tảng thiên thạch.

Vốn đang suy nghĩ rất lung bung về tảng thiên thạch, giờ nghe Rachel hỏi, Michael Tolland cảm thấy vô cùng bất an. Ông nhìn phiến đá mỏng trên tay.

– Giả sử có người đưa cho ông miếng đá này và không nói bất cứ điều gì về nguồn gốc cũng như đặc tính của nó. Những phân tích của cá nhân ông sẽ là gì nào?

Tolland biết, câu hỏi của Rachel chứa đựng rất nhiều hàm ý. Nhưng nếu để phân tích vấn đề một cách logic, thì câu hỏi đó quả là hợp lý. Nếu gạt bỏ hết những dữ liệu người ta đã chuyển cho ông khi ông vừa chân ướt chân ráo vào trong bán sinh quyển, Tolland phải thừa nhận rằng những phân tích của ông tỏ ra khá thiên kiến – tảng đá có hoá thạch ở bên trong là thiên thạch.

Nếu người ta không nói gì với ông về tảng thiên thạch thì sao?, ông tự hỏi. Dù chưa thể đưa ra bất kỳ lời giải thích nào khác, Tolland vẫn tự ép mình phải dành thời gian để gạt sang một bên giả thuyết về “tảng thiên thạch”. Càng suy nghĩ theo hướng ấy, ông càng cảm thấy băn khoăn. Tolland và Rachel, cùng với Corky, đang cùng nhau bàn luận.

– Tức là… – Rachel nhắc lại, giọng căng thẳng – Mike, anh nói xem, nếu có người đưa cho anh mẩu đá hoá thạch này và chẳng giải thích gì hết, thì có thể anh đã kết luận rằng đây chỉ là đá trái đất mà thôi.

– Dĩ nhiên. – Tolland trả lời. – Làm sao kết luận khác được? Khẳng định rằng đã tìm thấy một thiên thạch chưa hoá thạch động vật quả thực khác rất xa việc khẳng định rằng đã tìm thấy một tảng đá của trái đất có chứa mẫu hoá thạch. Năm nào các nhà khoa học chả phát hiện ra hàng chục loài sinh vật mới.

– Những con chấy dài hơn nửa mét sao? – Corky lên tiếng, đầy hoài nghi. – Anh cho rằng con vật này có xuất xứ từ trái đất hay sao?

– Có thể không phải là trong thời đại của chúng ta, – Tolland đáp, – không nhất thiết phải là một loài đang còn tồn tại. Đây là mẫu hoá thạch mà. Nó có niên đại những 170 triệu năm. Cùng thời gian với kỷ Jura, vô khối động vật hoá thạch thời tiền sử to lớn đến nỗi khi phát hiện hoá thạch của chúng, người ta phải giật mình – những loài bò sát biết bay, khủng long, cả chim nữa.

– Tôi không hiểu gì nhiều về vật lý, Mike ạ, – Corky nói – nhưng lập luận của anh có lỗ hỗng rất lớn. Những động vật thời tiền sử mà anh vừa kể tên – khủng long, bò sát, chim – đều có xương bên trong. Cho nên chúng có khả năng phát triển thành những loài to lớn, bất chấp lực hút của trái đất. Nhưng hoá thạch này… – ông ta giơ cao mẩu đá. – Những động vật này có vỏ cứng ở bên ngoài. Thuộc bộ chân đốt. Loài bọ. Chính anh cũng đã nói rằng những con bọ to thế này chỉ có thể sống trong những môi trường có lực hút nhỏ. Nếu không, chính cái vỏ lớn này sẽ bị đổ sụm xuống vì trọng lượng của chính nó.

– Chính xác. – Tolland nói. – Nếu loài này di chuyển trên mặt đất thì nó sẽ bị để bẹp bởi chính trọng lượng của nó.

Corky bực bội nhướng mày.

– Mike, trừ trường hợp có người tiền sử nào đó lập ra những trại gia súc phi trọng lượng… Tôi không thấy có cách gì giải thích cho sự tồn tại của một con bọ dài những hơn nửa mét trên Trái đất cả.

Tolland mỉm cười một mình vì Corky lại có thể bỏ qua một chi tiết quan trọng đến thế. Thật ra thì còn có khả năng khác nữa. Ông quay sang người bạn thân của mình:

– Corky này, tạm dừng nhìn lên một lúc đi, thử nhìn xuống mà xem. Ngay trên trái đất của chúng ta cũng có khối môi trường không trọng lực đấy chứ. Và chúng tồn tại suốt từ thời kỳ tiền sử đến ngày nay.

Corky trợn tròn mắt:

– Anh đang nói cái quái quỷ gì thế?

Cả Rachel cũng thấy bất ngờ.

Tolland đưa tay chỉ mặt biển lóng lánh ánh trăng bên dưới máy bay:

– Đại dương.

Rachel khẽ thốt lên:

– Ừ nhỉ.

– Nước là môi trường có trọng lực yếu. – Tolland giảng giải.

– Trong môi trường nước, mọi thứ đều có trọng lượng nhỏ hơn. Vì thế trong đại dương có những dạng sống yếu ớt vô cùng, đến nỗi không thể tồn tại được trên cạn – sứa này, mực ống lớn này, lươn này…

Corky đồng tình nhưng không sốt sắng lắm.

– Đúng thế. Nhưng trong lòng đại dương thời tiền sử làm gì có những con bọ khổng lồ thế này?

– Chắc chắn là có! Ngay cả ngày nay nữa ấy chứ. Người ta vẫn dùng làm thức ăn hàng ngày mà. Chúng còn là đặc sản của nhiều vùng ấy chứ.

– Mike, làm quái gì có ai ăn những con bọ biển to thế!

Tất cả mọi người vẫn ăn tôm hùm và cua đấy thôi.

Corky tròn xoe mắt…

– Loài giáp xác chiếm tỉ lệ rất lớn trong số các sinh vật biển. – Tolland giải thích. – Chúng là một hệ của loài chân khớp – chấy, cua, nhện, sâu bọ, châu chấu, bò cạp, tôm hùm – tất cả đều có họ với nhau. Chúng đều có khung xương ở bên ngoài và các phần phụ có đốt.

Corky trông như sắp phát ốm.

– Nhìn từ góc độ đó, chứng rất giống các loài bọ. – Tolland giải thích tiếp. Loài cua hình móng ngựa trông rất giống những con bò ba thuỳ khổng lồ. Và chân tôm hùm trông rất giống chân của bò cạp.

Corky tái mét.

– Ừ nhỉ. Tôi cũng mới ăn tôm hùm.

Rachel cảm thấy vô cùng phấn khích. Tức là các loài chân đốt trên mặt đất có kích cỡ nhỏ bé là do tác động của trọng lực. Nhưng trong môi trường nước, trọng lượng cơ thể của chúng giảm đi, cho nên chúng trở lên to lớn hơn.

– Chính xác. – Tolland nói. – Con cua lớn ở vùng Alaska có thể bị nhầm với con nhện khổng lồ nếu chúng ta chỉ có một phần hoá thạch.

Sự phấn khích của Rachel dần chuyển sang thành trạng thái lo lắng.

– Mike này, một lần nữa hãy gạt bỏ giả thiết rằng đây đích thị là tảng thiên thạch, hãy nói cho tôi nghe: Anh có cho rằng mẫu hoá thạch chúng ta nhìn thấy trên phiến băng Milne có thể có nguồn gốc từ dưới biển không? Biển trên trái đất ấy?

Ánh mắt chăm chú của cô khiến cho Tolland cảm nhận rất rõ sức nặng của câu hỏi.

– Về mặt lý thuyết thì có đấy. Dưới đáy biển cũng có những bộ phận có niên đại một trăm chín mươi triệu năm. Giống như những mẫu hoá thạch này. Và trên lý thuyết, đại dương cũng có thể bao gồm những dạng sống rất giống thế này.

– Xin anh! – Corky nhạo báng. – Tôi không còn tin nổi vào tai mình nữa. Gạt sang một bên tính xác thực của tảng thiên thạch này à? Đó là một tảng thiên thạch, không thể chối cãi được. Thậm chí nếu đáy đại dương của trái đất cũng có niên đại y như thế đi nữa, thì lấy đâu ra lớp vỏ ngoài bị nung chảy đây? Lại còn hàm lượng nickel rất dị thường, cả các chondrules nữa chứ. Lập luận này rất thiếu cơ sở.

Tolland biết Corky có lý. Tuy nhiên, nghĩ rằng những mẫu hoá thạch đó chẳng qua chỉ là một loài sinh vật biển làm cho nó mất thiêng đi nhiều. Lúc này, nó không còn mang dáng vẻ xa lạ nữa.

– Mike này, – Rachel nói – thế tại sao các nhà khoa học của NASA không xem xét khả năng hoá thạch này là của những sinh vật biển? Thậm chí là biển trên một hành tinh khác?

– Có hai lý do. Các mẫu hoá thạch ở biển – được lấy lên từ đáy đại dương – thường chứa nhiều loài sinh vật lẫn lộn. Bất kỳ loài nào sống trong đại dương rộng lớn đều chìm xuống dưới đáy sau khi chết. Như thế tức là đáy đại dương là nghĩa địa của tất cả các loài sống ở tất cả các độ sâu, các tầng áp suất và môi trường nhiệt khác nhau. Nhưng mẫu đá ở Milne thì rất sạch – chỉ có một loài. Nó giống với một mẫu tìm thấy trên sa mạc hơn. Một số những sinh vật cùng loài bị chôn vùi trong trận bão cát chẳng hạn.

Rachel gật đầu.

– Còn lý do thứ hai khiến anh nghĩ tới môi trường cạn thay vì đại dương?

Tolland nhún vai.

– Chỉ là bản năng thôi. Các nhà khoa học vẫn cho rằng nếu có sự sống trong vũ trụ thì chắc chắn có dạng giống sâu bọ. Và quả thật, khi quan sát vũ trụ, chúng ta thấy đất và đá nhiều hơn so với nước.

Rachel lặng im.

– Mặc dù… – Tolland nói thêm. Ông vẫn đang tiếp tục suy nghĩ. – Phải thừa nhận rằng ở đáy biển có những vùng rất sâu mà các nhà đại dương học coi là vùng chết. Chúng ta chưa thực sự hiểu hết những nơi đó, nhưng đó là những khu vực mà điều kiện về hải lưu và thức ăn không cho phép sự sống tồn tại. Chỉ một số ít những loài ăn xác thối dưới đáy biển thôi. Trên cơ sở đó, tôi cho rằng những mẫu hoá thạch chỉ có một loài duy nhất không phải là không có.

– Này, này… – Corky làu nhàu. – Thế còn lớp vỏ bị nóng chảy? Còn hàm lượng nickel? Còn các chrondrule? Giải thích thế nào về chúng?

Tolland không nói gì.

– Vấn đề hàm lượng nickel này, – Rachel nói với Corky – anh giải thích hộ tôi lần nữa đi. Hàm lượng nickel trong các loại đá của trái đất thường hoặc rất cao hoặc rất thấp, còn trong các tảng thiên thạch thì lại ở mức trung bình, đúng không?

Corky gật đầu quả quyết:

– Chính xác.

Và hàm lượng nickel trong mẫu đá này rơi vào đúng giới hạn trung bình đó chứ?

– Rất sát, đúng như thế.

Rachel ngạc nhiên:

– Gượm đã nào. Sát à? Thế nghĩa là sao?

Corky như sắp nổi cáu.

– Như tôi đã giải thích từ trước, tỉ lệ khoáng vật học trong các tảng thiên thạch không giống nhau. Mỗi khi các nhà khoa học tìm thấy những thiên thạch mới, chúng tôi lại phải cập nhật chuẩn mới về hàm lượng nickel của các thiên thạch.

Rachel giơ cao mẫu đá, kinh ngạc. Tức là tảng thiên thạch này buộc anh phải đánh giá lại mẫu chuẩn về hàm lượng nickel? Nó không nằm trong khoảng trung bình được thừa nhận từ trước hay sao?

– Chỉ một chút xíu. – Corky đốp chát.

– Sao trước đó chẳng thấy ai nhắc đến chuyện này?

– Cái đó không quan trọng. Vũ trụ học là ngành khoa học động, luôn luôn được cập nhật.

– Trong khi tiến hành một phân tích vô cùng quan trọng ư?

– Tôi nói thế này nhé, – Corky tức tối – Tôi đảm bảo với cô rằng tỉ lệ nickel trong tảng thiên thạch đó gần với các tảng thiên thạch hơn là các loại đá trái đất.

Rachel quay sang Tolland:

– Anh đã biết chuyện này chưa?

Tolland miễn cưỡng gật đầu.

– Lúc đó, mọi người coi nó là chuyện vặt. Tôi đã được thông báo rằng hàm lượng nickel trong tảng đá này cao hơn so với các tảng thiên thạch khác chút xíu. Nhưng các chuyên gia của NASA đều tỏ ra không quan tâm.

– Trên cơ sở vững chắc? – Corky ngắt lời. – Bằng chứng về tỉ lệ khoáng chất ở đây không dẫn đến kết luận rằng tảng đá này có “nguồn gốc vũ trụ”, nó chỉ cho phép kết luận rằng tảng đá này không giống đá trái đất.

Rachel lắc đầu.

– Xin lỗi anh, nhưng trong ngành của tôi, kiểu lập luận lỏng lẻo như thế có thể làm người khác bị chết oan. Thừa nhận rằng một tảng đá không giống đá trên trái đất chưa đủ để chứng minh rằng nó là một tảng thiên thạch. Như thế mới chỉ chứng minh được rằng nó khác với các loại đá trên trái đất mà chúng ta đã biết.

– Như thế thì có gì khác nhau!

– Chẳng khác nhau chút nào. – Rachel đáp. – Nếu anh đã nghiên cứu tất cả mọi loại đá trên trái đất.

Corky im lặng giây lát.

– Thôi được, – cuối cùng ông ta nói – nếu cô thấy có vấn đề thì chúng ta bỏ qua hàm lượng nickel. Chúng ta vẫn còn lớp vỏ bị nóng chảy và các chodrule.

– Chắc chắn rồi. – Rachel nói, vẫn chưa hết nghi ngờ. – Hai trong ba bằng chứng, không tồi chút nào.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.